Cảm nhận bài thơ Chìm lắng của Đình Chẩn - Tác giả: Bình Nhật Nguyên

admin
Lần đầu tiên mới đọc bài thơ "Chìm lắng" của thi sĩ Đình Chẩn, tôi không thấy có cảm xúc gì đặc biệt. Bài thơ cũng bình thường như bao bài thơ đạo khác mà thỉnh thoảng tôi vẫn đọc trên mạng Dũng Lạc trong mục Đồng xanh thơ hay Thi ca cầu nguyện. Nhưng một hôm trong lúc quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể, đột nhiên có 4 câu trong bài thơ hiển hiện trong tâm trí tôi: Cho con chìm lắng thật lâu... Cho con chìm lắng thật sâu... Cho con chìm lắng thật trong... Cho con chìm lắng thật tình... NGUỒN:

CHÌM LẮNG


Cho con chìm lắng thật lâu
Bên đường hối hả, giữa bầu trời không.
Như rừng say giấc lặng trông
Nghe chim hót, đón hừng đông gọi ngày.

Khi trời nắng, khi mưa bay
Khi cuồng phong bủa, khi mây giăng sầu.
Cho con chìm lắng thật sâu
Từng giây hít thở hiệp thâu trong Người

Như hoàng hôn xuống biển khơi
Gió ru dìu dặt, vàng bơi dập dềnh
Khi êm ái, lúc lênh đênh
Bóng Ai nhẹ bước tênh tênh theo dòng.

Cho con chìm lắng thật trong
Như hạt cát nhỏ rơi lòng đại dương.
Dạt dào sóng nhạc hoa hường
Giăng buồm vượt bến đoạn trường khơi xa

Dù sao lặn, dẫu trăng tà
Khung trời còn đó ngân hà ư linh.
Cho con chìm lắng thật tình
Hồn khao khát, Chúa hiến mình chờ mong.

Chờ con gối uốn tay vòng
Chờ con giũ bỏ lạc trong tim Người
Như thinh không dệt tơ trời
Hồn say giấc, gối tay Người ươm thơ.

Người như suối mát mộng mơ
Người là tất cả con chờ con mong
Người là Cùng Đích, Cội Nguồn
Vạn lòng khao khát, muôn sông chảy về.

Đình Chẩn 27.05.2012


CẢM NHẬN THƠ


Lần đầu tiên mới đọc bài thơ "Chìm lắng" của thi sĩ Đình Chẩn, tôi không thấy có cảm xúc gì đặc biệt. Bài thơ cũng bình thường như bao bài thơ đạo khác mà thỉnh thoảng tôi vẫn đọc trên mạng Dũng Lạc trong mục Đồng xanh thơ hay Thi ca cầu nguyện. Nhưng một hôm trong lúc quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể, đột nhiên có 4 câu trong bài thơ hiển hiện trong tâm trí tôi:

Cho con chìm lắng thật lâu...

Cho con chìm lắng thật sâu...

Cho con chìm lắng thật trong...

Cho con chìm lắng thật tình...


Trong bầu khí tĩnh lặng, lúc này tôi mới thật sự xúc động khi nhìn lại mình đang đối diện với Chúa Giê-su Thánh Thể.

Và tự nhiên một loạt câu hỏi được đặt ra trong tôi và buộc tôi phải trả lời chứ không phải chờ nhà thơ giải quyết giúp. Đó chính là niềm tin của tôi vào Chúa, và tình yêu của tôi đối với Chúa.

1. Tại sao tôi phải cầu xin?

2. Xin chìm lắng là xin điều gì?

3. Xin chìm lắng ở đâu?

4. Xin chìm lắng khi nào?

5. Xin chìm lắng để làm gì?


Để trả lời cho những khúc mắc trên, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ và sự liên tưởng mà tôi cảm nhận được khi đọc bài thơ này.

1. Lời cầu "Cho con"


Không ai là một hoang đảo, cho nên không một ai có thể tự mình lo liệu cho mình hoàn toàn mà không cần đến sự trợ giúp của người khác. Vì thế sự tương trợ, sự giúp đỡ nhau trong đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn hay trong đời sống xã hội là điều tất yếu.

Như một người con trong gia đình, việc cầu xin cha mẹ giúp đỡ là việc bình thường. Việc cầu xin đó không phải là một một sự ỷ lại, một sự biếng nhác, một sự lệ thuộc, một sự thiếu trưởng thành hoặc chưa tự tin vào khả năng mình. Nhưng việc cầu xin đó biểu hiện sự tôn trọng, sự hiếu thuận đối với các đấng đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta. Có cha mẹ nào mà không giúp đỡ con cái nếu họ thấy mình còn đủ khả năng và điều con cái cầu xin là chính đáng.

Cuộc sống trần gian cần đến sự giúp đỡ như vậy thì huống chi trong đời sống sống thiêng liêng còn có biết bao khó khăn, biết bao trở ngại mà tự sức mình chúng ta không thể giải quyết được. Vì thế, chúng ta cầu xin Thiên Chúa là điều tự nhiên và vô cùng hợp tình.

"Cho con...

2. Cho con "chìm lắng"


Với sự lặp lại các cụm từ "Cho con" và "chìm lắng" ở đầu mỗi khổ thơ, tác giả đã chủ ý nhấn mạnh, gây ấn tượng và tạo ra xúc cảm trong lòng người đọc. Nét độc đáo trong bài thơ là khi sử dụng phương tiện tu từ điệp ngữ, tác giả không những mở rộng ý của bài thơ mà còn nâng cấp những ý tưởng đó ngày một lâu hơn, sâu hơn, trong hơn và tình hơn.

Ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận được chính là lời cầu xin có vẻ xa vời, có vẻ lý thuyết hơn là tính thực dụng. Tại sao không xin cho con được như mọi người:

Cho con ruộng mươi mẫu, vườn vài hecta.
Cho con nhà cao ba bốn tầng, xe hơi năm bảy chiếc.
Để con khoe giàu khoe sang với người khác.

Cho con quyền cao chức trọng.
Cho con có nhiều kẻ hầu người hạ.
Để con nghêng ngang với mọi người.

Cho con có lắm bồ nhiều bịch.
Cho con có nhiều kẻ si người mê.
Để con tự hào mình đẹp mã tốt số.


... mà lại xin cho con "chìm lắng"?

Vậy tác giả xin "chìm lắng" là xin điều gì? Đâu là nội hàm của cụm từ "chìm lắng"?

