Sống tuổi già trong tin tưởng và niềm vui (2)- Dịch giả: Lm.Đaminh Ngô Quang Tuyên

Lan Mary

 

2
Thời điểm của sự thật
Hồng Y André Vingt-Trois

TÓM TẮT: Lão hoá, đó là khám phá ra những phần sự thật chưa được biết đến trước đó về bản thân. Lão hoá cũng là ý thức hơn về những quyết định phải làm và những cam kết phải giữ trong quan hệ với Chúa để đáp lại lòng trung tín của Người. Sau cùng, đó là một thử thách tỏ lộ biết bao điều quí giá cho người khác và cả cho xã hội.

Lão hoá là một khía cạnh quan trọng nhưng ít được xem xét trong hoạt động của chúng ta. Trên thực tế, địa vị của con người trong xã hội chủ yếu được xác định bởi các khả năng sản xuất và tiêu thụ của họ. Vừa khi người ta ra khỏi hệ thống sản xuất, nói khác đi là khi người ta bắt đầu nghỉ hưu hay buộc phải nghỉ hưu, người ta bước vào một mảnh đất bấp bênh. Và muộn hơn chút nữa, khi người ta dần dần ra khỏi hệ thống tiêu thụ, vì không có phương tiện và vì các nhu cầu ngày càng ít đi và luôn luôn thay đổi, người ta trở thành một yếu tố nếu khá hơn thì là trung lập, và tệ hơn thì là gây phiền phức, vì được coi là vô ích và gây tốn kém. Vì vậy việc người già cảm thấy mình ở bên lề xã hội không phải là chuyện hiếm.

Thời điểm để đặt câu hỏi triệt để

Chính vì thế, ngưỡng cửa bước vào thời kỳ nghỉ hưu là một thử thách của sự thật. Cho tới lúc ấy, người ta ít nhiều vẫn còn cho rằng mình là một người có giá trị nhờ những gì mình làm, vì chính hoạt động làm cho người ta được nhìn nhận là có một địa vị quan trọng. Và rồi đến lúc người ta thấy rằng có những công việc mình không còn khả năng để làm hay thậm chí không có quyền để làm nữa, trong khi thế giới xung quanh họ vẫn tiếp tục làm việc. Khi ấy, họ nên tìm kiếm, nhận diện và thể hiện những tiềm năng mình có thể có, ngoài hoạt động sản xuất và lãnh vực chuyên nghiệp. Theo tôi nghĩ, đó là một thời khắc của sự thật, Bởi vì câu hỏi mà họ tự đặt ra cho mình và không thể né tránh, đó là: “Phải chăng mình chẳng là gì khác ngoài cái mình làm, hay phải chăng mình là một cái gì hơn cái mình làm?”
Đó là một khoảnh khắc của sự thật, bởi vì người ta buộc phải đặt ra cho mình câu hỏi mà trước đây họ không bị thúc đẩy phải đặt ra. Người ta xét lại các tiêu chuẩn của họ về cuộc sống―không phải cuộc sống nói chung, nhưng là cuộc sống hiện tại của họ: “Nếu hôm nay tôi đã không hoàn thành được gì cả, đã không làm gì ngoài việc đáp ứng các nhu cầu trước mắt của tôi và để mặc cho những tiếng ồn của thế giới xung quanh đến với trong khi người ta không đòi hỏi cá nhân tôi điều gì, phải chăng tôi đã phí phạm cuộc đời mình?” Chính đó là lúc các câu hỏi về quá khứ và các sự so sánh có cơ hội nảy ra trong trí tôi: “Trong công việc mình làm, tôi có giá trị gì trong mắt của người khác? Và bản thân tôi, tôi có quan tâm tới người khác không? Tôi cần gì nơi họ? Bây giờ thì thế nào? Có gì thay đổi không?” Bằng những câu hỏi như thế, cả một tiến trình sẽ dần dần được sáng tỏ.

