Góp thêm suy nghĩ về Giải Văn học Công giáo Việt Nam-Tác giả: Lm. Trăng Thập Tự

VTCG
Ngày 15-3-2022, trên Văn Thơ Công Giáo, BBT có một bài viết được chú ý nhiều "Từ giải Văn học Công giáo Pháp nghĩ về Giải Văn học Công giáo Việt Nam".

Với bài viết sống động đầy gợi hứng, người viết nêu câu hỏi: "Đến bao giờ mới có một Hội Văn thơ Công giáo Việt Nam chính thức ra đời? Bao giờ mới có một giải thưởng thường niên, uy tín trao cho một tác giả-tác phẩm xuất sắc?"

Lm. Trăng Thập Tự- tác giả bài viết, đứng bên Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, bút danh Song Nguyễn

1. Thêm một số thông tin


Đi tìm câu trả lời, người viết có nhắc lại "chuyện thành lập các CLB Đồng Xanh Thơ chục năm trước". Tôi cũng đồng ý không cần thành lập các CLB Văn thơ Công giáo ở khắp các giáo phận. Tuy nhiên đang khi đúc kết bản thảo bộ sưu tập "Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo (1632-2032)", tôi may mắn biết tới 16 bài viết về sinh hoạt văn chương văn học tại các giáo phận và cả đến các giáo xứ. Tại phần III của bộ sách, tựa đề "Đón chào năm 2033, kính mừng ơn cứu rỗi", ở mục đầu bạn sẽ lần lượt đọc thấy các bài:
▪ Xuân Lộc: 10 năm giải văn hóa nghệ thuật Đất Mới (Bùi Công Thuấn).
▪ Kon Tum: Đôi nét văn hóa văn học Công giáo Tây Nguyên (Lê Minh Sơn).
▪ Hà Tĩnh: Điểm khởi đầu phong trào thơ văn giáo xứ Hòa Thắng (Maria Trần Thị Thùy).
▪ Hải Phòng: CLB Thơ Tâm Nguyện Hải Phòng (Nguyễn Bá Ninh).
▪ Phan Thiết: Người thơ Phan Thiết (Lê Hồng Bảo).
▪ Hưng Hóa: Những hạt giống vùi dưới lòng đất (Nguyễn Ngọc Bích).
▪ Vinh: Hồn thơ đạo dọc núi Hồng sông Lam (Trần Thị Vân).
▪ Bùi Chu: Ra khơi rồi lại ra khơi (Lm. Nguyễn Văn Lãm).
▪ Ban Mê Thuột: Giải văn thơ 50 năm Gp. Ban Mê Thuột (Vũ Đình Bình).
▪ Hà Nội: Người đọc sách thánh – Tập truyện các tác giả Công giáo (Nguyễn Thị Thắm).
▪ Phát Diệm: Thơ giáo phận Phát Diệm (Bùi Công Thuấn).
▪ Nha Trang: Làm lợi từ nén bạc Chúa trao (Phạm Minh Châu).
▪ Sài Gòn: CLB Đồng Xanh Thơ Sài Gòn (An Thiện Minh).
▪ Sài Gòn: Tha thiết với kho tàng Hán Nôm Công giáo (Liên Giang).
▪ Phát Diệm: Trang Văn thơ Công giáo (Bùi Công Thuấn).
▪ Qui Nhơn: Mục Đồng trên nội cỏ Qui Nhơn (Nguyễn Văn Học). -

Với những chia sẻ đáng khích lệ từ các giáo phận, thiết nghĩ ta không câu nệ vào việc tổ chức CLB nhưng có rất nhiều hình thức khác nhau để liên kết và xây dựng sinh hoạt văn chương văn học của các tác giả trẻ từng khu vực. Đó là một nét khả thi đầy hứa hẹn.

2. Học kinh nghiệm của bạn


Trước khi bàn xa hơn, ta hãy nhìn lại tiến trình giới văn học Công giáo Pháp đã vượt qua.

Một hiệp hội (1886) khởi đi với sự có mặt từ khắp nơi, không hẳn là đủ mặt các giáo phận nhưng vẫn là từ khắp nơi của nước Pháp.