Đọc cả bài thơ, chúng ta không thấy tác giả xin một điều gì thuộc về vật chất như các câu hỏi mà chúng ta vừa giả định ở trên. Nếu không xin những vấn đề vật chất thì chắc hẳn nhà thơ sẽ xin những điều về tinh thần hoặc tình cảm. Suy nghĩ đó có vẻ là phù hợp hơn cả. Bởi vì điều nhà thơ xin có một bối cảnh không gian và thời gian rất rõ ràng:

"Cho con chìm lắng...:

Trong những lúc bận bịu với công việc tấp nập

"Bên đường hối hả giữa bầu trời không"

Khi vui cũng như lúc buồn

"Khi trời nắng, khi mưa bay
Khi cuồng phong bủa, khi mây giăng sầu."


Lúc đầy ắp thành công cũng như dẫy tràn thất bại

"Khi êm ái, lúc lênh đênh"

Nhất là ngay cả khi ánh sáng đức tin trong con bị mờ tối, niềm tin của con vào Chúa bị lung lạc, mất định hướng

"Dù sao lặn, dẫu trăng tà"

Để dù vượt qua bao gian nguy khốn khó, con vẫn luôn tiếp tục theo Chúa đến cùng

"Giăng buồm vượt bến đoạn trường khơi xa"

Bởi vì không bao giờ con hiểu thấu đáo được mầu nhiệm mà Chúa đã sáng tạo nên con và cho con cuộc sống trên trần gian này. Đó là một điều rất ư huyền nhiệm và linh thiêng

"Khung trời còn đó ngân hà ư linh"

Như vậy đến đây, chúng ta có thể hiểu được nhà thơ xin "chìm lắng" là xin điều gì rồi. Đó là xin tình yêu. Mạn phép tác giả, chúng ta thay một số từ thế cho cụm từ "chìm lắng" sẽ thấy điều này rất rõ.

Ví dụ 1: thay cụm từ "chìm lắng" bằng cụm từ "nhớ Chúa" ta sẽ được các câu thơ như sau:

- Cho con nhớ Chúa thật lâu – mới không quên Chúa.

- Cho con nhớ Chúa thật sâu – mới hiểu được Chúa.

- Cho con nhớ Chúa thật trong – mới không vì lợi lộc.

- Cho con nhớ Chúa thật tình – mới vì lòng yêu mến.

Ví dụ 2: thay cụm từ "chìm lắng" bằng cụm từ "yêu Chúa" ta sẽ được các câu thơ tương tự:

- Cho con yêu Chúa thật lâu – mới kiên trì cầu nguyện.

- Cho con yêu Chúa thật sâu – mới ước ao được kết hiệp.

- Cho con yêu Chúa thật trong – mới sống trọn vẹn cho Ngài.

- Cho con yêu Chúa thật tình – mới quyết tâm trung thành với Chúa.

Đến lượt bạn, bạn hãy thay thế "chìm lắng" bằng cụm từ nào mà bạn thấy phù hợp với tâm tình của mình nhất, thì cứ mạnh dạn thân thưa với Chúa đi. Bạn sẽ cảm nhận sự tuyệt vời trong những lời tình yêu thật khiêm cung và chân thành.

3. Cho con chìm lắng "trong Người"


Trong cuộc sống thường nhật, có những lúc buồn chán vì công việc làm ăn thất bại, thất vọng vì tình yêu không được trọn vẹn, chán nản vì mất người thân thương... nhiều người đã "chìm lắng" mình bên ly bia chén rượu. Trong vị cay cay của men bia mùi rượu, họ muốn quên đi nỗi đắng của cuộc đời. Nhưng rồi mất mát đâu bù đắp được, nỗi buồn vẫn còn đó. Cái rực nóng trong phút chốc của chất men không làm cho họ tăng thêm nghị lực để lướt thắng, để vượt qua. Nhưng nó làm cho họ "chìm" và "lỉm" luôn.

Có những người thích tìm cảm giác, họ nhận thấy khi các giác quan được thỏa mãn thì họ cảm thấy sung sướng, cảm thấy hạnh phúc dù đó chỉ là cảm giác. Thực ra những cảm giác đó chỉ là những phản xạ thần kinh - thể dịch có điều kiện. Khi không hội đủ điều kiện hoặc khi tiếp xúc quá nhiều hoặc đến giai đoạn lão hóa của tế bào, những tiếp xúc thuộc giác quan sẽ không còn cho chúng ta cái cảm giác thỏa mãn đó nữa. Biết thế, nhưng một số người vẫn "chìm lắng" trong nghiện ngập, vẫn "đắm mình" trong sắc giới...Nó làm cho họ "chìm" và "lặn" luôn.

Trong tình yêu chân chính, sự "chìm lắng" là để nhìn lại mình. Nhìn lại mình không chỉ nhìn lại những thiếu sót, những lỗi lầm, những vấp ngã, mà còn nhìn lại những kế hoạch, những công việc, những ham muốn khiến cho chúng ta không sống trọn vẹn cho tình yêu. Sự "chìm lắng" này là để lấy sức vươn lên, là để sống cho tốt lành hơn, sống cho thiện hảo hơn.

Vậy chúng ta phải chìm lắng ở đâu để có thể nhận thức ra những điều này?"Tình yêu" phải được "chìm lắng" trong "tình yêu". Và chính nhà thơ đã xác tín điều đó:

Chìm lắng trong từng lời cầu nguyện

"Từng giây hít thở hiệp thâu trong Người"

Chìm lắng trong niềm tin vào Chúa quan phòng

"Như hạt cát nhỏ rơi lòng đại dương"

Chìm lắng trong sự kết hiệp với Mình Máu Thánh Chúa

"Hồn khao khát, Chúa hiến mình chờ mong"

Chìm lắng trong đức cậy và lòng mến

Hồn say giấc, gối tay Người ươm thơ.

Bài hát "Trong tim Chúa" của nhạc sĩ Phanxicô thật phù hợp với tâm tình "Chìm lắng" của nhà thơ Đình Chẩn. Chúng ta cùng cảm nghiệm xem:

PK1: Trong trái tim Chúa yêu muôn đời
Con xin được một chỗ nghỉ ngơi
Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi
Như nước mưa tan trong biển khơi
Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi
Trái tim con trong trái tim Người
Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi
Là tình con trong khối tình Người.

