Tưởng niệm Linh mục nhà thơ F.X Nguyễn Xuân Văn

Lan Mary

 


LỜI THƯA TRƯỚC

Kính thưa :
Quí Vị Mục Tử,
Quí tác giả của các bài giảng giải, nghiên cứu, tham luận, phê bình, suy tư và chia sẻ cảm nghiệm, được tập hợp trong tuyển tập khảo luận về “THI SĨ NGUYỄN XUÂN VĂN”, và tác phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”.

Trước hết, đây là một tuyển tập tư liệu tổng hợp các bài suy tư, tưởng niệm, phê bình dành để tưởng nhớ cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn nhân dịp kỷ niệm “Lễ Giỗ” lần thứ năm của Ngài : 10.01.2002 – 2007.
Trong chiều kích mục vụ, việc thực hiện tuyển tập nầy còn là dịp để chúng ta tôn vinh Ngài như một Nhà Văn hóa lớn của Giáo Hội Việt Nam, Giáo phận Qui Nhơn qua công trình “văn học-đức tin”, đại thi phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”, một đóng góp to lớn trong tiến trình “Hội Nhập Văn Hóa” của Hội Thánh Việt Nam. Sự trân trọng nầy cần phải được nhân lên và biến thành hiện thực mục vụ, cần phải được khơi dậy và tiếp nối. Cách riêng, phải làm sao để nhiều người tín hữu Công Giáo Việt Nam và nhiều người khác tiếp cận và đánh giá đúng mức giá trị tuyệt vời của đại thi phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”, một kiệt tác trong kho tàng thơ lục bát Việt Nam. Và đó, chính là nội dung mà tuyển tập khảo luận nầy nhắm đến khi chọn tên cho trang bìa : SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG : NGÔN NGỮ TIN MỪNG MANG DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM.

Để đáp ứng các yêu cầu học hỏi, thảo luận và cung cấp những dữ liệu căn bản về cuộc đời của linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn và thi phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG” của ngài, chúng tôi chân thành kính xin các Vị Mục Tử, các tác giả trong cũng như ngoài nước, cho phép chúng tôi được tập hợp và phổ biến các bài hồi ký, diễn giảng, các bài nghiên cứu chuyên đề, các bài phê bình, chia sẻ cảm nghiệm …của Quí Vị với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc.

Mục tiêu tinh thần mà tuyển tập nầy nhắm tới không đi ngoài nội dung được phản ảnh qua những lời thơ của chính tác giả trong lời “Phi lộ” của thi phẩm “Sứ Điệp Tình Thương”

“Tôi ước ao Lời Chúa,
đến với các bạn
với những kẻ khó nhọc và gánh nặng
Những người mất niềm tin
Mất hy vọng trên cõi đời nầy.
Hỡi các bạn ! Hãy lắng nghe
“Đây là Sứ Điệp Tình Thương,
Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng” .
(Sứ Điệp Tình Thương, Lời phi lộ)

Chính trong tinh thần hiệp thông và đồng cảm, sẻ chia và phục vụ, chúng tôi kính xin Quí Vị cho phép được phổ biến các tư liệu của Quí Vị để cộng đoàn Dân Chúa và nhiều người có cơ hội tiếp cận và đánh giá đúng mức về tác giả và tác phẩm trường thi lục bát có một không hai nầy.

Dĩ nhiên, lần biên tập đầu tiên sẽ không thoát khỏi những hạn chế và sai sót. Hy vọng sẽ có nhiều ý kiến đóng góp để sẽ có những tuyển tập tư liệu khảo luận, phê bình về văn hóa Công Giáo nói chung đầy đủ hơn, khởi sắc hơn.

Nguyện xin xin Chúa chúc lành cho tất cả quí vị và cho công việc của chúng ta được thành tựu tốt đẹp như ý Chúa.

Nay kính.

TM/Ban Biên Tập

LM. Giuse Trương Đình Hiền (Sơn Ca Linh)

Trung Tâm Mục Vụ Tổng Hợp Anrê Phú Yên, giáo xứ Tuy Hòa

THAY LỜI DẪN NHẬP
NGÔN NGỮ TIN MỪNG TRONG DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM


Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

Mỗi lần nghĩ về quê hương, nghĩ về đất nước, nghĩ về những giá trị truyền thống của dân tộc, tôi chợt nghe vang vọng đâu đây những lời ca trong khúc nhạc “Đất Nước” : Bài hát được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn dệt nhạc phỏng bai thơ của thi sĩ Tạ Hữu Yên : “Đất Nước tôi thon thả giọt đàn bâu…Đất Nước tôi từ thuở còn năm nôi, sáng chắn bảo giông chiều ngăn nắng lửa. Lao xao trưa hè một giọng cao dao, lao xao trưa hè một giọng ca dao…”.

“Thon thả giọt đàn bầu, lao xao trưa hè một giọng ca dao”, theo tôi hình ảnh giản đơn đó, âm thanh dung dị đó đã gói gém tất cả cái hồn, cái chất, cái “dáng đứng Việt Nam” đầy ắp thân thương và gần gũi, sâu lắng và mượt mà. Và có lẽ đó cũng chính là một trong những cánh cửa mở ra cho những ngôn ngữ nào, văn hóa nào muốn “đi vào tâm hồn Việt Nam, muốn hội nhập văn hóa Việt Nam”.

May mắn làm sao, trân trọng làm sao ! Ngay từ buổi khai sinh Giáo Hội tại Việt nam, các Vị Thừa Sai tiên khởi, các Vị Tiền Bối khai đạo của Hội thánh Việt Nam, khi giới thiệu Chúa Kitô cho Dân Việt, khi đem hạt giống Tin Mừng rắc gieo trên cánh đồng Việt Nam, đã đi trên cái nẽo “thon thả giọt đàn bầu, lao xao câu ca dao” đó ; nghĩa là đã khôn khéo giới thiệu một “Tin Mừng mang dáng đứng Việt Nam”, một giáo lý gần gũi với tâm thức, ngôn từ và quan niệm tín ngưỡng của đồng bào Việt Nam, dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà những câu ca dao ru con thường ngày đã cưu mang một nội dung tín ngưỡng tôn giáo, một tôn giáo thờ trời, một tín ngưỡng gần gũi với mạc khải Thánh Kinh, mạc khải về sự quan phòng của Thiên Chúa :

Tháng Năm gặt hái đã xong
Nhờ Trời một mẫu năm nong thóc đầy
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp…

Trăm năm dù có thế nào
Dưới thì có đất trên cao có Trời

I. LỜI THIÊN CHÚA MANG “DÁNG ĐỨNG NHÂN LOẠI”

Chọn lựa cách “hội nhập văn hóa” để chuyển tải Tin Mừng, để loan truyền chân lý cứu độ sao cho hiệu quả và phong phú, cách làm của Cha Ông ta đó nào đâu có phải là chuyện mới mẻ gì đâu ! Từ thuở xa xưa khi bộ tộc của Israel còn trong thời “ăn lông ở lổ”, khi tổ phụ của dân tộc họ, cụ Áp-ra-ham còn lang thang trên các thảo nguyên sống đời du mục, Thiên Chúa đã áp dụng nguyên tắc “hội nhập văn hóa” mang tính “nhập thể” rồi. Có nghĩa là Lời Mạc Khải của Thiên Chúa khi đi vào thế giới đã chọn đi qua “một chiếc cửa nhân loại” là “lịch sử của dân tộc Israel” với tất cả những yếu tố nhân văn, địa lý, xã hội, chính trị, kinh tế, pháp luật, lịch sử …của dân tộc nầy. Toàn bộ tuyệt tác Thánh Kinh Cựu và Tân ước phải chăng là “Lời mạc khải nhập thể giữa lòng nhân loại qua lịch sử của dân tộc It-s-ra-en”, là cuộc “hội nhập văn hóa” của chính Thiên Chúa để chuyên tải cho nhân loại những chân lý của trời cao, một cuộc hội nhập thiết thân, sâu sắc như mưa, như tuyết thấm sâu trong mảnh đất trần gian :

“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55, 10-11)

Cũng chính với nguyên tắc “hội nhập văn hóa” đó, mà chúng ta tìm thấy ngôn ngữ của Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước mang nhiều “dáng đứng” khác nhau, theo trào lưu lịch sử văn hóa xã hội của dân tộc Israel : Từ thể văn mang tính huyền thoại, cổ tích (Sáng Thế, Tin mừng thời thơ ấu), đến anh hùng ca lịch sử (Xuất Hành, Samuen, Ma-ca-bê-ô…), pháp đình lề luật, phụng tự (Thứ luật, Lêvi…), khải huyền tiên tri (Đa-ni-en, Ê-giê-ki-en, Khải huyền của Thánh Gioan…), châm ngôn huấn đạo (Khôn ngoan, Châm Ngôn, Giảng Viên..), thi ca trữ tình (Diễm tình ca), truyện ngắn tình yêu (Hô-sê…), ca kinh nguyện cầu (Thánh vịnh…).

