Nhìn trung thực về thực trạng văn hóa Việt

Quang X Nguyen

Sơ lược về tác giả:

Ít có ai thấu đáo văn hoá nhân loại nói chung, văn hoá Việt Nam nói riêng cho bằng Giáo sư Trần Văn Đoàn 陳 文 團 ( sinh năm 1949 ). Ông thông thạo các ngôn ngữ Việt, Trung, Anh, Đức, Pháp, Ý.
Tiến sỹ Khoa Học, Đại Học Paris, 1973.
Tiến sỹ Triết Học, Đại Học Innsbruck, Áo Quốc, 1975.
Giảng sư Đại Học Salzburg, Áo Quốc, 1978.
Tiến sỹ Danh dự Đại Học St Francis Xaver, Canada, 2001.
Từng là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Vienna ( Áo ), Bắc Kinh ( Trung Quốc ), Oxford ( Anh ), Louvain ( Bỉ ), Frankfurt ( Đức ), Tokyo ( Nhật ), Phụ Nhân ( Đài Loan ), Lisbon ( Bồ Đào Nha ), The Catholic University of America ( Washington, D.C. ), Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn ( Đại Học Quốc Gia Hà Nội ), Đại Học Salzburg ( Áo ).
Giáo sư Triết học, Đại Học Quốc Gia Đài Loan;
Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn ( Đại Học Quốc Gia Sàigòn, 2005 )
Viện sỹ các Viện Hàn Lâm: Paulus Gesellschaft ( Đức-Áo, từ năm 1987 ), Academia di Lincei ( Ý, từ năm 1988 ), The Academy of Universalism ( Ba Lan, từ năm 1993 ) và Philippines Academy of Philosophy ( từ năm 2003 ).
Chủ biên Tập san Nghiên cứu The Asian Journal of Philosophy và Bộ Trung Quốc Triết Học Đại Từ Thư ( Hoa ngữ ).
Nghiên Cứu viên ( Research-Fellow ) của Max-Planck Institut ( Đức ), Viện Con Người ( Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam ) và Viên Tinh Thần Quốc Gia ( Vũ Hán, Trung Quốc ). Chủ Tịch, Hiệp Hội Triết Gia Á Châu ( Union of Asian Philosophers 2003-2008 ), Ủy Viên Điều Hành, Liên Hiệp Hội Triết Học Thế Giới ( Fédération Internationale des Sociétés de Philosophie, 2003-2008 ), và là Điều Hành Viên vùng Á châu của Hội Nghiên Cứu về Giá Trị và Triết Học ( The Council for Research in Values and Philosophy, Washington, D.C. ).
Tác giả trên 15 tập sách chuyên khảo và hơn 150 luận văn nghiên cứu khoa học viết bằng Việt, Trung, Anh, Đức, Pháp và Ý ngữ.
Essai sur la métaphysique nietzschéenne ( 1975 ),
Kritik der Marxschen Dialektik ( 1978 ),
Reason, Rationality and Reasonableness ( 1989, 2000 ),
The Poverty of Ideological Education ( 1993, 2001 ),
Critical Theory and Society, 4 Vols. ( 1996-2000 ),
Chính Trị và Đạo Đức ( 1998, Hoa ngữ ),
The Idea of a Viet Philosophy - Vol. 1. The Formation of Vietnamese Confucianism ( 2003/5 ),
Critical Essays on Asian Philosophy and Religion ( 2005 ),
Towards a Pluralistic Culture - Essays on Culture in the Postmodern Age.

Tác phẩm Việt ngữ:
Việt Triết Luận Tập 1 ( Washington, D.C.: Vietnam University Press, 2000 );
Những Suy Tư Thần Học Việt Nam ( Washington, DC: Vietnam University Press )
Hậu Hiện Đại Thuyết ( Hà Nội, 2005 ).
( Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/gioi-thieu/nham-luc-trung-tam/285-gsts-tran-van-doan.html )

Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn của Đài Á Châu Tự Do
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/IntervewProfTranVanDoan_Truc-20060305.html

Thế nào là suy tư Triết học ? Đôi lời tản mạn về Triết học Việt Nam – Gs. Trần Văn Đoàn.
Trong bài này, Gs. Trần Văn Đoàn không dám nhận mình là triết gia nhưng tỏ lòng ngưỡng mộ hai Linh Mục Lương Kim Định và Trần Thái Đỉnh và gọi họ là triết gia có tầm cỡ thế giới, trong khi đó cả nước Mỹ tuy có 30 ngàn giáo sư Triết Học mà cũng chỉ có 2 người đáng gọi là triết gia.



