Dặm dài đi tìm Mùa cứu rỗi- Tác giả: Francesco Assisi Lê Đình Bảng

Anne de Jesu

DẶM DÀI ĐI TÌM MÙA CỨU RỖI


Francesco Assisi Lê Đình Bảng



1.

Mở tập thơ “Mùa Cứu Rỗi” trên bản văn ở dạng pdf, tôi đã thoáng ngần ngại. Tôi bảo phải đọc nhanh, lướt đi một lượt từ đầu đến cuối. Nhanh tay, lẹ mắt, kẻo lỡ nhịp, máy nó chạy biến đâu mất thì thật tội nghiệp cho kẻ ngoại đạo của văn hoá lang thang trên mạng như tôi. Buồn, vì vừa già cả, vừa chậm chạp, mắt lại kém, làm sao chạy kịp tốc độ của máy móc điện tử ngày nay? May thay, Chúa thương hằng ban cho mình bộ nhớ còn kha khá, không đến nỗi nào. Nhờ thế, mấy câu lục bát khá đẹp của Cao Gia An SJ vẫn còn y nguyên trong đầu. Hệt như chòm sao mất tăm, bỗng dưng lại hiện ra, soi sáng cho mấy nhà đạo sĩ phương Đông trở về quê nhà.

Nhưng mà, ơ hay, SJ là cái gì? Là biệt danh hay một tín hiệu, một ẩn số?

Chợt nhớ ra là bởi Societas Jesu, viết tắt từ tiếng La-tinh. Tên của một Dòng tu nức tiếng là bác vật trí tri của giáo hội Công Giáo, có trụ sở chính tại giáo đô Roma, do thánh Inhaxio, quốc tịch Tây Ban Nha sáng lập năm 1540. Thì cũng như ngày xưa, mình đã gặp thấy xuất hiện trên nhiều thể loại sách vở, tài liệu có nội dung thần học, tín lý, lịch sử và tu đức của các giáo sĩ Dòng Tên đến truyền giáo ở xứ sở Đại Việt này. Một dạng ghi ký khác, cũng hay được sử dụng, là hàng chữ”A.M.D.G”, có nghĩa là “để vinh danh Thiên Chúa hơn”, một khẩu hiệu rất phổ biến của Dòng Tên. Cả một thư mục, một tàng kinh các của các bậc danh sư đã dày công khai phá và điển chế chữ Quốc ngữ cho người mình, từ Francisco de Pina đến Majorica, Alexandre de Rhodes, và Philiphe Bỉnh, v.v… Vâng, đã có một thuở một thời độc chiếm vẫy vùng của Dòng Tên trải rộng khắp Đàng Trong, Đàng Ngoài. Tóm lại, phải hiểu SJ sau tên Cao Gia An là cách xưng hô của tu sĩ Dòng Tên, cũng như các trường hợp thường thấy về các Dòng tu khác, như: OP, SVD, CSsR, OFM, MEP... đặt ngay sau họ tên cúng cơm. Dĩ nhiên, trên đây chỉ là một vài đại diện trong danh mục các Dòng tu nam. Về các Dòng tu nữ, Chúa ôi, nói như Đức Cố Giám Mục Phao lô Nguyễn Văn Hoà, thì có mà... lạc vào mê hồn trận!

Trở lại chuyện tập thơ Mùa Cứu Rỗi của người linh mục trẻ Cao Gia An SJ. Không nhớ đây là tập thơ thứ bao nhiêu mà tôi được hân hạnh nhờ đọc và nhờ viết ”đôi hàng giới thiệu”? Khác hẳn thời của bọn tôi, những thập niên trước Công Đồng Vatican II. Lúc ấy, tôi còn nhớ rõ mồn một. Thơ thẩn - trong ý nghĩ, suy luận và đặc biệt trong ”lý đoán” của các cha bề trên (kể cả cha linh hướng) - hoàn toàn chỉ là một ”khái niệm” rất trừu tượng, mơ hồ, thậm chí, chẳng tốt đẹp gì! Cấm tuyệt và dẹp ngay tức khắc! Đó là án phạt, là lưỡi gươm Damocles, quân lệnh như sơn đối với những ai có tí máu...văn nghệ vặt. Ấy vậy mà những năm gần đây, đã ra khác. Khác không ngờ. Trong chỗ thân quen của những người viết lách trẻ, tôi biết khá nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ rất yêu thơ và làm thơ cũng nổi đình đám lắm. Từ Giải Truyện Ngắn của báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (2009) đến Giải Đất Mới của giáo phận Xuân Lộc; từ cuộc thi viết về Thánh Giuse và Giải Viết Văn Đường Trường(VVĐT) của Ban Văn Hoá thuộc giáo phận Qui Nhơn. Dễ đến 10 hay 15 năm liên tiếp đánh trống khua chiêng inh ỏi rồi, mà có gõ được cửa nhà sấm đâu? Con số tác giả, tác phẩm gửi về dự thi và cả những người trúng giải là linh mục hoặc tu sĩ nam nữ của các nhà Dòng thật đáng kể. Có thể là từ 15 đến 20 và 30% chứ không ít đâu. Đông vui và sầm uất đến không ngờ! Ngẫm nghĩ, hoá ra cái tội thơ thẩn rất vớ vẩn ngày xưa nay đã được Cứu Rỗi, đã được đèn trời soi xét. Cho nên, bản thân tôi đã không ngần ngại chấp bút, viết Vào Đề hoặc Lời Dẫn Nhập cho vài chục tập thơ, truyện ngắn, cảm nhận, tự sự, tâm tình. Tủ sách, quày báo và nhà sách của người Công Giáo, trong chừng mực nào đấy, đỡ lạnh lẽo, hắt hiu và cũng đỡ... tủi thân cho những ai lang thang đi tìm Chúa giữa xôn xao của phố chợ, đời thường. Riêng trong kinh tế thị trường ngày nay, đã có không ít nhà xuất bản, nhà in, cơ sở phát hành văn hoá phẩm mau mắn chớp lấy cơ hội ngàn vàng này để cấp phép, tạo điều kiện dễ dàng cho việc in ấn phát hành. Cả hai ba bên đều có lợi, mà lợi... lớn ấy chứ! Tôi biết khối tay ngang, bỗng giàu lên, trở thành đầu nậu sách báo. Hỏi chứ, cờ đến tay thì phất, chứ dại gì... được cái tiếng thanh liêm mãi? Đúng là gió đã xoay chiều.

