Cho thêm ý- Tác giả: Bình- Nhật- Nguyên

Văn thơ Công giáo

4. Cho thêm ý, nguồn thơm thêm đầy rẫy

Trong cuộc sống chúng ta, xem ra nhiều lúc Thiên Chúa cũng câm nín. Nhưng nếu Ngài câm nín, chúng ta phải biết, Ngài có một lý do chính đáng. Thiên Chúa không bao giờ ngoảnh mặt với chúng ta; đúng hơn, sự im lặng của Ngài là một cách thức để lôi kéo chúng ta, thậm chí, đến gần Ngài hơn; hơn cả việc Ngài muốn chúng ta thuộc về Ngài tức thì ngay khi Ngài hét ‘thật to, thật rõ’ điều đó! Sự im lặng của Thiên Chúa không nhất thiết là dấu hiệu của việc Ngài chẳng thiết tha gì đến chúng ta hoặc không thích chúng ta; nhưng việc Ngài ‘không đáp lại một lời’ thường là dấu hiệu cho thấy ‘một hành động mang tính thanh luyện’ nhằm lôi kéo chúng ta đến việc biểu lộ đức tin của mình lên một cấp độ cao hơn, đầy đủ hơn và dĩ nhiên, mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần.

Trong những ngày hôm nay, xem ra Thiên Chúa vẫn ‘không đáp lại một lời’ khi chúng ta đang rên siết trước dịch bệnh. Vậy mà, Ngài đang ở với chúng ta, khóc với chúng ta, lắng nghe chúng ta. Và dẫu Ngài không nói một lời nhưng sự hiện diện của Ngài thì thật kỳ diệu! Ngài đang vướng víu trong bộ đồ bảo hộ nặng nề phải mặc suốt ngày của các y, bác sĩ và các nhân viên; Ngài ở trong những trái tim nhân ái sáng tạo ATM gạo, và cả ATM Oxy; Ngài ở trong những bác nông dân đang thu góp hoa màu, chất lên những ‘chuyến xe chạy ngược’…[1]

Bây giờ, Thiên Chúa ‘không đáp lại một lời’, không phải Ngài không nghe chúng ta nói, cũng chẳng phải Ngài không giúp đỡ chúng ta, nhưng Ngài đang chờ đợi sự nổ lực của chúng ta. Ngài ‘không đáp lại một lời’, nhưng rồi Ngài sẽ hỏi chúng ta:

(31) "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. (32) Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. (33) Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

(34) Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (36) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm".

(37) bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; (38) có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? (39) Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?" (40) Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". (Mt 25, 34-40)

Vâng, Lạy Chúa! Xin ‘Cho con thấy Chúa’ trong những phận người mỏng manh khốn khổ đang sống quanh con, để con xác tín rằng Chúa luôn đồng hành bên con.

Đời con như chiếc thuyền trôi
Lênh đênh xuôi ngược dòng đời
Sóng ba đào xô lấp bủa vây
Giữa dòng con chới với tả tơi

Sao con không thấy Chúa
Đưa bàn tay đỡ nâng đời con?
Để mình con chèo chống
Để thuyền con sắp tan giữa dòng.

Xin ban thêm niềm tin để con thấy Chúa luôn đồng hành
Cho con thêm sức mạnh để con thắng vượt ngàn gian nan
Cho con qua khổ đau đường Thánh Giá giúp con tôi luyện
Đức tin vững vàng tình yêu Chúa nồng nàn chứa chan.

(Sr. Hiền Hòa – Cho con thấy Chúa)

Trong thư mục vụ ngày 27/7/2021, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng viết, “Chúng ta đóng cửa nhà thờ, chứ không đóng cửa lòng”:

Cùng với lời cầu nguyện, tôi mời gọi anh chị em tích cực hơn, năng động hơn, dấn thân hơn, nhiệt tình hơn, để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đau khổ. Cũng như các Tông đồ khi xưa, chúng ta dễ phủi tay trốn trách nhiệm: “Xin Thầy cho giải tán dân chúng đi!”. Thầy quặn lòng, nên Thầy không giải tán, mà lại ra lệnh: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6, 37).[2]

Với lời khích lệ của vị chủ chăn, đã có biết bao tâm hồn thiện nguyện hy sinh tiền của, thời gian và sức khỏe để tạo thành vẻ đẹp, “Bốn mùa thơ xanh, xanh như cẩm thạch”, đã làm, “Bốn mùa thơ xanh”, được dồi dào hơn khi, “Cho thêm ý”, và, “xanh như cẩm thạch”, trở thành, “nguồn thơm thêm đầy rẫy”.