Không chỉ có chỗ đứng trong xã hội và các mối quan hệ với người khác. Còn có mối tương quan với các sự việc, các đồ vật. Trong đời sống hoạt động, người ta luôn luôn có nhu cầu về chúng và không có thời giờ rảnh rỗi để nghĩ đến chúng. Khi không còn hoạt động nữa, các nhu cầu sẽ khác đi. Có phải lý do là vì người ta ngưng hoạt động, hay vì người ta nhận thấy rằng mình đã mất thói quen sử dụng một số cái chỉ vì chúng không cần thiết để sống? Một trong những sự thật người ta phải đối diện khi nghỉ hưu, đó là cách người ta sử dụng và đánh giá những sự vật của thế giới này. Có những cái người ta khá dễ bỏ đi, nhưng cũng có những cái người ta vẫn còn rất dính bén với chúng, thường là vì những lý do tình cảm. Nhưng sẽ đến một lúc họ phải tự nhủ: “Tôi không còn cần đến cái này hay cái kia”.

Phần tôi, tôi có cái may là thay đổi chỗ ở rất nhiều lần. Mỗi lần như thế, tôi đã có thể đánh giá rằng câu hỏi không phải là: “Tôi có thể mang theo mọi thứ không?”, nhưng là “Tôi sẽ không giữ lại cái gì?” Khá giống với một cuộc thanh tẩy. Cứ như thế trong một thời gian lâu dài, tôi đã kéo theo mình một cái thư viện đồ sộ. Thư viện ấy nay vẫn còn ở Tours. Và khi tôi rời nơi cư trú của các tổng giám mục Paris, tôi ra đi chỉ với vài cuốn sách thôi, để lại hầu như toàn bộ những thứ gì khác mà tôi đã tích trữ lâu năm cho những người khác có thể sử dụng chúng.

Giờ phút quyết định

Khoảnh khắc sự thật ấy của cuộc đời có một sức mạnh tinh thần: các lý do được viện ra như là cái cớ để không thúc đẩy suy tư đến cùng đều rơi rụng cái này sau cái khác. Người ta tự tạo ra cho mình nhiều điều xấu ở đời này, nhất là trong tuổi trưởng thành. Nhưng trong tất cả những công việc này, trong tất cả những sự đầu tư hấp dẫn hơn kém này, bao gồm cả khi đó là những trò tiêu khiển hay những sự tham gia vì đam mê và không chuyên nghiệp, có không ít những “trò giải trí” ngăn cản người ta tìm ra xem cái gì có thể là ý nghĩa và cùng đích của đời người.

Khi người ta bước vào tuổi nghỉ hưu, một câu hỏi được đặt ra một cách sâu sắc hơn: câu hỏi về quyết định phải làm để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, bất kể người ta nhận ra tiếng gọi ấy như thế nào. Người ta ý thức được rằng thời gian được ban cho họ để thể hiện tự do của mình không phải là thời gian vô hạn. Thách thức là không được bằng lòng với việc tiếc nuối những gì mình đã làm mà lẽ ra đã không nên làm, cũng như những gì mình đã không làm mà lẽ ra đã phải làm, từ đó hình dung ra mình sẽ “sửa sai cho phù hợp”. Bởi vì, đó còn là không chậm trễ tự nhủ rằng mình không còn ở tình trạng có thể làm điều đó nữa: “Tôi có thể hay không có thể tạ ơn Thiên Chúa sớm tối không? Tạ ơn Thiên Chúa về ngày tôi đã sống và hy vọng tiếp tục nghe tiếng Người suốt một ngày vừa bắt đầu không?”

Điều đáng quan tâm là cảm thấy Thiên Chúa hành động thế nào cho tới những giới hạn do tuổi già, trong khi người ta đã nhận ra rằng tiến trình dẫn tới cái chết đã bắt đầu mà không thể đảo ngược. Kinh nghiệm về sự sa sút, xuống dốc là một cơ hội để nhận ra rằng Thiên Chúa không chỉ hoạt động trong sức mạnh mà con người có thể vui hưởng theo tự nhiên, nhưng Người cũng hoạt động trong sự suy yếu của con người, một cách nghịch lý nhưng chắc chắn là gây xúc động và có hiệu quả triệt để hơn. Bởi vì vấn đề được hay thua là để cho Thần Khí kết hợp chúng ta với Chúa Con đấng đã phục sinh vì Người dâng lại cho Cha của Người tất cả những gì Người đã lãnh nhận từ Cha và nhu thế Người hoàn thành ý Chúa Cha là chia sẻ sự sống của Người bằng cuộc đời tự hiến của Người, mạnh hơn cả cái chết.

