Bây giờ người ta không nói (mà ói), không viết (mà giết) tiếng Việt! - Tác giả: Hoàng Chính

Anne de Jesu

Trăm Cây Nghìn Cành do Văn Học Mới xuất bản năm 2020, là một tuyển tập trong đó nhà thơ Triều Hoa Đại trò chuyện với 14 người viết ở cả hai lãnh vực văn và thơ, trong đó có nhiều tác giả quen thuộc trên Da Màu và đặc biệt hai khuôn mặt trong ban biên tập Da Màu: cố nhà văn kiêm sáng lập viên Phùng Nguyễn và nhà văn Hoàng Chính. Với sự đồng ý của nhà thơ Triều Hoa Đại, Da Màu gửi tới bạn đọc bài phỏng vấn Hoàng Chính của nhà thơ Triều Hoa Đại. Đề tựa do Hoàng Chính đặt.

Triều Hoa Đại: Đọc anh đã lâu định rằng một lúc nào đó sẽ xin được cùng anh trò chuyện một đôi điều. Cơ may của sự chờ đợi bấy lâu nay đã đến, số là tôi đang thực hiện cuốn: Trăm Cây Nghìn Cành để phỏng vấn những anh chị văn hữu đương đại mục đích là để giúp đọc giả tìm hiểu xem giờ phút thật lòng của những nhà văn này nó thật lòng như thế nào và đến đâu. May mắn cho cuốn sách là anh đã vui vẻ nhận lời góp tay. Thay mặt người đọc xin gửi lời cám ơn nhà văn Hoàng Chính. Và, như thế thì chúng ta bắt đầu cho buổi trò chuyện này nhé?

Hoàng Chính: Vâng, cảm ơn anh. Và xin chào bạn, người đang đọc những dòng này.

THĐ: Qua câu chuyện với chị Lưu Diệu Vân cách nay cũng khá lâu ở trên Hợp Lưu mà tôi đọc được thì mới biết anh là một bác sĩ và đang hành nghề ở Canada phải thế không nào?

HC: Ồ, bài phỏng vấn ấy lâu lắm rồi, khi Lưu Diệu Vân và tôi mới chỉ đọc nhau chứ chưa quen nhau (bây giờ thì chúng tôi đã về với nhau mười mấy năm rồi). Và đúng, tôi tốt nghiệp trường Y Sài Gòn, có bằng tương đương của Y Khoa Canada nhưng vì tìm hoài không ra chỗ nội trú nên tôi mất dần nỗi hăm hở và hứng thú, bèn xoay qua đủ thứ nghề, rồi dừng lại ở nghề thông dịch viên toà án.

THĐ: Điều mà tôi cứ băn khoăn là không hiểu sao từ cái nghề “sờ nắn”, kê toa anh lại “lạc đường” vào cái Nghiệp văn chương, mà nói theo Willam Faulkner thì chắc là anh đã bị “ma đưa lối quỷ dẫn đường”?

HC: Tôi mê đọc truyện từ nhỏ, từ trước khi biết con vi trùng khác với con virus ra sao. Thành ra nếu có “lạc đường” thì phải nói là lạc từ tủ sách đựng truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ… sang cái tủ đầy những sách y học; từ những kệ sách cũ kỹ của tiệm cho thuê truyện sang cái thư viện đình đám của trường Y Khoa Sài Gòn.

THĐ: Anh yêu “tiếng nước tôi” đến thế cơ à khi trả lời với chị Lưu Diệu Vân anh bảo: “…mai này nếu như Việt Nam dùng tiếng Anh làm quốc ngữ (sắp rồi đấy) tôi vẫn viết tiếng Việt như thường. Viết để đọc một mình,” hỏi thật anh nhé thế ngộ nhỡ nước mình không dùng tiếng Anh mà lại dùng tiếng Tàu thì sao đây?

HC: Nói ra thì có vẻ chủ quan nhưng tôi nghĩ tiếng Việt là ngôn ngữ tuyệt vời. Và tôi vẫn (và sẽ mãi) giữ lời hứa của mình. Nếu không còn người đọc tiếng Việt thì mình viết cho mình đọc cũng là hạnh phúc. Tới một lúc nào đó, người ta sẽ thấy còn ham đọc, và còn đọc được là điều vô cùng may mắn. Vì vậy một mai, khi những người cầm quyền ở cái nước Việt Nam khốn khổ kia có dùng tiếng Tàu làm quốc ngữ thì cũng không thay đổi được cái điều tôi đã hứa.