Và khi “Ngôi Lời thành xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14), thì Ngài cũng không làm gì khác hơn cái cách “sư phạm truyền thống” của Thiên Chúa. Ngài đã nói Lời Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của dân tộc Ngài, Ngài đã vận dụng những chất liệu của cuộc sống đương thời để diễn tả các chân lý cao sâu của huyền nhiệm Nước Trời : Những hình ảnh chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng như : “Người Mục Tử vác chiên trên vai”, “Cây nho sai trái”, “Tấm lưới thả xuống biển”, “Những cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang”, “cây hoa huệ ngoài đồng”, “con chim se sẻ trên cành cây”… nào có xa lạ gì với đời thường của dân Palestine thuở ấy. Quả thật “ngôn ngữ của Thiên Chúa mang dáng đứng nhân loại là thế đó !

II. NGÔN NGỮ TIN MỪNG TRONG “DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM”
(Hay, cách “HỘI NHẬP VĂN HÓA” của Giáo Hội Việt nam)

Thật không “phải đạo” chút nào nếu Hội Thánh lại đi ngược hay không chọn đi con đường mà Thiên Chúa đã chọn, mà Đức Kitô đã đi : con đường nhập thể, con đường “hội nhập văn hóa”. May mắn làm sao, trên cuộc hành trình sống và chuyển tải đức tin suốt hơn 2000 năm nay, Hội Thánh đã vận dụng mọi yếu tố tốt đẹp của văn hóa, văn minh con người trong việc diễn tả, sống và loan truyền chân lý đức tin. Thánh Phêrô, Thủ lãnh các Tông Đồ, Giáo Hoàng đầu tiên, ngày từ những ngày đầu Hội Thánh đã được Thánh Thần linh ứng cần phải chọn lựa con đường “hội nhập” đó qua thị kiến “tấm khăn lớn với đủ mọi thú vật, rắn rết…” (Cv 10, 9-16). Trong khi đó Thánh Phaolô, một vị Thánh ký, một thần học gia, một nhà truyền giáo vĩ đại đã tóm gọn nguyên tắc nầy trong mấy từ cô đọng và súc tích : “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28). Và thế là Hội Thánh lớn mãi lên, vươn mình trên mọi miền thế giới, mang Tin Mừng Chúa Kitô rắc gieo trên khắp các cánh đồng văn hóa thế giới ; và cứ như thế, Tin Mừng của Chúa đã mang “dáng đứng của nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều loại hình văn hóa, lễ nghi, phụng tự… của mọi dân trên khắp địa cầu. Công Đồng Vatican II đã long trọng xác nhận điều đó như một nguyên lý nền tảng để hình thành và xây dựng Giáo Hội : “Giáo Hội, tức Dân Thiên Chúa, họp thành Nước ấy, không loại bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào ; trái lại, Giáo Hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo Hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hóa chúng” (Hiến Chế Giáo Hội chương II, số 12). Trong khi đó, với Tông huấn “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội tại Á Châu), Đức Gioan Phaolô II đã có những giáo huấn rạch ròi : “Từ viễn ảnh nầy, thấy rõ rằng việc Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin Mừng và việc rao giảng Tin Mừng chắc chắn không đồng hóa với văn hóa, không tùy thuộc vào nó. Nhưng Nước Thiên Chúa đến với muôn dân là những người liên kết sâu xa với một nền văn hóa, và do đó việc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi mượn các yếu tố từ các nền văn hóa nhân loại. Vì vậy, Đức Phaolô VI nói việc tách biệt Tin Mừng ra khỏi văn hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc rao giảng Tin Mừng và nền văn hóa”

(GHTAC số 21).

Thế mà, “đi trước cả thời đại” ! Những nguyên tắc nầy, những định hướng nầy đã được Cha Ông ta áp dụng từ lâu . Thật vậy, không đợi phải có “Công đồng chung Vatican II với định hướng của Hiến Chế “Vui Mừng và Hy vọng”, không đợi đến những chỉ thị cụ thể có tính mục vụ thực tiển của Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, ngay từ đầu, khi Tin Mừng được gieo trồng trên Đất Việt, Cha Ông ta đã biết thế nào là “Hội nhập văn hoá”, thế nào là “diễn tả Tin Mừng bằng ngôn ngữ và văn hoá bản địa”, thế nào là “trình bày ngôn ngữ Tin Mừng trong dáng đứng Việt Nam”. Chúng ta thử đọc lại chứng từ của Cha Đắc Lộ, một Nhà truyền giáo vĩ đại, một nhà văn hóa lớn khi nói về công nương Catarina, môt tín hữu của giai đoạn Tin Mừng mới đi vào Đất Nước ta : “Còn con gái Bà, công nương Catarina (cùng mang thánh dánh như mẹ) rất ham học biết và suy gẫm các mầu nhiệm của đạo, và vì công nương rất giỏi về thi ca bản xứ, nên đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Ki-tô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, Phục sinh và Lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối tập thơ một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Tin Mừng. Tác phẩm nầy rất có ích vì không những giáo dân tân tòng từng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân, khi ca hát và thích thú với lời ca dịu dàng, thì cũng học biết được những mầu nhiệm và chân lý đức tin” (A. De Rhodes- Histoirre du Royaume de Tunquin. Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài). Nhà học giả Phạm Đình Khiêm, trong bài tham luận tại cuộc TỌA ĐÀM “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA CÔNG GIÁO VIỆT NAM TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX”, đã nhận xét thêm về sự kiện nầy bằng những dòng trân trọng : “Thế là khi đức tin vừa gieo vào lòng đất chốn kinh kỳ (1627), thì từ một lá ngọc cành vàng đã nảy sinh thiên trường ca vang dội khắp xứ, nhờ phương tiện phổ biến là những bản in khắc gỗ mà đất Thăng Long rất sở trường. Đất nghìn năm văn vật có khác!”. (Nhìn qua những chặng đường thi ca Công Giáo Việt Nam. Phạm Đình Khiêm).

- Trước hết, chúng ta nên dành riêng sự trân trọng và biết ơn đến các Thừa sai tiên phong đem Tin Mừng Đạo Chúa đến quê hương nầy, và đã vận dụng ngôn ngữ Việt Nam để chuyển tải Tin Mừng cho dân Việt chúng ta. Dấu ấn đặc biệt nhất có lẽ là tác phẩm giáo lý bằng chữ quốc ngữ đầu tiên : “PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY” do Cha A. De Rhodes chủ biên và xuất bản năm 1651)

Kế tiếp những công trình “hội nhập văn hóa” mang tính đột phá và tiên phong đó, Hội Thánh non trẻ Việt Nam tiếp tục lên đường chuyển tải Tin Mừng và chân lý cứu độ qua những công trình văn hóa mà cho đến mãi hôm nay chúng ta chỉ biết cúi đầu bái phục :

