Sâu, Nhộng, Bướm - Tác giả: Lm. Nguyễn Trung Tây

Lan Mary
Truyện ngắn Sâu, Nhộng, Bướm minh họa Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô và của Kitô hữu trong dạng một cuộc đời bình thường. Mỗi lần tôi chết đi một tật xấu, đó cũng là giây phút tôi đang cảm nghiệm sự thay đổi diệu kỳ của Mầu Nhiệm Phục Sinh... NGUỒN:

Truyện ngắn Sâu, Nhộng, Bướm minh họa Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô và của Kitô hữu trong dạng một cuộc đời bình thường. Mỗi lần tôi chết đi một tật xấu, đó cũng là giây phút tôi đang cảm nghiệm sự thay đổi diệu kỳ của Mầu Nhiệm Phục Sinh...


CON SÂU


Vậy là con sâu chuyển mình nóng sốt. Thế là con sâu nằm trong kén, ốm nặng. Năm nào cũng vậy, con sâu tà tà dính một trận cúm nặng, phải ho nát gan nát phổi, phải hỉ ra bao nhiêu mầu xanh xanh, phải đổi giọng mất tiếng nói khoảng một hoặc hai tuần lễ.

Hồi mới sinh ra, con đầu lòng, thiếu tháng, nó bị nhốt trong lồng kiếng gần hai tuần. Sau một năm nó cao lớn bình thường như những đứa trẻ một tuổi, nhưng hay đau ốm cảm cúm xụt xùi mùa đông. Ba nó nói tại cục A-mi-đan ở cổ, trời lạnh cục thịt dư sưng lên, thế là đau. Năm nay nó lại cúm. Không biết nó bị cảm lạnh tại cục thịt dư, hay tại những con vi khuẩn cảm cúm bay ngập tràn trong căn phòng kiếng của hãng, hay tại tối hôm thứ Tư vừa qua, trời lạnh, nó đứng ngoài sân nhà hút thuốc.

Nó hút thuốc cũng khá lâu rồi. Có lẽ từ hồi trung học. Tại áp lực của bạn bè? Chắc vậy. Má nó ghét thuốc lá. Ba nó không hút. Ngũ quỷ, bốn đứa em trai cũng không. Con em út, con gái còn nhỏ, không tính. Từ lớp Mẫu Giáo cho tới Lớp Mười Một nó chưa bao giờ đụng tới điếu thuốc. Một lần hồi còn nhỏ theo ba má về Việt Nam thăm họ hàng, nó thấy người Việt Nam hút thuốc khắp nơi, miệng hôi thật hôi! Nó nhăn trán, tay bịt mũi, tay phẩy phẩy khói thuốc, miệng kêu hôi quá khi người ta nhả khói thuốc thẳng vào mặt nó! Thấy nó phản ứng quyết liệt ra mặt, họ hàng khó chịu thì thào với nhau,

— Thằng Mỹ con này khó tính như quỷ!

Có lần mấy thằng bạn lớp Mười Một đè nó ra, nhét thuốc cháy đỏ vào miệng. Nó cương quyết ngậm chặt miệng. Mấy thằng bạn thọt lét nó. Nó cười sặc sụa, hít sâu vào khói thuốc đầu tiên trong đời. Rồi cũng bởi tật cuối tuần nó hay la cà tại quán bi-da. Quán bi-da nào chả vậy, khói thuốc bốc cao ngập trần nhà. Bạn bè bên bàn bi-da, gái cũng như trai, đứa nào cũng hút thuốc. Mấy con nhỏ nhìn nó, bĩu môi, ánh mắt khinh bỉ. Có cô cười nhếch mép, nhún vai, nói đểu,

— Mày không hút thuốc, tới đây làm chi? Sao không lên San Francisco mà thục bi-da với mấy thằng chả ở trên đó?

