Vài chia sẻ đơn sơ về một dặm đường vừa qua - Tác giả: Lệ Hằng

Lan Mary
Đây là lời chia sẻ chân thành từ mình, Lệ Hằng. Mình thực sự nghĩ điều mình nói, và chỉ có vậy. Mình đã nghĩ rất nhiều, rằng hôm nay mình sẽ nói gì. Cuối cùng, mình quyết định không để mặt mình xuất hiện trong bài viết này vì mình muốn bạn tập trung vào điều mình chia sẻ, tập trung vào sự việc hơn là vào con người. NGUỒN:


- Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Truyện ngắn Hay - năm 2022: "Triệu view giá bao nhiêu nhiêu"

- Giải nhất cuộc thi bút ký "Di sản, văn hoá và con người Thừa Thiên Huế" - năm 2022: "Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng"

- Tặng thưởng tác phẩm chất lượng cao của tạp chí Đất Quảng 2022: "Rose và violet và những ngày mưa"

- Cuốn sách Writing Fiction từ trường viết văn Gotham (Hoa Kỳ)

- Khoá học chuyên sâu về sáng tác của Đại học Wesleyan (Hoa Kỳ)

- Lớp tập huấn làm phim phóng sự truyền hình tại Quảng Nam

- Hương sắc trong vườn văn và những cuốn sách khác...


Đây là lời chia sẻ chân thành từ mình, Lệ Hằng. Mình thực sự nghĩ điều mình nói, và chỉ có vậy. Mình đã nghĩ rất nhiều, rằng hôm nay mình sẽ nói gì. Cuối cùng, mình quyết định không để mặt mình xuất hiện trong bài viết này vì mình muốn bạn tập trung vào điều mình chia sẻ, tập trung vào sự việc hơn là vào con người.

Và để bạn có thể đón nhận những gì mình chia sẻ một cách vô tư không định kiến, mình sẽ nói rõ về động cơ của mình. Mình nhận mình là người có đức tin Kitô. Một thời gian dài trước đây, mình hầu như chẳng có idol nào, nhưng bây giờ mình nói rằng Chúa Giêsu là "idol" duy nhất của mình. Trong tinh thần của Chúa, mình nghĩ rằng tất cả những gì mình có là để tìm kiếm Chúa, lắng nghe Chúa, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Vì vậy, tất cả đau khổ, tất cả nước mắt, tất cả sự không may mình nhận lấy trong cuộc sống không phải là để mình đi vào tuyệt vọng. Đồng thời, tất cả sự ghi nhận mình có được hôm nay, niềm vui này, vinh dự này không phải là để mình tận hưởng cho riêng mình mà là để cho mình có cơ hội làm điều gì đó khác hơn, có ý nghĩa hơn cho bản thân và cho mọi người. Điều ý nghĩa mà mình muốn làm hôm nay chính là nói một tiếng nói thật thà, chia sẻ về những gì mình đã trải nghiệm, con đường mình đã đi qua, sách vở mình đã học, những tia sáng loé lên trong đầu mình... Mình là người ý thức rất rõ về việc mình làm, mình biết những giải nhất, giải nhì mà mình được nhận thực sự chúng không là gì cả giữa mênh mông cuộc đời này. Nhưng, ít nhất, trong phạm vi các tác phẩm đã in trong 1 năm của một tạp chí hay phạm vi các cuộc thi mà mình đã tham gia (Truyện ngắn hay 2022 có 1166 tác phẩm dự thi của gần 1000 tác giả), sáng tác của mình được đánh giá cao nhất và điều đó ít nhiều có thể bảo chứng cho những gì mình chia sẻ. Mình biết, với nhiều người, chúng không đáng kể. Nhưng mình không đợi đến lúc làm được cái gì đó thật đáng kể rồi mới quay lại nói như chỉ bảo người khác mà mình vừa đi vừa nói vì khoảnh khắc qua đi thì không thể lấy lại, điều gì chân thành thì phải làm ngay không hẹn không chờ. Hãy hiểu cho mình rằng những gì mình được nhận, mình không phải chỉ nhận cho riêng mình và hòn đá mình vấp phải trên đường, mình không chỉ vấp vì mình mà còn vấp vì những người sau mình nữa.


