Con muốn yêu người khác bố - Tác giả: Cóc Hoa

Lan Mary
Thật nhanh chóng, bố cùng mấy người đàn ông bước ra nhìn nó săm soi. Nó sợ sệt, mở trưng đôi mắt to tròn đầy nước mắt lên, lén lút liếc nhìn từng người một. Dù bị một màng nước che phủ, nhưng nó cũng nhìn ra người đàn ông to béo đứng ngay cạnh bố, là người có uy thế hơn cả. Họ chỉ trỏ vào nó, rồi bàn tán nhận xét. Tiếng ồm ồm của họ cùng với tiếng nhạc ồn ào trong quán, làm tai nó ù đi, nó chẳng thể nghe được gì nữa. NGUỒN:

Một buổi sáng Chúa Nhật mùa thu không khí khá mát mẻ. Sau trận mưa đêm qua, cây cối trong sân như được tắm gội thỏa thích, nhìn chúng đầy vẻ tươi mới và tràn đầy sức sống.

Cái Hòa vừa rang được bát cơm nguội với mấy miếng tóp mỡ cho bố xong, thì đã nghe tiếng ồn ào từ xa. Nghe thứ tiếng ấy, cái Hòa nhận ra ngay đó là nhóm bạn huynh trưởng trong xứ. Thực ra, chúng chỉ có năm đứa: cái Lan, cái Ngọc, thằng Tùng, thằng Minh và cái Hòa thôi. Nhưng sức công phá bằng giọng nói của chúng quá mạnh, nên ông thầy xứ gọi chúng là Hội loa làng.

Biết được chúng sắp đến, cái Hòa vội đặt bát cơm rang xuống, chạy thật nhanh ra cổng để đón đầu chúng. Cái Hòa nheo mày lại, đặt tay lên môi ra ám hiệu:

- Suỵt, nói nhỏ thôi. Bố tao đang ngủ.

Nhận được tín hiệu, cái Lan nhanh nhảu quay sang những đứa còn lại, cất giọng oang oang:

- Chúng mày nói bé thôi, bố cái Hòa còn đang ngủ.

Con bé tên là Lan, nhưng thầy Tân đặt cho nó biệt danh là Loa, quả rất hợp. Con bé nhỏ người nhất trong nhóm, tuy vậy Chúa lại ban cho nó chất giọng chói tai không ai bằng. Đến nỗi những chú ong chăm chỉ kiếm mồi buổi sáng cũng phải giật mình bay tán loạn. Còn cái Ngọc đứng bên cạnh, cũng phải lấy vội hai ngón tay trỏ, dí chặt vào lỗ tai mình. Đã thế, lại được thằng Tùng chẳng chịu thua:

- Bố nó đang ngủ, mà mày lại hét lên thế à?

- Mày nói to có kém gì tao đâu.

Cái Lan gân cổ lên cãi lại. Thế là một không khí ồn ào lại bao phủ nhà cái Hòa. Cái Hòa chắp hai bàn tay lại, khẩn khoản nài xin chúng:

- Thôi thôi. Tao xin chúng mày. Chúng mày đi sang nhà xứ giùm tao cái. Lát nữa tao qua.
May mà có cái Ngọc hiểu chuyện. Nó ra hiệu "OK" rồi kéo hai cái loa đang cãi nhau ra nhà xứ, trả lại không khí bình yên cho nhà cái Hòa.

Hòa vào nhà, dọn dẹp mấy cái nồi, rồi đặt bát cơm rang của bố ở giữa bàn và cẩn thận đậy lồng bàn lên để khi tỉnh dậy, bố nó sẽ ăn. Công việc nhà xong đâu đấy, cái Hòa lại vội vàng chạy ra nhà thờ xứ. Mới đến cổng, tiếng ồn ào của đám bạn dẫn nó đến bộ bàn ghế đá, trước cửa phòng ông thầy xứ. Hai cây sấu lâu năm, tán lá rộng, che phủ chỗ chúng ngồi. Còn phía trước lại có một ao cá. Quả là một địa điểm tuyệt vời cho nhóm chúng nó hẹn hò.