THĐ: Cái Nghề mà anh đang theo đuổi với tôi thì thật là cao quý bởi nó theo mang trái tim thương yêu để xoa dịu nỗi khổ với đồng loại, còn cái Nghiệp viết văn, làm thơ mà đã có lắm người thường nói: Nhà văn là kẻ đi rao giảng tình thương, anh thấy giữa thương/ yêu như đã đề cập thì cái nào cao quý và màu nhiệm hơn?

HC: Xin nhắc với anh là sau một thập niên không tìm được chỗ nội trú, tôi đã bỏ hẳn nghề y. Thế kỷ này tôi không mấy tin rằng nhà văn là kẻ đi rao giảng tình thương, nhất là khi có quá nhiều nhà văn, nhà thơ viết với tâm trạng “vui thôi mà!”

Gần hai chục năm làm thông dịch viên tòa án ở tỉnh bang Ontario, Canada, tôi nhận ra điều khôi hài là cả nghề y lẫn nghề thông dịch tòa của tôi gần giống nghề của ông chủ tiệm bán hòm (Tobia ngày xưa ở Sài Gòn). Xã hội càng tệ hại, chủ tiệm càng ăn nên làm ra. Nếu thế giới này không còn ai bệnh tật, bác sĩ sẽ phải đổi nghề; nếu xã hội không còn người phạm pháp, thông dịch viên tòa án cũng phải bỏ nghề, điển hình là từ khi Canada hợp pháp hóa cần sa mà dân Việt mình gọi tắt là “cỏ” thì công việc của tôi cũng giảm hẳn đi, và (cái này nói nhỏ với anh thôi) cuốn truyện dài “Nhật Ký Cỏ” của tôi còn toàn những trang dang dở.

THĐ: Nhà văn Franz Kafka đã bỏ gần hết nửa đời còn lại chỉ để mỗi ngày viết một lá thư an ủi một cô bé (giờ đây đã lớn) bị mất một con búp bê ở trong công viên khi đi dạo, thế thì đấy có phải là gieo rắc tình thương không?

HC: Gieo rắc tình thương (nếu có) thì cũng chỉ đúng với hai hay ba lá thư đầu thôi. Những lá thư sau – tôi nghĩ chỉ là một trong những phương thức giải tỏa nỗi cô đơn của nhà văn; một hình thức tâm lý trị liệu, vậy thôi.

THĐ: Với bác sĩ kiêm nhà văn Tchekov thì: “Y học là vợ chính thức của tôi, còn văn chương là tình nhân. Khi tôi chán bà này thì tôi đi với bà kia. Tuy nhiên, đối với cả hai tôi đều trung thành cả. Nếu không có nghề thuốc thì có lẽ không có tài liệu để viết văn,” ông này xem ra có vẻ tham lam quá còn anh thì thế nào giữa: PHỞ/CƠM khi nào thì Phở, lúc nào thì Cơm?

HC: Trước hết (xin lỗi anh điều này), tôi không quen với ý niệm “cơm/phở”, tôi thấy đó là cách ví von thiếu công bằng và không nhiều thì ít cũng mang tính cách xúc phạm đối với phụ nữ dù đó là vợ hay người tình. Phụ nữ không phải là món ăn để người ta múc vào tô, thêm ớt xanh ớt đỏ, thêm rau thơm, hành ngò và nước béo. Cả “cơm” lẫn “phở” đều chỉ đơn giản là cơm và phở. Hết.

Qua chuyện viết truyện (hay làm thơ) và viết toa thuốc, tôi cho rằng cả hai đều đáng quý như nhau, dù những bài văn (vì người viết nó không cần giấy phép hành nghề) có lúc ngập tràn (trang giấy hay màn hình máy điện toán) đến chóng mặt, còn đơn thuốc thì không. Không có “license” là không thể ghi toa, cho thuốc.

Tôi phục Tchekov nhưng tôi không đồng ý với ông ấy rằng không có nghề thuốc thì không có tài liệu viết văn. Người được đào tạo trong nghề Y, có cái lợi là luyện được sự quan sát (để nhanh chóng phát hiện triệu chứng trên bệnh nhân) và óc suy luận (giúp định bệnh chính xác). Hai thói quen (hay năng khiếu) ấy giúp cho chuyện sáng tác. Chỉ vậy thôi. Và những năng khiếu ấy không chỉ có ở người thầy thuốc. Đâu phải nhà văn nổi tiếng nào cũng có cái ống thính chẩn quàng trên cổ.