ĐK: Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim người Cha
Mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa
Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca
Có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.

PK2: Trong trái tim Chúa như nôi hồng
Con xin được như bé ngủ mơ
Một giấc mơ, nghìn giấc mơ
Như giấc mơ ấm êm tuổi thơ
Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi
Mỗi ước mơ con có trong đời
Là sống vui, là hát vui
Là trẻ thơ trong mái nhà Người.

PK 3: Trong trái tim Chúa bao ân cần
Con xin được say nếm hồng ân
Là trái ngon, là trái ngon
Những trái ngon dưỡng nuôi đời con
Là bánh thơm, là sữa thơm
Giúp con mau chân bước lên trời
Là đóa hoa, là tiếng ca
Gọi lòng con mau bước về nhà.

PK4: Trong trái tim Chúa bao dịu dàng
Con xin được nghe Chúa bảo ban
Dạy dỗ con, dạy dỗ con
Biết sống sao thắm tươi tình son
Tìm bước theo, đường mến yêu
Biết trao dâng biết thứ tha nhiều
Cùng Chúa đi, cùng Chúa đi
Hòa niềm vui chung với mọi người.


Với những xác tín trên, "chìm lắng trong Người" là để tâm sự với Người nhiều hơn, hiểu Lời Người sâu sắc hơn, kết hợp với Mình Người mật thiết hơn, để sống hoàn toàn với Người và cho Người.

4. Cho con chìm lắng "khi nào"?
4.1. Chìm lắng trong đời sống thường ngày


Tán gẫu với bạn bè trong quán cà phê, bàn chuyện thiên hạ trong quán nhậu từ giờ này sang giờ khác, nhất là tung tăng với người yêu cả ngày chúng ta đâu có tiếc thời gian, đâu có tính toán mất bao nhiêu giờ. Thế mà kinh sáng, kinh tối chúng ta đọc qua loa trong vài phút, đôi khi vội vàng hay biếng nhác thì bỏ luôn hoặc chỉ còn làm dấu thánh giá một cách chiếu lệ. Vậy chúng ta có thật lòng yêu Chúa không? Hay chúng ta theo đạo một cách gượng ép? Chúng ta có đủ can đảm quỳ chầu Thánh Thể và xin rằng:

Cho con chiêm ngưỡng thật lâu

Lời ai khen chúng ta nhớ rõ lắm, lời ai nịnh chúng ta hiểu nhanh lắm. Sách truyện, chúng ta đọc hiểu ngay. Phim ảnh, chúng ta coi biết liền. Ai ăn mặc bắt mắt, chúng ta diện theo ngay. Ai có phong cách thể hiện, chúng ta bắt chước không cần suy nghĩ. Thế mà những câu truyện giáo dục trong sách Khôn Ngoan, những chỉ vẻ ứng xử trong sách Cách Ngôn, những kinh nghiệm sống trong sách Job... chúng ta đâu có thèm đọc. Nghe Lời Chúa trong các sách Tin Mừng chúng ta đâu có chịu hiểu. Thì làm sao chúng ta có thể biết được tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta cao trọng như thế nào. Vậy chúng ta hãy thân thưa:

Cho con suy niệm thật sâu

Trước những công việc hệ trọng, chúng ta thường đọc sách để tìm phương án giải quyết, bàn hỏi những người từng trải để rút kinh nghiệm, nhưng có khi nào chúng ta bàn hỏi với Chúa không? Đấng Sáng Tạo nên trời đất muôn vật không khôn ngoan hơn các nhà thông thái sao? Ngài non kinh nghiệm hơn những người từng trải ư? Chúng ta có thật sự "chìm lắng", thật sự khiêm cung, thật sự tin tưởng để xin sự trợ giúp đầy khôn ngoan của Thánh Thần chưa? Hay chúng ta nghi ngờ sự hiện hữu, tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy cầu xin Ngài:

Cho con tin Chúa thật trong

Chúng ta theo đạo, làm việc từ thiện, tham gia công tác xã hội hoặc trong các hội đoàn của giáo xứ, giáo phận vì lòng yêu mến Chúa hay vì thích được người khác khen ngợi hay vì sự đố kỵ, bon chen... Hoặc vì theo đạo mà con mất quyền này, thiệt lợi nọ, cho nên khi gặp khó khăn là con không dám nhận mình là người có đạo, là con của Chúa. Chúng ta sẽ rất tự hào khi mình là con của một vị nguyên thủ quốc gia. Thế thì tại sao chúng ta xấu hổ không dám nhận mình là con của Vị Vua trên các vua, Vị Chúa trên các chúa. Cho nên chúng ta càng phải nguyện xin:

Cho con yêu Chúa thật tình

4.2. Chìm lắng khi cầu nguyện


Cho con chìm lắng thật lâu...

Cho con chìm lắng thật sâu...

Cho con chìm lắng thật trong...

Cho con chìm lắng thật tình...


Đọc bốn câu thơ chìm lắng, tôi có cảm nhận tựa như bốn giai đoạn cầu nguyện theo phương cách Lectio Divina bao gồm:

- Lectio: Đọc sách

- Meditatio: Suy niệm

- Oratio: Cầu nguyện

- Contemplatio: Chiêm niệm


Chúng ta thử xem mối tương quan đó như thế nào.

- Lectio (Đọc sách): Cho con chìm lắng thật lâu


Lectio là một cuộc tìm kiếm tha thiết theo Lời Chúa và sự thật thần linh cùng với con đường mà chân lý của Chúa được truyền đạt cho chúng ta. Sự mặc khải chân lý của Chúa được tìm thấy trước hết trong Sách Thánh, nhưng Thiên Chúa cũng mặc khải sự hiện diện của Ngài trong những sách khác, trong thiên nhiên, trong người khác, trong những biến cố lịch sử, và trong những việc quan phòng của Ngài. Thiên Chúa luôn mặc khải chân lý của Ngài qua những công trình của những người khác, họ đã khám phá và chia sẻ nó qua các tác phẩm, đời sống, nghệ thuật, và các hình thức biểu lộ khác của họ. Các tác giả Sách Thánh được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, nên chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần trước hết là tác giả của những Sách Thánh này. Nhưng Thiên Chúa cũng linh hứng những cái khác và nói với chúng ta qua những lời và tác phẩm nơi mọi thụ tạo của Ngài.