Trước đây, trong chương trình, “Tiếng hát vì người nghèo”, Linh mục JB Nguyễn Sang cùng với nhóm cộng tác đã giúp đỡ biết bao cảnh nghèo đói và bệnh tật. Thì bây giờ “Tiếng hát vì người nghèo” – “Ca cầm ca” đã thay việc đàn ca xướng hát, thay việc đi lưu diễn, nhằm quyên góp để tặng những ngôi nhà tình thương cho những người đang sống và cả những áo quan tình yêu cho những ai đã khuất…đã được đổi là “Tay cầm tay” để tổ chức những suất ăn từ thiện, những chuyến hàng chở lương thực, thực phẩm… tiếp tế cho những khu vực bị giãn cách xã hội vì đại dịch. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã biến chương trình ‘Tiếng hát vì người nghèo’ từ chỗ, “Ca cầm ca, tơ đờn vọng dang ra”, trở thành, “Tay cầm tay, tình thương Chúa bao la”.

Vì thế, câu thơ tiếp theo, “Cho thêm ý”, được hiểu như là sự sáng tạo tình yêu nơi mỗi người, là những sự đóng góp ý kiến, sự nâng đỡ tinh thần, cũng như sự hỗ trợ vật chất để giúp những anh chị em đang gặp khó khăn trong đại dịch. Nó tựa như sự đóng góp ít ỏi “năm chiếc bánh và hai con cá” của mỗi người chúng ta, thì câu, “nguồn thơm thêm đầy rẫy”, mang ý nghĩa là sự sáng tạo tình yêu của Thiên Chúa, ‘nguồn thơm’ là hồng ân, là phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhiều đến nỗi sau khi mọi người ăn no nê vẫn còn dư 12 thúng đầy, ‘thêm đầy rẫy’. Rõ ràng, Chúa chỉ cần tấm lòng nhân ái của chúng ta đối với tha nhân thì mọi sự còn lại đã có Ngài lo liệu.

Và bài chia sẻ của Linh mục Minh Anh thật ý nghĩa làm sao, khi nó cho chúng ta thấy phương cách mà Thiên Chúa đã hóa bánh ra nhiều, từ những đóng góp nhỏ bé của chúng ta cho những mảnh đời trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch Covid.

“Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người!”.

Với bài Tin Mừng (Ga 6, 1-15), Chúa Giêsu, như một Êlisê mới, cũng phải ‘đối mặt với một điều không thể’ giống hệt điều mà Êlisê đã đối mặt. Trước hàng ngàn người đang đói, Ngài bảo các môn đệ, “Hãy cho họ ăn!”; Philipphê cũng cự nự, “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. May thay, Anrê cho biết, ở đó, có năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé, nhưng ông cũng đã cự nự, “Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người!”. Nhưng, Chúa Giêsu nói, “Cứ bảo người ta ngồi xuống!”, số đàn ông độ 5.000 người; và Ngài đã cho họ ăn no nê mà vẫn còn dư. Dĩ nhiên, làm được điều đó vì Ngài là Chúa, nhưng sự thật là, Chúa Giêsu vẫn có thể làm mọi điều Ngài muốn; và Ngài cũng có thể làm như vậy trong cuộc sống của mỗi người chúng ta!

Có thể, ngay hôm nay, chúng ta cũng đang ‘đối mặt với một điều không thể’ nào đó! Corona, một dịch bệnh ‘không thể’; một bề trên ‘không thể’; một người chồng, một người vợ ‘không thể’; một đứa con ‘không thể’; hoặc một tình huống ‘không thể’ vượt qua nào đó. Liệu chúng ta có là ‘người của Thiên Chúa’ như Êlisê, như Chúa Giêsu không! Chúa Giêsu đã hoà mình vào cuộc sống của chúng ta, Ngài hiểu sự mệt mỏi và những giới hạn của mỗi người; Ngài không để cho bất cứ ai đói khát, hư mất hoặc tuyệt vọng; Ngài nuôi chúng ta bằng Thịt Máu Ngài, Lời Ngài. Ngài luôn ở đó, nói với chúng ta rằng, “Mỗi khi ‘đối mặt với một điều không thể’, con có biết tìm đến Ta không?”.[3]
(Hình minh họa)
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Can đảm lên, hãy cho sự ít ỏi mà bạn có, các tài năng và của cải của bạn, bạn hãy để những thứ đó cho việc sử dụng của Chúa Giêsu và của các anh em của bạn. Bạn đừng sợ, sẽ không mất đi đâu hết, bởi vì, nếu bạn chia sẻ, Thiên Chúa sẽ nhân lên. Bạn hãy xua đuổi cái tính khiêm nhượng giả dối của bạn cảm thấy mình không thích đáng, hãy tin tưởng. Hãy tin vào tình yêu, vào sức mạnh của sự phục vụ, vào sức mạnh của sự miễn phí.”[4]

