"Là khói hay là mây"-lang thang trong hoài niệm cùng nhà thơ Mạc Tường- Tác giả: Lệ Hằng

Lan Mary

 

“LÀ KHÓI HAY LÀ MÂY” – LANG THANG TRONG HOÀI NIỆM CÙNG NHÀ THƠ MẠC TƯỜNG

Là Khói Hay Là Mây có lẽ là tập thơ tôi đọc nhanh nhất trong tất cả các tập thơ đang xếp chồng trên giá sách. Tôi đọc chóng vánh đến nỗi bản thân cũng thấy bất ngờ. Và sự đọc nhanh này của tôi không phải do độ dày mỏng của tập thơ, không phải do số bài số chữ, cũng không phải do sự hay - dở hay yêu - ghét thường tình gây ra, mà tôi đọc nhanh vì sự mượt mà, nhịp nhàng, gợi cảm của câu chữ nhà thơ đã chọn dùng. Thứ nữa, đó là nhà thơ không kéo bạn đọc vào những hình ảnh lạ lẫm khó hiểu đến xoáy não như nhiều bài thơ hiện nay và cũng không nặng nề triết lý mà bộc bạch tâm tình theo cách gần gũi, dung dị, ngọt ngào.

Khi đóng lại Là Khói Hay Là Mây của nhà thơ Mạc Tường, điều còn vương vấn trong tôi chính là tình cảm, tôi cảm nhận rõ ràng rằng nhà thơ Mạc Tường đã viết tập thơ này bằng tình cảm chân phương của mình, rất thâm trầm và đầy vương vấn. Có lẽ tình cảm, cảm xúc là mẫu số chung của rất nhiều nhà thơ khi họ thao thức ngâm nga những câu thơ của mình, nhưng cách thể hiện tình cảm của mỗi người mỗi khác. Ở nhà thơ Mạc Tường, dường như tất cả yêu thương, giận hờn, đổ vỡ, chia cách… đều được gom về một nơi duy nhất, nơi mà ông lang thang suốt năm tháng dài, dẫu miệt mài vẫn không đi hết: Hoài Niệm. Và Mạc Tường trong miền hoài niệm ấy vẫn về lại những buổi hẹn chưa thành, vẫn quay quắt những câu hỏi dở dang, vẫn luyến nhớ thứ tình cảm lãng đãng như là mây là khói.

“Biên kia đồi, nắng có trong?
Bên kia cười khóc còn không nụ tình?
Nửa đêm thơm ngát hương quỳnh
Bỗng dưng thức giấc biết mình vừa mơ
Trước sau ta vẫn dại khờ
Khói bay trắng núi cứ ngờ ngờ mây.”

(Khói Mây – Mạc Tường)

Rõ ràng có tình nhưng tình ấy là tình gì? Chủ nhân của nó chắc chưa đủ tự tin để cho nó một cái tên cụ thể. Tình không rõ ràng tình càng vấn vương, có lẽ vì vậy mà hoài niệm cứ đầy theo năm tháng. Ở nhà thơ Mạc Tường có sự rụt rè rất đáng yêu trong cách bày tỏ tình cảm, và bên cạnh đó tôi còn cảm nhận được những mặc cảm thân phận, những lo lắng xa xôi khiến tình không dám nhận, lời không dám ngỏ, người không dám níu kéo nên day dứt suốt đời thương với nhớ để phải trốn vào kỉ niệm tìm quên. Khi không nói thẳng được lòng mình thì mây trời, sương khói hay một tiếng dế bâng quơ cũng thành thơ. Những câu thơ hoài niệm thật gần trong kí ức tôi vì cái “rụt rè đáng yêu”, cái “mặc cảm”, cái “vụng dại” ấy tôi đã gặp rất nhiều trong những bài thơ tôi đã đọc trước đây dù mỗi người một cách nói khác nhau. Có lẽ đây là nỗi niềm chung của một thế hệ lớn lên trong thiếu thốn, nhọc nhằn nhưng liền sau đó chứng kiến sự đổi thay chóng vánh của xã hội khi bước vào thời kì vật chất lên ngôi. Nhiều nhà thơ với trái tim mẫn cảm dạt dào đã không dễ dàng thích nghi mà bị đánh bật khỏi dòng chảy xô bồ của xã hội, nơi để họ quay về nương náu duy nhất chính là chút kỉ niệm cũ càng mà kể mãi cả đời không hết được ấy.

