Chuyên đề: Thi sĩ Hàn Mặc Tử - Tác gia, tác phẩm và tiếp nhận

Quang X Nguyen

Chuyên đề

THI SĨ HÀN MẶC TỬ - TÁC GIA, TÁC PHẨM VÀ TIẾP NHẬN

(Quy Nhơn, ngày 21/9/2019)


PGS.TS. NGUYỄN HỮU SƠN
(Viện Văn học)
20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: 04.38259006; 0913031635

Chuyên đề gồm ba nội dung chính: Tình hình văn bản - Quá trình tiếp nhận Hàn Mặc Tử qua các thời kỳ - Tiếp nhận Hàn Mặc Tử sau Đổi mới (1986) và định hướng nghiên cứu hiện nay…

I. TÌNH HÌNH VĂN BẢN THƠ VĂN HÀN MẶC TỬ

1. Về nguồn thơ Hàn Mặc Tử trên báo Công luận

Thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940), còn có các bút danh Hàn Mạc Tử, Minh Duệ Thị, P.T, Phong Trần, L.T, Lệ Thanh, Lệ Thanh nữ sĩ, Lệ Giang, Sông Lệ, Mộng Cầm, Trật Sên, Cụt Hứng, Foong Tchan, Mlle Phương Liên, Anh Hoa, Cô Đài Trang, Cô Bạch Bình Giang…; từng cộng tác với các báo Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, Thực nghiệp dân báo, Sài Gòn, Tân thời, Người mới, Ngày nay, Tin tức, Công luận, Trong khuê phòng, Đông Á tân văn, Impartial, Opinion, La Lutte… Theo quan sát của chúng tôi, công trình sưu tập văn bản học tốt nhất về Hàn tính đến nay chính là Hàn Mặc Tử - Tác phẩm, phê bình và tưởng niệm (Tái bản. NXB Văn học, H., 2002; 528 trang) của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ (PCĐ, 1933-2007). Trong sách Thơ Hàn Mặc Tử (NXB Văn hóa – Thông tin, H., 2001; 342 trang), soạn giả Mã Giang Lân (MGL) dựa vào thống kê của Phạm Đán Bình (Tin nhà, Paris, số 2-1991) cho biết thêm nhan đề 18 mục bài viết của Hàn, đồng thời xác định “thơ Hàn chúng ta mới được đọc chừng 150 bài, còn thất lạc đâu đó” và kỳ vọng: “Cái phần chìm khuất kia hy vọng sẽ dần dần được kiếm tìm, bồi đắp, sung mãn”…


Trong quá trình sưu tập tài liệu cho công trình “Người đương thời Thơ mới bàn về Thơ mới” và “Di sản văn học Quốc ngữ đến 1975”, chúng tôi vừa tìm thêm được số lượng lớn tác phẩm của Hàn in trên báo Công luận (CL, Sài Gòn, 1916-1939) ngoài số đã từng công bố... Hình thức nghệ thuật những bài thơ này khá phong phú, phần lớn làm theo thể Đường luật, một số bài theo lối thơ tự do và các thể hồi văn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn xen lục ngôn, thủ vĩ ngâm, song thanh, hát nói, từ khúc, lục bát, song thất lục bát… Về nội dung, phần nhiều các bài thơ hướng tới các giá trị nhân văn, xướng họa với chí sĩ Phan Bội Châu và bạn bè (Quách Tấn, Tùng Ngâm, Ngọc Hồ, Trần Bình Lộc, các bạn ở Phú Mỹ - Bình Định và cả những tứ thơ Gửi cho người không quen biết, Phút mơ màng, Tương tư, Canh khuya nhớ bạn)…; mở rộng lối thơ du ký, đề vịnh thắng cảnh non sông đất nước (xứ Huế, Phan Thiết, chùa Ông Núi – Bình Định), thú chơi tao nhã và vẻ đẹp bốn mùa (Cầm, Kỳ, Thi, Tửu; Xuân, Hạ, Thu, Đông; Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt)…; tiếp nối dòng thơ hiện thực, phản ánh tâm trạng thi nhân trước hiện tình xã hội (với các bài Đêm khuya ở nhà quê, Làm ruộng tự thuật, Than nghèo, Đau mới dậy, Đóng tuồng, Sống khổ và phấn đấu), v.v… Theo cách đọc “liên văn bản” có thể thấy thơ Hàn thực sự tiêu biểu cho quá trình hiện đại hóa, tiếp nối giữa hiện tượng sử dụng lối thơ truyền thống với việc gia tăng vai trò nguồn cảm xúc mới; giữa việc khai thác hệ thống chủ đề, đề tài quen thuộc với khả năng bộc lộ tiếng nói của chủ thể trữ tình cá nhân kiểu mới. Đặt trong tương quan so sánh đồng đại có thể nhận ra tứ thơ Gởi cho ai, Nhắn ai, Gởi cho người không quen biết của Hàn tương đồng với những Thư đưa người tình nhân không quen biết, Thư trách người tình nhân không quen biết, Thư lại trách người tình nhân không quen biết của Tản Đà, rồi tương đồng với những Nhắn nhủ, Nhắn ai, Lại nhắn ai của Quách Tấn, v.v…

Nói riêng trong phạm vi thơ Hàn Mặc Tử, dễ thấy nhiều câu thơ, ý thơ trong số những bài mới phát hiện này có sự giao thoa, gặp gỡ, tiếp nối với nhiều tứ thơ đã biết để làm nên phong cách độc đáo họ Hàn.

Đọc câu thơ Ô hay, người thế toàn yêu quái (Họa – CL, số 6671, ra ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ ý thơ: Ô hay, người ngọc biến ra hơi (Mơ hoa);

đọc câu thơ Dưới trăng đi lững thững/ Bóng dọi ngắm thành đôi (Dưới trăng - CL, số 6671, ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ: Ai đi lẳng lặng trên làn nước/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi (Cô liêu);
đọc câu thơ Gió đông mơn trớn nhẹ (Hái hoa - CL, số 6671, ngày 22-10-1934, tr.3) lại nhớ: Gió say lướt mướt trong màu sáng (Huyền ảo); Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi (Bẽn lẽn);
đọc câu thơ Em khoe sắc đẹp bên cành lả/ Dáng điệu mơ màng vẻ thướt tha/ Đón cái xuân về vị tỉnh say/ Đỏ rần đôi má ửng hây hây (Yêu để sống - CL, số 6802, ngày 6-4-1935, tr.3) lại nhớ những câu: Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha (Hoa cúc); Trăng bay lả tả ngả lên cành vàng (Rượt trăng); Từ khi đôi má đỏ hây hây/ Em tập thêu thùa, tập vá may… Những lượt thu về, em thấy xuân/ Trên đôi má nõn lại phai dần (Duyên muộn); Xuân em hơ hớ như đào non/ Chàng đã thương thương muốn kết hôn/ Từ ấy xuân em càng chín ửng (Mất duyên), v.v…

Những bài thơ mới phát hiện được của Hàn được ký với các bút danh Hàn Mặc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần, có khi ký tên chung Hàn Mặc Tử và Huyền Không nữ sĩ... Trên thực tế, có khi tác giả ký tên ở từng bài (CL, số 6423), có khi ký ở bài cuối trong cùng số có nhiều bài khác nhau (CL, số 2587, 2610…), có khi ký vài bút danh ở nhiều bài thơ khác nhau trong cùng một số báo (CL, số 2610, 6766, 6778…).

