Suy tư của linh mục Nguyễn Tầm Thường. SJ - Bài 21: Mồ mả: mộ người chết hay tâm hồn người sống?

Lan Mary
Tuổi già rồi từ giã cõi đời. Ai cũng thế. Nghĩ tới đó, hình ảnh nấm mộ ngoài nghĩa trang lại hiện về. Mộ hoang nghĩa địa và chỗ quỷ hay lui tới. Mồ mả tô vôi đẹp bên ngoài và xương người chết bên trong. Những hình ảnh ấy hiện lên như một phản xạ tự nhiên. Tôi thấy bâng khuâng một thoáng buồn. Tôi cũng nghĩ ngay đến các bí tích. Bí tích ban cho người sống, bí tích ban cho người chết. NGUỒN:

Quỷ Nhập Là Điều Có Thật

Giáo Hội xác tín điều đó. Giáo Hội đã có mục vụ đặc biệt cho những trường hợp này. Các Giám Mục trong địa phận phải chỉ định cách riêng một linh mục nào đó để khi chuyện xảy ra, có kẻ trừ tà. Không gì rõ bằng trong Kinh Thánh. Phúc Âm xác nhận quỷ nhập vào người ta, Kinh Thánh cũng nói đến trừ quỷ. Chúa Kitô trừ quỷ. Các môn đệ trừ quỷ.

Hiện tượng quỷ nhập rất phức tạp, có thể lẫn lộn với bệnh tâm thần. Phức tạp không có nghĩa là không có quỷ thật sự nhập vào người ta. Vì thế phải rất cẩn thận khi đề cập đến. Tôi không dễ tin những chuyện này. Không dễ tin, nhưng có những chuyện tôi phải tin.

Tôi bắt đầu để ý về những hiện tượng quỷ nhập khi đọc tờ báo National Catholic Reporter số ra ngày 1 tháng 9 năm 2000. Tờ National Catholic Reporter dành nguyên một số báo đề cập đến hiện tượng quỷ nhập. Theo điều tra của tờ National Catholic Reporter, trong vòng hai trăm năm vừa qua, Giáo Hội khá lặng im về vấn đề này. Bỗng dưng đầu thế kỷ này, hiện tượng quỷ nhập xảy ra nhiều nơi. Theo thống kê, cha Gabriele Amorth, người được bổ nhiệm trừ quỷ của địa phận Roma, cũng là một trong những người sáng lập International Association of Exorcists, vào trung tuần tháng bẩy năm 1993 trong đại hội những người trừ quỷ tại Roma chỉ có sáu người tham dự.

Vào năm 2000, con số tăng lên 200 người. Vẫn theo tờ National Catholic Reporter, tại Roma vào năm 1986 chỉ có 20 người làm mục vụ trừ quỷ. Hiện nay toàn nước Ý con số lên tới 300 người. Theo kinh nghiệm mục vụ, cha Gabriele Amorth viết một cuốn sách mang tên: An Exorcist Tells His Story – Câu Chuyện Của Kẻ Trừ Tà. Ngài cho biết quỷ có thể làm cho người bị nó nhập mửa ra những đụm tóc người. Ta cũng có thể khám phá ra quỷ nhập bằng cách trộn Nước Phép vào đồ ăn rồi xem nó phản ứng ra sao. Cũng trong số báo này cho biết, cha James LaBar, được Đức Hồng Y John J.ÓConner bổ nhiệm làm kẻ trừ quỷ của địa phận New York, cho hay trong năm 1999, ủy ban của ngài đã phải đương đầu với 25 trường hợp quỷ nhập. Theo ngài, nhu cầu mỗi ngày một gia tăng.