- Giáo sĩ Majorica (Dòng Tên) : với trên 50 tác phẩm vừa dịch, biên soạn, sáng tác bằng văn xuôi hay văn vần chữ Nôm chuyển tải giáo lý, hạnh các thánh…
- Thầy Phanxicô, cựu hòa thượng : Với tác phẩm Hán-Nôm là bản Kinh Nguyện Giỗ CẢM TẠ NIỆM TỪ, quen gọi là PHỤC DĨ CHÍ TÔN
- Thầy giảng Gioan Thanh Minh : Với 15 phẩm bằng chữ Nôm ca ngợi các danh nhân, các Thánh
- Linh mục Lữ –Y Đoan (1613-1678): Với tác phẩm SẤM TRUYỀN CA bằng thể thơ lục bát
- Ông Raphael Đắc Lộ (1611-1687) : Với các tác phẩm thi ca : VÃN THÁNH GIUSE và VÃN ÔNG TOBIA
- Tác phẩm lục bát trường thi INÊ TỬ ĐẠO VÃN với 563 câu thơ lục bát kể chuyện tử đạo của Bà Inê năm 1700
- Linh mục Philipphê Bỉnh viết nhiều tác phẩm với nhiều thể loại : trước tác, biên soạn, dịch thuật, hồi ký, thơ… đặc biệt với tác phẩm SÁCH SỔ SANG CHÉP CÁC VIỆC
- Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) : Nhiều tác phẩm Hán-Nôm : VIỆT NAM GIÁO SỬ DIỄN CA, LÂM NẠN PHỤC QUỐC HÀNH, MINH DÂN VỆ ĐẠO KHÚC, VĂN TẾ GIÁO DÂN TỬ NẠN, VĂN TẾ CÁC ĐẲNG LINH HỒN, GIÁO NẠN TRONG QUỐC BIẾN…
- Thánh Phan văn Minh : Với thi phẩm “PHI NĂNG THI TẬP”
-Linh mục Trần Lục (1825-1899) : Với các tác phẩm thi ca lục bát : HIẾU TỰ CA (1088 câu), NỮ TẮC THƯỜNG LỄ (1016 câu), NỊCH ÁI VONG ÂN (440 câu).
- Ngoài những tác giả với tác phẩm, tư liệu mang tính chuyên môn về thần học, giáo lý, tu đức…, còn có nhiều loại hình “hội nhập văn hóa khác” trong các lãnh vực khác như : chính trị (Các bản điều trần của LM. Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) ; kiến trúc : (các nhà thờ Hảo Nho, Bình Sa (Ninh Bình), An Vân, Đốc Sơ, An Truyền (Huế), Trung Lao, Thôn Đông (Nam Định), Ba Làng (Thanh Hóa), đặc biệt là quần thể kiến trúc Nhà Thờ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) ; sử học (Đại Nam quốc sử diễn ca của Trương vĩnh Ký (1837-1898), tiểu thuyêt (Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887) ; kịch (Kịch thơ Mùa Xuân Thánh, Quần Tiên Hội của thi sĩ Đơn Phương 1991) ; múa (Các loại hình Dâng Hoa tháng Đức Mẹ) ; Biên khảo, nghiên cứu (Phạm Đình Khiêm, Võ Long Tê (Mai Hoa Công Chúa, Minh Đức Vương Thái Phi, Người chứng Thứ Nhất : biên khảo lịch sử của học giả Phạm Đình Khiêm ; riêng Võ Long Tê có trên 50 công trình nghiên cứu và sáng tác. Trong số đó phải kể các công trình nghiên cứu thơ ca Hàn Mặc Tử…) ; báo chí (Thánh Thể báo, 1919 địa phận Phát Diệm, Thánh Giáo Tuần Báo Bắc Kỳ (1920-1923), Trung Hòa Nhật Báo (Hà Nội, 1924-1943), nhật báo Công Giáo Đồng Thinh, 1927-1937 và tờ tuần báo Công Giáo Tiến Hành , 1936-1938, tạp chí Sacerdos indosinensis (1927, tạp chí Dức Bà Hằng Cứu Giúp (1929 của ĐP Hà Nội, tuần báo Văn Côi (Nam Định), Vì Chúa (Huế), Lời Thăm (Qui Nhơn)…; thi ca (Thơ Nôm Phước Môn tuyển tập thơ của Nguyễn Hữu Bài do Nguyễn Thức sưu tập (1959), Sảng Đình thi tập của linh mục J.M. Nguyễn Văn Thích (1943). Trong lãnh vực thi ca, chúng ta làm sao không nhắc đến những tên tuổi lừng danh trên thi đàn Việt Nam như :
- Hàn Mặc Tử (1912-1940) với những bài thơ bất hủ như Thánh Nữ Đồng Trinh, Ra Đời,
- Bàng Bá Lân (1912-1988), một Kitô hữu tân tòng, với các bài thơ “Đêm Giáng Sinh”, “Cầu nguyện với Đức Mẹ”, “Cảm hóa.
- Hồ Dzếnh (1916-1991), một Kitô hữu tân tòng, với tuyển tập thơ “Tác Phẩm Đầu Xuân (1944) với nhiều bài thơ Công Giáo.
- Phạm Đình Tân (1913-1933) : với tập thơ “Lời Thiêng”
- Linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng (1936) : Với nhiều tập thơ đạo như Thơ Kinh, Hương Kinh, Hiến Chương Nước Trời, Bài Ca Thương Khó…
- Lê Đình Bảng (1942) : với các thi phẩm : Hành Hương, Lời tự tình của bến trần gian, Quỳ trước đến vàng…
- Linh mục Trăng Thập Tự : Trường ca Anrê Phú Yên, Tiên Tri, Quỳ Hoa...
Chúng ta còn phải ghi nhận nhiều đóng góp khác trong việc diễn tả Lời Chúa, Thánh Kinh bằng ngôn ngữ Việt Nam, cho dù không phải là những tác phẩm được phổ biến sâu rộng, nhưng đã góp phần không nhỏ trong tiến trình Hội Nhập Văn Hóa của Giáo Hội Việt Nam. Đó là các nỗ lực của các tác giả như Tống Viết Toại (Phúc Âm diễn ca, 1956), Mai Lâm (Thánh Vịnh Toàn tập, 1958), Long Giang Tử (Phúc Âm diễn ca, 1975), Linh mục An Sơn Vị (Ngủ Kinh, Thánh Vịnh thánh ca, Tân ước), Linh mục Giuse Đinh Cao Thuấn (Trường ca cứu độ , Ca vang Lời Chúa, đường về Đất hứa,), linh mục Cao Vĩnh Phan (Trường ca Dân Chúa : giáo lý bằng thơ lục bát), linh mục Lê quang Trình (Kinh thánh Khởi nguyên, Thánh Vịnh bằng thơ lục bát)…và hôm nay, chúng ta đang tưởng niệm, đang nhắc nhớ đến một con người, một linh mục và một thi sĩ đã góp phần to lớn trong tiến trình Hội Nhập Văn Hóa của Hội Thánh Việt Nam : đó là Cha F.X. Nguyễn Xuân Văn với đại thi phẩm trường thiên lục bát 9764 câu thơ, thi phẩm về cuộc đời Chúa Cứu Thế qua bốn Tin Mừng : “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”.

Chính Cha Nguyễn Xuân Văn đã bộc lộ ý định “Hội nhập” nầy khi Ngài nhắn gởi chúng ta trong lời Phi lộ của tác phẩm :

Tôi muốn đem Lời Chúa
Lời thơ Tình Thương
Ghép thành vần
Đặt lên miệng các bà mẹ
Để từ đó
“Chảy vào tai các em bé,
Đang nằm trong nôi.
Hay trên cánh tay dịu hiền của các bà
Như dòng sửa ngọt
Chứa đầy chất dinh dưỡng siêu phàm
Để nuôi các em lớn lên
Trong tình thương của Chúa…
“Tôi ước ao Lời Chúa,
đến với các bạn
với những kẻ khó nhọc và gánh nặng
Những người mất niềm tin
Mất hy vọng trên cõi đời nầy.
Hỡi các bạn ! Hãy lắng nghe
“Đây là Sứ Điệp Tình Thương,
Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng”
(Sứ điệp Tình Thương, Lời Phi lộ)

Với “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG”, tác giả Nguyễn Xuân Văn có thực sự đã đạt được mục đích ấy chưa ? Để trả lời câu hỏi ấy, và nhất là để một lần nữa khẳng định rằng : khi được gieo trồng trên mảnh đất Việt Nam, quả thật, “ngôn ngữ của Tin Mừng đã mang dáng đứng Việt Nam”, tôi xin được giới thiệu những bài khảo luận, những nhận định và phê bình, những cảm nhận và tưởng nhớ của một số học giả, nhà nghiên cứu, văn, thi sĩ, các Đấng Chủ Chăn, những bạn hữu thân thiết và những học trò… về cố linh mục thi sĩ F.X.Nguyễn Xuân Văn và tác phẩm “SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG” của Ngài. Đây cũng chính là món quà nhỏ xin kính dâng về Cha Phanxicô Xaviê như nén hương lòng tưởng niệm nhân ngày Đại Giỗ giáp hai năm qua đời của Ngài : 10.01.2002 – 10.01.2004.