Còn chuyện người linh mục trẻ là tác giả Mùa Cứu Rỗi thì sao? Cứ sự thường, nếu không xảy ra cái đại dịch khốn khổ corona virus này thì hẳn chàng đang miệt mài dong ruổi phơi phới trên khắp các ngả đường Âu Mỹ. Như vậy, trong tập thơ này - do đã quen với nhịp bay nhảy rộn ràng hoặc biết đâu, lại lây nhiễm không nhiều thì ít - làm sao tránh khỏi làn sóng tư tưởng phản kháng, tự do, phóng khoáng của các chủ nghĩa triết học, văn học Tây phương? Ấy thế mà, ngạc nhiên chưa, mảng thơ lục bát của chàng vừa nhiều, lại vừa hiền lành, vô vi tĩnh lặng, trầm mặc, đến khó ngờ!

Chuyện hai người chúng tôi - chàng và tôi - có dây mơ rễ má, có quan hệ thân thiết gì với nhau không? Không hề. Chả là sáng sớm hôm ấy, cũng đang vào mùa đại dịch. Vừa thức dậy, tôi được cú điện thoại bất chợt từ thành phố cảng biển Atlantic City, chỉ cách nơi tôi đang ở chừng một giờ lái xe. Chàng tự giới thiệu và làm quen, sau là đi thẳng vào vấn đề. Hoá ra, trong chỗ Sài gòn - Phan Thiết với nhau cả. Chứ thật tình, tôi chẳng biết tí gì về tác giả, nghĩa là giữa tác giả và tôi chưa hề có một quen biết, cũng chưa hề có một gặp gỡ, tiếp xúc ở bất cứ cấp độ nào. Có chăng, chỉ là tình cờ nghe loáng thoáng về nhau, ở đâu đấy. Chẳng hạn trên bản tin tường thuật về Ban Giám Khảo của Giải Viết Văn Đường Trường(VVĐT), do Tủ Sách Nước Mặn của giáo phận Qui Nhơn khởi xướng mấy năm gần đây. Tuy nhiên, trong thói quen riêng của một người đọc thơ, tôi nhìn thấy và cảm nhận rất rõ cái ngón sở trường của Cao Gia An. Có lẽ chính chàng cũng ngạc nhiên? Những viên gạch đá, có thể bị loại bỏ ra ngoài? Chúng vật vờ, lơ thơ tơ liễu ở bên cạnh bàn thờ của Cao Gia An thôi. Chúng như loài dây leo hờ hững trên tường rào. Nhưng chúng lại nở hoa, những chùm hoa thắm tươi, ngát hương. Tôi không rõ tác giả có ý định dọn sẵn cho mình một góc riêng biệt để gửi gắm, trải lòng, để dặn dò, để nói nhỏ vừa đủ nghe thôi. Không ồn ào. Không chộn rộn. Ở chỗ này, tôi muốn nói đến những cặp, những khổ thơ lục bát vừa đẹp, vừa sắp đặt lạ mắt, lại thêm chút điệu đàng điểm xuyết vào toàn cảnh của tập thơ đã phải mang trên mình một cây thánh giá quá đỗi nặng nề là ”Mùa Cứu Rỗi”. Để tôi nói ra một sự thật, nhé. Lạy Chúa tôi, đã quá nhiều phen, tôi phải cắn răng mà đọc, đọc cho cạn tàu ráo máng những trang thơ vừa khô khốc, lại vừa dạy đời, nghe có khác gì kinh kệ của các bậc tu trì trên tầng tháp cổ. Chẳng biết Mùa Cứu Rỗi của thầy tu này có gì khả quan hơn chăng? Mong là mong, được thấy những chùm hoa mẫu đơn chớm nở trên vách đá cheo leo? Sự Cứu Rỗi, nếu được hiểu như là ân sủng, là mầu nhiệm của Chúa Trời thì chính nó đã tiềm tàng trong cái đẹp, xuất phát từ tinh hoa của trí tuệ và từ mồ hôi, nhọc nhằn của đôi bàn tay. Cái đẹp đã Cứu Rỗi chúng ta, như cách nói của một văn hào nào đấy. Do đó, tôi muốn dành riêng một khu vườn rào kín thật tươi mát, mời bạn đọc vui lòng