Khi chúng ta không còn bị quay cuồng trong cơn lốc của các dự án và các thành tựu, nhưng đúng hơn là khi ở triền dốc của sự suy giảm hoạt động, sự suy giảm này có thể được chuyển đổi theo nghĩa đen và được tái đầu tư trong năng động của sứ mạng Hội Thánh, khi cảm nhận và làm chứng rằng sự toàn năng của Thiên Chúa được tỏ lộ và thể hiện trong sự tước bỏ.

Lão hoá ngày nay

Tất cả điều ấy ngày nay mang một bước ngoặt đặc thù chưa từng có trước kia, theo mức độ mà niềm hy vọng sống của người ta tăng lên. Xưa kia, người ta lao động rất cực nhọc, không kỳ nghỉ, và bắt đầu lao động từ khi còn rất trẻ. Những người đầu tiên phải nghỉ hưu vì trở nên không phù hợp với lao động thì thường không thụ hưởng được lâu những thành quả mình đã đạt được. Những thế hệ sau họ ngày càng có một số phận tốt hơn, nhờ tiến bộ của chế độ vệ sinh và y khoa, và cũng nhờ những kỹ thuật tiên tiến giúp họ phải làm việc ít giờ hơn và ít cực nhọc hơn. Kết quả là, không kể các khía cạnh kinh tế và thiêng liêng, người ta có thể hưởng thụ được một số điều mới mẻ gắn liền với việc ngày có nhiều người đạt đến tuổi già, thậm chí rất già.

Trước hết, có vẻ như nơi những người “thâm niên” hay “kỳ cựu”, các sự khác biệt xã hội có khuynh hướng mờ nhạt đi. Bất chấp sự khác biệt về các “môi trường” gốc của các cá nhân, người già thường tạo ra một loại cộng đồng tình huống: một sự liên đới hay đồng trang lứa, luôn luôn là một sự gần gũi, có thể là do tình trạng bị gạt ra bên lề hay cũng có thể do sự kiện họ sống cùng thời với những biến cố lớn và những sự biến đổi lớn.

Tiếp đến, người ta nhận thấy rằng, nơi những người sẽ già đi với số lượng ngày càng đông, có một sự tập trung ký ức về một số những trải nghiệm quá khứ của họ. Đó là những biến cố mà cuối cùng đã đánh dấu và hình thành nhân cách của họ đến độ họ hồi tưởng lại nó trong khi quên tất cả những cái khác―và quên cả hiện tại. Trong mỗi trường hợp, đó là một phần thâm sâu của sự thật được tỏ lộ ở đó.
Ngoài ra, cũng có nhiều biến đổi trong các hoạt động hỗ trợ người già. Trước Thế Chiến II, đa số người ta sống ở miền quê, với một hệ thống quan hệ gắn kết và trực tiếp hơn các mối quan hệ chúng ta thấy tại các thành phố bây giờ. Người ta không dựa vào điện thoại. Không ít trường hợp cả một làng xã chỉ có một cái điện thoại. Vì thế sự tương trợ giữa những người hàng xóm láng giềng và mô hình đại gia đình với nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, đã phát triển rất nhiều. Ở thời chúng ta hôm nay, chế độ an sinh đa phần được tổ chức một cách chuyên nghiệp và can thiệp theo thể thức hành chánh, chắc chắn là hiệu quả hơn về vật chất, nhưng cũng mang tính chất vô danh hơn.

Đây là điều được chứng thực trong các “cơ sở tạm trú cho những người già lệ thuộc”. Các điều kiện tiếp nhận trong các nhà hưu dưỡng này rất khắt khe trong hai mươi năm qua. Để được nhận vào các cơ sở này, đương sự phải là người thực sự không thể sống được tại nhà mình và đòi hỏi những sự chăm sóc thường xuyên và đặc biệt. Vì vậy ở đó chỉ có thể là những người lệ thuộc hoàn toàn, khiến cho bầu khí rất nặng nề. Khi có những người hưu dưỡng mà còn có thể đi ra ngoài, trở về, nói về những điều mình đã thấy, nghe và làm, họ mang lại một chất lượng sống không thể có nơi những người mà khả năng quan hệ suy giảm, nhất là khi những khả năng này ngày càng ít được yêu cầu nơi họ.