Tuy Hòa, tháng 1 năm 2004

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

PHẦN THỨ NHẤT
________________________________
NGUYỄN XUÂN VĂN
CON NGƯỜI, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Vài Nét Về Con Người và Cuộc Đời
Linh Mục Thi Sĩ Nguyễn Xuân Văn

Trăng Thập Tự

LỜI NÓI ĐẦU

Những hồi ức về cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn từ sau khi ngài thụ phong linh mục, hẳn sẽ có nhiều người viết, và người ta sẽ có thể dựa vào những hồi ức ấy để dựng lại mấy chục năm cuộc đời hoạt động của ngài. Còn về thời niên thiếu, những năm tháng ở gia đình, ở tiểu chủng viện và cả ở đại chủng viện, hiện chỉ còn một ít người biết được. Ngoài những vị đồng niên đồng tuế, có lẽ các nghĩa tử của ngài có thể biết được nhiều điều do ngài kể lại. Tuy nhiên người đã được nghe ngài kể nhiều hơn hết có lẽ là vị linh mục trẻ ngài rất yêu thương, chung sống với ngài lâu năm nhất, từ khi còn là chủng sinh, là thầy giúp xứ cho đến khi làm cha phó của ngài. Đó là cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản.
Phần tôi, để đóng góp một chút nhỏ, trong những lần về thăm Tuy Hoà, năm 1994 và 1995, tôi đã ghi âm một số buổi nói chuyện trong giờ cơm trưa với ngài. Cha Bản và tôi đã cùng sắp xếp để nêu những câu hỏi theo từng vấn đề, nhờ đó đã thu lượm được một số chi tiết rất đáng nhớ. Dựa vào những điều đã ghi được và kết hợp với một số nguồn khác[1], tôi xin ghi lại đây bản thảo sơ khởi về con người và cuộc đời của ngài, như cắm một số cột mốc cho người sau dễ viết.

Sài Gòn, 18-1-2001
“Chín ngày của cha Phanxicô”
Trăng Thập Tự

I. QUÊ NHÀ VÀ GIA ĐÌNH

Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn sinh ngày 01.09.1922 tại thôn Mỹ Thành (nay là Mỹ Đức), xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, thuộc giáo xứ Đồng Dài. Những linh mục đã phụ trách Đồng Dài mà cha Xuân Văn còn nhớ được là cha Quyển, cha Hoá, cha Mân. Địa sở Đồng Dài có nhiều họ nhánh. Khi cha Xuân Văn còn nhỏ, Đồng Dài có khoảng 4000 giáo dân, về sau, trước thế chiến thứ hai, chỉ còn khoảng 500 giáo dân (Tại sao?).
Thân sinh là ông Antôn Nguyễn Vị (1887 – 1952) và bà Maria Lê thị Báu (1890 – 1926), những giáo dân đạo đức và gương mẫu. Ông bà sinh được sáu người con: Nguyễn thị Đường (chết năm 17 tuổi), Isave Nguyễn Thị Đệ (chết năm 36 tuổi), Marta Nguyễn Thị Thi (chết năm 39 tuổi), Nguyễn Xuân Ba (chết lúc 2 tuổi), Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn và Anna Nguyễn Thị Thơ (bà Phòng).
Xuân Văn vừa lên 4 tuổi thì mẹ được Chúa gọi về. Sống cảnh gà trống nuôi con, người cha đã can đảm lo lắng cho các con đầy đủ mọi phương diện. Vì thương con, cụ chọn một người kế thất đã quá thời sinh nở. Bà kế mẫu rất thương Xuân Văn và anh chị em. Anh chị em gọi bà kế mẫu là “Chín”. Xuân Văn bị ghẻ, mỗi lần mẹ kế xức thuốc ghẻ cho, Xuân Văn lại vòi tiền và bà luôn chiều ý.
Cụ Vị khi nhỏ giúp việc cho cha Niên, một linh mục già tốt lành, đầy tình thương. Dù chỉ biết một ít chữ Nho, một ít chữ nôm, một ít chữ quốc ngữ nhưng cụ rất thích đọc sách. Cụ giáo dục con cái và xử thế rất hay. Nhà nghèo nhưng cụ rât có chí lo cho con đi học. Cụ mua sách vở cho con cái đọc: Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Minh tâm bảo giám, Hạnh các thánh, Sấm truyền cũ…
Từ khi Xuân Văn còn nhỏ, cụ vẫn để Xuân Văn ngủ chung, chia sẻ tâm tình rất thân mật. Ngay cả khi đã là sinh viên thần học, mỗi lần về gia đình, Xuân Văn vẫn nằm ngủ chung phản với cha, nghe cha tỉ tê tâm sự, kể nhiều chuyện đời và khuyên nhủ. Xuân Văn không quên được những lần đang ngủ, và có khi vẫn còn thức, mà được cha ôm hôn, nựng nịu. Do đó, đối với Xuân Văn, tình cha rất sâu đậm. Tuy nhiên, tình thương ấy không phải là chiều chuộng uỷ mị. Tình thương của cụ Vị rất đặc biệt, cụ vừa nhân từ vừa có uy cho nên con cái vừa yêu mến vừa kính sợ. Cả khi đã chịu chức Tư, Xuân Văn vẫn còn sợ cha. Ngay cả lúc đã 50, 60 tuổi, mỗi lần nằm mơ thấy cụ thân sinh, cha Xuân Văn vẫn còn thấy lòng đầy yêu mến kính sợ.
Việc giáo dục đức tin trong gia đình rất nghiêm túc. Tối nào cụ Vị cũng cho cả nhà đọc kinh, lần chuỗi. Sáng nghe chuông nhà thờ, cụ gọi cả nhà dậy lần chuỗi rồi mới đi lễ (Nhà cách nhà thờ khoảng 600 mét, đường nhà quê rất tối). Thói quen lần chuỗi đã ăn sâu, cho nên hồi nhỏ, dù khi trọ học xa nhà, chỉ có một mình, Xuân Văn vẫn lần chuỗi. Nếu lỡ ngủ quên, khi tỉnh dậy, lại lần tiếp.
Cụ Vị rất có kỷ cương, răn dạy nghiêm khắc. Dù khi Xuân Văn đã học thần học mà có lỡ lời, ăn nói thiếu đứng đắn, cụ cũng sửa dạy ngay.
Cuối đời, cụ Vị bị đau bao tử nặng, lại thêm bệnh gan. Lúc đó, gia đình đã chuyển về giáo xứ Đồng Quả. Xuân Văn vẫn luôn cầu xin cho mình được có mặt bên cạnh cha lúc cha lâm chung và đã được toại nguyện. Cụ lâm trọng bệnh vào kỳ hè 1952. Xuân Văn được săn sóc cụ hai tháng trước khi cụ qua đời.
Trên giường bệnh, cụ hôn ảnh thánh giá, rồi bảo Xuân Văn đưa tượng Đức Mẹ cho cụ hôn kính. Đưa lên môi hôn xong, cụ lắc đầu hỏi:
- Sao không đưa cho cha Ly làm phép?
Cha Ly là cha sở Đồng Quả lúc đó. Pho tượng nói đây, Xuân Văn đã mua từ ba năm trước và quên xin linh mục làm phép. Làm sao chỉ bằng sự hôn kính mà cụ có thể nhận ra có sự khác biệt giữa một pho tượng chưa làm phép với những đồ thờ đã làm phép?
Có lúc cụ chỉ về phía sau lưng và nói:
- Quỷ Satan nó đứng rình đó con!
Xuân Văn an ủi cụ:
- Cha đừng sợ!
Cụ quay nhìn ảnh Đức Mẹ và nhìn mãi. Cụ kêu tên cực trọng “Giêsu, Maria, Giuse” liên lỉ cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.