Tôi bắt đầu chuyện viết lách bằng những bài thơ. Tác phẩm in thành sách đầu tiên là tập thơ “Nửa Đêm Nghe Mẹ Thở Dài”. Rồi tôi lan man qua văn xuôi. Những ngày mới viết, tôi đi đi về về giữa hai cõi thơ và truyện. Nhiều lần bị hỏi khi nào thơ, khi nào truyện, tôi vẫn hay trả lời bằng câu chuyện vặt vãnh của một anh chàng sinh viên y khoa. Chắc anh đã từng nghe kể cái đau khủng khiếp của sản phụ khi chuyển bụng sanh. Thời sinh viên, trong trại bệnh, tôi cũng nhiều lần chứng kiến cái đau ấy. Khi chuyển bụng sanh, mỗi lần tử cung co thắt để đẩy thai nhi xuống thấp, cơn đau dấy lên, người sản phụ gồng mình, nghiến răng chịu đau, bàn tay nắm chặt tưởng chừng có thể bẻ gẫy thanh sắt cạnh giường. Nhiều sản phụ đau quá không biết làm sao bèn lôi tên ông chồng ra để chửi. Nhưng khi đứa bé lọt lòng mẹ, cơn đau lắng xuống, tiếng khóc sơ sinh vang động căn phòng thì sản phụ mỉm cười. Và tôi nhận ra rằng không nét nhăn nhúm nào trên khuôn mặt đủ diễn tả cơn đau bằng nét nhăn nhúm, vỡ vụn trên khuôn mặt sản phụ khi chuyển bụng, và cũng không nụ cười nào đẹp bằng nụ cười sản phụ khi nghe tiếng khóc đầu đời của con mình. Tôi yêu cả hai cái “nhất” ấy trên khuôn mặt người đàn bà.

Một ngày kia, đứa bé lọt lòng mẹ, người sinh viên trực vừa cắt cuống rún em bé, vừa chia vui với sản phụ: “Chúc mừng chị sinh cháu trai.”

Sản phụ mỉm cười, nụ cười tỏa sáng. Người sinh viên vừa buộc thắt nút cuống rún vừa hỏi đùa: “Sao hồi nãy chị chửi ba thằng nhỏ quá trời vậy?”

Người đàn bà bỗng dưng nổi nóng. Mắt chị trợn lên, răng chị nghiến lại, lời đay nghiến tuôn ra, “Lúc đó tui đã nói với nó là sáng rồi!”

Thưa anh, để diễn tả nụ cười của người mẹ khi đứa con vừa mới chào đời thì phải nhờ đến thơ, còn cái phần “tui đã nói với nó là sáng rồi” thì bắt buộc phải là văn xuôi, phải là truyện ngắn.

THĐ: Ồ, này anh còn nhớ bài thơ hay truyện ngắn, truyện dài nào lần đầu tiên được đăng báo và lúc đó cảm tưởng như thế nào? Tôi hỏi vậy là chỉ muốn biết giữa anh và nhà văn quá cố Võ Phiến có khác nhau không, với Võ Phiến “lần đầu tiên bài của mình được đăng báo, sung sướng quá cảm thấy tự dưng biến thành kẻ khác” còn anh thì có thấy mình như thế không?

HC: Chỉ thấy thích, thấy vui thôi anh ạ. Nói anh đừng cười. Cái truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng trên báo thiếu nhi Tuổi Hoa. Chẳng có báo biếu, cũng không nhuận bút. Nhưng mua tờ báo về, khoe đứa bạn thân, nó loan tin cho cả bọn trẻ con trong xóm. Lũ bạn tranh nhau xem “cái truyện nó ra làm sao.” Lúc ấy thấy thích, thấy vui. Và dường như cũng có thấy mình ít nhiều khôn lớn (hơn mấy đứa bạn nhóc tì trong xóm). Chỉ vậy thôi.

THĐ: Nhà văn là một bà phù thuỷ bởi họ biết phù phép những con chữ vô hồn thành tác phẩm, nhà văn lại còn biết kể chuyện hay nhưng cái quan trọng là họ đã có cái Tâm (chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài). Mà quả thực như thế bởi qua những gì anh viết và độc giả nhận ra thì trong văn chương của anh man mác tình người, ta hãy thử kể ra một ví dụ ở truyện: Mùa Giáng Sinh Xưa Tôi Đã Hứa mà mới đây thôi để chứng minh điều đó, câu chuyện giữa một cụ già đã về hưu nghèo mạt rệp và một người trẻ tuổi tỵ nạn xa xứ, ngôn ngữ bất đồng, nhưng đã vượt qua tất cả rào cản bởi tình thương giữa con người với con người, giữa lòng vị tha “thi ân không cầu báo” đã biến một bông hoa héo úa trở thành một bông hoa tươi trong sáng dưới ánh nắng của bình minh; kết thúc chữ cuối cùng cho truyện ngắn này nhà văn Hoàng Chính cảm thấy tâm trí và lòng mình ra sao?