Đi vào so sánh văn bản những bài thơ của Hàn từng được công bố trên các sách của PCĐ và MGL thì thấy có mấy sự sai khác. Ở bài Đêm khuya tự tình với sông Hương, cả hai sách đều sai hai chữ trong hai câu thơ: Trong thành ngự chết con đen, bản gốc in chữ ngự kia là ngũ, đọc đúng là: Trong thành ngủ chết con đen; câu: Chiếc thuyền vô định tạt vào bến mê, bản gốc là: Chiếc thuyền vô định tạc vào bến mê (CL, số 6772, ra ngày 2-3-1935, tr.5). Với bài Tuồng đời, PCĐ sai hai chữ quan trọng ở câu thơ thứ nhất: Tuồng đời lặng lẽ vẽ nên phông, đúng phải là: Tuồng đời lăng lố vẽ nên phông (CL, số 6790, ra ngày 23-3-1935, tr.5). Đặc biệt với bài thơ Sống khổ và phấn đấu dài 27 câu, sách PCĐ chỉ in 8 câu (trong đó sai chữ ở câu 8), thiếu mất 19 câu (CL, số 6802, ra ngày 6-4-1935, tr.5.), v.v…

2. Về nguồn văn xuôi Hàn Mặc Tử

- Hàn Mặc Tử: Bóng liễu bên hồ (Truyện ngắn). Sài Gòn, số 657 ra ngày 5-10-1935, tr.4.
- Hàn Mặc Tử (Thuật): Muốn yết kiến quan tổng thống Lebrun phải một phen vất vả và kinh sợ (Một thiên phóng sự ly kỳ) (4 kỳ). Sài Gòn, số 658 ra ngày 7-10-1935, tr.7; số 659 ra ngày 8-10-1935, tr.4; số 660 ra ngày 9-10-1935, tr.4; số 661 ra ngày 10-10-1935, tr.4.
- Hàn Mặc Tử: Rửa thù (Truyện trinh thám). Sài Gòn, số 659 ra ngày 8-10-1935, tr.6.
- Hàn Mặc Tử (Thuật) (Tặng anh JID): Cái phòng tối hay là một thiên tiểu thuyết ly kỳ trong nghề trinh thám. Sài Gòn, số 662, ra ngày 11-10-1935, tr.5.
- Khách Tha Hương (Hàn Mặc Tử ???) (Tặng anh JID): Nước Xiêm cũ và nước Xiêm mới – Một đoạn lịch sử tiến hóa của nước Xiêm. Sài Gòn, số 662, ra ngày 11-10-1935, tr.7.
- Lệ Thanh (Hàn Mặc Tử): Đêm xuân rừng thiền. Sài Gòn, số 753, ra ngày 17-2-1936, tr.7.

3. Về nguồn phê bình, khảo cứu, dịch thuật của Hàn Mặc Tử

Sinh thời Hàn Mặc Tử (1912-1940) không chỉ sáng tác thơ mà còn nêu quan niệm thơ và trao đổi về luật thơ với Phan Bội Châu, Lam Giang, Trương Tửu; có dẫn giải, bình luận thơ Quách Tấn, Bích Khê, Chế Lan Viên; có giảng luận về Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan; có ghi chép văn xuôi, tranh luận về vấn đề triết học “Nhân thế chỉ cảnh” của Đinh Bá Kha; có khảo luận về lịch sử Nhật Bản, phong dao Ai Cập; có phác vẽ chân dung nhà văn, nhà triết học người Pháp J.J. Rousseau (1712-1778) và nhà thơ, nhà viết kịch người Ireland W.B. Yeats (1865-1939), giải Nobel Văn học năm 1923 và đi sâu giới thiệu nguồn thơ tình của người Cộng sản vĩ đại Karl Heinrich Marx (5.5.1818 – 14.3.1883)…

So với dẫn giải trong sách Thơ Hàn Mặc Tử (MGL, PCĐ) nêu trên, trước hết cần chỉnh lý, chuẩn hóa nhan đề một số bài viết của Hàn: không phải Những câu hát phong tình của cổ Ai Cập mà là Những câu hát phong tình của nước cổ Ai Cập; không phải Khái niệm về thi ca (làm thơ cần phải luyện khí) mà là Khái niệm về thi ca (Thơ có mấy lối? Làm thơ cần phải luyện khí); không phải Đi nghe ông Đinh Bá Kha diễn thuyết về nhân thế Chỉ Cảnh (fin de la vie humaine) ở học xá Pháp Việt Quy Nhơn mà là Đi nghe ông Đinh Bá Kha diễn thuyết về vấn đề triết học “Nhân thế chỉ cảnh” ở Học xá Pháp - Việt Quy Nhơn… Đồng thời với việc cung cấp đầy đủ văn bản gốc những bài báo trước nay mới chỉ biết nhan đề, nhân đây chúng tôi giới thiệu thêm một số tác phẩm văn xuôi khác của Hàn vừa tìm lại được: Mười lăm phút nói chuyện với bà Lê Thành Tường, cựu chủ nhiệm báo Phụ nữ Tân tiến ở Huế (Trung Kỳ) (CL, số 6216, ra ngày 4-4-1933); Khảo về lịch sử Nhật Bản từ nguyên thỉ đến hiện thời (CL, từ số 6417, ra ngày 10+11-12-1933); Chết (CL, số 6693, ngày 22-11-1934); Rousseau, tiểu thuyết gia (CL, số 6760, ra ngày 16-2-1935); Thử ngó qua nước Ái Nhĩ Lan: một nhà thi hào được phần thưởng Nobel năm 1924 (CL, số 6778, ra ngày 9-3-1935), v.v… Tất cả những tác phẩm trên góp phần cho phép chúng ta hình dung đầy đủ, sâu sắc, chuẩn mực, toàn diện hơn nữa chân dung con người, tư tưởng và sự nghiệp văn chương Hàn Mặc Tử…

Ở đây chỉ xin giới thiệu một phần bài viết Karl Marx thi sĩ của Hàn Mặc Tử in trên báo Công luận (Sài Gòn, số 6825, ra ngày 4-5-1935, tr.5).

Nhận diện đời sống văn học đương thời liên quan đến một tập thơ tình xuất hiện ở nước Đức, Hàn Mặc Tử cho biết:
“Như một tiếng sấm nổ, tập thi ấy Buch der Lieder (Ca ngâm thi tập) làm chấn động dư luận, đến nỗi Đức quốc phải triệu tập Đại hội đồng (Dièle) để ra đạo luật cấm không cho lưu hành quyển thi ấy trong nước nữa.
Bởi đâu mà tiên sinh có tài liệu phong phú để viết ra tập Ca ngâm ấy?
Kết quả, uyên nguyên một phần ở máu nóng của tuổi thanh niên, một phần ở cái tình cảm nồng nàn, thứ tình mơ mộng mà các nhà thi sĩ hầu hết ai cũng có cả. Xa cách ý trung nhân đã lâu, tiên sinh khao khát, nhớ nhung, mà mỗi lần nghĩ tới cái sắc đẹp lộng lẫy, cái phong thái yêu kiều của một vị tiểu thơ con nhà đài các thì tiên sinh lo ngại nàng sẽ về tay các vương tôn công tử khác”…

Từ đây Hàn Mặc Tử thông tin khái lược về mối tình thắm thiết của chàng trai trẻ vừa tròn 18 tuổi Karl Marx với Jenny de Westphalen để chàng có thể viết liền ba tập thơ. Những vần thơ yêu đương chân thành giúp cho tình yêu đôi trẻ thêm phần thăng hoa, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn:
“Cái kết quả đầu tiên của những công trình ấy, là ba tập thi văn mà tiên sinh gởi tặng cho người tình hồi tháng Chạp năm 1836, ba tháng sau khi tiên sinh tựu trường ở Đại học đường Bá Linh (Đại học Berlin - NHS thêm). Tập đầu nhan đề: Ca ngâm thi tập, tác giả Karl Marx, Bá Linh (1836) và hai tập sau: Buch der Lieder, Ái tình thi tập, tác giả Karl Heinrich Marx, tháng mười một, năm 1836. Cũng trong năm ấy, lúc nghỉ hè ở thành Trêves, tiên sinh liền đính hôn bí mật với người yêu.

