Kể chuyện đời tu: Hành trình ơn gọi của tôi- Tác giả: M.Hạnh Tử

Anne de Jesu

KỂ CHUYỆN ĐỜI TU: HÀNH TRÌNH ƠN GỌI CỦA TÔI


Người có ơn gọi tu trì có phải là người đạo đức hơn người khác, tin và yêu Chúa hơn người khác không? Không hẳn! Có thể có nhiều người có lòng đạo đức và yêu thích đời sống tu trì từ bé và nuôi dưỡng ước mơ ấy cho tới khi khôn lớn thì xin vào dòng tu và thỏa ước nguyện. Nhưng cũng có người từ bé tới lớn chẳng biết khái niệm gì về đời tu, hoặc chẳng đạo đức cho lắm nhưng vẫn được Chúa gọi sống đời tu. Tôi là một ví dụ. Khi thấy tôi đi tu mà lại tu dòng chiêm niệm, nhiều người hay hỏi tôi: "Tại sao thầy đu tu? Chắc thầy đạo đức thánh thiện lắm nên Chúa mới chọn nhỉ?...". Tôi thành thật trả lời: "Không hề! Từ nhỏ tới lớn tôi còn không biết tu là gì cơ mà!".

Tuy được sinh ra trong gia đình đạo gốc gia giáo, nhưng tôi không sốt sắng việc đạo cho lắm. Tôi thuộc tuýp người khá lý trí nên và hồi thiếu niên thậm chí còn nghĩ rằng không cần đi đạo nữa, bởi khoa học ngày nay có thể giải thích mọi chuyện rồi. Trong gia đình thì tôi là con út, cũng có thể gọi là con cầu con khẩn và được cưng chiều. Dĩ nhiên cha mẹ Công giáo nào cũng mong muốn con mình đi tu, cha mẹ tôi tuy cũng khao khát như vậy, nhưng không hề nghĩ thằng út đi tu, mà dồn hi vọng vào người anh trai. Chị gái thứ hai của tôi cũng là một nữ tu và thỉnh thoảng về thăm gia đình, chị có khuyến khích các em đi tu, nhưng cũng có vẻ "chừa thằng út ra".

Tôi là một cậu bé năng động và biết "tán gái" từ khá sớm, mới lớp 7 là đã biết "tia" và crush các hot girl trong xóm hay trong trường rồi. Cha mẹ cũng biết nên đã nhắc nhở tôi lo tập trung học hành và cấm chuyện yêu đương quá sớm. Nhưng thằng út này vẫn thích con gái . Mới học lớp 10, tôi đã có mối tình học trò và cũng đã biết hẹn hò, chở bạn gái đi học, cầm tay hứa hẹn này nọ... Nói chung không ai nghĩ thằng nhóc này có thể đi tu.

Vào năm học lớp 12, tôi có dịp gặp gỡ một vài tu sĩ, trong đó có một người bà con gần. Thầy ấy thỉnh thoảng ghé phòng trọ chơi và rủ rê tôi xuống nhà dòng chơi. Rồi thầy giáo dạy tiếng anh ở trường cũng đang dự tu. Vào giờ ra chơi thầy thường hay gọi tôi ra ghế đá ngồi nói chuyện đạo nghĩa và tu trì. Những cuộc gặp gỡ này gợi lên trong lòng tôi một chút tò mò về đời tu. Tuy nhiên thực sự khi ấy tôi chỉ nghĩ đi tu là làm linh mục thôi chứ không biết đến đời tu trong các tu viện. Bị thôi thúc vì sự tò mò, tôi cũng muốn đến nhà dòng của thầy bà con cho biết, nhưng vẫn chưa xác định có đi tu hay không. Thậm chí tôi còn chưa cầu xin cho có ơn gọi đi tu nữa.. Cũng năm lớp 12 ấy, khi tôi nói về ý tưởng đi tu cho bạn bè nghe, họ thường trả lời: "Đi tu cái đầu mày, mày mà đi tu được tao đi đầu xuống đất". Đó là những người bạn cả Công giáo lẫn không Công giáo. Mà cũng lạ, hình như vì bị họ coi thường quá nên tôi càng suy nghĩ về chuyện đi tu thì phải.

