(Ảnh: Internet)
Cu Kem chau mày nhìn vào góc phòng. Còn năm ngày nữa mới tới Lễ Giáng Sinh nhưng quà đã chất đống. Người ta xếp hàng cho quà nó từ hơn một tuần nay. Chả là ba dượng nó làm sếp mà lỵ, phong bì ổng đưa mẹ cất đi, còn quà thì quẳng vô phòng nó cái xoẹt, chẳng bao giờ nhìn ngó xem là món gì vì chẳng bao giờ mẹ và ba dượng mở quà cùng nó, cũng chẳng chơi đồ chơi với nó bao giờ. Đây là năm thứ ba nó đón Giáng Sinh một mình, kể từ ngày mẹ theo ba dượng vào Sài Gòn sinh sống. Năm đầu nó sung sướng vô cùng vì có nhiều, thật nhiều đồ chơi, đặc biệt là những đồ chơi đắt tiền mà trước đây nó chỉ được thấy trên Tivi như rôbốt, ô tô, máy bay điều khiển từ xa, ấy thế mà giờ có đến mấy bộ. Nhưng sự hào hứng sớm trở thành nỗi thất vọng tràn trề khi nó không biết chơi cùng ai. Mấy đứa bạn cùng lớp suốt ngày cắm đầu vào ipad, còn chê đồ chơi của nó là “hàng lởm”, là “nhàm chán”. Ba dượng thì khỏi phải nói rồi, chả mấy khi ổng ở nhà, mà có về thì cũng chỉ để ăn uống, tiếp khách hoặc trong trạng thái say xỉn và lăn ra ngủ, buổi sáng khi nó dậy thì ổng đã đi tự khi nào. Mẹ nó từ khi vào Xì Gòn suốt ngày trang điểm lộng lẫy, đưa nó đến lớp rồi đi miết đến nửa đêm mới về nhà, mọi việc từ đón nó học về, tắm rửa, cho ăn đến bảo ban nó làm bài tập về nhà, giục đi ngủ đều giao phó cho bác giúp việc theo giờ mà bác thì lúc nào tất bật lau chùi ngôi nhà rộng lớn và giặt ủi mấy chục bộ váy áo mẹ nó thay ra mỗi ngày bởi chỉ cần nhà có chút bụi hay một chiếc áo không phẳng phiu là mẹ nó la bác tới bến. Hai năm nay Giáng Sinh với nó trở nên chán vô cùng chán khi nhìn cảnh bạn bè được đi chơi đêm, được hồi hộp đón quà Ông già Noel vào sáng hôm sau, cùng bố mẹ khui quà và cùng chơi cả ngày hôm đó. Mà đêm Giáng Sinh ở cái đất Xì Gòn này cũng chẳng có một chút lạnh để diện đồ ấm gì cả. Nó thèm cảm giác cùng bố mẹ ngồi bên bếp ngô nướng ven đường Hà Nội, vừa thổi vừa ăn như năm nào…
- Sao ngồi như ông phỗng thế kia. Học bài đi rồi còn uống sữa mà đi ngủ đi con.
Tiếng bác Tuyết cắt ngang dòng suy nghĩ của cu Kem. Nó đưa tay quệt ngang mắt, bực dọc ném bộ đồ chơi gần nhất vào tường đánh “cạch” một cái làm bác giật nảy mình:
- Ớ, bộ đồ chơi đó đắt lắm à nha. Mẹ con mà biết là mắng vốn đấy!
Nó vùng vằng ngoảnh đi, lôi quyển tập ra vứt xoẹt lên bàn, đôi mắt ầng ậc nước:
- Mấy lần con còn bỏ thùng rác ấy chứ, mẹ con có bao giờ nhìn đâu. Cái “Vòng quay vô cực” này làm sao chơi một mình được!
- Ớ thế hử? Hôm nay bác xong việc sớm, mẹ con điện về muộn, hay là bác chơi với con nghen, xem nào xem nào, có vẻ như lắp ráp khó ghê ta, chơi thế nào biểu cho bác với…
“Được lời như cởi tấm lòng”, cu Kem sung sướng nhảy cẫng lên, đùi đập vào cạnh bàn “bộp” một cái nhưng chẳng thấy đau tí nào. Nó vội vã mang hai bộ đồ chơi “Vòng quay vô cực” ra hướng dẫn bác lắp ráp thế này, rút dây thế này, làm thế này mới quay được lâu và sướng ơi là sướng vì bác lúc nào cũng thua, người lớn gì mà kém quá!
- Hay là chiều mai tan học con theo bác qua Cô Nhi Viện nghen. Các bạn ở đó thiếu thốn đồ chơi lắm. Con cứ mang các đồ chơi cũ cho các bạn cũng được, còn bao hộp đồ chơi năm ngoái chưa khui này…
- Cô Nhi Viện là nơi nào vậy bác?
- Là nơi nuôi dưỡng Cô Nhi ấy, con không biết à?
- Dạ không, Cô Nhi là ai vậy ạ?
