Trò chuyện cùng tác giả đạt giải nhất Văn Hóa Đất Mới 2017, thể loại truyện dài: Têrêsa Nguyễn Phương Thảo, Canada

vanthoconggiao.net

Quý bạn đọc VTCG thân mến,
Trong danh sách các tác giả đạt giải Văn Hóa Đất Mới (VHĐM) 2017, có lẽ đáng chú ý nhất là nhà văn trẻ hải ngoại, Têrêsa Nguyễn Phương Thảo đã đạt giải nhất thể loại truyện dài với tác phẩm đầu tay: “Ôi Tội Hồng Phúc”, một làn gió mới cho Văn Thơ Công Giáo  (VTCG) Việt Nam. Khi được tin đạt giải VHĐM 2017, chị đã có nhã ý dành tặng số tiền giải thưởng cho VTCG.
Sau đây, Ban biên tập VTCG hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc bốn phương cuộc trò chuyện đặc biệt với tác giả tân tòng mang tên vị thánh bổn mạng Têrêsa vốn được nhiều người yêu mến này.


BBT: Xin chào chị Têrêsa Nguyễn Phương Thảo. Trước tiên, ban biên tập VTCG xin chúc mừng chị đạt giải cao nhất trong thể loại có thể nói là khó nhất của giải VHĐM 2017; đồng thời, cũng xin hết lòng cảm ơn chị đã ưu ái nhường lại phần giải thưởng cho VTCG. Xin chị vui lòng chia sẻ đôi lời khi nhận được tin mình đạt giải VHĐM được không ạ ? 
Chị Phương Thảo: Vâng, xin chào BBT và quý độc giả, tác phẩm “Ôi tội hồng phúc” đã được ra đời với mục đích cổ võ cho chương trình bảo vệ sự sống tại Việt nam do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế khởi xướng. Vì vậy, con rất vui mừng khi đứa con tinh thần của mình đã có dịp đến với các độc giả xa gần khắp nơi.

BBT: Vâng, tạ ơn Chúa đã ban cho chị “đứa con tinh thần đầu lòng” hết sức tuyệt vời. Người ta nói, không ai hiểu con mình hơn người mẹ đã cưu mang sinh ra nó. Để có được tác phẩm đầu tay tầm cỡ như thế, chắc hẳn tác giả cũng phải vất vả rất nhiều, xin chị vui lòng chia sẻ bối cảnh ra đời của tác phẩm và nhất là câu chuyện tình lâm ly, zig zăg tuyệt vời giữa các nhân vật Tùng, Tuấn, Hương… có thật ngoài đời không, hay chí ít là có gợi hứng từ đâu đó không ?  
Chị Phương Thảo: Dạ thưa BBT và quý độc giả, tình cờ ghé vào trang nhà của Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế vào năm 2012, con vô cùng ấn tượng với chương trình Bảo vệ Sự sống của các linh mục. Từ đấy, con bắt đầu nuôi ý tưởng sáng tác, dựa trên một câu chuyện con được nghe kể nhưng chỉ bắt đầu nghiêm túc đặt bút viết vào giữa năm 2017. Như vậy, tiểu thuyết “Ôi tội hồng phúc” đã được phóng tác từ truyện thật nhưng tất nhiên, cũng được hư cấu khá nhiều để tăng phần hấp dẫn và lôi cuốn cho độc giả.
Vốn là Tân tòng, gốc gia đình Phật giáo, con chủ ý nhắm đến các độc giả không Công giáo nên nội dung tôn giáo được đề cập khá nhẹ nhàng hầu tránh gây cảm giác nhàm chám cho các độc giả chưa quen với văn hóa và thuật ngữ Kytô Giáo. Chủ đề xuyên suốt của tác phẩm là bảo vệ sự sống nhưng cũng bao gồm quan điểm Kytô Giáo về giá trị của tình dục – tình yêu, hôn nhân và đặc biệt là vấn đề sự dữ và lời giải đáp trong đức tin. Và đó cũng là lý do vì sao tác phẩm được mang tên: “Ôi tội hồng phúc!”, trích từ bài Exsultet, trong đêm canh thức Vọng Phục sinh.
Đồng thời, tác phẩm cũng kể đến mặc khải tự nhiên của Thiên Chúa nơi các tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, một tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất và ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Việt Nam. Khi nhắc về Phật giáo, con muốn ám chỉ rằng Thiên Chúa đến với tất cả mọi người qua lương tâm ngay lành và khao khát tìm kiếm Chân Thiện Mỹ, cho dẫu trong ý thức, họ không biết Ngài là ai hay cầu khẩn Ngài dưới một danh xưng khác.
Truyện có kết thúc theo hướng mở với những cánh cửa tương lai khác nhau. Con xin dành cho quý độc giả quyền tự do định đoạt một cái kết có hậu mỹ mãn theo ý riêng của mình.
Xin thú thật là con phải bỏ không ít thời gian nghiền ngẫm các bài viết về Y học và Phật giáo. Con cũng bị phê bình về một chi tiết bất hợp lý liên quan đến tình trạng thiếu an toàn khó xảy ra ở một nước tân tiến như Canada, khiến cho chiếc máy bán hàng tự động bị đổ ụp bất ngờ, gây tai nạn chết người. Con xin đính chính là theo thống kê ở Bắc Mỹ, số người bị thương tích hay tử vong do máy bán hàng tự động, tuy vô cùng họa hiếm, nhưng vẫn nhiều hơn so với số tại nạn bởi các cuộc tấn công từ cá mập.
Tóm lại, tác phẩm “Ôi tội hồng phúc” không thể tránh khỏi nhiều thiếu sót do không được viết bởi một nhà văn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, con vẫn hy vọng có thể giới thiệu với độc giả không Công giáo các giá trị nền tảng và thông điệp yêu thương của Kytô Giáo.
Cuối cùng, con xin chân thành cảm tạ Chúa đã hướng dẫn con hoàn tất tác phẩm này. Con luôn cầu nguyện xin Ngài giúp sức trước khi khởi đầu một chương mới.

