(Ảnh: Internet)
Nhà nó có một cây hồng to rất sai quả mà nó cũng tên là Hồng nên tôi hỏi:
- Vì sao cha mẹ mi đặt tên mi là Hồng?
- Vì cha mẹ tau thích tau xinh đẹp như một bông hoa hồng.
Nhìn làn da ngăm đen, khuôn mặt tròn xoe và người béo ú của nó. Tôi cười ầm lên:
- Mi có mà giống quả hồng thì có!
- Hả, mi nói… à mà mi dám nói thật hả???
Thế rồi nó rệt tôi chạy tóe khói, vừa chạy vừa la to:
- Dzậy cớ seo mặt dài đuỗn người gầy tong như mi mà ba mạ mi đặt tên là Hoa?
Đuổi đánh vậy thôi chứ ít hôm là hai đứa làm hòa. Tôi lại thường xuyên qua nhà nó. Hôm thì làm bài tập nhóm, khi thì chơi nhảy dây, nhưng thích nhất là được ra vườn hái quả ăn. Mùa nào cũng có hoa quả ngon. Mùa đông có cam, mùa xuân có đu đủ, hè thì ăn xoài, ổi, nhãn. Chỉ duy mùa thu là rất chán, có mỗi cây hồng mà quả chát xít, nếu có chín cũng phải đem ngâm mới ăn được nhưng tôi chỉ thích hái ăn ngay trên cây cơ. Mẹ nó bảo là hồng ngâm, thường chín vào dịp Trung thu và bà thường mang đi bán. Bà quý cây hồng đó lắm, nghe đâu tuổi tác cũng ngang ngửa bà.
Giáo xứ tổ chức làm thiện nguyện “Trung thu cho trẻ nghèo”. Tôi hăng hái tham gia lắm, “huynh trưởng” cơ mà. Mặc dù kinh phí eo hẹp nhưng chúng tôi cũng đã huy động được nhiều thứ, nào đèn lồng, đồ chơi, bánh kẹo, nào bim bim,… Chỉ còn món hoa quả thì vào dịp này khá đắt, nhưng Trung thu mà thiếu hoa quả thì nói làm gì nữa? Cả nhóm “huynh trưởng” chụm đầu bàn bạc, chỉ còn vài ngày nữa là Trung thu rồi, gấp quá, chỉ còn cách “giao chỉ tiêu” cho con bé Hồng thôi, vì nhà nó có nhiều hoa quả mà. Nhưng bé Hồng phân bua với tôi là mùa này nhà nó chỉ có mỗi món hồng ngâm là có thể “lo” được mà thôi. Tôi hỏi “làm như nào”, nó thầm thì “thế này, thế này…”
Như kế hoạch, tôi lách nhẹ qua cửa nhà Hồng đã cố tình để hở, còn nó đứng nép sát tường giữ chó. Con Mun gầm gừ một tí nhưng nhận ra tôi là vẫy đuôi rối rít. Tôi mò ra sân sau, tới chỗ có chậu hồng đang ngâm để bán, nhẹ nhàng vớt hồng cho vào cái túi mang theo. Đang mải mê vớt hồng thì có tiếng chân mẹ Hồng đi loẹt quẹt phía sau. Tôi hốt hoảng rón rén lùi vào bếp, bỗng có một bàn tay kéo ngược tôi qua cửa bếp và bịt miệng tôi lại. Tôi luống cuống trong bóng tối. Định thần lại hoá ra là anh Hưng nhà cái Hồng. Anh cứu nguy cho tôi. Nhìn lại thấy anh đang ôm tôi vào lòng. Tôi nghe rõ tiếng lồng ngực đối phương đang đập thình thịch, thình thịch. Vậy mà tôi không dám nhúc nhích vì sợ mẹ Hồng tóm gọn. Khi nghe tiếng dép của bà nhỏ dần và mất hẳn anh mới thả tay ra. Cả hai đều ngượng ngùng. Tôi bối rối không biết làm thế nào liền đưa túi hồng vào tay anh, tính lẻn ra ngoài. Anh kéo lại bảo tôi mang hồng về, bảo đã theo dõi chúng tôi từ ngoài cổng nên biết mà cứu bồ.
Anh hơn tôi tới năm tuổi và mặc dù biết anh từ thời thơ bé vì hai anh em cùng Giáo xứ nhưng tôi chẳng bao giờ chơi với anh cả, cũng bởi vì tuổi tác chênh lệch như thế. Mười tám tuổi, anh ra Vinh học, lúc đó tôi mới bắt đầu tuổi “thiếu nữ”, bắt đầu biết nhớ thương và dĩ nhiên là không phải nhớ thương anh rồi. Anh cao to nhưng đâu có đập chai như mấy anh giai Hàn K’Pop chứ. Thế mà ngày anh về nhà dự lễ Quan thầy của Giáo xứ, cũng là Quan thầy của tôi, Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng, thường cũng trùng dịp Trung Thu, lại “tương trợ” tôi trong hoàn cảnh đặc biệt như thế.