Nhờ cái ái tình của đôi bên đã san sẻ cho nhau, tiên sinh sung sướng quá liền hăng hái ngâm vịnh thêm, bổ cứu lại những đoạn khuyết điểm trong mấy tập nói trên kia. Những tập ấy có đề mấy chữ như vầy: “Kính tặng tình nương yêu quí Jenny de Westphalen”. Trong một bức thư của người chị tiên sinh gửi đến cho tiên sinh hay rằng, Jenny đọc những hàng chữ ấy thì cảm động quá, cười ra nước mắt”…

Dựa trên các nguồn tư liệu từ tập sách tiểu sử xuất sắc Karl Marx: The Story of His Life (in lần đầu năm 1918) của Franz Mehring, Hàn Mặc Tử đã tỏ ý phản biện và đi đến khẳng định, nhấn mạnh tính chất sinh động, nồng nhiệt của thơ Karl Marx bằng chính bài thơ của Marx. Hàn Mặc Tử đặt câu hỏi phản vấn rồi khéo định hướng bạn đọc cùng trả lời:

“Trong tập Tiểu sử Karl Marx, Franz Mehring có phê bình rằng: “Những tập thi của Marx có tính cách thiếu niên, đại để đều có chịu ảnh hưởng một thứ văn lãng mạn xấu xa nếu không thấy có những đoạn hay…”.
Câu phẩm bình nghiêm khắc ấy có đúng với sự thật không?
Xin mời độc giả hãy đọc thử bài thơ của tiên sinh sau đây:
Tôi không thể ngồi yên không hoạt động,
Trong khi tâm hồn bồng bột như sóng.
Tôi không thể tọa thị làm thinh,
Khi muôn vật quyến rũ tôi vào trận đấu tranh.
Tôi muốn chinh phục cả bầu vũ trụ,
Nào hưởng lấy ân huệ của ngôi sao Thượng đế,
Nào dung hòa những học thuyết trứ danh,
Nào hy sinh với tất cả nghệ thuật trọn lành,
Hăng hái ta mau sấn bước…
Xem một đoạn trên này cũng đủ thấy tính cách thi văn của tiên sinh là ưa hoạt động biết dường nào”...

Từ đây Hàn Mặc Tử lý giải cuộc đấu tranh tư tưởng trong Marx về mối quan hệ giữa niềm yêu thơ ca với sự nghiệp chính trị, giữa xúc cảm yêu đương cá nhân với cuộc tranh đấu vì tiến bộ xã hội, giữa sở thích nghệ thuật riêng tư với vận mệnh của cả thế giới loài người rộng lớn. Với những trích dẫn chọn lọc đặc sắc, Hàn Mặc Tử đi sâu phân tích, đúc kết ngắn gọn về khả năng tự phản biện, tự thức tỉnh, chuyển hóa nhằm xác định giá trị và lựa chọn lý tưởng sống: “Một năm sau khi gởi tặng vị hôn thê những tập thi lần đầu thì tiên sinh hình như chán ngán với cái danh hiệu “thi sĩ”. Nhưng cũng may nhờ thân phụ tiên sinh viết thơ khuyến khích, nên tiên sinh trở lại âu yếm với Nàng Thơ, tình duyên chưa đến nỗi đoạn tuyệt. Lối tháng ba năm 1837, tiên sinh có viết câu: “… Sau kỳ khảo hạch tôi lại đi tìm nàng Ly Tao trong những âm hưởng lâm ly hùng tráng”. Rồi tiên sinh lại nhìn đến những quyển thơ trước kia, tự phê bình rằng: “Một mớ cảm tình phức tạp, không có gì là đặc sắc, toàn những câu ngâm huê vịnh nguyệt viển vông… Những tập thơ ấy là cái quan niệm về khoa ngôn ngữ hơn là những tư tưởng về thi văn”. Tự biết mình không thể đeo đai với nghề thơ, tiên sinh bèn đổ cho thơ văn là một món tiêu khiển tạm thời. Bắt đầu năm 1837, Karl Marx mới “ly dị” hẳn với Nàng Thơ. Vì tiên sinh lúc ấy chuyên chú về triết học, quyết tâm áp đảo tay địch thủ là Hegel”...

Đến đoạn cuối, Hàn Mặc Tử cho biết trước sau Karl Marx vẫn không xa rời được thơ ca, không xa rời được nguồn sáng trào lưu lãng mạn do Goethe (1749-1832) khởi xướng từ vài ba thập kỷ trước. Điều này xác nhận thơ ca thuộc lĩnh vực tinh thần thực sự cao sang, trí tuệ, có giá trị và sức hấp dẫn riêng, cho đến chính Karl Marx vẫn mãi gắn bó: “Thời kỳ ấy những thi ca bình dân rất thạnh hành ở nước Đức. Nhà thi sĩ Goethe lúc bấy giờ còn là học sanh ở Strasbourg, liền triệu tập một số danh nhơn trong khi du ngoạn ở Alsace và lập thành lối văn lãng mạn (Ecole Romantique). Những nhà văn có tiếng tăm như Schlegel, Tieck, Novalis, Clemens, Brentano và Achim von Arnim, Eichendorf, v.v... đều có xuất bản nhiều tập thi ca… Bị phong trào lôi cuốn, Marx lại tham dự vào công cuộc ấy”...

Hàn Mặc Tử cho đăng báo bài viết Karl Marx thi sĩ vào năm 1935, khi thi sĩ mới ngoài hai mươi tuổi, chưa thành danh, chưa xuất bản tập thơ nào. Bài báo thể hiện sự đồng điệu của hồn thơ Hàn Mặc Tử từ nước Việt thuộc địa phương Đông với tiếng thơ của người đứng đầu phong trào Cộng sản quốc tế. Qua sự kiện này có thể xác định Hàn Mặc Tử đã có sự hiểu biết quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp và thơ ca Karl Marx. Điều quan trọng hơn, giữa vòng vây của chế độ kiểm duyệt đương thời, cây bút trẻ Hàn Mặc Tử vẫn có cách giới thiệu, tuyên truyền, đưa thơ Karl Marx và quan điểm nghệ thuật của Marx Trẻ đến với đông đảo công chúng bạn đọc.

