Thinh lặng thánh-Chương II-Tầm quan trọng của thinh lặng-Tác giả: Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Lan Mary
ĐHY Robert Sarah nói thật chí lý: "Không có thinh lặng, thì sẽ không có nghỉ ngơi, không có thanh thản và cũng chẳng có đời sống nội tâm. Thinh lặng là tình bạn, là tình yêu, là hài hòa và bình an. Thinh lặng và bình an có cùng một nhịp đập của con tim" NGUỒN:

CHƯƠNG HAI
TẦM QUAN TRỌNG CỦA THINH LẶNG


ĐHY Robert Sarah nói thật chí lý: "Không có thinh lặng, thì sẽ không có nghỉ ngơi, không có thanh thản và cũng chẳng có đời sống nội tâm. Thinh lặng là tình bạn, là tình yêu, là hài hòa và bình an. Thinh lặng và bình an có cùng một nhịp đập của con tim".

1. Tại sao chúng ta phải thinh lặng?

1.1. Thinh lặng để nhận biết chính mình

Người ta thường nói rằng sống ở đời phải biết mình là ai. Mà muốn biết mình là ai, thì chúng ta phải ở trong thinh lặng. Bởi vì chính thinh lặng sẽ giúp cho chúng ta khám phá ra con người thật của chính mình. Thinh lặng là điều kiện cho tính khác biệt và là sự cần thiết, để hiểu về chính mình. Những giây phút hồi tâm trong thinh lặng sẽ giúp chúng ta trở về với chính mình, để nhận ra mình quá nhỏ bé trong vũ trụ mênh mông và trong thế giới loài người. Việc nhìn nhận này sẽ giúp chúng ta khiêm tốn và thận trọng hơn trong cách đối xử với anh chị em. Khi ý thức mình là một thành phần nhỏ bé của cộng đồng xã hội, chúng ta sẽ biết sống hòa đồng với mọi người, tạo nên một xã hội liên đới và cảm thông.
Chính trong thinh lặng mà chúng ta nghe được tiếng nói của lương tâm. Lương tâm khiển trách khi chúng ta làm điều sai lỗi, xấu xa và khen ngợi, thúc giục khi chúng ta làm điều tốt lành. Thinh lặng cũng giúp chúng ta thẳng thắn nhận ra những yếu kém và khuyết điểm của mình, để quyết tâm sửa đổi, sám hối và canh tân đời sống theo Tin mừng của Chúa Kitô.

1.2. Thinh lặng để đón nhận tha nhân

Sống trên đời, ai cũng có những điểm tốt. Không ai xấu hoàn toàn và cũng không ai tốt hoàn toàn. Điều quan trọng là chúng ta biết nhận ra những điểm tốt ấy. Thông thường, người ta hay săm soi và khai thác những khuyết điểm của người khác, mà dễ dàng bỏ qua điểm tốt nơi họ. Cho nên Chúa Giêsu đã khiển trách người Do thái: "Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?" (Mt 7,3). Con người ta, dù gian ác đến đâu chăng nữa, trong thâm tâm của họ vẫn còn những điểm tốt. Nếu biết khôn ngoan khéo léo khơi dậy những điểm tốt ấy, ác nhân vẫn có thể phục thiện và hòa nhập cuộc sống. Trong những giây phút thinh lặng, với lòng khiêm tốn chân thành, chúng ta dễ dàng nhận ra nơi vợ chồng, con cái, cha mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp những điều tốt lành. Từ đó, chúng ta tôn trọng họ và nhìn nhận họ với cái nhìn mới tích cực.
Theo ĐHY R. Sarah, thinh lặng của đời sống thường ngày là một điều kiện thiết yếu để sống với tha nhân. Không có khả năng thinh lặng, con người không có khả năng lắng nghe những người thân cận xung quanh mình, để yêu mến và hiểu họ. Đức ái phát sinh ra từ thinh lặng. Đức ái sinh ra từ một trái tim thinh lặng có khả năng biết lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận người xung quanh như là anh em trong cùng một đức tin.