Và thế là, tình yêu và lòng nhân ái trong muôn vàn trái tim đã trỗi dậy và rộng mở. Từ những rung động của trái tim, tình yêu đã sáng tạo nên những vẻ đẹp trong từng nghĩa cử yêu thương. Bởi qua ánh mắt, tình yêu đã thấu cảm những nỗi cơ cực của đồng loại. Bằng đôi tai, tình yêu cảm thông được nỗi đau trong từng hơi thở…

Để rồi, những tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết đã khởi xướng lên biết bao hành động yêu thương và nghĩa cử tốt đẹp, “Cho thêm ý”.

4.1. Cho thêm ý: từ những đóng góp của cá nhân

Cho thêm ý: Những shipper thiện nguyện, “Làm những việc nhỏ với tình yêu lớn”.

Cho nên đã có những giáo dân, tu sĩ, cho đến cả linh mục đã trở thành những Shipper thiện nguyện, tự suy nghĩ và sáng tạo ra đủ trăm phương ngàn cách, để có thể làm những công việc dù là nhỏ bé, nhưng với tấm lòng tràn đầy yêu thương dành cho tha nhân. Họ là những thanh niên trẻ tình nguyện đi chợ mua đồ giúp dân, tiếp tế các nhu yếu phẩm cho những người dân ở trong vùng bị phong tỏa, và cả những người ở nơi bị cách ly, mà vẫn luôn vui vẻ, nhiệt tình, không sợ khó khăn, trở ngại.

Bởi vì, “Không phải tất cả chúng ta có thể làm những việc lớn, nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ với tình yêu lớn”. (Thánh nữ Têrêsa Calcutta)
(Ảnh minh họa)

Cho thêm ý: những shipper chuyên chở yêu thương, “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”.

Họ là những nữ tu tay yếu chân mềm, ngày ngày lo tu tập và kinh nguyện, nay đã trở thành những shipper chuyên chở yêu thương. Các Dì không có rau quả và cũng không làm cho rau quả hóa nhiều, nhưng Thiên Chúa đã nhân lên, đã hóa nhiều, nhờ những tấm lòng trắc ẩn biết rộng tay chia sẻ.

Và giữa bao công việc bề bộn, tính hài hước của các Sơ làm chúng ta cảm nhận được câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Trong Sài Gòn nhật ký cách ly, Sơ Minh Du viết cách khôi hài: Tình của người Đắk Lắc, Cam Ranh, Đà Lạt và Sài Gòn dành cho người Sài Gòn khiến cho bà Sơ quên cả việc đi ba gác máy mà được “ông hai mê”![5]
(Các sơ đưa rau đến các khu cách ly)

Làm sao ngăn được trái tim yêu

Thiếu thốn, cô đơn, biết bao điều

Trái tim mách bảo đường tìm đến

Cô vít hay không, nó cũng liều.

Cho thêm ý: “Tôi cũng khổ nhưng phải chia sẻ với người khổ hơn”.

Kể cả những người không mấy dư giả, họ là những người bán cơm vỉa hè, thuê nhà trọ… nhưng họ đã, “Cho thêm ý”, khi trái tim họ rộng mở trước những nỗi khổ của tha nhân.

Bà Hòa cho biết, số cơm từ thiện này là do bà và con cháu trong nhà góp tiền, tự nấu để hỗ trợ người cần. Bà nói, bà bán cơm vỉa hè mấy chục năm qua vẫn phải đi ở nhà trọ. Nhiều năm lăn lộn, bà thấu hiểu nhiều cảnh khổ nên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà càng thương những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

“Tôi khổ nhưng phải chia sẻ với người khổ hơn lúc khó khăn này”, bà Hòa nói.[6]
(Bà Hòa phát cơm từ thiện)

Cho thêm ý: Có thể nhịn ăn nhưng không thể "nhịn" thở.