Nó đỏ bừng bừng mặt trời ửng hồng mùa hè. Tự ái con trai tổn thương nặng nề. Thế là nó cầm điếu thuốc, đưa lên miệng. Giờ này mười năm, nó hút không ngừng, hút liên tục, hút không cho lá phổi nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Sáng, mở mắt ra, hai điếu. Tối, nhắm mắt lại, hai điếu. Trong ngày tùy hứng, nếu hứng, đốt hết một gói; không hứng, xấp xỉ một bao.

Cô bạn gái đầu tiên thời trung học, sinh nhật nào của nó cũng mua tặng nguyên cây thuốc Malboro đỏ hộp cứng, gói chung áo sơ-mi cổ 15½ có hai cúc, tay 30/32. Hai đứa hôn nhau, cô thì thào nói không có mùi thuốc Malboro, em tưởng hôn người khác. Nó nhìn, nhăn mặt, hỏi thẳng,

— Ai?

Âu cũng là chuyện tình chó con, bởi hai đứa rồi cũng bỏ nhau. Giờ cô ta bán bảo hiểm. Có lần nó gặp người tình cũ đi trên phố với chồng con. Thằng con nét mặt y chang thằng bố. Nó thắc mắc không hiểu nếu cô ta lấy nó, đứa con giống ai! Nó thắc mắc không biết người chồng của người tình xưa có hút thuốc hay không. Len lén đi theo một hồi, nó làm bộ tới gần, cười cười, chào hỏi, móc gói thuốc mời. Người chồng lắc đầu nói tôi không hút thuốc. Vội vàng kéo đứa con tránh sang một bên, người tình ngày xưa nhăn nhăn mặt khó chịu nhìn tình cũ phun khói thuốc mịt mù. Tối đó nó về nhà lập bàn thờ ngoài sân, thắp nhang vái tám phương tứ hướng, cúng giải oan cho một chuyện tình!

Cô bạn hồi đại học không hút thuốc, học xong hai đứa dẫn nhau đi ăn. Thấy nó hút, cô ta tỉnh bơ hút theo. Nó trợn mắt,

— Khùng hả?

Sang năm thứ ba, không một lời giã từ, cô ta đổi trường đại học. Mùa Giáng Sinh, nó gặp người tình âu yếm thanh niên mặt trắng đeo kính trong tiệm ăn. Nó ghé lại bàn hỏi chuyện. Mời thuốc, tình nhân không hút, mặt lạnh lùng xa vắng. Nó về nhà hút hết một gói. Ánh sáng trời cao rọi sáng tâm hồn tối đen, nó hiểu nhiều hơn về tình yêu. Nó nhớ lại truyện cổ tích thời Hồng Bàng. Nó hiểu tại sao Thủy Tinh dâng nước. Nó, nó không dâng nước lụt lội nhân gian, nhưng bỏ đi kiếm Mỵ Nương khác.

Người tình thứ ba thì đặc biệt hơn. Cô ta nói thẳng thừng,

— Anh thích hút thuốc thì cứ tự nhiên. Nhưng nếu anh bỏ mạng bởi thuốc lá, em đi kiếm người khác, coi anh như một dĩ vãng.

Nó ngạc nhiên,

— Nếu...nếu anh bị mấy người khùng căn me bắn sẻ ngoài đường, hoặc bị xe đụng?

Cô ta nhìn nó, mặt nghiêm, âm rõ từng chữ,

— Em sẽ ở vậy để khăn tang thờ anh suốt đời.

Nó nhíu cặp chân mày,

— Em ghét thuốc lá đến cỡ đó hay sao?

Cô ta không trả lời, nhưng chỉ ngón tay vào hình lá phổi đen xì in trên bao thuốc.

