Bản tin muộn: họp mặt mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của nhà thơ Hàn Mặc Tử và ngày Văn thơ Công giáo Việt Nam lần thứ 11

Lan Mary
Hơn mười năm trước đây, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 22-9-2012, hơn 60 tác giả Công giáo từ khắp nơi đã về Quy Nhơn tham dự buổi phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo. Ngày ấy đã trở thành ngày Văn thơ Công giáo Việt Nam lần thứ nhất. Những năm sau đó, các cuộc trao giải Viết Văn Đường Trường rồi cuộc thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ, đã đều dặn tổ chức vào ngày này. Năm ngoái, 2021, ngày Văn thơ Công giáo lần 10 đã là ngày tọa đàm trực tuyến về Dòng Văn Học Công Giáo Việt Nam đương đại. Năm nay việc ra mắt thi phẩm Thần Khúc của đại thi hào Dante Alighieri do Lm. Đình Chẩn biên dịch, vào chiều ngày 2-9 tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội và sáng 01-10 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, đã là sự kiện Văn học Công giáo Việt Nam kéo dài hơn một tháng. Riêng ngày kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 22-9-2022, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã có một cuộc họp mặt khiêm tốn. NGUỒN:

Hơn mười năm trước đây, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 22-9-2012, hơn 60 tác giả Công giáo từ khắp nơi đã về Quy Nhơn tham dự buổi phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo. Ngày ấy đã trở thành ngày Văn thơ Công giáo Việt Nam lần thứ nhất. Những năm sau đó, các cuộc trao giải Viết Văn Đường Trường rồi cuộc thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ, đã đều dặn tổ chức vào ngày này. Năm ngoái, 2021, ngày Văn thơ Công giáo lần 10 đã là ngày tọa đàm trực tuyến về Dòng Văn Học Công Giáo Việt Nam đương đại. Năm nay việc ra mắt thi phẩm Thần Khúc của đại thi hào Dante Alighieri do Lm. Đình Chẩn biên dịch, vào chiều ngày 2-9 tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội và sáng 01-10 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, đã là sự kiện Văn học Công giáo Việt Nam kéo dài hơn một tháng. Riêng ngày kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 22-9-2022, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã có một cuộc họp mặt khiêm tốn.

Ngày 22/09 năm nay trước đã trù liệu là ngày phát hành chính thức bộ sưu tập Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) rồi sau đó chuyển thành ngày Tọa đàm về Linh mục Đặng Đức Tuấn, nhưng cả hai sự kiện đều bị hoãn lại do không làm kịp các ấn phẩm liên quan. Truyền thống họp mặt ngày 21-22/9 không nên bị đứt đoạn, do đó, dù rất ít người, chúng tôi đã tổ chức họp mặt, tại hội trường giáo xứ Công Chánh, Tuy Phước, Bình Định, nơi cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, Trưởng ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, đang là Quản xứ.

Chỉ có mười tham dự viên: Ba linh mục, một chủng sinh, ba giáo dân cột trụ của ban Văn hóa, một nhà thơ cộng tác viên của Mục Đồng, hai thành viên Giải Viết Văn Đường Trường và cũng là đại diện cho Câu lạc bộ Lm. Đặng Đức Tuấn.

Sau bài hát mở đầu xin ơn Chúa Thánh Thần, chúng tôi đã gọi điện thăm hỏi tác giả Hạt Cát Tađêô Nguyễn Thanh Xuân, chủ nhiệm CLB Đặng Đức Tuấn và là Trưởng ban biên soạn Tuyển tập Mục Đồng. Anh bị ung thư thực quản, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đồng Nai, Biên Hòa.

1. THÔNG TIN VĂN HỌC CÔNG GIÁO


Việc xuất bản bộ sưu tập Hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam, dù muộn, vẫn đang đi những bước thật vững. Nhà Xuất bản Hồng Đức vừa cho biết đã đọc xong bản thảo. Trong những tuần tới, phía Nhà Xuất bản và linh mục chủ biên sẽ làm việc chung về một số điểm cần thống nhất. Ngày phát hành chính thức bộ sách sẽ được thông báo sau.

- Thần Khúc: Đã có nhiều bản dịch sang Việt ngữ nhưng bản dịch của Cha Đình Chẩn đang là bản được biết đến rộng rãi nhất, hy vọng sẽ làm cho giới văn học Việt Nam nói chung và đại chúng Công giáo nói riêng biết đến nhà thơ và tác phẩm có tầm vóc hoàn vũ này. Đây là một sự kiện của Văn học Công giáo. Bản dịch mang đậm bản sắc Việt Nam nhưng vẫn giữ được căn cốt của tác phẩm gốc của tác giả Dante Alighieri, đánh dấu một bước tiến, đồng thời cũng là lời mời gọi cho tương lai của khoa dịch thuật văn học Công giáo tại Việt Nam.