Vừa thi đại học xong, tôi xin phép bố mẹ xuống nhà dòng của thầy bà con nghỉ ngơi ít ngày sau thời gian ôn thi căng thẳng. Dĩ nhiên bố mẹ không phản đối chuyến đi nghỉ ngơi lành thánh như thế. Sự tĩnh lặng và thánh thiêng của tu viện khiến con người thực sự được thư giãn, khác hẳn với cảnh ồn ào ở Sài Thành hoa lệ. Thêm vào đó, sự hiếu khách và quan tâm của tu sĩ phụ trách đón tiếp khách khiến tôi cảm thấy rất gần gũi và yêu mến. Sau một tuần nghỉ ngơi ở đó thì ý hướng đi tu trở nên rõ ràng và mạnh mẽ trong lòng tôi.

Trở về gia đình sau kì nghỉ, tôi trình bày với bố mẹ ý hướng này, nhưng ông bà không hào hứng cho lắm và còn nghi ngờ. Mẹ thì chỉ hỏi với vẻ hoài nghi: "Có tu được không đó con?" Còn Bố thì nghiêm nghị nói: "Đi tu là một việc hệ trọng và nghiêm túc, không đùa giỡn được đâu nhé !" Các anh rể của tôi đều là người trong xóm và biết tôi từ nhỏ. Khi nghe biết ý định của tôi, họ phán chắc nịch: "Cậu mà đi tu được anh đi đầu xuống đất !".

Lại là cái câu nói đùa có vẻ khinh thường này. Sao người ta xem thường mình thế nhỉ . Nhưng mấy anh rể nói thế vì họ biết rõ cậu út đang "nghía" ai, đã thấy cậu út chở ai đi học, hái me, hái mận của nhà cho ai...

Bố mẹ lo lắng con đi tu không thành mà về thì mang tiếng này nọ nên cũng còn lưỡng lự. Tuy nhiên khi tôi nói rằng đi tìm hiểu cho biết đời tu chứ chưa phải tu chính thức, thì bố mẹ cũng chấp nhận. Tối hôm ấy sau giờ kinh gia đình, bố bảo tôi đứng trước bàn thờ Chúa và bàn thờ tổ tiên nói lên ước nguyện của mình một cách nghiêm túc.

Rồi không lâu sau đó, tôi khăn gói đến nhà dòng, dù thực sự vẫn chưa hiểu đi tu trong tu viện khác với chủng viện như thế nào. Vậy nên khi được thầy phụ trách nhà khách hỏi: "Tại sao em muốn đi tu?" Thì tôi trả lời nhanh gọn: "Con muốn làm linh mục, làm cha xứ." Thậm chí tôi còn có suy nghĩ dùng thời gian yên tĩnh ở nhà dòng để ôn thi cho kỳ thi chủng viện của giáo phận. Tuy nhiên ý định này bị thầy nhà khách từ chối. Thầy nói: "Em cần biết đi tu ở đây mục đích đầu tiên là tìm Chúa và học tin, cậy, mến Chúa, chứ không phải là nơi đào tạo linh mục coi xứ. Nếu em muốn làm linh mục coi xứ thì hãy về và đi thi chủng viện hoặc đi đến các dòng hoạt động." Thằng bé ngơ ngác hỏi lại: "Ủa là sao ạ, ở đây là tu mà không làm linh mục, rồi lại khác dòng hoạt động. Mà dòng hoạt động là sao ạ?"

Thầy kiên nhẫn giải thích về sự khác biệt giữa tu dòng và tu triều, giữa dòng chiêm niệm và dòng hoạt động... Sau cùng thầy nói: "Em hãy cầu nguyện và suy nghĩ cho kĩ đã nhé." Thằng bé mới bắt đầu lờ mờ hiểu ra là đi tu cũng không đơn giản và hóa ra các dòng tu cũng đa dạng như vậy. Nếp sống êm ả, bình an và thánh thiêng của tu viện thu hút quá nên tôi cũng chẳng còn nghĩ ngợi nhiều về việc lựa chọn ơn gọi. Khi ấy ý nghĩ duy nhất là cầu nguyện và tận hưởng thời gian hạnh phúc ở đó.