Ngài nổi tiếng là "kẻ trừ quỷ" sau vụ trừ tà ở Florida năm 1991 và được chương trình 20/20 của đài truyền hình Mỹ ABC phát hình. Tờ Atlanta Journal Constitution, 1999 làm một cuộc điều tra, cho biết 50% người Mỹ tin rằng cuộc sống ít nhiều cũng có lúc bị quỷ nhập vào. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trừ quỷ cho một người đàn bà Ý tên là Francesca Fabrizzi, Ngài gọi nó là kẻ sát nhân và là vua gian dối của vũ trụ. Theo Cha Amorth, Đức Giáo Hoàng đương kim đã trừ quỷ ba lần trong triều đại của ngài. Phúc Âm Mátthêu và Luca tường thuật, Đức Kitô cũng trừ quỷ (Mt. 2:63, Lc. 8:26-40).

Theo tờ National Catholic Reporter, nhiều thần học gia tại Hoa Kỳ cho rằng quỷ nhập là một sự kiện phải nhìn nhận một cách nghiêm chỉnh.

Với những sự kiện trên, tôi đặt dấu hỏi cho những tò mò của tôi. Tại sao thời đại này lại có nhiều hiện tượng quỷ nhập như thế? Đời sống con người trong thời đại này thế nào? Niềm tin tôn giáo? Sự công bình xã hội? Gía trị luân lý? Gía trị gia đình? Đang lúc tôi muốn tìm hiểu vấn đề này, tôi bắt gặp câu chuyện quỷ nhập một người ở Ba Tri, thuộc tỉnh Bến Tre, Việt Nam. Tôi không dễ tin, nên tôi muốn gặp tất cả đương sự, kẻ làm chứng, nhất là giáo quyền, linh mục trừ tà để kiểm điểm sự kiện. Điều tôi mong muốn đã xảy ra.

Câu chuyện xảy ra đã hơn hai mươi năm về trước. Trong số những chứng nhân, chỉ có thân sinh của nạn nhân là qua đời.

Tôi gặp chính cô Hồng, người bị quỷ nhập. Ngày đó mới 22 tuổi, hôm nay cô 47 tuổi.
Tôi gặp cô Chi, người sống bên cạnh cô Hồng mấy tháng trời, nuôi cô. Người giảng viên giáo lý tên Chi này là nhân chứng biết nhiều chuyện về cô Hồng nhất.

Tôi gặp mẹ cô Hồng, bà cụ cũng già yếu rồi.

Tôi gặp các giáo dân, những người trong ca đoàn cùng tuổi cô Hồng của nhà thờ Cái Bông.

Tôi gặp cha phó nhà thờ Cái Bông, lúc đó là thầy giúp xứ.

Tôi gặp chính cha quản nhiệm Nguyễn Văn Quang, người đã trừ quỷ cho cô Hồng.

Một trong những điều làm tôi tò mò là tại sao quỷ hay chọn mồ mả làm nơi cư trú. "Khi Đức Giêsu sang qua bờ bên kia, và đến miền Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả gặp Ngài. Chúng rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy" (Mt. 8:28). Đức Giêsu và các môn đệ tới vùng đất của dân Ghêsarê, "từ mồ mả có một kẻ bị thần ô uế ám ra gặp Ngài. Người này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Nhiều lần bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh ta bẻ gẫy xiềng xích, đập tan gông cùm. Không ai có thể kiềm chế anh được.

Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình" (Mc. 5:2-5). Bốn Phúc Âm đều nói đến mồ mả. Tôi có thể chia ra ba loại mồ mả sau đây:

- Quỷ thường sống ở mồ mả.

- Người ta cũng là một thứ mồ mả. "Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác ." (Mt. 23:27).

- Chúa phục sinh từ mồ mả.

Trong những thứ mồ mả trên chỉ có ngôi mộ của Chúa Kitô có sự sống. Về câu chuyện cô Hồng, vào những đêm cô trốn nhà thờ, người ta thường bắt gặp cô ở nghĩa địa gần đó. Cách nhà thờ không xa có một nghĩa địa lâu đời. Chị Kim Chi đã dẫn tôi đến nghĩa trang này chụp hình, chị cho tôi biết, nhiều đêm cô ta biến mất, đổ đi tìm thì thấy cô đang nằm ngoài nghĩa địa trên các mồ mả cỏ rậm um tùm. Ma quỷ gần với sự chết. Nó yêu thích sự chết. Căn nhà cư trú của nó là sự chết. Không phải những người nằm dưới đó là bạn bè nó. Nhưng nghĩa trang là nơi dành cho sự chết. Ngoài nghĩa trang chỉ còn một nơi nữa nó có thể cư ngụ là lòng con người. Như Đức Kitô đã nói, lòng con người có thể là một "mồ mả tô vôi". Trong ý nghĩa ấy, có biết bao ngôi mộ đang đi ngoài đường, đi trong chợ, ngồi ở tiệm ăn. Theo lời Đức Kitô nói, có biết bao mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ mà bên trong toàn xương người. Có thể ngôi mộ ấy là người bạn của chính mình. Họ ở cạnh nhau.