- Meditatio (Suy niệm): Cho con chìm lắng thật sâu


Bao lâu Lời Chúa còn nằm ở trong sách, trong thiên nhiên hay trong ngôn từ và công việc của một người nào đó thì nó sẽ không có hiệu quả trên chúng ta như Chúa muốn nó có. Do đó, qua suy niệm chúng ta phải đón nhận Lời Chúa vào trong cuộc đời mình và biến nó từ một lời chết thành một lời sống đọng với sự hiện diện của Ngài. Để nhận biết chân lý của Chúa, chúng ta phải nghiền ngẫm nó, như những chú bò nhai đi nhai lại. Qua suy niệm chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và sự thiện hảo nơi chân lý của Chúa và áp dụng nó vào trong hoàn cảnh và những nhu cầu của chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ mang đến đời sống ‎ý nghĩa của mặc khải thần linh như chúng ta đã xác định và thích nghi nó vào trong đời sống hằng ngày.

- Oratio (Cầu nguyện): Cho con chìm lắng thật trong


Sự đáp trả của chúng ta cho chân lý mặc khải này là cầu nguyện. Chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa hay từ bỏ những giá trị của nó cho mình. Chúng ta có tự do để phản ánh hay suy niệm về nó và cố gắng liên hệ ‎ nghĩa của nó với đời sống chúng ta hay chúng ta có thể từ chối nó như nó không có giá trị hay không đáng giá với chúng ta. Trong cầu nguyện, chúng quyết định thay đổi những gì chúng ta muốn để khiến cho cuộc sống của chúng ta đạt được những kết quả là chân lý của Chúa, Đấng đã mặc khải cho chúng ta. Lúc này chúng ta sẽ quyết định kết hiệp với Lời Chúa vào trong tâm hồn, đời sống và công việc của mình cũng như có suy nghĩ về sự chối từ hiệu quả của nó cho chúng ta. Sự đáp trả của chúng ta biểu lộ qua lời nói, tư tưởng, ước muốn, cảm xúc, giải đáp, quyết định, cam kết, dấn thân hay những buồn rầu về thất bại trong quá khứ, những hồng ân, ngợi khen và cầu khẩn.

Cầu nguyện thực sự trước hết và trên hết là lắng nghe Chúa nói với chúng ta, rồi sau đó chúng ta mới đáp trả những lời của Chúa nói với mình.

- Contemplatio (Chiêm niệm): Cho con chìm lắng thật tình


Trong chiêm niệm chúng ta tìm kiếm hiệu quả sự kết hợp của tình yêu do kết quả từ cuộc đối thoại với Chúa. Điều này được coi như là sự tuyệt đỉnh của sự kết hợp của tâm trí chúng ta với chân lý của Chúa, của tâm hồn chúng ta với tình yêu của Chúa, của đời sống chúng ta với đời sống của Ngài. Sự tuyệt đỉnh này có thể không vội vã và cũng không thúc đẩy. Chúng ta cần có thời gian thong thả và tập trung vào lời nói, sự thật hay bổn phận hiện nay nếu như chúng ta hy vọng trải bất cứ loại kết hiệp huyền nhiệm nào với Chúa ngay trên trần gian này.

Phần này được trích dẫn từ chương ba của sách "Cầu nguyện và tính tình" của Chester P.Michael, Marie Christian Norrisey, bản dịch của Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, NXB Tôn giáo 2012)

4.3. Chìm lắng khi nhận lãnh bí tích hòa giải


Theo cảm nhận cá nhân, bài thơ này còn có một sự tương quan rất rõ rệt khi chúng ta so sánh sự nâng cấp của mức độ "chìm lắng" từ thật lâu đến thật sâu, rồi từ thật trong đến thật tình sẽ thấy nó tương hợp với tiến trình khi chúng ta lãnh nhận bí tích hòa giải như sau:

- Cho con chìm lắng thật lâu: Xét mình

- Cho con chìm lắng thật sâu: Ăn năn tội

- Cho con chìm lắng thật trong: Xưng tội và được tha tội

- Cho con chìm lắng thật tình: Dốc lòng chừa và làm việc đền tội


- Cho con chìm lắng thật lâu: Xét mình


"Thật lâu" gợi lên cho chúng ta một ước định về thời gian vật lý và cả thời gian tâm lý.

Muốn làm một công việc gì đó cho có hiệu quả, chúng ta cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể thực hiện được. Chúng ta phải suy xét những điều kiện thuận tiện cũng như cẩn thận đánh giá các mức độ rủi ro rồi mới dám tiến hành công việc.

Trong đời sống tâm linh, chúng ta không thể lường hết được mức độ rủi ro khi chúng ta lỗi phạm những điều mất lòng Chúa. Tội lỗi làm chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi Ngài là Đấng Thánh. Tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, bởi Ngài là Tình Yêu. Tội lỗi làm chúng ta mất đi những điều kiện thuận lợi, mất đi ân sủng của Thiên Chúa, mất đi giá trị của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì giá trị của chúng ta là tùy thuộc vào mức độ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Cho nên những công việc chúng ta đang làm nơi trần gian này Thiên Chúa không tính nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, mà Ngài đánh giá công việc bằng tình yêu mà chúng ta đặt vào đó cho Ngài. Bởi vì so với sự sáng tạo vũ trụ của Ngài, công việc làm của chúng ta không đáng là một hạt bụi.

Cho nên xét mình là chúng ta đang xét đến những rủi ro lớn nhất – tội trọng, cũng như những rủi ro nhỏ nhất – tội nhẹ, cả những điều kiện gây cớ cho chúng ta vấp phạm – chước cám dỗ...

Vậy để ước tính được hết những điều rủi ro và những nguy cơ của nó, chắc chắn chúng ta cần phải xin Chúa:

"Cho con chìm lắng thật lâu"

Để con có thể cảm được

"Bên đường hối hả, giữa bầu trời không.
Như rừng say giấc lặng trông
Nghe chim hót, đón hừng đông gọi ngày.
Khi trời nắng, khi mưa bay
Khi cuồng phong bủa, khi mây giăng sầu."


- Cho con chìm lắng thật sâu: Ăn năn tội


"Thật sâu" lại gợi lên cho chúng ta một giả định về không gian vật lý và cả không gian tâm lý.

Muốn chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của các dãi san hô đầy màu sắc với muôn vàn sinh vật tung tăng trong đó, chúng ta không thể ở trên bờ mà phải lặn cho đến một độ sâu thích hợp. Khi thích một điều gì, chúng ta muốn tìm biết cho đến nơi đến chốn, muốn hiểu thật rõ nguồn cơn.