HC: Trong cuộc sống, tôi bắt gặp rất nhiều người có tấm lòng nhân ái. Tôi luôn cảm thấy thiếu nợ những con người ấy. Ngày mới định cư ở Canada, trong đêm Giáng Sinh nọ, có một ông già Canada cho tôi tiền để mua sách học. Ông dặn dò, “Đừng nói với ai.” Tôi hứa với ông là sẽ không nói với ai. Nhưng tôi ấm ức lắm. Giáng sinh 2019 vừa qua, chịu hết nổi, tôi viết thành truyện ngắn “Mùa Giáng Sinh Xưa Tôi Đã Hứa” (https://damau.org/62559/mua-giang-sinh-xua-toi-da-hua) để nói với nhân gian rằng trên thế gian còn rất nhiều những kẻ có lòng. Viết xong, tôi thấy lòng bình yên dù biết mình đã thành kẻ thất hứa, bởi hôm ấy ông cụ cứ nói đi nói lại, “Đừng nói với ai!”

Xin lỗi, dường như tôi lạc đề. Anh nói về cái Tâm của người viết. Thực ra làm bất kỳ công việc gì mà không có tâm thì đều có thể gây tác hại. Bác sĩ, luật sư… mà không có Tâm thì có thể biến ngay thành thứ lang băm bá đạo và loại thầy cãi lọc lừa. Sau vài năm ngồi ở phòng khám bệnh viện và hơn hai chục năm ngồi trong phòng xử tòa án, tôi thấy hai loại người này đông hết biết. Người cầm bút, khi viết, không cần phải đeo đuổi cái sự “văn dĩ tải đạo” nhưng trong hành trang của họ, ít nhất cũng phải có chút lương thiện, nhất là trong cái thời rối rắm mịt mù này.

THĐ: Anh có đồng ý khi chúng ta ăn phải một món ăn mà nhà hàng dọn ra rất tệ, cũng vậy khi đọc giả vô tình mua phải một tác phẩm chẳng ra gì thì thật là chán ngán để rồi từ đó khiến cho cái lòng yêu chuộng văn chương của họ bị suy giảm?

HC: Đúng chứ anh. Dù một truyện ngắn hay một bài thơ không phải là đĩa thịt vịt Bắc Kinh hay tô hủ tíu Mỹ Tho, nhưng những dư vị (hay đúng hơn là cảm xúc) chúng để lại nơi người thưởng ngoạn rất giống nhau. Cái truyện ngắn dở, cấu trúc lủng củng, tâm lý nhân vật trật đường rầy… khiến người đọc thất vọng thì làm sao thuyết phục được họ. Và một vài lần như thế, họ sẽ bỏ hẳn. Về mở ti vi lên xem, vào facebook ngắm hình phụ nữ đẹp, tán dóc, bấm “like” và “thả thính” vui hơn nhiều.

THĐ: Vậy thì nhà văn các anh phải tính sao?

HC: Chữ nghĩa không đủ sức đối đầu với hình ảnh. Trang giấy bị thất thế trước Internet, Facebook, Instagram, Twitter, vân vân. Thế nên ngay cả những người viết tiếng tăm bây giờ cũng phải chào món hàng của mình trên mạng, và phải kèm theo hình ảnh thiếu nữ mộng mơ, áo dài, tóc thả ngang lưng… Và khi đếm số lượng “like” thì có trời mới biết biết bao nhiêu cái “like” ấy dành cho cô gái trong hình.

Lỗi một phần ở người viết. Nếu các ông các bà cầm bút mà chỉ ngoáy ra chữ theo cái kiểu “vui thôi mà!” thì người đọc chán đọc cũng là chuyện bình thường. Người viết đi từ cực đoan này (“sứ mạng văn học”) qua cực đoan kia (“vui thôi mà!”), thì người đọc cũng chuyển từ văn chương (tạm gọi là “tử tế”) qua tấu hài nhảm nhí hay “tám” chuyện vớ vẩn; chả trách ai được.