Bà mẹ cô Hồng kể cho tôi biết cô ta có dấu hiệu khác người từ hồi lên 5 tuổi. Tính đến ngày cô được trừ quỷ vào năm cô 22 tuổi, nghĩa là dòng dã 17 năm. Bà cụ cho biết trong gia đình không người con nào mặc bệnh tâm trí. Riêng cô Hồng lúc 5 tuổi thì bắt đầu đau yếu. Khoảng 10 tuổi thì bỏ nhà đi làm nhiều điều phi thường ai cũng sợ. Bà kể cô ta ăn hết một chiếc nồi đất để luộc bánh tét. Một chiếc nồi đất to thế mà cô cứ ngồi nhai rau ráu, ăn chỉ chừa có cái vành nồi. Rồi bà tự hỏi:

-Ông cha coi đó, nó ăn như vậy mà không sao, bụng đâu mà chứa hết một cái nồi đất to như vậy.

Tôi nghe bà kể, rợn người. Bên cạnh bà, trước mặt ống kính máy thu hình, chị Hồng cũng ngồi bên cạnh. Tôi giả bộ, lại bào chữa cho hành động phi thường ấy. Tôi bảo bà:

- Thưa cụ, người bị bệnh tâm thần cũng có thể làm như thế.

Chưa để bà cụ trả lời, cô Hồng lên tiếng ngay:

- Thưa cha không mà, con bị quỷ nhập thật mà cha ơi!

Chị Kim Chi cũng đang trước ống kính thu hình, kể thêm:

- Thưa cha người tâm thần gì mà treo lơ lửng trên trần nhà, lúc con nhân danh Chúa truyền cho nó ra, nó thả cô ta rơi đánh bịch cái xuống mà không hề bị gì.

Cô Kim Chi lúc ấy là giảng viên giáo lý, gặp cô Hồng ngoài đường, dẫn về nhà thờ. Theo lời cô Kim Chi thuật lại, lúc tới cổng nhà thờ cô Hồng bỏ chạy. "Nó sợ nhà thờ". Cô Chi nói vậy. Sau này đem cô Hồng về nhốt trong căn nhà thuộc đất nhà xứ. Đó là phòng họp dành cho hội Legio Mariae. Bên cạnh nhà có một giếng nước khá to. Khi quỷ nhập vào, cô nhảy xuống giếng, nằm nổi trên mặt nước hằng giờ. Những cô trong ca đoàn bấy giờ cũng chỉ độ hai mươi, bây giờ đã mấy mặt con rồi, họ là chứng nhân còn sống. Tôi gặp một nhóm sáu người, phỏng vấn họ:

- Tại sao các chị cho rằng cô Hồng bị quỷ nhập mà không phải là bệnh thần kinh?

- Thưa cha, thần kinh làm sao biết được những chuyện kín? Một hôm chúng con đang ngồi xem cô ấy lên cơn. Nó bảo: "Đấy, thằng Quang vừa đi tìm cách để chống lại ta ." Không ai hiểu nó nói gì. Sau này mới biết khi nó nói thế chính là lúc cha Quang ở nhà thờ lái xe lên toà giám mục xin đức cha làm phép giây Stola trừ quỷ đem về. Thần kinh gì mà khi hú nghe rợn người. Nó hú nghe ghê lắm cha ơi. Bây giờ mà con còn rởn da gà lên đây nè. Lúc lên cơn trốn chạy, nó chỉ về ngủ ở nghĩa trang.

