Dòng cảm nghiệm ngày thứ Năm Tuần Thánh - Tác giả: Hoa Dại

Lan Mary
Thầy ơi! Con mong giờ này con ở lại với Thầy là một giờ trọn vẹn và tròn đầy như ánh trăng kia. Con mong tình yêu của con dành cho Thầy cũng sáng rực như màu ánh trăng. Con mong chính giờ phút này, Thầy không còn thấy buồn chết được bởi sự vô tâm vô tình của con người nữa Thầy ạ. NGUỒN:

TRONG VƯỜN DẦU



Thư gửi Thầy Giêsu

Thầy kính mến!

Trăng đêm nay tròn lắm Thầy ạ. Nhìn ánh trăng hôm nay, ngay tại thời điểm này, con nhớ tới ánh trăng trong Vườn Dầu năm xưa. Thầy ơi, trong Vườn Dầu năm xưa ấy, chắc trăng cũng tròn lắm Thầy nhỉ. Và rồi con lại nghe Thầy thổn thức: Anh em không thức nỗi với Thầy một giờ sao?

Ôi! Các học trò yêu quý, những môn đệ thân tín đều đã mê man và chìm sâu trong giấc ngủ, mặc cho lời năn nỉ của Thầy: Anh em ở lại mà canh thức với Thầy. Hình như hồi nãy họ hơi quá chén, nên bây giờ mới đặt lưng xuống là họ đã đua nhau thể hiện tiếng ngáy. Ai cũng ngáy khò khò, không ai chịu ai.

Ôi! Giấc ngủ vô tư của đám trẻ con hay là giấc ngủ vô tâm vô tình của người lớn đây Thầy nhỉ! Thầy đứng nhìn rồi lại lẳng lặng bỏ đi. Thầy đi đến một nơi xa hơn để cầu nguyện cùng Cha. Thầy ơi! Ánh trăng tròn mà tình nghĩa thầy trò lại khuyết quá Thầy nhỉ. Ánh trăng sáng rực mà tình người lại lờ mờ quá. Lờ mờ vì sự vô tâm, vô tư. Lờ mờ vì lỡ say sưa với chén rượu nồng. Lờ mờ vì đôi mắt nặng trĩu, và lờ mờ vì chẳng hiểu gì về Thầy. Con không chê trách đoàn môn đệ của Thầy, con cũng không dám lên án họ. Vì con sợ mình cũng rơi vào cái lờ mờ của các môn đệ năm xưa, con sợ mình không thức với Thầy nổi một giờ, con sợ mình cũng "tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại nặng nề". Con sợ mình cũng rơi vào giấc ngủ vô tâm vô tình như các môn đệ xưa. Con ước mong được một giờ trọn vẹn với Thầy.

Ngồi trước mặt Thầy giờ này, con tưởng tượng như mình đang ở trong Vườn dầu năm xưa ấy. Con ngồi trên một tảng đá bằng, gần thầy, để nghe tiếng lòng Thầy bồi hồi, xao xuyến: "tâm hồn Thầy buồn đến chết được". Ôi! Con Thiên Chúa đang buồn chết được. Thầy buồn đến chết vì chén Thầy sắp lãnh nhận. Chén ấy là chén đắng. Thầy ơi! Con không thể nào cảm nhận được vị đắng và sự chát chúa nơi cái chén ấy, nhưng con biết rằng, Thầy cũng đang run sợ trước cái chén đắng ấy. Thầy cũng đã phải thốt lên: "Lạy Cha, nếu có thể, xin hãy cất chén này cho con". Nhưng rồi Thầy đã nhanh chóng nói tiếp: "Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha".

Thầy biết trước vị cay đắng nơi cái chén mà Thầy sắp phải chịu, Thầy xao xuyến, Thầy buồn đến chết được là điều vô cùng hợp lý phải không Thầy. Thầy không chạy trốn, không đổ chén đắng ấy đi, nhưng Thầy xin Cha ở bên Thầy, gia tăng sức mạnh nội tâm cho Thầy, để Thầy đón lấy cái chén ấy cùng với tất cả sự cay đắng của nó.