Thời gian tìm hiểu tuyệt vời ở đan viện, với những giờ thần vụ sốt sắng, bầu khí yên tĩnh và sự hướng dẫn thân thiện của cha giáo cũng như các thầy phụ trách nhà khách đã thôi thúc quyết tâm đi tu của tôi. Và tôi đã quyết định chọn ơn gọi chiêm niệm, mặc dù khi ấy vẫn chưa hiểu rõ về khác biệt của các ơn gọi, nhưng tôi không suy nghĩ nhiều nữa.

Sau thời gian tìm hiểu 2 tuần, cha giáo đề nghị tôi ra về để suy nghĩ thêm và chọn lựa dứt khoát. Cha nói: "Nếu con còn muốn đi theo ơn gọi này thì hẹn con ngày 28/08 đến nhập dòng nhé. Con nhớ mang theo các giấy tờ cần thiết. Xin Chúa chúc lành cho con!".

Ra về với tâm hồn tràn ngập niềm vui và bình an, cậu út quyết tâm đi tu thật chứ không thử nữa. Bố mẹ thấy con có ý hướng đi tu thì mừng lắm, nhưng vẫn còn lo lắng nên gia đình quyết định cho con ra đi trong âm thầm chứ không khoe khoang gì, kẻo không may mới khoe được ba bữa là con tôi đi tu mà nó lại về thì không biết giấu mặt đi đâu . Thế là cậu út ra đi trong âm thầm không mấy người hay biết.

Ngày 28/08 năm ấy, đúng như lịch hẹn của cha giáo, cậu út được cha xứ đích thân chở xuống nhà dòng gửi gắm, và cũng từ hôm nấy cha xứ trở thành nghĩa phụ. Cha rất tận tình hướng dẫn và giúp đỡ vì đây là hạt mầm ơn gọi tu trì đầu tiên của giáo xứ từ khi thành lập. Cha dùng chiếc xe jeep cà tàng chở hai cha con và một chú giúp việc. Chiếc xe trông thì mạnh mẽ, nhưng thực sự rất cùi bắp, mỗi lần đề máy không nổ là ba người trên xe phải nhảy xuống đẩy xe lấy trớn nó mưới chịu nổ.

Ngày nhập dòng cũng phấn khởi không khác gì ngày tựu trường, vì hôm đó có rất nhiều ứng sinh đến dự tu. Tổng số của lớp hơn 40 người và không khí rất vui tươi. Tuy nhiên khi vừa vào nhà dòng là đã được thử thách. Sau khi cha giáo đón nhận và dẫn vào nhà trong, các chú dự tu được yêu cầu thay đồ lao động và lên xe máy cày chở ra ngoài đồng lúa, bởi hôm đó là ngày gặt. Điều này thực sự bất ngờ với nhiều chú ứng sinh nên họ khá bị sốc. Chẳng hạn một chú người sài gòn đã than thở: "Tưởng đi tu là học hành đọc kinh, chứ ai ngờ đi làm cực vầy à!" Và chiều hôm đó, một số chú đã đánh bài chuồn.

Có vẻ không chỉ mình tôi mà rất nhiều người chưa hiểu rõ về các ơn gọi, nên vừa đến dự tu không lâu thì đều cảm thấy "vỡ mộng" với nếp sống có vẻ vất vả và không có gì đặc biệt của dòng chiêm niệm. Cũng có một số người sau thời gian tìm hiểu cảm thấy không phù hợp nên xin rút lui. Từ tổng số trên 40 người ban đầu, đến nay lớp chỉ còn lại 14 người.
Riêng với bản thân tôi thì ơn gọi chiêm niệm khá là thú vị và tôi quyết định chọn ơn gọi này. Thế nên khi bố xuống thăm và hỏi xem có tu được không hay là về đi học đại học, tôi đã dứt khoát ở lại tu. Đó là một quyết định rất dứt khoát và tới bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao lúc đó mình quyết tâm như vậy, dù một số người quen biết đều nói tôi hợp ơn gọi hoạt động hơn, bởi tính cách năng động và nhanh nhẹn, thêm cái miệng tía lia có vẻ không hợp với luật thinh lặng của dòng chiêm niệm.