1.3. Thinh lặng để nhận biết Thiên Chúa

Một điều chắc chắn rằng con người chúng ta sẽ không bao giờ gặp gỡ được Thiên Chúa trong sự ồn ào và náo động. Bởi vì Thiên Chúa là bạn của thinh lặng. Hoặc nhấn mạnh hơn nữa, ĐHY Robert Sarah đã khẳng định: "Thiên Chúa là thinh lặng và sự thinh lặng thần linh này ở trong con người".
Cho nên để gặp gỡ được Thiên Chúa, thì con người cần phải đi ra khỏi sự ồn ào nội tâm. Khi đọc Kinh thánh chúng ta thấy rằng: không một ngôn sứ nào đã gặp gỡ được Thiên Chúa mà lại không rút vào trong cô tịch và thinh lặng. Chẳng hạn như Mose, Elia, Gioan Tẩy Giả đều đã gặp Thiên Chúa trong thinh lặng tuyệt đối của sa mạc.
Có người nói rằng: im lặng để gặp gỡ Chúa. Nhưng điều đó chưa đủ, mà cần phải trở thành thinh lặng. Cho nên một khi chúng ta đã đắc thủ được thinh lặng nội tâm, thì chúng ta sẽ cưu mang nó và cầu nguyện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ gặp gỡ được Thiên Chúa ở mọi nơi, nếu chúng ta sống trong thinh lặng bên ngoài cũng như thinh lặng bên trong.
Vì thế, thinh lặng là vô cùng cần thiết cho chúng ta gặp gỡ Chúa và Chúa gặp gỡ chúng ta trong tình con thảo. Trong thinh lặng, chúng ta lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta. Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta trong thinh lặng.
Thánh Bruno khẳng định rằng: "Lòng khao khát nhìn thấy Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta yêu mến sự cô tịch và thinh lặng. Bởi vì Thiên Chúa ngự trị trong thinh lặng và mặc lấy sự thinh lặng".

2. Sự cần thiết của thinh lặng

Con người chúng ta không phải là một cỗ máy duy hoạt động. Nó là một chủ thể bao gồm thân xác và linh hồn. Vì thế, con người làm việc, hoạt động nhưng cũng cần phải nghỉ ngơi. Con người không thể trở thành chủ nghĩa duy hoạt động. Chính Chúa Giêsu cũng đã mời gọi các môn đệ hãy vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Thinh lặng là một yếu tố tối cần thiết trong cuộc sống của tất cả mọi người. Thinh lặng giúp cho tâm hồn con người lắng đọng. Nó bảo vệ tâm hồn khỏi sự đánh mất căn tính của chính mình.
Trong cuộc sống hằng ngày, thế tục, dân sự hay tôn giáo, thì sự thinh lặng bên ngoài là cần thiết. Theo Thomas Merton, thì sự cần thiết của thinh lặng là đặc biệt hiển nhiên trong thế giới hôm nay đầy ồn ào và đầy lời ngu xuẩn. Sự thinh lặng cần thiết để phản kháng và sửa lại những tàn phá và thiệt hại gây nên bởi tội ồn ào...
Đối với thánh Alberto de Jerusalem, thì để tránh sa ngã, cần giữ thinh lặng và tin tưởng vào sự khôn ngoan, ơn linh hứng và tác động thinh lặng của Thiên Chúa. Cho nên điều quan trọng là chúng ta cần giữ thinh lặng mỗi ngày, để thiết lập biên cương cho những hành động tương lai.