Con người sống không chỉ cần có cơm bánh, mà còn sống nhờ nước và không khí. Biết bao người nhiễm Covid đã ra đi vì không có đủ máy thở, không đủ oxy để thêm dưỡng khí cho nhu cầu cơ thể. Thế là, tình yêu lại sáng tạo, tình yêu lại, “Cho thêm ý”.

“Tôi nghĩ rằng 1 bịch gạo người ta có thể ăn được vài ba ngày, hoặc thậm chí có thể nhịn ăn 1-2 ngày, nhưng việc thở thì không thể "nhịn" được dù chỉ một vài phút. Sau khi thấy hình ảnh một người cha sau 18h phải cấp tốc đi tìm bình oxy cho con, vì nếu không có bình oxy thì người con đó có thể không thở được, tôi thấy được sự cơ cực của những gia đình có những người thân đang bị bệnh..., anh Hoàng Tuấn Anh nói về lý do anh triển khai ATM bình oxy cấp tốc trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM và nhu cầu sử dụng bình oxy đang hiện hữu.[7]

(Những chiếc bình ATM- oxy)

Cho thêm ý:“Tôi từng ngủ ở dưới gầm cầu, cũng từng mơ ước…”.

Trước tình cảnh người lao động bị giãn cách xã hội, họ không còn công ăn việc làm lại Sài gòn cũng như ở các tỉnh lân cận. Những con người khốn khổ đành dắt díu nhau trở về làng quê của mình, để tìm nơi nương tựa.

Thấy cảnh tha phương cơ cực của người dân xa quê, trái tim chị Huệ đã bắt được những nhịp đập mệt mỏi và rời rã của người dân đang vất vả, cố chắt chiu từng đồng, để tìm cách về lại quê nhà, thì tấm lòng nhân ái của chị đã, “Cho thêm ý”, khi vừa gửi cho họ chút tiền làm lộ phí, chị vừa nghẹn ngào chia sẻ:

“Tôi từng ngủ ở dưới gầm cầu, cũng từng mơ ước có thật nhiều tiền để trở về quê nên hiểu cảm giác của những người vội vã trở về, những gương mặt mệt mỏi, những ánh mắt buồn lo, đặc biệt là hình ảnh những em bé còn quá nhỏ. Đau xé lòng! Dịch bệnh đã làm bao gia đình điêu đứng. Khi rời nhà rời quê đi làm ăn chắc không ai nghĩ có ngày trở về trong hoàn cảnh như thế”.[8]
(Chị Huệ tặng tiền cho những người về quê chống dịch)

4.2. Nguồn thơm thêm đầy rẫy: đến những sáng kiến của tập thể

Từ những nghĩa cử tự phát đơn lẻ, “Cho thêm ý”, để giúp người dân trong vùng dịch bệnh, đã khởi phát trong cộng đồng những dự án và chương trình rộng lớn hơn mang tính tập thể. Những sự đóng góp như lớp lớp những con sóng nhân ái cuồn cuộn vỗ vào bến bờ yêu thương, càng làm cho, “Nguồn thơm thêm đầy rẫy”. Phải chăng, đó là phương cách mà Thiên Chúa đang làm ‘cấp số nhân’ lòng bác ái của chúng ta.

Nguồn thơm thêm đầy rẫy: những ‘Tấm vé nghĩa tình’.

Với ‘Vòng tay Việt’, những ‘Siêu thị Mini 0 đồng’ đã ra đời, những ‘Tấm vé nghĩa tình’ xuất phát từ tình thương của nhiều người đã gởi những đóng góp về nơi Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, hy vọng mang đến sự an ủi phần nào nỗi đau thương khốn khổ mà người dân nghèo đang phải gánh chịu do đại dịch Covid gây ra. Nhiều người nhận tấm vé này đã tâm sự về hoàn cảnh khốn khổ. Một chị kể: “Thất nghiệp mấy tháng nay, không có tiền còn phải nuôi cha mẹ già yếu và một đứa cháu”. Có gia đình cả hai vợ chồng đều thất nghiệp. Rất nhiều hoàn cảnh khó khăn... kể không hết![9]
(Tấm vé nghĩa tình- Siêu thị Mini 0 đồng với sự đồng hành của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)

Nguồn thơm thêm đầy rẫy: “Tấm lòng người Vinh không xa”.

Đến những anh chị em tận miền Trung xa xôi, tuy đất đai không được màu mỡ, hoa lợi không nhiều, nhưng cũng tích cóp những chuyến hàng giàu tình thân ái, để chia sẻ bớt nỗi khốn khổ của anh chị em miền Nam.

