Giới thiệu gương mặt thi ca Công giáo đương đại-J.M Phi Minh và truyện thơ Công giáo- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary

 

Giới thiệu khuôn mặt thi ca Công giáo đương đại
J.M. PHI MINH
VÀ TRUYỆN THƠ CÔNG GIÁO


Bùi Công Thuấn
***

Tác giả J.M.Phi Minh tên thật là Giuse Martin Đoàn Nguyễn Quốc Phong, sinh năm 1995 tại Phú Nhuận- Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2013-2018, anh là sinh viên khoa Nhân học trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Hiện là Chủng sinh khóa XXIII, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Bút danh Phi Minh là viết tắt của Philipphê Phan Văn Minh (do lòng yêu mến Thánh nhân). Anh đã có 3 tập thơ: Áo dòng đẫm máu (trường ca tử đạo-thánh Philipphê Phan Văn Minh), Tấm lòng vàng (trường ca thánh Martin de Porres) và Thánh cả kinh nguyện thi tập.


ÁO DÒNG DẪM MÁU (Trường ca)

Áo dòng đẫm máu là truyện thơ dài 608 câu thơ Lục bát viết về cuộc đời của thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), Linh mục tử đạo.

Thánh Philipphê Phan Văn Minh sinh năm 1815 thuộc họ đạo Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Vĩnh Long. Ngài là con trai thứ 12 trong một gia đình Công giáo đạo hạnh có 14 anh em.

Ngài được Đức cha Taberd - Từ nhận vào học Chủng viện Lái Thiêu, sau đó được gởi sang tu học tại Trường Chung Penang. Năm 1838, Thầy Minh được Đức cha Taberd - Từ mời hợp tác soạn bộ tự điển Latinh - Việt Nam. Sau khi Đức cha Taberd Từ bị bịnh qua đời, thầy trở lại Penang. Học xong, thầy trở về quê hương, hoạt động mục vụ bên cạnh Đức cha Cuenot Thể, và được Đức cha Cuenot Thể xức dầu phong chức linh mục lúc 31 tuổi.

Sau hai chiếu chỉ tháng 8/1848 và tháng 3/1851 của vua Tự Đức, cuộc bách hại đạo Công giáo càng trở nên khốc liệt. Cha Minh được Đấng bản quyền trao trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên từ họ đạo Mặc Bắc đến tận Nam Vang. Ngài đặc biệt kính mến Đức Trinh Nữ Maria và nhiệt tâm huấn luyện các mầm non ơn gọi tận hiến.

Trong một lần, ông trùm họ tên là Giuse Nguyễn Văn Lựu bị quan quân bao vây truy bắt. Cha Minh lẩn trốn ở đó. Chứng kiến ông Lựu bị tra tấn, cha Minh đã bước ra nhận mình là Linh mục. Ngài bị bắt giam tại khám đường Vĩnh Long sau đó chịu án trảm quyết tại pháp trường Đình Khao, gần Vĩnh Long ngày 03/07/1853. Thi hài của cha được an táng trong lòng Nhà thờ Cái Mơn. Năm 1960, hài cốt của ngài được đưa về Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong dịp lễ Cung hiến thánh đường.

Đức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19-6-1988[[1]].

Tác giả Phi Minh đã kể lại theo hình thức truyện thơ Lục bát cuộc đời thánh Philiphê Phan Văn Minh. Ngôn ngữ trường ca là ngôn ngữ bình dân, hướng về công chúng, gần với ngôn ngữ truyện thơ Nôm.

Văn Minh sinh tại miền Tây
Con nhà đạo đức trọn ngay nghĩa tình
Cha là trùm họ Đaminh
Mẹ Anna Tiếu, quê nhành Cái Mơn
Gia đình mười bốn người con
Năm trai chín gái, rất đông một nhà
Nhưng rồi côi mẹ mất cha
Nên tình anh chị luôn là sắt son
Mất mẹ nên cậu sớm hôm
Nhìn lên Đức Mẹ cậy trông mẫu từ
Khi còn tấm bé được bù
Đi theo Giám mục Berd Từ thời danh.

Việc viết một trường ca Lục bát thuật lại cuộc đời của một vị thánh tử đạo Việt Nam là việc không dễ dàng. Điều đặc sắc là tác giả J.M Phi Minh có nhiều sáng tạo trong cách dẫn truyện, trong khắc họa chân dung nhân vật, trong dựng cảnh, dựng tình huống. Tâm lý nhân vật vận động phù hợp với hoàn cảnh. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật có cá tính. Tất cả được đặt trên nền của tâm tình ngưỡng mộ ngợi ca nên nhiều đoạn thơ đã lấp lánh vẻ đẹp nghệ thuật thi ca, giá trị của trường ca vượt qua giới hạn của thể ca vè nôm na truyền thống.