III. QUÁ TRÌNH TIẾP NHẬN HÀN MẶC TỬ QUA CÁC THỜI KỲ

1. Người đương thời tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử

*** - Chương Đài: Gái quê của Hàn Mặc Tử. Tràng An báo, số 178, ra ngày 1-12-1936, tr.1-2. Chưa Foto…
- Hàn Mặc Tử: Những văn tài mới nở: Chế Lan Viên − thi sĩ của vong quốc Chiêm Thành. Tràng An báo, số 235, ra ngày 6-7-1937, tr.1-2.
- Trần Thanh Địch: Thi sĩ với ngày xuân. Tràng An báo, số 292, ra ngày 25-1-1938, tr.1+7.
- Một Nữ Thính Giả: Bình Định lắm duyên với thi sĩ. Tràng An báo, số 326, ra ngày 3-6-1938, tr.1+4; số 327, ra ngày 7-6-1938, tr.1+3; số 328, ra ngày 10-6-1938, tr.1+3.
- Hoàng Diệp: Một cái tang trong thi giới: Hàn Mặc Tử đã từ trần ở Qui Hòa. Tràng An báo, số 610, ra ngày 26-11-1940, tr.1+2.
*** Một di cảo của Hàn Mặc Tử. Tràng An báo, số 610, ra ngày 26-11-1940, tr.2.
- Hoàng Diệp: Thơ Hàn Mặc Tử dưới mắt tôi. Tràng An báo, số 681, ra ngày 24-2-1941, tr.2.
- Phất Văn Tử: Một buổi diễn thuyết về Hàn Mặc Tử ở Hội Cercle d’etudes Qui Nhơn. Tràng An báo, số 847, ra ngày 13-9-1941, tr.1+2.
- Phó Xuyên Hà Xuân Tế: Thi sĩ Hàn Mặc Tử. Tràng An báo, số 893, ra ngày 7-11-1941, tr.1+2.
- Tài Xuyên: Mùa xuân với thi nhân. Tràng An báo, số 974, ra ngày 21-2-1942, tr.1; số 975, ra ngày 23-2-1942, tr.1+2; số 976, ra ngày 24-2-1942, tr.1+2; số 977, ra ngày 25-2-1942, tr.1+2.
- Nguyễn Tiến Lãng: Quyển Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại. Tràng An báo (Bộ mới), số 25, ra ngày 9-6-1942, tr.1+3.
- H.N: Nhân ngày đại tường của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Tràng An báo (Bộ mới), số 87, ra ngày 14-11-1942, tr.1.
- Đỗ Hữu Phú: Thi sĩ với mùa xuân. Tràng An báo, số 402 (Bộ mới), ra ngày 8-2-1945, tr.1+3.

2. Tiếp nhận Hàn Mặc Tử ở các vùng đô thị miền Nam (1945-1975)

Có các tác giả Hoàng Trọng Miên, Châu Hải Kỳ, Nguyễn Văn Xê, Phạm Xuân Tuyển, Hoàng Diệp, Quách Tấn, Lê Huy Oanh, Nguyễn Kim Chương, Võ Long Tê, Phạm Đán Bình, Bùi Xuân Bào…

2. Tiếp nhận Hàn Mặc Tử ở miền Bắc (1945-1975)

Chủ yếu phê phán, qui kết “cái tôi cá nhân”, “suy đồi”…

3. Tiếp nhận Hàn Mặc Tử từ thời Đổi mới (1986) đến nay

Nhiều sách. Tập trung trong HMT – Về tác gia và tác phẩm (Phan Cự Đệ và Nguyễn Toàn Thắng tuyển chọn, giới thiệu)…

Phụ lục

- NHS: Cảm quan Phật giáo trong sáng tác của Hàn Mặc Tử. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (ISSN 1859-0136), số 7 (239)-2018, tr.38-48.
1. Dựa trên hệ thống văn bản tác phẩm Hàn Mặc (Mạc) Tử hiện đã được xuất bản, cần ghi nhận và khẳng định trên hết, trước hết tinh thần Công giáo, niềm tin Kinh Thánh, sùng kính Đức Mẹ Maria chính là dòng mạch tư tưởng chủ đạo trong toàn bộ thi phẩm của ông . Đây là một lẽ hiển nhiên bởi Hàn Mặc Tử “thuộc gia đình Công giáo lâu đời, tên thánh rửa tội là Phêrô, thánh thêm sức Phanxico Xavie” , sau này vì những nỗi đau thể xác và tinh thần mà ông càng hằng sống trong nguồn sáng Chúa cứu thế an lành…

2. Nghiên cứu định lượng trường hợp thơ Hàn Mặc Tử có thể thấy một tỉ lệ nhất định những bài thơ, câu thơ, ý thơ và ngôn từ bộc lộ cảm quan Phật giáo xuất hiện bên cạnh dòng chủ lưu tâm linh Thiên Chúa giáo. Với hệ thống các bài thơ Chùa Ông Núi Phù Cát, Chùa hoang, Ngày xuân đi chơi đề thơ ở chùa, Gái ế chồng đi tu, Gái ở chùa, Ăn cơm chay trong chùa Ông Núi, Đêm ngủ trong chùa Ông Núi, Ngoạn cảnh chùa (2 bài), Huyền ảo, Cao hứng, Phan Thiết! Phan Thiết…, Hàn Mặc Tử đã thể hiện rõ cảm quan Phật giáo trong sáng tác của mình. Hiện tượng sáng tác giao thoa, tiếp nhận định hướng tư tưởng và cảm quan Phật giáo kiểu này càng trở nên độc đáo khi chúng ta biết rằng Hàn Mặc Tử là một tín đồ Thiên Chúa giáo và tác phẩm của ông cũng căn bản thuộc về nước Chúa…

2.1. Tại mục bài Hàn Mạc Tử (Nguyễn Trọng Trí) in trong sách Nhà văn hiện đại (Quyển ba. Nxb. Tân dân, Hà Nội, 1943), nhà phê bình Vũ Ngọc Phan xác định:
“Thơ Đường luật của Hàn Mạc Tử không phải bài nào cũng được toàn bích như bài trên này (Buồn thu – NHS chú). Nhiều bài ý cũng rất sáo và phảng phất có cái giọng thời thế, nửa lối Tú Xương, nửa lối Thanh Quan. Thí dụ bài sau này đăng trong Phụ nữ tân văn (số 97-27 Aout 1931, trang 16) và ký tên là P.T. (Qui Nhơn):
Chùa hoang
Mái sụp, tường xiêu, khách ngẩn ngơ,
Hỏi thăm duyên cớ, Phật làm lơ!
Vắng sư bụt đá toan hồi tục,
Lạnh khói hương cây sắp thoát chùa.
Hoành cổ nhện giăng treo lỏng chỏng,
Bình phong rêu bám đứng chơ vơ.
Tiếng chuông tế độ rày đâu tá?
Để khách trầm luân luống đợi chờ!
Thơ Hàn Mạc Tử hồi đầu như thế, mà chỉ bảy tám năm sau đã thay đổi hẳn, thay đổi cả ý lẫn lời. Trong thời kỳ đổi mới này, ông soạn được rất nhiều thơ và chia ra nhiều tập: Thơ Điên, Xuân như ý, Thượng Thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội” …

Xin nói thêm, bài thơ Chùa hoang còn được Nguyễn Bá Tín (1915-?), em ruột Hàn Mặc Tử, giới thiệu với nhan đề Chùa Ông Núi Phù Cát (trong khi ông lại đưa ra một bài Chùa hoang khác, sẽ nói sau), chỉ sai khác có hai chữ trong câu mở đầu:

Mái dột tường xiêu liễu ngẩn ngơ ,
Hỏi thăm duyên cớ Phật làm lơ.
Vắng sư bụt đá toan hồi tục,
Lạnh khói hương cây sắp thoát chùa .
Hoành cổ nhện giăng treo lỏng chỏng,
Bình phong rêu bám đứng chơ vơ.
Tiếng chuông tế độ rày đâu đó,
Để khách trầm luân luống đợi chờ.
(Chùa Ông Núi Phù Cát)

Bài thơ đề vịnh cảnh “chùa hoang” - chùa Ông Núi, nơi thi sĩ từng đến viếng cảnh, ăn cơm chay và ngủ lại. Đến nơi đây, thi sĩ chạnh lòng trước qui luật thời gian, trước cảnh vật đổi sao dời, bày tỏ nỗi niềm bâng khuâng về giới hạn con người trước cõi Phật, đất trời, vũ trụ…

Vào chặng đường sáng tác thứ nhất, tức trước khi xuất bản tập Gái quê (1936), Hàn Mặc Tử có nhiều bài thơ in đậm cảm quan Phật giáo, vừa gắn bó với cảnh chùa vừa bộc lộ suy tư trước Phật đài, cõi Phật và lẽ sắc sắc – không không nhà Phật. Hàn Mặc Tử từng đi du xuân, vãn cảnh và đề vịnh cảnh chùa theo phong cách truyền thống. Thi sĩ đến với cửa chùa trong tư cách người du ngoạn, bỡ ngỡ khám phá cảnh quan ngôi chùa tựa như cõi Thiên Thai bồng lai tiên cảnh và viết bài thơ đề vịnh liên hoàn gồm bốn khúc tứ tuyệt:
I
Tức cảnh đề thi trước cửa chùa,
Mỹ nhân năm ngoái lạc vào chùa.
Quanh hồ cỏ mọc hoa sen vắng,
Phưởng phất mùi hương ngọn gió đưa.

II
Gió đưa tiếng kệ thoảng bên tai,
Đề vịnh tiêu dao trước Phật đài.
Nét chữ đan thanh còn rỡ rỡ,
Phong lưu gấp mấy bạn Thiên Thai.

III
Một năm tu đến một lần thôi,
Một bữa cơm chay cũng khó coi.
Một chén trà dâng chưa phải cách,
Một câu: mô Phật, một câu mời.

IV
Êm đềm mát mẻ khí ban mai,
Đến Phật nghe câu sướng lỗ tai,
Bảy bước thành thơ mau mắn lạ,
Ra về tưởng lạc lối Thiên Thai.
(Ngày xuân đi chơi đề thơ ở chùa)

Trong một bài thơ thất ngôn, với bút danh Lệ Thanh, Hàn Mặc Tử đã qui nạp và phán xét trường hợp một người được,/ bị xem là gái ế chồng nên phải đi tu, coi chuyện đi tu cũng là một lối giải thoát. Có thể xem đây như cách cảm nhận của kẻ trần tục, kẻ khác, người đứng bên lề Phật giáo mà cảm nhận, soát xét, qui kết chuyện tu hành qua một trường hợp giả định:

Đem cánh xuân tàn gởi cửa không,
Hôm mai kinh kệ cũng thay chồng.
Sạch miền tục lụy giòng khe chảy,
Tàn khối chung tình tiếng mõ buông.
Hương lửa ba sinh nguyền với Phật,
Nước non một cảnh chứng cho lòng.
Ngành dương tưới mát cành hoa héo,
Nào bận trần ai chút bụi hồng.
(Gái ế chồng đi tu)

Bài thơ nhận được sự quan tâm, tán thưởng trong dư luận. Chỉ hai tuần sau đã có Hồ Thế Hiệp từ Đà Lạt gửi bài thơ họa và cũng cùng một cách cảm, cách nghĩ:

Từ bi hai chữ thiệt hay không?
Có ế thì rao há chẳng chồng.
Thóa cách tục trần theo giải cấm,
Qui y cửa Phật bỏ nhà buôn.
Bồ đề một chuỗi lần đòi bữa,
Kinh kệ vài câu niệm thuộc lòng.
Đầu trọc cũng vì chưng Nguyệt lão,
Không xe nỏ chắp mối tơ hồng.
(Họa vận bài “Gái ế chồng đi tu”)

Hai năm sau, cùng trong một số báo, Hàn Mặc Tử có liền bốn bài thơ liên quan đến Phật giáo, chuyện tu hành và cảnh chùa. Thi sĩ lại có dịp bàn về chuyên đề nữ giới tu hành in đậm tư duy thế sự, con người thế sự, góc nhìn và thước đo thế sự phàm trần. Bài thứ nhất thiên về đoán định thân phận người phụ nữ ở chùa hơn là diễn tả tâm trạng chúng sinh nhập cuộc cảnh chùa:

Rừng thiền thấp thoáng dạng quần thoa,
Khuê các mà ra đến nỗi à!
Cuộc thế chưa chi mà vội chán,
Trò đời mới đó đã lo xa.
Lợt mùi son phấn say mùi đạo,
Chán cảnh phiền ba mến cảnh chùa.
Bà Nguyệt trớ trêu lòng dạ thiểm,
Xuân xanh nỡ để thiệt thòi hoa!
(Gái ở chùa)

Theo Phan Cự Đệ, bài thơ này từng in trên Thực nghiệp dân báo ở Sài Gòn (số ra ngày 11-10-1931), có sai khác tới 14 chữ …
Điều đặc biệt là cùng trang trên số báo Công luận này lại đăng ngay bài họa của nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940), ký bút hiệu Sào Nam, ghi rõ là “Họa nguyên vận”:

Bản lai không vết cậy gì thoa,
Há gặp đâu thì cũng thế à!
Một chữ đã đành thân gắn bó,
Trăm năm phải tính cuộc gần xa.
Tủi vì cái kiếp con không mẹ,
Hổ cũng như ai sãi có chùa.
Khuya sớm hương tâm nguyền với Phật,
Ngành dương mưa rưới vạn ngàn hoa!

Thú vị hơn nữa là dưới nhan bài thơ Gái ở chùa của Hàn Mặc Tử có lời chú: “Hai bài nầy chúng tôi đã đăng ở Thực nghiệp dân báo năm 1930. Rồi đây chúng tôi sẽ lần lượt tái đăng những bài xướng họa của cụ Sào Nam”. Cách duy danh “chúng tôi” ở đây hàm nghĩa đại diện cho cả Sào Nam Phan Bội Châu. Điều này xác định mối giao hảo thâm tinh giữa thi sĩ trẻ Hàn Mặc Tử với bậc chí sĩ - nhà thơ túc nho Sào Nam danh tiếng lẫy lừng, đồng thời cho biết cả hai bài thơ đều đã được in trên Thực nghiệp dân báo từ 5 năm trước.