II. ƠN GỌI

Mất mẹ lúc 4 tuổi, trong ký ức Xuân Văn, tất cả hình ảnh về mẹ chỉ còn là một phụ nữ có mái tóc dài rất đẹp. Thế nhưng ảnh hưởng của người mẹ trên Xuân Văn rất lớn. Khi mang thai Xuân Văn, bà đã hứa dâng con cho Chúa. Trước khi qua đời, dù Xuân Văn là người con trai duy nhất còn lại, bà vẫn dặn chồng:
- Tôi đã dâng nó cho Chúa, anh nhớ lo cho nó “đi nhà trường”.
“Mẹ tôi đã bắt cha tôi hứa điều ấy. Như vậy, điều quý báu nhất mẹ tôi để lại cho tôi là đã định cho tôi một hướng đi.”
Cụ Vị hết sức dè giữ để bảo vệ mầm ơn gọi cho con trai. Cụ không cho Xuân Văn dự đám cưới của các chị. Khi cô em lấy chồng, Xuân Văn đang giúp xứ tại Đồng Quả, chỉ cách nhà hai cây số mà cũng không được về dự. Mỗi lần Xuân Văn hỏi chuyện vợ chồng, cụ gạt liền: “Mầy đi tu mà hỏi chi chuyện đó!”. Cụ mua cho con cái sách giáo lý, sách kinh, sấm truyền cũ, và dùng chính những sách ấy để dạy cho con cái học vần và tập đọc. Trước khi vào Tiểu Chủng Viện, Xuân Văn đã đọc đi đọc lại bộ hạnh các thánh của cha Phaolô Quy, gồm 4 quyển cho cả năm, cũng như các chuyện hay trong Sấm Truyền Cũ, các chuyện thơ về thánh Alêxù, Gioan Lều, xúc động và khóc ròng.
- Tôi thấy nó ảnh hưởng ghê, cha ạ! Tôi ước mong bây giờ các cha tìm cách viết hạnh các thánh cho thiếu nhi có mà đọc. Được đọc khi nhỏ, sẽ nhớ dai lắm!
Năm 1952, khi thân phụ qua đời, Xuân Văn đã học xong thần học, nhưng vì thời cuộc nên chưa thụ phong linh mục. Trước khi nhắm mắt, cụ Antôn Nguyễn Vị nhắc lại cho Xuân Văn ước vọng của người mẹ và nói:
- Mẹ con đã dâng con cho Chúa và cha cũng đã cố gắng giữ như thế. Tuy nhiên làm linh mục là một ơn Chúa ban và là một gánh rất nặng. Nếu con thấy không thể trung thành thì cứ rút lui, cha không buộc, vì thà không làm linh mục hơn là làm linh mục bất xứng.
Xuân Văn thưa lại:
- Con vẫn ước ao dâng lễ mở tay khi cha còn sống, nhưng nay ý Chúa không muốn vậy. Con cố gắng trung thành đến cùng để làm linh mục, dâng lễ cầu nguyện cho cha.
Xuân Văn học abc và học viết với cụ thân sinh. Lên 9, lên 10, Xuân Văn theo học trường công tại huyện. Cậu luôn đứng nhất nhưng nghịch quá cho nên năm tiếp đó, ông cụ bắt bỏ trường công về học chữ Nho, với các sách Nhất Thiên Tự và Minh Tâm Bảo Giám. Ông thầy dạy trường công cho các em học sinh tìm, bắt quay lại trường, Xuân Văn không chịu. Thế nhưng năm học tiếp theo, 1933-1934, Xuân Văn đã trở lại trường, bỏ lớp Năm, lên lớp Bốn. Qua niên khoá sau, Xuân Văn đã vượt bạn bè và đậu Sơ Học Yếu Lược năm 1935. Xuân Văn vẫn tiếp tục ôn luyện chữ Nho và sau ba năm đã có thể đọc Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ.
Trường Huyện chỉ có tới lớp Ba (Sơ Học Yếu Lược), cho nên lên lớp Nhì (năm học 1935-1936), Xuân Văn phải về Bồng Sơn học Cours Moyen năm I (tức là năm I của chương trình lớp Nhì thời ấy). Trường xa nhà 9 cây số nên Xuân Văn phải trọ học ở một gia đình cách trường học 2 cây số. Sáng thứ hai đến nhà trọ, thứ bảy về nhà.
Năm 1936, Xuân Văn vào Tiểu Chủng Viện, được miễn lớp Tám để vào ngay lớp Bảy, cùng lớp với hai vị giám mục Qui Nhơn sau này là Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các và Đức Cha Giuse Phan Xuân Hoa, với cha Phaolô Trương Đắc Cần và cha Placide Phất (OSB). Lớp có 33 học sinh. Năm đầu Xuân Văn kém tiếng Pháp hơn anh em nhưng qua năm sau đã đuổi kịp. Tuy nhiên Xuân Văn học rất tài tử. Trong năm lớp Năm, các bài kiểm tra hằng tuần của Xuân Văn rất thất thường: khi thì đứng đầu lớp, khi lại đứng cuối lớp.

III. HỒN THƠ

Cụ Nguyễn Vị làm nghề nông, có biết làm thơ. Tuy nhiên cụ không làm thơ mà chỉ viết văn quốc ngữ theo lối thơ. Cụ có khiếu vẽ và Xuân Văn cũng có khả năng vẽ.
Khi Xuân Văn còn nhỏ, Đồng Dài là một cảnh sơn thuỷ rất đẹp, với một nhánh của sông Lại Giang, hai bên cây cối um tùm. Dòng nước có chỗ rất sâu nhưng cũng có chỗ người đi chợ lội qua được.
Vào Tiểu Chủng Viện rồi, Xuân Văn mới làm thơ. Nhờ học chữ Nho, Xuân Văn quen với người em của ông thầy đồ là một người rất giỏi thơ. Mỗi kỳ nghỉ hè, đều về gặp gỡ xướng hoạ. Tiểu Chủng Viện theo chương trình giáo dục của nhà nước bảo hộ cho nên học toàn văn chương Pháp, chỉ xen một chút văn chương Việt Nam, có học Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương. Tuy nhiên, do thích thơ, Xuân Văn đã tìm tòi đọc các tác giả thơ Việt. Cha Quá phụ trách môn Việt văn, vào mỗi thứ tư hằng tuần, và thường cho thi làm thơ phú.
Cha Xuân Văn thích nghiên cứu tử vi và tướng mệnh, thích trồng hoa và cây cảnh. Theo tử vi phương tây, sinh vào tháng 9, cha thuộc tuổi xử nữ thì có nhiều khả năng văn chương. Thêm vào đó, sự kiện mất mẹ từ nhỏ cũng tăng thêm nguồn cảm xúc trong tâm hồn cha.
- Ngay từ nhỏ tôi đã thấy khổ đau, đã đối diện với khổ đau. Năm, sáu tuổi tôi đã biết khóc thầm vì những chuyện không nên kể (cười!), do thấy mình bị đời hắt hủi, do nỗi tủi buồn vì mồ côi mất mẹ! Chỉ mồ côi mẹ thôi đã khổ, những người mất cả cha lẫn mẹ còn đau khổ tới đâu, nhất là khi mình nhạy cảm!
Thi sĩ là gì? Theo tôi, thi sĩ là người diễn tả nỗi đau khổ của mình và của người khác. Nhất là những đau khổ của mình, vì của người khác mình đâu có biết!!!

