Sách "Thần khúc - Dưới cái nhìn ĐCV Bùi Chu"

Lan Mary
Chiều ngày 29/04/2024, Đại Chủng viện Bùi Chu hân hoan chào đón Cha giáo Giuse Trần Văn Đỉnh (bút danh Đình Chẩn) đến chia sẻ tác phẩm "Thần Khúc" do ngài biên dịch. Hiện diện trong buổi nói chuyện, có Cha Giám đốc Đaminh Trần Ngọc Đăng, quý Cha giáo và toàn thể quý thầy nội trú. NGUỒN:


Chiều ngày 29/04/2024, Đại Chủng viện Bùi Chu hân hoan chào đón Cha giáo Giuse Trần Văn Đỉnh (bút danh Đình Chẩn) đến chia sẻ tác phẩm "Thần Khúc" do ngài biên dịch. Hiện diện trong buổi nói chuyện, có Cha Giám đốc Đaminh Trần Ngọc Đăng, quý Cha giáo và toàn thể quý thầy nội trú.

Mở đầu buổi chia sẻ, Cha Giám đốc Đaminh thay lời cho gia đình Đại Chủng viện gửi lời chào thăm tới Cha giáo Giuse. Theo Cha Giám đốc Đaminh: "dịch là phản bội nhưng dịch cũng là sáng tạo. Hôm nay Đại Chủng viện được gặp một tác giả đã dày công trong vòng 14 năm để dịch tác phẩm Thần Khúc của Dante. Tuy là người Việt Nam thứ 7 chuyển ngữ, nhưng ngài lại là Linh mục Công Giáo đầu tiên Việt hóa tác phẩm kinh điển của văn học Ý, nên chắc chắn sẽ có những nét sáng, nét độc đáo và nét đẹp mà những bản dịch trước đó không có được."

Trong bài giới thiệu "Thần Khúc của đại thi hào Dante Alighieri dưới góc nhìn Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu", Cha giáo Giuse lần lượt đi qua ba phần: phần I là cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm Thần Khúc của Dante; phần II là Thần Khúc từ góc nhìn Chủng viện; Phần III là một chút giao cảm giữa Thần Khúc và Truyện Kiều. Ở phần I, cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm Thần Khúc của Dante.

Về con người và sự nghiệp của Dante, Cha giáo Giuse giúp quý Thầy biết được Dante Alighieri sinh năm 1265 và mất năm 1321. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc nhỏ và tuổi thơ đã phải chịu mồ côi mẹ. Dù sống trong giai đoạn xung đột giữa thần quyền và thế quyền, nhưng Dante luôn giữ vững đức tin, ông rất sùng kính hai vị thánh đương thời là Phanxico và Đaminh. Thậm chí, ông đã dành hai ca khúc riêng để kính các ngài trên Thiên đàng. Năm 9 tuổi, ông được gặp nàng thơ Thiện Bích (Beatrice). Năm 12 tuổi ông hứa hôn với một thiếu nữ khác trong vùng, 8 năm sau hai người chính thức kết hôn và có với nhau ba người con. Khúc quanh cuộc đời xảy đến là sau biến cố nàng Thiện Bích qua đời, chính cú sốc tâm linh này đã giúp ông trú tâm vào việc học hỏi đào sâu thần học, triết học, đặc biệt là Kinh Thánh. Ông thấm nhuần những trang Kinh Thánh, thế nên trong Thần Khúc ông trích dẫn một cách minh nhiên khoảng hơn 500 lần Kinh Thánh bản Vulgata.

Với tác phẩm Thần Khúc, Dante được xếp ngang hàng với các đại thi hào của thế giới, được coi là Tứ đại thánh thi. Đối với người dân Ý, Dante không chỉ là Nhà Thơ Tối Cao, mà tác phẩm của ông còn được coi là "Kinh Thánh" thời Trung Cổ và chính ông được cũng được gọi là "cha đẻ" của ngôn ngữ Ý.

Trong thế giới Công giáo, Dante thậm chí còn chiếm vị trí độc nhất vô nhị qua ba tài liệu: thứ nhất là Thông điệp "trên đỉnh hào quang" của Đức Thánh cha Biển Đức XV nhân dịp 600 ngày mất của Dante; thứ hai là Tự sắc "ca khúc tuyệt đỉnh" của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI dịp kỉ niệm 700 năm ngày sinh của Đại thi hào và sau khi kết thúc công đồng, thánh Giáo hoàng đã tặng cho mỗi nghị phụ một bản Thần Khúc; thứ ba là Tông thư "vẻ đẹp huy hoàng của ánh sáng vĩnh cửu" được Đức Giáo hoàng Phanxicô viết năm 2021 dịp kỉ niệm 700 năm ngày mất của Dante.