1. Cuốn sách Writing Fiction


Mình bắt đầu học sáng tác, cụ thể là viết sáng tạo có hư cấu, từ khoảng tháng 5/2020 khi mình mua cuốn Writing Fiction của trường viết văn Gotham. Mình mua nó trên Amazon Kindle với giá 10$. Truyện ngắn "Bán Chúa Cho Tao" là tác phẩm đầu tiên đánh dấu việc hình thành tư duy sáng tác của mình. Mình sẽ để link những tác phẩm mà mình nhắc đến trong bài viết này ở phần bình luận để những ai quan tâm có thể đọc.

Trước khi học, mình có viết 5 truyện, 3 truyện ngắn, 2 truyện dài nhưng mình luôn cảm thấy bức rức, chính xác là mình thấy mình như một người mù dò dẫm đi mà không chỗ vịn. Mình nghĩ là không ổn rồi, nếu mình cứ viết một cách cách cảm xúc, tuỳ hứng và mông lung thế này thì thể nào mình cũng sẽ đâm đầu vào tường, chẳng chóng thì chày. Mình chưa bao giờ thực sự hài lòng với tác phẩm của mình, "chưa bao giờ" nghĩa là ngay bây giờ, trong hiện tại mình vẫn thấy điều này. Nhưng mình chấp nhận chúng, những tác phẩm ra đời cùng với sự chưa hài lòng của mình, và chúng như cuộc sống này vậy, mục đích của cuộc sống không phải là để tìm kiếm sự hài lòng tuyệt đối mà là nhìn thấy sự không hài lòng của bản thân để cố gắng thêm, thêm nữa. Nhưng, cố gắng là cố gắng cái gì? Không thể có một sự cố gắng chung chung vô định được. Vì vậy mà mình phải học. Bên cạnh mình có người luôn bắt mình học.

Phải nói thêm rằng tư duy của mình, con đường học của mình gắn liền với sách vở tài liệu bằng tiếng Anh nhiều hơn là tiếng mẹ đẻ. Nó đã như vậy từ lâu nay rồi. Nhưng mình không phải là người "sính ngoại" theo nghĩa là chạy theo người ngoài rồi quay lại chê bai người nhà. Không! Mình là người yêu tiếng Việt vô cùng.

Mình không tham gia một khoá học viết văn nào trong nước, lí do duy nhất là vì mình không đủ khả năng chi trả cho các khoá học ấy. Mình không nói là chúng đắt đỏ, chỉ nói rằng mình không đủ khả năng chi trả, và không nói gì về chất lượng nhé. Các sách dạy viết lách bằng tiếng Việt thì mình có đọc, những cuốn từ thời đầu của chữ quốc ngữ cho đến cả sau này nhưng chúng vẫn chưa đủ cho mục đích trở thành người sáng tác của mình khi các vướng mắc trong đầu không được tháo gỡ. Tiếng Anh thực sự là cầu nối, là công cụ, là phương tiện giúp mình tiếp cận với văn chương, tiếp cận với công việc sáng tác một cách tổng quát và sâu sát hơn. Về sách, cụ thể là sách về viết lách và văn chương ở chúng ta, mình nhận thấy rằng có nhiều cuốn hay, ngôn ngữ và phong cách trình bày thuộc hàng đao to búa lớn, đọc thì nghe du dương, cảm xúc thì hùng vĩ nhưng đi đến cuối cùng của cuốn sách, điều còn lại mà một trải nghiệm như cưỡi ngựa xem hoa. Đọc xong những sách ấy, mình thấy mình như một vị khách du lịch trên vùng đất mới đầy hoa thơm cỏ lạ, mình thưởng ngoạn, mình trầm trồ, mình ghi dấu sự hiện diện của mình ở đó bằng những bức ảnh và nếm thử các đặc sản. Mắt mình, tai mình, lưỡi mình đều được no nê, nhưng chuyến đi kết thúc, thứ còn lại chỉ là kỉ niệm, mình không thể nào trở thành "người bản địa" để có thể hiểu được cách sống, hiểu giá trị văn hoá hay thế giới tâm linh của họ, càng không thể SỐNG các giá trị đó.