Vẫn chưa hết, ngay trên báo Công luận số này còn có thêm bài họa vần của nhà thơ chuyên Đường thi Quách Tấn (1910-1992) nổi tiếng:

Lược chẳng cài mà phấn chẳng thoa,
Cửa không đành khép cánh xuân à!
Gió thông đưa kệ mùi hương thoảng,
Vóc liễu gầy sương bóng nhạn xa.
Duyên nợ chồng con tràng chuối hột,
Chuyện trò hôm sớm tiếng chuông chùa.
Khuya sớm hương tâm nguyền với Phật,
Đã tu thôi gắng tu cho trọn,
Chớ để tòa sen bướm lộng hoa.
(Họa vận)

Ở bài thứ hai, Hàn Mặc Tử viết về cảnh chùa với tâm thức ngờ vực, nghi ngại và chiêm nghiệm về ngôi chùa như một sự tàn cuộc:

Chùa không sư tụng cảnh buồn teo,
Xác Phật còn đây chuỗi Phật đâu?
Réo rắt cành thông thay mõ đánh,
Lập lòe bóng đóm thế đèn treo.
Hương sầu khói lạnh nằm ngơ ngác,
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu.
Rứa cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,
Bên thềm khắc khoải giọng quyên kêu.
(Chùa hoang)

Theo Phan Cự Đệ, bài này từng in trên Thực nghiệp dân báo ở Sài Gòn, số ra ngày 11-10-1931 … Nguyễn Bá Tín lại cung cấp một văn bản khác … Bài thơ này có chung nhan đề như Vũ Ngọc Phan đã dẫn nhưng khác hẳn về câu chữ.

Ngay dưới bài thơ Chùa hoang của Hàn Mặc Tử trên báo Công luận có liền hai bài họa. Thứ nhất là bài của Phan Bội Châu với nhan đề Cụ Sào Nam họa (chắc do tòa soạn đặt):

Ba vạn giang sơn chút tẻo teo,
Ai dò bể Phật đến nguồn đâu!
Kệ thần mặc ý trong lòng niệm,
Đèn tuệ tha hồ trước gió treo.
Bờ nọ thuyền đưa dòng họ tới,
Trời nầy mưa khóc cỏ cây rầu,
Xưa nay Phật pháp vô biên lượng,
Muôn nước ngàn non một tiếng kêu.
(Cụ Sào Nam họa)

Thứ hai là bài thơ với nhan đề Họa vận của Đoàn Tá, cuối bài có ký chú “Phan Thiết” (sáng tác ở Phan Thiết? người Phan Thiết và sáng tác ở Phan Thiết?):

Quang cảnh chùa nầy ngó vắng teo,
Hoang vu như thế bởi vì đâu?
Nhà tăng thềm mốc ba căn trống,
Tượng Phật tường rêu một bức treo.
Đại xá cần chi đem lễ lạc,
Âm phò xin chớ nệ hương dầu!
Thập phương ai kẻ lòng từ thiện,
Nỡ để quanh chùa tiếng dế kêu.
(Họa vận)

Truy tìm tiếp các nguồn tư liệu thì thấy bài thơ Chùa hoang của Hàn Mặc Tử sau khi in trên Thực nghiệp dân báo (1931) và trước khi in trên Công luận (1935) còn được in trong mục Văn uyển trên báo Phụ nữ tân văn với bút danh “P.T. (Qui Nhơn)” (P.T là viết tắt bút danh Phong Trần của Hàn Mặc Tử), trong đó có sự sai khác 8 chữ so với bài in Công luận:

Chùa không sư tụng cảnh buồn teo,
Xác Phật còn đây chuỗi Phật đâu?
Réo rắc cành thông thay tiếng kệ,
Lập lòe bóng đóm thế đèn treo.
Hương rầu khói lạnh nằm ngơ ngác,
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu.
Thế cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,
Trước thềm khoắc khoải dọng quyên kêu.
(Chùa hoang)

Như vậy, riêng bài thơ Chùa hoang của Hàn Mặc Tử đã in trên ba tờ báo khác nhau cùng xuất bản ở Sài Gòn vào ba năm khác nhau (1931, 1932, 1935) và hai lần có in bài người họa: 1931 (Quách Tấn), 1935 (Sào Nam, Đoàn Tá)…
Trong bài thứ ba, Hàn Mặc Tử tả thực, kể thực và nói thật chuyện ăn cơm chay ở một ngôi chùa cụ thể:

Ngọt ngon từng trải nếm chay chùa,
Lạt lẽo dầu sao cũng gắng lua.
Nhưng mới “và” sơ nghe đã ớn…
Nước gì nếm thử thấy chua chua.
(Ăn cơm chay trong chùa Ông Núi)

Đến bài thứ tư, bài cuối cùng trong chùm bài viết về cảnh chùa, Hàn Mặc Tử tiếp tục tả thực và diễn tả tâm thế thử nhập cuộc vào thế giới nhà Phật, rút cuộc vẫn tỉnh trơ trong cõi đời thường nhật:

Đặt mình xuống phản đã chiêm bao,
Thế giới ba ngàn ngó lạ sao!...
Bay thoảng mùi hương thơm ngạt mũi,
Té ra cửa Phật có hoa đào!...
(Đêm ngủ trong chùa Ông Núi)

Trên thực tế, chùa Ông Núi là cách gọi Nôm của thiền tự Linh Phong (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Chùa có địa thế “Tọa sơn vọng hải”, tính đến nay đã có lịch sử trên ba trăm năm. Dấu tích chùa Ông Núi trải qua chiến tranh chống Mỹ khốc liệt chỉ còn lại hang Tổ nằm trên lưng chừng núi Chóp Vung. Chùa mới được xây dựng lại với qui mô lớn, trong đó có tượng Phật ngồi đúc xi măng cốt thép bề thế bậc nhất Đông Nam Á và đã được xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Với Hàn Mặc Tử, thi sĩ đã có riêng ba bài viết về chùa Ông Núi – Linh Phong, biểu cảm tiếng nói một người có cơ duyên với Phật giáo, chủ động hòa nhập với cuộc sống tu hành và gián cách rút ra bài học cần thiết về đức tin, lẽ sống, kinh nghiệm sống cho riêng mình.
Trong một trường hợp khác, với bút danh Lệ Thanh, Hàn Mặc Tử có bài thơ Ngoạn cảnh chùa theo thể Đường luật bát cú in trên báo Sài Gòn (số ra ngày 18-11-1935):

Đề huề trăng gió đến Thiên Thai,
Cảnh trí thần tiên bước lạc loài.
Ngắm nghía non sông, vầng khói tỏa,
Vạch vùng hoa cỏ, hạt sương rơi.
Cây sum suê lá, chùa nương bóng,
Suối láng lai dòng, khách rửa tai.
Phàm tục đến đây nhờ Phật độ,
Đừng vương vấn nữa nợ trần ai.
(Ngoạn cảnh chùa)

Ngay sau đó, cuối bài hát nói Ngoạn cảnh chùa in trên báo Sài Gòn, cũng với bút danh Lệ Thanh, Hàn Mặc Tử có thêm ký chú: “Đề tại chùa Ông Núi. Mùa hè năm 1930”. Có thể xác định bài thơ đã in đâu đó hoặc mấy năm sau mới đưa in trên báo Sài Gòn (số ra ngày 28-11-1935):

Khách trần rẽ lối Thiên Thai,
Cỏ hoa lạ mặt tươi cười làm quen.
Xinh thay phong cảnh rừng thiền,
Bầu sen hương ngát cạnh đền suối reo.
Nói
Bích Khê động khẩu, ưng trường tại,
Khách trần ai bước tới ngỡ non tiên.
Thấy hoa cỏ lạ muốn làm quen,
Lòng thấm thía mùi thiền như thoát tục.
Thủy nhiễu môn tiền ba lộng nguyệt,
Phong lai lâm hạ ảnh phiêu dương.
Chuông tế độ thức tỉnh bạn văn chương,
Bầu trăng gió dễ thường quên nhắm nhía.
Im mát bóng đàm hoa phước địa,
Phật Quan Âm rừng tía có linh thiêng.
Xuống đây ngoạn cảnh thiên nhiên.
(Ngoạn cảnh chùa)