Đây là đọan cha Minh bị điệu ra pháp trường:

Chiếu ban: Tự Đức lục niên
Ngày hai mươi bảy ngoại tiền tháng năm
Cửa sau ngục thất xa xăm
Lên đường hành quyết một hàng diễu binh
Lính cầm thẻ án cha Minh
Như cờ hiệu thắng quang vinh Thiên Đường
Hai tên đao phủ cầm gươm
Mình mặc áo đỏ lực cường bước nhanh
Cha Minh nét mặt nhân lành
Gông xiềng nặng nhọc nguyện kinh không rời
Cha như đi kiệu mà thôi
Hành hương thư thái rạng ngời nét tươi
Ai mà chẳng thác trong đời
Chết trong tay Chúa tuyệt vời nào hơn
Hỡi ôi! Hết thảy giáo nhơn
Mặt Người tỏa sáng ví hơn thiên thần!
Khởi sinh đã ở Thiên ân
Giờ đây hạnh phúc Thiên Đàng hưởng nhan
Nước Trời sẵn cửa khai quan
Cho người yêu quý chẳng tham hồng trần.

Những đoạn bình luận dựa trên nền đức tin Công giáo cũng góp phần làm nên giá trị tác phẩm

Mới hay giòn mỏng phận người
Ví như sợi chỉ thoắt rời ống tơ
Chỉ duy hồn trắng ban sơ
Tinh anh còn mãi sống cho Cội Nguồn
Vậy nên phải quý linh hồn
Thuộc về Thiên Chúa sánh hơn mọi loài
Bĩ cực rồi mới thái lai
Tiết đông mãn kết đến ngày xuân sinh
Đêm dài dẫn đến bình minh
Lúa thời mục nát kết tinh bông vàng
Thánh nhân dù chết chẳng màng
Quyết vì danh Chúa nhọc nhằn rẻ khinh
Pháp trường dạ sắt luyện kinh
Một hồi chiêng dứt trung trinh hồn về
Ở bên Chúa chí thỏa bề
Phong đài nghiệp cả châu phê vạn thời
Trở nên hiến tế rạng ngời
Hòa vào Máu Thánh tuyệt vời hồng ân…

TẤM LÒNG VÀNG (trường ca thánh Martin de Porres)

Tác giả J.M.Phi Minh viết về mục đính cuốn sách: “Hướng đến lễ mừng kỷ niệm 60 năm thánh nhân (Martin de Porres) được tuyên phong hiển thánh, bằng những câu thơ mọn mạy và sở học hạn chế, con xin được hoạ lại cuộc đời và ơn lành Chúa ban cho Ngài qua truyện thơ Tấm Lòng vàng, để cùng với tất cả mọi người, một lần nữa tôn vinh Chúa qua Ngài, và cũng để hun đúc nơi mình tấm lòng bác ái yêu thương như thánh nhân”(Vài dòng thưa chuyện)

Trường ca Tấm lòng vàng dài 1.510 câu Lục bát, bố cục theo 21 tiểu mục sau: Tự ngôn, Lima-thành phố của các thánh, Tuổi thơ đoạn trường, Chiến sĩ bác ái tí hon, Hành trang vào đời, Niềm vui đời dâng hiến, Bài ca các nhân đức, Tấm lòng bác ái “vàng ròng”, Vâng lời và bác ái, “Trật tự” của bác ái, Và cả những thú vật ngoài đồng, Lòng yêu mến…khổ hạnh, Người bạn thân: thánh Juan Maisan, Đằng vân…độn thổ, Ơn tiên tri, Ma quỷ…ra tay, Khải hoàn ca Thiên Quốc, Các phúc lành sau tạ thế, Những khó khăn của án phong thánh, Vị thánh anh hùng da đen, Thay lời bạt.

Mỗi tiểu mục thuật lại một sự kiện của cuộc đời thánh Martin. Chẳng hạn, tiểu mục Bài ca các nhân đức kể lại và ca ngợi các nhân đức: hy sinh, hãm mình, khó khăn, ơn xuất thần khi cầu nguyện của thầy Martin.