Dạng sách thứ hai mà mình gặp đó là sách truyền cảm hứng, chúng cũng khá gần sách "self-help". Đó là những cuốn chân dung văn học hoặc hồi ký của các tác giả đã thành danh. Nó giống như khi bạn muốn học vẽ, bạn mua ngay cuốn sách "Van gogh, cuộc đời và tác phẩm", bạn đọc nó và có điều gì đó cháy lên hừng hực trong bạn, bạn ngưỡng mộ, bạn trầm trồ và bạn hi vọng. Bạn quyết định sẽ làm một hoạ sỹ, ngày mai sẽ vẽ bức tranh đầu tiên của mình. Thật tuyệt, ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một phiên bản mới mang đầy cảm hứng của vị danh hoạ đáng kính ấy. Nhưng, ngày mai, phải bắt đầu từ đâu để có được bức tranh thứ nhất thì bạn không biết, cuốn sách không chỉ cho bạn những điều này.
Dạng sách thứ ba là những cuốn sách nghiên cứu phê bình của các nhà học thuật, họ mổ xẻ bóc tách tác phẩm, họ dán nhãn cho chúng bằng tên của các trường phái, các trào lưu, các chủ trương thủ cựu hoặc cách tân, họ khen chê, họ xếp chỗ đứng cho chúng trong xã hội văn chương, họ đưa ra các tiên đoán về số phận của chúng trong tương lai... Nhưng tin mình đi, nỗ lực của họ có thể giúp văn học phát triển nhưng không thể giúp bạn trở thành người sáng tác bằng việc đọc các cuốn sách đó được, đơn giản vì mục đích công việc của các nhà phê bình không phải là dạy bạn sáng tạo ra tác phẩm mới.

Cả ba dạng sách trên có thể tìm thấy dễ dàng, ở bất kỳ đâu. Nhưng những cuốn sách dành cho người sáng tác, nơi mọi thứ được nhìn từ góc độ, từ đôi mắt, từ ánh sáng của người sáng tác thì không có nhiều. Writing Fiction của Gotham Writers' Workshop là nơi cho mình tất cả những thứ ấy, nơi mình học thưởng thức văn chương không phải thông qua đôi mắt của nhà phê bình, cũng không phải với đôi mắt hồn nhiên của đại chúng mà là với đôi mắt của người sáng tác. Tất cả vấn đề của Viết Sáng Tạo hư cấu được bàn đến sát sườn và bàn với mục đích là tìm kiếm cái đẹp thực sự trong văn học, lĩnh hội chúng, tạo ra chúng. Cuốn sách là tập hợp các bài giảng của các giảng viên (cũng là các tác giả đã thành danh) kèm theo các bài thực hành luyện viết. Mình viết "Bán Chúa cho tao" sau đi học hết chương đầu tiên của sách. Sau đó, mình có sáng tác lai rai nhưng không nhiều như khi mình bắt đầu khoá học Creative Writing với trường đại học Wesleyan.

Với mình, điều quan trọng và sung sướng nhất là mở được cánh cửa đang khép trong đôi mắt thưởng thức của mình. Khi nói đến sáng tác, dường như người ta thường tập trung quá nhiều vào động từ "viết" dẫn đến việc quá lạm bàn về thuật viết lách, hay có thể gọi là mẹo, là thủ pháp, phong cách... mà quên mất rằng phải mở được con mắt thưởng thức của mình trước đã. Phải nâng cấp trình độ thưởng thức, nâng cấp tâm hồn mình trước đã. Khi tầm nhìn thay đổi, cả thế giới trong mắt thay đổi theo. Nhìn sâu vào cuộc sống này, mình thấy dường như mọi vấn đề đều nằm ở tầm nhìn, ở đôi mắt.


2. Khoá học Creative Writing


Một ngày của mình, ngoài học, vẽ, viết ra thì việc còn lại là... tiếp tục học. Mình vẫn lang thang trên mạng, sử dụng nguồn tài nguyên dồi dào trên ấy. Có thể hơi phóng đại một chút nhưng mình tin vào điều mà một blogger đã nói, đó là "trong thế giới mạng, không có thứ gì quan trọng hay tinh hoa mà bạn không thể tiếp cận bằng tiếng Anh". Tiếng Anh thực sự là cây cầu để mình tiếp cận với kho tri thức của nhân loại, dĩ nhiên mình chỉ mới tiếp cận 1 chút xíu xìu thôi à.