BBT: Vâng, một lân nữa chúng em xin được mượn lời cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều để nói về “đứa con tinh thần” của chị:
“Khen rằng giá đáng Thịnh Đường
Thì trao giải nhất, chi nhường cho ai”
Quả thực khó mà tin rằng chỉ cách đây vài năm chị chưa từng sáng tác văn học. Quả thực đó là một hồng ân tuyệt vời mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống trên chị. Nếu nói theo nhãn quan người ngoài, có lẽ cũng không quá lời khi nói đây là một hiện tượng VTCG bởi vì  hai tác phẩm đầu tay của chị đã đạt giải cao như thế. Câu hỏi tiếp theo, thời gian qua, trên nhóm Fb VTCG nhiều độc giả rất tâm đắc với những lời bình luận, nhận xét của chị về các tác phẩm giải Viết Văn Đường Trường, tuy nhiên, không thấy có tác phẩm của chị. Vậy cơ duyên nào đã đưa chị tới giải VHĐM, hay nói cách khác là tới cái nghiệp văn chương chữ nghĩa ?
Chị Phương Thảo: Dạ thưa BBT và quý độc giả, vào cuối năm 2016, con tình cờ đươc biết về cuộc thi Viết Về Yêu Thương qua mạng lưới internet . Con quyết định tham gia với truyện ngắn “Chuỗi Mân Côi”. Qua năm 2017, con dự định tiếp tục cuộc thi này với tiểu thuyết “Ôi Tội hồng phúc” nhưng thể loại truyện dài bị loại bỏ. Vì vậy, ban tổ chức đã giới thiệu con đến với Giải Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới.
Con chưa từng có một “sự nghiệp” văn chương nào cho đúng nghĩa. Vốn bị hội chứng tâm lý bẩm sinh gọi là “tự kỷ” dạng nhẹ (có lẽ là do di truyền), kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ viết nơi con đã bị hạn chế một cách đáng kể từ thời niên thiếu. Ở bậc Trung học, môn luận văn của con chỉ được tối đa là 3/10. Nhờ điểm giảng văn, do cóp bài từ những năm trước, con mới vớt vát điểm trung bình lên đúng 5.0 để không phải thi lại cuối năm.