Nhìn trung thực về thực trạng Văn hóa Việt
Giáo sư Trần Văn Đoàn, Đại học Quốc gia Đài Loan ( Taiwan National University ).
Văn hóa vốn là linh hồn của một dân tộc. Thân thể bệnh tật, một phần chính vì tâm linh bất toàn. Thế nên, ta có thể lý luận cho rằng sự trổi vượt hay thua kém của bất cứ một dân tộc nào đều phản ánh nơi văn hóa của họ. Một dân tộc bất khuất hay nhu nhược, nhân đạo hay tàn ác... đều có thể biết được qua chính nền văn hóa.

Với một nền văn chương thi ca toàn những câu tâng bốc, những ngôn từ sặc máu, đầy ắp khích động hận thù, ta khó có thể tưởng tượng được dân tộc ấy nhân đạo, cương trực, liêm chính.

Với tập quán xôi thịt, với phong tục tranh quyền cố vị, với nền “đạo đức” ăn trên ngồi chốc, xã hội như vậy chỉ có tranh chấp, đấu tranh và tham nhũng, nhưng không thể có tiến bộ.

Những nhận xét của nhiều thức giả – từ thời Nam Phong tạp chí, qua thời Tự Lực Văn Đoàn tới thời nay, từ thời Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng tới thời Nguyễn Gia Kìểng – về tính chất tiêu cực của văn hóa Việt hẳn không phải chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhóm trí thức “trưởng giả” thích “vạch áo cho người xem lưng.”

Làm sao chúng ta có thể giải thích được sự kiện, từ những đống gạch vụn, kẻ bại trận Nhật và Đức đã thành hai cường quốc kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Trong khi cũng trên 30 năm hòa bình ( tính đến 2005 ), tài nguyên giàu hơn Nhât và không kém Đức, người chiến thắng vẫn cầm đèn đỏ trong rất nhiều lĩnh vực.

Chúng ta thường đổ lỗi cho ngoại bang. Không chỉ có thế. Nam Hàn, Do Thái, Đài Loan đều bị ngoại bang đe dọa và chi phối. Nhưng họ vẫn phát triển, vẫn giầu.

Hay là do chính sách, thể chế sai lầm ? Cũng không hẳn như vậy. Ấn Độ có một thể chế dân chủ vào loại nhất Á Châu, nhưng vẫn tụt lùi gần như trong mọi lãnh vực khác, ngay cả nhân quyền.

Chính sách của Tân Gia Ba ( Singapore ) chẳng có dân chủ tí nào, nhưng lại làm nước này cường thịnh. Vậy thì, nguyên nhân chính yếu có lẽ là chính văn hóa. Bởi lẽ thể chế, chính sách luôn gắn liền với văn hóa, với lối suy tư. Có phải đó là NỀN VĂN HÓA “NHẪN NHỤC” ? Quá nhẫn nhục đến thành hèn nhát, bất lực ! Đầu thế kỷ thứ 20, Lỗ Tấn đã vạch trần mặt trái của một nền văn hóa nhẫn nại, phục tùng, thụ động của Tàu.

Biết bao trí thức Việt cũng đã mổ xẻ cái bướu bất trị này trong văn hóa Việt. Có phải đó là nền văn hóa “con rùa” ( hay lạc đà ) ? Nhà Thanh đã làm gì để đối phó với Tây Phương ? Nhà Nguyễn đã làm gì để chống chọi người Pháp ? Bế quan, tỏa cảng ! Từ chối giao tiếp, từ chối đối thoại, từ chối tiếp nhận ! Sát hại những ai dám tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Để rồi chịu nhục vì bát quốc Liên Minh ! Để rồi bị Pháp đô hộ cả gần 100 năm !

Đó là tư cách con rùa rụt cổ vào vỏ, con lạc đà chui đầu trong cát. Đó là một nền văn hóa trốn trách nhiệm: trên đổ cho dưới, dưới đổ cho dân ngu. Đó là nền văn hóa kín cổng cao tường, một nền văn hóa trì trệ. Đó là một nền văn hóa lệ thuộc, thích làm bồi Tây, bồi Mỹ, bồi Nga, v.v… Một nền văn hóa như vậy, thì cả ngàn năm sau, cho dù bất cứ ai cai trị đi nữa, thì chính thể vẫn thế, chính sách vẫn vậy.

