Đại lễ thăng thiên - Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Lan Mary
Ngài được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa . Và lúc ấy các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, thì bỗng có người đàn ông mặc áo trắng đứng bên và nói: "Hỡi các ngưới Galilê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu Đấng vừa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Ngài lên trời ( Cv.1: 9-11 ) NGUỒN:

ĐẠI LỄ THĂNG THIÊN
(Lễ Mừng trọng thể 29/05/2022)


Ngài được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa . Và lúc ấy các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, thì bỗng có người đàn ông mặc áo trắng đứng bên và nói: "Hỡi các ngưới Galilê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu Đấng vừa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Ngài lên trời (Cv.1: 9-11)

*Phần I: CHÚC TỤNG CHÚA THĂNG THIÊN


-Chúa tiến lên trong ngàn câu hoan chúc. Chúa ngự lên hàng vạn tiếng kèn vang. Nào ta hãy ca mừng Thiên Chúa, Mừng Ngài là Chúa khắp vua trần gian.

-Đức Vua cai trị thế giới. Xướng lên ca vinh Chúa là Vua. Mừng Chúa Đấng thống trị vạn quốc. Ngàn đời rực rỡ Chúa hiển trị ngàn thu.
(Thánh Vịnh 46)

-Trong trình thuật Chúa Giêsu về trời có một điểm đặc biệt: Lúc các môn đệ đang phủ phục thờ lạy Chúa, thì Ngài rời khỏi họ và đồng thời giơ tay ban phép lành cho họ.

-Thánh Phêrô: "Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã về trời, đặt bắt các thiên sứ và thần minh phải phục quyền." (1P. 3:22)

- Thư Thánh Phaolô gửi công đoàn Êphêsô sau khi Chúa sống lại và về trời: "Thiên Chúa đẫ đặt mọi sự dưới chân Chúa Giêsu và đặt Ngài làm đầu Hội Thánh mà Hội Thánh là Thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn." (Eph. 1:22)

-Lễ Thăng Thiên nói lên việc nhân tính của Chúa Giêsu tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn." (Ga. 15:28)

-Với biến cố Thăng Thiên Chúa Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình như trước kia, nhưng Ngài vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến tận thế. (Mt. 28:30)

-Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:

"Chúng ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa lên trời. Chúng ta đã nghe được Lời Chúa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất".

Từ hai ngàn năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo Hội tiến ra khơi, tiến vào trong lịch sử của con người. Những lời này làm cho Giáo Hội trở nên một người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo Hội trở nên như men, làm dậy nên những hạt văn hoá trên thế giới. Hôm nay, chúng ta nghe lại những lời trên để với sức mạnh được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa "Hãy ra khơi", mệnh lệnh mà Chúa đã nói với thánh Phêrô. Đây là một mệnh lệnh và tôi đã muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức tông thư khởi đầu Ngàn Năm Mới. Và đây là mệnh lệnh mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn theo ánh sáng của ngày lễ trọng Chúa Thăng Thiên. "Hãy ra khơi" ra nơi mà Giáo Hội cần tiến đến, không phải chỉ là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ nhưng nhất là và còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm.
Như những tông đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Chắc chắn rằng nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên đi trần gian này. Và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Âm hôm nay nói rằng: "Tại sao các ông còn nhìn trời?"
Việc cầu nguyện chiêm niệm Kitô không làm cho chúng ta tránh khỏi việc dấn thân vào trong lịch sử. "Trời", nơi Chúa Giêsu tiến vào không phải là một sự xa vắng nhưng như là một màn che khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện. Đó là sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện không bao giờ bỏ rơi chúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang. Trong khi đó, thời giờ chúng ta sinh sống đây là thời giờ rất đòi hỏi. Đòi hỏi chúng ta phải làm chứng bởi vì nhân danh Chúa Kitô, sự ăn năn hối cải và sự tha thứ tội lỗi phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước.

*Phần II: Dâng thơ nguyện cầu


'Ngài lên tận ngai vàng vĩnh cửu,
Cõi thiên đình bên hữu Chúa Cha,
Uy phong ngự chốn thiên tòa,
Quyền năng Thánh Phụ trao qua tay Ngài.' (*)

-Theo Thầy lên núi Ô-liu,
Mây giăng đỉnh núi hắt hiu gợi buồn,
Môn đệ khắc khoải tâm hồn,
Nghe sầu ly biệt bồn chồn biết bao!

