NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ
CHIẾC BÁNH THỨ NĂM:
YÊU THƯƠNG CHO ĐẾN HIỆP NHẤT. CHÚC THƯ CỦA CHÚA GIÊSU
Các bạn được gọi làm chứng nhân đáng tin của Phúc Âm Chúa Kitô, Đấng làm cho mọi sự nên mới... “nếu các bạn thương yêu nhau” (Ga 13, 35). (Gioan-Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ XII, số 8).
Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu: “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!” Anh ta đáp: “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm”.
Đó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.
Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi: đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói: “Nếu cứ thay riết thì sở CA bị nhiễm độc hết!”
Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi: Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt.
Tôi phải làm thế nào?
Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói... Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Đức, Úc, Áo, v.v...
Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời... Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp... tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp CA, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.
Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy: “Điều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”.
"Khi nào có hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”.
Một hôm một ông xếp hỏi tôi:
- Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo “Người Công Giáo”?
- Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công Giáo và cho cả nhà nước.
- Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy?
- Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.
- Ông có thể giúp được không?
- Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon (từ điển bỏ túi) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo Hội...
Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo Hội. “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành. Ai cũng muốn biết Viện Phụ là gì, Thượng Phụ là gì, Công Giáo khác Anh Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo chỗ nào? Tài chánh của Tòa Thánh từ đâu mà có? Có bao nhiêu Tu Sĩ, Giáo Dân làm việc trong Giáo Triều, huấn luyện Tu Sĩ, Giáo Sĩ thế nào? Giáo Hội phục vụ nhân loại thế nào? Tại sao Giáo Hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa... Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.
Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu Tu Sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo Hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:
- Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?
- Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?
- Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.
Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella... Các bạn biết anh ta chọn bài nào không? Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm...).
Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus... Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù CS lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!
Anh thứ hai lại chọn một bài hát tiếng Việt: “Ngày vinh phước hôm nay, hát mừng Tôma Thiện” kính Thánh Tử Đạo chủng sinh. Anh rất thích nên thuộc lòng cả bài. Tiếng anh ngân nga, như nhắc tôi can đảm chịu khó:
Ôi! cái chết đẹp thay!
Trên cổ một vòng dây,
Cái vòng dây yêu mến,
Buộc lòng tớ theo Thầy.
Đâu có tình yêu thương, đó có vui tươi an bình, vì Chúa Giêsu ở đó. Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: bác ái. Bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa (Ga 13, 35) là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất.
Cố ĐHY Thuận và Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II |
Trên núi Vĩnh Phú, trong trại tù Vĩnh Quang, một hôm trời mưa lớn, tôi cưa gỗ trong nhà. Tôi xin anh chiến sĩ gác tôi:
- Tôi xin anh một đặc ân.
- Ông muốn gì? Tôi cố gắng giúp ông.
- Tôi muốn cưa một miếng gỗ theo hình Thánh Giá.
- Ông không biết ở trại nghiêm cấm mọi hình thức tôn giáo sao?
- Tôi biết, nhưng chúng ta là bạn, và tôi hứa sẽ giấu rất kín.
- Vô cùng nguy hiểm cho cả hai anh em mình.
- Anh nhắm mắt đi cho tôi làm, tôi sẽ cẩn trọng hết sức.
Anh ta quay lưng, bỏ tôi lại một mình. Tôi đã thực hiện ngay ý định, rồi giấu Thánh Giá gỗ ấy trong một cục xà phòng cho đến ngày tôi được tự do. Tôi thuê thợ bọc nó lại bằng “mêtan”. Miếng gỗ ấy có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở nên Thánh Giá của Giám Mục!
Gỗ Thánh Giá ấy lấy từ núi Vĩnh Phú, nơi có đền Hùng thờ các vua Hùng, tổ tiên chúng ta đã có công dựng nước. Đi đâu tôi cũng mang Thánh Giá ấy, mang trên mình Chúa Giêsu và quê hương Việt Nam.
Trong một nơi biệt giam khác, ở Hà Nội, tôi đã xin anh gác:
- Tôi muốn xin anh giúp tôi một chuyện.
- Ông cần gì tôi sẽ hết sức giúp đỡ.
- Anh kiếm cho tôi một sợi dây điện đồng.
Anh ta trợn mắt:
- Trời đất! Trong trường CA chúng tôi đã học: tù nhân nào giữ một sợi dây điện là dấu muốn tự tử.
- Không đâu, Linh Mục đâu lại đi tự tử!
- Nhưng ông dùng dây điện làm gì?
- Tôi muốn làm một sợi dây để mang tượng Thánh Giá.
- Dây điện mà làm dây mang tượng Thánh Giá sao được? Khó hiểu quá!
- Anh cứ cho tôi mượn hai cái kềm nhỏ, tôi sẽ làm cho anh xem.