ghé thăm những chùm hoa mẫu đơn ấy mà có lẽ người chủ vườn đã chăm chút ương gieo, tưới tắm. Phải lặn ngòi ngoi nước, mới có thể nhận ra điều ấy ẩn mình thật sâu trong giọng điệu lục bát mặn mùi biển Hàm Thuận, Phan Thiết hoặc mãi ra xứ Quảng Ngãi, gốc gác của tác giả. Chẳng ai giấu giếm được cái nết đất và tính người từ trong máu thịt lộ ra cử chỉ và ngôn từ. Tự nhiên, tôi liên tưởng tới những gì tôi đã hơn một lần đọc được trong thơ của thầy cả Lữ Y Đoan với Sấm Truyền Ca(1670); trong ca vãn I-Nê của thầy cả Lô-ren Huỳnh Lâu(1656-1712). Phải lấy cái mình đang sẵn có ấy làm vốn mà tụ hào. Hơn là cứ phải làm ra mình đang cập nhật, đang chồng chéo những trăn trở, vướng víu, phải được phơi bày ra cách nào đấy mang hơi hướm của ”triết lý, thần học, suy tư về thân phận, về ân sủng, nhiệm mầu”. Đã có hiện tượng nghịch lý này trong cõi văn học nghệ thuật đương đại: Trong khi nhạc sĩ lão làng Phạm Duy thường hay sáng tác nhạc trẻ, nhạc tình yêu lứa đôi thì chàng trung niên họ Trịnh lại đăm chiêu triết lý hiện sinh về cái lẽ vô thường của tuổi già. Hãy thử làm một cuộc điểm danh những bài thơ mà tôi gọi là ”đã trót khoác lên mình những tấm áo quá khổ ấy”, nhé. Chúng lạc lõng đến khó hiểu, làm cằn cỗi và khó ưa cho khuôn mặt trẻ trung, nhan sắc của một tập thơ... Người Đã Chết; Chữ Tình; Người Muốn Lòng Nhân; Chỉ Còn Lại Đấng Xót Thương; Mặt Trời Và Chiếc Bóng; Mùa Chay Của Người Làm Thơ; Lời Nguyện Mùa Chay Của Người Làm Thơ; Thức Dậy Đi; Người Ơi; Lễ Truyền Dầu; Đừng Ngoảnh Lại; Suối Cạn; Rửa Tay; Chối Thầy; Thêm Lần Nữa. Còn nữa: Sứ Mạng; Lạc Lối; Tội Và Đêm; Thơ Đạo; Người Muốn Lòng Nhân; Lỗi Hệ Thống và Sức Mạnh Của Sự Yếu Đuối... Nói thật, tôi không đủ can đảm đọc hết từng mệnh đề, cứ như là pano, khẩu hiệu ngang dọc ngoài đường phố kia. Chúng không hơn mớ lý thuyết, mang nặng tính giáo điều rất khiên cưỡng và khó đi vào lòng người ấy? Tại sao phải bắt mình cau có, hằn học? Thi ca, từ bản chất, rất dịu dàng, mềm mỏng, dễ gần kia mà, nên mới được gọi là ”Nàng Thơ”, chứ đâu có làm mặt lạnh, mặt ngầu với ai? Do đó, cho phép tôi đóng sập cánh cửa, miễn trưng dẫn ra đây đại loại những thứ hàng hoá khó tiêu thụ ấy.

Nào, bây giờ, ta hãy thoát ra khỏi cái mớ bòng bong mà đa phần người trẻ cầm bút tự ”mua dây buộc vào mình” bằng những trang thiết bị không cần thiết. Thời nào cũng vậy. Vẫn có đấy một số người thích được công nhận là ”già trước tuổi”, nôm na là sắm vai những Socrates, Platon, Descartes, chí ít là Paul Claudel, hoặc J.P.Sartre cho nó xôm tụ. Thi ca của họ, vì thế đã mất hết cái chất, cái hương, cái hoa và cái hồn hứng trẻ trung, tươi tắn đầy cảm xúc. Tôi muốn mời bạn cùng tôi ghé lại những điểm dừng bất chợt, có thể là mong manh, nhẹ nhàng, tưởng như bên ngoài dự tính của chính tác giả. 
Chúng ta sẽ nhận ra Cao Gia An thật sự hồn nhiên, không đến nỗi phức tạp và khó cảm thông đâu.