Nhìn thấy bóng dáng cái Hòa, thằng Tân vẫy tay, gọi nó:

- Hòa, Hòa, lại đây.

Chẳng ai bảo ai, chúng tự ngồi xích lại, để một chỗ trống cho cái hòa.

Được ngày Chúa Nhật rảnh rỗi, mấy đứa chúng nó rủ ông thầy xứ ra, cùng tám đủ thứ chuyện trên đời. Từ chuyện sức khỏe, học tập, dịch bệnh rồi đến thời tiết, cây cỏ... Từ chuyện trong làng, trong xứ rồi đến chuyện chính trị quốc gia và quốc tế nữa... Chúng cứ luyên thuyên mãi, vậy mà không biết chán.

Bỗng nhiên, cái Ngọc, đứa ít nói nhất trong nhóm cất tiếng hỏi ông thầy xứ:

- Thầy ơi, tiêu chí chọn người yêu của Thầy như thế nào ạ?

Nghe nó hỏi xong, cả đám đồng loạt đưa con mắt ngạc nhiên, đờ người ra, các dây thần kinh như ngừng hoạt động. Thằng Tân chẹp miệng, lắc đầu ngao ngán nói:

- Đúng là Ngọc. Đã không nói thì thôi. Bà nói ra câu nào là chết câu ấy.

Thằng Minh ngồi bên cạnh, thì búng một cái vào trán cái Ngọc rõ kêu:

- Hỏi ngu. Thầy đi tu mà.

Cái Ngọc xoa xoa chỗ trán, nhìn thầy cầu cứu:

- Chẳng lẽ đi tu là không được có người yêu ạ?

Thằng Minh lại giơ tay lên, định búng trán nó lần nữa. Nhưng lần này, cái Ngọc có kinh nghiệm hơn, nhanh tay đưa lên trán chắn cái búng đau điếng thứ hai. Thằng Minh hạ tay xuống, chán nản giải thích:

- Đi tu là không lấy vợ. Không lấy vợ thì đặt tiêu chí để làm gì. Mày làm tao... nó nhìn cái Ngọc, bỏ lửng câu nói, lắc đầu rồi còn nhún vai, ra vẻ thất vọng lắm.

Lúc này đây, thầy Tâm mới điềm tĩnh trả lời:

- Thầy không lấy vợ, nhưng vẫn có thể có người yêu chứ?

Nghe thầy nói dứt câu, cả đám chúng nó cùng mở to mắt hết cỡ, ngước nhìn về phía thầy.

Rồi lại chất giọng oang oang của cái Lan cất lên:

- Thầy ơi thầy. Thế chính xác thì tiêu chí chọn người yêu của Thầy là như thế nào đấy ạ?

- Này nhá. Thằng Quang hất cằm về phía cái Lan cảnh cáo: Mày để im cho thầy đi tu. Mày không phải gu của thầy đâu.

Cái Lan đang định cãi, thì thằng Minh nhanh chóng giải vây:

- Thôi đi, hai cái đứa này. Như chó với mèo. Không khéo sau này lại yêu nhau cũng nên.

- Tao mà thèm yêu nó á?

- Còn lâu nhé! Nó cũng chẳng phải gu của tao.

Vậy là không khí ồn ào, náo nhiệt chưa rời khỏi chúng nó được nửa phút đã quay trở lại. Cái

Hòa, được mệnh danh là hòa bình của nhóm, đã phải lên tiếng:

- Chúng mày thôi đi, để nghe tiêu chí của thầy kìa.

Quả thực công hiệu. Chúng im lặng, mọi con mắt hướng về phía thầy, chờ đợi câu trả lời.