- Nguy hiểm lắm ông ơi! Không khéo cả ông cả tôi mang lấy vạ.
- Nhưng chúng mình là bạn mà!
- Tôi ngại lắm, nhưng để tôi suy nghĩ vài hôm rồi sẽ trả lời cho ông.
Sau ba hôm, anh ta bảo:
- Thực khó từ chối với ông. Tôi tính thế này, chiều nay tôi sẽ mang đến hai cái kềm, từ 7 giờ đến 10 giờ đêm, phải liệu cho xong. Tôi để anh bạn tôi đi chơi “Hanoi by night”. Nhỡ ai thấy chúng ta, nói đến tai cấp trên, chúng ta sẽ bị kỷ luật.
Chúng tôi đã cắt sợi dây điện ra từng mảnh như que diêm. Chúng tôi bẻ cong hai đầu lại. Trước 11 giờ đêm chúng tôi đã làm xong! Tôi mừng quá! Thắng lợi.
Hằng ngày tôi mang sợi dây này và Thánh Giá này trên mình, không phải để kỷ niệm ngục tù, nhưng vì nhắc cho tôi xác tín cách sâu xa rằng: Không phải dùng khí giới, đe dọa, áp lực mà có thể thay đổi được lòng người; chỉ có tình yêu Chúa Giêsu mới thay đổi được.
Điều khó hiểu nhất đối với chiến sĩ gác tù, là thái độ tha thứ yêu thương địch thù của mình. Có hôm mấy anh gác hỏi tôi:
- Ông có thương chúng tôi không?
- Có chứ, tôi yêu thương các anh cách thành thực, không có gì là khách sáo đâu!
- Kể cả khi người ta giam ông, mất tự do, năm này sang năm khác? Không xét xử gì cả?
- Anh nghĩ lại bao nhiêu năm ở với nhau. Tôi làm sao giấu được. Tôi thực sự yêu thương các anh.
- Chừng nào được tự do ông có sai Giáo Dân của ông trả thù không?
- Không, tôi vẫn tiếp tục yêu thương, dù các anh có muốn giết tôi.
- Nhưng tại sao lại yêu kẻ thù hại ông?
- Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương; nếu tôi không tuân giữ, tôi không đáng gọi là Kitô hữu nữa.
Thời gian eo hẹp và hoàn cảnh chưa thuận tiện để thuật lại cho các bạn nhiều chuyện rất cảm động, chứng tích của sức mạnh giải phóng do Tình Yêu Chúa Giêsu làm nên.
Trong Phúc Âm, nhìn đoàn lũ theo Ngài đã ba ngày, Chúa Giêsu nói: “Tôi thương xót dân này” (Mt 15, 32); “Họ khác nào đoàn chiên không mục tử” (Mc 6, 34)... Trong những lúc bi đát nhất ở trong tù, tôi kiệt lực không còn sức mà đọc kinh, nguyện ngắm, tôi tìm một cách để tóm tắt cốt tủy của lời cầu nguyện, của sứ điệp Chúa Giêsu như thế này “Tôi sống chúc thư Chúa Giêsu”. Nghĩa là yêu mến mọi người như Chúa Giêsu đã yêu thương tôi, trong tha thứ, trong nhân từ, trong hiệp nhất, như Ngài đã cầu nguyện “Xin Cha cho họ nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21). Tôi năng cầu nguyện: “Tôi sống chúc thư Chúa Giêsu”. Tôi muốn làm như cậu bé đã dâng tất cả những gì mình có. Năm chiếc bánh và hai con cá không đáng gì cả, nhưng là “tất cả” của nó, để trở thành “khí cụ tình thương của Chúa Giêsu”.
Các bạn trẻ thân mến, Đức Gioan Phaolô II nhắn nhủ các bạn:
Các bạn sẽ gặp Chúa Giêsu ở đâu có người đau khổ và hy vọng: trong những xóm làng bé nhỏ rải rác khắp các lục địa, hầu như ở bên lề của lịch sử, như làng Nadarét; trong những đô thị mênh mông, nơi mà từng triệu người chen nhau sống, lắm lúc như những người xa lạ.
Chúa Giêsu sống bên cạnh các bạn... gặp khuôn mặt Ngài nơi bộ mặt của những người nghèo khổ bị bỏ rơi, thường là những nạn nhân của một chính sách kinh tế bất công, đặt lợi nhuận lên trên hết và làm cho con người thành phương tiện chứ không phải là mục đích...
Gặp Chúa Giêsu ở giữa những người kêu cầu Ngài mà không hề biết Ngài.