Càng ngày người Hoa Kỳ càng chủ trương bài trừ thuốc lá. Mọi nơi cấm hút thuốc. Khắp nơi người ta đối xử dân hút thuốc như công dân hạng bét. Bao nhiêu đại phi trường quốc tế dẹp bỏ Phòng Hút Thuốc. Bình thường thì cũng không sao, nhưng sau biến cố 11 tháng 9, hút được một điếu thuốc trong khi ngồi đợi tại phi trường cũng vất vả nhọc nhằn! Phải vượt qua bao nhiêu hàng rào lính vũ trang ngập tới miệng. Hút xong hai điếu thuốc bên ngoài cửa phi trường, nó lại phải nhọc nhằn cởi giầy, cởi áo khoác, cởi thắt lưng, quần trễ tới rốn, cởi đồng hồ, móc bóp trình bằng lái xe, vượt cạn một mình qua hàng rào nhân viên an ninh dầy đặc kiến đen. Thoát qua được khung cửa dò kim khí có hình dạng máy chém thời Tây thuộc địa, nó hoàn hồn sờ lại cổ, loay hoay buộc lại dây giầy, mặc lại áo khoác, thắt lại giây lưng, đeo lại đồng hồ, cất bằng lái xe vào bóp. Ơi mệt! Chẳng trách chi mỗi một lần bay, lại thêm một lần nó có thêm nhiều lý do để ghét bỏ Osama bin Ladin.

Trong hãng, tự dưng người ta dẹp bỏ Phòng Hút Thuốc. Thế là con cái của rồng phun khói phải dẫn nhau ra đứng ngồi lố nhố ngoài trời. Mùa hè thì cũng không sao. Gặp lúc trời lạnh, tuyết đổ, hút được điếu thuốc cũng nhọc nhằn kiếp sâu. Có lần đang đứng phì phèo trong giờ giải lao, xếp đi ngang qua. Nhìn thấy, xếp bĩu môi, khinh bỉ, mắng nó mấy mắng,

— Không biết mắc cở hay sao?

Nó thiệt tình muốn cãi,

— Em lậy xếp! Em hút thuốc hay không thì có liên can chi đến ai. Em hút, em đứng nơi công cộng. Em không trốn trong phòng lén lút uống rượu uống bia. Em không nấp trong xó nhà len lén coi phim nhà nghèo. Em không dối vợ cờ bạc đỏ đen...

Nhưng chợt nhớ lại thân phận bọt bèo con sâu cái kiến, nó cười gượng gạo. Nhưng cơ hội cuối cùng cũng tới. Có hai ba lần, bị người dưng nước lã tỉnh bơ lên lớp, nó khịt khịt lỗ mũi, cười nhếch mép, mặt lạnh tanh cao bồi miền Viễn Tây trước khi rút súng,

— Cám ơn! Ba má tôi còn sống đầy đủ.

Hên là cây súng bên kia lặng yên, hết chuyện. Nếu không, dám lại có vụ Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải lênh láng cửa hãng.

Nhưng nó tin rằng khám xét chặt chẽ nơi phi trường và kỳ thị dân hút thuốc không phải là nguyên nhân chính khiến nó tự dưng thôi, không còn muốn làm con sâu hút thuốc.

Càng ngày thuốc lá càng mắc. Chính phủ Mỹ chơi ác, nâng cao tiền thuế thuốc lá, nại cớ lấy tiền chữa ung thư phổi. Mỗi ngày nó tốn khoảng 5 đô la xanh lè cho 20 điếu thuốc đốt cháy hai lá phổi. Làm con toán nhân đơn giản, một tháng nó chi 150 đô la cho mây khói. Nó nhớ có lần trong nhà hết thuốc. Nó sờ bóp. Cuối tháng chưa lãnh lương, bóp xẹp lép, rỗng tuếch. Nó hốt hoảng như ma đuổi lật gối lật mền, lục túi áo túi quần kiếm đồng tiền lẻ bỏ quên. Tiền lẻ không có, nó chạy hớt ha hớt hải ra thùng rác lật từng bao rác hôi rình xác chuột kiếm tìm. Thùng rác vắng tênh mẫu thuốc thừa, nó chạy ra đường đứng ngay trước ngõ dõi nhìn bóng người đi qua chìa tay xin một điếu thuốc. Ngã ba đường trời trưa nắng không bóng người vãng lai, nó lại cuống cuồng chạy đông chạy tây kiếm người mượn tiền. Hên, bà chủ nhà bình thường khuôn mặt lạnh tanh như Kim Hoa Bà Bà, hôm đó tự nhiên vui tươi hớn hở như người nhặt được tiền. Nhìn bà chủ đang đứng nấu cơm trong bếp, nó gãi gãi tai,

— Bà chủ cho mượn 5 đồng được không?