Thầy Tâm, mím chặt môi lại. Ngẫm nghĩ một lúc, rồi thầy cất tiếng nói:

- Nếu thầy mà gặp được ai giống mẹ thầy, thì chắc thầy đã chẳng đi tu.

Cả đám chúng nó đồng thanh "Ồ" lên một tiếng. Mấy đứa còn đưa ngón cái hướng về thầy, ra vẻ rất tâm đắc câu trả lời của thầy. Và thế là không khí náo động quen thuộc đã lại trở về với chúng nó. Chúng nhao nhao lên bàn tán về mẫu hình lý tưởng của mình. Riêng cái Hòa thì khác. Từ khi nghe câu trả lời của thầy, nó như rơi vào khoảng lặng. Nó trầm ngâm, suy tư điều gì đó. Nhận thấy sự khác lạ của nó, thầy Tâm cất tiếng hỏi:

- Hòa.

Cái Hòa giật mình đáp:

- Dạ?

- Thế nào? Tiêu chí chọn người yêu lý tưởng của Hòa là thế nào vậy?

Chẳng hiểu sao, tự nhiên cả đám im lặng nhìn nó.

Giây phút ấy, bỗng nhiên nó thấy tủi thân quá. Nó cúi mặt xuống, hai bàn tay nắm chặt vào nhau, đôi chân thì di di hòn đá dưới đất. Nó không biết phải trả lời thế nào. Nói dối thì nó không muốn. Nhưng nói thật thì nó thấy xấu hổ.

- Hình mẫu lý tưởng của con... ừm...

Những điều nó đang suy nghĩ khiến cổ họng nó nghèn nghẹn. Nó ngẩng mặt lên, chớp chớp mắt để ngăn không cho dòng nước trào ra. Nó mím môi, mỉm cười, rồi lấy hơi thật sâu để trả lời:

- Giá như con gặp được ai đó khác bố của con.

Tự dưng, giọng nó lạc hẳn đi, có cái gì đó khiến nó không thể nói tiếp được nữa. Nó lại mím chặt môi lại. Lúc này đây, không phải là những câu trêu trọc của các bạn khi nghe tiêu chí của nhau, cũng không phải tiếng "ồ" đầy vẻ ngưỡng mộ và trầm trồ khi nghe câu nói của thầy. Mà thay vào đó là sự im lặng, sự im lặng hết sức nặng nề. Chưa khi nào, không khí bình yên tồn tại trong nhóm chúng nó được lâu đến thế. Không một tiếng nói, không một tiếng động. Đến tiếng thở của chúng nó cũng như được ngăn lại vậy. Không chỉ chúng nó im mà thôi, ngay cả chim cũng ngừng hót, ve cũng ngừng kêu và gió thì ngừng thổi. Dường như muôn tinh tú vạn vật đều ngừng hoạt động khi nghe câu nói của cái Hòa.

Cái Hòa môi vẫn mím chặt, nó ngước lên trời, chớp chớp mắt ngăn không cho dòng nước chảy ra. Nó hít một hơi thật sâu, rồi chầm chậm kể.

- Có lẽ, thầy và các bạn không biết, con còn có một đứa em.

"Con gái rượu", nhắc đến ba từ ấy, người ta không quá khó khăn để tưởng tượng ra hình ảnh một cô con gái nhỏ bé, được người bố thương yêu, cưng chiều. Cái Hòa cũng thường được gọi là con gái rượu, nhưng lại với một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Năm ấy, cái Hòa mới lên năm. Nó không có chị, cũng chưa có em, bố mẹ thì bận rộn làm việc, nên chẳng có ai chơi với nó. Thứ đồ chơi duy nhất nó có là con chó bằng bông mà chị Mai Anh - hàng xóm của nó bỏ đi, và mẹ nhặt về cho nó chơi. Tuy con chó đã quá cũ, còn rách nát nhiều chỗ. Nhưng cái Hòa vô cùng nâng niu trân trọng người bạn đó. Nó đặt cho con chó ấy cái tên hết sức gần gũi, Mít. Dù mới năm tuổi, nó cũng đã hiểu bố mẹ nó không đủ giàu để có thể cho nó những thứ đồ chơi đắt tiền, nên nó cũng chẳng bao giờ đòi hỏi. Trong khi ấy, thằng em chưa chào đời của nó đã được bố chắt chiu, dành dụm từng chút tiền làm thêm để mua cái ô tô đồ chơi, xe cần cẩu rồi còn chăn gối siêu nhân nữa.

