Chút cảm nhận về Thần Khúc từ xứ Phù Tang - Độc giả: Xuân Tân Phong

Xuân Tân Phong
Thật vậy, chính khi con người chịu buông tay, chịu chấp nhận cái giới hạn cỏn con của mình, ấy là lúc ánh quang giác ngộ vụt đến. Thứ có thể làm cho linh hồn no bửa không còn bởi sự cố gắng đầy căng thẳng nữa, cho bằng sự qui phục vào một Đấng mà con người xác tín là Cội Nguồn mọi sự.
NGUỒN:


Một sáng mai tinh khôi ngồi lặng yên bên hiên nhà nghe chim hót với ly trà anh đào thơm tho. Xứ Phù Tang đã bắt đầu chuyển mình vào Thu, hiện rõ ra trước khoảng sân nhỏ nhà tôi một thứ nắng vàng ươm mang theo nhịp thời gian của đất trời.

Những ký ức buổi trực viện, những cuộc chạm trán "vào sinh ra tử" của bệnh nhân lại ùa về trong tâm trí. Phải chăng sự vận chuyển của vạn vật, biến chuyển của phận người là để con người ta cảm biết, đối diện với chiều sâu bên trong bí ẩn! Miên man với dòng suy tư ấy, tôi lại nhớ về cuộc hành trình tâm linh của thi hào Dante-cha đẻ ngôn ngữ Ý và cái duyên tôi đến với Thần Khúc.

Tôi còn nhớ bảy năm về trước (2016) tôi diễm phúc được dịch giả Thần Khúc cho đọc một số ca khúc trong bản thảo. Những dòng thơ đầu tiên đã níu tôi chìm sâu vào những xúc cảm như ngất, như say. Lúc đó tôi hiểu được tại sao người ta hay gán mác như: thơ điên, thơ say, thơ siêu cho các thi sĩ. Thật dễ hiểu khi người ta ngất say lòng trước cái đẹp, mà đây lại còn là cái đẹp xưa cổ ở một đất nước xa xôi đã được thi sĩ họa lại bằng những con chữ rất Việt, giàu chất thơ, phong phú về mặt hình ảnh, cả âm thanh và vũ điệu cũng được quyện vào như một tác phẩm ngang hàng thực sự.

Thử xem:

Hào quang giãi sóng thiêng chao
sáng lừng vạn thế, sáng bao la trời
lừng lẫy sáng! Láng tùy nơi
láng đường hoan hảo, lẫy lời diệu ngân.

(Thiên Đàng, Thiên Khúc I, 1)

4 câu thơ trên có vẻ mông lung, khó hiểu! Tuy nhiên tôi đã đọc chúng không bằng cái đầu, chúng dẫn tôi đi vào một chốn huyền hoặc, "bồng lai cực lạc" nào đó rất khác mà chúng ta tạm gọi là Thiên Đàng. Điều thú vị là đoạn mở đầu Thần Khúc Thiên Đàng này, được dịch giả Việt hóa trong thể thơ Lục bát hết sức quen thuộc, tạo thành Mưỡu kép của một bài Hát nói miêu tả cảnh Thiên Đàng:

Đây Thiên Cung sáng tuyệt thần diễm lệ
hớp hồn say hào quang mĩ miều bay
lòng chìm lắng, chìm, say, đắm, ngất ngây
chao! Lặng nghe vô ngôn lời khôn tả!
Hồn khát về cực thành thơm vô giá
dạ mong đến vô cùng kiếm khôn nguôi
càng mê say càng vươn tới muôn trời
vượt lên hết quan năng ngàn kí ức
Nguồn sáng rợp khắp thiên đường nưng nức
tâm trí say sưa rạo rực nguyên châu
Sông ngân reo khúc nhiệm màu...!

(Thiên Đàng, Thiên Khúc I, 2)

Trong đoạn kể cảnh lưu vong của Dante qua hành trình Luyện Ngục, dịch giả đã cho ta thấy cái xuất sắc của mình khi chuyển dịch bằng những ngôn từ thật là thê lương thấm thía, thật là dễ khêu gợi cảm sầu:

"Nghiêng nghiêng bóng ngả giăng màn
Thuyền xa khơi sóng sánh tràn hoàng hôn
Trầm đưa văng vẳng lầu chuông
Vẳng lan điệu nhớ, trầm buông cuống chiều".