Ngồi trước mặt Thầy giờ này, con cũng kể cho Thầy nghe những nỗi niềm của con. Con kể cho Thầy nghe những điều làm cho con thấy buồn đến chết được. Con kể cho Thầy nghe những thương tích trong lòng con: những vết thương của những sự sứt mẻ trong các mối tương quan, những vết thương bởi những va vấp trong đời sống thường ngày, và cả những vết thương bởi những yếu đuối, thấp hèn trong cõi lòng con. Con muốn kể cho Thầy nghe tất cả, con muốn trò chuyện với Thầy để Thầy không còn thấy cô đơn, để Thầy không còn thấy buồn. Và hơn hết, con kể cho Thầy nghe là để Thầy chữa lành những thương tật ấy cho con. Con muốn kín múc sức mạnh nội tâm từ nơi cõi lòng Thầy.

Thầy ơi! Con mong giờ này con ở lại với Thầy là một giờ trọn vẹn và tròn đầy như ánh trăng kia. Con mong tình yêu của con dành cho Thầy cũng sáng rực như màu ánh trăng. Con mong chính giờ phút này, Thầy không còn thấy buồn chết được bởi sự vô tâm vô tình của con người nữa Thầy ạ.

Ở lại với Thầy giờ này, con cũng xin Thầy ban sức mạnh nội tâm cho con, để con cũng biết can đảm đón lấy những chén đắng trong cuộc đời con.

Con của Thầy!

Hoa Dại


ÁN XỬ TỬ



Nửa đêm qua Thầy đã bị đem đi. Quân lính đưa Thầy đi như áp giải một phạm nhân. Thầy bị xét xử ở hai toà: toà đạo trước, toà đời sau. Đến toà án đạo, mấy bác trong Thượng Hội Đồng đã sẵn sàng trong từng vị trí: có người tra hỏi, có người ghi chép, có người cầm gươm,...tất cả đều sẵn sàng cho một vụ án... bất công. Nói bất công là đúng thôi, vì phạm nhân có rồi, án tử treo sẵn đấy rồi, giờ chỉ còn thiếu nhân chứng buộc tội nữa là xong.

Việc quan trọng bây giờ là tìm cho ra tội mà thi hành án. Nhưng tìm ra tội đâu có dễ, cũng có mấy người đứng lên làm chứng gian, nhưng vì là chứng gian nên đâu có ăn khớp nhau. Thế rồi vị Thượng tế cũng phải đứng lên tra hỏi: Ông nói mình là Con Thiên Chúa ư? Thầy đáp lại: Đúng như ông nói đó. Vậy là cả Thượng Hội Đồng xôn xao, hô hào và xé áo, bởi lẽ họ nói Thầy nói điều phạm thượng. Ai không biết lại tưởng họ là những người trung thành với Thiên Chúa, nhưng nào ngờ, họ trung thành với quyền lợi của họ hơn. Mấy hôm trước họ còn nhỏ to với nhau: Phải tiêu diệt tên Giêsu này thôi, vì ông ta mà dân chúng bỏ chúng ta. Cũng đúng thôi, Thầy thường giảng dạy nơi đường phố, trên núi đồi, hễ chỗ nào tụ tập dân chúng được là tụ tập. Đã vậy, Thầy còn hay làm phép lạ, chữa lành bệnh tật, cứu sống kẻ chết nên dân chúng cứ vậy mà lẽo đẽo theo Thầy. Thành ra Hội Đường trở nên ế ẩm, càng ngày càng ít người lui tới.

Những việc Thầy làm là tốt thật đấy, nhưng đụng đến quyền lợi của những con người đang xét xử đây, cho nên chết là cái kết vô cùng hợp lý. Phiên toà đạo mà sao bất công thế. Công lý ở đâu? Sự thật ở đâu? Lương tâm ngay thẳng ở đâu? Ừ thì: lương tâm vẫn ở đấy nhưng không còn răng, không còn răng thì không còn khả năng cắn rứt. Công lý, sự thật thì vẫn ở đâu đó nhưng không tồn tại trong phiên tòa này. Công lý, sự thật xin nhường lại cho cả nhân loại, còn phiên tòa này chỉ quan tâm đến quyền lợi mà thôi.