Lúc tôi phỏng vấn mấy chị này, trời đã xế trưa. Tôi sẽ ra nghĩa trang chụp mấy tấm hình. Tôi lại liên tưởng đến Phúc Âm hay nói về quỷ và mồ mả. Nếu đời sống mà linh hồn là ngôi mộ tô vôi, bên trong chất chứa sự dữ, chỉ giả hình bên ngoài thôi thì đấy chính là quê hương của nó trú ngụ. Lời Chúa nói về mồ mả trong Phúc Âm Mátthêu lại vẽ trong tâm trí tôi một thứ quê hương của ma quỷ. Một thứ mồ mả nơi con người sống đang biết đi, đang mặc áo đẹp.

"Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác" (Mt. 23:27).

Phải chăng nếu sống mà linh hồn là nơi nó cư trú thì khi chết chôn xuống lòng đất nó sẽ tìm về ngôi mộ đó.

Quỷ Nhập và Qủy Ám

Đứng bên bờ giếng, tôi hỏi cả hai người, chị Kim Chi và cô Hồng:

- Đây là cái giếng, khi bị quỷ nhập cô thường nhảy xuống phải không?
- Thưa cha đúng vậy.

Giếng đầy nước, bờ giếng xây cao đến đầu gối. Chung quanh giếng có vài cây xoài, mấy gốc chuối rậm um tùm. Tôi tìm cách chống chế, trả lời cô Kim Chi:

- Nhảy xuống nước mà không chìm cũng không phải là khác thường, vì người biết bơi đâu có chìm?

- Thưa cha, nhưng đàng này khác, cô ta không bơi. Không phải ở giếng mà thôi, cả ngoài sông, ngoài đìa nữa. Cô ta nhảy xuống đìa nằm hàng giờ mà cứ nổi lềnh bềnh à, không chìm. Cô ta phá quá, cả công an xã chịu không nổi, họ muốn thảy xuống sông cho chết mà cô ta cứ nổi hàng giờ.

Tôi nhìn chị Hồng đứng cạnh bờ giếng, bóng tầu lá chuối lúc lắc, để rớt một khoảng trắng loang lổ xuống mặt. Mặt trời xế trưa. Năm nay chị 47 tuổi. Ngày đó là cô gái 22. Một thiếu nữ đang tuổi xuân thì. Suốt ngày thơ thẩn bên nghĩa trang, nằm đường ngủ bụi, tru tréo la hét, trôi trên sông. Con người ấy bây giờ đang trước mặt tôi. Tôi hỏi chị Hồng:

- Khi xảy ra như thế chị có biết gì không?

- Thưa cha không.

Trưa nay tôi đã quay phim hình cánh tay chị ta. Chính cô Kim kể:

- Thưa cha, đây là vết tích hãy còn. Con lấy lửa đốt cánh tay chị. Nếu là người thì phải biết đau chứ? Con đốt cháy như thế này mà nó cười khà khà.
Một khúc dài độ nửa tấc trên tay cô Hồng còn mang sẹo. Một vết sẹo do bị cháy rất nặng vẫn còn. Nhân chứng về vết sẹo này, một cán bộ nhà nước nghe thấy quỷ nói:

- Không ai làm gì được ta. Ta chỉ khoá giải một cái sẽ không có sẹo, nhưng ta để lại cho có vết tích mà thôi.

Lời này do chị Hồng kể. Trong khi bị đốt chị không biết gì. Quỷ nói câu trên và cán bộ kia nghe được, sau này ông ta kể lại cho cô Hồng lúc cô đã tỉnh.

Mẹ chị Hồng vì tuổi cao, tự nhiên thì không nhớ nhiều, nhưng nhắc tới thì nhớ. Cô Hồng làm cho gia đình những điều kinh hãi. Lối xóm đàm tiếu nhà đó có quỷ nhập nên ông bà khổ sở. Một tay công an lực lưỡng dí điện xem cái gì xảy ra. Thay vì cô Hồng bị giật thì chính tay công an bị điện giật té ngửa. Cô ngồi cười khà khà. Ai cũng sợ hãi thất kinh. Nếu là ma quỷ thì không ai giết được nó. Họ nghĩ vậy. Ban đêm, công an khênh cô ta để ngoài đường cho xe cán xem sao. Tôi nghe kể, mấy chiếc xe vận tải chạy qua mà cô ta không chết.