Nhà văn phải tính sao? Chả tính sao hết. Bởi tôi cho rằng chúng ta đã tiến hóa đến thời kỳ người ta (nhất là người Việt) không thưởng thức văn chương nữa. Một lần, tôi nghe hai vị trung niên Canada gốc Việt tranh cãi về một nhà văn Việt Nam nổi tiếng. Bà A bảo, “Nhà văn ấy nổi tiếng vậy mà chị không biết à? Chị có bao giờ đọc tiểu thuyết không?” Bà B nhún vai, “Nhà văn Việt Nam nổi tiếng như Quỳnh Dao em còn chưa thèm đọc, nói gì cái ông nhà văn của chị…”

Trong trang mạng damau.org mà tôi cộng tác, phía dưới một tác phẩm, có phần ý kiến người đọc; tôi nhận thấy những bài có tính cách gây tranh cãi được đọc nhiều nhất, căn cứ trên những ý kiến “phản hồi”. Những truyện ngắn hay, những bài thơ xuất sắc vẫn luôn luôn “nằm phơi ra đấy” chẳng ai thèm ngó ngàng (cũng lại căn cứ trên con số zero trong phần phản hồi). Từ đó anh có nghĩ là mình nên kết luận rằng người đọc thích nghe (hay đọc) cãi cọ hơn là thưởng thức văn chương không?

Với tôi thì như đã hứa năm xưa. Đành viết để đọc một mình.

THĐ: Có người bảo với tôi: Nhà văn các ông lâu nay chỉ biết ngoái cổ để nhìn về quá khứ bởi vì sau bao thập niên hội nhập ở xứ người nhưng quý vị vẫn chưa bỏ được cái lối suy nghĩ xưa cũ ở sau lũy tre làng anh nghĩ thế nào?

HC: Trong thành phố tôi ở, một lần kia có cuộc cãi cọ giữa những người Việt đến từ hai miền nước Việt. Trong mớ ngôn ngữ tử tế họ ném vào nhau, tôi để ý đến câu này: “Ở Canada hàng chục năm trời, cái óc bã đậu của lão ta vẫn tư duy theo lối văn minh lúa nước.” Rõ ràng ông này mắng ông kia là hủ lậu, là lỗi thời, là “vẫn chưa bỏ được cái lối suy nghĩ ở sau lũy tre làng…” thế nhưng cách đặt câu, dùng chữ trong lời bắt bẻ cũng lộ rõ cái sự suy nghĩ sau lũy tre làng của người mắng mỏ. Phải chăng lối suy nghĩ ấy đã ăn vào xương vào tủy, đã trở thành một phần cấu trúc di truyền, khó lòng dứt bỏ?

Dứt bỏ, làm mới… ai lại chẳng muốn, nhưng muốn làm trọn vẹn điều ấy có khi phải xóa bỏ hẳn cái quá khứ đeo nặng trên vai. Mà xóa bỏ như thế có khác chi xóa bỏ chính con người của mình. Mấy ai (có thể hay dám) làm được chuyện đó.

THĐ: Có biết bao nhiêu nhà văn Pháp, Nga… cũng chỉ vì văn chương mà họ đã tìm đến cái chết. Nhà văn Việt đã có ai vì văn chương mà đi tìm đến cái chết chưa, từ thế hệ này sang thế hệ khác với bao người cầm bút đã trụi hết niềm tin, sáng tác thì nghèo nàn, èo uột, liêm sỉ của người cầm bút ở nơi nao?

HC: Văn chương cũng là một thứ khiến người ta đam mê. Đam mê thứ gì đó đến mức sẵn sàng chết vì nó hẳn là điều hiếm hoi. Tình yêu làm được chuyện đó, dù không lấy được người này thì (biết đâu) sẽ lấy được người khác. Văn chương thế kỷ này không đủ sức mạnh khiến người ta chết vì nó nữa rồi. Viết. Báo không đăng (hoặc báo đã theo nhau gục chết) thì lập trang mạng cho riêng mình hay mở Facebook, “dán” lên đấy, rồi ngồi đếm những cái “like”. Chả phiền đến ai. “Liêm sỉ của người cầm bút” là thứ không còn hiện hữu.

THĐ: “Đối với người cầm bút chân chính việc tối kỵ là lập lại chính mình, chép lại chính mình, đạo thơ, văn của chính mình,” đấy là ý kiến của nhà thơ quá cố Tô Thuỳ Yên, anh có đồng ý như vậy chăng?