Thiên Tử Thần Thánh đón chào,
Kiệu mây nhè nhẹ nâng vào không trung,
Hào quang tỏa sáng uy hùng,
Mây bao quanh núi chập chùng trôi đi,

Lâng lâng khúc nhạc diệu kỳ,
Vang vang hiệu lệnh thiên đình mở ra,
Đất trời bừng tỉnh giao hòa,
Đón mừng Thánh Tử hoan ca khải hoàn,

Tinh cầu vạn vật rộn ràng,
Màn đêm tan biến, huy hoàng vầng đông,
Ánh hồng lan tỏa mênh mông,
Bừng lên sức sống muôn lòng ngất ngây.

-Như Thầy đã hứa rồi đây,
Thánh Thần sẽ đổ tràn đầy hồng ân,
Giáo Hội Thiên Chúa thế trần,
Niềm tin sức mạnh vững tâm tuyệt vời,

Môn đệ đi khắp nơi nơi,
Tin Mừng rao giảng lòng người say mê,
Thần Khí trùm phủ bốn bề,
Nhận biết chân lý tìm về đường ngay
.
Tà quyền tội ác tràn đầy,
Vô thần ma quỉ đến ngày tận vong.
Từ đây muôn nước chờ mong,
Vinh quang Thiên quốc, hòa đồng thế gian.

-Thân hèn cuộc sống vội vàng,
Tiền tài danh vọng con hằng đắm mê,
Xin Chúa đem con trở về,
Để chỉ khao khát nơi quê Nước Trời.

Bụi trần bao phủ khắp nơi,
Cho con hoán cải cuộc đời đẹp tươi.
Chúa Giê-su đã về trời,
Dọn cho ta chỗ trên nơi Vĩnh Hằng.

Đời người quán trọ trần gian,
Tâm hồn khắc khoải lại càng chờ mong,
Con người cuộc sống mông lung,
Chỉ nơi Hằng Sống thoát vòng tử sinh.

*'Tiến dâng Vua Cả Nước Trời,
Cùng Đấng Thánh Phụ ngàn lời chúc vinh,
Thánh Thần đồng trị uy linh,
Muôn ngàn Thiên Sứ đồng thanh hát mừng' (*)

*Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã nói với các môn đệ: ' Thầy đi để dọn chỗ cho các con, và khi Thầy đã ra đi dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại để đón các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu các con ở đó.'

Lạy Chúa Giêsu! Chúa về trời đã không bỏ chúng con, nhưng vẫn yêu thương và nuôi dưỡng chúng con trong Bí tích Thánh Thể và dìu dắt chúng con qua Lời Chúa truyền dạy trong Tin Mừng. Chúng con mong chờ mai ngày Chúa đến sẽ đem chúng con về hưởng phúc trường sinh cùng Chúa.

Xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lối sống vị tha luôn nghĩ đến tha nhân.
Xin cho chúng con biết chiếu ánh sáng tình yêu của Chúa ra trước mặt người đời để xứng đáng được lãnh nhận hồng ân Chúa trên Nước Hằng Sống trong ngày vĩnh biệt thế trần- Amen.

Đinh Văn Tiến Hùng

*Phần III: Ý nghĩa lễ Thăng Thiên


-Khỏi Bốn Mươi Ngày Ngài Lên Trời


Truyền thống Giáo Hội vẫn cử hành lễ Chúa Lên Trời bốn mươi ngày sau lễ Chúa Phục Sinh. Truyền thống này theo sát trình thuật sách Công Vụ Tông Đồ: "Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong 40 ngày Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa... Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa" (Cv.1, 3.9).

Bốn mươi ngày, là thời gian các tông đồ còn có thể nhìn thấy Đức Giêsu, có thể cùng ăn cùng uống với Ngài, còn được Ngài dạy bảo như những ngày nào. Trong thời điểm ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, các tông đồ cũng vẫn còn u mê, vẫn còn tưởng Ngài sẽ khôi phục nước Israel theo nghĩa phàm trần. Đức Giêsu vẫn tiếp tục kiên trì dạy dỗ những người học trò như thể "chậm hiểu" đối với con người ngày nay, nhưng thật sự những gì Đức Giêsu đề cập rất khó hiểu vì các tông đồ đâu có những khái niệm trước như những tín hữu hôm nay đã được nghe đi nghe lại nhiều lần.