Về cấu trúc, Thần Khúc là tuyệt phẩm bộ ba (Hỏa ngục, Luyện ngục, Thiên đàng), mỗi phần gồm 33 ca khúc tổng cộng 100 ca khúc (ca khúc thứ nhất giới thiệu chung), với 14.233 câu thơ khổ 3 dòng. Con số 3 là con số biểu tượng Dante lấy gợi hứng từ chính trong Kinh Thánh với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên Dante gặp nàng thơ Thiện Bích năm 9 tuổi, lần 2 năm 18 tuổi...nhưng nó biểu thị cho những nhận thức về Thiên Chúa. Con số 33 chính là tuổi của Chúa Giêsu và nàng thơ Thiện Bích (Beatrice) chính là lối chơi chữ để chỉ về hình bóng Đức Kitô, biểu tượng của ân sủng từ trời xuống.

Dante viết Thần Khúc trong vòng 14 năm, nhưng những dữ kiện thời gian của tác phẩm lại xoay quanh Tuần thánh của Năm thánh 1300 (năm thánh đầu tiên của Giáo hội). Vậy nên nó mang ý nghĩa cứu độ và ân sủng mà chính Dante đã lãnh nhận được.

Cũng theo Dante, mỗi tình trạng của: Hỏa ngục, Luyện ngục, Thiên đàng gồm 9 tầng

Ở Hỏa ngục, Dante dựa trên quan điểm triết học của Aristote để xếp các tội theo thứ tự từ tội không tự chủ, tội bạo lực, tội sai lạc đức tin, gian xảo, chống người xa lạ... đến tội nặng nhất, dưới đáy địa ngục là tội phản bội ân nhân, chính nơi này Dante đã gặp Giuđa Ítcariốt.

Với Luyện ngục mỗi tầng Dante không xếp theo nhãn quan Aristote mà xếp theo Tám mối phúc thật. Mỗi tầng là một mối phúc và ở các tầng đều có gương của các thánh, hay những nhân vật trổi vượt về các nhân đức, đặc biệt là Mẹ Maria, để những người ở Luyện ngục noi theo.

Thiên đàng được Dante lấy theo mô hình quan điểm cổ đại, với cái nhìn về vũ trụ lúc bấy giờ là thế giới tĩnh, trái đất làm trung tâm và các tầng trời xoay quanh trái đất.

Kết thúc ở mỗi phần Hỏa ngục-Luyện ngục-Thiên đàng, Dante đều kết thúc bằng "hướng mắt lên vì sao", tức ông luôn thắp lên niềm hi vọng, gợi hứng để kéo mọi người lên.

Vậy đâu là chìa khóa để hiểu Thần Khúc? Dante giải thích Thần Khúc có 4 tầng nghĩa.

Nghĩa đen, tác phẩm thuật lại hành trình tưởng tượng của Dante qua Hỏa ngục - Luyện ngục - Thiên đàng. Tác giả là nhân vật chính và cũng là người kể chuyện. Các nhân vật, địa danh hầu hết có tính lịch sử, tất nhiên cũng có những nhân vật ở trong thần thoại của Hy Lạp, các nhân vật của Lamã cổ đại, của Ai Cập hay Do Thái, những nhân vật trong Kinh Thánh, những người bạn thậm chí có cả kẻ thù của Dante...

Nghĩa bóng, diễn tả cuộc hoán cải. Tác giả thoát khỏi con đường lầm lạc nhờ lý trí soi dẫn và vị thầy chính là Vinh Dự Lưu. Vinh Dự Lưu đại diện cho lý trí, ý chí tự nhiên trong con người, chính ông giúp Dante suy gẫm về những hành trình đã đi qua, nhìn nhận phân biệt phải trái, tốt xấu, đúng sai.

Nghĩa đạo đức, Thần Khúc là lời cảnh báo, cũng là lời mời gọi chúng ta suy gẫm về các hình phạt dành cho tội nhân trong cõi đời đời (Hỏa ngục). Cũng là lời mời gọi mỗi người không mất niềm hi vọng vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và không ngừng cố gắng vươn lên (Luyện ngục). Chắc chắn công lý cuối cùng sẽ được thực thi, người Công chính sẽ được thưởng công xứng đáng (Thiên đàng).

Nghĩa thần bí, tác phẩm diễn tả ý nghĩa khái quát, dẫn đưa nhân loại thoát khỏi tình trạng bất hạnh, tăm tối, tội lỗi đến nơi vĩnh cửu. Nhờ ánh sáng lý trí tự nhiên cùng ánh sáng của ân sủng, con người có thể đạt được hạnh phúc đích thực, được hợp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa là suối nguồn và là Chân - Thiện - Mỹ.