- Đừng có sờ vào đấy, mày lại làm hỏng của em đấy.

Thấy nó mon men tiến lại gần đống rổ đồ chơi, bố nó quát thật to lên, làm nó giật nảy mình, sợ sệt, vội rụt tay lại. Một đứa bé làm sao có thể cưỡng được sự hấp dẫn của những thứ đồ chơi vàng vàng đỏ đỏ được, nhưng thực ra, nó chỉ tính xem một chút thôi chứ cũng chẳng dám lấy ra chơi đâu, vì nó biết đó là đồ chơi dành riêng cho thằng em trai chưa chào đời của mình. Nó chỉ biết đưa ánh mắt tiếc nuối, một sự thèm khát và tủi hờn. Nó ôm con Mít ra một góc nhà. Đang mải chơi sắm vai với con Mít, bỗng nó giật mình bởi tiếng gọi của bố.

- Hòa.

- Dạ? Nó vội ôm con chó vào lòng, chạy thật nhanh ra phản gỗ, chỗ bố mẹ đang ngồi nói chuyện.

Bố cầm tay nó, xoa xoa vào bụng mẹ. Chưa bao giờ nó thấy bố ân cần với nó đến vậy. Bàn tay chai sạn, thô ráp của bố nó chỉ được cảm nhận qua những trận đòn, những cái tát như trời giáng. Vậy mà giờ đây, bố lại ân cần đến vậy. Đang mải cảm nhận sự sung sướng ngắn ngủi, bỗng bố dặn:

- Mày sắp có em rồi. Làm chị, mày phải yêu thương, bảo vệ, nhường nhịn và chăm sóc cho em, nhớ chưa. Nó là con trai, nên không thể...

- Cái anh này, chắc gì đã là con trai. Mẹ nó nói chen vào.

- Sao lại không phải được. Bố nó quả quyết. Nghịch thế này là con trai chắc rồi. Bà đỡ Tám kinh nghiệm bao năm thế, bà bảo con trai thì chắc chắn là con trai.
Rồi bố chỉ tay vào bụng mẹ, mắng yêu:

- Này nhé, con trai thì cũng nghịch vừa thôi nhé, nghịch quá là bố cho ăn đòn đấy.

Cái Hòa cảm nhận được câu mắng của bố nó chứa đầy tình cảm và sự yêu thương. Nó ước gì, bố cũng nói với nó kiểu như vậy. Nhưng không. Bố quay lại phía nó, tiếp tục dặn dò nhưng với một âm giọng hoàn toàn khác.

- Em mày là con trai, nên sau này nó sẽ là trụ cột gia đình, vậy nên mày phải...

Cái Hòa mở to đôi mắt ngây thơ ngước lên nhìn bố, rồi lại cúi xuống nhìn vào bụng mẹ. Tai nó cố gắng nghe từng lời bố nói. Nhưng với trí khôn của một con bé năm tuổi, nó chẳng thể hiểu hết được những điều bố nó nói. Nó chỉ biết rằng, em trai nó là người rất quan trọng.

Ngày tháng dần trôi qua. Bầu trời không còn những đám mây đen u ám, mà thay vào đó một màn trong xanh. Những tia nắng rực rỡ đã thế chỗ cho những hạt mưa phùn mùa xuân. Và những cánh bằng lăng tím đang hé nở, báo hiệu mùa hè đã đến.