***
Tôi chẳng hiểu vì sao trái đất lại tròn như vậy, sau nhiều năm mỗi người mỗi ngả, tôi lại hội ngộ với anh ở một Cộng đoàn Sinh viên xa quê, người ta hay gọi tắt đó là “Cộng đoàn Vinh”, cũng nhận Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng làm Bổn mạng. Tôi thấy anh hơi “liều lĩnh” khi học ở Vinh mà bạo gan ra Hà Nội làm, nhưng cũng thầm cảm ơn Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng đã cầu bầu cho một bờ vai rộng sẵn sàng đưa tôi đi lễ dù với chiếc xe đạp lọc cọc. Rồi tôi lại thán phục anh vì đã tự sắm cho mình một chiếc xe máy, anh nói, đó là mồ hôi công sức của anh sau hơn một năm vật vã chốn Hà Thành. Hôm “khao xe” cũng là Ngày Lễ Thánh, anh chở tôi lòng vòng quanh khu Thái Hà thì bất ngờ mưa như trút nước nhưng hai anh em chẳng thể chạy đi đâu được, vì đường tắc, ngập mà không thể vác xe máy lên vai như xe đạp được. Anh cười méo mó:
- Ai bảo đi xe máy sướng hơn xe đạp nào!
Tôi cố cười để động viên anh:
- Chắc tại nay anh chở em, lại đúng ngày lễ Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng nên mới nhận được Mưa Hoa Hồng, Mưa Hồng Ân đó anh.
- Ừ nhỉ, cái số O mi xui mà, hihi. Thôi để anh giật lên vỉa hè vừa đỡ ngập mà mới có thể thoát được đám đông này.
Nói xong, anh cài số và phi lên vỉa hè Nguyễn Lương Bằng. Tôi giật mình chỉ biết phản xạ bằng cách “ôm eo ếch” của anh, thấy anh run lên không rõ vì mưa lạnh hay vì…lần đầu được con gái ôm, nhưng tôi thây kệ. Ta nói “sĩ diện gì giờ này nữa”, sợ té ngã bỏ xừ đi, hơn nữa thôi thì coi như tôi “trả lễ” cho anh mấy năm trước vậy.
Số 180 đây rồi. May quá, cả hai đứa đều kêu lên. Vào được Nhà thờ là coi như “sống” rồi, cũng may còn nhiều thời gian trước giờ lễ. Nhưng “hai con chuột lột” lết vào Đền thánh Giê-ra-đô thế này không ổn lắm. Chúng tôi vội vàng kéo nhau vào… ăn vạ cha Quỳnh. Ngài tủm tỉm cười:
- Bay hỏi mượn chi chứ mượn đồ thay thì cha chịu rồi.
- Dạ, nhưng mần răng đây cha…
Tôi vừa run vừa nói, liếc mắt nhìn anh Hưng môi cũng đã thâm sì vì lạnh, gương mặt còn đẫm nước mưa. Tôi vội rút khăn tay ra tính lau cho anh, mới hay chiếc khăn cũng đã sũng nước. Cha lại cười to:
- Thôi thì Hưng mặc tạm áo chùng của cha, còn Hoa sang bên mượn áo dòng của các Sr nhé, lát rồi hai đứa tham gia diễn nguyện luôn khỏi thay.
Anh Hưng và tôi mắt tròn mặt dẹt nhìn nhau, nhưng “sĩ diện gì giờ này nữa”, rồi sau đó chúng tôi lại cười lăn cười lộn khi nhìn thấy nhau trong tu phục. Cha Quỳnh lại tủm tỉm cười:
- Đẹp đôi quá. Như thánh Phanxico và thánh Clara luôn!!!
***
Tôi không ngờ lời cha năm nào lại trở thành “lời tiên tri”. Tuy cả hai không đi tu như hai Thánh, nhưng chúng tôi mãi mãi đi bên đời nhau như hai đường thẳng song song, không thể về chung một nhà. Anh đã về quê để tìm vợ, nhưng mãi chưa tìm được ai, còn tôi ở lại Hà thành để kiếm chồng, song cũng chẳng anh nào chịu yêu. Có phải chăng tôi đang cố công tìm món hồng ngâm, nhưng ngâm mãi chẳng chín, còn anh đang về với lũ lụt miền Trung, nơi những cơn mưa bất tận, nơi anh có thể chèo xuống cứu trợ đi tổ chức Trung Thu cho các cháu vùng lũ lụt với món hồng ngâm gia truyền của mình…