Trong chuyến hàng, “Giáo phận Vinh cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch Covid-19”, Lm. Ngô Sĩ Đình, OP viết: “Vinh cách Sài Gòn 1.400km, nhưng tấm lòng người Vinh lại không xa. Không xa không chỉ vì rất nhiều con cái Vinh đang sống và làm việc tại Sài Gòn, không xa không chỉ vì bóng dáng Sài Gòn thấp thoáng ở Vinh mỗi khi Vinh gặp hoạn nạn, nhưng không xa còn vì người Vinh rất giàu tình tương thân tương ái”.
(Chuyến xe của giáo phận Vinh hướng về Sài Gòn)

Làm sao cản được trái tim thương

Vất vả gian nan khắp nẽo đường

Trái tim vượt cả ngàn nguy hiểm

Cô vít sợ gì, dẫu có vương.

Nguồn thơm thêm đầy rẫy: ‘Chẳng lẽ chúng ta lại đứng nhìn’

Đến những vùng xa xôi như Đạ Tông, Đưng K’nớ, Lộc Tân… bà con đồng bào dân tộc cũng lên rừng thu hái rau, măng, trái cây và góp thêm những gì họ có trong vườn để chuyển đến Caritas Sài Gòn.

Thật cảm động khi có nhiều em nhỏ theo cha mẹ ra nương rẫy thu hoạch bầu, bí, rau là sản phẩm tự cung tự cấp hằng ngày của gia đình để gởi về vùng dịch Covid-19.

Một thành viên trong Caritas Đà Lạt chia sẻ: “Thiên Chúa đang quặn đau trước nỗi khổ của con người, Ngài đang ôm ấp nỗi đau của phận người chúng ta, đặc biệt trong đại dịch Covid này. Trước hình ảnh cụ già gầy guộc bên bình thở oxy, trẻ thơ bơ vơ một mình bước vào khu cách ly, những người lao động bôn ba xuôi ngược vật vã trên đường về quê, bác sĩ và nhân viên y tế miệt mài chữa trị, và nằm xoài ra sàn để lấy lại sức. Còn chúng ta thì sao? Chẳng lẽ chúng ta đứng nhìn? Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: ‘Một trong những căn bệnh lớn nhất là sống mà không giúp ích cho ai’, chúng tôi tin rằng các hoạt động chúng ta đang làm là một trong những phương thuốc chữa lành những hậu quả của đại dịch”.[10]
(Các em nhỏ theo cha mẹ thu gom nông sản)

Nguồn thơm thêm đầy rẫy: “Ai rồi cũng có lúc ốm đau”.

Cả đến những anh chị công an mà đôi khi chúng ta ngỡ rằng, công an chỉ biết giữ luật pháp và công lý. Thì nay những trái tim đó đã cùng một nhịp đập với những người dân khốn khổ.

Và thật xúc động khi nghe Thượng tá Đỗ Duy Hải, Trưởng Công an huyện Gio Linh, Quảng Trị, chia sẻ: “Ai rồi cũng có lúc ốm đau, Sài Gòn cũng không là ngoại lệ. Mấy ngày nay, trên mọi nẻo đường, mọi vùng quê, mọi tầng lớp nhân dân đều chung tay hướng về Sài Gòn với tất cả yêu thương, chia sẻ, động viên. Thực sự làm mình cay cay nơi khoé mắt, cũng thực sự hạnh phúc khi được sống ở đất nước này!”

(Công an Gio Linh vận chuyển 22 tấn lương thực, thực phẩm vào giúp đỡ người lao động nghèo 
ở TP Hồ Chí Minh)

Nguồn thơm thêm đầy rẫy: Biệt đội taxi chạy đua với tử thần, “Cấp cứu được bệnh nhân nhanh nhất mới là quan trọng”.

Rồi đứng trước tình cảnh của những bệnh nhân bị F0 phải đành đoạn ra đi, vì không có đủ xe cấp cứu vận chuyển đến bệnh viện. “Cho thêm ý”, đã trở thành, “Nguồn thơm thêm đầy rẫy”, khi với sự hợp sức của Sở y tế thành phố cùng hãng xe Taxi Mai Linh đã kịp thời cho ra đời, ‘Biệt đội taxi chạy đua với tử thần’.