Trước khi đi tu tôi cũng đi học xa nhà, một vài tuần hoặc khi nào hết tiền mới chạy về nhà. Khi mới đi xa thì mẹ nhớ thằng út nên buồn buồn, riết rồi quen nên mỗi lần nó về là biết nó hết tiền chứ chẳng phải thương yêu gì cha mẹ.

Ấy vậy mà từ khi thằng út đi tu, mẹ nhớ nó khủng khiếp. Mỗi lần nhận được thư nó là mẹ lại khóc. Nó còn "cà chớn" viết thư mùi mẫn về làm mẹ nhớ nó. Và lâu lâu nó có dịp về là mẹ mừng như bắt được vàng vậy. Nó chưa đi tu thì mẹ lo một, nó đi rồi mẹ vừa mừng và lại lo mười. Mẹ sợ nó chịu khổ không được, vì nghe nói dòng chiêm niệm khó tu lắm.

Mới đi tu được gần 1 năm thì giấy tờ cá nhân của tôi bị thất lạc và cần phải về địa phương làm lại. Thời bấy giờ phương tiện liên lạc chưa tiện lợi như bây giờ nên tôi không báo trước cho gia đình mà về trong âm thầm. Về tới cổng nhà thì thấy mẹ đang phơi cà phê trên sân.

Ngước mắt lên nhìn thấy cậu út đang xách ba-lô đi vào nhà, mẹ hỏi: "Ủa, làm chi mà về vậy con?"

Tôi nghịch ngợm trả lời: "Con không tu nữa nên về!"

Tôi không có ý định trêu mẹ, nhưng không hiểu sao lúc đó lại nghịch ngợm trả lời vậy. Và quả thực mẹ bị sốc, mẹ ngồi yên trên sân với vẻ mặt tần ngần và đôi mắt chực muốn khóc. Mẹ không hớn hở khi thấy con về, mà lòng buồn rười rượi. tôi bình tĩnh đi vào nhà cất ba-lô rồi đi ra thì thấy mẹ đi lên hiên nhà ngồi thẫn thờ không buồn hỏi han tôi thêm một câu.

Ngay lúc ấy bố đi làm về và hỏi: "Ủa, con về làm gì vậy? Sao không gọi điện báo trước cho bố mẹ?"

Với bố thì tôi không dám đùa nên phải nói thật: "Con bị mất giấy tờ nên bề trên kêu về làm lại!"

Nghe con nói thế, mẹ tôi như bừng tỉnh và la lên: "Thằng này dám lừa mẹ, làm mẹ hết hồn. Ông biết nó nói sao không, nó nói không tu nữa nên về. Nó làm tôi khóc nãy giờ."

Mẹ vừa nói vừa lau nước mắt, vừa cười vừa mếu nhìn rất thương. Nhìn mẹ vậy tôi vừa mắc cười nhưng cũng hối hận vì đã làm mẹ lo lắng. Sau khi được "giải thoát" khỏi nỗi lo ấy, mẹ lại vồn vã hỏi thằng út muốn ăn gì để mẹ nấu cho. Đối với con thì mẹ nấu gì cũng ngon, vì đã quen khẩu vị nêm nếm của mẹ từ bé. Còn trong nhà dòng mỗi tuần một phiên nấu bếp nên bữa ngon bữa không. Lâu ngày thằng út mới có dịp về nên mẹ cũng muốn làm bữa cơm đặc biệt cho con. Tuy nhiên lúc đó út chỉ xin mẹ nấu cơm bình thường và thêm chút rau sống là được. Mẹ chạy vội lên chợ nhưng chỉ mua được mấy trái cà chua vì chợ quê đã tan rồi.