“Sự thật mất lòng” nhưng “thuốc đắng đã tật.” Đã đến lúc mà ta PHẢI TRỰC DIỆN VỚI CHÍNH NỀN VĂN HÓA CỦA MÌNH. Nhận ra khuyết điểm, học hỏi phương thế chữa chạy, là những bước đầu tất yếu trong công cuộc xây dựng nền văn hóa. Chẳng có gì đáng xấu hổ khi nhận ra sự yếu kém của mình. Chỉ đáng buồn khi chúng ta cứ cố ý tự lừa mình, như con bò tự thổi phồng nó lên. Chỉ đáng sợ nếu chúng ta vẫn chưa bỏ được tâm thức của con ếch nằm dưới đáy giếng nhìn thiên hạ. Chỉ còn trì trệ khi ta “không biết mình, cũng chẳng biết người.” Và chỉ còn là cái chết khi mà văn hóa lệ thuộc, nịnh hót, đầu độc làm ta chán ghét, hãi sợ sự thật ( trung ngôn nghịch nhĩ ) và chạy theo hưởng thụ.

Chúng ta thử hỏi. Cao Bá Quát đã có “công gì với núi sông” ngay cả khi ông đã “nắm được ba bồ chữ trong tất cả bốn bồ chữ của thiên hạ” ? Thực ra, Cao Bá Quát, Lê Văn Siêu, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương chỉ là đại biểu cho những người chủ trương nền “văn hóa trì trệ” ( nói theo nữ sỹ Lê Thị Huệ ). Sẽ chẳng bao giờ có tiến bộ ngay cả khi câu khoe khoang “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường” có thật đi nữa.

Tại sao cứ phải so mình với người Tầu, người Tây. Tại sao ta không dám nghĩ, dám làm, và dám vượt họ ? Với một não trạng “NGẠO MẠN VỚI NGƯỜI MÌNH, TỰ TI VỚI NGƯỜI NGOÀI” như vậy, làm sao mà có tiến bộ ? Làm sao mà ta “ngóc đầu” lên được ? Tại sao cứ phải đao to búa lớn với bốn ngàn năm văn hiến, với hàng ngàn tiến sĩ khắc trên bia Văn Miếu, khi mà ngay cả một chiếc xe đạp ta cũng không thể tự chế tạo ? Chúng ta có hàng vạn thi sĩ, nhưng có mấy ai ảnh hưởng tới cả nhân loại như Dante, Goethe, Shakespeare, v.v… ? Có phải đại thi hào chỉ là loại thợ thơ ca tụng lãnh tụ ( gồm cả lãnh tụ nước Nga, nước Tầu ), với sáo ngữ, tuy mỹ lệ nhưng trống rỗng, vô thực ? Nếu chỉ có thế thì, nói theo Nguyễn Du, “Rằng hay thì thật là hay” nhưng mà “Nghe như ngậm đắng nuốt cay thế nào” !

Đã đến lúc chúng ta phải biết THỨC TỈNH, PHÊ BÌNH và HỌC HỎI. Bài học bế quan tỏa cảng của Tàu, bài học nước Đức, nước Mỹ, nuớc Nhật và cả nước Singapore là những bài học ta không được phép quên. Ngẫm người lại nghĩ đến ta. Cái gì đã làm người ta thay đổi ? Cái gì đã làm họ phát triển ? Và cái gì đã làm ta lạc hậu ?

Tính ngạo mạn từ thời cha ông cho tới ngày nay ( tự cho mình cái gì cũng nhất thế giới ) đã làm cho nước Tầu “vĩ đại” lẹt đẹt, đã làm bốn ngàn năm văn hiến An Nam lẽo đẽo. Óc tự ti đã khiến ta lệ thuộc vào văn hóa Tầu, rồi Pháp, rồi Nga và, ngày nay, Mỹ. Ta chỉ mong được phần nào giống Tầu, giống Tây, giống Nga, giống Mỹ.

NGƯỜI ĐỨC không thế. Bài học bại trận, bị cưa cắt đất đai, bị phân tán thật chua cay bi đát, đã giúp người Đức nhận ra sự thua kém của họ. Chẳng cần tự hào với “bốn ngàn năm văn hiến,” họ đã có thể trở thành đầu óc của nhân loại với những Kant, Hegel, Marx, Einstein, Heisenberg, Beethoven, Brahms, v.v...

Từ một đám dân hỗn tạp, MỸ đã trở thành đại cường quốc trong vòng hai thế kỷ, và dẫn đầu thế giới gần như trong tất cả mọi lãnh vực.