Đức hy sinh:

Thầy Martin rất hy sinh
Vì người chịu khó, thân mình chẳng lo
Nhà dòng mắc món nợ to
Cần tiền trả gấp không nhờ được ai
Bề trên tính đến đường này
Báu vật cần bán để tày trả xong
Martin hối hả cầu mong:
“Xin cha đem bán chính con lấy tiền
Vì con mang dòng da đen
Là người rốt hết mọn hèn nhạt phai
Con nài xin đặc ân này
May ra con lọt vào tay người cần
Trở nên công cụ vô vàn
Việc cần hữu ích muôn phần rõ hơn”
Cha bề trên cảm thấy buồn
Bùi ngùi cảm động tấm lòng Martin.

Đức khó khăn:

Thầy vui cảnh khó thản nhiên
Hai bộ quần áo thay phiên để xài
Cho rằng theo Chúa lâu dài
Thì quần áo cũ rách này càng hay
Thương kẻ không có đồ thay
Nên đồ còn mới thì thầy chẳng mang
Chỉ dùng đồ cũ xuềnh xoàng
Có ngay đồ mới lẹ làng đem cho…

Nghệ thuật chính của trường ca này là thuật truyện tức là kể lại câu chuyện, tác giả với tư cách là người ngoại cuộc kể lại cho bạn đọc nghe câu chuyện thánh Martin, có xen kẽ những lời bình. Điều này khác với thể truyện thơ Nôm (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên). Thể truyện thơ Nôm là một dạng tiểu thuyết, tác giả dựng lại bối cảnh, sự việc, nhân vật hoạt động như trong thực tại ở thì hiện tại. Trái lại thể “truyện dài”, tác giả, như một nhân vật, một nhân chứng, thuật lại sự việc. Câu chuyện được kể lại ở thì quá khứ. Vì thế Tâm Lòng Vàng là một tác phẩm diễn ca hơn là kiểu truyện thơ. Gọi là diễn ca vì có sẵn câu chuyện bằng văn xuôi về thánh Martin trong lịch sử, tác giả chỉ chuyển thể thành thơ. Xin đọc truyện văn xuôi Tấm Lòng Vàng: Thánh Martin de Porres [[2]].

Việc “diễn ca” thật không dễ dàng vì tác giả diễn ca bị bó buộc theo văn bản truyện văn xuôi, không thể hư cấu như tiểu thuyết. Hơn nữa thơ Lục bát dễ làm nhưng bó tay người viết ở vần và luật thơ, vì thế khi diễn ca, tác giả khó tránh khỏi những chỗ ép vần (sai về gieo vần), những chữ ép nghĩa (dùng chữ vô nghĩa, chỉ cốt cho hiệp vần) trong câu thơ. Nhưng vì là truyện, người đọc chỉ dõi theo cốt truyện và số phận nhân vật nên những chỗ “sượng” về vần, về dùng từ như thế dễ bỏ qua.

Thí dụ

Sai vần lục bát (tr. 36)

Thần Martin tiếng lan tràn
Tấm lòng bác ái thi hành khắp nơi

Tiếng tăm thầy khắp gần xa
Muôn người kéo đến chịu ân vô ngần

Lặp từ:

…Thầy còn luôn sẵn tình thương
Nơi đâu cần giúp lên đường sẵn ngay

(tr. 44)

Xin đọc một đoạn thuật truyện (câu 427-452):

Tối kia khi bước dọc đàng
Thì thầy gặp thấy nạn nhân máu trào
Vội vàng băng bó cho nhanh
Cõng về tu viện ân cần khôn ngơi
Ý rằng khẩn cấp vậy thôi
Rồi khi họ đỡ thì rời đi nhanh
Bề trên nghe biết sự tình
Gọi ngay thầy đến giải trình trách ngay:
“Lệnh rằng đã cấm các thầy
Không cho tùy tiện đem ai vào nhà
Sao thầy vẫn cố lân la
Giờ thầy phải chịu lỗi là cho nên”
Thầy Martin chỉ đứng yên
Không ca không trách nói thêm dông dài
Mấy hôm cha lại gọi thầy
Thì thầy khiêm tốn như sai trước tòa
Gối quỳ vẻ mặt xót xa
“Con nay thật xứng cho cha phạt thời”
Cha rằng: “Thầy thiếu vâng lời
Còn tư cách của thầy/ tôi không bàn”
Thầy thưa: “Con kém biết rằng
Vâng lời phải trước, thiện tâm sau phần”
Cha nghe hợp lý rõ ràng
Và rồi cho phép việc làm cứu nhân
Thầy nghe phấn khởi hân hoan
Quyết tâm giúp kẻ đang cần gần xa.