Bà chủ móc trong ruột tượng tờ giấy 10 đô xanh lè đưa ra. Nó vội vàng lái xe tới tiệm 7-Eleven ngay đầu đường. Cơn ghiền đã qua, nó thấy mình hèn. Con trai nam nhi chi chí mà dám chìa tay mượn tiền người dưng nước lã. Thiệt tình! Hết nước nói! Tự nhiên nó ghét nó vô cùng.

Nhưng tốn kém tiền bạc cho một gói thuốc cũng không phải là nguyên nhân chính khiến nó muốn bỏ thuốc lá.

Nó nhíu cặp chân mày, nghĩ ngợi... Càng ngày sức khỏe càng tệ đi. Năm vừa rồi nó đau hai lần. Mùa thu cảm. Mùa xuân cúm. Cách đây hơn ba tuần, trời trở lạnh, nó ho, ho liên tục. Ngày thứ tư nó ho văng ra cục nho nhỏ mầu vàng bằng đầu đũa, mùi thối, hôi rình! Ngày thứ năm nó ho ra đàm có máu. Cục đàm bay ra để lại hai mầu trên miếng giấy trắng napkin, một mầu xanh xanh, một mầu đỏ tươi. Nó ớn lạnh rùng mình nhìn tranh lập thể hai mầu. Nó há to miệng chiếu đèn pin vào cổ họng tự khám, coi xem tại vì ho, cổ họng xây xát máu đỏ, hay tại phổi lủng lỗ chỗ tổ ong. Nó nằm trên giường, thẫn thờ nghĩ tới bác sỹ, tới nhà thương, tới ung thư phổi, tới những ống giây lòng thòng quấn quanh người. Nó liên tưởng tới giường bệnh trải khăn trắng. Có thể nó đã bị ung thư cổ giai đoạn ba, hết thuốc chữa! Người ta sẽ đục cổ nó, nhét vào cái còi để nói giống ông bố thằng bạn. Cha nội hút thuốc hơn ba mươi năm rồi. Giờ ung thư cổ. Tàn đời! Ngồi trên xe lăn, muốn gì, ông thần bóp còi ngay cổ. Kèn kêu toe toe, thằng con chạy lại, đổ bô thay tã. Tối hôm đó nó mơ ung thư cổ, ho một đống máu, rồi bất tỉnh. Tưởng nó chết, người ta khiêng xác quẳng vào hòm. Kèn vướng trên cổ, nó nói không được. Nó hốt hoảng giơ tay bóp kèn. Kèn kêu toe toe. Người ta vẫn thản nhiên đậy nắp. Tiếng đinh tiếng búa đóng nắp hòm vang dội che lấp tiếng kèn. Nó ngộp thở. Nó vùng dậy! Tỉnh cơn ác mộng! Người nó lạnh toát, da nổi sần sượng, toàn thân mồ hôi.

Hơn mười năm rồi hút thuốc. Cục đàm xanh lè đỏ tươi sáng nay chạy đuổi sâu vào trong giấc ngủ. Nó sợ! Nó nghĩ tới việc bỏ thuốc! Nó nghĩ tới hình ảnh con nhộng. Chui vào tổ kén, nhộng chết đi đợi chờ ngày mới. Ngày đó nhộng sống lại, cắn rách kén, chui ra làm bướm.