“Con mượn Chúa cho thơ thêm chất đạo

Trong mớ bòng bong, nghĩa ít, chữ nhiều”.

“Người làm thơ là người của Mùa Chay

Rũ sạch nơi con những hào hoa nhung lụa”.

Lại một trắc trở, không nên có trong thơ, mà tác giả gai góc đặt ra:

“…Vùng vẫy với trò đặt câu, xếp chữ

Chữ càng nhiều, cái tôi càng phình bự

Trong nhập nhằng cái được gọi là thơ”.

Ở một chỗ khác, tác giả vẫn chưa rũ sạch được nỗi niềm u ẩn:

“Con không thể là trái cây chín ép

Để ngọt ngào lờ lợ chút đầu môi

Để phấn son cho ngoa ngữ, lộng lời

Để tô điểm cho mình thêm diêm dúa”.


2.

Tạm biệt mảnh đất cằn cỗi, không sinh sôi hoa trái ấy. Ta đến thăm những bờ bãi ngút ngát xanh tươi của ”Mùa Cứu Rỗi”. Lòng sẽ nhẹ tênh. Thơ 5 chữ và lục bát của Cao Gia An có đủ tố chất của cổ điển, bán cổ điển và hiện đại. Chúng thấp thoáng bóng tà huy của Huy Cận và huê tình của Hàn Mạc Tử, của Cung Trầm Tưởng. Đọc và nghe, mát lòng mát ruột, muốn đọc mãi.

“Chừng như Người ngoảnh mặt đi

Mặc con với chẳng còn gì trong con”.

hoặc:

”Tạ ơn Người ngoảnh mặt đi

Để con biết con là gì mình con

Rũ cho sạch những sáo mòn

Và bao vọng tưởng mãi còn mang theo”.

Và tôi cũng không ngờ. Mùa Cứu Rỗi của Cao Gia An nhắc đi nhắc lại hoài hoài cái điệp ngữ ”về”? Về đâu? Trở về? Về một nơi chốn hay về một lúc nào? Về với ai? Bao nhiêu tra vấn dằng dặc, rối bời? Ý hẳn là chàng muốn khơi gợi đến Mùa Chay, với sự trở về, tỉnh thức, sám hối, ăn năn? Mà cũng có thể suy diễn là lời trần tình, lời thú tội của kẻ trót lỡ lầm với bãi bờ hoang mạc.

“Về khi con nắng đã tàn

Khi chiều sương đã trễ tràng buông lơi

Ngàn mây vương vãi bên trời

Tràn giăng bóng tối trên đời hanh hao”.

Dặm dài đi tìm Mùa Cứu Rỗi là những đoạn trường không có điểm dừng. Khóc và cười. Ngọc vỡ và châu chìm. Tiếc vì đã phôi pha, đã nhạt nhoà.

“Khóc lời ngoa nguỵ bờ môi

Tình như nước chảy mây trôi vội vàng”.

Lục bát của Cao Gia An, đến đây, đã lột xác, đã gập ghềnh bậc thang, đã mênh mang sông nước. Không thúc ép kìm hãm được. Nó chứng tỏ một ngón tài hoa. Tiết nhịp, tuy có khúc xạ, chông chênh, nhưng rõ ràng điệu nghệ và đài các. Tôi không chắc chàng muốn ”kiểu cách và lập dị” hay”chạy theo mốt”, khi rải câu chữ ra bất chợt, chỗ 1, chỗ 2, chỗ 3, chỗ 4 và chỗ 5 rất ư là rời rạc, vương vãi thế này:

”Mùa về

rêu cũ lên xanh

Bài ca xưa tỉnh giấc

thành bùa yêu”.



”Chiều Thu

rụng

chiếc lá vàng

Lá se se

cuộn bay ngang mặt người

Tròn xoe

mắt lá vàng tươi

Giật mình ngơ ngác

mắt người tròn xoe”.

Không cầm lòng được nữa. Từ một chốn nào, tôi nghe Sĩ Phú cất lên giai điệu blue buồn của tình khúc Ngậm Ngùi, một đồng cảm đồng điệu của Huy Cận và Phạm Duy: ”Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Ngủ đi em, mộng bình thường. À ơi có tiếng thuỳ dương mấy bờ...”

"Chiều

mươn mướt nẻo sơn khê

Người rảo bước

giữa bốn bề giăng mây

Chiều giông gió

lá Thu bay

Người đi

mưa lá phủ đầy hai vai”.

Đấy, thưa bạn đọc và tác giả, tôi chẳng dám nói sai đâu. Mát mẻ và thong dong biết bao, khi chúng ta vừa bước ra khỏi khu vườn yên ả, đôi lúc ríu rít tiếng chim... mà lòng còn vang âm mãi, dìu dặt hoài.