Xuất thân từ một gia đình Phật giáo, con trở lại Công giáo vào năm 18 tuổi (được kể lại trong truyện ngắn “Chuỗi Mân Côi”). Tuy nhiên, căn bệnh tâm lý bẩm sinh đã sớm biến con thành một kẻ bất thường giữa bao kẻ bình thường và càng lúc càng trở nên thách đố nặng nề cho cuộc sống thường nhật và tâm linh của con. Kết quả là con mất đức tin và rời xa Hội thánh trong một thời gian dài. Sau một biến cố gây sốc lớn vào năm 2011, con được ơn hoán cải trọn vẹn, đồng thời cũng được ơn chữa lành khỏi một căn bệnh mà theo y học và tâm lý học là vô phương chữa trị, nhất là ở lứa tuổi đã trưởng thành.
Bước vào Năm Đức tin 2012-2013, con bắt đầu ghi chép lại “Hành trình tìm kiếm hạnh phúc và ơn chữa lành của một người tự kỷ”. Mặc dầu đây chỉ là một bản tự thuật ngắn, con phải mất cả năm mới hoàn thành vì chưa quen với việc soạn thảo.
Năm 2016, Giáo xứ Đức Mẹ Lavang, Tổng Địa phận Ottawa, kêu gọi mọi người đóng góp bài viết cho tập san kỷ niệm 15 năm thành lập giáo xứ. Con gửi bài muộn nên không được nhận đăng nhưng từ đấy, con bỗng có cảm hứng cho ra đời một loạt tự thuật và truyện ngắn, trong đó có bài “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù”  và “Lão Tặc Thiên” được đăng trên Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp  và Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ .
Nhiều độc giả không tin con từng mắc hội chứng tự kỷ bởi bệnh nhân vốn không ít thì nhiều, đều bị giới hạn trong ngôn ngữ. Họ bảo, người tự kỷ đâu thể viết văn lưu loát như thế. Sự thật thì con chỉ mới bắt đầu có khả năng viết lách một cách mạch lạc sau khi được ơn chữa lành từ năm 2011. Đây chính là phép lạ kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa đầy lòng thương xót đã thi thố trên con.
Riêng “Ôi Tội Hồng Phúc” là tiểu thuyết đầu tay của con. Nhờ có cô bạn đang làm việc tại Nhà Xuất bản Giáo dục góp ý về phương pháp sáng tác và vài bạn khác giúp sửa lỗi chính tả, con mới ngày một hoàn thiện câu chuyện của mình hơn. Xin chân thành gửi lời cảm ơn các bạn. Nhưng trên hết mọi sự, phải kể đến hồng ân Thiên Chúa. Nếu con không liên lỉ cầu nguyện và cầu xin ơn Chúa soi sáng hướng dẫn, con đã không đủ khả năng hoàn thành tác phẩm này.
“Ôi Tội Hồng Phúc” đã được sáng tác với tâm nguyện tha thiết của con. Ấy là, qua một câu chuyện rất chân thật, rất đời thường, độc giả sẽ tự rút ra lời giải đáp xác đáng cho một vấn nạn đang gây nhiều làn sóng tranh cãi gay gắt trên toàn thế giới: “Vì sao nên bảo vệ sự sống?”.
Có độc giả bình luận rằng, đây là một câu chuyện cảm động nhưng trên thực tế, đâu phải ai cũng may mắn như các nhân vật trong truyện. Chẳng hạn, những cô gái bị cưỡng bức đến mang thai, các thai phụ ở tuổi vị thành niên hay thiếu khả năng tài chính, những thai nhi được dự đoán mắc dị tật bẩm sinh, vân vân… Đứa trẻ được sinh ra đời chỉ để gồng chịu khổ não cho bản thân và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Họ quên rằng một đứa trẻ cần được nuôi dưỡng và lớn lên, không chỉ đơn thuần bằng cơm gạo, tiền của, mà xa hơn nữa, còn bằng sự hy sinh và lòng nhân ái của những người xung quanh và trên hết là nhờ vào sự quan phòng kỳ diệu của một Thiên Chúa Toàn Năng.
Một cô em họ của con đã mang thai ngoài ý muốn và trở thành mẹ đơn thân ở tuổi 17. Cậu của con là tân tòng nhưng kiên quyết thuyết phục con gái giữ lại bào thai. Đứa trẻ sinh ra, bị bại liệt toàn thân, phải nằm lỳ một chỗ cho đến khi qua đời cách đây vài năm. Vậy mà đối với cả nhà của cậu, chỉ nguyên sự hiện hữu của cháu bé vẫn mang đến niềm vui và nụ cười cho mọi người. Về sau, cô em ấy kết hôn với một anh hết mực yêu thương con riêng của vợ. Anh không quản đêm ngày nhọc nhằn, cùng vợ sớm hôm vất vả chăm sóc đứa con tật nguyền, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, cho đến việc thường xuyên vất vả đưa cháu bé ra vào bệnh viện cấp cứu. Người đời có lẽ thuần túy cho rằng cô ấy may mắn nhưng dưới lăng kính đức tin, con đã nhận ra sự an ủi ngọt ngào và sự đền bù tuyệt hảo của Lòng Thương Xót Chúa dành cho những ai tin kính và yêu mến Ngài. Không có đứa bé ấy, liệu cô em họ của con có cơ hội trải nghiệm cho đến tận cùng một tình yêu sâu đậm, vô vị lợi mà biết bao kẻ cả đời mơ ước vẫn không có được!