Ông Dũng tâm sự: “Dù chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng vừa nhận thông báo cuốc xe cấp cứu F0 đầu tiên tay chân tôi run lẩy bẩy. Chạy tới nơi gặp bệnh nhân hơn 60 tuổi, thở không nổi, người nhà thì cứ khóc lóc nên mình thấy đau lòng hơn là run sợ. Sau chuyến đó, tôi tự tin hơn khi cầm vô lăng, đặt mục tiêu làm sao chạy nhanh nhất, cấp cứu được bệnh nhân nhanh nhất mới là quan trọng. Nhìn bệnh nhân hôn mê tím tái được dần hồi phục, chúng tôi như tiếp thêm động lực”.

Anh Hoàng cũng chia sẻ: “Dù có vác bình oxy 15kg chạy 500m vào hẻm hay chạy xa hơn nữa thì dù có mệt đến mấy đi nữa, mà cứu kịp bệnh nhân F0 thì em cũng thấy vui vẻ, phấn khởi, có thêm động lực để theo nghề”.

Hoàng ôm bình oxy chạy thẳng vào nhà bệnh nhân F0. Ảnh: Độc Lập)

Nguồn hương thêm đầy rẫy: Trạm tiếp sức tình thương, “Không thấy mệt mà cảm thấy rất vui”.

Rồi những ngày qua, khi thấy từng đoàn người tay bồng tay bế, tay xách nách mang, chắt chiu nhau trên những chiếc xe máy đã mòn cả lốp. Họ phải ăn bờ ngủ bụi, phải gắng sức vượt những đoạn đường dài hàng trăm cây số, để tìm về nơi quê nhà bình an.

Tu Đoàn Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ tại Giáo phận Phan Thiết đã trở thành điểm tiếp sức cho những anh chị em di dân khố khổ này. Không chỉ hỗ trợ cơm, nước, bánh trái, các tu sĩ còn hỗ trợ thêm xăng và kiêm luôn việc sửa xe cho những người bị hư xe dọc đường. Các thầy chia sẻ, dù làm việc luôn tay luôn chân, không ngơi nghỉ, nhưng không thấy mệt mà cảm thấy rất vui vì có thể gánh vác, san sẻ giúp bà con bớt nỗi nhọc nhằn, tiếp thêm năng lượng giúp họ vượt qua hành trình dài một cách an toàn, về đến nhà được bình an.[11]
(Tu đoàn Bác ái xã hội)

Nguồn hương thêm đầy rẫy: Trạm sửa xe xuyên đêm, “Tất cả đều được miễn phí cho bà con”.

Và ngọn lửa trong những trái tim yêu thương lại bùng lên khi họ luôn tìm đủ mọi cách thế để có thể giúp đỡ một điều gì dù là nhỏ nhặt cho một ai đó đang cần. Thế là trạm sửa xe xuyên đêm đã quy tụ lại những ngọn lửa soi chiếu đêm thâu.

“Mỗi tối, chúng tôi hỗ trợ sửa chữa được hơn 30 xe với nhiều công việc khác nhau như: thay nhớt, thay ruột, đóng bi, kiểm tra máy móc. Tất cả đều được miễn phí cho bà con”, “Lúc nào còn được giúp bà con thì nhóm tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con hết mình. Những người trong nhóm chúng tôi đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như: cắt tóc, sửa xe, chạy xe ôm công nghệ…”, anh Vũ chia sẻ.[12]
(Sửa xe xuyên đêm để người dân kịp về)

Nguồn hương thêm đầy rẫy: Bát súp nóng giữa núi rừng Hải Vân, “Chị ơi, súp nóng ngon lắm, chị ăn đi cho lại sức!”.

Không thạo kỹ thuật sửa xe như cánh mày râu, các chị em lại có sáng kiến làm ấm lòng những người dân quê, đang kiệt sức trên chặng đường ma-ra-tông đầy gian khổ, bằng những bát súp nóng giữa núi rừng Hải Vân.

“Chúng tôi mệt lắm vì đường dài, phải đi chậm vì có nhiều trẻ con, có đứa nhỏ còn chưa được một tuổi. Biết vượt đường xa về quê sẽ vất vả, nhưng dịch bệnh như vậy chúng tôi không còn tiền để trọ, không còn tiền mua sữa cho con”, anh Trần Hà, một người dân Thanh Hóa, trở về từ TP.HCM nói.