Và rồi, ngày em nó chào đời cũng đến. Ngày mà bố mẹ nó mong đợi bao lâu nay. Nó nhận thấy bố nó vui tươi hơn hẳn ngày thường.

- Hòa ơi. Tao đưa mẹ mày đi sinh em bé, mày ở nhà trông nhà cẩn thận nhớ chưa.

- Vâng ạ. Nhưng khi nào bố mẹ về ạ? Nó có chút lo sợ hỏi.

- Đi một tý thôi.

Nói xong bố chẳng đợi nó đáp lại, vội vàng chở mẹ đi. Nó cũng tò mò, không biết em bé của nó trông như thế nào, cũng háo hức được đón em. Cả ngày, nó cứ đi ra đi vào, sắp xếp cái giường cho em bé, nó kiểm tra đi, kiểm tra lại xem đồ đạc của em đã ổn chưa, rồi lại lấy sẵn nước cho bố mẹ. Nhưng nó đợi mãi, bố mẹ và em vẫn chưa về.

Tưởng rằng bố mẹ sẽ đi một lúc thôi, nhưng nó đợi cả buổi sáng, sang buổi chiều mà vẫn chưa thấy tiếng xe quen thuộc của bố. Nó đói quá, từ sáng đến giờ, bụng nó mới chỉ có bát cơm nguội. Mặt trời đã dần dịu lại, không khí có vẻ mát mẻ hơn, trời đã tối dần, mặt trăng đã lộ diện. Nhưng nó vẫn chưa thấy bố mẹ về.

Sốt ruột, nó chạy ra chạy vào, nghe lời bố, nó chẳng dám đi xa hơn cái cổng nhà. Vừa đói, vừa mệt lại buồn ngủ quá, nhưng nó vẫn cố lấy hai tay nhỏ xíu, vỗ vỗ lên đôi má cho tỉnh táo. Tuy vậy, nó lại thiếp đi lúc nào không biết. Tiếng xe máy của bố làm nó giật mình tỉnh dậy. Mở mắt ra, trời đã tối xầm. Nó vội tìm công tắc điện, rồi chạy ra ngoài. Nhưng nó như chết chân, nụ cười còn đang dở dang, nó đứng đờ người ra khi thấy mẹ không về cùng bố, cũng chẳng có em. Hơn thế, trái với sự vui tươi, hào hứng của bố lúc sáng, thì giờ đây, hình ảnh đập vào mắt nó là bố với bộ mặt hằm hằm đầy vẻ tức giận. Bố gạt chân chống mãi không được, tức quá, bố đạp luôn cái xe cho nó đổ kềnh càng, một tiếng động rung trời, người bố thì nồng nặc mùi rượu. Chứng kiến cảnh ấy, tim nó đập thình thịch, sợ sệt. Nó đứng nép sát người vào sau cái cột nhà, mắt mở trừng lên, theo dõi từng hành động của bố. Bố nó lê từng bước chân nặng nề, liêu xiêu vào nhà. Đi qua bậc thềm, nó ước gì bố đừng nhìn thấy nó lúc này. Nhưng không, bố dừng lại trước mặt nó, và một cái tát như trời giáng xuống đôi má non nớt của nó. Sự đau điếng chưa qua đi, nó chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì lại một cú đạp không thương tiếc của bố, khiến nó ngã bay ra sân, tê dại cả người, cùng những câu chửi bới không ngớt. Đó là trận đòn ghi dấu ấn trong nó, đến giờ nghĩ lại, nó vẫn thấy choáng váng, rùng mình vì khiếp sợ.