BBT: Vâng, cám ơn chị về những chia sẻ rất quý báu. Trong truyện ngắn đầu tay “Chuỗi Mân Côi” đạt giải nhì phong trào Viết Về Yêu Thương, chị đã kể về hành trình đức tin của mình. Nay xin chị chia sẻ thêm về ơn gọi tông đồ giáo dân qua kinh nghiệm bản thân chị được chứ ạ?
Chị Phương Thảo: Dạ thưa BBT và quý độc giả, tên Thánh Têrêsa đến với con một cách rất tình cờ khi đã cận ngày rửa tội mà con vẫn chưa tìm được người đỡ đầu. Bí lối quá, con không còn cách nào khác hơn là đành phải cầu cứu Đức Mẹ! Mà linh nghiệm thật! Con vừa khấn xong thì lập tức có một chị lạ mặt bước tới hỏi thăm rồi tình nguyện nhận lời đỡ đầu. Chị cho con mượn quyển sách "Một tâm hồn" của Thánh Têrêxa Hài Đồng, qua đó, lần đầu tiên con được biết đến một vị Thánh rất đơn sơ đáng yêu và chọn Ngài làm Thánh Quan Thầy, một chọn lựa xem ra rất ngẫu nhiên nhưng về sau con mới vỡ lẽ là sự an bài tuyệt vời của Chúa Trời. Qua lời bầu cử của Đức Maria, Thiên Chúa đã sai Chị Thánh dìu dắt con trên con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng, không phải trong ơn gọi dâng hiến, mà chính trong ơn gọi hôn nhân của đời thường.
Năm tháng trôi qua, con mới dần dần khám phá ra, linh đạo Thơ Ấu Thiêng Liêng chính là bí quyết nhiệm mầu để duy trì sức khỏe, cân bằng tâm lý, phát triển tâm linh và vì thế, có hiệu quả thần kỳ là mang đến bình an và hạnh phúc đích thật ngay ở đời này, không cần chờ đến đời sau. Nhờ vậy mà một kẻ từng lâm vào tình cảnh chán chường và trầm cảm kinh niên bởi tuyệt vọng bế tắc như con đã bắt đầu được thưởng thức hương vị đậm đà của niềm vui sâu lắng và yên bình vĩnh cửu. Chỉ cần  đến với Chúa như con trẻ, đơn sơ trao hết mọi khó nhọc lao đao của cuộc đời, Ngài sẽ tự khắc biến mọi tai ách thành êm ái và mọi gánh nặng thành nhẹ nhàng (Mt 11:28-30).
"Năm tháng trôi qua, con mới dần dần khám phá ra, linh đạo Thơ Ấu Thiêng Liêng chính là bí quyết nhiệm mầu để duy trì sức khỏe, cân bằng tâm lý, phát triển tâm linh và vì thế, có hiệu quả thần kỳ là mang đến bình an và hạnh phúc đích thật ngay ở đời này, không cần chờ đến đời sau" (Nguyễn Phương Thảo).
Rồi cho đến một ngày, con chợt cảm thấy thúc đẩy bởi thao thức rao truyền Tin Mừng ấy cho những người thân khi con chứng kiến họ cũng đang chơi vơi vùng vẫy trong đổ vỡ, ngang trái, không lối thoát. Đó là một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự bền bỉ và chuyên cần tuyệt đối. Con cần lắng nghe người khác tâm sự, hướng dẫn họ cầu nguyện và liên lỉ hiệp ý với họ ngõ hầu chính Chúa gỡ rối, hàn gắn, chữa lành và cứu thoát họ bởi vì “không có gì là không thể được” đối với một Thiên Chúa Toàn năng.
Tóm lại, con đã bị Chúa lôi kéo vào cuộc sống chiêm niệm ngay giữa đời thường với một lý lẽ xem ra rất ngược đời là “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9: 29). Và con buộc phải vâng theo bởi không còn chọn lựa nào khác.
Nhưng cuối cùng, tạ ơn Chúa đã đoái thương cho con được mục kích phần nào hoa trái của công việc mình đang làm. Vài người bạn đã rút đơn ly hôn và chấp thuận vun đắp lại hạnh phúc gia đình đang rạn nứt. Vài người bạn khác đã gỡ rối được những khúc mắc khó giải trừ hay giải quyết được các mối xung đột khó dung hòa trong gia đình hay nơi giáo xứ.
Hành trình trước mắt của con vẫn còn lắm chông gai, trắc trở bởi thế giới quanh mình vốn thiếu vắng lòng tin và khô khan lòng mến. Con phải thường xuyên cầu xin ơn đức tin và ơn bền đỗ đến cùng cho người thân và cả cá nhân mình. Tuy nhiên, con luôn nuôi niềm hy vọng vững chắc vào lời đoan hứa của Chúa: “Nếu con tin, con sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 11:40). Những hạt giống cầu nguyện mà con âm thầm gieo rắc hôm nay sẽ được chính Chúa chăm nom, vun xới cho đến ngày đâm chồi nảy lộc rồi đơm hoa kết trái trên cánh đồng truyền giáo bát ngát bao la.