Và bây giờ, phải dấn bước thôi. Khăn gói lên đường, lần theo hành trình rộn rã của Cao Gia An, mà tôi gọi là ”Dặm Dài Đi Tìm Mùa Cứu Rỗi”. Đi cho kịp, vì chàng ríu rít như chim và tung tăng như sóc, như nai trong Nhã Ca. Tôi hỏi, sao đi hoài như con thoi, lấy giờ đâu mà làm thơ? Trong lá thư vội vàng gửi cho tôi giữa tháng 7.2020, chàng thú nhận: ”...Tác phẩm trong Mùa Cứu Rỗi được bắt đầu từ học kỳ đầu tiên tại Jerusalem, 2013... Cứ viết rồi để đó. Thơ thì không có đất sống nhiều. Nay có người xúi xuất bản, nên con gom lại... bìa chưa có ai thiết kế...” Một hồi âm xem ra rất... lửng lơ con cá vàng! Gọi Mùa Cứu Rỗi là ”một dặm dài” chẳng oan chút nào. Này, nó khởi hành từ Jerusalem 2013, về Roma 2014, rồi vòng quanh những England, France, Germany, Austria, Spain, Norway, Denmark, Ireland, rồi lại trở về Roma... Ôi, bước chân của những người đi rao giảng Tin Mừng. Lạy Thầy chí thánh Giêsu, con đã mệt nhoài, mà vẫn không theo kịp Ngài rảo khắp các thị thành làng mạc. Hèn chi, các đề tài, cảm hứng và cả cách diễn đạt của tác giả cũng quay tít mù như chong chóng, rất khó nắm bắt.

”Ta hỏi ta bao giờ trở lại

Chở hẹn về bãi nắng sông xưa

Ta hỏi ta đi gì đi mãi

Lạc loài như một giấc mơ trưa”.

Vội vã gặp và vội vã chia tay. Chỉ chợt thấy, trong vời vợi ánh mắt một le lói hồi hương.

“Một ngày ta chợt thấy

Người đi giữa phố phường

Trong vợi vời ánh mắt

Lấp lánh mộng hồi hương”.

Mùa Cứu Rỗi, trước sau, vẫn là một hẹn ước thề bồi. Tôi và người. Người với tôi. Hình với bóng. Vẫn thường ngày hai buổi đấy, vẫn con phố cũ đấy. Mà đôi ngả, đôi nơi.

“Một ngày người đi trên phố

Bỗng dưng phố rực ánh đèn

Giáo đường rộn ràng chuông đổ

Mời người về lại mùa quen”.


3.

Bẵng đi lâu thật lâu. Xem sổ tay, mới hết hồn, chợt nhận ra đã hơn nửa năm. Hôm ấy, mình đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên, vào một ngày cuối tháng 5, khi cơn đại dịch corona virus đã chín, phủ sóng trên toàn cầu. Nay, đang bùng phát trở lại, gọi là đợt 2. Xem chừng dữ dội và khó hiểu hơn. Mới hay, mưu sâu và kế độc của loài có trí khôn, linh ư vạn vật. Hình như, càng ngày càng tinh vi và tàn bạo hơn, tàn bạo đến độ... tỉnh bơ!

Nơi tôi ở đã vào Thu rồi đây. Cây lá trong rừng và trong vườn nhà đã chuyển màu, từ chanh mơ sang úa vàng. Có những cây đỏ ối, nâu nâu sang màu vang chát. Tôi nhận được email của tác giả, với những dòng chữ xem ra có cái gì vội vàng ”Con vừa trở về từ vùng Bắc Ý. Tình hình bệnh dịch ở châu Âu lại bắt đầu gia tăng trở lại... Sau khi phải cách ly và phải làm xét nghiệm, hôm nay (5.10.2020), con mới được tái hội nhập cộng đồng... Cám ơn bác vẫn tiếp tục suy nghĩ và viết lời giới thiệu cho tập thơ của con...”

Hoá ra, tôi lại có thêm cái cớ để cầm chừng, hoãn binh được một chặng đường nữa. Bởi không thấy tác giả giục giã, hối thúc gì nhiều hơn. Nói là nói thế thôi, chứ mình không được phép... bỏ lửng, nguỵ biện cho cái tính lười nhác của mình. Đang khi viết những dòng này thì ngoài kia, miền Trung đã và đang oằn mình chống đỡ một trận lũ lụt thế kỷ. Nặng nề và tang thương hơn năm 1999 và 2000, khi tôi bị mắc kẹt, phải ”ăn vạ” cơm của Nhà Chung giáo phận Huế dễ đến mươi hôm sau, nước mới rút hết.

