Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức như bằng chứng từ trời cao cho ơn vô ngộ của Giáo Hoàng- Tác giả: M.Hạnh Tử

Anne de Jesu

ĐỨC MẸ HIỆN RA Ở LỘ ĐỨC NHƯ BẰNG CHỨNG TỪ TRỜI CAO CHO ƠN VÔ NGỘ CỦA GIÁO HOÀNG



Năm 1854, Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX tuyên bố tín điều Đức Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội. Đây là tín điều thứ 3 về Đức Mẹ sau sau hơn 10 thế kỷ, và đặc biệt nhất đó là, tín điều này được Giáo Hoàng tuyên tín một mình, chứ không cùng với Công Đồng như các tín điều trước. Trong khi đó, Giáo Hoàng Pi-ô IX không phải là một nhà thần học gia xuất chúng trong Giáo Hội thời bấy giờ. Kèm theo đó, nhiều vị thánh trong lịch sử cũng chưa hoàn toàn ủng hộ tín điều này.

Nhiều vị thánh giáo phụ ở các thế kỷ đầu như thánh Augustino, thánh Ephrem; hay trường phái thần học Dòng Phanxico thời trung cổ rất xác tín giảng dạy và tuyên xưng Đức Maria được ơn vô nhiễm. Nhưng ngược lại cũng có một số vị thánh chưa đồng ý, hoặc còn trình bày cách thận trọng, chẳng hạn thánh Thánh Bênađô và thánh Thomas Aquino.

Điều khiến một số vị thánh và một số học giả e dè cẩn trọng, không phải vì họ không tôn sùng Đức Maria, cho bằng vì họ chưa giải thích được giá trị của ơn cứu độ của Chúa Giêsu nơi Đức Mẹ. Họ sợ rằng, nếu tuyên bố Đức Maria vô nhiễm, thì hóa ra Mẹ không cần tới ơn cứu độ của Chúa, và như vậy đồng nghĩa ơn cứu độ ấy không cần thiết cho tất cả mọi thụ tạo, và Đức Maria bị tách ra khỏi các thụ tạo khác, thành một nhân vật vượt trổi tới mức không cần được cứu độ.

Như thế, sở dĩ Giáo Hội do dự và chưa chính thức xác nhận giáo lý này là vì chưa gỡ được nút thắt nơi vấn đề ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đối với Đức Maria. Chính vì những điểm này mà tín điều Đức Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đã không được dư luận chào đón nồng hậu, trái lại còn gây ra tranh luận. Những lý luận chỉ trích nhắm vào cá nhân Giáo Hoàng Pi-ô IX, cho rằng ngài liều lĩnh và thiếu cẩn trọng khi không triệu tập Công Đồng để tuyên tín, mà thực hiện một mình. Đây cũng là điều chưa từng có trong lịch sử.

Cũng vào thời ấy, người ta đang đặt vấn đề về quyền bính và ơn vô ngộ của Giáo Hoàng. Giáo Hội muốn tuyên bố tín điều này, nhằm chống lại các lạc thuyết đang trỗi dậy từ thời Khai Minh (thế kỷ 18) với chủ trương phủ nhận tính chính xác của mọi giáo lý và luân lý mà Giáo Hội giảng dạy. Khi vấn đề ấy chưa ngả ngũ, thì Đức Pi-ô IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, càng khiến vấn đề thêm phức tạp, vì như đã nói, tín điều này vốn đang được tranh luận. Những kẻ chỉ trích nhắm vào cá nhân vị giáo hoàng, về trình độ học thức của ngài không so được với nhiều vị thánh và nhiều nhà tri thức thời đó, vậy mà lại dám tuyên bố một tín điều không thông qua công đồng. Vì lẽ đó, người ta đặt nghi vấn ngay cả tính khả tín của tín điều này.

Ngày 2/11/1858, Đức Maria hiện ra ở Lộ Đức (Lourdes - Pháp) với một thiếu nữ nhà quê thất học là Bernadetta. Và khi thiếu nữ hỏi danh tánh: "Bà là ai?" Thì Đức Maria đã trả lời: "Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
Cần lưu ý là tín điều Đức Maria vô nhiễm được tuyên tín trước đó 4 năm (1854) nhưng không gây được tiếng vang, và vì vấn đề truyền thông thời báy giờ còn hạn chế, nên nhiều nơi vẫn chưa biết đến tín điề này, chẳng hạn ở Lộ Đức. Chị Bernadetta đã không hiểu danh xưng này, nên đã kể lại với cha xứ. Điều này khiến cho các vị hữu trách trong Giáo Hội vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng và đó là lý do khiến cho lời chứng của chị Bernadetta đáng tin cậy.

Sau khi được điều tra cẩn thận, Giáo Hội công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, và đồng thời cuộc hiện ra ấy như một lời khẳng định từ trời cao về ơn vô ngộ của Giáo Hoàng. Đây là một chứng lý quan trọng để Giáo Hội tuyên bố tín điều Ơn Vô Ngộ của Giáo Hoàng, vào năm 1870.

M. Hạnh Tử