Có thể thấy cả hai tác phẩm sau này đều in đậm cảm quan Phật giáo nhưng đan xen trong đó là cảm xúc hòa hợp với môi trường thiên nhiên, cảnh sắc trời mây, núi non, cây cỏ. Hàn Mặc Tử hòa nhập với “lối Thiên Thai”, đất trời “cảnh trí thần tiên” và muốn kéo cả cõi Phật về thực tại phàm trần: Phật Quan Âm rừng tía có linh thiêng./ Xuống đây ngoạn cảnh thiên nhiên…

2.2. Có thể xác định và khẳng định tiến trình phát triển nguồn sáng tâm linh trong thơ Hàn Mặc Tử đã từ chỗ dung hòa đến nhấn mạnh, chuẩn hóa, linh hóa niềm tin Thiên Chúa. Có thể ghi nhận hiện tượng này như một sự lựa chọn đức tin của cá nhân Hàn Mặc Tử cũng như tương quan Phật giáo – Thiên Chúa giáo trong tổng thành đời sống tư tưởng tâm linh Hàn Mặc Tử. Ý kiến của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu về Hàn Mặc Tử (Chế Lan Viên, Quách Tấn, Nguyễn Văn Xê, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh – Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Bá Tín, Yến Lan, Trần Thanh Địch, Hoàng Diệp, Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Viết Lãm, Phạm Đán Bình, Phan Xuân Sanh, Nguyễn Tấn Long, Phan Cự Đệ, Võ Long Tê, Lê Huy Oanh, Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Thị Tuyệt, Lê Tuyên, Bùi Tuân, Đặng Tiến, Thái Văn Kiểm, Trăng Thập Tự, Lê Văn Lân, Trần Cao Tường, Lê Đình Bảng, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Bích Thu,…) đã cho thấy rõ điều này.

Vào khoảng giữa năm 1941, Hoài Thanh - Hoài Chân đã lọc trong muôn một nẻo đường tư tưởng thơ Hàn Mạc (Mặc) Tử rồi đi đến xác quyết nội dung tâm linh tập thơ Xuân như ý trong tổng thành một sự nghiệp thi ca:

Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ huy hoàng, trang trọng, linh lung, huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng. Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử.

Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalie. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật giáo, chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ chi với dị thảo của thi nhân.

Hưống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng minh rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể” .

Một nhà phê bình nổi tiếng đương thời là Vũ Ngọc Phan cũng đánh giá cao tiếng thơ chí thành tụng ca đạo Gia Tô và khẳng định vị thế nguồn cảm hứng mới trong nền thơ triết học, thần học, tôn giáo, tâm linh hiện đại: “Sự tín ngưỡng đã giúp sức cho Hàn Mạc Tử rất nhiều. Có lẽ ông là người Việt Nam ca ngợi thánh nữ đồng trinh Marie và chúa Jésus bằng thơ trước nhất. Ông ca tụng đạo Gia Tô một giọng rất chân thành, chẳng khác nào một thi sĩ Âu Tây. Lần này cũng là lần đầu, thi ca Việt Nam thấy được một nguồn hứng mới… Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mạc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm, mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới” …

Cho dù có người như nhà thơ Quách Tấn (1910-1992) nhiệt tình bênh vực, khẳng định cho một tâm thế Phật trong thơ Hàn Mặc Tử: “Trong thơ Hàn Mạc Tử có nhiều bài ảnh hưởng cả hình thức lẫn tinh thần Phật giáo. Ví dụ bài Phan Thiết! Phan Thiết!

Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
Bay từ Đao Ly đến trời Đâu suất!

Ngoài những ngôn ngữ phổ thông của nhà Phật như “thành chánh quả”, “Sông Hằng”, ngoài những hình ảnh tươi đẹp của trời “Đao Ly”, trời “Đâu Suất” – những cõi Phật xa xăm đầy nhạc, đầy hương, đầy ánh sáng – “chúng ta nhận thấy trong bài Phan Thiết, thuyết nghiệp báo và thuyết luân hồi được thi vị hóa một cách tài tình... Tử đi tìm nơi giải thoát và đã tìm thấy Cực Lạc Quốc Độ của Phật A Di Đà... Những ánh sáng vô cùng, những “tiếng nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh”, những “điệu nhạc rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác”, “cây bằng gấm và lòng sông bằng ngọc” ở trong thơ Tử là vang bóng của vô lượng quang trên Thế Giới Cực Lạc mà Tử đã nhìn qua Kinh A Di Đà” …

Và cho dù thêm một lần T.T.H.T (Trần Thị Huyền Trang) phác ghi lại ký ức của Quách Tấn về câu chuyện nghĩa tình khói sương Hàn Mặc Tử - ni cô, hay là góp thêm một giai thoại về thơ Hàn:
“Ở chùa Liên Tôn thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có một nữ tu nhan sắc kiều diễm thùy mị, tư chất quang minh, sở học không thua kém hàng nam nhi đương thời, xuất gia đầu Phật khi tuổi còn đôi tám. Nàng là cháu gái của vị sư cụ trụ trì (trước đó thường gọi là thầy tú Liên Tôn) (thế danh Võ Trấp, 1891-1951; NHS thêm), được sư cụ thương chiều, thường cho phép cùng tiếp khách trí thức mà phần đông là chỗ bà con họ hàng đến viếng cảnh chùa, đàm đạo thơ văn. Nhà thơ Quách Tấn, cháu gọi nữ tu bằng cô họ xa, là một trong số các bậc trí thức đã cùng nàng tương kiến.

Ngoài thời gian kinh kệ công phu, nữ tu chuyên tâm đọc sách. Nàng rất nhạy bén với các tên tuổi văn chương ở quê hương thời ấy như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên… Song biết để biết thế thôi, cái khoảng cách nhất định giữa màu thiền và màu thế không cho phép nàng giao du rộng rãi với các nhà thơ trẻ cùng thời.
Song có một lần, nàng chủ động đến gặp Hàn Mặc Tử.

Những bài thơ tài hoa và phóng túng, những giai thoại lưu truyền trong vòng thân mật bạn bè và tính tình, tư chất và hoàn cảnh của nhà thơ trẻ tuổi tài cao này đã làm nữ tu chú ý. Tuy vậy, nàng chưa một lần tìm cơ hội tiếp xúc.

Thế rồi một hôm nữ tu rời chùa Liên Tôn xuống Quy Nhơn, nàng tình cờ gặp nhà thơ Quách Tấn. Được biết Quách Tấn sắp vào thăm Hàn Mặc Tử, nữ tu xin cùng đi. Hàn Mặc Tử tiếp đón rất ân cần và đàm đạo với nữ tu về đạo Phật rất tương đắc.

Khi nữ tu ra về, Hàn Mặc Tử nói riêng với nhà thơ Quách Tấn:
- Anh ạ, thật là một tấm lòng trong, thơm và rộng lớn.

