Thầy Phạm Vĩnh Cư-tác giả Tạ Duy Anh

VTCG

BBT xin gửi tới quí độc giả phần cuối bài chia sẻ của nhà văn Tạ Duy Anh viết về người thầy Phạm Vĩnh Cư, là phần tác giả nói đến tinh thần Kitô giáo. Bài được tác giả đăng trên trang fb Lao Ta.

BBT

 THẦY PHẠM VĨNH CƯ

(Phần cuối)


Có một chuyện khá thú vị liên quan đến hiểu biết của tôi về tinh thần Ki-tô giáo. Đó là khi tiểu thuyết “Thiên thần sám hối” của tôi ra đời, tôi được các linh mục phụ trách truyền thông của Chủng viện Hà Nội mời vào nói chuyện trước khoảng 200 chủng sinh mà nhiều người đã theo học 6-7 năm. Mở đầu tôi nói với họ như sau:
-Chào những người anh em! Tôi biết các anh em là những người hạnh phúc. Còn tôi, hạnh phúc nhất là hôm nay được Chúa chỉ đường cho đến đây, đến với những đứa con ngoan nhất của Ngài. Bởi vì, từ khi sinh ra, tôi được chuẩn bị, được lập trình để thẳng một lèo thành quỷ sứ. Những gì người ta giáo dục cho tôi, cũng là để làm quỷ chứ không phải để làm người. Thế mà lại có lúc con đường bỗng mở ra dẫn tôi đến với các anh em. Chả đáng là một chứng nhận về sự có thật của Chúa sao?
Những chủng sinh nghe thế thì háo hức lắm. Họ không hề khách khí hỏi tôi nhiều câu khá hóc búa, chủ yếu xoay quanh nội dung: “Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, mà sao lại có những suy nghĩ hướng về Thiên Chúa rõ ràng và tha thiết như vậy, y như một con chiên toàn tòng?”. Tôi trả lời là chính tôi cũng không biết. Nhưng Chúa cũng đã thương tình phái đến một người dẫn tôi vào con đường của Ngài, đó là thầy Phạm Vĩnh Cư.
Những Chủng sinh hôm ấy hẳn rất tò mò muốn biết thầy Cư là ai. Tôi đã định kết nối để Thầy và họ gặp nhau, nhưng rồi vì nhiều chuyện ngoài ý muốn, mà điều đó không thực hiện được.
Mặc dù không nhận mình là người theo đạo Chúa, nhưng những gì thầy Cư giao giảng giống như một tín đồ Thiên chúa giáo toàn tòng nhiệt tâm thực hiện sứ mệnh tông đồ. Và tôi đã dần dần hiểu ra tinh thần nhân văn Ki-tô giáo qua những bài giảng của Thầy. Bởi vì cho đến lúc ấy tôi chưa hề đọc Kinh Thánh, chưa tiếp xúc với bất cứ vị linh mục nào để nghe họ nói về giáo thuyết Ki-tô.
Tôi đã đọc “Othello” từ trước khi về trường Viết văn. Nhưng tôi chỉ thực sự cảm nhận được tầm cỡ lớn lao về triết học của nó qua bài giảng của thầy Phạm Vĩnh Cư về “Othello”, nhân khi Thầy nói về tư tưởng nhân văn của văn hoá Phục Hưng. Nhân vật khó giải mã hành động nhất là Iago. Iago từ đầu chí cuối chỉ thể hiện sự độc ác mà không vì bất cứ nguyên nhân thù hận hay áp lực xã hội nào. Không ai đẩy nó đến chỗ phải thủ ác. Nó cũng không làm ác vì vô đạo đức. Vậy cái ác mà nó thể hiện có nguyên nhân từ đâu? Đây là câu trả lời của thầy Cư: “Nó làm ác để thể hiện bản ngã tự do theo kiểu của nó”.