Nhiều người trong số họ mệt lả đến nỗi không nhận nổi đồ ăn. Các tình nguyện viên phải động viên: “Chú ơi, đây là súp còn nóng lắm, chú húp một miếng cho đỡ mệt!”; “Chị ơi, súp nóng ngon lắm, chị ăn đi cho lại sức!”...[13]

(Đà Nẵng nấu 500 bát súp nóng tặng người dân về quê tránh dịch)


Nguồn hương thêm đầy rẫy: “Cầm ổ mỳ thịt còn nóng hổi … từ tay một chiến sỹ CSGT Quảng Bình… chị rơi nước mắt”

Biết đoàn người đi về đã phải vượt một chặng đường rất dài, nên trước đó, Công an tỉnh Quảng Bình đã mua nước uống, lương khô, bánh mỳ và nhiều suất ăn khác để tiếp sức cho mọi người.

Cầm ổ mỳ thịt còn nóng hổi và chai nước khoáng từ tay một chiến sỹ CSGT Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Ngà, quê Nghệ An rơi nước mắt. Chị kể, vợ chồng chị và con nhỏ rời thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/7 và đến ngày 25/7 thì chạy xe máy về đến Quảng Bình, trên đường đi,… hết lương thực cũng cố chạy xe để về quê, khi gặp được CBCS Công an tỉnh Quảng Bình động viên, chia sẻ, giúp đỡ, chị và mọi người như cảm giác đã về được đến nhà, được ở bên cạnh những người thân của mình.[14]
(Công an Quảng bình tặng bánh mì, nước cho đoàn người về quê)

Và còn biết bao nhiêu nghĩa cử bác ái, ấm tình người mà tôi không cách nào kể cho hết, nói cho tường. Thật đúng là “Chim ngàn trăng đem tiếng lạ về ca”. Tiếng lạ của những con chim đầy tình nghĩa, đã sáng tạo ra đủ mọi phương cách để tha mồi về cho những con chim đang gặp hoạn nạn, khó khăn, không còn đủ sức tự mình cất cánh. Và chính những “tiếng lạ” đó đã làm tình người càng lúc, “Cho thêm ý, nguồm thơm thêm đầy rẫy”.


Cho nên khi viết, “Cho thêm ý, nguồn thơm thêm đầy rẫy”, thi sĩ họ Hàn giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn, khi sự hiệp thông trong tình yêu được chia sẻ qua những công việc bác ái, “Cho thêm ý”, thì ân sủng của Thiên Chúa càng đổ tràn trên tất cả mọi người, không trừ một ai, “nguồn thơm thêm đầy rẫy”.

Và thật ấm lòng khi nghe ca từ bài hát “Bao la Tình Chúa” của nhạc sĩ Giang Ân:

Xa xôi ngày tháng êm trôi, yêu thương như nước xuôi dòng.

Mặn nồng như làn hơi ấm, đổ đầy mưa nắng đời con.

Còn gì như ân tình Chúa, dắt dìu con bước trong đời.

Từng nhịp chân yêu thương, từng nhịp chân yêu thương.


Hồng ân Chúa như mưa như mưa.

Rơi xuống đời con miên man miên man.

Nâng đỡ tình con trong tay trong tay.

Vòng tay thương mến.

Đời có Chúa êm trôi êm trôi.

Chúa dắt dìu con luôn luôn không thôi.

Có Chúa cùng đi con không đơn côi.

Ôi tình tuyệt vời!
(Ảnh: Internet)

Nhưng điều quan trọng là khi phục vụ chúng ta phải chân tình, khiêm nhường và quên mình như lời dặn dò của Đức Giám mục Đỗ Văn Ngân:

Chúng ta ý thức chân thành việc chúng ta đang chung tay làm cần phải với cả tấm lòng và lặng lẽ như bao nhiêu cha mẹ… lo cho con cái… mà chẳng kể công… mà hiền nhân Lão Tử gọi đây là ‘Đức của Trời’, lo mọi sự cho thiên hạ mà luôn luôn lui về sau… Nhất là chúng ta đã ghi lòng lời Chúa chúng ta: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm!” (Mt 6:3)…[15]

Lạy Chúa Giêsu!

Chúa đã sống tình liên đới sâu xa,

không chỉ động lòng trắc ẩn với người ta,

mà còn hiến mạng sống mình vì thiên hạ.



Con thường hay sống vô tâm

nên đã gây nên nhiều khổ lụy:

người kia đói khát, vì con quá no nê;

người này rách rưới, vì con chạy theo “mốt”;

người nọ thiếu thốn, vì con quá dư thừa;

trẻ hư hỏng vì con không làm gương sáng;

bao người khốn khổ vì con thiếu đỡ nâng.