Cô Hồng kể lại, cửa sông lớn như thế, làm sao một cô gái bơi qua sông với một bao gạo? Qua sông mà gạo không ướt. Nhưng chuyện sau đây thật không hiểu nổi. Dĩ nhiên khi xảy ra thì chính cô Hồng không biết gì. Một thế lực huyền bí nào đó hoạt động trong cô mà thôi. Một hôm có người ra sông mở đáy lấy cá. Đáy là một cái bẫy đan tre dưới nước, vây lại cho cá sông vào. Khi người ta ra mở đáy thì thấy cô Hồng ngồi trong đó. Không biết cô đã ngồi trong bẫy, ngâm dưới nước từ bao giờ. Người cứng lạnh, xám xanh thế mà không chết.

Theo bà cụ kể thì từ khoảng 10 tuổi cô Hồng phát chứng những hiện tượng lạ. Những chuyện phi thường tăng dần cho đến ngày được trừ tà. Thời điểm này mới sau biến cố 30.4.75, nói chuyện ma quỷ, thần thánh là vấn đề rất tế nhị đối với quan niệm xã hội chủ nghĩa. Có thể bị kết tội mê tín dị đoan dễ dàng. Ai cũng muốn tránh né vấn đề. Khi chị Kim Chi đem cô Hồng về nhà thờ, đó là chuyện chẳng đặng đối với cha quản nhiệm. Lúc nói chuyện cha già tâm sự với tôi:

- Khó xử quá về vụ này. Tôi cũng chỉ cho là bệnh tâm lý. Nhưng dần dần tôi thấy ghê quá. Ngay nhà nước xã hội chủ nghĩa đâu có tin chuyện ma quỷ mà cũng không cắt nghĩa được những hiện tượng quái gở của cô ta. Tôi nghĩ Chúa để xảy ra cho người ta biết có tôn giáo, có thần thánh, có ma quỷ, có đời sống tâm linh.

Cô Kim Chi thì cho rằng hiện tượng này xảy ra để chúng ta biết vinh quang của Chúa. Ngay quỷ có nhập vào người ta cũng là làm cho Chúa được vinh quang mà thôi. Nó chẳng có quyền phép gì.

Trong căn nhà ngày xưa "nhốt" cô Hồng, hôm nay các sơ đang ở. Có lớp giáo lý cho các em. Giữa căn nhà, ngay lối cửa chính bước vào, còn bàn thờ có tượng trái tim Chúa Giêsu.

Cứ đêm bỏ nhà đi, cô Hồng ra nghĩa trang nằm ngủ với mồ mả. Nên trong lúc phỏng vấn, tôi hỏi cô Kim Chi:

- Ra nghĩa trang một mình tìm người quỷ nhập như thế cô có sợ không? Nhất là nghĩa trang heo hút vào ban đêm.
Cô Kim Chi trả lời bằng một câu không ngờ:

- Thưa cha nó là quỷ thì làm gì phải sợ.

Có lẽ thấy tôi ngạc nhiên với câu trả lời ấy. Cô nói tiếp:

- Nếu là trộm cướp thì sợ vì nó có thể giết mình, chứ là quỷ nó làm gì được mình mà sợ, mình có Chúa mà.

Trong giây phút mà tôi gọi câu trả lời làm cho thời gian ấy đọng lại thành linh thiêng. Tôi xác tín điều đó quá đúng. Người ta thường lấy ma quỷ để doạ nạt. Có người tôi đến không dám ở nhà một mình. Họ sợ bóng sợ vía. Nói đến người chết là nói đến ma. Họ sợ nghĩa địa. Khi gia đình có người qua đời, tôi thấy chúng ta thường nói nhà có "đám ma". Tại sao tự động gán hình ảnh ngiười chết là "ma". Tôi thấy lối nói này phải được thay đổi. Và tôi đề nghị, người Kitô hữu hãy thay đổi kiểu nói này. Ta nên nói nhà có tang lễ thay vì nhà có "đám ma". Tôi đang nghĩ về câu trả lời của người giảng viên giáo lý đã thực sự sống giáo lý này, thì cô ta nói tiếp:

- Quỷ nhập thì không sợ. Quỷ ám mới sợ cha à.