Với một nguồn nhiên liệu ít ỏi, tài nguyên hạn hẹp và đầy thiên tai, NHẬT đã làm thế giới khâm phục và khiếp hãi.
Gần ta hơn, chỉ với vài ba triệu dân, một mảnh đất nhỏ xíu, với khoảng 40 năm lập quốc, và luôn trong tình trạng bị Mã Lai to lớn đe dọa, SINGAPORE đã biến thành một con rồng nhỏ. Lợi tức người dân cao thứ nhì sau Nhật ở châu Á, và được tiếng thơm là sạch sẽ, trật tự và an toàn vào loại nhất thế giới.

Chẳng cần phải nói, cái tinh thần làm cho các nước trên tiến bộ, chính là nền văn hóa của họ. Người dân Singapore không rêu rao bốn hay năm ngàn năm văn hiến. Họ chỉ cầu tiến. Văn hóa của họ là VĂN HÓA CẦU TIẾN, chứ không phải là văn hóa hoài cổ, nệ cổ và trì trệ. Họ không bắt chước người khác như con vẹt hay con khỉ. Họ học từ Mỹ và Âu Châu, không phải để giống như những nước da trắng, nhưng để vượt khỏi chính những nước thầy này.

Chỉ riêng về giáo dục, vào thập niên 1990s, họ đã đủ sức tranh đua với Âu Mỹ. Năm 1987, thủ tướng Lý Quang Diệu đã dám tuyên bố là Đại Học Quốc Gia Tân Gia Ba không những không thua, mà còn khá hơn nhiều đại học lớn của Âu Châu.

Và gần đây, nền giáo dục của nước tí hon nay đã trở thành mẫu mực nhiều nước phải học. Đại học Singapore tranh đua nghiêng ngửa với những đại học thời danh nhất của Anh như Oxford và Cambridge. Ngược lại, đại học tốt nhất của Việt Nam vẫn thua xa các đại học Thái Lan tới 15 hay 20 lần ( theo Giáo sư Hoàng Tụy trong bài phỏng vấn trên VNExpress, 8.2005 ).

Học nơi người không phải là tự ti. Học để làm bồi họ ( làm thông, làm phán ) mới là điều nhục. Học để “sáng sữa bò, tối sâm banh”, “để võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, để đè nén thiên hạ, vinh thân phì gia “một người làm quan, cả họ được nhờ”, đó chính là cái học ngu dân và nô lệ. Một cái học phản giáo dục. Cái học thật phải là cái học để tự lập, để vươn lên, để hay hơn, để hoàn hảo hơn. Đó chính là cái học vượt khỏi tình trạng trì trệ hiện tại. CÁI HỌC TIẾN BỘ.

Từng lăn lội trong giảng đường đại học nhiều năm, chúng tôi không chỉ ý thức được cái hay, càng nhận thức được cái kém của mình. Chúng tôi càng nhận ra cái thế đứng bé nhỏ, khiêm tốn ( nếu không dám nói là "không hiện hữu” ) của văn hóa nhà. Với quyết tâm phải làm một cái gì để dân tộc chúng ta có thể "ngóc đầu" lên ( Kim Ðịnh ), để chúng ta có thể tự hào với "cây nhà, lá vườn," ta cần phải có nhiều nhóm nghiên cứu, mục đích tìm kiếm, tu bổ và phát triển nền văn hóa Việt. Tìm kiếm tinh hoa, mổ xẻ khiếm khuyết, tu bổ cái đương suy sụp, phát triển thành một cái gì đẹp hơn, tốt hơn và lợi hơn, đó là những công việc tất yếu làm thăng hoa Việt Nam.

( Nguồn: www.vntaiwan.catholic.org.tw/thanhoc/tutuong2.htm )
TRẦN VĂN ĐOÀN

Nhận xét thêm:
Những nhận định sắc bén và thẳng thắn về văn hóa Việt Nam của Gs. Trần Văn Đoàn rất “Sự thật mất lòng” nhưng “thuốc đắng đã tật.” Ðã đến lúc mà ta phải trực diện với chính nền văn hóa của mình. Những người đi nhiều, sống nhiều như Gs. Đoàn thường phải nhận ra thế đứng bé nhỏ, khiêm tốn, nếu không dám nói là “không hiện hữu” của văn hóa Việt Nam trên thế giới.

Trong khi văn hóa nói chung ( nguyên nhân chính làm cho đất nước ta thua kém nhiều mặt ) của dân tộc Việt Nam gồm 96 triệu người trong nước và 3 triệu sống tại hải ngoại, trong đó chỉ có 6% theo Công Đạo, là những gì quá ư vĩ đại vượt ra khỏi khả năng đóng góp hạn hẹp của Kitô Nhân, thì trong nội bộ Đạo, đứng trước thực tế lịch sử là sau 500 năm tỷ lệ người Việt Nam đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô Giêsu không hề gia tăng so với đà phát triển dân số, ta phải làm gì đây để qua văn hóa Việt Nam mà cải thiện hiệu quả Loan Báo Tin Mừng ?