CON NHỘNG


Tối thứ Tư giữa tháng Mười Một, cơ hội để con sâu biến thành con nhộng đã tới. Bà chủ nhà dáng thướt tha, khó tính, không cho người mướn phòng hút thuốc trong nhà, ngay cả căn phòng riêng tư của nó, 350 đô la một tháng bao điện nước. Chiều hôm đó, nó về tới nhà trễ sau khi xếp gãi tai, cười tươi với hai mươi mấy đứa nhân viên. Cả đám phải n gồi lại cày thêm sáu tiếng. Về tới nhà, nó đứng sân vườn chơi luôn hai điếu thuốc. Khói thuốc nồng nàn thấm sâu tế bào hai buồng phổi. Khói hòa tan trong máu. Người nó lâng lâng bay bổng. Ơi phê! Trời tháng Mười Một, gió thu thổi xôn xao, gió bấc thổi ớn lạnh. Nó bất ngờ ngứa mũi, ắt xì liên tục! Di di tàn thuốc dưới chân, nó bỏ vô nhà, chui lên giường, nhắm mắt, ngủ thẳng cẳng.

Sáng thứ Năm, nó choàng dậy, căn phòng lạnh ngắt. Nó hắt hơi liên tục. Ắt xì! Ắt xì! Ắt xi! Mười cái ắt xì đều đặn. Mỗi lần cách nhau 5 giây. Ba lần đầu chưa có chi. Lần thứ tư nó bắt đầu ớn lạnh. Nó sợ bị cảm. Rửa mặt, mặc quần áo, nó đề máy nhập vào dòng xe cộ đỏ chóe trên xa lộ. Tới giờ ăn trưa, mắt nó hoa lên, người nóng sốt. Xếp cai nhìn nó,

— Có sao không? Sao mặt xanh lét vậy?

Mặt xanh lét? Người đang nóng ran than hồng BBQ, sao mặt lại xanh lét cho được? Nó ăn không hết dĩa cơm xe lunch, bởi cổ đắng nghét. 3 giờ chiều, nó hy vọng xếp đừng nhăn nhăn mặt, đừng lởn vởn đi tới đi lui, đừng gãi tai, đừng cười cầu viện với nhân viên. Giờ này tiền bạc chỉ là giấy vụn. Giờ này nó chỉ muốn được nằm dài trên giường. 3 giờ 30, nó đứng dậy. Về tới nhà, len lén vặn vòi hoa sen nước nóng phòng tắm lên hết cỡ, nó tắm hơi. Nó tính nhờ bà chủ cạo gió, nhưng nhớ ông chủ nhà mặt mày bậm trợn, có tính ghen; thôi, né đi; không nên chơi dại! Nó ăn mì, mì không hương không vị. Đổ một nửa tô mì vào thùng rác, nó ra sân nhà đốt thuốc, nhưng miệng sao nhạt phèo. Hơi thuốc vô vị, đắng, nhạt nhẽo cháo nguội. Có lẽ đau nặng, chắc gà toi rồi. Hút không hết điếu thuốc, nó thở dài nhìn đầu lửa đỏ và khói thuốc. Di di điếu thuốc dưới chân, nó bỏ vô phòng.

Sáng thứ Sáu, nó gục luôn. Nằm trên giường, nó thều thào gọi vào hãng,

— Xếp ơi, gà bị cúm rồi, toi nặng!

Nói xong, nó chìm vào giấc ngủ nặng nề không nhận ra bà chủ nhà đứng gõ cánh cửa, tóc! tóc!,

— Tui thấy xe chú còn đậu trong sân... Chú đau hả? Ăn cháo không? Tui nấu. Hay để tui cạo gió cho.

Nó mở mắt nhìn thiếu phụ xinh đẹp. Giờ này ông chồng đi làm từ đời tám hoánh, mấy đứa con đi học. Bà chủ hình như mới ngủ dậy. Nhưng chắc không phải, bởi tóc tai chải bới gọn gàng thế kia. Nghĩ tới ông chủ nhà bắp thịt nở nang, tập tạ đều đặn, cuối tuần hay sách súng đi săn, nó quyết định nhắm mắt lại,

— Tôi không sao! Cám ơn bà chủ.