Nhất là trong tình yêu, khi nói về chiều xa thì xa mấy cũng tìm đến, khó mấy cũng vượt qua "Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua". Còn nói về chiều sâu thì đâu có ai muốn yêu cạn cạn, phải thương cho thật nồng, phải yêu cho thật say mới thực là yêu, mới chính là thương "Thương cho thấu ruột thấu gan, thương cho quên mất đàng về mới thương".

Vậy nếu sống tình nghĩa với Chúa, chúng ta phải thật lòng ăn năn về những điều mình đã vấp phạm đến Ngài. Chúng ta phải thật khiêm tốn để nhận chân ra điều đó. Nếu không thật lòng ăn năn, chúng ta sẽ không thể sống gần Chúa được, bởi vì chúng ta đâu có muốn trở về với người Cha thân yêu của mình. Cho nên chúng ta hãy cúi đầu thân thưa:

"Cho con chìm lắng thật sâu"

Để con có thể

"Từng giây hít thở hiệp thâu trong Người
Như hoàng hôn xuống biển khơi
Gió ru dìu dặt, vàng bơi dập dềnh
Khi êm ái, lúc lênh đênh
Bóng Ai nhẹ bước tênh tênh theo dòng."


- Cho con chìm lắng thật trong: Xưng tội và được tha tội


Về phương diện vật lý, từ "thật trong" gợi lên cho chúng ta một hình ảnh trong suốt, có thể thấy được mà không bị che khuất. Ai đã từng lặn, mới biết từ "thật trong" có ý nghĩa như thế nào. Nếu lặn trong vùng nước đục, với đôi mắt thường, chúng ta sẽ nhìn thấy rất gần hoặc không thể thấy gì cả tùy vào mức độ tạp chất lẫn trong nước. Và như thế chúng ta sẽ không muốn lặn sâu mà chỉ muốn nổi lên ngay.

Về khía cạnh tâm linh, từ "thật trong" hàm nghĩa một sự xóa mình đến hư không, một sự từ bỏ thật lòng, không vướng bận một điều gì nữa cả. Thật vậy trong khi cầu nguyện, mong mỏi gặp gỡ Chúa mà chúng ta còn phân tâm chia trí với những lo toan ngoài tầm với, hoặc những điều cỏn con vặt vãnh không đáng bận tâm... thì lấy đâu ra sự trong sáng để thấy Chúa với đôi mắt còn mịt mù trong cõi phàm trần, lấy đâu ra sự tĩnh lặng để nghe Chúa bằng đôi tai đặc cứng những lời phàm nhân. Trong khi mong trở về để được Chúa tha thứ những lỗi lầm vấp phạm, mà chúng ta không chịu dứt bỏ những thói hư tật xấu thì làm sao xứng đáng với tình yêu bao dung của Ngài, linh hồn chúng ta làm sao đủ trong sáng để nhận biết Ngài đang ở trong chúng ta.

Linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn (1922 - 2002) cũng đã có những câu thơ nói về sự "thật trong" này khi liên tưởng về phúc thứ sáu trong tám mối phúc thật "Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" theo Tin Mừng của thánh Luca (Lc 7, 36-50) khi kể về sự trở lại của người đàn bà tội lỗi.

Nàng là cô gái ngây thơ
Không may chuốc lấy tiếng nhơ xa gần.
Được nghe Lời Chúa đôi lần,
Lời sao nặng cả ngàn cân khó lường:
"Phúc thay lòng dạ tuyết gương,
Được nhìn Nhan Chúa tỏ tường mai sau."
Lòng càng thêm tủi thêm sầu,
Đời thôi đâu nữa còn đâu là đời!
...

Thầy ôi! Cứu vớt đời con!
Cho vành trăng khuyết được tròn như xưa.
Con cầu cho kiếp sống thừa,
Được ơn thương xót gặp mùa hồng ân.
Cho con được chết một lần,
Cho con trút sạch nợ nần từ đây.
Cho con được phúc gặp Thầy,
Cho con thấy được một ngày sáng tươi.

(Nguyễn Xuân Văn, Sứ điệp tình thương, 2031-2038; 2055-2062)


Nói như nhà Phật là phải buông hết, phải xả hết thì mới có thể ngộ được. Vậy chúng ta có khiêm hạ thú nhận những lỗi lầm vấp phạm bằng cách buông hết, bằng cách xả hết hay không? Vì những điều bất chính có đáng cho chúng ta đánh mất Chúa không? Những ham muốn ngắn ngủi có đáng cho chúng ta đánh đổi hạnh phúc trong Chúa, đánh đổi sự sống đời đời với Ngài không? Chúa ơi!

"Cho con chìm lắng thật trong"

Để con

Như hạt cát nhỏ rơi lòng đại dương.
Dạt dào sóng nhạc hoa hường
Giăng buồm vượt bến đoạn trường khơi xa
Dù sao lặn, dẫu trăng tà
Khung trời còn đó ngân hà ư linh.


- Cho con chìm lắng thật tình: Dốc lòng chừa và làm việc đền tội


Đến giai đoạn này, cũng một loại ngôn từ đó, nhưng tác giả đã đưa chúng ta vượt qua ranh giới cảm nhận về thời gian "thật lâu", về không gian "thật sâu", về hình ảnh "thật trong" để đi dần vào cảm xúc tình yêu "thật tình".

Hai người "thật tình" yêu nhau, "thật tình" muốn thành vợ thành chồng thì trong thời gian tìm hiểu "thật lâu", biết nhau "thật sâu", không còn tơ tưởng đến ai khác "thật trong" thì có gì mà họ không kể cho nhau nghe. Nghe để thông cảm giúp đỡ, nghe để bao dung tha thứ... nghe để ngày càng yêu nhau hơn. Và câu hỏi cuối cùng mà cả hai cùng muốn nghe là: "Anh (Em) có yêu Em (Anh) không?

Câu hỏi này có khác chi câu hỏi mà Chúa Giê-su đã hỏi Phê-rô sau khi Ngài phục sinh và hiện ra với các tông đồ ở bờ biển hồ Ti-bê-ri-a theo Tin Mừng của thánh Gioan (Ga 21, 15 – 17):

(15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Đức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". (16) Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy". (17) Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Đức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy."


Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy Chúa đâu có hỏi thánh Phê-rô còn tự hào về mình nữa không? Có còn chối Thầy nữa không? Chúa đâu có nhắc lại tội phản bội của Phê-rô. Ngài chỉ cần biết thánh Phê-rô có "thật tình" yêu mến Ngài không?

"Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Câu trả lời này của thánh Phê-rô thực đúng là một sự dốc lòng chừa và đền tội thật khiêm nhường. Chính khi không còn tự hào về sức mạnh của mình, để chỉ dựa vào lòng thương xót của Chúa mà Chúa đã tha thứ cho ông. Và Chúa cũng thật tế nhị khi không nói lời tha thứ và cũng chẳng hỏi thánh Phê-rô còn muốn theo Ngài nữa không? Ngài chỉ nói "Hãy chăm sóc chiên của Thầy." Tình yêu là thế, tình yêu không xét nét, tình yêu không bắt bẻ. Tình yêu luôn tha thứ, tình yêu luôn trao ban.

Như vậy, trong tình yêu, khi dốc lòng chừa và làm việc đền tội là chúng ta thân thưa với Chúa rằng:

"Cho con chìm lắng thật tình"

Bởi vì

"Hồn khao khát, Chúa hiến mình chờ mong.
Chờ con gối uốn tay vòng
Chờ con giũ bỏ lạc trong tim Người
Như thinh không dệt tơ trời
Hồn say giấc, gối tay Người ươm thơ."


4.4. Chìm lắng trước khi nhận lãnh bí tích hôn phối


Trong thời đại máy tính điện tử, việc gì cũng cần quyết định nhanh, thực hiện dứt điểm, để chậm thì mất thời cơ, cho nên việc gì cũng làm gấp gáp. Vì thế nhiều đôi bạn trẻ chỉ mới quen nhau trong một thời gian ngắn, không đủ kiên nhẫn chờ đợi (không lâu), tìm hiểu chưa thấu đáo (không sâu), nhưng lại tính toán quá chi li (thiếu trong), nên tình cảm của họ còn nhiều vị kỷ, chưa thật sự là một tình yêu vị tha (thật tình). Cho nên không lạ gì mà tỷ lệ ly hôn ngày một tăng ở các đôi bạn trẻ.

Mong sao các đôi bạn trẻ hãy

Cho con tìm hiểu thật lâu

Cho con hiểu biết thật sâu

Cho con dâng hiến thật trong

Cho con yêu mến thật tình


Để khi những hiểu lầm, những vấp phạm xảy ra trong đời sống gia đình, chúng ta luôn biết thông cảm để xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng bao dung như Chúa đã tha thứ cho chúng ta:

Cho con thông cảm thật lâu
Cho con thông cảm thật sâu


Để con có thể

Cho con tha thứ thật trong
Cho con tha thứ thật tình


4.5. Chìm lắng trước khi nhận lãnh bí tích truyền chức thánh hay tuyên khấn trọn đời


Đối với những ai dâng mình cho Chúa, khoảng thời gian ở đệ tử, tập viện hay chủng viện là khoảng thời gian cần thiết (thật lâu) để mỗi người tìm hiểu kỷ lưỡng về ơn gọi của mình (thật sâu). Dâng mình cho Chúa là một sự tự do, không đòi hỏi, một sự đáp trả nhưng không (thật trong) mới có thể nhận lãnh bất cứ một sứ vụ nào mà các bậc Bề Trên giao phó, không nại khổ nại khó, không than xa than gần, không trách thiếu trách đủ, không có gì hết, chỉ có vâng phục (thật tình).

Mong sao các Giám mục, các Linh mục, các Tu sĩ nam nữ hãy

Cho con nghèo khó thật lâu

Cho con khiêm hạ thật sâu

Cho con thánh hiến thật trong

Cho con yêu mến thật tình


Xin đừng vì tham lam tiền bạc và của cải, đừng vì đua chen danh vọng và quyền lực, đừng vì hấp dẫn của tài sắc và đừng vì bất cứ một điều gì của thế gian, mà đánh mất ơn gọi cao quí của mình. Xin các bậc chân tu đừng để mọi người hiểu lầm

Đi tu mâm cỗ thật đầy
Đi tu xe cộ thật sang
Đi tu tiền của thật nhiều
Đi tu quyền chức thật cao

...

Những điều đó không những làm gương mù gương xấu mà còn ảnh hưởng đến Đạo Thánh Chúa.

5. Cho con chìm lắng để "làm gì"?


Không thể sống trọn vẹn cho Chúa mà lòng còn tơ tưởng đến điều gì khác ngoài Chúa. Tình yêu là hiệp nhất, là nên một, không thể phân chia.

Chính vì thế mà tôi cảm nhận "Chìm lắng" là một bài thơ giúp chúng ta cầu nguyện và xét mình một cách bổ ích và thiết thực. Nó giúp chúng ta luôn sống kết hiệp với Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Bài thơ sâu sắc ở chỗ lời "Chìm lắng" nói đến sự khiêm cung nhưng ý "Chìm lắng" lại nói đến sự kết hiệp mật thiết với Chúa trong bất kỳ nơi nào (không gian) và lúc nào (thời gian). Hai điều này đan xen nhau và không thể tách rời, vì không có khiêm cung thì không thể có sự kết hiệp. Nếu chúng ta không trở nên trống rỗng nghĩa là không xóa cái tôi của mình thì không thể hòa hợp được với mọi người, huống chi là muốn kết hiệp với Chúa. Cho nên như nhà thơ, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa

Cho con chìm lắng thật lâu

Cho con chìm lắng thật sâu

Cho con chìm lắng thật trong

Cho con chìm lắng thật tình


Vì con xác tín rằng

"Người như suối mát mộng mơ
Người là tất cả con chờ con mong
Người là Cùng Đích, Cội Nguồn
Vạn lòng khao khát, muôn sông chảy về."


CHIỀU KÍCH CỦA BÀI THƠ


Với cụm điệp ngữ "Cho con chìm lắng" mở đầu cho mỗi khổ thơ, bài thơ "Chìm lắng" có cấu trúc như một bài thánh ca với bốn phiên khúc là bốn khổ thơ đầu và một điệp khúc là khổ thơ thứ năm.

Tuy nhiên, bài "Chìm lắng" khác biệt với những bài thánh ca khác ở chỗ các phiên khúc là một sự tiếp diễn liên tục, không thể tách rời và ngày càng nâng cao hơn, trong khi những bài khác thường là những ý tưởng riêng biệt rồi lặp lại điệp khúc.