Bữa cơm gia đình hôm ấy là lúc bố mẹ ngồi nghe cậu út "nổ" về cuộc sống trong dòng. Nó biết bố mẹ lo lắng nên cứ "thêm chút muối" cho thêm phần lâm li. Bố mẹ mừng vì thằng út lâu ngày mới về, nên cứ ngồi nhìn nó ăn, nghe nó kể chuyện cũng no rồi. Đặc biệt khi thấy thằng út cắt cà chua rồi chấm muối ăn với cơm, mẹ đã bật khóc vì nghĩ rằng ở trong nhà dòng phải ăn kham khổ như thế. Nhưng không phải, đó là món khoái khẩu của út đấy. Thấy mẹ chảy nước mắt, út giải thích cho mẹ là nó thích món đó chứ không phải nhà dòng ăn khổ. Nhưng có vẻ mẹ không tin và nghĩ rằng nó nói thế là để an ủi mẹ thôi.

Sau khi công việc xong xuôi, cậu út chia tay bố mẹ để quay lại nhà dòng. Từ khi đi tu, út làm được một điều mà trước kia nó không dám, đó là ôm hôn cha mẹ. Cảm giác lần đầu hơi ngại ngùng vì người Việt không có thói quen này. Nhưng đi tu khác với đi làm hay đi học, bởi không phải muốn về thăm là được về, nên cha mẹ thương nhớ hơn và con cái cũng vậy. Út đã can đảm ôm hôn cha mẹ và hành động này thực sự làm hai vị cảm động. Mẹ thành thật chia sẻ: "Trước kia con đi học xa thỉnh thoảng mới về nhưng mẹ không nhớ, còn bây giờ con đi tu sao mà mẹ nhớ con khủng khiếp!"

Lời chia sẻ ấy cho thấy tình yêu và sự hi sinh của những người mẹ dâng con cho Chúa. Tuy họ cảm thấy vinh dự và tự hào, nhưng trong thâm sâu cõi lòng vẫn có sự xót xa vì phải "nhường" cho Chúa đứa con yêu dấu. Ôi tình mẹ thật tuyệt vời, và tình Chúa còn lớn hơn.

Út từ giã bố mẹ và hân hoan, mạnh mẽ tiếp tục cuộc đời tu trì.

Sau thời gian tìm hiểu và tu tập, tôi được bề trên và nhà dòng đồng ý cho tuyên khấn để chính thức trở thành tu sĩ. Đây là điều tôi mong chờ bấy lâu nên cảm thấy rất vui. Gia đình nghe tin cũng phấn khởi không kém. Suốt thời gian tu tập này, tôi cũng đã suy nghĩ về chọn lựa của mình và sau đó đã viết một bài cảm nhận (sẽ chia sẻ với mọi người sau) nói lên suy nghĩ của mình về việc đi tu cũng như hi vọng của mình trong đời tu.

Ngày lễ khấn cũng là dịp gia đình hội ngộ đông đủ. Tôi hãnh diện trong bộ áo dòng đến gặp các anh rể và khịa: "Sao các anh rể, đi đầu xuống đất cho em xem!".

Các anh rể cười và trả lời: "Cậu út nhớ dai thế à. Rồi anh thua, cậu út giỏi thật, không ngờ luôn ấy!"

Những đứa bạn không đi dự lễ được cũng gọi điện chúc mừng và cũng lại bị tôi khịa: "Sao, đi đầu xuống đất đi chứ!". Chúng cứ cười khà khà cho qua chuyện, nhưng tôi cảm thấy được sự nể phục của bạn bè và mọi người. Điều này cũng khiến tôi có chút tự hào nở lỗ mũi.

Lễ khấn và những ngày tháng vinh quang ban đầu ấy rồi cũng lui vào dĩ vãng. Nhưng dư âm của nó, cùng lời cầu nguyện và sự khích lệ từ gia đình, cùng những người thân quen tiếp tục là nguồn động viên và ký ức đẹp để tôi tiếp tục sống đời tu với những niềm vui và cả với những khó khăn thử thách. Tôi tạ ơn Chúa vì ơn gọi Ngài đã thương ban, về tất cả những ân huệ Ngài đã, đang và sẽ tiếp tục ban cho tôi. Và tôi cũng cầu xin cho mình biết lợi dụng ân huệ ấy để mỗi ngày thêm gắn bó với Chúa hơn. Và như thế, tôi thấy ơn gọi tu trì của mình thật ý nghĩa, thật đáng trân trọng.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương." (Tv 136,1)

M.Hạnh Tử