Đúng là đi tìm ”Mùa Cứu Rỗi”- giữa thời buổi ôn dịch, mất mùa, bão lũ - lâm vào cảnh chông chênh, bữa nay bữa mai, chẳng biết ra làm sao. Chưa bao giờ, tôi gặp một tập thơ có cái số phận... long đong như tập thơ này. Người lưu lạc bên Tây, kẻ tha hương bên Mỹ. Lại thêm cái đại hạn kéo dài lê thê suốt một năm trời. Hôm nay, mùa Đông đã ập đến. Không ngờ. Trận cuồng phong đại dịch kéo dài lê thê và khủng khiếp đến thế. Mỹ và các nước Âu châu - trong vòng vây rét buốt của mùa Đông tuyết giá - phải chịu đựng áp lực sinh sôi nảy nở của nó ghê gớm hơn. Có lẽ vì thế mà tin tức của người linh mục trẻ Cao Gia An SJ thêm một lần vắng bặt. Tính ra, thời gian đã gần một năm trời ròng rã. Hôm nay, ngày cuối cùng, khép lại năm 2020. Tôi nghe nói bên nhà cũng lạnh. Hẳn là cái lạnh góp với bên này? Đã định bụng liên lạc bằng mọi cách, hỏi xem tác giả “Mùa Cứu Rỗi” có chịu đựng nổi sự chậm trễ này không? Nhưng rồi lại thôi. Cứ để y nguyên đấy, có cầu có thiêng và có kiêng có lành. Tự nhiên, có cái gì hối thúc mình? Thần giao cách cảm giữa tác giả với mình chăng? Cuối năm rồi. Không biết tập thơ này còn nằm trên lịch công tác của người linh mục trẻ ấy, hay đã... mỏi mòn, đi vào quên lãng?

Không. Không thể. Cái điệp ngữ ”Mùa… Mùa Về... Tỉnh Thức... Hành Hương... Mùa Vọng... Mùa Yêu... Mùa Hoa... Mùa Chay... Mùa Lá Rơi... Tàn Thu... Mùa Quen... Về...” của Cao Gia An cứ hiện ra lung linh đâu đó, nhắc nhớ tôi. Một tần suất dày đặc, vội vã... kẻo năm cùng tháng tận. Cho nên, thay cho một lời tạ lỗi với tác giả đã gửi trọn niềm tin vào mình, tôi bắt tôi phải cúi đầu chấp nhận một kỷ luật tự mình đặt ra, là ngồi ngay vào computer và đặt tay lên bàn phím. Tôi trừng phạt tôi đúng vào lúc nhâm nhi tách cà phê đầu ngày mồng 1 tháng 1 năm mới 2021. Bạn thấy không, đây, những đợi, những chờ.

“Đau đáu tàn tro nhớ lửa hồng

Buồn hiu bếp cũ những chờ trông

Chân hoang đã rã chiều luân lạc

Tay lạnh còn mơ sớm mặn nồng...

“Người ơi, về nhé, mùa yêu, nhé!

Bếp lại lung linh ngọn lửa hồng”.

Ngạc nhiên chưa? Bỗng dưng rơi vào đây một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật rất ”cổ điển” kiểu Quách Tấn, pha lẫn ít nhiều lãng mạn của Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đỗ Cung của nhóm Xuân Thu Nhã Tập (1939-1943). Ngoài trời, tuyết đang rơi. Đợt 2, đợt 3 rồi, tuy chỉ nhẹ nhàng là bông tuyết trắng tinh phủ hờ trên mái nhà, ống khói và những cành cây trơ lá. Tức là đã lập Đông. Mới hôm nào còn là mùa Thu đi lang thang qua mấy con phố quen của Philadelphia cổ kính. Nay đành phải cấm cung trong nhà, nhìn trời âm u mịt mù, buồn thảm ngoài kia.

Phải tới lần thứ ba như hôm nay, sau hơn 8 tháng trời, mới viết tiếp được phần còn lại của Vào Đề của tập thơ Mùa Cứu Rỗi.

Như trên đã nói, tập thơ toàn là mùa những mùa. Mùa của vòng xoay đất trời ”Xuân sinh, hạ trưởng ,Thu liễm, Đông tàn”. Mùa của vạn vật tuần hoàn. Mùa của cỏ cây hoa trái, thời vụ. Và mùa của tâm linh, của Phụng vụ, của Kinh Thánh, của nguyện cầu. Có đến 90% tên các bài thơ mang ý nghĩa của mùa màng. Tôi gọi đấy là”nỗi ám ảnh mùa màng“ trong thơ của Cao Gia An. Hiếm và quý lắm đấy. Nó chẳng ràng buộc, trói chân tay gì đâu. Nhưng nó mở phơi những cánh cửa ra phía chân trời, đời và đạo, ý Chúa và tình người.

“Đã biết bao mùa Thu lá rơi

Em voan nắng lụa trải bên đời

Lung linh màu áo Thu mọng chín

Rối vòng chân lữ khách chơi vơi…



Giữa lũng khách đầy muôn tội lệ

Giữ làm sao được những tàn rơi”.

Vẫn âm u trong không khí tháp ngà Đường luật. Nhưng đọc và nghe ”sướng” đôi tai khi dừng lại ở câu ”Em voan nắng lụa trải bên trời”. Thơ thật thơ đấy, ông linh mục trẻ ạ. Vì ông là linh mục. Vì ông mang tấm áo dòng. Vì trăm nỗi không tên... Tôi hiểu đến tận cùng sâu thẳm của câu thơ mỹ miều này lắm! Tôi muốn đọc lại câu thơ thật trữ tình ”Em voan nắng lụa trải bên đời” này thêm một lần nữa, trước khi sang câu chuyện khác của tập thơ.