Một số người vẫn có quan niệm cho rằng mấy nhà thơ thường lãng mạn và viết mông lung, thiếu thực tế.

Nhưng trong bài "Chìm lắng", chỉ qua 4 khổ thơ, thi sĩ Đình Chẩn đã diễn tả cuộc gặp gỡ tình yêu theo một trình tự rất logic và thật rõ ràng.

1. Diễn đạt theo chiều ngang


Khi diễn đạt theo chiều ngang, chúng ta sẽ thấy tiến trình này tương tự như một biểu thức toán học đó là điều kiện ắt có và đủ để đi đến một kết luận

Điều kiện 1 (Lâu) + Điều kiện 2 (Sâu) + Điều kiện 3 (Trong) Kết quả (Tình)

Hãy thử nhìn và cảm nghiệm, một đôi bạn trẻ đi dạo bên nhau trên bãi biển khi ánh mặt trời vừa khoe sắc hay trong bóng chiều tà sẽ thấy tình yêu của họ thơ mộng và đẹp xiết bao. Tay trong tay, họ nắm nhau không muốn dứt (thật lâu), họ không nắm một cách hời hợt nhưng một cách thân thương (thật sâu), họ không còn biết đến những gì chung quanh mà chỉ biết nhìn nhau một cách say đắm (thật trong) và họ biểu lộ tình yêu cho nhau một cách nồng nàn và tình tứ (thật tình).

Trong đời sống tâm linh, tiến trình này được Phúc âm thánh Luca (Lc 19, 1-10) thuật lại trong sự gặp gỡ của ông Da-kêu với Đức Giê-su như sau:

(1) Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. (5) Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" (8) Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn". (9) Đức Giê-su nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất".

Tôi xin tóm lược diễn tiến tâm linh này trong bảng so sánh như sau:


Theo cách diễn đạt này, tôi có cảm nhận rằng: Ai chưa thực sự khao khát, chưa thật sự khiêm tốn, chưa thật sự xóa mình, chưa thực sự gặp gỡ Thiên Chúa thì chưa thể có một quyết tâm và những quyết định đúng đắn cho đời sống tâm linh của mình.

2. Diễn đạt theo chiều thẳng đứng


Khi diễn đạt theo chiều thẳng đứng, chúng ta sẽ thấy đây là một tiến trình từng bước đi lên không những trong đời sống thường nhật mà còn cả trong đời sống tâm linh.

Ai đã từng yêu nhau sẽ cảm nhận sâu sắc cái mong muốn yêu thật lâu, yêu thật sâu, yêu thật nồng và yêu thật tình... vì không ai muốn yêu thật mau, yêu hời hợt, yêu qua loa, yêu chiếu lệ. Yêu như vậy nó nhạt lắm, nó chán lắm, nó buồn lắm, bởi nó không đưa tới sự hiệp nhất nên một. Còn khi thật tình đã nên một, tình yêu lại muốn nâng lên một bậc khác lâu hơn, sâu hơn, nồng hơn, tình hơn và cứ thể tiếp diễn mãi đến mức có thể.


Để có thể cảm nhận rõ hơn tiến trình bốn bậc của Đình Chẩn, chúng ta đọc lại "Lâu đài nội tâm" của Thánh nữ Têrêsa Avila với tiến trình bảy bậc trong sự kết hiệp với Thiên Chúa qua sự chia sẻ của Linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh.

"Tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm là sách giáo khoa dạy đường tâm linh, cụ thể là đời sống cầu nguyện cao độ, viết cho các nữ đan sĩ chiêm niệm. Tác giả là một nữ đan sĩ đã miệt mài hoạt động lo thiết lập các đan viện Cát Minh cải tổ. Khi trình bày về những người bị dừng lại ở dãy cư xá thứ ba, tác giả minh họa bằng hai nhân vật ngoài đời. Chi tiết ấy cho thấy, trong mắt tác giả, quyển sách không dành riêng cho các nữ đan sĩ nhưng chung cho mọi tín hữu muốn tiến bước trên đường tâm linh, không phân biệt nam nữ, già trẻ, chiêm niệm hay hoạt động.

Tình trạng hiệp nhất giữa Thiên Chúa và linh hồn được tác giả mô tả như một tòa lâu đài có bảy lớp cư xá[1] hay bảy mức độ ở lại. Để độc giả dễ hình dung, tôi xin trình bày giản lược như sau: Cửa vào lâu đài là sự cầu nguyện, đem lại mức độ ở lại thứ nhất, mức độ này đòi phải vượt thắng các tội trọng; mức độ thứ hai đòi phải vượt thắng các tội nhẹ; mức độ thứ ba đòi phải bỏ mình và ra khỏi chính mình (thoát khỏi chủ quan, không tự hào về sự hoàn thiện luân lý). Mức độ thứ tư là đón nhận hiện tại, chu toàn bổn phận với lòng yêu mến. Mức độ thứ năm: Hiệp nhất cùng một lòng một ý với Chúa. Mức độ thứ sáu là nên giống Chúa Kitô trong thử thách đau thương và mức độ này trực tiếp dẫn vào đỉnh điểm (mức độ thứ bảy) là sự hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa.

Nếu hiểu là một lộ trình từ thấp lên cao, bảy mức độ của nó sẽ như sau (xin đọc từ dưới lên):

7 - Hiệp nhất trong tình yêu

6 – Đêm tâm linh

5 – Hiệp nhất một lòng một ý với Chúa

4 – Ra khỏi mình - Vui nhận ý Chúa trong hiện tại

3 – Hoàn thiện luân lý (nguy cơ chủ quan)

2 – Thắng tội nhẹ

1 – Thắng tội trọng


Ta có thể hình dung lộ trình ấy như những vòng tròn đồng tâm có cửa từ ngoài vào trong, hoặc thành đường xoắn ốc của hoàng thành Cổ Loa có Đức Vua ngự ở chính giữa, như đồ hình dưới đây:


Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa muốn con người được sống hạnh phúc trong sự gần gũi hiệp nhất với Ngài. Con người vốn bất toàn bất xứng với hạnh phúc ấy nhưng Thiên Chúa ban ơn thanh tẩy để họ có thể đến với Ngài. Tân Ước cho thấy sự thanh tẩy trước hết phải là thanh tẩy tận cõi lòng. Trong dòng chảy Tân Ước, các vị thánh Dòng Cát Minh Têrêxa đã khám phá và nhấn mạnh sự thanh tẩy ý muốn. Nhờ đó, khoa sư phạm thần bí Kitô giáo đã xác định được một lộ trình tiến lên dần với 6 bước tiến về tâm điểm hiệp nhất như đồ hình trên đây. Trước khi đạt được sự hiệp nhất trong tình yêu tại mức độ ở lại cuối cùng, linh hồn phải đi qua sự hiệp nhất một lòng muốn với Thiên Chúa tại mức ở lại thứ năm.