Liên đới đòi con gánh trách nhiệm,

không phủi tay thoái thác cho người khác.

Bao nhiêu khốn khổ lan tràn trên thế giới,

không chỉ vì hành vi gian ác của kẻ xấu,

mà còn vì sự im lặng của người tốt.


Liên đới là đóng góp phần mình,

cho dù là ít ỏi không đáng nói,

nhưng là tất cả của tấm lòng,

để Chúa biến thành điều cao trọng,

làm nên sự sống mới cho con người.


Xin cho trái tim con luôn nối kết,

sống hiệp thông với hết mọi người

luôn làm triển nở tình liên đới,

đem lại an bình cho khắp nơi. Amen.[16]


(Trích tập: Những tiếng chim trong mùa Covid)
----------------------------
[1] Lm Minh Anh, Không đáp lại một lời, Nguồn: https://tonggiaophanhue.net/loi-chua/suy-niem-moi-ngay/khong-dap-lai-mot-loi/

[2] ĐTGM Giuse Nguyễn Năng, Chúng ta đóng cửa nhà thờ chứ không đóng cửa lòng, Thư mục vụ ngày 27-7-2021, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-muc-vu-ngay-27-7-2021-63947

[3] Lm Minh Anh, Đối mặt với một điều không thể, Nguồn: https://tonggiaophanhue.net/loi-chua/suy-niem-moi-ngay/doi-mat-voi-mot-dieu-khong-the/

[4] ĐTC Phanxicô, Kinh Truyền Tin « Nếu bạn chia sẻ, Thiên Chúa nhân lên », http://baigiangdtc.dk/2021/07/25/kinh-truyen-tin-neu-ban-chia-se-thien-chua-nhan-len/

[5] Sr Minh Du, ngày 16/7: saigon nhật ký cách ly 10 - bà sơ “ông hai mê”!

[6] Nguyễn Sơn, Gõ cửa từng nhà tặng khẩu trang, chung tay phát cơm 0 đồng, Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/go-cua-tung-nha-tang-khau-trang-chung-tay-phat-com-0-dong-742343.html#inner-article

[7] Khánh Linh, Cha đẻ ATM gạo lập ATM oxy giao tận nhà: "Thở thì không thể "nhịn" được", Nguồn: https://laodong.vn/nguoi-viet-tu-te/cha-de-atm-gao-lap-atm-oxy-giao-tan-nha-tho-thi-khong-the-nhin-duoc-937690.ldo

[8] Nguồn: https://giadinh.net.vn/xa-hoi/chan-dung-hai-nguoi-phu-nu-tang-phong-bi-tien-cho-nguoi-dan-ve-que-tranh-dich-2021080210180179.htm

[9] Tiến Hương, Tổng giáo phận Sài Gòn: “Tấm vé nghĩa tình” - Siêu Thị Mini 0 đồng, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/tong-giao-phan-sai-gon-tam-ve-nghia-tinh-sieu-thi-mini-0-dong-63946

[10] Caritas Đà Lạt: Hơn 255 tấn nông sản hướng về vùng dịch Covid-19, Nguồn: http://giaophanxuanloc.net/tin-giao-hoi/caritas-da-lat-hon-255-tan-nong-san-huong-ve-vung-dich-covid-19-17684.html

[11] Nguồn: http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/tu-doan-bac-ai-chua-kito-toi-to-tiep-suc-nguoi-ve-que_a13168

[12] Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tho-cat-toc-xe-om-cong-nghe-xuyen-dem-sua-xe-mien-phi-cho-nguoi-dan-ve-que-chong-dich-c46a1276807.html

[13] Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-da-nang-nau-500-to-sup-nong-don-tang-doan-nguoi-ve-que-tranh-covid-19-1423265.html

[14] Nguồn: https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Luc-luong-Cong-an-tiep-suc-cho-nguoi-dan-ve-que-tranh-dich-i622069/

[15] Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục giáo phạn Xuân Lộc, Thư của Đức Cha Giáo Phận - "Như một trang nhật ký", Nguồn: http://giaophanxuanloc.net/tin-giao-phan/thu-cua-duc-cha-giao-phan---nhu-mot-trang-nhat-ky-17655.html

[16] Lm Thái Nguyên, Lời nguyện từ trái tim, Xin ơn sống tình liên đới, Nguồn: https://gpcantho.com/24-xin-on-song-tinh-lien-doi/