Thế là nó gục. Nguyên một ngày dài, nó nằm trong phòng, cúm liệt giường liệt chiếu. Lần đầu tiên trong đời, nó không hút thuốc. Người nó nóng sốt. Mũi tắc nghẹn! Cổ đắng nghét! Tai lùng bùng! Siêu vi khuẩn cảm cúm kéo mền che nó kín mít từ đầu tới chân. Vicks DayQuil ru ngủ li bì. Khi nó mở mắt ra, gần 3 giờ chiều rồi. Lưỡi khô ran.

Nó nghĩ tới điếu thuốc. Nó nhìn lên bàn, gói thuốc Malboro đỏ hộp cứng nằm chờ đợi. Nó ho, ho từng hồi, ho rách trời! Nó nhớ tới lần ho ra máu, mầu máu đỏ tươi vẫn còn đỏ đậm trong đầu như mầu đỏ gói thuốc Malboro. Nó nghĩ tới ung thư phổi. Tóc rụng xơ xác, da bủng xanh xao, thân thể gầy còm, cổ co rút lại tương tự dân chết đói Ất Dậu 45. Nó nghĩ tới ung thư cuống họng. Nó nghĩ về sức khỏe. Năm nào cũng bị cúm bị cảm. Nó nghĩ về ba người con gái đã đi ngang qua đời, đặc biệt người thứ ba. Nhớ tới khuôn mặt người thứ ba, nó cầm gói thuốc lên. Mở cửa phòng, nó lê bước chân chầm chậm ra nhà bếp, những bước chân hụt hẫng trên mây trên khói. Nó nhìn ra ngoài cửa sổ, nắng vàng mùa thu xanh xao bệnh hoạn. Nó bước tới, quẳng gói thuốc vào thùng rác nhà bếp, miệng nói,

— Vĩnh biệt người tình.

Thấy nó khập khễnh đi ngang bước thấp bước cao, bà chủ nhà đang nấu cơm, hỏi han,

— Chú đỡ chưa!

Nó chưa kịp há miệng, người đàn bà đã nhanh lời,

— Mặt chú xám đen à. Để tui cạo gió cho.

Nhớ tới ông chủ máu ghen, nó đáp ngay,

— Cám ơn bà chủ. Tôi không quen cạo gió...
Bà chủ sốt sắng,

— Vậy để tui nấu cháo nhé. Cả ngày hôm nay chú đã ăn chi đâu.

Nó lãng sang chuyện khác,

— Nhà còn nước cam không bà chủ?

Bà chủ mở tủ lạnh, lấy bình nước cam đưa cho nó.

— Chú cầm lấy mang về phòng đi. Chút nữa tui ra chợ mua thêm. Đến là khổ, đang vợ chồng ngon lành...

Nó cầm bình nước cam đi thẳng về phòng. Nó há miệng uống thuốc cúm Vicks DayQuil. Thuốc ngủ Vicks DayQuil thấm tan trong máu; máu đưa thuốc ngủ lên đầu; đầu chằng chịt giây thần kinh; giây thần kinh giật chuông gõ trống toàn thân; toàn thân tê tê điện giật. Cứ thế nhộng mơ màng, tiếp tục chết đi trong kén.

Ngày thứ Bẩy, sáng sớm nó thức dậy. Nhìn qua cửa sổ, tuyết mỏng manh đầu mùa bay nhè nhẹ ngoài trời phản chiếu ánh sáng vàng vọt đèn đường. Nó nhìn lên bàn. Gói thuốc Malboro đỏ đã biến mất. Nó nhớ lại tối thứ Năm, biết là đau, thế mà còn hút thuốc. Nó chép miệng thở dài, không đau nặng cũng uổng! Nó nhớ lại chiều hôm qua đã mang gói thuốc Malboro đỏ ra chôn sống trong thùng rác nhà bếp.