Sự hiệp nhất với Thiên Chúa nói đây không chỉ ở đời sau, trong cõi đời đời, mà đã khởi sự ngay ở đời này: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em... Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái" (Ga 15, 4-5). "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14, 23). "Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một" (Ga 17, 23).

Thách đố nơi kinh nghiệm Kitô giáo là mở lòng ra với ơn Chúa, dùng tự do của mình để chiều theo tự do sáng tạo của Thiên Chúa. Con người ở trong tay Thiên Chúa Tạo Hóa trổi vượt hơn khối đất sét trong tay người thợ gốm ở chỗ có thể kháng cự những thao tác sáng tạo của Ngài. Tuy nhiên, là một thụ tạo thấp hèn, con người động não đến mấy cũng chỉ vẽ được cho mình một dự phóng mấp mé số không. Tới khi vui lòng để cho Thiên Chúa tước đoạt, cái mấp mé số không ấy chợt trở thành vô tận.

Như thế, sự khôn ngoan trong kinh nghiệm huyền học là xóa bỏ ý riêng để nhường chỗ cho ý Chúa, khước từ sức riêng để nhường chỗ cho ơn Chúa. Nói cách khác, thay vì chủ động, ta sẽ xóa mình, hoàn toàn thụ động đón nhận điều Thiên Chúa muốn thực hiện cho ta.

Trên lộ trình bảy bước, ba diễn biến quan trọng có sức giúp ta ra khỏi mình để được biến đổi là:

- Bước vào mức ở lại thứ nhất nhờ đức tin và sự đối thoại với Thiên Chúa (cầu nguyện).

- Tại mức ở lại thứ ba: xóa bỏ niềm tự hào về hoàn thiện luân lý để tập trung kiếm tìm và thể hiện ý Chúa.

- Tại mức ở lại thứ sáu: Ta gặp cảnh bị bỏ rơi và bị sỉ nhục như Chúa Kitô trên thập giá, nhưng chính khi vui lòng đón nhận, ta sẽ được sự bình an sâu thẳm.

Có nghĩa là, sự hiệp nhất với Thiên Chúa chí thánh đòi thụ tạo phải được gội sạch hết mọi bất toàn, bất xứng. Song song với sự thanh tẩy chủ ý và trước khi mỗi người nỗ lực tự thanh tẩy, chính Thiên Chúa đã có một chương trình giúp người ấy được thanh tẩy để có thể được đưa vào hiệp nhất với Ngài. Ngài thanh tẩy vượt hơn cả điều họ mong chờ. Tựa như người ta nấu chảy quặng, luyện sạch hết những tạp chất để hứng lấy quý kim tinh ròng. Cuộc thanh tẩy này là sáng kiến của Thiên Chúa nên được các tác giả huyền học Kitô giáo gọi là cuộc thanh tẩy thụ động.

Như thế, trên cả 7 bước hay 7 vòng tiến của đường vào nội tâm, chính Thiên Chúa đích thân hành động và mời gọi con người hưởng ứng hành động của Ngài. Mỗi người vừa được mời gọi vươn lên (chủ động) vừa được Thiên Chúa kéo lên (thụ động). Cùng lúc, vừa có công cuộc của Thiên Chúa vừa có nỗ lực của con người, cả hai đẩy đưa con người tiến vào càng lúc càng gần gũi Thiên Chúa và hiệp nhất với Ngài. Trừ đỉnh điểm (mức độ 7), sáu mức độ có thể chia thành hai đoạn đường. Đoạn đường đầu (luân lý) gồm ba bước 1, 2 và 3. Đoạn đường sau (hiệp nhất) gồm ba bước 4, 5 và 6. Ở ba bước sau, nét thụ động nổi rõ hơn ba bước đầu, dù vậy, sự thụ động ở bước thứ ba sẽ tạo nên bước nhảy vọt để tiến vào đoạn đường thứ hai. Rồi sự thụ động của bước sáu sẽ là bước nhảy vọt đưa vào sự hiệp nhất trọn vẹn ở đích điểm (bước bảy)."


Qua sự trình bày trên, tôi xin mạo muội có một sự so sánh bốn bước trong đời sống thiêng liêng của nhà thơ Đình Chẩn và bảy bậc trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa của Thánh Nữ Têrêsa Avila như sau:


Qua bảng tóm lược trên, theo cảm nghiệm cá nhân, bảy bậc của Thánh nữ Têrêsa Avila là cả một quá trình tập luyện đòi hỏi mỗi người phải quyết tâm để cộng tác với Ơn Chúa và chắc hẳn phải chịu nhiều thử thách. Tiến trình bốn bước của nhà thơ Đình Chẩn giúp chúng ta xét mình, ăn năn tội, xưng tội, dốc lòng chừa mỗi ngày, để có thể trở về với Người Cha Nhân Từ sẽ là những bước đi cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể tiến lên con đường tâm linh bảy bậc của Thánh nữ Têrêsa Avila.

Bốn bước đi cơ bản thật đơn giản, dễ nắm bắt, rất tượng hình và thực tế. Nó dễ áp dụng trong đời sống thường ngày, không phân biệt bậc sống tu trì hay bậc sống gia đình. Nó dành cho mọi người khao khát sống tình yêu và hạnh phúc trong Thiên Chúa của tất cả chúng ta. Vậy chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu:

Cho con chìm lắng thật lâu...

Cho con chìm lắng thật sâu...

Cho con chìm lắng thật trong...

Cho con chìm lắng thật tình...




Viết xong lúc 22g15 ngày 29/06/2013, Lễ kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, Bình Nhật Nguyên
[1]: Trong bài này khi nói về những bước tiến trên đường vào nội tâm, tôi sẽ dùng nhiều từ khác nhau: giai đoạn, bước, chặng, mức ở lại, vòng, cư xá, lớp cư xá... tất cả đều cùng một ý nghĩa, không có gì phân biệt.