Linh mục Trần Lục (cụ Sáu), nhà văn Công giáo

Quang X Nguyen

Linh Mục Trần Lục, Nhà Văn Công Giáo



Sự đóng góp của Linh mục Trần Lục vào công trình xây dựng nền văn hóa dân tộc không hạn định ở trong nghệ thuật thánh sự mà thành công tiêu biểu, như nhiều người biết, là nhà thờ Phát Diệm dung hợp kiến trúc tôn giáo Đông phương và Tây phương. Trong lãnh vực văn học, Linh mục Trần Lục cũng đã có những cống hiến đặc sắc, xứng đáng với danh hiệu nhà văn công giáo. Thật vậy, Linh mục Trần Lục là kịch tác gia kiêm đạo diễn tuồng Thương khó và và nhà thơ giáo huấn, giảng dạy giáo lý và luân lý, nên trong một bộ văn học sử Việt Nam đại toàn ắt sẽ xếp Linh mục Trần Lục vào thành phần những nhà văn có khuynh hướng về đạo lý.




Tuồng Thương Khó

Đưa những huyền nhiệm đạo Chúa vào kịch nghệ là một truyền thống văn nghệ Tây phương từ thời Trung cổ. Riêng về sự thương khó của Chúa, trong số nhiều giai tác đáng kể một công trình kịch nghệ bình dân thành công vĩ đại là tuồng Thương khó, cứ mười năm thì diễn một lần tại Oberammergau, miền Bavière nước Đức.

Ở nước ta, Linh mục Trần Lục là người đầu tiên dựng tích Thương khó Chúa trong hình thức nghệ thuật kịch trường và như là một nghi lễ á phụng vụ (sacramental) dịp Tuần lễ Thánh. Lẽ dĩ nhiên văn bản căn cứ vào sách Phúc Âm và kinh nguyện của Giáo hội, nhưng linh mục cũng tuỳ nghi thêm vào một số ca vãn do chính linh mục sáng tác. Diễn trường chính là nhà thờ Mân Côi, quen gọi là nhà thờ Lớn mà linh mục đã hoàn thành trong năm 1891, sau khi chuẩn bị chu đáo từ nhiều năm trước. Như chúng ta biết, thánh đường này dựng lên giữa một sân rộng lát gạch và đá, hai bên tả hữu có bốn ngôi nhà thờ nhỏ hơn; đàng đầu có các hang đá Sinh nhật, vườn Giệt, Lộ Đức, Táng xác; mạn cuối có Phương Đình đá hùng vỹ.

Linh mục Trần Công Hoán, thuộc địa phận Phát Diệm, có hồi ức sau đây về tuồng Thương khó của Linh mục Trần Lục: “Cha Sáu (tức Cha Trần Lục)… tổ chức tuồng Thương khó quen gọi là Bắt Quân Dữ… Sau nhiều năm cha qua đời, tổ chức quân dữ vẫn hoạt động và được bổn đạo cũng như lương dân hoan nghênh lắm; song mấy năm gần đây, người ta lạm dụng, cho nên Bề trên lấy làm tiếc phải giải tán.

“Bắt quân dữ tức là diễn lại một cách linh động truyện đã xảy ra cho Chúa Giêsu trong tuần lễ Thánh. ngoài những lễ nghi chính thức mọi nơi khác thường ngắm và đọc sách ôn lại các hoạt động quân dữ; nhưng ở Phát Diệm thì diễn lại bằng các vai sống động. Đàn bà, trẻ con, người ngu dốt, nghe sách vở dễ quên, có khi ngủ gật nữa; song khi một lần đã tới Phát Diệm xem diễn tuồng thương khó do một đội quân dữ này đóng vai, thì liền hiểu và nhớ lâu.”(1)

Theo sự hiểu biết thư tịch học hiện nay thì văn bản tuồng này chưa từng được ấn loát, hy vọng rằng nhiều gia đình yêu cổ thư còn giữ được bản sao chép và những bậc cao niên trưởng lão sẽ công bố hồi ức như Linh mục Trần Công Hoán để những kẻ hậu sinh thấy rõ chân diện mục vở tuồng của Linh mục Trần Lục, nói đựơc là công trình đặc sắc của kịch nghệ công giáo ở nước ta.
Để nêu rõ vị trí tiền phong của vở tuồng do Linh mục Trần Lục đã soạn thảo và đạo diễn, chúng tôi xin nêu thư tịch sau đây:

- Cha J.B.Nguyễn Bá Tòng (thăm Giám mục Việt Nam tiên khởi năm 1933). Tuồng Thương khó dọn theo các sách gẫm sự Thương khó và tuồng Thương khó đã làm tại Oberammergau và tại Nancy, Sài Gòn, Imprimerie de la Mission 1912, 82 trang)
- J. Lê Văn Đức, tuồng Thương khó dọn theo tuồng Thương khó của cha Gioan B. Tòng, cha Anrê Miều ra công khó giúp, cha Sébastien Chánh lãnh sự dọn mấy bài hát. Qui Nhơn. Imprimerie de la Mission 1926, 142 trang.