BBT: Xin phép chị cho đặt một câu hỏi tò mò một chút. Chị có thể giới thiệu thêm về đời sống gia đình, công việc làm ăn và cái nghiệp văn chương của chị hiện nay bên Canada ra sao ?

Chị Phương Thảo: Dạ thưa BBT và quý độc giả, con đã lập gia đình và có hai cháu, một gái, một trai. Con hiện làm lập trình viên cho Bộ Lao động và Phát triển xã hội của chính phủ liên bang. Hôn nhân của con vừa êm đềm, vừa sóng gió. Êm đềm vì chúng con khá tương đồng về mọi mặt nhưng sóng gió vì chưa cùng tần số của niềm tin. Điều này đã tạo khá nhiều thách đố cho việc giáo dục con cái. Vì vậy, nếu có ai hỏi, con có hối hận đã kết hôn với một người ngoài Công giáo không. Con xin thưa là con rất hối tiếc đã... không cầu nguyện cho anh sớm hơn, xin Chúa ban cho anh ơn đức tin để gia đình chúng con và chính bản thân anh được vui hưởng sự an bình viên mãn thật sự.
Như con đã thưa ở trên, con chưa có sự nghiệp văn chương gì đặc biệt ngoài vài bài tự thuật mang tính chia sẻ đức tin, hai truyện ngắn và một truyện dài.

BBT: Câu hỏi cuối cùng, chị có thể bật mí về đứa con tinh thần tiếp theo ? Chị muốn viết về đề tài gì ?
Chị Phương Thảo: Dạ thưa BBT và quý độc giả, Ban Văn Hóa Xuân Lộc vừa thông báo thể lệ cuộc thi năm 2018 với chủ đề chính về hôn nhân và gia đình. Đây là một đề tài đầy tính hiện thực của xã hội và cũng là ưu tư nóng bỏng hàng đầu của Hội thánh Công giáo đương thời. Gia đình là nền móng của xã hội, là tế bào của Hội thánh và là chiếc nôi nuôi dưỡng ơn gọi thánh hiến. Đơn vị nền tảng ấy hiện đang trên đà tan rã và tuột dốc thảm hại. Các cụ ngày xưa có câu: “ăn cơm trước kẻng” nhưng thế hệ hôm nay nổi hứng lúc nào là xơi cơm lúc nấy, không cần kèn trống gì cả. Lối sống phóng túng đó đã dẫn đến nguy cơ giảm sút nghiêm trọng ơn gọi tu trì và mở ra một tương lai bất định cho thế hệ mai sau. Chính vì lẽ ấy, chưa bao giờ mà việc loan báo Tin Mừng Cứu độ lại trở nên cấp bách và thiết thực như hôm nay, đặc biệt là việc truyền giáo và tái truyền giáo qua ngòi bút văn thơ Công giáo. Riêng con đã ấp ủ vài ý tưởng sáng tác nhưng chưa biết có đủ thời gian hoàn tất hay không. Dẫu thế nào, con rất mong mỏi được thưởng thức các tác phẩm xuất sắc có thể đánh động tâm thức và đi sâu vào lòng độc giả.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn chị Thảo đã nhận lời chia sẻ cuộc trò chuyện này. Và nguyện xin Chúa tiếp tục chúc lành cho chị, cho gia đình đáng yêu của chị và nhất là cho “những đứa con tinh thần” trong tương lai của chị sẽ mang lại nhiều hoa trái tốt đẹp cho VTCG.