- Ấy dà. Nói thế nào nhỉ. Là những bạn mất cha, mất mẹ hoặc cha mẹ bỏ rơi, không chơi cùng các bạn ấy.
- Vậy là giống như con hả bác?
- Hả, cái gì cơ. Con nói bậy bạ gì thế! Ý bác là cha mẹ các bạn ấy đã chết, hoặc còn sống nhưng không đủ tiền nuôi các bạn ấy nên Cô Nhi Viện đưa về nuôi. Mà thôi, đến đó con mới hiểu được…
****
Cô Nhi Viện hôm nay không có nắng. Cái rét đậm rét hại của Miền Bắc dường như thổi một làn gió se lạnh vào ngoại thành Sài Gòn, mang lại một chút không khí Giáng Sinh. Khi hai bác cháu bước qua cổng Viện, cu Kem có cảm giác như được trở về mái nhà xưa ven đô Hà Nội, nơi không khí trong lành, yên tĩnh đầy hoa thơm trái ngọt, khác xa cái cảnh khói bụi trong nội thành.
Đón hai bác cháu là một bà Xơ trong trang phục “đen toàn tập” từ đầu đến chân, từ lúp đến giày, đúng như bác Tuyết mô tả. Xơ dẫn hai người vào gian phòng “sinh hoạt chung” của Viện, nơi có khoảng hơn mười đứa trẻ tầm tuổi cu Kem. Tụi trẻ sướng rơn, mắt sáng lên khi bác Tuyết mở túi quà chứa đầy đồ chơi “xịn”. Nhưng cu Kem lại đặc biệt chú ý đến một anh lớn hơn nó chừng dăm tuổi ngồi ở góc nhà, mặt cúi gằm xuống. Nó cầm lấy một món đồ chơi tính đưa qua cho anh thì bà Xơ ngăn lại:
- Anh ấy không chơi đồ chơi bao giờ đâu. Với cả là ảnh bị trầm cảm, con chưa quen tốt nhất là đừng lại gần, ảnh dễ nổi khùng lắm đó con…
Cu Kem sợ hãi, “Dạ, vâng ạ”, rồi đặt món đồ chơi xuống và lùi lại. Nó cố giỏng tai nghe câu chuyện bà Xơ đang thở dài nói với bác Tuyết:
- Tội nghiệp thằng bé. Nó mới chuyển về đây từ Trung tâm bảo trợ được mấy tháng. Mẹ nó bị tai nạn giao thông, không nhận dạng được. Chắc nó sốc quá nên á khẩu. Mấy năm rồi vẫn chưa tìm được cách để nó nói nên không biết được quê quán hay thông tin người thân, số điện thoại,… để đưa nó về với gia đình.
Nhưng rồi chỉ chốc lát cu Kem đã sớm quên chuyện của “anh khùng”, nó hào hứng chỉ cho các bạn cách chơi “Vòng quay vô cực” rồi cả đoàn kéo nhau ra sân tỷ thí. Mấy trò điều khiển rôbốt, xe đua cũng phải ra sân chơi mới “đã”.
Chơi một lúc, cu Kem buồn đi vệ sinh. Nó chạy xuyên qua phòng “sinh hoạt chung”, khi quay lại vội vội vàng vàng thế nào dẫm phải một món đồ chơi, ngã lăn quay ra, chân tay đau tê tái tưởng không đứng dậy nổi, bật khóc “Ái da, đau quá”. Nó chợt mừng rỡ khi thấy một cánh tay chìa ra trước mặt. Ngẩng đầu lên, niềm vui của nó vụt tắt khi thấy “anh khùng” đang cúi xuống, nó vội rụt tay lại. Nhưng “anh khùng” mỉm cười, trông rất hiền từ khiến nó quá đỗi ngạc nhiên. Nó ráng xoay người ngồi dậy đã thấy “anh khùng” ở ngay bên cạnh, thì thầm:
- Này, mày cũng người Hà Nội hả mày?
- Dạ vâng ạ - cu Kem ngạc nhiên, “anh khùng” này cũng nói giọng Hà Nội.
Nó cầm lấy món đồ chơi lên, chìa ra cho “anh khùng”:
- Anh chơi trò này không?
- Xí, mấy món đồ chơi rẻ tiền, năm xưa tao có cả đống, “hịn” hơn nhiều…
- Xí xạo, vậy sao anh ở đây?
- Mẹ tao dẫn tao vào đây tìm bố, bị cướp giật, ngã vào ô tô…
- Sao lại vào đây tìm bố? Bố anh bị lạc à?
- Điên, bố tao người lớn mà lạc gì được. Là bố tao theo một mụ phù thủy “giật chồng người khác” vào đây…
Gió lạnh từ bên ngoài bỗng thốc qua cửa sổ như hòa vào giọng nói đầy phẫn nộ của “anh khùng”. Cu Kem rùng mình. “Giật chồng người khác” - nó còn quá nhỏ tuổi để có thể hiểu hết bốn chữ này. Chỉ là nó đang nhớ đến cảnh năm xưa ba người phụ nữ túm tóc lột áo mẹ nó trước cổng trường Mầm Non cũng gào lên cụm từ đó…