(Luyện Ngục, Ai Khúc VIII, 1-3)

Xem nó tinh xác, ráo riết và gợi cảm dường nào! Nó có một mãnh lực thôi giục lòng người, đưa người đọc vào một cuộc chiêm niệm phóng chiếu đời mình trên cuộc đời nhân vật. Rồi nội trong 4 câu:

Ta sẽ về trong giếng lòng đổi mới
ta sẽ về bên Giếng Rửa Tội xưa
mái đầu xanh cho nguyệt quế ươm thơ
diễm phúc thay ơn gọi làm thi sĩ!

(Thiên Đàng, Thiên Khúc XXV, 2)

cũng đủ để thành một bức họa tuyệt mỹ, sống động như đang nhịp thúc một nỗi lòng.

Thật vậy, tôi đã say, như say một vầng trăng mà trong ánh trăng đó chứa ẩn nhiều hình ảnh cổ văn khêu gợi. Tôi ngấu nghiến đọc đi đọc lại tới mức in sâu vào trong tâm khảm. Lúc đó, không chịu nổi việc dán mắt vào màn hình máy tính để cảm nhận những dòng thơ trên, tôi nhanh chân đi in cho mình một bản. Tối nào tôi cũng đọc nó, đọc với rất nhiều hạnh phúc. Đơn giản vì qua bản dịch của Lm Đình Chẩn, tôi nếm được cái đẹp của tiếng mẹ mà bấy lâu nay mình vẫn xài rất quen. Ngỡ ngàng trước sự giàu sang của tiếng Việt; tôi rơi vào trạng thái "lâng" vì nét sắc xảo của nó. Một ngôn ngữ đáng để dân Việt tự hào khi đứng trước sự cố gắng không mệt mỏi của dịch giả. Và tôi nghĩ rằng, có lẽ dịch giả đã Việt hóa với nhiều niềm hạnh phúc, dù phải "xù tóc bứt tai" để kiếm ra con chữ cho phù hợp. Nếu không tôi đã không cảm nghiệm được cái hạnh phúc tuôn xối ra từ những vần thơ này. Để thấy, dịch giả được trời phú bẩm cho một bản năng sáng tạo táo bạo, đã chắp cánh cho thi ca Việt Nam bay lên với trọn bộ Thần Khúc có tới 14.233 câu thơ.

Tuy nhiên, bấy giờ tôi không dám nghĩ dịch giả sẽ cho xuất bản tác phẩm này. Đâu đó trong tôi có sự ái ngại về việc đón đọc của độc giả, vì quả thực đây là một tác phẩm kén người đọc, đơn giản vì tính nội dung của nó. Nhưng tôi vẫn tin vào năng lực "chuyển hóa" bên trong dịch giả là có thật. Có như thế tôi mới được tắm mình trong dòng sông Nguyên thỉ cách đây hơn 700 năm, để có thể hiểu và gần gũi hơn với một bậc đại thi hào nước Ý, một bậc giác ngộ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại khẳng định: "Thi phẩm của ông biểu hiện tuyệt đỉnh của thiên tài".

7 năm sau (2023) đương khi là một tập sinh năm hai tại xứ sở Phù Tang, tôi ngỡ ngàng nhận trọn bộ Thần Khúc do một người chị mang từ Việt Nam qua. Một món quà bất ngờ ngoài sức tưởng tượng!

Nếu 7 năm trước tôi đọc nó như một kẻ điên "say thơ", thì 7 năm sau tôi đọc thấy trong Thần khúc một thanh âm êm ái. Nó không những hớp hồn tôi vào cơn say nức bởi một áng thơ; mà còn dìu tôi vào thật sâu- sâu trong sự thinh lặng yên ắng của một bài ca đang ngân lên những nhiệm khúc mầu nhiệm của Đạo thánh.

Sau khi đã siêu thăng qua chín tầng trời diễm phúc Thiên Đàng, tôi no say trong thứ ánh sáng yêu kiều, nhuốm muôn màu muôn vẻ; tuy có vẻ kỳ bí nhưng khiến ta run lên những hồi mầu nhiệm. Tôi đặc biệt thích thú thiên khúc này vì vũ điệu của nó khi trầm khi bổng, khi hùng tráng lúc du dương. Đến với Luyện Ngục tôi bắt gặp một khung cảnh ảm đạm mà thê lương khiến người đọc phải xuýt xa, lạnh lùng cho một kiếp người. Một kiếp người đã từng trải qua bao hồi trẻ đẹp, lắm cuộc truy hoan, nay thương tiếc từng hào thời gian, cúi xin ân sủng cứu độ! Còn với Hỏa Ngục, tôi ớn lạnh người bởi cách dịch giả diễn dịch, tô vẽ "văn hóa chưởi" đậm mùi chợ búa Việt Nam, nhưng lại rất hoa mỹ.