Khoá học này được cung cấp trên nền tảng Coursera. Mình học online. Mình nhớ có bạn nói với mình rằng các khoá học trên Coursera thì đâu cần phải mua, thích là có thể vào nghe được hết các video của khoá học. Thật vậy, có chế độ học này. Bạn chỉ nghe các video mà không được truy cập vào "assignment" để xem yêu cầu đặt ra cho mình trong từng tuần, không được nộp bài, sửa bài cho nhau hay thảo luận... Với mình, học mà không thực hành thì đều là cưỡi ngựa xem hoa, hay đấy, biết đấy nhưng rồi để đó chẳng sinh hoa trái gì cho bản thân. Khi đã quyết học gì, mình đều muốn đi từ bước đầu đến bước cuối. Khoá học này có giá tầm 400$, chương trình xây dựng cho 6 tháng. Mình nộp đơn xin hỗ trợ tài chính. Viết những bài luận nho nhỏ để trình bày vài điều về bản thân, được chấp thuận rồi bắt đầu học. Mình tự đánh giá mình là người học nghiêm túc. Cả ba sáng tác mình gửi dự thi cuộc thi Truyện ngắn hay 2022 mình đều viết trong thời gian này và cả ba đều được tạp chí Văn nghệ TPHCM chọn in. Chúng là những bài tập sau mỗi tuần học, rồi mình phát triển dần lên thành tác phẩm hoàn chỉnh. "Triệu View giá bao nhiêu" là truyện ngắn hoàn chỉnh đầu tiên. Truyện ngắn Oáp Trúng Số (cũng in trên tạp chí Văn nghệ tp.HCM nhưng không nằm trong khuôn khổ cuộc thi vì quá 3500 từ) là dự án cuối khoá của mình. Mình viết bằng Tiếng Anh để nộp và nghe nhận xét từ các bạn cùng học trước rồi mới viết bản tiếng Việt. Có một kỉ niệm nho nhỏ với nó, đó là một bạn học khi đọc truyện của mình đã đoán mình ở Việt Nam, người ta thấy cách mình tả một quán ăn bên vỉa hè và đoán ra VN. "Rose và Red và những ngày mưa" mình cũng viết trong thời gian này. Mình học xong là tháng 7/2022.

Một trong những thay đổi lớn nhất của mình trong khoá học này chính là qua một bài giảng của giáo sư, mình tư duy và nhận ra sự khác nhau giữa viết sáng tạo hư cấu như truyện ngắn, tiểu thuyết và viết sáng tạo không hư cấu như bút ký, tuỳ bút, tản văn... Có lẽ bạn sẽ cười nhưng vấn đề đơn giản này trước đó là một sự mơ hồ khó chịu trong đầu mình. Thời điểm đó mình chưa có một bài bút ký hay tuỳ bút nào. Mình là đứa không thể làm việc khi suy nghĩ chưa thông, chưa đạt đến một sự mạch lạc tối thiểu nào đó. Hôm ấy mình mất ngủ vì nhận ra chức năng cũng như vị trí của mỗi thể loại trong bức tranh chung của văn học và thấy từ nay mình đã có thể nắm bắt được cái đẹp của mỗi thể loại, chính xác là mình nghĩ từ nay mình có thể viết tuỳ bút, viết bút ký hay bất kỳ thể luận nào. Giờ thì không thể kể lại chi tiết vì lúc đó suy nghĩ ngồn ngộn quá, không có dấu vết để mình kể. Nhưng mình có thể nói nôm na vài lời sau. Nếu như ở tiểu thuyết và truyện ngắn, mình là "Đấng sáng tạo", mình tạo ra bối cảnh, tạo ra nhân vật, số phận, tính cách, mình hà hơi cho nhân vật được sống và người đọc sẽ thấy nhân vật của mình chứ không thấy mình thì ở bút ký hay tuỳ bút, người đọc sẽ thấy mình và sẽ gặp mình. Trong truyện, mình phải viết và phải sống bằng sự cảm thông của mình dành cho nhân vật chứ không phải bằng phán xét lí luận, phải kìm nén cái tôi, phải không phô diễn, ngược lại, trong bút ký hay trong tuỳ bút... mình được tự do thể hiện hiểu biết, thể hiện cá tính và phong cách ngôn ngữ của mình, mình viết bằng giọng văn thực sự của mình, mình có thể bay bổng, có thể hùng biện, có thể nhí nhảnh, có thể triết lý... thậm chí có thể điên khùng theo cách của mình. Các thể luận như bút ký, tuỳ bút là nơi mình cho bản thân và cho bạn đọc một cơ hội để nhìn cuộc đời một cách sâu sắc và thể hiện khả năng lí luận của mình. Và đó là một bữa tiệc được dọn sẵn, khác với truyện, truyện là nơi bạn đọc tự mình khám phá nhiều hơn...