Tôi không hiểu tõ chị muốn nói gì. Thấy tôi nhíu máy im lặng, chị nói:

- Quỷ nhập, mình biết ngay là nó. Quỷ nhập chỉ làm những điều kinh thiên động địa, nhưng đâu làm gì được ta. Biết nó nhập, ta có thể trừ được. Con người quỷ ám là lòng họ gian ác, ngoại tình, thù oán, gian dối lường gạt. Họ vẫn đi nhà thờ, rước lễ mà tâm hồn không có bình an. Quỷ ám mới đáng sợ. Ai sống trong tội là sống trong tình trạng quỷ ám. Họ không làm những chuyện kinh thiên động địa, không ai biết, nhiều khi họ cũng không biết chính mình. Quỷ ám mới đáng sợ.

Tôi không ngờ một người giáo dân bình thường, một giảng viên giáo lý có cái nhìn chính xác về thần học như thế. Nhất là cô đã sống đời giảng viên giáo lý với ý nghĩa đẹp trọn vẹn của danh từ giảng viên giáo lý. Gặp người giảng viên giáo lý này cũng là một chuyến phỏng vấn mang nhiều ý nghĩa đối với tôi. Ý nghĩa trong tài liệu tôi đang thu thập, và ý nghĩa nhất là cho cuộc sống của chính mình.

Sức Mạnh Trừ Qủy Của Bí Tích

Đã hai mươi lăm năm, thế mà lúc cha già kể lại giây phút rửa tội, ngài như đang sống chính giây phút ấy. Mặt ngài trầm ngâm, nhăn lại:

- Tôi thú thật với cha, chưa bao giờ trong đời tôi sợ như lúc đó. Tôi toát mồ hôi. Giây phút vô cùng quan trọng, quyết định số phận của tôi và danh tiếng Giáo Hội. Sau năm tháng, tôi quyết định rửa tội cho nó. Cha thử nghĩ coi, nếu rửa tội xong mà quỷ không ra thì tính sao? Lúc ấy nhà nước đang để ý tôi. Họ đâu có tin chuyện tôn giáo, đâu tin thần thánh gì. Còn tôi thì lo mất mặt. Nếu là quỷ nhập thì phải trừ được. Nếu không trừ được thì còn đâu là Chúa, Mẹ nữa. Tôi lo chứ.

Tôi hỏi các nhân chứng về ngày rửa tội ai cũng nói thế. Họ bảo chưa bao giờ thấy cha xứ toát mồ hôi như vậy:

- Thưa cha, cả chúng con nữa. Nhà thờ đầy người, ai cũng sợ. Chúng con chỉ sợ rửa tội không xong. Trước giây phút rửa tội, cả nhà thờ phải đọc kinh xám hối, chúng con quỳ hôn đất xin Chúa thương. Chúng con lúc đó mới mười mấy, hai mươi tuổi, còn trong ca đoàn mà. Chúng con đứng đàng sau nó. Lúc cha sắp làm phép rửa tội, nó lùi lại phía sau, muốn chạy. Chúng con giữ lại, đẩy nó lên phía trước.

Trong giây phút rửa tội, chị Kim Chi quả quyết nghe thấy, vì khi cô Hồng quỳ xuống, mọi người đứng, thì chị Chi quỳ ngay bên cạnh sát cô Hồng. Lúc ấy có giọng nói từ phía cô Hồng:

- Ta trả lại thân xác mày. Ta đi đây.

Trong buổi phỏng vấn, khuôn mặt cha già lúc nào trầm ngâm. Ngài nói với tôi:

- Cha biết gì xảy ra không? Sau lễ rửa tội đó nó khỏi hẳn cho đến bây giờ, đã hơn hai mươi năm. Nếu là bệnh thần kinh thì tại sao sau rửa tội lại hết?
Cha thấy ghê không.