Cũng từ ngày ấy, bố nó ngày càng bê tha, chè chén say sưa. Chiếc xe máy – nguồn kiếm cơm duy nhất, bố cũng bán đi, rồi dần dần, những thứ đồ đạc khác trong nhà cũng theo gót chiếc xe, để bố được hòa mình với những cuộc nhậu nhẹt. Gần 10 năm, nó chẳng thể đếm hết số lần bố say, lê lết về nhà. Nó chẳng thể nhớ hết đã phải bao lần dọn dẹp những thứ bẩn thỉu bố nôn ra. Nó cũng chẳng biết được chính nó đã phải chịu bao nhiêu trận đòn vô cớ. Nhưng, những trận đòn ấy chẳng thấm thía gì, so với một ngày mà nó chẳng thể quên.

- Bố, con xin bố.

Nó quỳ xuống, khóc lóc van xin bố. Nhưng bố nó chẳng để tâm. Tay vẫn nắm chặt cổ tay nó kéo đi. Nó vừa khóc vừa van xin, nó cố ghìm mình lại, nhưng với sức lực của một đứa con gái chưa dậy thì, thân hình mỏng manh làm sao có thể chống lại bố nó được.
Bố bực mình, giơ tay tát một cái thật mạnh vào má nó và lại lôi xềnh xệch đi.

- Im mồm. Nuôi mày chỉ tốn cơm của tao, chẳng được tích sự gì.

Rượu chè làm bố nó ngày càng gầy gò, nhưng bố vẫn dư sức lôi nó đi một cách không mấy khó khăn. Sau cái tát đau điếng, cùng những cú đá đạp vào người, dường như nó đã quá quen với những trận đòn như thế. Sự đau đớn ấy, chẳng thể cản tiếng van xin của nó. Mắt nó giàn dụa, tiếng gào thét của nó khàn đi, nó cố giãy dụa để cản hành động của bố, nhưng vô ích. Chẳng mấy chốc, bố đã lôi nó đến được quán rượu quen thuộc. Bố nó đi thẳng vào bên trong, vừa đi vừa lớn tiếng gọi tên của ai đó, để lại nó ngồi ngoài cửa. Lúc này, nó không còn gào thét, cũng chẳng dãy dụa nữa, mà ngồi thu mình một góc tối. Góc tối đen như tương lai của nó vậy. Tay vòng ra, ôm trọn đôi chân khẳng khiu, mặt thì gục đầu xuống gối, đôi vai gầy khẽ rung lên từng đợt, nước mắt không ngừng rơi. Nó sợ, nó xấu hổ. Đột nhiên, nó nhớ đến mẹ, ước gì mẹ còn sống, thì nó sẽ không phải khổ sở như thế này.

- Mẹ ơi, cứu con. Nó khẽ gọi mẹ, rồi nước mắt lại một đợt trào ra.

Thật nhanh chóng, bố cùng mấy người đàn ông bước ra nhìn nó săm soi. Nó sợ sệt, mở trưng đôi mắt to tròn đầy nước mắt lên, lén lút liếc nhìn từng người một. Dù bị một màng nước che phủ, nhưng nó cũng nhìn ra người đàn ông to béo đứng ngay cạnh bố, là người có uy thế hơn cả. Họ chỉ trỏ vào nó, rồi bàn tán nhận xét. Tiếng ồm ồm của họ cùng với tiếng nhạc ồn ào trong quán, làm tai nó ù đi, nó chẳng thể nghe được gì nữa.

Một con bé hơn 10 tuổi, chưa đủ khôn lớn, chẳng được học hành đàng hoàng như nó, cũng đã hiểu sự gì đang xảy ra với mình. Khi trong nhà chẳng còn gì có thể bán, thì nó – con gái rượu của bố đang được bố gán cho chủ quán rượu.

- Con gái rượu, ở đây ngoan nhé. Chỉ vài hôm thôi, phụ giúp ông bà chủ làm việc nhớ chưa. Khi nào có tiền, bố lại chuộc con về. Bố nó cầm sấp tiền, cúi xuống, gõ gõ lên đầu nó dặn dò.