Đức Giêsu "lên trời" ngay trước mắt các tông đồ (Cv.1, 9). Điều này đã xảy ra tại vườn dầu (Cv.1, 12). Bao nhiều lần Đức Giêsu hiện ra cho các tông đồ, và rồi Ngài lại biến đi trước mắt các ông. Những lần đó không có sách nào nói Ngài lên trời cả, chỉ coi Ngài hiện ra và Ngài lại đi thôi, và rồi Ngài sẽ lại thăm viếng các tông đồ khi các tông đồ cần và Ngài muốn. Sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay diễn tả rất cụ thể và rõ ràng về biến cố Đức Giêsu lên trời.


- Này Đây Thầy ở Cùng Các Con Mọi Ngày Cho Đến Tận Thế.


Tin Mừng Đức Giêsu theo thánh Mátthêu không nói Đức Giêsu lên trời, mà lại nói Đức Giêsu ở lại mãi với con người: "Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt.28, 20). Theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu là Emmanuel, nghĩa là, "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", Thiên Chúa ở với con người (Mt.1, 23). Nếu Đức Giêsu là Đấng qua Ngài Thiên Chúa ở với con người, thì đâu có khi nào Đức Giêsu rời con người nữa. Thiên Chúa không ở xa con người, nhưng ở gần thật gần con người, một cách đặc biệt qua Đức Giêsu.

Tin Mừng theo thánh Matthêu cũng cho thấy Đức Giêsu đã nói: "Nơi nào có hai hay ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó, giữa họ" (Mt.18, 20). Tin Mừng Đức Giêsu theo thánh Gioan cũng có những tư tưởng tương tự: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga.14, 23). Đức Giêsu ở với các tông đồ, ở với những người nhờ lời các tông đồ mà tin vào Đức Giêsu.
Ý niệm Đức Giêsu ở với con người, hàm chứa niềm tin Đức Giêsu "đang sống" một cách nào đó. Đây không chỉ là "đang sống" theo nghĩa những người còn đang sống tưởng nhớ tới Ngài, nhưng thật sự Ngài vẫn đang sống độc lập và khách quan đối với tư tưởng của con người. Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang sống và ở với con người bất chấp con người có biết hoặc ý thức điều đó hay không.

- Lên Trời Ngự Bên Hữu Thiên Chúa


Một số người khi đọc tới đây có thể đã nói: "Kinh Thánh mâu thuẫn; như vậy biết tin thế nào đây, một đàng nói lên trời một đàng nói vẫn ở dưới thế"! "Phải chăng Kinh Thánh không đáng tin". Thật sự trong Kinh Thánh có nhiều điều bị người ta nói "không lô gích và phản khoa học", chẳng hạn trong Sáng Thế Ký nói "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật" (St. 2, 7). Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng làm gì có tay mà nặn, làm gì có hơi thở mà thổi hơi vào hình đất đó. Khoa học cho thấy con người hình thành qua tiến trình tiến hóa.

Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng. Ngài ở khắp mọi nơi. Không có gì hiện hữu ngoài Ngài. Ma quỷ cũng luôn hiện diện trước Ngài, không thể tránh được Ngài. Nếu ai thù hận ghen ghét Ngài, thì sẽ muôn đời khổ vì không thể trốn đâu được với Ngài. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, nên không có tay phải tay trái, không có bên phải bên trái. Những cách diễn tả như vậy, đó là cách diễn tả "nhân hình" về Thiên Chúa. Khi người ta nói "Thiên Chúa ở trên trời", thì không có nghĩa Thiên Chúa ở trên trời thăm thẳm mà không ở dưới đất này, nhưng có nghĩa, Thiên Chúa là Đấng cao vời siêu việt, vượt quá sức hiểu và tưởng tượng của con người. Thiên Chúa là Đấng cao vượt trên con người như trời cao hơn đất: Thiên Chúa ngự trên trời.

Như vậy khi một số tác giả diễn tả Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, không có nghĩa đen hoàn toàn như vậy, nhưng phải hiểu là Đức Giêsu được tôn vinh ngang hàng với Thiên Chúa. Công Nghị Do Thái đã hiểu theo nghĩa này, nên đã đồng thanh kết án tử hình Đức Giêsu: là người mà dám nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa: phạm thượng (Mc.14, 62-64). Khi nói Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng không có nghĩa rằng Đức Giêsu ở xa con người, rời bỏ con người, nhưng có nghĩa, Ngài được tôn vinh ngang hàng với Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa làm người.
Lm Phạm Thanh Liêm, S.J