HC: Từ một góc nhìn nào đó, viết, cũng như nói, là một hình thức phát biểu. Nói liên tu bất tận thì dễ lỡ lời và hay lập đi lập lại cái điều đã nói. Viết cũng vậy.

THĐ: lại nữa còn có người bảo rằng: “… hầu hết nhà văn Việt Nam đều mắc phải chứng bệnh khó trị: Sự dễ dãi và lười nhác trong tư duy sáng tạo”. Ý kiến của nhà văn Hoàng Chính?

HC: Quá đúng, anh ạ. “Hầu hết”: đúng. “Dễ dãi”: cũng đúng. Phải chăng vì không còn người đọc nên người viết không biết “sáng tạo” cho ai, và để làm gì. Hay vì tin rằng sự “sáng tạo” của mình đã đến đỉnh cao… như ba tay xuất khẩu thành bài thơ con cóc tin rằng mình không thể nào vượt qua được chính mình nữa. Ý nghĩ vụn vặt, chia sẻ với anh cho vui vậy thôi.

THĐ: Với nhà văn quá cố Mai Thảo thì: “Truyện ngắn là những bước chân thứ nhất đi vào văn chương” và rồi: “Mỗi truyện ngắn như một đời người, phải tạo được cho nó một định mệnh riêng” Ý kiến của anh?

HC: Câu thứ nhất của Mai Thảo có vẻ đúng với văn chương Việt; hầu hết những người viết Việt Nam thường bắt đầu bằng truyện ngắn, nhưng không đúng với văn chương nước ngoài (ví dụ: Anh, Mỹ, Pháp, Châu Mỹ La Tinh…) Có nhiều tác giả ngoại quốc nổi tiếng không bắt đầu bằng truyện ngắn, bước chân thứ nhất của họ nhiều khi là một cuốn tiểu thuyết “nặng ký”. Câu thứ nhì có lẽ được phát biểu khi Mai Thảo trò chuyện về truyện ngắn. Và tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Đêm Giã Từ Hà Nội. Chẳng riêng gì truyện ngắn, thơ cũng vậy, nếu muốn “nó” sống lâu, nhất định phải tạo được cho “nó” một định mệnh riêng.

THĐ: Anh có thường quan tâm đến sinh hoạt chữ nghĩa bên nhà?

HC: Có, anh ạ.

THĐ: Nhà văn hay nhà thơ nào mà anh quý mến?

HC: Nhìn từ Bắc Mỹ, bỏ ra ngoài những hội viên chỉ ngồi chầu rìa trong “sân chơi chữ nghĩa” của cái gọi là Hội Nhà Văn Việt Nam, tôi thấy rõ ràng là những người viết còn lại, có thực tài ở Việt Nam chia hẳn thành hai nhóm. Tôi tìm đọc và giao tiếp với một số bạn văn từ cả hai nhóm. Một nhóm đeo kính râm khi sáng tác, nên họ không thấy những điều tai ngược trong xã hội và tác phẩm của họ phơi phới niềm tin (đáng buồn đấy!) Nhóm kia không đeo kính nên họ bị ngứa mắt bởi những điều kỳ quặc trong xã hội và những điều họ viết ra cũng làm cay mắt người đọc (chắc nên vui?)

Và tôi xin phép không kể ra đây tên những người mà tôi quý mến.

THĐ: Ngày nay ở bên trong Tổ Quốc người dân và nhất là giới trẻ họ có một lối nói và cách viết khác chẳng hạn mới đây cái nhà ông Bùi Hiển hay Bùi Hiền gì đó đã soạn cả một cuốn tự điển để phổ biến cách viết mới mà theo ông ấy thì đã mất 20 hay 30 năm gì đó để “nghiên cứu” cuốn tự điển này anh thấy thế nào, và rồi tương lai chữ Việt sẽ đi về đâu?

HC: Có hai hướng: hướng áp đặt của nhà cầm quyền và hướng tự phát của đám đông. Hướng áp đặt khởi đi từ những chính sách, những quy định, những luật lệ và dựa trên những cái gọi là “công trình nghiên cứu” của những tay như Bùi Hiền. Sách giáo khoa sẽ phải dạy loại tiếng Việt ấy, các văn kiện của hệ thống cầm quyền sẽ dùng loại “ngôn ngữ” ấy. Các thế hệ được (hay bị) đào tạo sau khi những quy định ấy được áp dụng sẽ thành một loại người Việt khác.