Có lẽ chưa ai giảng với chúng tôi như thế về “Othello”. Theo thầy Cư, “Othello” ra đời khi thế giới đang ngỡ ngàng ở thời đại Phục Hưng và Shakespeare, với thiên tài của mình, đã thấy trước cái ác không thể thủ tiêu được nếu chỉ bằng năng lực và lý trí hạn chế của con người. Bởi vì nó cũng là một biểu hiện, đúng hơn, một sản phẩm của tự do. Nếu tiêu diệt nó bằng bạo lực, thì tất yếu lại sinh ra cái ác dưới dạng khác, bởi vì không thể tước đoạt tự do ở con người. Vì thế nhân loại phải ý thức nghiêm túc về tính không hoàn hảo của mình để tìm cách hạn chế cái ác. Và cách hữu hiệu nhất, cho đến nay, vẫn là thông qua tôn giáo. Sự cao ngạo là bạn đồng hành lâu năm nhất của cái ác. Sự cao ngạo triết học còn nguy hiểm hơn, mà cũng thầy Cư đã chỉ cho chúng tôi thấy dẫn chứng sống động ở nhân vật I-van Karamazov của Dostoevski.
Có thể nói, tự do là nhận thức vất vả nhất của con người, là thứ tạo ra nhiều mâu thuẫn nhất trong suy nghĩ và hành động, trong khát vọng và nỗi lo âu về hậu quả xã hội. Bản thân tôi trước khi về trường viết văn, cũng thuộc số chưa thật sự hiểu tự do là gì, phải làm thế nào để có thể sống bằng tự do mà không vi phạm đạo đức. Tại sao con người không thể sống thiếu tự do, mặc dù tự do là nguyên nhân gây ra đau khổ cho họ suốt bao nhiêu thế kỷ? Và nói cho cùng thì mọi học thuyết xã hội đều nhằm giải quyết mối quan hệ giữ tự do và trật tự, giữa tự do và tội ác, giữa tự do và hạnh phúc, giữa việc có quyền làm và được phép làm. Đâu là giới hạn mà tự do cần phải dừng lại không phải theo cách cưỡng bức? Tôi có lúc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn về nhận thức. Tôi không lần ra được manh mối để thoả mãn giữa bản chất của tự do là không thể bị ngăn cản và giới hạn trong hành động (nghĩa là một phần tự do bị tước đoạt) với điều con người không được phép vượt qua? Chỉ khi nghe những bài giảng của thầy Cư, tôi mới dần vỡ lẽ ra nhiều điều về phạm trù có biên độ dao động trong nhận thức lớn nhất này.
Sau này, toàn bộ nhận thức về tự do qua những bài giảng của thầy Cư, được tôi tóm tắt trong một câu: “Mỗi người hoàn toàn có thể tự cho mình tự do”. Điều này nghe thì đơn giản, nhưng nó lại là cơ sở để làm sáng tỏ nhiều điều khác. Chẳng hạn, nếu anh tin như vậy và thực tế là như vậy, thì anh không có quyền bào chữa cho những hành vi hèn nhát như viết sai sự thật, làm méo mó hiện thực, tố oan những người thân trong Cải cách ruộng đất. Không ai có thể bắt và không ai đủ sức bắt anh phải làm như vậy, nếu anh không muốn. Vì thế mọi biện hộ bằng lý do thời cuộc, mà các nhà văn, các trí thức đưa ra để thanh minh cho mình phải làm những điều trái lẽ, đều không được chấp nhận. Từ đây có thể suy ngược lại giá trị vĩ đại của tự do, là nó cho con người thật sự sống với nhân phẩm, đề cao nhân phẩm và để họ vĩnh viễn không phải là những công cụ biết nói. Để họ thực sự là Con Người.