Tôi tưởng ông đã chán nản vì đợi chờ bài tôi viết hay vì cơn đại dịch dằng dai, dập vùi? Ông không ngại giãi bày cho tôi: ”...đang sống trong khu vực bị lockdown, không được phép ra khỏi nhà... Thời gian này, phần lớn những chuyến bay từ châu Âu qua Mỹ đều bị cấm cảnh... cũng chẳng biết chắc là khi nào nữa... Mong bác kiên nhẫn và thông cảm...” Ở một tập san xuất bản đã khá lâu, lúc ấy, Cao Gia An (kể cả hai chữ SJ ở ngay sau) thật sự có một chút gây ngỡ ngàng, khi tôi đọc mấy dòng này: ”...nếu hành trình sống đức tin đặt tôi mỗi ngày trước tôn nhan Thiên Chúa, lời thơ chính là lời kinh nguyện, lời thân thưa mà linh hồn tôi dâng lên Thiên Chúa.”(Có Một Vườn Thơ Đạo, nxb Phương Đông, 2012 - nxb Hồng Đức, 2015).

Còn nữa. Những gửi gắm xa mà gần, như thoáng bên hàng giậu tầm xuân:

“Vậy là mình vẫn đợi

Đợi mùa về trong nhau

Vậy là tình vẫn đẹp

Đẹp như thuở ban đầu”.

Tôi chẳng hề dám có một mảy may ngờ vực, là đã có một gợn mây bảng lảng nào đấy, khi đọc và ngẫm ngợi những vần điệu và ngôn ngữ ấy của Cao Gia An. Nhưng thú thật, cách nay năm sáu chục năm rồi. Đã xảy ra cơn địa chấn tinh thần ấy đối với thế hệ tu trì của bọn tôi. Làm sao có thể chấp nhận cái ngữ như tôi, thơ với thẩn, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây? Đó là chưa nói đến... bóng dáng một nàng giai nhân nào, dù trong mộng tưởng. Tội và tình. Tình sinh ra tội... Ý Chúa hay tình người?

Trong cơn lâm luỵ - nói theo Hàn Mạc Tử - tôi tin chắc người tu sĩ Dòng Tên họ Cao của “Mùa Cứu Rỗi” đã bám chặt vào Chúa là khiên và thuẫn, là thạch động để chàng nương náu, như nhà thơ Paul - Marie Verlaine đã viết: ”Tuổi thơ con hân hoan vui mừng. Chào đời, con được chúc phúc, yêu thương và chiều chuộng. Con tín thác, hồn nhiên, không thoáng bận tâm, cho đến khi muôn vàn cay đắng phủ trùm... khác chi giông bão húc càn và tí chút nữa, con sa xuống vực thẳm. Phần con, phải nói rằng những cảm giác sợ hãi đó đã làm con ngã quỵ. Thế mà, lạy Chúa từ nhân, khi Chúa đến, mọi sự lại đâu vào đó. Ngài đặt con vào chỗ an toàn. Đem cho con an nguy, khốn khó, nhưng cũng chính Ngài cất khỏi con những đoạn trường lao đao. Ngài từng phạt con với cực hình cùng tột. Vâng, linh hồn đáng thương của con đã nghĩ như thế. Nhưng không, vì Ngài đã kịp ném cho con cây sào, cứu con khỏi dòng nước cuốn trôi...”

Chúng ta đọc tiếp lời dặn dò, nhắn nhủ ai kia về một lựa chọn, một ra đi, một chấp nhận và một khước từ.

“Vui không em, một cuộc rong hoang

Theo đường mật lời thảo mai rủ rỉ

Theo chiếc bóng chập chờn ma mị

Vắng mặt trời thì bỏ lại sau lưng”.

“Em quay lưng với mặt trời.

Bước vội

Mặc chiều tràn sông nắng chảy luênh loang

Em ngu ngơ đặt chân vào vũng tối

Tưởng là miền đại lộ thênh thang”.

4.

Càng đi về cuối con đường của Mùa Cứu Rỗi, càng thấy rõ trong thơ của Cao Gia An một giằng xé quyết liệt, một vật lộn máu xương để khắc hoạ một lằn ranh sinh tử giữa đi và ở, giữa mất và còn, giữa tiếc nuối nhớ nhung và dấn bước, lên đường. Hệt như kẻ vác cày ra thăm đất thăm đồng để làm mùa, mà lòng còn dính dấp tơ vương, muốn ngoái cổ lại nhìn một lần cuối. Ai cấm cản được? Ngoại trừ quyền tự do của anh. Nhưng trong cuộc chiến gai lửa giữa trái tim và lý trí, giữa kỷ niệm, thề bồi với quyết tâm dũng cảm, bắt buộc phải rạch ròi, sống chết,không thể nửa vời.