Hướng tự phát thì bị ảnh hưởng bởi đám truyền thông, bọn múa may môi mép trên sân khấu, ảnh hưởng của đám này không nhỏ. Bọn này làm tiếng Việt nghèo đi; bọn này bần cùng hóa tiếng Việt. Ngày trước tôi đã dị ứng với loại khẩu hiệu: học tập TỐT, lao động TỐT… những tính từ khác bị siết cổ, để dành chỗ cho một chữ TỐT. Cái gì cũng TỐT. Bây giờ cũng vẫn vậy. Vài ví dụ: TỬ VONG. Kể chuyện, tường thuật báo chí, thông tin trên truyền hình, cứ nơi nào có CHẾT là lôi ngay hai chữ TỬ VONG vào. Có nhiều chữ diễn tả sự chết. Chết, thiệt mạng, từ trần, tử nạn, vân vân. Lờ những từ ấy đi khác nào khai tử chúng, dần dần chúng sẽ “tử vong” mất thôi. Tiếng Việt nghèo theo cách ấy. Hai chữ nữa là CHÀNG TRAI. Thay vì viết “Thanh niên thiệt mạng trong quán nhậu” thì lại viết: “Chàng trai tử vong trong quán nhậu.” Người viết không còn biết lúc nào cần văn chương trữ tình, lúc nào cần thông tin trung thực và nghiêm túc. Tôi gặp không biết bao nhiêu phụ nữ gọi con trai của họ là “Chàng Trai của mẹ.” Ấy chỉ là ngữ vựng, chưa nói đến văn phạm… Trong một lần dịch ở tòa thượng thẩm tôi đã đụng đầu hai chữ “chàng trai”. Công tố viên hỏi một nhân chứng phụ nữ, “Bà sống với ai trong căn nhà ấy?” người đàn bà Việt Nam mới hoàn tất thủ tục ly dị trả lời, “Em sống với một chàng trai.” Mọi người trong tòa trố mắt ngạc nhiên trước chọn lựa sớm sủa của người đàn bà. Công tố hỏi tới, “Phải bạn trai của bà không?” Người đàn bà lắc đầu nguầy nguậy, “Không! Nó là con trai em.” Còn nữa, khi nghe chuyện cảm động khiến xót xa trong lòng là ngay lập tức: ĐẮNG LÒNG, khi kể lể tâm sự với ai là quăng ngay ra hai chữ TRẢI LÒNG, hát một bản nhạc trên sân khấu thì THỂ HIỆN… Ấy là trong vùng ngôn ngữ tạm gọi là có hơi hướm văn chương, còn ngôn ngữ đời thường của cái nhóm gọi là trẻ thì khỏi phải nói. Đại khái là “iu wá mà ko làm j lun ah? Kịp h mà!”. Anh đoán xem họ nói gì! Đã vậy còn cái nạn viết tắt đầy kinh hãi: “e đi shop ở Hn lúc ấy e đang tâm tư quá, ko mua j hết, mn nghĩ e crazy, e méo qt. Tình hình rất là tình hình, a biết ko?”

Và còn vô số từ ngữ biến thành món ăn vặt, người nói không cần suy nghĩ, bốc ngay lấy, nhét vào miệng.

Tóm lại, hướng tự phát kết hợp với hướng áp đặt làm nghèo nàn tiếng Việt và cuối cùng giết chết tiếng Việt. Xin lỗi nhà văn/nhà thơ Triều Hoa Đại và bạn đọc nhưng bàn về tiếng Việt hôm nay, tôi buộc phải kết luận như thế này: “Đa số người Việt hôm nay trong cũng như ngoài nước không còn NÓI, mà ÓI tiếng Việt; không còn VIẾT, mà GIẾT tiếng Việt!”

THĐ: Nếu đã gọi là sai lầm thì ở đâu mà chẳng có nhưng vấn đề là: Sai lầm như thế nào và ra sao. Ta hay nghe nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “ … đất nước chúng ta có thể khá được nếu không có quá nhiều lầm lẫn” vậy thì muốn sửa chữa lầm lẫn chúng ta nên bắt đầu từ đâu, chỗ nào?

HC: Câu trả lời của tôi nhất định sẽ làm người đặt câu hỏi lẫn người trả lời bị làm khó dễ. “Đất nước chúng ta” đã có quá nhiều lầm lẫn. Đúng. Và muốn khá được thì phải biết sửa sai. Những người cầm quyền có đầu óc, thực sự biết nghĩ đến đất nước, đến dân tộc, thì sau một vài sai lầm phải biết nhận lỗi, và có chút liêm sỉ để trao lại quyền điều hành đất nước cho những người khác. Đừng có đeo dính lấy quyền lực! Đơn giản vậy thôi.