IV. HIẾN DÂNG NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC

Vào Đại Chủng Viện năm 1943, Xuân Văn học triết học các niên khoá 1943-1944 và 1944-1945.
Trong thời gian có cuộc “đảo chính Nhật”, Xuân Văn đang ở đại chủng viện. Học xong triết học thì được bài sai đi Bầu Gốc giúp cha Ân. Thế nhưng đang khi đi nghỉ hè tại Đá Lết thuộc giáo xứ Ngãi Điền thì bị sốt rét rừng, phải nằm lại nhà. Đó cũng là thời điểm diễn ra cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Cha Huy đang làm Bề Trên Giáo Phận. Ngài cho Xuân Văn một bài sai khác, sai đi giúp giáo xứ Ô Gia thuộc Quảng Nam. do cha Thọ phụ trách. Trên đường đi Ô Gia, tới Gia Hựu, ghé nhà thầy Cần thì bị sốt rét lại, phải quay về gia đình nghỉ sáu tháng. Xuân Văn muốn gửi thư trình sự việc cho cha Bề Trên Huy nhưng không có điều kiện. Cha Bề Trên tưởng rằng Xuân Văn thiếu tinh thần vâng lời, không muốn giúp cha Thọ là một cha rất khó tính. Ngài định sa thải Xuân Văn. May thay, cha Nguyễn Xuân Bàn là cha sở Đồng Dài lúc ấy đã giải thích và minh oan giúp. Cha cũng can thiệp để xin cho Xuân Văn được giúp một giáo xứ gần quê nhà là Đồng Quả (Cha Ly).
Chương trình giúp xứ lẽ ra chỉ hai năm, nhưng vì chủng viện đóng cửa, Xuân Văn đã phải giúp ba năm liền. Đang là lúc chiến tranh, không sao liên lạc được. Không được thư, Xuân Văn không biết ý Bề trên thế nào. Tuy nhiên, được sự đồng ý của cha sở, đến giữa năm 1948, Xuân Văn vẫn nhờ”tiểu đồng” gánh “xiểng” hành trang về đại chủng viện tại Làng Sông. Tại đây, Xuân Văn học thần học các niên khoá từ 1948 đến 1952. Ban giáo sư thần học lúc ấy có các cha Rohmer Triết, Tín, Hoàng, Hạnh vv… Thời gian nầy, Xuân Văn viết lời cho nhiều bài thánh ca như: Xin giúp con, Bóng con trở về, Giết-sê-ma-ni, Đây phút sống, Thánh Giuse… với bút hiệu Văn Tao (Về sau, các vị trong ban điều hành Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh hoặc do không hiểu ý hoặc vì lý do nào khác, không những đã sửa các lời ca mà còn sửa cả bút hiệu Văn Tao thành Văn Thao!). Đa số các bài ca do Ánh Thiều (linh mục Stanilas Hoàng Đắc Ánh, dòng Đa Minh) hoặc Thanh Bình (linh mục Nguyễn Thanh Bình giáo phận Qui Nhơn) viết nhạc trước, Xuân Văn dệt lời sau. Xuân Văn cũng như hai vị đã không được học sáng tác, chỉ theo các ghi chú ở cuối sách hát mà tìm ra nguyên tắc sáng tác nhạc.
Năm 1952, Xuân Văn được sai đi giúp Gia Hựu (Cha Phận) và cũng là năm người cha thân yêu được Chúa gọi về. Lần giúp xứ thứ hai này kéo dài đến năm 1954. Trong thời gian này, Xuân Văn có làm một tập nhạc và một tập thơ. Tiếc là khi di tản đã để lại ở Gia Hựu và bị mất hết.
Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Xuân Văn vào Nha Trang tiếp tục học thần học.
Năm 1955, thầy Văn về giúp Tiểu Chủng Viện Nha Trang, vừa làm giám thị vừa dạy học. Trong thời gian này, thầy muốn chuyển sang tu dòng. Thầy gửi thư xin vào Thiên An nhưng Nhà Dòng không trả lời. Thầy gửi thư cho Dòng Chúa Cứu Thế thì được đồng ý ngay nhưng Đức Giám Mục Giáo Phận là Đức Cha Piquet Lợi, thuộc Hội Thừa Sai Paris, cũng đồng thời là cha đỡ đầu của Xuân Văn, không chấp thuận.
Ngày 25.01.1956: Đức Cha Piquet Lợi phong chức linh mục cho thầy Xuân Văn tại nhà thờ Nha Trang.

V. DẤU CHÂN NGƯỜI MỤC TỬ

Sau khi thụ phong, cha Xuân Văn được chỉ định làm cha phó cho cha Nguyễn Du, địa sở Hoàng Phước, và phụ trách họ Trúc Hà, cách Đà Nẵng 40 cây số. Đến Trúc Hà đầu tháng Hai năm 1956, sống chung với cha Du hơn một tháng rồi làm phó xứ biệt cư, ở tại Trúc Hà từ tháng Ba đến tháng Chín. Đây là một họ đạo nhỏ, chỉ có độ 500 giáo dân, và nghèo, cả nhà thờ và nhà xứ đều lụp xụp. Từ xưa nay không có linh mục, nay cha Xuân Văn là linh mục đầu tiên thường trú ở đó, cho nên giáo dân rất quý mến. Dù nghèo, họ vẫn lo cho cha mọi sự, từ gạo củi thường ngày cho đến rượu thịt lúc có khách.
Sinh hoạt ở đây có vẻ thật thanh bình. Mỗi tối thứ bảy, đặt bàn trước sân, thắp đèn măng sông, mời bà con lương dân xung quanh tới nghe giới thiệu về Đạo Chúa. Có khi cha Xuân Văn giảng, có khi mời các cha khác tới cùng giảng.
Sáu tháng ở đó, cha Xuân Văn dạy giáo lý và rửa tội được một số tân tòng, và dạy một lớp xưng tội rước lễ lần đầu. Mỗi tối đọc kinh xong, cha ngồi kể chuyện cho giáo dân, cả già trẻ, lớn bé, cùng nghe. Giáo dân ngồi kín hè và sân nhà xứ. Sau khi cha đi, tối tối giáo dân cũng kéo nhau tới hè nhà xứ ngồi khóc suốt ba tháng liền vì thương nhớ cha.
Từ tháng 9 năm 1956 đến tháng 9 năm 1957, cha được chỉ định làm cha phó Đà Nẵng, giúp đỡ cha sở Giuse Lê Văn Ấn, sau này là giám mục Xuân Lộc. Cũng thời gian này, cha bắt đầu gởi nhiều ơn gọi vào chủng viện cũng như tu viện.
Năm 1957 – 1962, cha được đưa về làm giáo sư kiêm quản lý Tiểu Chủng Viện Làng Sông.
Năm 1962 – 1964 là những năm công việc truyền giáo địa phận Qui Nhơn phát triển mạnh, cha được đưa về làm Cha sở Phú Hương – Quảng Nam, tiếp tục công việc của các vị tiền nhiệm, phát triển nhiều họ đạo. Rồi trận lụt Giáp Thìn, 1964, ập đến, tàn phá nhiều làng ven sông Thu Bồn, cùng lúc với chiến tranh leo thang. Cha đã quy tụ đàn chiên nhỏ bé lại tại trại tạm cư Hoà Cầm. Năm 1965, cha lập trại định cư tại bãi cát Đa Phước – Đà Nẵng. Xứ đạo Phước Thành ra đời. Trên vùng đất nầy, nhiều họ đạo khác cũng thành hình, biến vùng Hoà Khánh thành nơi sầm uất, phát triển đạo đời. Cha cho xây dựng trường trung tiểu học Thánh Mẫu với hàng ngàn học sinh, giúp các nữ tu dòng Mến Thánh Giá thành lập cô nhi viện Phước Thành. Tiếp theo, cha xây dựng một ngôi thánh đường kiên cố và hiện đại còn tồn tại cho đến ngày nay. Cha còn giúp Đức Cha Phêrô Maria xây dựng Đại Chủng Viện Hoà Bình, đồng thời giúp các cha dòng Salêdiêng Don Bosco xây dựng trường kỹ thuật nhằm giúp đỡ thanh thiến niên. Tiếc thay, các công trình đó, Giáo Hội không còn quản lý được nữa.
Sau năm1975, cha muốn về Qui Nhơn giúp đỡ Giáo phận Mẹ, xây dựng lại các xứ đạo từ đống tro tàn của chiến tranh. Sau khi cha Phaolô Trương Đắc Cần rời Mằng Lăng ra Sông Cầu làm cha sở, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, người bạn đồng lớp, yêu cầu cha về làm Cha sở Mằng Lăng – Phú Yên. Tại quê hương thầy giảng tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên, cha đã dày công đào tạo các chủng sinh, và nhiều linh mục phát xuất từ cái nôi thân yêu này.
Năm 1986, sau khi cha Hạt trưởng Phú Yên, Martinô Nguyễn Trọng Huấn qua đời, Đức cha Phaolô cho cha về coi sóc Giáo xứ Tuy Hoà, kiêm hạt trưởng Phú Yên.
Hơn mười lăm năm xây dựng giáo xứ, 1986 – 2002, bên cạnh việc xây dựng toà lâu đài thiêng liêng nơi lòng giáo dân, cha còn có những công trình hữu hình khác như hang đá Đức Mẹ, Nghĩa đường, tượng đài Thánh Tâm, tượng đài thánh Giuse. Đặc biệt, năm 1995, cha đã xây dựng một ngôi thánh đường khang trang, cùng với nhà xứ và nhà giáo lý gồm 3 phòng tại Giáo họ Hóc Gáo, thuộc Giáo xứ Tuy Hoà. Vào cuối đời, mặc dầu đau nặng, cha cũng kiên quyết hoàn thành công trình nhà giáo lý, gồm 2 tầng 14 phòng.
Ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê năm 2001, cha đã dâng lễ tạ ơn bát tuần với cộng đoàn giáo dân Tuy Hoà như một lời từ biệt. Sau lễ Giáng Sinh, cơn bệnh đột ngột tăng nhanh. Cha đau đớn rất nhiều. Và rồi việc gì phải đến đã đến. Khi tiếng chuông 4 giờ 30 sáng thứ năm ngày 10.01.2002, vừa rung lên cũng là tiếng chuông báo tin giờ hấp hối của cha. Sau nửa giờ trăn trở, hơi thở yếu dần, cha đã được Chúa gọi về lúc 5 giờ. Vây quanh cha trong giờ sau hết là những linh mục, giáo dân và những người thân yêu.
Vào lúc 9 giờ cùng ngày, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn – trên đường vào Sài Gòn, để đi Rôma viếng mồ Thánh Phêrô- đã có mặt tại Tuy Hoà. Đức Cha đã cùng với các linh mục và giáo dân Tuy Hoà đưa xác cha vào nhà thờ và cử hành thánh lễ đồng tế, cầu nguyện cho một vị mục tử suốt đời tận tuỵ vì đoàn chiên.
Sáng 11 tháng 01 năm 2002, thi hài cha được khâm liệm và ngày 12, được đưa về an táng tại nghĩa trang dành cho các linh mục tại Làng Sông, Tuy Phước, Bình Định.