Sau đó, mình đọc tập bút ký "Bảy ngày trong Đồng Tháp" của cụ Nguyễn Hiến Lê, lần đầu đọc một tập bút ký mà say sưa đến thế. Thực sự, khi đôi mắt thay đổi, mọi thứ thay đổi theo. Nhưng mình tiếp tục âm thầm suy nghĩ cho đến hai tháng sau mình mới viết bút ký "Dưới bóng quê hương, chợt lòng mưa nắng" - tác phẩm được ghi nhận giải Nhất trong cuộc thi bút ký về Di sản, văn hoá và con người Thừa Thiên Huế. Có thể xem đó là một lời chào sân ấn tượng, nhỉ?


3. Lớp tập huấn làm phim phóng sự truyền hình tại Quảng Nam


Nói đến đây, mình muốn gửi lời cảm ơn đến hai người thầy của mình, đạo diễn Lê Hồng Chương và đạo diễn Nguyễn Thước, hai giảng viên của lớp học này. Cảm ơn thầy vì đã cho mình làm một học sinh cá biệt của lớp, không giống bất kỳ anh chị nào trong lớp. Mình không biết làm sao để bạn cũng có thể tham gia lớp học này như mình, và càng không dám chắc là bạn cũng sẽ bội thu như mình nhưng mình không thể không kể đến bước thay đổi này.

Bạn không đọc nhầm đâu, đây là lớp về làm phim phóng sự truyền hình. Nhưng những gì mình học được phục vụ cho việc viết văn của mình. Có lẽ hai thầy cũng không hình dung ra được là nó khiến mình thay đổi nhiều đến thế nào. Truyện ngắn Hiện Thực (in trên tạp chí Nhà văn và Cuộc sống) là tác phẩm đánh dấu cho bước phát triển này của mình.

Ở đây, trong lớp học này, mình chỉ được nghe nói về làm phim tài liệu thôi nhưng kiến thức khi nhìn từ xa lại mình thấy rằng chúng có sự kết nối, sự giao thoa, hội tụ... Làm một người sáng tác (như người ta thường nói là nhà văn ấy) thì cần hai điều cơ bản sau, đó là óc quan sát và lòng cảm thông. Và ở lớp, mình có hẳn những buổi chỉ nói về kỹ năng quan sát. Mình bắt đầu thấy có sự thay đổi trong cách mình quan sát. Quan sát, lựa chọn chi tiết, lựa chọn góc nhìn (góc quay)... tất cả những cái đó không phải là lần đầu tiên mình nghe nhưng là lần đầu tiên mình thực sự "thấy". Người viết thường không mất tiền khi viết một câu một đoạn nào đó, còn trong điện ảnh mỗi một giây, mỗi một câu hình đều tính bằng tiền và bằng rất nhiều tiền khi lên màn ảnh. Mình học được tính mục đích của mỗi một hình ảnh, mỗi một tiếng động, học cách kết nối xâu chuỗi chúng lại quanh một cái trục của tác phẩm. Mình bắt đầu biết nhìn vào thực tế. Vì sao người đọc cần đọc câu này, đoạn này, tác phẩm này của mình? Chúng có xứng đáng để họ hy sinh một thứ vô cùng quý giá, đó là thời gian không? Câu hỏi này mình cũng dành cho mình nữa. Mình không viết văn để thoả mãn cái tôi, càng không viết cho vui, càng không coi nó là một cái nghiệp mà mình phải chịu. Không. Viết văn là lựa chọn của mình. Một lựa chọn làm mình hạnh phúc, mình chấp nhận trái ngọt cũng như trái đắng, tất cả vấn đề nó có thể mang đến cho mình. Mình yêu thích văn chương, hẳn nhiên rồi, nhưng mình không viết chỉ vì yêu thích bởi mình yêu thích nhiều thứ lắm. Nếu chỉ yêu thích thôi thì mình đọc các tuyệt tác văn chương cũng đủ rồi. Nếu chỉ yêu thích thôi thì mình sẽ làm việc khác, mình là người làm gì cũng có thể rơi vào trạng thái say mê cả. Nhưng mình chọn viết vì mình có câu chuyện muốn kể, có điều muốn nói từ tác phẩm và sau tác phẩm của mình... Mình chọn viết vì mình muốn được tương tác với cuộc đời này, mình muốn được hiểu. Nghĩa là, mình viết cho người khác đọc, mình cần bạn đọc, ngay lúc này, khoảnh khắc mà mình còn tồn tại trong thế giới vật chất này chứ mình không phải viết để ôm bản thảo xuống mồ. Vì vậy mình không bao giờ quên câu hỏi, thứ mình viết có xứng đáng để lấy đi một ít thời gian của mình, của bạn, của chúng ta hay không?