Đoạn thơ trên có 10 lỗi sai về gieo vần (chữ in đậm), một lỗi về luật bằng trắc và ngắt nhịp lục bát. Nếu ngắt nhịp đúng, câu thơ sẽ có nghiã khác: “Còn tư/ cách của/ thầy tôi/ không bàn”.

Dù vậy, người đọc vẫn hiểu nội dung đoạn thơ (không cần đối chiếu với văn bản truyện). Thể Diễn ca bình dân chỉ cần dễ hiểu, dễ cảm, còn những luật bằng trắc và gieo vần chỉ là phương tiện để câu chuyện kể được trôi chảy, dễ nghe, dễ nhớ.

Xin đối chiếu với văn bản văn xuôi của truyện:

“Một buổi tối trời, Khi thầy Martin trở về tu viện dọc đàng gặp người da đen nằm quằn quại trên vũng máu trên lề đường, hỏi ra mới biết người này bị cướp đánh mê man. Thầy vội vàng băng bó cho nạn nhân. Rồi cõng về tu viện, đặt trên giường của thầy, có ý cứu nhân mạng này trong lúc khẩn cấp, rồi khi họ đỡ sẽ đưa đến nhà chị để điều trị.

Không may! Cha Bề trên biết, nhưng lại nghe lầm, tưởng thầy không tuân lệnh hoặc vì muốn thử lòng khiêm tốn của thầy, nên gọi thầy đến để khiển trách nặng lời:

– Ta đã cấm thầy và tất cả các thầy khác không được tự nhiên đem bệnh nhân vào tu viện kia mà…sao thầy không tuân lệnh? Thầy phải chịu phạt đền tội này.

Martin cúi đầu lãnh án phạt không dám kêu ca nửa lời.

Cách đó mấy hôm, cha bề trên lại gọi thầy đến. Khiêm tốn như một tội nhân, thầy quỳ trước mặt ngài xin ban phép lành và tha lỗi cho mình vì đã không tuân lệnh. Cha bề trên ân cân nói:

– Thầy hiểu rằng ta chỉ quở phạt sự bất tuân lệnh của thầy mà không có ý khiển trách tư cách của thầy. Martin khiêm nhường thưa lại:

– Xin cha tha thứ và chỉ giáo cho con. Con chưa được biết rằng: việc từ thiện phải nhường bước cho sự phục tòng.

Trước câu trả lời hợp lý của thầy Martin, cha bề trên đổi thái độ dễ dãi hơn và cho phép thầy làm việc từ thiện trong tu viện Santo Rosario như trước. Đến đây, Thầy đã qua được một trở lực, Thầy hết sức sung sướng và càng thêm phấn khởi cứu nhân độ thế.”(xem chú thích số 2, đd)

Đối chiếu với văn bản văn xuôi của truyện, đoạn diễn ca bám rất sát cốt truyện, giữ được mạch truyện nhanh, lời thơ mộc mạc, giàu phẩm chất của thơ ca bình dân truyền thống. Chọn cách viết này, tôi nghĩ, tác giả lưu giữ “chất đặc thù nghệ thuật” của thi ca truyền thống nhà đạo, thay vì diễn đạt theo ngôn ngữ thơ đương đại.

Trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã viết những câu Nôm na thế này:

Trực rằng: Ngòi viết đĩa nghiên
Anh em xưa có thề nguyền cùng nhau
Vợ Tiên là Trực chị dâu
Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì

(Câu 1229-1232)

Câu thơ: “Vợ Tiên là Trực chị dâu” phải hiểu là: “Vợ của Lục vân Tiên là chị dâu của Vương Tử Trực”, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã viết ngược: “là Trực chị dâu”, trái với quy tắc thuận của tiếng Việt: “chị dâu của Trực”. Chẳng ai bắt lỗi Đồ Chiểu về câu thơ ấy, bởi vì trong một tác phẩm truyện thơ, “chất truyện” là yếu tố quan trọng hơn “chất thơ”.