VI. MỘT TẤM LÒNG CHO HỘI THÁNH

Dưới đây là phần cha Xuân Văn trả lời những câu hỏi về tâm hồn người tận hiến, do cha Bản và tôi nêu ra.
- Cha nhớ gì về thời chủng sinh của cha?
- Kỳ nghỉ anh em chúng tôi thường đến nhà nhau chơi. Phải thân nhau từ tiểu chủng viện mới quý. Nếu thiếu tiểu chủng viện, chỉ có đại chủng viện, anh em sống với nhau theo kiểu người lớn, sẽ thiếu thân mật. Khi làm chủng sinh, phải gắng sao cho có tấm lòng chung, có gì cũng chia sẻ cho nhau, đừng ích kỷ, thì khi làm linh mục sẽ thương nhau. Nhờ tình bạn khi còn là chủng sinh, khi làm linh mục rồi chúng tôi vẫn còn rủ nhau đi chơi. Cha phải biết là nhóm anh em cùng lớp của chúng tôi chơi với nhau rất thân mật, vui nhộn và linh động, và nhờ đó mà rất nhất trí. Tháng hè, anh em chúng tôi rủ nhau đi chơi, không có gì là riêng tư. Vui mà rất lành mạnh, cho nên lôi cuốn cả lớp dưới.
- Có phải đó là đặc điểm của anh em Qui Nhơn?
- Đúng. Qui Nhơn cũng học giỏi nữa. Khi học chung 7 giáo phận ở Sài Gòn, về học vấn anh em Qui Nhơn không thua ai, để khỏi nói là hơn.. Nhưng tôi thấy rõ sự đào tạo của Qui Nhơn mình còn phiến diện.
- Ý cha muốn nói thế nào?
- Cần phải có một ban giáo sư nhất trí và là một ban giáo sư thánh. Muốn có một hàng linh mục thánh, chủng viện cần có một ban giáo sư thánh. Giỏi thôi, không đủ!
- Nếu như ngày nay lại có Tiểu Chủng Viện, mình phải làm gì?
- Ngày nay, nếu được lập lại Trường Nhỏ, mình phải đào tạo khác. Phải nhấn mạnh gương sống của các bạn. Những tấm gương sống động nhất cho tôi vẫn là gương của anh em. Có những anh em rất thánh thiện, như cha Châu hay thầy Vang, anh của Đức Cha. Ông này chết khi mới thầy Tư, rất thánh thiện. Cha Placide cùng lớp với tôi cũng rất kỷ luật và thánh thiện, khi nào cũng được điểm tối đa về đạo đức và hạnh kiểm.
- Lúc nãy cha nói về tình bạn giữa anh em linh mục. Còn với những anh em đã thôi tu?
- Sự liên kết giữa những anh em đã làm linh mục và các cựu chủng sinh sẽ rất có lợi cho sinh hoạt Hội Thánh. Về điểm này, chủng viện Kontum rất tốt. Ban giáo sư Kontum đối xử với chủng sinh thân mật hơn ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Những anh em ra rồi, các cha vẫn theo dõi bằng thư từ để nâng đỡ, hướng dẫn. Ở Làng Sông không có như vậy, cho nên những người vì hoàn cảnh không tiếp tục được, dễ có mặc cảm bị đuổi. Phải làm sao để, khi hồi tục, anh em sẽ quan niệm rằng thời gian ở chủng viện là để chuẩn bị cho cuộc sống tông đồ giữa đời. Nên tổ chức liên kết anh em cựu chủng sinh theo từng lớp, vì họ có sẵn tình thân mật rồi.
- Trở lại sự thánh thiện. Xin cha cho biết kinh nghiệm bản thân cha?
- Khi còn ở Tiểu Chủng Viện, đời sống thiêng liêng của tôi cũng còn có vẻ chơi giỡn, nhưng sau khi đi giúp về, mỗi lần tĩnh tâm chịu chức nhỏ thật sốt sắng.
- Về việc tĩnh tâm?
- Tĩnh tâm thì chỉ nên quyết định một điều căn bản rồi các cái khác sẽ theo sau. Cứ tấn công vào một nết xấu, ghi chú từng ngày, sẽ rất tiến bộ. Cha nhớ chuyện ông hiền triết với hũ đậu đen và đậu trắng chớ? Câu chuyện ấy rất ích lợi cho tôi. Khi giảng tĩnh tâm chuẩn bị chịu chức, đừng nhắm tới hướng mục vụ hay kết quả của đời linh mục nhưng cần nhắm tới những đức tính tốt cho một linh mục. Nhất là phải thánh thiện. Ra làm việc, những điều đã học chẳng áp dụng mấy nhưng sự thánh thiện thì cần liên lỉ.
- Trước đó, không ai hướng dẫn cha về điều đó sao?
- Phải nói thật, trước đây chúng tôi không có được những bề trên thật cởi mở để chia sẻ kinh nghiệm. Hầu như là bị thả nổi, rồi mình liều mà bước tới.
- Khi chịu chức linh mục, cha có quyết định gì ?
- Tôi quyết tâm không kén chọn nhiệm sở, sẵn sàng đến bất cứ nơi nào. Tôi cũng chẳng theo đuổi một ý nghĩ cao xa trổi vượt nào, chỉ có một ý nghĩ thường thôi: Mình ít khả năng, được ngần nào thì phục vụ Chúa ngần ấy. Tôi cũng muốn mọi sự đều giản dị, đừng có gì sang trọng. Tôi cũng quyết tâm vâng phục, sự vâng phục giúp mình dễ giữ đức khiết tịnh.
- Xin cha nói thêm kinh nghiệm về đức khiết tịnh?
- Để giữ đức khiết tịnh, phải có việc làm luôn, và phải có những giải trí lành mạnh, phải ham đọc sách. Làm việc. Mình đã muốn làm việc thì chẳng khi nào có thể ở không.
- Nhưng nếu bị tấn công?
- Người ta bảo tôi có số đào hoa. Hồi còn làm thầy, có lúc tôi bị bốn, năm người săn đuổi. Có người rất lì lợm. Ngay giữa thời gian chiến tranh, tương lai mịt mờ, viễn tượng thụ phong linh mục quá xa vời. Thế nhưng Chúa đã ban cho tôi một ý chí mạnh để vượt qua. Thêm vào đó, nhờ nỗi khổ bị mất mẹ, và một phẫn cũng do hoàn cảnh xã hội quá khắc nghiệt khiến mình không tha thiết gì với hạnh phúc gia đình.
- Tâm tình của cha khi dâng lễ?
- Được dâng lễ, đó là điều khao khát nhất của tôi. Khi còn làm thầy, tôi đã thưa với Chúa: Xin cho con dâng lễ một lần rồi chết cũng được. Khi cha tôi chết, tôi đi xin lễ, có những linh mục thoái thác có vẻ không muốn làm, cho nên tôi ước ao được dâng lễ để cầu nguyện cho cha tôi.
- Trong đời linh mục, điều gì thường làm cha nản lòng?
- Tôi loàng xoàng nên không có gì để nản lòng.
- Trong việc mục vụ, cái gì khổ nhất?
- Dọn bài giảng! Tôi cứ muốn viết ra giấy trước mà không được. Không đủ kiên nhẫn! Mỗi năm chỉ viết được đôi lần. Cha Nguyễn Du là một trong số ít người luôn viết sẵn bài giảng. Ngài siêng viết bài giảng nên giảng hay.
- Cha có điều gì phải ân hận không?
- Về đây, tôi vẫn có một điều ân hận day dứt là ít đi thăm giáo dân. Có kẻ liệt là tôi đi ngay nhưng ngoài ra không đi thăm thường xuyên. Cũng vì thời cuộc, đi thăm sợ bị xuyên tạc, hiểu lầm, khiến mình dè dặt mãi thành thói quen. Tôi biết, siêng năng thăm giáo dân thì rất ích lợi nhưng mình chưa nhiệt tình đủ.
Cha chia sẻ điều này với tôi năm 1994. Giáo dân Tuy Hoà nói với tôi rằng, dù ít đi thăm, cha nắm rất vững tình hình các gia đình. Về sau, để buộc mình phải đi thăm hết các gia đình một lượt, cha đưa ra chương trình đến chụp hình từng gia đình. Cuối năm 2001, tất cả các gia đình đều đã được chụp hình, trưng bày ở phòng khách nhà xứ. Giáo dân cũng ghi nhận rằng lúc nào cha cũng sẵn sàng giải tội, và khi giải tội, cha khuyên bảo rất tận tình.
- Cha còn hút thuốc không?
- Tôi bỏ từ năm 1986.
- Cái nhìn hiện nay của cha về việc tông đồ?
- Tôi ước mong làm tông đồ cho giới trí thức, giúp họ đi theo hướng Tin Mừng, nhất là đào tạo cho họ có sự thánh thiện. Thiếu sự thánh thiện thì có trí thức mấy cũng chẳng làm gì. Cái nết đánh chết cái đẹp.
Theo cha, muốn thực sự hội nhập văn hoá, phải đem Tin Mừng cho giới trí thức.
- Hồi xưa, người ta truyền giáo cho các trưởng tộc, cho những người có thế lực. Ngày nay, phải truyền giáo cho giới trí thức, cho văn nghệ sĩ.