Thế đấy, lớp tập huấn này không chỉ dạy cho mình cách quan sát và chọn lọc chi tiết mà còn dạy mình biết đưa ra những thông điệp rốt ráo hơn tập trung hơn cho sáng tác của mình. Và dạy mình biết cách làm việc với "mục đích" - thứ rất nhiều người nói nhưng cũng rất nhiều người mơ hồ hay tự đánh mất trên hành trình thực hiện.

Từ khi kết thúc lớp học ấy đến nay mình đã viết một loạt 10 truyện ngắn và mình cảm thấy mình đang dần đi đúng đường mình muốn đi. Khi nào mình húc vào tường, mình sẽ lại la lên cho bạn biết. Lớp tập huấn kết thúc là tháng 11/2022, từ đó đến nay mình trải qua gần hai tháng không sáng tác vì lễ tết và các sự kiện quan trọng của gia đình. Mình không muốn nói con số 10 truyện ngắn đó là nhiều hay ít, vấn đề quan trọng không nằm ở con số, điều mình muốn nói ở đây là mình đã biết cách để làm việc tập trung và quy củ hơn, có lẽ cũng hiệu quả hơn trước.

Mình nói lại điều đã nói trước đây, rằng một câu nói có thể vô nghĩa với người này nhưng có thể thay đổi cuộc đời của một người khác, tất cả là nằm ở cách chúng ta đón nhận. Hãy mở rộng đôi mắt của mình, lắng nghe nhiều hơn và chắt lọc kiến thức từ những thứ bạn tiếp cận. Không nhất thiết phải đọc các tập thơ dày cộm để học làm thơ, cánh cửa có thể mở ra ở bất cứ hướng nào, điều chúng ta cần là không ngừng tìm kiếm, không ngừng tư duy.


4. Hương sắc trong vườn văn và những cuốn sách khác


Bây giờ mình giới thiệu một vài cuốn sách tiếng Việt mà mình tin tưởng rằng nó giúp ích cho quá trình viết lách và thưởng thức văn chương của bạn và chắc chắn bạn có thể tìm mua chúng. Ít nhất, chúng có thể giúp chúng ta viết tiếng Việt tốt hơn và có cái nhìn tổng quát về văn chương. Cuốn đầu tiên là Hương sắc trong vườn văn của cụ Nguyễn Hiến Lê. Cụ NHL không phải là người sáng tác mà là một học giả, một người soạn sách giáo khoa. Cụ có cái nhìn tổng quát, có sự công tâm trong đánh giá, và nhất là có sự chân thành tha thiết dành cho tiếng Việt và văn chương Việt. Mình thích văn của cụ vì mình yêu thích sự mạch lạc, trong sáng, giản dị. Ngoài Hương sắc trong vườn văn thì cụ có viết bộ Luyện Văn và cuốn Tôi tập viết tiếng Việt cũng rất đáng đọc nữa.

Mình cũng đang tập viết tiếng Việt mỗi ngày đây, mình cố gắng tập viết, cố gắng hoàn thiện tiếng Việt của mình thông qua việc học và đọc bằng các thứ tiếng khác. Ngoại ngữ giúp mình nhìn lại tiếng mẹ đẻ của mình, yêu thương tiếng mẹ đẻ hơn và cũng tham vọng hơn. Tham vọng của mình là viết ra thứ tiếng Việt thật đẹp. Thật đẹp, đối với mình, là thứ gì đó phải vô cùng gần gũi, vô cùng trong sáng, mà vô cùng sâu sắc.