Gia đình

Viễn cảnh của sự lệ thuộc và cô độc gây lo ngại cho những người sợ rằng mình sẽ bị “bỏ” vào một cơ sở chuyên biệt sẽ cắt đứt họ khỏi mọi sự, cả trước khi họ biến mất. Mối lo âu này thường đi đôi với một tình cảm trách nhiệm đối với những thế hệ tiếp theo. Nếu có điều gì bất ổn đối với những đứa con hay cháu, khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, khi một mái ấm sụp đổ, khi những người trẻ nhất bị lôi kéo và phân tán, sẽ chỉ còn các ông bà nội ngoại là những người cuối cùng chứng kiến những gì không còn xảy ra nữa. Và một số họ tự hỏi: họ có thể làm gì, họ phải làm gì? Họ thường rất muốn làm một thứ trọng tài hoà giải bằng tình cảm, ít là cho những người mà việc làm này có thể giúp đỡ.

Nhưng thái độ sẵn sàng này của họ đòi hỏi một hình thức từ bỏ. Bởi vì người ta không có cùng một uy quyền đối với những đứa con đã trưởng thành của họ giống như khi chúng còn đang được giáo dục. Và nếu đến lượt họ là những bậc cha mẹ, chính họ là những người chịu trách nhiệm đầu tiên và không thể thay thế đối với các con cái họ. Vì thế những người đã là những ông bà nội ngoại mà muốn đáp ứng các nhu cầu của các con cháu họ phải chấp nhận một thứ tu đức nào đó, vì họ không còn có thể cư xử giống như họ vẫn cư xử trước kia. Đến độ muốn là người trợ giúp khi không được yêu cầu đòi hỏi người ta phải hoán cải.

Ngược lại, những đứa con cũng ý thức mình mắc nợ cha mẹ mình. Các tình huống rất khác nhau tuỳ theo khả năng tự chủ của cha mẹ già, tuỳ theo người cha hay người mẹ ấy sống một mình hay cả hai cha mẹ vẫn còn sống chung với nhau. Nhưng tình trạng ấy cũng đòi hỏi những người chưa già mấy phải có công việc để tự lo cho bản thân mình. Người ta có khuynh hướng cho rằng chất lượng của mọi mối quan hệ tuỳ thuộc điều mà người ta làm chung với nhau. Và người ta không thể làm được việc gì đáng kể với một người bị giam hãm trong một nhà hưu dưỡng. Sự giao tiếp là khó. Người ta có ngay ấn tượng rằng không còn có sự giao tiếp gì nữa. Nhưng đó chính là lúc phải tự hỏi mình, tìm và khám phá ra cái gì không ngừng nối kết người ta với nhau cả khi người ta không thể chia sẻ được nữa. Đó là một khoảnh khắc của sự thật, cho khách đến thăm và cho người già.

Cái gì có giá trị đối với mối quan hệ giữa các cha mẹ đang sa sút và những đứa con đang tràn đầy sức sống của tuổi trẻ cũng là cái có giá trị đối với mọi người: cách mà tuổi già được tiếp nhận, đối xử và sống tỏ lộ cho ta thấy cái gì chống đỡ xã hội và sinh động hoá xã hội một cách sâu xa, hơn là những cái trực tiếp và có thể hoạch định. Đó là một thử thách của sự thật.

André Vingt-Trois, sinh năm 1942, thụ phong linh mục năm 1969, giám mục phụ tá Paris (1988-1999), rồi tổng giám mục Tours (1999-2005) và tổng giám mục Paris (2005-2017); được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phong hồng y năm 2007. Là chủ tịch HĐGM Pháp (2007-2013). Các ấn phẩm mới nhất: La Famille, un bonheur à construire: des couples interrogent l’archevêque de Paris, Paris, Parole et Silence, 2011; Quelle société voulons-nous? Paris, Editions Pocket, 2012; Dieu ouvre des chemins: Itinéraires en suivant l’Évangile de saint Matthieu, Paris, Salvator, 2015; La Parole s’accomplit: À l’écoute de l’Évangile de saint Luc, Paris, Salvator, 2016; Découvrir Jésus en lisant saint Marc, Paris, Salvator, 2017; La pédagogie du disciple bien-aimé: l’enseignement de l’Évangile de saint Jean, Salvator, 2017.
(còn nữa...)

Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019


Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021