Gặp Chúa Giêsu ở giữa những người mang tên là Kitô hữu, cả nam lẫn nữ. Giờ phút này đứng trước ngưỡng cửa của năm 2000, họ cần khẩn trương xóa tan gương xấu chia rẽ giữa anh chị em Kitô hữu. (Gioan-Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 5)
Các bạn hãy cảnh giác: sự lầm lạc lớn nhất là không nhìn thấy người khác là Chúa Kitô. Có nhiều người chỉ khám phá ra điều đó trong ngày cuối cùng.
Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên Thánh Giá, Ngài còn bị bỏ rơi trong mỗi anh chị em đang đau khổ trong mỗi góc xó trên thế giới. Tình thương không có ranh giới; hễ có ranh giới thì không còn là tình thương nữa.
Cầu Nguyện
Kinh Toàn Hiến
Lạy Cha toàn ái, toàn năng,
Là nguồn hy vọng vui mừng của con
“Của Cha là của con (Lc 15, 3).
Hãy xin sẽ được” (Mt 7, 7)
Lạy Cha con tin vững vàng,
Cha thương lo lắng muôn vàn lần hơn,
Các con dù có yêu thương,
Săn sóc chu đáo đâu bằng chính Cha.
Ôi tình phụ tử bao la!
Của Cha tất cả đều là của con.
Cha khuyên cầu nguyện thật lòng,
Nếu con tâm sự, Cha con thâm tình.
“Tất cả là ân sủng”.
“Cha các con biết các con cần gì!” (Mt 6, 8).
Lạy Cha, con tin vững vàng,
Cha đà sắp đặt đàng hoàng từ xưa.
Đời con Cha mãi dẫn đưa,
Cha theo từng bước, con vừa an tâm.
Lạy thờ thiên ý thâm trầm,
Con xin phó thác hoàn toàn tay Cha,
Mọi điều Cha để xảy ra,
Con là con cái, tin là hồng ân.
“Chúa giúp sức tôi làm được tất cả” (Pl 4, 13).
“Nên lời ngợi khen Chúa” (Ep 1, 6).
Lạy Cha, con tin vững vàng,
Không gì vượt Đấng Toàn Năng quan phòng.
Tình Cha nhân ái vô cùng.
Con xin nhận cả với lòng sướng vui.
Ngợi khen cảm tạ muôn đời,
Hiệp cùng Mẹ Thánh hòa lời muôn dân,
Giuse cùng các Thánh Thần,
Hát vinh danh Chúa, không ngừng.
Amen. (Khải huyền).
“Chỉ xin vinh danh Cha” (1Cr 10, 31).
“Xin vâng ý Cha” (Mt 6, 10).
Lạy Cha, con tin vững vàng,
Xin Cha đừng ngại, cứ làm nơi con,
Nơi người yêu quí thiết thân,
Sự gì vinh hiển Cha hơn, cứ làm.
Chỉ xin Cha được vinh quang,
Là con thỏa mãn, ngập tràn hạnh phúc.
Đó là nguyện vọng lớn nhất,
Nhu cầu tuyệt đối thao thức tâm hồn.
“Tất cả vì sứ mạng! Tất cả vì Hội Thánh” (Phaolô VI).
Lạy Cha, con tin vững vàng,
Cha trao sứ mạng ngập tràn yêu thương.
Cha đang chuẩn bị dọn đường,
Con luôn thanh luyện, con hằng quyết tâm.
Quyết nên hy sinh âm thầm,
Quyết nên khí cụ Cha cầm trong tay.
Hy sinh rướm máu từng giây,
Vì yêu Hội Thánh, “con đây, sẵn sàng!”
“Thầy khát khao ăn lễ Vượt Qua với các con” (Lc 22, 15).
“Đã hoàn tất” (Ga 19, 30).
Lạy Cha yêu quý vô ngần,
Hiệp cùng thánh lễ con hằng ngày dâng lên,
Giờ đây quỳ gối một mình,
Thưa Cha một tiếng tận tình “Hy sinh”.
Hy sinh chấp nhận nhục vinh,
Hy sinh vui vẻ, hy sinh vẹn toàn,
Thủy chung giao ước trọn đoàn,
Hát vang Hy Vọng muôn vàn mến thương.
Biệt giam tại trại Phú Khánh, Nha Trang, 1.9.1976
Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Cố Hồng Y Px. NGUYỄN VĂN THUẬN
( Còn tiếp nhiều kỳ )
Kính lạy Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa ban cho dân Việt Nam chúng con, kính xin Ngài luôn yêu thương và cầu bàu cùng Thiên Chúa hằng chở che, chúc phúc và ban muôn Ơn Lành trên mỗi chúng con, Ơn Bình An và Hạnh Phúc, Ơn chữa lành mọi bệnh tật và luôn sống đẹp lòng Chúa mãi mãi trong suốt cuộc đời chúng con. Amen.