Từ đó, không một lần tái ngộ. Nhưng cuộc gặp gỡ và chuyện trò đặc biệt ấy đã để lại trong lòng Hàn Mặc Tử nhiều xúc động và những ấn tượng khó quên. Thi sĩ đã nhắc đến hai tiếng ni-cô với thái độ trang trọng và yêu kính xa xôi trong những vần thơ êm ả nhất của mình. Trong Huyền ảo, nhà thơ viết:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ.
Và trong bài Cao hứng:
Thơ tôi thương huyền diệu
Mọc lên đạo Từ Bi
Tôi bắt chước Hy Di
Ngủ một trăm ngày dậy…
… Cho tôi hoa đền Ngự
Cho tôi lòng ni cô
Xuân trên má nàng thơ
Ngon như tình mới cắn.

Đó là những bài thơ phản chiếu tâm hồn Hàn Mặc Tử trong những lúc nguôi dịu bi thương, khi nỗi đau đớn của thể xác, nỗi bức bối đến điên cuồng của tinh thần tạm thời lắng xuống. Đó là lúc lòng chàng tựa vào kỷ niệm, tựa vào thơ và những ước ao trong sáng để tìm nguồn an ủi vô biên.
Có lẽ khi trở về với giọt nước cành dương, người nữ tu có thêm một chút xót xa về con người hiện hữu, một tình thương đầy sự chia sẻ cụ thể đối với người thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mặc Tử. Cùng tiếng kệ lời kinh, người nữ tu tựa vào số kiếp ấy, nguyện cầu cho thơ” …

Trên thực tế kết quả sưu tập, phát hiện văn bản cũng như chính nội dung tác phẩm có thể thấy Hàn Mặc Tử đã thể hiện khá rõ cảm quan Phật giáo, bộc lộ sắc nét bản tính khoan dung, dung hợp mỹ cảm Phật giáo, khả năng tiếp nhận, chấp nhận, đan kết tư tưởng phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại …

3. Lời kết mở

Rút cuộc, nhiều ít có thể chia xẻ ý kiến: “Có một sự tranh chấp Hàn Mạc Tử giữa những tín đồ đạo Thiên Chúa và đạo Phật… Cũng một bài Tựa Xuân như ý cùng một số bài thơ như Ra đời, Điềm lạ, Xuân đầu tiên mà mỗi người giải thích một cách” … Tuy nhiên ở đây, theo tôi, cần đặc biệt nhấn mạnh việc xác định đặc điểm và tiến trình phát triển thiên hướng tôn giáo qua trường hợp Hàn Mặc Tử quyết không nhằm phân biệt, phân chia, định dạng sự hơn thua, cao thấp. Xét trong bản chất, khả năng dung hợp Phật giáo và sự lựa chọn niềm tin Thiên Chúa chỉ càng góp phần làm sáng lên phẩm chất nhân văn của Hàn Mặc Tử và thơ Hàn Mặc Tử.

Hà Nội, tháng 7-2018

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Xin xem Trần Quang Chu (Sưu tầm và khảo cứu) [2018], Thơ văn Hàn Mạc Tử. Nxb Văn học, Hà Nội, 668 trang.
2. Phan Cự Đệ [2002], Hàn Mặc Tử - Tác phẩm, phê bình và tưởng niệm. Nxb Văn học, Hà Nội.
3. Hồ Thế Hiệp [1933], Họa vận bài “Gái ế chồng đi tu”. Công luận, số 6221, ra ngày 9-4.
4. Vũ Ngọc Phan [2000], Hàn Mạc Tử (Nguyễn Trọng Trí). Nhà văn hiện đại, Tập 4. Tái bản. Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Nguyễn Hữu Sơn [2014], Thơ Hàn Mặc Tử trên báo Công luận. Tạp chí Thơ, số 1+2.
6. Nguyễn Hữu Sơn (2017): Thơ mới những chuyện chưa bao giờ cũ – Người đương thời Thơ mới bàn về tác gia Thơ mới. Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Nguyễn Thanh Tâm [2014], Đọc “Có một vườn thơ đạo”. Nghiên cứu Văn học, số 10.
8. Quách Tấn [1935], Họa vận. Công luận, số 6778, ra ngày 9-3.
9. Quách Tấn [1969], Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mạc Tử. Tập san Niềm thương, Bộ mới (Nha Trang), số 13-14..
10. Hoài Thanh - Hoài Chân [1998], Thi nhân Việt Nam, 1932-1941. Tái bản. Nxb Văn học, Hà Nội.
11. Lệ Thanh [1933], Gái ế chồng đi tu. Công luận, số 2610, ra ngày 26+27-3.
12. Nguyễn Bá Tín [1991], Hàn Mặc Tử anh tôi. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
13. Nguyễn Bá Tín [1994], Hàn Mặc Tử trong riêng tư. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
14. Nguyễn Bá Tín [2015], Hàn Mặc Tử trong riêng tư. Nguồn: https://gacsach.com/doc-sach.../han-mac-tu-trong-rieng-tu-full-nguyen-ba-tin.html 25 thg 5
15. Trần Thị Huyền Trang (Sưu tầm và biên soạn) [1991], Hàn Mặc Tử - Hương thơm và mật đắng. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
16. Hàn Mặc Tử [1935], Chùa hoang. Công luận, số 6778, ra ngày 9-3.
17. Hàn Mặc Tử [1933], Ngày xuân đi chơi đề thơ ở chùa. Công luận, số 2587, ra ngày 26+27-2.
18. Hàn Mặc Tử [1935], Gái ở chùa. Công luận, số 6778, ra ngày 9-3.
19. Hàn Mặc Tử [1932], Chùa hoang. Phụ nữ tân văn, số 122, ra ngày 10-3.
20. Hàn Mặc Tử [1935], Ăn cơm chay trong chùa Ông Núi. Công luận, số 6778, ra ngày 9-35.
21. Hàn Mặc Tử [1935], Đêm ngủ trong chùa Ông Núi. Công luận, số 6778, ra ngày 9-3.
22. Hàn Mặc Tử [1994], Chùa Ông núi Phù Cát. Dẫn theo Nguyễn Bá Tín: Hàn Mặc Tử trong riêng tư. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội…

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

1. Nguyễn Hữu Sơn [2012], Hàn Mặc Tử bàn về Thơ mới giữa đương thời Thơ mới. Tân Trào, số 327, ra kỳ 1-8-2012, tr.3+12.
2. Nguyễn Hữu Sơn [2014], Thơ Hàn Mặc Tử trên báo Công luận. Tạp chí Thơ, số 1+2, tr.130-166.
3. Nguyễn Hữu Sơn (2017): Thơ mới những chuyện chưa bao giờ cũ – Người đương thời Thơ mới bàn về tác gia Thơ mới. Nxb Văn học, Hà Nội.
4. Nguyễn Hữu Sơn (2018): Thi sĩ Hàn Mặc Tử với Kar Marx. Tạp chí Kiến thức Ngày nay, số 999, ra ngày 10-5-2018, tr.3-5; Văn nghệ (Hội Nhà văn VN), số 19, ra ngày 12-5-2018, tr.22.
5. Nguyễn Hữu Sơn (2018): Cảm quan Phật giáo trong sáng tác của Hàn Mặc Tử. Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (ISSN 1859-0136), số 7 (239), tr.38-48.
6. Nguyễn Hữu Sơn (2018): Cảm quan Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Tạp chí Kiến thức Ngày nay, số 1008, ra ngày 10-8, tr.3-5+80-81.