Thế là ổn rồi, có lý do buộc tội rồi. Đợi cho trời sáng là dẫn sang toà đời. Trời vừa tảng sáng, họ lại vội vàng điệu Thầy đi. Lần này là tới gặp Philato. Ông này thì muốn tha cho Thầy đấy, vì chẳng thấy lý do nào thích đáng mà trao án tử. Nhưng các kỳ mục vội lên tiếng: Ông ấy tự xưng mình là vua dân Do Thái. Nhưng chúng tôi chỉ có một vua thôi, đó là hoàng đế Xêda.
Nếu ông không giết ông này, thì ông không phải là bạn của vua. Ấy chết, không phải bạn thì là thù rồi, mà dám công khai là kẻ thù của vua thì chỉ có mất ghế, mất mạng thôi. Philatô nhìn Thầy và chỉ biết nghĩ thầm: Ông rất tốt nhưng tôi rất tiếc. Tôi cũng thương ông, nhưng tôi thương bản thân tôi hơn. Cố gắng lắm mới leo lên được cái ghế này, tôi phải giữ cho chắc. Trượt ghế này là trượt luôn đời tôi.

Công nhận quyền lực, chức tước quan trọng thật. Người ta hy sinh mạng sống của người khác để đổi lấy nó, giữ nó cho bằng được. Ôi! Cán cân công lý đã bị méo mó, khập khiễng. Xã hội chúng ta hôm nay cũng cần lắm những con người liêm chính, công bằng và biết tôn trọng sự thật. Như Marther Luking đã từng nói: Xã hội không chỉ tồi tệ bởi những hành động xấu xa của những kẻ ác, mà còn do sự im lặng của người tốt.

Chẳng một ai đứng ra bênh vực, bảo vệ Thầy. Buồn chẳng muốn nói! Còn đám dân đang hô hào kia, mới hôm trước, chính miệng lưỡi ấy hoan hô Thầy trong ngày Thầy tiến vào thành, thì nay lại chính những miệng lưỡi ấy kêu la đóng đinh Thầy. Ôi! phải nói thế nào với lòng dạ hay thay đổi của con người. Hôm nay thế này, hôm mai đã thế khác. Hôm nay hoan hô, ngày mai vùi dập. Thế mới thấy tâm lý đám đông cũng nguy hại lắm. Nó có sự lây lan, và chính sự lây lan ấy đã bóp nghẹt sự thật. Bởi vì sự thật lắm khi cũng không nằm trong sự chọn lựa của đám đông.

Thế là Thầy phải lẳng lặng chịu lấy cái án tử. Thầy ơi! Thầy là nạn nhân của những phiên tòa bất công. Thầy đã lãnh nhận trọn sự bất công ấy. Xin cho con mỗi khi phải chịu điều bất công, giả dối thì con biết nhớ đến Thầy. Thầy cũng mời con phải can đảm sống cho sự thật, làm chứng cho sự thật. Thầy ơi! Để sống cho sự thật, nhiều khi con phải trả cái giá đắt, nhiều khi tim con phải chấp nhận rướm máu. Xin cho con biết bước theo Thầy mỗi ngày.

Hoa Dại


YÊU THƯƠNG NHƯ THẦY



Buổi tiệc hôm nay thịnh soạn quá! Có rượu, có bánh, có trái cây...mọi thứ đã được dọn đầy ắp trên bàn. Mọi người đã có mặt đầy đủ. Thầy ngồi giữa, mười hai môn đồ chúng tôi quây quần bên Thầy. vẫn như thường lệ, tôi lại ngồi bên Thầy, đầu tựa vào lòng Thầy. Thầy trò đang ăn uống, chuyện vãn vui vẻ, bỗng tôi nghe tim Thầy đập nhanh như muốn thoát ra khỏi lồng ngực. Thầy làm hiệu cho tôi xích Thầy ra. Bỗng Thầy đứng lên, cởi lớp áo ngoài ra, rồi Thầy lấy khăn buộc vào lưng, Thầy lần lượt đến với từng người, cúi xuống rửa chân cho họ.