VII. SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG

Quyển Sứ Điệp Tình Thương khởi viết từ năm 1977. Ngay từ cuối năm 1975, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, giám mục Qui Nhơn, đã đề nghị cha Xuân Văn viết một bản cuộc đời Chúa Cứu Thế bằng văn vần cho trẻ em học. Cha chưa cầm bút thì một chuyến tham quan trong năm 1976 đã khiến cha xin Đức Cha cho thực hiện theo một hướng khác:
- Thưa Đức Cha, để cho trẻ em dùng thì đã có bản song thất lục bát của Đức Cha Bắc Ninh. Nay xin để con viết cho người lớn.
Cảm hứng đã đến khi cha theo đoàn tham quan của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đi thăm nhà bảo tàng Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Cô hướng dẫn viên đã thuyết minh với một giọng đầy truyền cảm khiến cho có người ứa lệ. Chứng kiến cảnh ấy, cha thầm nguyện:
- Phải rồi, Chúa ơi, con cũng phải viết thế nào để người ta đọc mà khóc vì yêu mến Chúa.
Về sau, viết xong rồi, cha nhiều lần nói với tôi:
- Tiếc là mình còn thiếu lòng mến, cho nên chưa diễn tả được thật hay.… Cũng có những câu hay nhưng chưa diễn tả được sức mạnh của lời Chúa.
Tập thơ hoàn thành được cũng là nhờ hoàn cảnh. Sau kịch bản “Tử Thần” viết trong thời gian làm quản lý ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông, có thể nói là cha đã buông bút. Không phải vì cha lười nhưng vì bao nhiêu công việc dồn dập của một linh mục coi xứ cản trở. Mãi đến khi về Mằng Lăng mới thoát khỏi chuyện xây cất cơ sở, tổ chức hội đoàn và mới có được sự cô tịch tĩnh lặng. Và đó là lúc Đức Giám Mục bảo cha cầm bút lại.
- Không phải bản chất tôi lười nhưng có lẽ chứng đau gan khiến mình uể oải, nặng nề, ngại viết. Tuy nhiên, việc gì đã bắt đầu, tôi đều cố gắng làm xong, không bao giờ chịu bỏ dở. Với cái moindre effort, với chút cố gắng cần thiết thì việc gì rồi cũng xong. Tập này tôi đã bắt đầu thì cũng làm xong cho bằng được. Dù vậy, có những thời gian dường như là đêm tối, cả năm không viết được câu nào.
Đầu năm 2001, một số anh em quan tâm đến văn học nghệ thuật công giáo gặp nhau ở Sài Gòn. Để khai thông những khó khăn và bế tắc, cha Xuân Văn đã xướng xuất dự án “Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Anrê Phú Yên” và tình nguyện đảm đương việc thực hiện. Đức Giám Mục Qui Nhơn đã tán thành đề xuất của cha và có hướng đảm nhận sáng kiến ấy như một công cuộc của giáo phận. Thế nhưng rồi những điều kiện cụ thể đã không cho phép thực hiện dự án.
Cũng đầu năm 2001, đang lúc nằm điều trị ở Sài Gòn, cha bảo thầy Hoà kiếm cho cha quyển vở và cây bút. Cha muốn viết một trường thiên ca tụng Mẹ Maria theo các trang Kinh thánh. Tháng bảy, tôi về thăm, cha bảo tôi tìm cho cha quyển “Đoạn Trường Vô Thanh” của Phạm Thiên Thư để tham khảo phong cách lục bát của nhà thơ này. Lần cuối cùng tôi được trao đổi với ngài là đầu tháng 8-2001, khi ngài gọi điện cám ơn đã nhận được quyển sách. Qua đó, người cha và người thầy của tôi, ở tuổi 80, đang thiết tha mong muốn đổi mới và hoàn thiện lời thơ của mình. Cơn bệnh đã không cho phép cha hoàn thành dự tính. Cha chỉ mới nháp được hơn một ngàn câu, tới chỗ Đức Mẹ gặp được người con mười hai tuổi trong Đền Thờ.
Bây giờ thì bài thơ được tiếp nối, không phải ở trần gian nhưng trên thiên quốc.

Sài Gòn 18.01.2002
Linh mục
Trăng Thập Tự
Phêrô Võ Tá Khánh


[1] Trong bản này chỉ mới tham khảo được bản tiểu sử phát hành trong dịp lễ tang. Hy vọng sẽ có được nhiều chi tiết hơn từ những chia sẻ của các cha và các thành viên trong huyết tộc.
(Còn nữa...)