Miền an thánh IV: Cấu trúc bài thơ

admin
(tiếp Phần I; Phần II; Phần III)

 

IV. CẤU TRÚC BÀI THƠ

Sau khi đã phân tích nội dung các khổ thơ, bây giờ chúng ta hãy trở lại với cấu trúc bài thơ để xem nét đặc biệt của nó.
Nếu so sánh cấu trúc bài “Miền An Thánh” với cách bố cục của một bài thơ Đường luật bao gồm 4 phần: Đề, thực, luận và kết; chúng ta sẽ thấy bố cục bài “Miền An Thánh” không cân đối theo cấu trúc kinh điển đó. Bài thơ có cấu trúc khá đặc biệt khi chọn một trong những nội dung chính làm phần luận và kết cho bài thơ.
Dựa theo nội dung các khổ thơ, hai khổ thơ đầu sẽ là hai câu mở đề
“Duyên hồng trần từ nay thôi lưu luyến
Thơ thỏa tình vút lên đỉnh non cao
Vào Núi Thánh Đền Thiêng vui lắng nguyện
Ngắm mây trời nghe tinh tú xôn xao.

Đời lóng lánh thơ không còn ao ước
Những lắng lo chẳng xao động nữa rồi
Bao phiền muộn tâm buông xin nhường bước
Tình nhẹ nhàng nghe hương thoảng lên ngôi.”

Và ý của ba khổ thơ giữa là phần thực của bài thơ vì nó diễn đạt nội dung của việc lần hạt Mân Côi gồm suy ngắm các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng với hai kinh thường đọc là Lạy Cha và Sáng Danh.

“Từng nốt duyên ngân lời ca thánh thót
Dìu hồn thơ lên những bậc trường thành
Nhịp vui bước hòa cung thương dịu ngọt
Khúc mừng ca gieo ngọc sáng long lanh.
 

Mỗi nhịp nhấn khắp vũ hoàn vang tiếng
Đức Khôn Ngoan rợp dưới đất trên trời
Đức Thành Tín luôn công bình thánh thiện
Lòng xót thương ban trần thế Ngôi Lời.
 

Mỗi nốt lắng cả triều thần cung bái
Hợp tôn vinh Đấng Chí Thánh Cửu Trùng
Xin chúc tụng Ba Ngôi – Nguồn Nhân Ái
Đấng Đời Đời – Đấng vô thủy vô chung.”
Vậy đâu là phần luận và kết của bài thơ? Có thể nói khổ kết của bài thơ “Miền An Thánh” có một độ mở khá rộng cho sự suy ngắm về các mầu nhiệm liên quan đến Đức Mẹ. Và thi sĩ đã chọn kinh Kính Mừng là lời kinh đọc nhiều nhất khi lần hạt Mân Côi để làm phần luận và kết cho bài thơ theo ngôn ngữ thi ca.
“Thơ tựa giấc vào trong miền an thánh
Ngắm tháp canh hùng vĩ bọc đồi mơ
Sáng trời đất ngọn lửa thiêng đức hạnh
Tình thả hồn nhàn nhã lướt cung tơ.”
Như vậy, khi sắp xếp lại bài “Miền An Thánh” theo thứ tự các kinh thường đọc khi lần chuỗi Mân Côi: Kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, chúng ta sẽ thấy tác giả khéo léo diễn đạt các kinh đó như sau:


Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,
và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.











 
Mỗi nhịp nhấn khắp vũ hoàn vang tiếng
Đức Khôn Ngoan rợp dưới đất trên trời
Đức Thành Tín luôn công bình thánh thiện
Lòng xót thương ban trần thế Ngôi Lời.










Kinh Kính Mừng
Kính mừng Maria đầy ơn phước
Đức Chúa Trời ở cùng Bà
Bà có phước lạ hơn mọi người nữ
Và Giê-su con lòng bà gồm phước lạ.
Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời
Cầu cho chúng con là kẻ có tội
Khi này và trong giờ lâm tử. Amen












 
Thơ tựa giấc vào trong miền an thánh
Ngắm tháp canh hùng vĩ bọc đồi mơ
Sáng trời đất ngọn lửa thiêng đức hạnh
Tình thả hồn nhàn nhã lướt cung tơ.