Cuốn sách tiếp theo mình muốn "đề cử" đó là cuốn Để trở thành nhà văn của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Mình đã đọc nó hồi chưa học viết và nó cho mình một động lực, một lí do, một niềm tin để chọn công việc này vì mình thực sự có điều muốn nói với cuộc đời.

Ngoài ra, mình có đọc cuốn "Đọc và viết tiểu thuyết" của cụ Nhất Linh, nhưng mình không chắc là cuốn này hiện có bán trên thị trường hay là không.


5. Điều cuối cùng và quan trọng nhất


Hôm nay, mình viết ra những điều này vì chân thành thì không chờ đợi và vì một niềm tin nữa. Những gì mình chia sẻ có thể chỉ toàn là điều bạn biết, và bạn thậm chí còn biết nhiều hơn mình, giỏi hơn mình nhưng mình tin rằng sẽ có ai đó cần đến nó, ai đó đang loay hoay tìm một câu trả lời, ai đó đang cần truyền cảm hứng. Mình tin rằng con đường mình đã qua, những gì mình được cuộc đời đặt vào tay, hôm nay chúng sinh hoa trái cho mình một nhưng khi mình chia sẻ thế này chúng có thể trổ sinh hoa trái đến gấp 10, gấp 100, thậm chí đến vô cùng. Đó chính là sự kì diệu của cuộc sống. Và mình cũng hi vọng rằng sẽ có nhiều người nữa sẵn sàng mở lòng ra chia sẻ cách đơn sơ như mình, để chúng ta cùng nhau lớn lên. Dưới ánh mặt trời này, không có điều gì là tuyệt đối mới mẻ, nhưng chúng ta, mỗi một người và từng người một, là duy nhất, một thoáng duy nhất trong cõi người này. Thế giới của mỗi người là một kỳ quan sống động, nếu ai cũng mở lòng chia sẻ ra với nhau thì cộng đồng chúng ta sẽ dồi dào phong phú biết bao.

Nhân tiện, đã viết dài mình viết thêm phát nữa cho dài hẳn luôn. Đó là thỉnh thoảng có người lại hỏi mình rằng mình muốn thành nhà thơ hay là nhà văn hay là hoạ sĩ? Có thể người ta hỏi vì niềm yêu mến dành cho mình, cũng có thể đó chỉ là một sự mỉa mai, nghi ngờ. Sao cũng được, nhưng mình là Lệ Hằng thôi, và mình có vẽ tranh, có viết thơ, có viết văn nhưng mình không chủ ý trở thành một kiểu nhà hay một kiểu người điển hình nào trong xã hội.

Mình nghĩ rằng khi chúng ta yêu mến một ai đó ở một lĩnh vực nào đó thì chúng ta sẽ thích gọi người ấy bằng các danh hiệu mà chúng ta thấy họ xứng đáng. Nó như một cái nickname, cũng là một sự định kiến (không phải định kiến nào cũng xấu đâu nhé). Vì vậy, bạn có thể đặt cho mình bất kỳ biệt danh nào theo công việc mình làm, miễn là bạn thấy xứng đáng trong hệ quy chiếu của bạn. Còn nếu bạn yêu mến con người mình thì hãy gọi mình là LH. Một tâm hồn.

Hôm nay, nếu bạn đọc bài này và muốn chung vui với mình, bạn có thể hình dung ra khuôn mặt hạnh phúc của mình sau những dòng chữ này. Còn nếu như bạn muốn khen mình ở bất cứ điểm nào, xin hãy ngợi khen Chúa vì mình đã cầu nguyện con nên làm gì với món quà này đây? Rồi mình mới biết đây là điều trước nhất mình có thể làm, viết ra tất cả những điều trên. Xin hãy ngợi khen Chúa vì những suy nghĩ mạch lạc, sáng sủa mình đã có được trong thinh lặng. Xin hãy ngợi khen Chúa vì cảm giác bình an mình có được trong lúc này với tất cả những gì đã đến. Và xin bạn hào phóng cho mình một lời chúc, đó là chúc cho mình ngày một tốt hơn. Cái xấu như cỏ dại, không cần vun xới vẫn sinh sôi trong mình. Vì vậy mình sẽ biết ơn bạn vô cùng với lời chúc này.

Hallelujah!!!

Lệ Hằng