3. Thinh lặng là một nhân đức

Thinh lặng là một nhân đức, nhưng nhân đức thinh lặng không có nghĩa là không bao giờ được nói. Nó mời gọi thinh lặng khi không có lý do chính đáng phải nói. Sách Giảng viên nhắc chúng ta rằng: "Một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng" (Gv 3,7).
Và bởi vì thinh lặng là một nhân đức, cho nên cầu nguyện và thinh lặng không thể tách rời nhau, nhưng còn làm phong phú lẫn nhau. Người ta không thể cầu nguyện trong sự ồn ào, xáo trộn. Môi trường cầu nguyện phải là môi trường thinh lặng. Bởi vì chỉ có trong thinh lặng, thì con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa.
Thinh lặng không chỉ loại trừ việc nói huyên thuyên quá độ, khoác lác, vu khống và không chừng mực. Trái lại, thinh lặng còn gia tăng cho việc tịnh tâm. Tuy nhiên, một người có khả năng tịnh tâm, nhưng nếu người ấy không có khả năng giữ miệng lưỡi, thì không thể thinh lặng phủ phục dưới bệ ngai của Thiên Chúa. Thánh Maria Madalena de Pazzi nghĩ rằng, ai không yêu thích thinh lặng, thì không thể ưa chuộng những công việc của Thiên Chúa; họ sẽ nhanh chóng lao vào cái lò của những thú vui trần thế.
Theo ĐHY R. Sarah, thinh lặng là một trong những phương thế chính yếu cho phép chúng ta đi vào trong tinh thần cầu nguyện. Nó giúp chúng ta thiết lập với Thiên Chúa những mối tương quan thiết yếu và bền chặt. Thật khó mà tìm được một người thánh thiện mà lại nói nhiều. Ngược lại, những ai có tinh thần cầu nguyện, thì lại thích sự thinh lặng.
Nhân đức thinh lặng là một linh dược cần thiết, đôi khi gây đau đớn, nhưng hiệu quả. Chính nhờ thinh lặng mà chúng ta có thể loại bỏ được sự dữ và làm điều thiện. Cho nên chọn lựa thinh lặng là một chọn lựa một điều phi thường.

4. Thinh lặng là một mầu nhiệm

Nếu ĐHY R. Sarah khẳng định rằng, Thiên Chúa là thinh lặng, thì thinh lặng là một mầu nhiệm, vì Thiên Chúa là mầu nhiệm. Thật vậy, chẳng ai có thể hiểu thấu Thiên Chúa. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vượt quá trí hiểu của con người. Con người chỉ hiểu được phần nào nhờ vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Sự thinh lặng là một mầu nhiệm. Và mầu nhiệm lớn nhất, đó là Thiên Chúa vẫn luôn luôn thinh lặng. Khi Con Một Thiên Chúa bị các lý hình đóng đinh trên thập giá, nhưng Ngài vẫn thinh lặng cho đến nỗi mà Người Con phải thốt lên rằng: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Lc 15,34). Thiên Chúa vẫn thinh lặng và có thể Ngài vẫn lặng thinh cho đến ngày phán xét chung.
Cha Jérome đã viết thế này: Thinh lặng là một mầu nhiệm, hay chính xác hơn, thái độ của con người đối với sự thinh lặng, nêu ra một vấn đề gần như mầu nhiệm. Tất cả người khôn ngoan đều quí trọng thinh lặng.

5. Con người sợ thinh lặng

Ngày nay người ta sợ thinh lặng, người ta chạy trốn thinh lặng bằng đủ mọi cách khác nhau, vì nghĩ rằng thinh lặng là trống rỗng và vô nghĩa, là phí phạm thời giờ cách vô ích. Nhưng tại sao con người lại sợ thinh lặng?

5.1. Sợ vì phải đối diện với chính mình

Con người chỉ tìm lại chính mình khi ở trong thinh lặng. Ngược lại, càng ồn ào, càng xáo trộn, thì con người lại càng dễ đánh mất chính mình. Trong thinh lặng bề ngoài và nội tâm, con người phải đối diện với chính mình, với lương tâm. Và khi phải đối diện với sự thật như vậy, thì con người sợ hãi, vì con người muốn quên đi tất cả những quá khứ đen tối của mình. Như vậy, con người sợ thinh lặng bởi vì con người không muốn hồi tâm, để thay đổi cuộc sống của mình cho tốt hơn.
Ngày nay, rất ít người kitô hữu chấp nhận trở về, để nhìn lại chính mình và để cho Thiên Chúa nhìn ngắm họ. Rất ít người dám đương đầu với Thiên Chúa trong thinh lặng. Con người thời nay muốn tiêu diệt thinh lặng. Nhưng họ không nghĩ rằng, khi họ tiêu diệt sự thinh lặng là họ cũng giết chết Thiên Chúa.