Thầy Cư còn gắn bó với chúng tôi qua chuyên đề khá dài về văn hào Nga Dostoevski. Nhưng để tiếp cận những giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ của Dostoevski thầy Cư đã dẫn chúng tôi ngược trở lại với thời kỳ văn minh Hy Lạp-La Mã, xuyên qua trung cổ đến với Phục Hưng, vòng quanh châu Âu, sang châu Mỹ về Nhật Bản, ghé chút ít qua Trung Quốc để tạo một bối cảnh rộng lớn. Tôi bị thuyết phục bởi lý giải của thầy vì sao Dân chủ Athen sụp đổ và thay bằng thời kỳ đế chế La Mã dài. Chúng tôi được làm quen và hiểu khái niệm Đức tin trong Ki-to giáo. Vì sao con người cần có Đức tin? Vì sao có tội ác và đau khổ. Vì sao con người chọn tự do hơn là hạnh phúc? Những câu hỏi lớn ấy, những vấn đề to tát ấy của lịch sử triết học và tôn giáo thế giới, đồng thời luôn khắc khoải trong những nỗ lực xây dựng một xã hội tốt đẹp của nhiều triết gia, đều được Thầy tìm cách làm cho dễ hiểu nhất, rõ ràng nhất, khả dĩ chúng tôi có thể nắm bắt được phần cốt lõi của nó.
Nhưng quan trọng hơn hết là thầy Cư đã truyền cho chúng tôi (có thể là một số thôi) khát vọng về Tự do, về vẻ đẹp, về chân lý, cung cấp cho chúng tôi nhiều điểm tựa để từ đó phóng chiếu nhiều soi rọi vào những vấn đề thường khó lý giải như Tổ quốc, Dân tộc, đảng phái, số phận con người, chiến tranh, chế độ dân chủ…
Và tôi lại muốn nhắc đến hai chữ Khai mở để nói về vai trò của thầy Phạm Vĩnh Cư đối với cá nhân tôi. Trước và sau khi gặp Thầy, với tôi là hai thế giới-thông qua nhận thức- hoàn toàn khác. Tôi đã tìm cho mình được thứ cần thiết nhất cho một đời cầm bút, là điểm tựa tư tưởng và thẩm mỹ. Khi chưa có điểm tựa này, anh chỉ là người tự do theo kiểu vô hướng, tức là thụ động, cũng tức là chưa thật sự có tự do. Từ đó về sau, tôi hoàn toàn tự do trên cái điểm tựa của mình, tự do đúng nghĩa, tức là thoải mái hành động trong niềm tin rằng mình đang hành hương đến chủ đích, trong giới hạn đạo đức mà mình hoàn toàn làm chủ.
Suy cho cùng thì trong mọi lĩnh vực đời sống cũng thế. Khi anh hành động tự do theo kiểu chuyển động Brown, anh chỉ là người tạo ra ảo tưởng về tự do và trên thực tế anh đang làm mất giá trị thực sự của tự do. Bởi vì trước sau anh cũng bị kẻ khác, nhân danh tự do của họ, hoặc của cộng đồng tước đoạt mất. Tự do phải là thứ tự do lựa chọn, tự do hướng tới. Khi anh không có gì để lựa chọn, không có gì để hướng tới, khi trước mắt anh là vô cùng, không xác định, thì anh đang tự do làm mất đi chính giá trị của mình.
Tôi còn rất nhiều điều để nói về thầy Phạm Vĩnh Cư. Chẳng hạn Thầy là người đầu tiên nói với chúng tôi về hiện tượng TƯ HỮU (CẤP) NHÀ NƯỚC*, như một biến thái của chế độ sở hữu tập thể, chắc chắn sẽ diễn ra. Và những gì thảm khốc mà chúng ta đang được chứng kiến đã cho thấy khả năng tiên tri của Thầy.
Nhưng tôi biết, dù mình có nói bao nhiêu đi nữa về Thầy, cũng không thể nào nói hết những gì Thầy cho tôi, cho một số bạn bè đồng nghiệp của tôi. Nhân thầy bước sang tuổi tám mươi, tôi xin chúc Thầy mạnh khỏe và tiếp tục là hướng đạo viên nhiệt thành cho những ai đang cầm bút nuôi trong mình khát vọng lớn về Tự Do, Vẻ Đẹp và tình yêu Con Người.
‐-‐---------------
Chú thích ảnh 1: Từ trái sang: Anh Phạm Hậu, thầy Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ Dương Thuấn và tác giả.
Chú thích ảnh 2: Từ phải sang: Thầy Phạm Vĩnh Cư, tác giả, nhà thơ Ngân Hoa, nhà thơ Trần Quang Hải.
* “Tư hữu Nhà nước” (hoàn toàn khác với “Nhà nước tư hữu, hay Nhà nước tư bản”) là cụm từ tôi được nghe lần đầu từ thầy Phạm Vĩnh Cư, trong đó Nhà nước công hữu bị một nhóm nhỏ người có quyền lực (chính trị và kinh tế, gọi chung là nhóm cá mập) lợi dụng như một công cụ đàn áp khổng lồ để dễ bề tước đoạt của số đông làm của riêng, một cách hợp pháp.
Đình Chẩn và 60 người khác
1 bình luận
6 lượt chia sẻ