Về ý nghĩa nhan đề của tác phẩm.

Thần Khúc là tên được dịch từ tiêu đề tiếng Ý, "Divina Commedia". Tính từ Divina - "Thần", được nhà thơ Boccaccio thêm vào tiêu đề sau hơn 150 năm tồn tại của tác phẩm, như một lời ca tụng và tán dương vẻ đẹp kỳ diệu của áng thơ bất hủ này. Nguyên gốc, tác phẩm được chính tác giả Dante gọi là Commedia. Thật ra, Commedia là thuật ngữ chỉ về tên của một thể thi pháp học của Aristote bao gồm ba thể loại. Thể loại thứ nhất (Tragedia-bi kịch) thường khởi đầu với bối cảnh của một cuộc sống tốt đẹp, đầy những yếu tố tích cực và màu sắc vui tươi, nhưng lại kết thúc không có hậu với những nỗi đau, đổ vỡ, và cái chết. Ngược với Tragedia là Commedia. Chữ Commedia dễ bị hiểu lầm khi được dịch sang ngôn ngữ hiện đại là Commedy - hài kịch. Commedia trong văn thơ và nhạc kịch của Hylạp thật ra chẳng có gì lên quan đến yếu tố hài hước. Thể loại này thường khởi đầu với một vấn nạn về cuộc sống, được phát triển với những nút thắt kịch tính, nhưng luôn khép lại bằng một kết thúc có hậu. Thể loại ở giữa là "Elogia -ai oán, tiếc thương". Trên thực tế, Thần Khúc đan xen cả cả ba phong cách nói trên: khởi đầu với những yếu tố tiêu cực (Hoả Ngục), băng qua những khó khăn và thử thách (Luyện Ngục) để hướng đến một kết thúc viên mãn (Thiên Đàng). Hành trình Thần Khúc không hề xa lạ với người Kitô hữu, đó là hành trình nội tâm của mỗi người khi đọc lại chính cuộc đời mình.


Ở phần II, Thần Khúc từ góc nhìn Chủng viện. Cha giáo Giuse đã so sánh, đối chiếu ba tiêu chí đào tạo của Chủng viện: đào tạo toàn diện – đào tạo có chiều sâu – đào tạo hướng tới truyền giáo, để thấy những nét tương đồng với ba chiều kích tương xứng của Thần Khúc là: chiều kích ơn cứu độ - chiều kích hành trình thiêng liêng – chiều kích tiếng nói ngôn sứ.


Trong phần III, một chút giao cảm giữa Thần Khúc và Truyện Kiều. Cha giáo Giuse chỉ ra những điểm tương đồng giữa Dante và Nguyễn Du. Theo đó, giữa hai đại thi hào, năm sinh và năm mất cách nhau đúng 5 thế kỉ: Dante (1265-1321) – Nguyễn Du (1765-1821), thêm vào nữa là việc tương đồng về thể loại ngôn ngữ địa phương (Toscona so với Nôm) mà hai nhà thơ đã sử dụng. Ngoài ra, người cũng giới thiệu về những nét khác, những nét mới so với 6 bản dịch đã được Việt hóa trước đó.


Cuối buổi nói chuyện, Cha Giáo Giuse gửi lời chúc sâu sắc tới Cha Giám đốc Đaminh và quý Thầy: "Những năm tháng ở Chủng viện chắc chắn không phải là Hỏa ngục, cũng chưa phải là Thiên đàng nhưng ít ra như là hành trình Luyện ngục của Dante, là hành trình thực hành các nhân đức, hành trình trau dồi sự hiểu biết và nhất là hành trình sống hi vọng như Dante đã từng trải qua. Cầu chúc Cha Giám đốc Đaminh, quý Cha giáo và quý Thầy luôn gieo niềm hi vọng ấy cho nhân loại, cho sứ mạng mà mỗi người sẽ được trao phó".


Đáp lời, một thầy đại diện cho Chủng sinh đoàn nói lên tâm tình tri ân tới Cha giáo Giuse, cũng như gửi món quà lưu niệm của gia đình Đại Chủng viện tới ngài.

Nguyện chúc Cha giáo Giuse đón nhận được nhiều ân sủng, sự bình an và ơn khôn ngoan, để qua Cha kho tàng tri thức nhân loại được giới thiệu nhiều hơn tới mọi người. Chúc các độc giả cảm nếm được sự trác tuyệt của Thần Khúc, tuyệt phẩm sống mãi với thời gian trong dòng văn chương Kitô giáo.

Nguồn: gpbuichu.org