Nó trằn trọc trên giường, đầu óc liên tưởng gói thuốc đỏ tươi thơm mùi thuốc lá. Nó lưỡng lự, ngồi dậy, chân đặt trên giường, chân chạm mặt đất. Nó nuốt nước miếng. Nó chép miệng, "Hút thêm một hơi nữa thôi, rồi bỏ!".

Nó nhón gót đi ra nhà bếp, mở thùng rác tìm kiếm. Chết rồi! Bà chủ nhà đã thay bao rác mới. Như vậy gói thuốc còn mấy mười điếu phải nằm ngoài sân nhà. Nó vén rèm cửa nhìn ra. Những bao rác nằm xếp lớp đã biến mất. Nó thầm kêu, "Khổ rồi, sáng nay, Sở Vệ Sinh đã tới nhà, hốt rác mang đi". Nó nghĩ tới tiệm tạp hóa 7-Eleven đầu đường mở cửa 24/24. Nó nghĩ tới chùm chìa khóa xe hơi để trên mặt bàn. Nó nghĩ tới tiền lương mới được lãnh. Nó nghĩ tới cục đàm xanh có máu đỏ trên miếng giấy lau tay mầu trắng. Nó nghĩ tới cái kèn thổi toe toe. Nó nghĩ tới người con gái thứ ba đã đi sâu vào trong cuộc đời. Tự ái con trai nổi lên, nó cảm thấy mình hèn! Có một điếu thuốc lá mà cũng phải hốt hoảng lật từng bao rác kiếm mẫu thuốc thừa! Chỉ vì một hơi thuốc mà mặt dày như mo cau đứng ngã ba đường chìa tay ăn xin thuốc. Thật đúng là bán linh hồn cho quỷ! Nó nuốt nước miếng xuống cổ, quay đầu bỏ đi thẳng về phòng. Nó nhìn lên mặt bàn, đồng hồ đỏ tươi con số 5:00.

Năm giờ sáng rồi.

Đã hơn một ngày chất ni-cô-tin không được bơm vào người. Hai ngày rồi nó không ăn một hột cơm. Nó đi ra nhà bếp. Người tê tê như bị điện giật tưng tưng. Tại sao lại tưng tưng nhỉ? Tại thuốc ngủ Vicks DayQuil hay tại mạch máu xuống đường đòi ni-cô-tin? Nó đổ nước nóng tô mì. Lỗ mũi sạch sẽ chất ni-cô-tin, nó ngửi được mùi mì thơm vị hành khô. Đợi thêm ba phút nữa, nó nhấc đôi tay lên. Sao tay lại run run mềm oặt như thế kia? Nó lọng cọng, loay hoay, sửa tới sửa lui ngón tay như người lần đầu cầm đũa. Nó ngớ ngẩn đẩy tới! Sợi mì rơi thẳng sâu vào lỗ mũi. Nó nghẹt thở, cong lưng ho bắn ra sợi mì... Nó lắc đầu lẩm bẩm trong miệng,

— Mát rồi! Mát nặng!

CON BƯỚM


Ngày Chúa Nhật, nó mở mắt ra. Nắng bình minh ngày cuối tuần rực rỡ chiếu xiên bên khung cửa. Cơn sốt hình như biến mất. Nó vô phòng tắm, đổ xà-bông vào bồn, vặn hết cỡ nước nóng. Mùi xà bông trái dâu ngào ngạt bay lên thơm ngát hai lỗ mũi, hai lỗ mũi không bị khói thuốc vàng bám phủ gần ba ngày rồi.

Có tiếng gõ cửa phòng tắm. Nó làm lơ không thèm trả lời. Nằm trong bồn nước nóng, nó mơ màng nghĩ tới cánh đồng mùa xuân với bướm nhởn nhơ tung bay thảm cỏ. Có một thời nó làm con sâu, lông lá lởm chởm xấu xí. Có một thời nó làm nhộng, chết lặng lẽ trong tổ kén. Bây giờ nó quyết định cắn tổ kén, chui ra làm bướm. Nó mở cửa phòng tắm, bước ra ngoài. Hơi nóng bay tỏa mịt mờ như khói thuốc quán bi-da. Nó nhìn quanh. Bà chủ nhà bước tới nhìn nó, nhìn hơi nước mịt mờ,

— Chú mới tắm với nước nóng phải không?