THÁNH CẢ KINH NGUYỆN THI TẠP

Trong tập thơ này, J.M.Phi Minh chuyển thành thơ (diễn ca) các kinh về thánh Giuse và một số bài thơ phụng mừng Thánh Cả:

Thánh Cả thi kinh: diễn thơ Kinh cầu thánh Giuse.
Bảy sự Thánh Cả thi kinh: Diễn thơ Kinh bảy sự vui buồn Thánh Cả.
Thánh Cả bầu cử thi kinh: Diễn thơ Kinh ông thánh Giuse bầu cử.
Hội thánh bổn mạng thi kinh: Diễn thơ Kinh thánh Giuse bổn mạng Hội thánh.
Kính mừng Thánh Cả thi kinh: Diễn thơ Kinh kính mừng thánh Giuse.
Thánh Cả bảo trợ thi kinh: Diễn thơ Kinh khấn thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn.
Thánh Cả lao động thi kinh: Diễn thơ Kinh thánh Giuse mẫu gương thợ thuyền.
Thánh Cả dưỡng dục thi kinh: Diễn thơ Kinh cầu xin ông thánh Giuse là bố nuôi.
Dâng mình Thánh Cả thi kinh: Diễn thơ Kinh dâng mình cho thánh Giuse.
Nguyện cầu Thánh Cả thi kinh: Diễn thơ Kinh thánh Giuse, lời kinh cổ hơn 1900 năm.
Chủng sinh Thánh Cả thi kinh: Diễn thơ Kinh thánh Giuse của Chủng sinh.
Hiền phụ thi kinh: Diễn thơ lời kinh cuối Tông thư Patris Corde của ĐGH Phanxicô nhân kỷ niệm 150 năm tôn vinh thánh Giuse là bổn mạng Hội thánh.

Việc diễn kinh thành thơ là việc khó, bởi vì Kinh là để đọc, cộng đoàn cầu nguyện chung. Thơ là để ngâm, để diễn, để thưởng thức, thường do một cá nhân xướng ngâm.

Lời kinh là ngôn ngữ nhật dụng, ngôn ngữ đơn nghĩa, khác với lời thơ là ngôn ngữ nghệ thuật, tức là ngôn ngữ đa nghĩa, ngôn ngữ hình tượng.

Kinh là tiếng nói trực tiếp thể hiện nội dung cầu nguyện, thơ là tiếng nói trữ tình (tiếng nói tâm trạng, mang tính chủ quan)

Đó là những khác biệt rất cơ bản khiến cho khi chuyển thể loại “Kinh” thành “Thơ” thì cũng đồng nghĩa làm mất đi những đặc điểm của Kinh.

Ngoài ra, nếu mỗi câu kinh diễn đạt một nội dung thì khi chuyển thành Lục bát, mỗi câu kinh ấy phải viết thành 2 câu (câu lục và câu bát) khiến cho kinh dài thêm, và ý tứ thêm vào câu Bát bị thừa ra so với Kinh.

Xin đối chiếu đoạn diễn ca Kinh cầu ông thánh Giuse sau đây để thấy rõ sự khác biệt giữa Kinh và Thơ:
TRÂN TRỌNG NHỮNG SÁNG TẠO

Cho đến nay, thơ ca Công giáo đương đại có khá nhiều Diễn ca, Huấn ca, song truyện thơ như Áo dòng đẫm máu (trường ca tử đạo-thánh Philipphê Phan Văn Minh), Tấm lòng vàng (trường ca thánh Martin de Porres) vẫn còn hiếm.

Tác giả Phi Minh góp phần sáng tạo thể loại truyện thơ Công giáo, đặt thơ ca Công giáo vào cội nguồn thơ ca dân tộc, đó là một nỗ lực thật đáng quý. Hai truyện thơ Áo dòng đẫm máu và Tấm lòng vàng đạt được những giá trị tư tưởng và nghệ thuật nhất định. Thể loại truyện thơ này nếu được đầu tư sẽ là một triển vọng đầy hứa hẹn.

Tôi nghĩ, những tác giả phong trào đã làm hàng ngàn bài thơ, các Câu lạc bộ thơ Công giáo đã làm hàng vạn bài thơ, hãy thử sức sáng tác Truyện thơ xem sao. Nếu có được những truyện thơ Công giáo như Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du, hay Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, thì bộ mặt thơ ca Công giáo sẽ rạng rỡ biết mấy.

Xin chúc mừng và trân trọng giới thiệu truyện thơ của tác giả J.M.Phi Minh với bạn đọc.

Tháng 4/ 2022


[1] Thánh Philipphê PHAN VĂN MINH Linh mục (1815 - 1853)
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-philipphe-phan-van-minh-tu-dao-ngay-03-thang-7-32824

[2] Tấm Lòng Vàng: Thánh Martin de Porres
https://www.danchuaucchau.org/tam-long-vang-thanh-martin-de-porres/