Đa số là giáo dân, một số là giáo sĩ, nhưng đặc biệt, nói chung họ là những người cầm bút chuyên nghiệp, những nhà văn.

Từ mốc điểm ấy đến lúc đủ khả năng tự tổ chức giải thưởng (1945) là 60 năm dài. Bao nhiêu kiên nhẫn.


3. Để chạy nhanh gấp 5 lần


Tại Việt Nam, làm sao để giới Công giáo có những người cầm bút chuyên nghiệp, từ khắp nơi trước khi kết thành một hiệp hội có khả năng tự lập, tự tổ chức giải thưởng?

Trong Tọa đàm trực tuyến về Dòng văn học Công giáo Việt Nam đương đại giữa tháng 9/2021, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam ghi nhận một giải văn học cho giới Công giáo cả nước là điều cần thiết. Tuy nhiên Ngài nói: "Chắc chắn ngay hôm nay chúng ta chưa thể đưa ra một quyết định chính thức, vì cần phải có một sự đồng thuận cao từ chính chúng ta, của nhiều phía, để Ủy ban Văn hóa sẽ có đề nghị chính thức tới các Bản quyền Giáo phận, và Ban Văn hóa của các Giáo phận liên quan để mong sẽ có được một quyết định chính thức vấn đề này."

Từ cú bật đèn xanh ấy tính tới tháng 9/2032, kỷ niệm 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam, chúng ta có 11 năm.

11 năm này so với 60 năm xưa bên Pháp, tạm cho là 1/5.

Làm sao để đạt đích nhanh hơn họ gấp năm lần?

Theo vị Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, trước hết "cần phải có một sự đồng thuận cao từ chính chúng ta". Bao giờ có giải Văn thơ Công giáo Toàn quốc, ta chưa biết, nhưng từ hôm nay tới kỷ niệm 400 năm sinh nhật An Rê Phú Yên (2025) – chỉ trong 2 năm - ta cần đạt được 20/27 giáo phận có sinh hoạt liên kết các tác giả - hình thức này hay hình thức khác.

Rồi từ kỷ niệm 400 năm An Rê Phú Yên, ta tìm cách liên kết làm việc chung.

Khi có giải thưởng của HĐGMVN, ta sẽ dựa vào đó để xây dựng đội ngũ cầm bút chuyên nghiệp.

Có thế, tới dịp kỷ niệm 400 năm, giới tác giả Công giáo Việt Nam sẽ đủ sức tự cáng đáng một Giải Văn chương Công giáo chung cả nước.

4. Cần bắt đầu từ chính bạn, từ giáo xứ và giáo phận của bạn


▪ Ngày nay bạn đang có cái thế mạnh của mạng xã hội để cùng xây dựng một ý thức chung,
▪ Hãy chia sẻ những ưu tư, thao thức của mình.
▪ Quanh bạn đang có sự tham gia từ đầu của nhiều chủng sinh và tu sĩ nam nữ,
▪ Đang có những giải thưởng cấp giáo phận và giáo xứ.
▪ Chính mình bạn, hãy hưởng ứng các cuộc thi trong đạo và ngoài đời.
▪ Hãy đọc những bài mình thích trong bộ sưu tập Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam và cùng nhau chia sẻ.
▪ Tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ.
▪ Mạnh dạn tham gia chương trình tiếp sức in sách lần đầu.
▪ Theo đuổi những học trình chính quy của các Đại học trong và ngoài nước.
▪ Hãy suy tư, cầu nguyện để xây dựng một niềm riêng với Chúa, dù bạn có hay không niềm cảm hứng muốn trở thành một người cầm bút chuyên nghiệp.
▪ Rồi trao đổi với những người gần nhất, ngay bên cạnh bạn,
▪ Tạo chất men cho một phong trào tông đồ sách báo tại khu vực,
▪ Tiếp đó, bạn hãy thưa chuyện với cha xứ của bạn, trình với Đức giám mục của bạn.

▪▪▪

Hướng tới chương trình hành động như gợi ý trên đây, mời quý bạn đọc và các tác giả khắp nơi cùng suy tư, viết lên suy tư để cùng trao đổi

Lm. Trăng Thập Tự