“Tôi là kẻ làm vườn

Trên đỉnh đồi Cứu Rỗi

Trái tim tôi lỡ thương

Một loài hoa đồng nội”.

Giữa kẻ làm vườn với đất đai, hoa màu trên đỉnh đồi Cứu Rỗi với loài hoa đồng nội ngoan nguỳ kia, đâu là lựa chọn? Em về đi hay về đây, em? Lửa cháy bụi gai và bàn thờ sát tế. Vì tôi là linh mục. Chúa chết treo trên thập giá. Hãy để tôi tựa đầu vào lòng Chúa xót thương.

“Về đi em, về giữa mùa Cứu Rỗi

Mặc phù vân là của mọi phù vân

Về gục đầu mà sám hối ăn năn...”

Mình sám hối ăn năn hay... em... gục đầu khóc lóc?

Vẫn còn lại nửa hồn thương đau đấy. Vẫn là tiếc nuối nhớ nhung. Dùng dằng, bịn rịn.

“Một nửa con

một nửa người,

Nửa sầu héo

nửa vàng tươi

đường trần.

Nửa xa xa

nửa gần gần

Nửa nghiêng hướng thiện

nửa trần phù hoang…

Mất đi một nửa phận người

Tôi đâu còn được là tôi vẹn toàn”.

Phải giục giã, phải gấp gáp lên đường thôi, đừng chần chờ, dù một phút, một giây. Ôi, vườn cảm lãm đã hé mở Xuân thì. Bao nhiêu là mời mọc phù hoa, nhung gấm lụa là? Một đời hiến dâng, một lễ toàn thiêu.

“Khi nụ đời sắp nở

Mươn mướt đoá xuân thì

Mùa vui đành dang dở

Ngày tôi phải ra đi

…Mạnh bước lên, tôi nhé

Dâng cho trọn cuộc tình

Hoa thơm đời tận hiến

Sẽ ngát trời hương kinh”.

Chỉ có Giêsu mới là mùa Cứu Rỗi trong cơn tăm tối này. Biết là thế, nhưng nghe bước chân nặng như đeo chì. Hỏi chứ, đâu là một Alter Christus giữa ba đào cám dỗ?

“Vẫn nghe anh nên một

Giêsu khác cho đời

Người còn là gương mẫu

Tuyệt vời không, anh ơi?”

Vâng, lạy Chúa, xin dìu dẫn con đi, từng bước,từng bước một. Kẻo con sẽ xiêu ngã nửa vời.

“Xin dẫn con đi từng bước

Qua từng nhịp sống chông chênh”.

Đến đây, thơ của Cao Gia An lơi nhịp, chùng chậm hẳn. Bởi đường đi đã tới, kìa là Emmaus và đã xế bóng chiều tà. Không dằn vặt trách móc. Không lý luận, phân bua. Thì ra, Mùa Cứu Rỗi là một cõi thánh thiêng, vượt hẳn lên khỏi những oan khiên, hệ luỵ của, níu kéo của đời thường. Người linh mục trẻ ấy mạo hiểm, một mình bứt đi. Và chàng để cho gió muốn thổi về đâu, mặc gió. Riêng tôi cũng đã trở về với nhịp đời bình lặng, sau những ngày bị căng ra bởi thời sự dồn dập của mùa bầu bán ở Hoa Kỳ. Lại tình cờ. Hôm nay, nghe tin nữ danh ca Cecilia Lệ Thu-giọng hát trầm đục mà tôi đặt tên là ”người thiếu phụ ngồi bên bờ Giếng Jacob, đợi Chúa ngang qua” - đã về trời sau cả tháng trời vật vã vì con ác quỷ Corona virus. Ngay phút giây đọc bài Tin Mừng Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa trên dòng sông Jordan, tôi bật mở videoclip của người bạn trong Ban hợp xướng Trùng Dương bên nhà vừa gửi. Ôi, những thân quen, bạn bè tôi mấy chục năm qua, bây giờ, đã đi đâu, về đâu? Ngày ấy, họ chụm đầu vào nhau, hát vang ca khúc ”Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” của Đức Huy viết nóng khi mũi thuyền vượt biên vừa đâm vào kè đá Malaysia. Như là một lời tạ ơn Chúa đã dẫn đưa vào bến bờ bình yên. Tôi nghe rõ ”Tìm một con đường, tìm một lối đi... Sống không ngày mai...Nhiều lần ướt mi...Cho tôi biến đổi...Tôi hy vọng được Ơn Cứu Rỗi...”

Sáng nay, Gibbsboro, thành phố tỉnh lẻ tôi ở lạnh buốt.

Hình như, bụi tuyết đang rơi. Gần bên chỗ tôi vẫn ngồi nhâm nhi cà phê và ngẫm ngợi. Đọc lại câu thơ của Cao Gia An, từ Roma:

“Xin đẩy con về phía trước

Mỗi ngày con mỗi lớn lên”…

      Gibbsboro, NJ

Những ngày đầu Mùa Chay 2021

Lê Đình Bảng