Chinh phục trong hy sinh: Elisabeth Léseur

Quang X Nguyen

Chinh phục trong hy sinh: Elisabeth Léseur


Elisabeth Léseur (16/10/1866–03/5/1914), tên thật là Pauline Elisabeth Arrighi, nổi danh với quyển nhật ký tâm linh và cuộc trở lại của chồng bà là ông Félix Léseur (1861–1950), một bác sĩ y khoa và là một lãnh tụ của phong trào vô thần chống giáo sĩ tại Pháp. Hồ sơ phong thánh cho bà đã được tiến hành từ năm 1934 và hiện bà đã được nhìn nhận là một Tôi Tớ Chúa.

Hôn nhân và thách đố đức tin

Elisabeth sinh tại Paris trong một gia đình thượng lưu Pháp miền Corse. Năm 1887, bà gặp ông Félix Léseur (1861–1950), cũng xuất thân từ một gia đình Công Giáo giàu có. Chỉ ít lâu trước lễ cưới bà mới khám phá ra rằng Felix đã bỏ đạo.

Ông Felix Léseur vẫn hành nghề bác sĩ nhưng đã sớm nổi danh là chủ bút một tờ báo vô thần chống giáo sĩ ở Paris. Mặc dù ông đã thề hứa tôn trọng niềm tin tôn giáo của vợ, nhưng lòng căm ghét đạo Công Giáo đã khiến ông đổi thái độ. Ông tìm mọi dịp công kích, lung lạc và chế giễu đức tin của vợ.


Qua hồi ký của ông, ông Felix cho biết những cố gắng của ông nhằm “khai sáng” cho Elizabeth có lúc đã gần thành công. Ông đã khuyên Elizabeth đọc quyển sách của Ernest Renan tựa đề “Cuộc đời Giêsu”, hy vọng rằng cuối cùng nó sẽ đập tan những tin tưởng Công Giáo còn sót lại. Thế nhưng ông cho biết, ngược lại, bà đã phát chán với thực chất nghèo nàn của những luận cứ trong cuốn sách, và quay sang miệt mài đào sâu về tôn giáo của bà hơn.

Chẳng bao lâu, nhà họ chất thành hai thư viện đối nghịch. Một bên là sách biện minh cho chủ nghĩa vô thần, còn bên kia là sách hạnh các thánh và sách trình bày những luận chứng ủng hộ Chúa Kitô và Hội Thánh Công Giáo. Ông Felix bẽ bàng nhận ra rằng những thách đố ông đưa ra để triệt hạ đức tin bà lại khiến bà không những bám sâu hơn vào những tin tưởng sẵn có mà còn trở nên sốt sắng hơn và quyết tâm nên thánh.

Nỗi khổ đau và lời tiên báo của Elisabeth

Những khác biệt tôn giáo của đôi bạn thành một gánh nặng đè lên quan hệ giữa hai vợ chồng, nhất là đối với bà Elisabeth. Bà ghi lại trong nhật ký nỗi khổ đau cay đắng bà phải chịu “khi rất nhiều buổi tối phải ngồi nghe chồng và bạn hữu chồng họp nhau chế diễu, công kích và phê phán đức tin của tôi và các thực tại tâm linh”. Sự căng thẳng càng thêm nặng nề vì họ lấy nhau đã lâu mà không thể có con, đang khi Elisabeth phải thường xuyên mệt mỏi chiến đấu với những tật bệnh thể lý. Trong nhật ký, bà ghi rõ bà đã chịu tất cả những đau khổ ấy với xác tín mãnh liệt rằng “đau khổ là dạng hành động cao nhất, là cách cáo nhất để diễn tả mầu nhiệm các thánh thông công, và rằng khi đau khổ người ta yên tâm không sợ lầm lỗi (như là đôi lúc người ta vẫn lầm lỗi khi hoạt động) – yên tâm rằng mình đang hữu ích cho tha nhân và cho những mục tiêu cao cả mình đang khát khao phục vụ.”

Hai năm trước khi bà Elisabeth chết, có lần hai vợ chồng ngồi trao đổi với nhau, chia sẻ về chuyện người này sẽ làm gì sau khi người kia chết. Bà Elisabeth quả quyết: “Em tuyệt đối tin chắc rằng một khi anh trở về với Chúa, anh sẽ không dừng lại nửa đường, vì tính anh chẳng bao giờ làm việc nủa vời… Rồi một ngày kia, anh sẽ là linh mục”. Nghe vậy, ông Felix đáp lại: “Elisabeth à, em biết rõ lòng anh. Anh đã thề căm thù Thiên Chúa thì anh sẽ sống trong sự căm thù ấy và sẽ chết trong sự căm thù ấy”.

