Vài điều ít người biết về cha Phaolô Tiệu, vị linh mục khơi nguồn Phong trào Canh tân Đặc sủng tại VN

Quang X Nguyen

VÀI ĐIỀU ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ CHA PHAOLÔ TIỆU

Cha Phaolô Đinh Khắc Tiệu (1926-2018)

Cha Sáu Tiệu kể với tôi, sau khi khấn Dòng, vào Đàlạt học, ngài bị chứng nhức đầu kinh niên, nên xin bề trên tạm ngưng học để phụ xây dựng hoàn tất công trình tu viện DCCT Đàlạt.

Những lúc rảnh không đào đá và phụ khuân vác, ngài vào thư viện. Cha quản thư viện bảo thích đọc sách gì thì đọc, vì đang trong giai đoạn không học theo chương trình, nên không có sách cấm. Thế là ngài ôm bộ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đọc. Thời đó (đầu những năm 50s của thế kỷ 20), Thánh Kinh là một bộ sách chỉ có các giáo sư và những tu sĩ được chỉ định mới được phép đọc. Phải đến sau Công đồng chung Vatican 2 (năm 1965), Thánh Kinh - một gia bảo đức tin - mới được khuyến khích giáo dân đọc và phổ biến.


Càng đọc Thánh Kinh, thầy Tiệu càng say mê, và chứng bệnh nhức đầu dần biến mất. Thầy trở lại chương trình học chung với các thầy bạn trong lớp là Tự Do, Văn Trung, Ngọc Quế, Hữu Phú. Rồi ngài chịu chức linh mục 08.09.1956.

Cha Sáu Tiệu cho biết, chính thời gian đọc Thánh Kinh, ngài được Lời Chúa chữa lành, và nghiệm đươc Thần Khí đang hoạt động hữu hiệu trong Lời Chúa. Đó là lý do ngài bắt đầu cổ vũ anh em trong Dòng và giáo dân đọc Thánh Kinh.

Sau đó Nhà Dòng đưa ngài sang Đức du học. Đối diện tiếng Đức, với ngài là một tảng đá khó vượt qua được. Ngài kể, một hôm đang đứng ở sân nhà thờ, thấy mấy đứa nhỏ bé xíu, 4 - 5 tuổi nói tiếng Đức với nhau ro ro, quá hay! Ngài suy nghĩ và kết luận, mấy đứa nhỏ nó nói được tiếng Đức, mình già đầu rồi mà không nói được sao? vô lý! Thế là từ đó ngài vượt qua được trở ngại ngôn ngữ Đức để theo học các chương trình Thần học mục vụ, nhất là nghiên cứu sâu về tâm lý chiều sâu, trường phái Sigmund Freud.

Cha Yuse Trần Sĩ Tín cho biết, thời học viện ở Đàlạt, cha Sáu Tiệu là một trong ba giáo sư Việt Nam (hai vị kia là cha Thuấn và cha Ngọc Lan) đã khơi nguồn đam mê nghiên cứu chủ động cho các tu sĩ đang học triết-thần của giai đoạn giữa thập niên 60s của thế kỷ 20.

Lm Antôn Lê Ngọc Thanh



CHA PHAOLÔ ĐINH KHẮC TIỆU, 
VỊ LM KHƠI NGUỒN PHONG TRÀO CANH TÂN ĐẶC SỦNG 
TẠI VIỆT NAM 
QUA ĐỜI TẠI HOA KỲ



CHA PHAOLÔ ĐINH KHẮC TIỆU, CSsR (Cha Sáu Tiệu)

– sinh ngày: 02.03.1926

– khấn Dòng: 15.08.1951

– thu phong Linh mục: 08.09.1956

– về nhà Chúa, 17.11.2018 tại Houston, TX, USA

Theo chương trình, thứ Tư, 21.11.2018

– 08:30 AM: Chương trình kính viếng

– 10:00 AM: Thánh lễ an táng tại nhà thờ chính toà Co-Cathedral of the Sacred Heart – 1111 St Joseph Pkwy, Houston, TX 77002, Hoa Kỳ.

Được biết, cha Sáu Tiệu là người khơi nguồn cho phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công giáo tại Việt Nam từ những năm 1960s. Sau 1975, ngài gọi tên là Phong trào Thánh Kinh & Cầu nguyện.

Có thể nói nơi khởi đầu phong trào Thánh Kinh và Cầu Nguyện là Trung tâm Maranatha được thành lập năm 1973 (nay nhà nước chiếm dụng làm trương Mẫu giáo phường 9, quận 3) đã là nơi huấn luyện cho rất nhiều anh chị em giáo dân dấn thân theo phong trào này.

Phong trào Thánh Kinh và Cầu Nguyện đã lan rộng nhanh chóng tại Sài Gòn, Cần Thơ, Long Xuyên, Xuân Lộc, Quảng Nam, Kontum, Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội… Các Nhóm sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Tham gia phong trào có các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Nhiều anh chị em đã trở thành các vị thừa sai truyền giáo nhiệt thành.

Lược sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, phần nói về giai đoạn cha bề trên giám tỉnh Giuse Cao Đình Trị có ghi nhận: “Nhóm Thánh Kinh và Cầu Nguyện, do cha Phaolô Ðinh Khắc Tiệu hướng dẫn, đã liên tục tổ chức được nhiều khoá học hỏi và làm công tác tông đồ tại Sài Gòn và nhiều nơi khác. Các nhóm tông đồ nhỏ cũng đã làm được những việc rất có ý nghĩa tại nhiều nơi, đồng thời gợi hứng cho những tấm lòng khác chia sẻ với những người khốn khổ”.