- Chương trình: "Vườn xưa hoa lại nở": Hơn 120 quyển sách Hán Nôm đã nhóm của cha Nguyễn Hưng phiên chuyển sang chữ quốc ngữ, đã có lúc tưởng như bị bỏ quên, nay đang chuyển mình để đến với mọi người một cách có hệ thống.

- Tiếp đến là bộ báo Lời Thăm của nhà in Làng Sông. Đây là tờ báo Công giáo có tuổi thọ (1919-1943) chỉ thua Nam Kỳ địa phận (1908-1945) với một nội dung phong phú, là một chứng từ đẹp của Văn học Công giáo Việt Nam. Hơn mười năm qua, Ban Văn hóa Giáo phận đã liên lạc với nhiều người, ở nhiều nơi không những tại Việt Nam, mà cả tại Paris và Penang (Malaysia), nhưng không nhận được kết quả như mong muốn. Nay thì đã tìm thấy ngay tại Việt Nam. Nghe tin này, Pgs. Ts. Nguyễn Hữu Sơn ở Viện Văn Học đã nhắn với ông Trăng: "Có tài liệu là có tất cả, cội nguồn của hoạt động nghiên cứu."

- Tại Gp. Qui Nhơn, các ấn phẩm dọn mừng 400 năm Văn học Công giáo đã khởi hành được 8 tác phẩm (Thần Khúc in tại Hà Nội và mang số 013), nay Tủ sách Nước Mặn đang xúc tiến ấn hành: Kịch bản Cuốn Phúc âm thứ năm của cố giáo sư Trần Duy Nhiên; Nghệ thuật viết văn của cố giáo sư Phạm Việt Tuyển; Tuyển thơ của Cát Đen; - Chút Sáng Thầm, Tuyển thơ Thế Nhân; Tiếng Vọng, tập truyện của Đặng Hoàng Hương Giang vv...

- Chia sẻ về Tuyển tập Mục Đồng, cha Nguyễn Đức Quang cho biết, đang khi anh Tađêô Nguyễn Thanh Xuân phải nhập viện điều trị, chị Lê Thị Lệ Hằng đã nhận lời đảm nhận vai trò trưởng ban biên soạn. Hy vọng công việc sẽ ổn định.

Tiếp sau thông tin văn học Công giáo, chúng tôi chia sẻ về những việc hiện nay của Ban Văn hóa Gp. Qui Nhơn. Nhân sự kiện cha Trưởng ban Văn hóa Giáo phận tiếp tục đảm nhận thêm một nhiệm kỳ vai trò Trưởng Liên Ban Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi bàn tới hướng hiệp hành liên kết với các Ban mục vụ khác, cách riêng là với Văn phòng Loan Báo Tin Mừng của Giáo phận.




2. MỪNG 110 NĂM SINH NHẬT HÀN MẠC TỬ


Kết thúc là phần "mừng sinh nhật" nhà thơ Hàn Mạc Tử. Bên di ảnh Hàn Mạc Tử, sau khi Cha Quang thắp hương, Cha FX Lê Quang Thạch đọc bài Điềm Lạ.

Đức tin thơm hơn ngọc
Thơ bay rồi thơ bay...
Mau gò giai âm lại
Sót bớt nghĩa đương say.
Có tin thôn xa đến
Có điềm lạ đêm nay:
Đóng cửa mười phương lại
Dồn ánh sáng vào đây.
...
Năm nay tôi thương tuổi,
Sai hẹn với người xa
Năm nay xuân nhắc mãi
Nước mắt liền ứa ra.


Ông Trăng chia sẻ gợi ý về hai bài Cô LiêuCuối Thu. Có lẽ Hàn Mạc Tử viết hai bài này ở cùng một thời điểm, trong bối cảnh cô liêu cuối thu của ngày lễ (ngày 29-8) kính cuộc khổ nạn của Thánh Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ mặc áo da thú, một đời trinh trong, bị đổ máu vì dám tố cáo sự lăng loàn của kẻ cầm quyền (x. Mc 6,17-29), không hề yếu ớt như cây sậy trước gió (x. Mt 11,7).

Và ai gánh máu đi trên tuyết,
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.
...
Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,
Điềm báo thu vàng gầy xác xơ.


Vị ngôn sứ đã chết theo mùa thu, nhưng câu hỏi về Đấng Cứu Thế mà ông loan báo vẫn còn đó:

Thu héo nấc thành những tiếng khô.
Một vì sao lạ mọc phương mô?
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?


Khúc hát mừng sinh nhật "Happy birthday to you!" rồi bữa trưa "bún đậu mắm tôm" do cha Quang khoản đãi khép lại buổi sinh hoạt. Thưa anh Hàn Mạc Tử, năm nay chúng tôi họp mừng anh vỏn vẹn chỉ mười người, như những đóa bồ công anh có cánh. Trên dặm đường hướng đến 400 năm Văn học Công giáo, ngày này sang năm, sinh nhật lần thứ 111 của anh, hy vọng những cánh bồ công anh đã lan đến nhiều nơi và mỗi nơi sẽ có bao nhiêu người họp mừng thì khó mà đếm được.


Hope_Paradise và ông Trăng