Yêu cầu mạnh nhất khi tin và đi theo Thầy Hai Thế Độ ( Đức Kitô Giêsu ): “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” ( Mạnh An 16, 24 ).

Trong thực tế, hàng tu sỹ và giáo sỹ của ta vẫn luôn: Bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy Hai ( x. Mạnh An 19, 29 ) đấy chứ, nhưng không hẳn dễ dàng từ bỏ chính mình và thế giá của mình.
Thí dụ, văn hóa dân tộc đòi hỏi phải “kính lão đắc thọ.” Thời xưa sống lâu 60 tuổi gọi là hạ thọ 下壽, 70 tuổi là trung thọ 中壽, 80 tuổi trở lên là thượng thọ 上壽. Người có đức nhân được Trời ban cho sống lâu được gọi là 仁壽 nhân thọ. Khi gặp vị trưởng lão thượng thọ, nhà vua còn phải xuống ngai chắp tay thi lễ vì cụ này đang tỏa sáng Lộc Trời.

Hư tước “Cha” ở trong Đạo chỉ thích hợp với văn hóa phương Tây và chỉ trong giao tế ngoài xã hội giống như “công tước, hầu tước, bá tước”, không bao giờ được dùng trong Thánh Lễ vì ở đây “Cha” có nghĩa là “Cha” của Đức Kitô Giêsu hay Đức Chúa Cha. Từ ngàn đời nay bản Roman Missal ( có từ năm 215 ) luôn đọc: Dominus vobiscum et cum spiritu tuo – Chúa ở cùng anh chị em và ở cùng lòng thầy ( vị chủ sự ).

Bản dịch tiếng Anh dùng từ năm 1970: The Lord be with you. And also with you. Chúa ở cùng anh chị em. Và cũng ở với thầy ( chủ sự ). Không hề gọi người dâng lễ là “Cha.”

Nhưng đến năm 2008, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra bản dịch chích thức mới trong đó câu “The Lord be with you” được cộng đoàn đáp lại là “And with your spirit”: “Và ở nơi lòng thầy ( chủ sự )” cho phù hợp với truyền thống ngàn đời của Nhà Đạo toàn cầu. Ở đây “lòng” tức là “Chúa Thánh Thần”.

Gần gũi nhất với tiếng Việt, bản tiếng Hoa dịch câu này là:
願主與你們同在: Nguyện Chủ/Chúa dự nhĩ môn đồng tại. Nguyện Chúa ở cùng anh chị em.
也與你的心靈同在: Dã dự nhĩ đích tâm linh đồng tại. Và cũng ở nơi tâm linh người ( vị chủ sự ).
http://sjccc.sjccm.com/download/order_of_mass.pdf

Ta thấy người Hoa rất nhậy bén về dụng ngôn. Câu tiếng Latin “Dominus vobiscum” hay tiếng Anh “The Lord be with you” là một lời cầu chúc. Ý nghĩa đích thực của câu này không phải là một lời phán vì vị chủ sự có thể cầu xin chứ không có quyền năng làm cho Chúa phải ở với cộng đoàn. Thành ra họ phải nói: Nguyện Chúa ở cùng anh chị em.

Thế mà cho tới tận nay 2017, Nhà Đạo Việt Nam vẫn giữ nguyên câu “Chúa ở cùng anh chị em. Và ở cùng Cha.” Liền ngay sau đó cộng đoàn còn đọc chung: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời…”. “Thử đặt mình vào vị trí người ngoài Công Giáo” ( câu nói quen thuộc của Thầy Tư Nguyễn Khảm ) người ta sẽ rối trí như thế nào ?
Trong trường hợp này “Và ở cùng cha” không những không phù hợp với thần học tín lý và thống nhất với Nhà Đạo toàn cầu mà còn trái với văn hóa Việt Nam. Một cộng đoàn trong đó có nhiều bậc “nhân thọ” không thể cùng gọi vị chủ sự ( đáng tuổi con cháu ) là “cha” được.

Nhận định của Gs. Trần Văn Đoàn làm sáng tỏ một điểm là Loan Báo Tin Mừng cho người Việt Nam rất khó có kết quả khả quan nếu không nhìn ra và tôn kính các giá trị của văn hóa Việt Nam.

NGUYỄN THẾ TRUNG,
Lễ kính Mạnh An Đạo Nhân ( Thánh Mátthêu ) 21.9.2017
Nguồn: Ephata 765