THĐ: Tương lai văn học của người Việt ở bên ngoài Tổ Quốc vui buồn ra sao?

HC: Những năm đầu đầy phấn khởi (thập niên 80) thì “buồn ít hơn vui”; dần dần buồn nhiều hơn vui, cuối cùng sẽ chỉ còn nỗi buồn ở lại.

THĐ: Một ngày của nhà văn Hoàng Chính?

HC: Dịch ở tòa án khi có tội phạm nói tiếng Việt. Công việc này cho (hay bắt) tôi chu du khắp tỉnh bang Ontario. Xen kẽ vào đó là hành cái nghề viết mướn. Lưu Diệu Vân và tôi từng phụ trách bài vở cho một tạp chí bóng bẩy ở Canada. Tạp chí song ngữ. Bài gửi đến là tiếng Việt thì mình dịch sang tiếng Anh, bài tiếng Anh thì dịch sang tiếng Việt. Đây là công việc khiến hai đứa “than thân trách phận” nhiều nhất. Bởi ngoài những bài nặng ký về văn học, phong tục tập quán Việt Nam, văn chương thế giới… chúng tôi còn phải dịch (và biên tập) những bài về ẩm thực, bếp núc của những đầu bếp tay ngang; những bài về thời trang của những fashionista tự phong; những bài phong thủy của những thầy địa lý nửa mùa; những bài về màu sơn móng tay của những manicurist tốt nghiệp từ một tiệm làm móng tay lụp sụp ở một xó xỉnh tăm tối nào đó của thành phố; những bài về du lịch của những tay tự mệnh danh là “globe-trotter” mà khả năng chuyên môn chỉ là lăm le mua vé máy bay hạ giá. Và ngôn ngữ của họ thì anh cũng đoán ra được. Đại khái, “Nếu bạn thích nhà hàng 5 sao thì thành phố A là Mecca cho bạn, nếu bạn thích ngắm cảnh thì A cũng là Mecca cho bạn, nếu bạn thích sự thân thiện thì A cũng vẫn là Mecca cho bạn…” hoặc “cái áo đầm cao hơn đầu gối một tí để tăng vẻ youthfulness,” đã thế lại phải biên tập thật kỹ. Không cho phép những chữ như “sự cố”, “vụ việc”, “đăng ký”, “đảm bảo”, “bức xúc”, “quản lý”, “hoành tráng”… lọt vào cuốn báo. Thiệt tình!

Ít lâu sau, một “đại gia” từ Việt Nam qua định cư, trở thành ông chủ mới của tờ tạp chí, chúng tôi lại phải tỉ mỉ tìm tòi ngay cả đến những sự kiện lịch sử “có tính cách tế nhị” để kiểm duyệt. Ví dụ, cắt bỏ đoạn Liễu Thăng bị quân Nam chém đầu ở Ải Chi Lăng… Tới mức hai chúng tôi đành từ giã cái nguyệt san bóng bẩy ấy.

Ngoài những công việc phải làm để kiếm sống ấy, tôi chỉ loay hoay với những cuốn sách. Hết đọc thì viết, hết viết lại đọc. Viết không nổi nữa thì dịch, như một cách trừng phạt chính mình.

THĐ: Để kết thúc cho buổi trò chuyện của chúng ta hôm nay, anh có cần bổ xung hoặc thêm bớt điều gì nữa không?

HC: Cảm ơn nhà văn/nhà thơ Triều Hoa Đại đã cho tôi cơ hội nhì nhằng, làm mất thì giờ bạn đọc. Và cảm ơn bạn đọc đã kiên nhẫn đọc những thứ cũ mòn.

Và để giúp bạn đọc không quen tiếng Việt “trẻ” tôi xin dịch lại hai câu “tiếng Việt mới” trên kia:

“iu wá mà ko làm j lun ah? Kịp h mà!”:


“Yêu quá mà không làm gì luôn à? Kịp giờ mà!”

“e đi shop ở Hn lúc ấy e đang tâm tư quá, ko mua j hết, mn nghĩ e crazy, e méo qt. Tình hình rất là tình hình, a biết ko?”:


“Em đi mua sắm ở Hà Nội lúc ấy em băn khoăn, rối trí quá, không mua gì hết, mọi người nghĩ em khùng, em chả quan tâm. Tình hình rất là căng thẳng, anh biết không?”

THĐ: Xin cám ơn nhà văn, nhà thơ Hoàng Chính.