Thấy hành động Thầy làm, có mấy anh em hét toáng lên: Thầy mà rửa chân cho con sao, con không chịu đâu. Thầy từ tốn trả lời: Thầy không rửa thì anh sẽ không được sạch. Thế là mặc cho sự ngạc nhiên của các môn đệ, Thầy vẫn tiếp tục cho đến người cuối cùng. Các môn đệ chúng tôi vẫn nhìn nhau, không hiểu điều Thầy làm. Khi rửa chân xong, Thầy về lại chỗ ngồi. Thầy nhìn tất cả chúng tôi, một ánh mắt trìu mến. Ánh mắt muốn gửi trao bao lời yêu thương.

Rồi bỗng Thầy lên tiếng: việc Thầy làm anh em chưa hiểu được, nhưng sau này anh em sẽ hiểu. Tất cả chúng tôi, mắt chăm chú, tai thì giãn ra hết sức để không bỏ sót lời nào của Thầy.

Một lát sau, tôi lại thấy Thầy cầm miếng bánh, Thầy thầm thì đôi điều cùng Chúa Cha rồi bẻ ra, trao cho chúng tôi và nói: "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy". Anh em chúng tôi lại nhìn nhau, không hiểu điều Thầy nói. Thầy lại cầm chén rượu rồi nói: "Anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, máu giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội...Thế đấy, Thầy đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Và quả thật, lúc ấy chúng tôi chẳng hiểu gì.

Lúc ấy, ánh mắt Thầy trở nên đượm buồn. Chắc là Thầy đang thổn thức điều gì đó. Hay Thầy mong mỏi gì cho các môn đẹ, những kẻ đang đồng bàn với Thầy, tôi chẳng rõ. Đợi cho các môn đệ bớt xôn xao, Thầy lại nói tiếp: "Anh em hãy yêu thương nhau". Lời ấy diễn tả hết tâm tư của Thầy. Lời ấy xuất phát từ cõi lòng yêu thương của Thầy.

Tôi đoán là Thầy lo lắng cho chúng tôi lắm. Bình thường khi ở với Thầy, lúc có mặt Thầy, chúng tôi vẫn cãi nhau chí choé, huống chi là khi Thầy không còn hiện diện. Yêu thương nhau là lời dặn dò của Thầy. Thầy hiểu rõ từng người chúng tôi với từng tính cách khác biệt. Thầy biết rõ trong chúng tôi: người thì nóng tính như lửa, người thì bộp chộp, người thì thuộc trường phái khoa học thực nghiệm, phải thấy thì mới chịu tin...Cho nên, yêu thương nhau là tâm tư mà Thầy muốn gửi trao.

Bây giờ, Thầy chẳng còn bên tôi, nhưng lời Thầy năm xưa ấy vẫn vang vọng trong lòng tôi. Nhiều khi tôi thấy lời này đòi hỏi tôi quá...

Tôi kể với Thầy những con người làm tôi phải buồn lòng, những người hay có những thái độ vùng vằng, khó chịu một cách vô cớ. Tôi nói với Thầy về sự mệt mỏi của tôi khi phải sống chung với những người đó. Tôi nghe được câu trả lời của Thầy: hãy yêu thương nhau
Tôi kể cho Thầy nghe những khó khăn mà tôi phải đối diện trong đời sống chung, về những mối tương quan bị rạn nứt, về những con người mà tôi muốn trốn chạy, xa lánh. Tôi lại nghe được lời mời gọi của Thầy: Hãy yêu thương nhau.

Tôi kể cho Thầy nghe những người ngang ngược, khó tính khó nết và những sự hiểu nhầm, sự bất công khiến tôi muốn co rúm mình trong tương quan với người khác. Tôi lại nghe Thầy nói: Hãy yêu thương nhau.

Lời của Thầy quả là một thách đố với tôi. Nhưng không phải khó quá thì bỏ qua. Nhưng tôi quyết tâm để cho lời Thầy được vang vọng trong tâm trí tôi và thấm nhập trong lòng tôi.
Tôi: người môn đệ Chúa thương

Hoa Dại


TÔI KHÁT



Đó là lời thứ năm trong bảy lời cuối cùng của Chúa. Trên cây Thập Giá, trong cơn hấp hối, Chúa đã thốt lên: "Ta khát". Người ta chỉ nghĩ rằng Chúa khát nước. Mà cũng đúng thôi, vì thân xác đã rã rời, mặt mũi thì chẳng còn hình dạng con người. Chịu đói, chịu khát, chịu đánh đòn, chịu khạc nhổ, bây giờ Chúa kêu khát là vô cùng hợp lí. Nhưng Chúa còn một cái khát sâu xa hơn, đó là khao khát con người, khao khát tình yêu của con người dành cho Chúa và dành cho nhau.