5.2. Sợ vì phải đối diện với Thiên Chúa

Một trong những lý do mà con người sợ thinh lặng nữa, đó là con người sợ phải đối diện với Thiên Chúa là Đấng thẩm phán công minh và chính trực.
Bao nhiêu bí ẩn được phơi bày trong thinh lặng, tốt thì không sao, nhưng xấu thì quả là một mặc cảm tội lỗi của con người trước nhan thánh Chúa.
Thành thử ra, con người lẫn trốn thinh lặng. Ngược lại, con người lại thích ồn ào, nhộn nhịp, tưng bừng khói lửa, để tránh phải đối diện với Thiên Chúa. Nhưng con người không hiểu rằng, trước sau gì đến ngày phán xét chung, con người cũng phải đối diện với Thiên Chúa để chịu phán xét về những hành vi của mình.

5.3. Sợ vì mất thời gian

Có nhiều người cho rằng, thinh lặng là mất hết thời gian làm việc. Đối với họ, công việc, nghề nghiệp là trên hết. Họ muốn tận dụng thời gian, để làm thật nhiều việc càng tốt, và công việc nói lên giá trị của một con người. Người nào thành công nhiều, người ấy có giá trị cao. Nhưng có thật như thế không? Nếu vậy những người bệnh tật, tâm thần cần phải loại bỏ đi hay sao?
Ngay chính trong đời sống tâm linh, chúng ta cũng thích bầu khí ồn ào, phải có kinh để đọc, phải có đàn hát... nói chung phải có cái gì đó để làm, chứ không để "thời giờ chết". Phải chăng thói quen đó đã ăn sâu vào đời sống đạo của chúng ta? Chúng ta cứ nhìn vào tuần chầu lượt của một giáo xứ là thấy rõ điều đó. Trong một phiên chầu Thánh Thể, có lúc nào cộng đoàn thinh lặng, để suy gẫm Lời Chúa, để cầu nguyện với Chúa, để cho Chúa nói với mình? Có thể nói đối với người giáo dân, đọc kinh, hát thánh ca mới là cầu nguyện. Còn thinh lặng là thời giờ chết. Tất cả đều sợ mất thời giờ trong một cái thói quen lạc hậu.

6. Nơi ngự trị của thinh lặng

Chúa Giêsu là Đấng đã chỉ cho chúng ta biết những nơi ngự trị bền vững của thinh lặng. Ngài chỉ cho chúng ta biết phải cầu nguyện ở đâu cho kín đáo khi mời gọi chúng ta hãy vào phòng đóng cửa lại, để ở đó một mình, trong thầm kín của cuộc trò chuyện thân tình với Chúa. Đó chính là tu phòng của chúng ta.
Thứ đến là trong ánh sáng leo lét của nhà tạm, là nơi thinh lặng và thầm kín, nơi đó Chúa Giêsu Thánh thể, Đấng hiện hữu của muôn loài đang chờ đón chúng ta.
Rồi trong các đền thánh, các nơi thánh, các đan viện, chủng viện và nhà thờ. Và cuối cùng là chính trong tâm hồn chúng ta.

7. Phải làm gì để giữ thinh lặng?

Có người nói rằng, tôi muốn giữ thinh lặng, muốn sống thinh lặng, nhưng không sao thực hiện được. Có thể nói có trăm ngàn lý do khiến cho chúng chỉ muốn, chứ không thể thực hành sự thinh lặng. Một trong những nguyên do căn bản nhất, đó là cái lưỡi. Thật vậy, thánh Giacobe tông đồ cho thấy việc kiềm chế miệng lưỡi rất quan trọng: "Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hỏa ngục đốt cháy. Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được (Gc 3,2-10).
Luật Cát Minh (La Règle du Carmel) cũng khuyến cáo rằng: Nên thận trọng, tránh nói quá nhiều...bởi vì nhiều lời tránh sao khỏi tội. Nói nhiều thì không thể giữ được thinh lặng, nhất là thinh lặng nội tâm. Chính sách Châm ngôn đã nói: "Nói nhiều sẽ không tránh được phạm tội: ai giữ được cái lưỡi của mình là người chín chắn" (Cn 10,19).
Để giữ được thinh lặng và nuôi dưỡng nó bằng sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải thực hành Lectio Divina, là một thời khắc lắng nghe trong thinh lặng và lắng nghe trong chiêm ngắm. Nếu chúng ta kiên trì trong việc thực hành Lectio Divina và lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng, thì chúng ta càng dễ dàng kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và chúng ta càng dễ dàng đi vào trong sự thinh lặng thánh thiêng.
(Còn tiếp)