Tôi im lặng. Cha già cũng thế. Hai chúng tôi cố hình dung một sự kiện không giải thích được. Tôi quan sát chung quanh tường nhà xứ. Lúc này tôi không phỏng vấn cha trong nhà thờ nữa, đang trong phòng khách nhà xứ rồi. Căn nhà xây dở dang vì chiến cuộc. Góc tường, cha treo một tấm bản đồ rất lạ. Đó là bản đồ giáo dân trong họ đạo. Bản đồ vẽ từng nhà, nhà nào nằm gõ đường nào, rõ chi tiết. Tôi hỏi ngài:

- Tại sao trước đó cha nhân danh Chúa trừ nó nhiều lần. Nó ra rồi lại nhập vào. Tại sao sau khi rửa tội xong nó không nhập vào nữa?
Vẫn dáng điệu trầm ngâm, bên tách trà, ngài nói nhỏ:

- Tôi nghĩ thế này, lúc trước tôi truyền cho nó ra. Nó ra nhưng rồi lại nhập, vì lúc ấy chưa có Chúa nơi cô ta. Rửa tội là đóng ấn bí tích thì khác chứ. Sau khi rửa tội xong, nó là con Chúa rồi. Có Chúa trong linh hồn cô ta rồi. Khác chứ. Làm sao nó dám nhập vào nữa.

Lời giải thích của cha già như ánh sáng lóe lên trong tâm trí tôi. Phải đúng như thế. Đấy là mầu nhiệm của các bí tích.

Phải chăng Chúa cho tôi nghe lời giải thích này để xác tín quyền năng các bí tích Chúa thiết lập. Những bí tích vô cùng cao quý mang ơn cứu rỗi linh hồn. Phải chăng đây là một ơn cho tôi. Vì là linh mục, tôi cử hàng các bí tích quá thường. Nếu linh mục không còn tinh thần khi cử hành bí tích, dâng lễ chóng qua, giải tội chóng qua, không chuẩn bị cử hành các bí tích thì đời sống linh mục quá buồn. Tất cả cuộc sống thành cử hành những nghi thức vô vị, thì cuộc đời cũng vô vị. Lời cha già giải thích đơn sơ nhưng tôi thích lời giải thích ấy. Sau lời giải thích đơn sơ ấy, tôi thấy mình quý các bí tích hơn. Tôi sẽ trân trọng hết tâm hồn khi cử hành các bì tích Chúa ban.

Nắng chiều đang xuống. Tôi sắp ra về. Tôi không biết có ngày nào trở lại nơi này nữa hay đây là lần cuối. Cuộc đời rất nhiều khi là vĩnh biệt. Tôi chụp chung tấm hình với cha. Không ngờ nơi đây hơn hai mươi năm trước đã xôn xao một thời quỷ dữ về nhà thờ. Không ngờ hai mươi năm sau tôi đến đây nhìn lại dấu chứng. Cuộc sống thật đẹp vì luôn luôn có những bất ngờ. Nhìn tuổi tác cha, tôi lại nghĩ, cuộc đời đẹp nhưng quá ngắn!

Tuổi già rồi từ giã cõi đời. Ai cũng thế. Nghĩ tới đó, hình ảnh nấm mộ ngoài nghĩa trang lại hiện về. Mộ hoang nghĩa địa và chỗ quỷ hay lui tới. Mồ mả tô vôi đẹp bên ngoài và xương người chết bên trong. Những hình ảnh ấy hiện lên như một phản xạ tự nhiên. Tôi thấy bâng khuâng một thoáng buồn. Tôi cũng nghĩ ngay đến các bí tích. Bí tích ban cho người sống, bí tích ban cho người chết.

Lạy Chúa, con cần những bí tích này cho cuộc sống của con trên đường về với Chúa. Và như một linh mục, xin cho con cử hành các bí tích với hết cả tâm hồn.

Lm Nguyễn Tầm Thường