Có thể nói, để hiểu được Thần Khúc mới đầu tôi cần tìm một không gian thinh lặng để đọc. Nhưng dần dần tôi bất giác nhận ra, tự thể Thần Khúc có thể ứa ra một năng lượng dẫn người đọc đi vào thinh lặng gặp gỡ:

Gặp gỡ một thực tại cái tôi:

"Khi thân ta bị đâm thâu hằn hai mũi kiếm hiểm sâu chí tử
Máu hòa suối lệ ta hướng lòng về Đấng cứu đời xót thương.
Ôi ta tội lỗi khôn lường!
Nhờ Lượng Cả trùng dương đoái nhìn
Nhờ lời tha thiết van xin gột rửa tấm linh hồn vấy máu"

(Luyện Ngục, Ai Khúc III, 118-123)

Gặp gỡ được nỗi lòng khao khát Chân-Thiện-Mỹ:

Hỡi ánh sáng tuyệt vời muôn ảo diệu
Vượt lên trên trí tưởng tượng phàm nhân
Xin cho tôi nhớ lại được đôi phần
Cho lời thơ bật rung ngàn phẩm tiết

Chiếu tia sáng nguồn vinh quang bất diệt
Truyền lại cho muôn thế hệ tương lai
Cho ký ức khắc ghi cảnh thiên thai
Thơm muôn đời chứa chan hương cực lạc!

(Thiên Đàng, Thiên Khúc XXXIII, 6)

Hay như:

"Tia sáng chân lý bừng lên như ngọn lửa
Cháy trong tôi như sao giữa trời đêm".

(Thiên Đàng, Thiên Khúc XXIV, 145-147)

Tìm một con đường dẫn tới hạnh phúc trọn vẹn để khỏa lấp cái khát linh hồn, hầu đạt tới bến đỗ cuối cùng là được hợp nhất trong Tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa:

"Hồn tôi bay tới đây đành bất lực
Chợt ánh quang giác ngộ rực chói lòa
Ôi ân sủng! Ước muốn lại thăng hoa
Mà trí phàm, siêu tưởng, đành câm nín"

(Thiên Đàng, Thiên Khúc XXXIII)

Thật vậy, chính khi con người chịu buông tay, chịu chấp nhận cái giới hạn cỏn con của mình, ấy là lúc ánh quang giác ngộ vụt đến. Thứ có thể làm cho linh hồn no bửa không còn bởi sự cố gắng đầy căng thẳng nữa, cho bằng sự qui phục vào một Đấng mà con người xác tín là Cội Nguồn mọi sự.

Cuộc đời của Thi hào Dante mà ông đã đi qua, cũng là một bản tóm tắt cuộc đời của mỗi người. Khi đọc tới đoạn, cùng với người hướng đạo vượt qua khu rừng tăm tối, tôi đã nhảy dựng da gà vì thanh âm của nó thật sát với những cuộc đụng độ tâm linh của tôi. Không phải là một cuộc đào tẩu nhưng là một cuộc vượt thoát đầy hy vọng:

"Còn ngươi sao nản lòng chuyện rối bời?
Sao không hướng đỉnh thiên khơi?
Sao không về bến rạng ngời hạnh phúc?"

(Hỏa Ngục, Bi Khúc I, 76-78)

Không thể nói, 700 năm trước ư? xưa rồi Diễm ơi! Qua tài năng chuyển dịch của thi sĩ Lm Đình Chẩn, áng thơ đó vẫn tiếp tục sống, dịch chuyển, cư trú trong trái tim người Việt một cách tự nhiên. Với tôi, Thần Khúc trở thành một thầy dạy và là một nhân chứng hùng hồn chỉ cho tôi nước bước đường đi trên cuộc lữ hành dương thế.

"Ôi! Vinh quang sáng ngời của Thiên Chúa
hồn rẩy run, con chạm thấy diệu huyền".

Xuân Tân Phong, Phù Tang ngày 28.9.2023