Thiên Chúa là tình yêu. Đó là một định nghĩa hoàn hảo khi nói về Thiên Chúa. Tình yêu ấy được thể hiện qua cái chết thí mạng của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người. Một tình yêu lý tưởng phải là tình yêu đến từ hai phía. Có ai trong chúng ta đã trải qua kinh nghiệm yêu đơn phương, yêu mà không được đáp đền, yêu mà bị từ chối thì sẽ phần nào hiểu được nỗi niềm của Con Thiên Chúa.

Chúa Giêsu yêu nhân loại đến thí mạng sống mình, Ngài yêu đến nỗi chết trên cây Thập Giá, nhưng cớ sao nhân loại vẫn hững hờ với tình yêu của Ngài. Chúa như một kẻ yêu đơn phương mong được người mình yêu đáp trả tình yêu ấy. Trong tình yêu với con người, Thiên Chúa luôn đi bước trước, Thiên Chúa luôn là người yêu nhiều hơn.

Người bạn của tôi từng chia sẻ cho tôi một kinh nghiệm: phải lấy người yêu mình chứ đừng lấy người mình yêu. Phải lấy người mà họ yêu mình nhiều hơn. Nghe xong bỗng có một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi: Thế sao không chọn lấy người mà khi ở bên nhau, cả hai người đều cảm nhận được dòng điện tình yêu đang chảy tràn nơi cả hai con tim, và tình yêu đang rung nhịp nơi cả hai cõi lòng, đó mới là một tình yêu lý tưởng chứ.

Nói như thế để thấy rằng Chúa đang rất khát khao tình yêu của chúng ta. Tình yêu phải là sự tự do ưng thuận. Không ai có thể ép người khác yêu mình. Một khi đã ép buộc thì không còn là yêu nữa. Con Thiên Chúa cũng vậy, Ngài yêu chúng ta, và Ngài cho chúng ta tự do để chọn lựa và quyết định. Ngài không ép chúng ta yêu ngài, nên cơn khát của Ngài càng mãnh liệt hơn.

Có ai đó đã nói với tôi: Thiên Chúa không muốn vắng bóng bạn trong cuộc đời Ngài. Tôi đã rất xúc động khi nghe lời ấy. Thiên Chúa không muốn vắng bóng tôi trong cuộc đời Ngài, còn tôi và bạn, chúng ta đã đặt để Ngài ở đâu trong cuộc đời chúng ta? Thiên Chúa vẫn đang tỏ tình với chúng ta trong từng giây phút: Ta không thể thiếu con trong cuộc đời Ta. Thiên Chúa đang hạ mình, đang xòe tay ra để xin tình yêu của chúng ta. Ngài đang khát tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Vậy chúng ta có dám dùng tình yêu để đáp đền tình yêu không?

Thông thường, con người chúng ta ai cũng có những nỗi khát khao. Có người khát khao có được nhà lầu, xe hơi, gia đình hạnh phúc. Có người khao khát được một tờ độc đắc khi mua mấy tờ vé số. Có người khao khát có được một công việc ổn định. Tất cả những khao khát ấy rất chính đáng nhưng cũng bình thường lắm.

Mang danh là người Kitô hữu, đặc biệt đối với những người "theo sát Chúa Kitô", có bao giờ bạn khao khát chính Thiên Chúa là người đang khao khát tình yêu của bạn không? Có bao giờ bạn khao khát tìm gặp Chúa qua từng biến cố hằng ngày không? Và hơn hết, có bao giờ bạn dám khao khát điều mà Chúa đang khát khao không?

Thiên Chúa vẫn luôn khao khát tình yêu của con người dành cho Ngài và tình yêu của con người dành cho nhau. Xin hãy một lần cho Ngài được thỏa cơn khát trong chính cuộc đời bạn!

Hoa Dại