“Có một khoảng trời rất thu vàng cánh hạc
Chút gió heo may lành lạnh tiếng dương cầm
Chú dế mèn mơ vũ trụ hòa âm
Mấy chục năm sau còn lơ ngơ thơ thẩn
Có một khoảng trời tầm xuân xanh biêng biếc
Một thoáng ngập ngừng con sáo vội sang sông
Chú dế mèn khờ khạo vẫn ngóng trông
Mấy chục năm sau vần thơ gieo nhung nhớ. “

(Có Một Khoảng Trời – Mạc Tường)

Nhà thơ có bao tuổi vẫn như mình khờ khạo của ngày ấy và vẫn sống trong khoảnh khắc họ đã để mất nhau.

“Chợt ngang qua tình tôi
Gót chân mềm khẽ chạm
Vết hằn sâu tâm khảm
Đêm chập chùng xa xôi.
Chợt ngang qua tình tôi
Em vội vàng khách trọ
Tàu đêm qua ga nhỏ
Hồi còi dài chia phôi”

(Chợt Ngang Qua Tình Tôi – Mạc Tường)

Mất mát, niềm đau, nỗi buồn… tất cả trong thơ Mạc Tường thực sự rất thâm trầm day dứt nhưng nhà thơ chưa một lần gầm gừ quát tháo hay quằn quại đập vỡ chúng ra để giải phóng cho mình. Thay vào đó, người thi sĩ này chọn cách đón nhận thầm lặng và kìm nén như thể rằng tất khổ đau là hiển nhiên trên cõi tạm này “Tỉnh say quay cuồng cát bụi – Ngắn dài một kiếp rong chơi.” (Mạc Tường). Nhưng để làm “kiếp rong chơi” lặng lẽ nhìn thiên hạ cười – khóc như không có mình trong đó dường như là không thể. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Mạc Tường phải đối diện với những khoảnh khắc hồn rỗng đến thênh thang như ông đã viết.

“Có những buổi mùa lên không chút gió
Rỗng thênh thang lặng lẽ đến vô cùng”

(Rỗng Thênh Thang – Mạc Tường)

Đọc hết Là Khói Hay Là Mây tôi có thể kết luận rằng hoài niệm chính là nguồn động lực và là cảm xúc chủ đạo để nhà thơ Mạc Tường viết tập thơ trên. Và dù muốn hay không, qua những bài thơ ông cũng đã để lại trong tâm trí tôi chân dung một nhà thơ của cảm xúc và sống nặng nghĩa tình. Tôi có một sự đồng cảm sâu sắc với những hoài niệm của tác giả và với nỗi lòng của kẻ phải sống nương nhờ trên kỉ niệm. Khi một người quá thiết tha với kỉ niệm thì mọi thứ luôn đẹp hơn trong kỉ niệm. Riêng tôi, bằng tình cảm cá nhân, tôi vẫn mong nhà thơ Mạc Tường sẽ bước qua kỉ niệm để viết về một thế giới nhộn nhịp, rộn ràng, đầy màu sắc và biến động, và cả bất trắc nữa mà tôi cũng như nhà thơ ấy đang trải qua.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một suy nghĩ của cá nhân tôi và nó không thực sự quan trọng với nhà thơ Mạc Tường. Là người ngoài cuộc, tôi không tránh khỏi những lúc thấy bản thân mình mong muốn tác giả thay đổi một chút, nghịch ngợm lên đôi chút, bớt dịu dàng đi vài phân… Nhưng sau những suy nghĩ này tôi lại mỉm cười và nhận ra rằng “nếu như vậy có lẽ họ không còn là họ nữa.” Điều quan trọng nhất chính là mục đích ra đời của tác phẩm và sự thỏa mãn của người viết. Họ không viết để làm vừa lòng chúng ta, họ viết để thực hiện sứ mệnh của chính họ và để thỏa mãn cho cơn khát cần – phải – viết trong lòng họ. Chỉ có như vậy tôi và bạn đọc mới có thể đọc những vần thơ thật mà theo tôi suy cho cùng chữ thật này là đáng quý nhất. Vậy nên tôi mong nhà thơ Mạc Tường thực hiện được nguyện ước về “một trái tim thơm nồng” như nhà thơ đã viết.

“Tìm từng chữ thật lòng
Để thơ thôi dối trá
Vẽ giữa đời nghiệt ngã
Một trái tim thơm nồng.”

(Nguyện Cầu Mùa Đơm Hoa – Mạc Tường)

Lệ Hằng, Đà Nẵng ngày 24/5/2021