Hai năm cuối đời bà, thấy bà chết dần mòn với chứng ung thư ngực, ông Felix không thể giúp gì nhưng rất cảm kích trước sức mạnh thâm sâu bà có được nhờ cuộc sống tâm linh của bà: “Khi tôi thấy nàng đau ốm đến thế và thấy nàng bình thản chịu đựng cơn bệnh mà bình thường vẫn hay khiến bệnh nhân mắc chứng nghi bệnh, mất kiên nhẫn và dễ cáu kỉnh, tôi đã rất cảm kích khi thấy linh hồn nàng có thể làm chủ xác thân nàng đến thế, và biết rằng nàng có được sức mạnh khác thường ấy là do những xác tín của nàng, tôi đã thôi không còn công kích những xác tín ấy nữa.”

Cuộc sống thầm kín của Elisabeth và những hoa quả

Sau khi bà chết vì ung thư năm 1914, ông Félix tìm thấy nơi những trang giấy của bà một ghi chú nhắm thẳng đến ông: "Năm 1905, em đã nài xin Thiên Chúa tối cao gửi cho em đủ đau khổ để trả giá cho linh hồn anh. Ngày em chết chính là ngày em trả xong giá ấy. Không người phụ nữ nào có được tình yêu lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì chồng mình.”

Bác sĩ Léseur xem đó chỉ là chuyện giàu tưởng tượng của một phụ nữ đạo hạnh. Tuy nhiên, ông cũng kinh ngạc khám phá ra rằng những nỗ lực tâm linh của Elisabeth còn bao gồm cả một khối lượng rất lớn những thư từ trao đổi với rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, chuyện mà trước đó ông không hề biết. Trong những ngày cuối đời bà, nhiều người trong đám người ông không quen biết ấy đã đến thăm và rất đông người đến canh thức cầu nguyện trước ngày tang lễ. Đông đến nỗi một linh mục đã hỏi ông Felix: “Bà nhà là ai vậy? Tôi chưa bao giờ thấy một đám tang như thế.”


Sau tang lễ, ông Felix quyết định viết một cuốn sách bài bác các phép lạ Lộ Đức. Thế nhưng khi ông đến thăm Lộ Đức, nhìn lên tượng Đức Mẹ Maria và suy nghĩ về “vẻ đẹp thiên đàng” của linh hồn vợ mình, ông đã hiểu ra rằng “nàng đã chấp nhận chịu đau khổ như thế và dâng những đau khổ lên Chúa chính là để cho tôi được ơn trở lại.” Khi nhận ra cuộc sống của bà chẳng khác nào một bức ảnh về Chúa Kitô, Đấng cũng chịu đau khổ cho chính ông được ơn cứu rỗi, những tin tưởng của ông Felix vào chủ nghĩa vô thần hoàn toàn sụp đổ. Ông quay về với đức tin Công Giáo mà ông đã được dạy khi còn thơ ấu và bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc những bút ký tâm linh của vợ ông, những điều bà đã khởi sự viết từ năm 1899 cho tới khi bà chết.

Di sản

Thế rồi ông Félix đã xuất bản quyển nhật ký của vợ, và mùa thu 1919 ông vào Nhà Tập dòng Đa Minh. Ông thụ phong linh mục năm 1923 và suốt hai mươi bảy năm còn lại của đời mình, ông đã dành khá nhiều thời giờ để công khai nói về những bút ký tâm linh của vợ ông. Chính ông đã góp phần để mở hồ sơ xin phong chân phước cho bà Elisabeth.

Suy nghĩ về cuộc sống của vợ mình, cha Felix nhớ lại rằng có lần bà đã viết nơi một quyển sách của cô em bà: “Bất cứ linh hồn nào vươn mình lên cũng nâng cả thế giới lên theo.” Bình luận về chuyện ấy, cha Felix thêm: “Chính với tư tưởng sâu sắc ấy, nàng đã tự định nghĩa mình”.

Năm 1924, cha Fulton J. Sheen, mà về sau sẽ là một Tổng Giám Mục và một khuôn mặt quen thuộc trên truyền hình và truyền thanh Hoa Kỳ, tĩnh tâm một tuần dưới sự hướng dẫn của cha Léseur. Qua những giờ linh hướng, cha Sheen đã học biết về cuộc đời bà Elisabeth và sự trở lại của ông Félix. Sau đó trong nhiều buổi phát hình Đức cha Sheen đã lặp lại cuộc hoán cải ấy, cách riêng là để nhấn mạnh vai trò của các đôi vợ chồng trong việc thánh hóa lẫn nhau.

Bình luận về cuộc đời bà Elisabeth Léseur, Tiến sĩ Robin Mass nói: “Đó là một cuộc sống đã hoán cải một cuộc sống khác, đúng hơn, có lẽ nhiều cuộc sống khác, bởi lẽ cuộc sống ấy đã sẵn lòng mở ra để nơi bà và qua những đau khổ và mất mát riêng của bà, Thiên Chúa có thể bày tỏ tình âu yếm của Ngài."

Lm Trăng Thập Tự dịch từ Từ điển bách khoa mở Wikipedia.
LM. Trăng Thập Tự
http://www.memaria.org/?LangID=38&ArticleID=17721
http://www.dongcong.net/CacThanh/GuongCacThanh/Thang11/Nov17.htm