Kinh Sáng Danh
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần,
như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng Amen.





 
Mỗi nốt lắng cả triều thần cung bái
Hợp tôn vinh Đấng Chí Thánh Cửu Trùng
Xin chúc tụng Ba Ngôi – Nguồn Nhân Ái
Đấng Đời Đời – Đấng vô thủy vô chung.







Và khi hiểu được bố cục và nội dung của bài thơ, chúng ta có thể thấy được ý tưởng của tác giả khi chọn câu Lời Chúa trong sách Diễm ca làm chủ đạo để diễn tả cảm nghiệm của mình với tình yêu Thiên Chúa qua Mẹ Maria.
Em đây là bức tường thành,
ngực em như những tháp canh;
nên chi em là nguồn bình an cho chàng.”
(Dc 8, 10)
Tôi xin mạn phép được thay thế một số từ trong câu Diễm ca để chúng ta dễ cảm nhận hơn nguồn thi hứng của nhà thơ. Khi đặt mình vào trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có thể nói
Thiên Chúa là bức tường thành,
Tình Yêu Ngài như những tháp canh;
nên chi Ngài là nguồn bình an cho chúng con.”
Tâm tình này đã được Thánh Bê-na-đô diễn tả như sau:

“Thiên Chúa đã nói: «Ta yêu những người yêu Ta và không ai ngay từ sáng sớm thức giấc tìm kiếm Ta mà lại không gặp được Ta». Vậy, anh em biết rằng: Người hứa ban không chỉ Tình Yêu của Người cho chúng ta, nếu anh em yêu mến Người, nhưng còn là sự ân cần của Người đối với chúng ta, nếu anh em dâng cho Người sự ân cần của anh em. Anh em hãy tỉnh thức, Người sẽ trông chừng anh em. Anh em hãy thức giấc giữa đêm tối, hãy đến trước giờ canh thức quen thuộc, anh em sẽ thấy Người sẵn sàng đón tiếp anh em và không bao giờ anh em phải báo trước cho Người. Trong tất cả những điều đó, duy chỉ tính liều lĩnh xúi giục anh em chiếm lấy cho mình đặc ân có trước hoặc tình yêu lớn lao hơn. Tình yêu của Người luôn vượt trên tình yêu của anh em và có trước tình yêu của anh em. Nếu tâm hồn biết rõ như vậy, anh em đừng ngạc nhiên để thấy nó gác hết mọi sự lo lắng khác và say mê duy nhất sự tán tụng của Người Yêu của nó, nó bỏ quên mọi sự còn lại vì lợi ích của một tình yêu tuyệt đối.”

(Thánh Bênađô và tình bác ái huynh đệ trong các bài giảng về sách Diễm Ca.
Bản dịch của Viện phụ Maria Phaolô Bảo Tịnh Nguyễn Đức Chánh)

Và khi chúng ta tâm tình với Đức Mẹ thì câu Diễm ca có thể được cảm nhận như sau:
Mẹ là bức tường thành,
Tình yêu Mẹ như những tháp canh;
nên chi Mẹ là nguồn bình an cho chúng con.”


Loài vật nào cũng đều có bản năng yêu thương con mình. Bản năng yêu thương đó nhằm mục đích duy trì nòi giống của từng chủng loại. Bởi thế, hầu như người mẹ nào cũng đều yêu thương con, luôn chăm nom, bảo bọc và che chở cho đến khi con khôn lớn trưởng thành. Biết bao nhiêu câu chuyện cảm động nói về sự hy sinh của người mẹ, đôi khi người mẹ hy sinh cả mạng sống chỉ vì quá yêu con. Nếu người đời mà còn yêu thương con mình đến như vậy thì huống chi Đức Maria – người Mẹ Thiên Quốc của chúng ta. Mẹ có đủ trăm phương ngàn cách để chăm sóc và gìn giữ chúng ta trong vòng tay yêu thương của Mẹ.
(còn tiếp)
Bình Nhật Nguyên