Nó khó chịu. Đến là khổ! Tiền nhà 350 đồng một tháng bao điện nước, nó móc bóp trả đều đặn, không sai một ngày. Bà chủ nhà Kim Hoa Bà Bà tính tình hâm hâm khi nóng khi lạnh ưa xót tiền điện, tiếc tiền gas, ngại tiền nước. Mỗi lần biết nó tắm nước nóng, người đẹp đi tới lui nhìn ngó hơi nước bốc cao mịt mờ phòng tắm. Gần một năm chịu đựng. Giờ này tức nước vỡ bờ. Nó nghĩ chắc phải nói một lần cho xong, nếu không cả đời ấm ức. Nó muốn nói dạ tôi mới tắm với nước nóng xong, có chuyện chi không bà chủ Kim Hoa Bà Bà...

— Đúng rồi. Chú đang bệnh. Tắm nước nóng thì tốt nhất. Sao không nói, tui nấu nước nóng với sả cho chú tắm luôn.

Nó ngỡ ngàng, ú ớ... Người đàn bà tiếp,

— Hai ngày rồi, thấy chú đau nằm trong phòng, không ăn không uống chi hết. Tui tính nấu cháo cho chú, nhưng hỏi, chú cứ lắc đầu quầy quậy. Sáng nay đi chợ, tui ghé ngang tiệm phở mua tô xe lửa. Chú tắm xong, ăn phở nóng đi!

Nó tiếp tục ngó bà chủ... Cha chả, bà chủ không những đẹp người mà lại còn đẹp nết, nhìn giống y như tiên. Nó ấp úng như người nói ngọng,

— Vâng, vâng! Em, em cám ơn bà chủ!

Bước vào nhà bếp, nó nhìn thấy tô phở nóng bốc hơi chờ đợi trên bàn. Nó ngồi xuống. Bà chủ nhà kéo ghế ngồi phía đối diện, ngón tay gãi gãi trán,

— Vợ chú dạo này sao rồi?

— Dạ... Vẫn bình thường.

— Thấy chú ốm đau mấy ngày rồi, tui tính báo cho cô ấy biết. Nhưng tui đâu có số điện thoại của vợ chú.

Bà chủ nhà ánh mắt dò hỏi,

— Nếu có dịp, tui sẽ cố gắng nói thêm cho mấy nhời...

Nó cười nhẹ. Người đàn bà đẹp người tốt bụng đâu biết tại sao vợ nó bỏ đi một tháng rồi. Dám bà ta tưởng vợ nó đi theo trai. Tầm bậy! Cũng tại vợ nó có thai. Nàng nói,

— Anh à! Anh có hút thuốc hay không, em vẫn thương anh, em vẫn là vợ anh... Nhưng bây giờ thì hơi khác. Anh biết em có thai hơn một tháng rồi. Em ngửi khói thuốc cũng không sao. Nhưng con trong bụng, nó không đi đâu được. Nằm trong bụng em, nó bị ép ngửi khói thuốc. Thôi, em tính như vầy... Trong thời gian em có thai, anh tạm ngưng hút thuốc đi. Mai mốt sanh con xong, anh muốn làm gì thì làm.

Nó không chịu. Hai vợ chồng nói qua nói lại mấy câu. Cô ta đứng dậy quay bỏ đi một mạch, về thẳng nhà bố mẹ. Vợ nó nói khi nào em sanh xong, con cứng cáp, em sẽ quay về.

Nó nhìn tô phở cạn nước không còn một sợi. Nó biết nó khỏe hẳn ra. Cảm cúm biến mất. Nó nhìn bà chủ, cười, nói,

— Cám ơn bà chủ, tô phở ngon quá!

Nguyễn Trung Tây