Nước mắt nó lại trào ra, không phải vì đau đớn hay vì sợ, mà vì tủi thân. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ, hớn hở của bố khi cầm sấp tiền, khiến nó không thể nào cầm được nước mắt. Lúc ấy, nó ước gì nó là đứa mồ côi cả bố lẫn mẹ. Sao người mất năm ấy không phải là bố nó. Nghe câu nói của bố, nó biết đó chỉ là lời hứa xuông thôi, sẽ chẳng có ngày ấy đâu, và số tiền bố đang cầm, cũng sẽ nhanh chóng biến mất cùng những ly rượu nồng nặc.

Nhớ lại những ngày tháng khốn khổ sống cùng bố ấy, bất giác nó lại rùng mình.

Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, những tia nắng xuyên qua những tán lá, chiếu rọi xuống chỗ chúng đang ngồi. Từ ông thầy xứ đến mấy đứa bạn, đều chăm chú nghe nó kể chuyện, quên cả thời gian. Nó nhìn mọi người, ai cũng có vẻ u sầu, cảm thương với nó. Nghe thấp thoáng đâu đó có tiếng sụt sùi, mắt cái Lan còn rưng rưng nữa. Thầy Tâm thì mặt ngước hẳn lên trời, chẳng dám nhìn thẳng nó.

Lấy tay, lau đi giọt nước mắt, nó chuyển giọng vui vẻ kể.

- Nhưng giờ con đang rất hạnh phúc ạ. Ngày nào con cũng tạ ơn Chúa. Vì nhờ được gán đi như vậy, mà con có cơ hội gặp được một bà chủ tốt bụng, con có cơ hội được đi học, được thương yêu chăm sóc và được vào Đạo, được quen thầy và các bạn nữa.

Nghe nó nói thế, không khí trong nhóm có vẻ tươi vui hơn, mọi người mới từ từ nói tiếp.

Thầy Tâm quan tâm hỏi nó:

- Thế sống cùng ông bà chủ quán ấy, con thấy ổn không?

Nó gật nhẹ đầu, trả lời:

- Có ạ. Bà thương con không có mẹ, lại phải sống cùng một ông bố rượu chè. Nên bà coi con như con gái của mình vậy. Con gọi ông bà là ba má.

Tuy không bị ép phải làm việc, nhưng cái Hòa cũng biết phải phụ giúp cho ba má rửa chén đĩa, bưng bê khi quán đông khách. Sự nhanh nhẹn và hiểu chuyện của nó, khiến ba má rất hài lòng. Chính vì sự hiểu chuyện và trái tim giàu tình cảm, khiến nó không thể bỏ quên người bố rượu chè của mình được. Sau bao năm be bét trong những chum rượu, bố nó ngày càng yếu dần đi. Chẳng còn sức để đánh đập nó, cũng chẳng còn đủ lực để chửi bới nó. Bà chủ cho phép nó được tự do về nhà để dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bố khi nào nó muốn. Nhưng đến tận bây giờ, nó vẫn không hiểu, ngày ấy bố thay đổi là vì mẹ mất hay vì em nó không phải là con trai. Và em nó là ai, giờ đang ở đâu, nó cũng không biết.

- Này Hòa, thầy Tâm nhẹ nhàng hỏi, thế nếu không gặp được ai khác, thì Hòa không lấy chồng thật à?

Nó ngước nhìn lên bầu trời cao xanh ngắt, không một gợn mây, nó nói:

- Lòng con bây giờ cũng như bầu trời này vậy, trong xanh, không chút vấn vương muộn phiền.

Tất cả chúng nó cùng nhìn lên bầu trời, một tinh thần vô cùng thoải mái. Cái Hòa tiếp:

- Sự trong xanh này, bầu trời không dành riêng cho ai cả, nhưng là bao trọn toàn nhân thế. Và con cũng muốn có một tình yêu như vậy.

Cóc Hoa