Thơ giáo huấn

Chữ thơ ở đây dùng theo nghĩa rộng; trong tinh thần khiêm hạ và nhằm mục tiêu phổ biến rộng rãi trong các giới bình dân, Linh mục Trần Lục gọi sáng tác văn vận của mình là “ca vè” trong các bản sao chép tay truyền bá thưở sinh thời và trong các bản in xuất bản sau khi linh mục thọ chung.
Chúng tôi chưa có dưới mắt các ấn bản thực hiện năm 1910 như Linh mục Trần Công Hoán mặc nhiên thông báo như sau: “Năm 1910, có ngừơi đã soạn vào bốn cuốn, bán ở Hồng Kông” (2), nhưng chúng tôi biết bộ Sách thuật lại ít nhiều ca vè in tại Ninh Bình dưới tên tác giả “Cụ Sáu” gồm bốn cuốn: I, 84 trang; II, 100 trang; III, 84 trang; IV, 88 trang, 1920.

Cuốn IV được nhà xuất bản Phúc Hải tái bản tại Sài Gòn năm 1962 dưới nhan đề Ca vè Cụ Sáu với ghi chú, tại các trang 1 và 3, nhan đề và vị thứ ấn bản 1920. Sách gồm ba bài làm theo thể thất lục bát, không theo nghiêm cách của thể song thất lục bát, và về thể lục bát thì nhiều lúc gieo yêu vận ở chữ thứ tư vế bát:
- Hiếu tự ca gồm 1138 vế
- Nữ tắc thường lễ gồm 1016 vế
- Nịch ái vong ân gồm 440 vế

Như nhan đề đã nêu rõ, bài thứ nhất giảng dạy chữ hiếu là bổn phận làm con đối với cha mẹ. Bổn phận này được nhắc lại trong bài thứ hai giảng dạy các phép tắc dành riêng cho nữ giới và cả trong bài thứ ba giảng dạy nam giới chớ mê hoặc vì thương yêu đến nỗi quên ơn cha mẹ.

Lẽ dĩ nhiên Linh mục Trần Lục làm thơ giáo huấn trên lập trừơng giáo lý và luân lý công giáo, ứng đáp nhu cầu giáo dục của một cộng đồng tín hữu càng ngày càng đông đảo. Ở nước ta, các bậc ưu thời mẫn thế, lưu tâm đến tiền đồ dân tộc đều lưu danh trong sự nghiệp soạn thảo các hiến chương giáo dục theo quan niệm đạo học của mình. Nguyễn Trãi (1380-1442), theo tương truyền là tác giả Gia Huấn ca gồm sáu bài tổng cộng 796 vế. Lý Văn Phức (1785-1849) soạn thành lời ca song thất lục bát truyện hiếu tử bên Tàu dưới nhan đề Nhị thập tứ hiếu diễn âm, đồng thời viết sách Phụ châm tiện lãm (Lời khuyên răn cho đàn bà tiện xem). Có sự tương đồng về mặt lề luật tự nhiên trong lời giảng dạy của các nho gia vừa kể và Linh mục Trần Lục, nhưng điểm đặc biệt là Linh mục Trần Lục xây dựng luân lý trong tác phẩm của mình trên căn bản siêu nhiên.

Luận về chữ hiếu chẳng hạn, nho gia quan niệm rằng báo hiếu cho cái gốc đã sinh ra mình, đồng thời trở về với căn nguyên (báo bản phản nguyên). Đối với người công giáo, đạo hiếu là nội dung của giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ hầu ngươi được trường thọ trên đất Chúa Trời sẽ ban cho” (Xh, 20, 12). “Chúa Giêsu đã phục tùng cha mẹ” (Lc, 2, 51). Chính ngài đã nhắc nhở sức mạnh giới răn này của Thiên Chúa (Mc 7,8-13). Còn Thánh Phaolô Tông đồ thì dạy: “Hỡi con cái, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa! Đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lịnh truyền ấy là lịnh truyền thứ nhất có kèm theo lời hứa: ngõ hầu người được phúc và trường thọ trên cõi đất”. (Ep.6,1-3)

Lời Chúa viện dẫn trên đây vang vọng trong lời thơ của Linh mục Trần Lục:

Hiếu tự ca mở và kết như sau:
Mấy lời hiếu tự nói qua
Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.
Làm người sống ở thế gian,
Ai không đội đức cao san nặng dày?
Nói sao cho hết cho rồi,
Biết bao khí huyết tài bồi cho ta.
Phần hồn thì Chúa sinh ra.
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành.
Phụ tình mẫu huyết đúc hình,
Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người (câu 1-10)

Hãy lắng nghe nghe lời Chúa hứa,
Ai hết lòng thảo hiếu mẹ cha
Sẽ ban phần thưởng này là
Sống lâu dứơi thế để mà trả công,
Về sau phúc trọng muôn phần:
Chúa còn trả lại vô cùng hẹp chi.
Mấy lời hiếu tự phải ghi.
Chôn lòng mà giữ chớ khi nào rời. (câu 1081-1088)

Nữ tắc thường lễ nhấn mạnh điểm cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa (nêu trong văn bản dưới danh hiệu phiên âm cổ “Chúa Dêu”)

Tiên vàn thảo kính mẹ cha,
Coi người như thể thật là Chúa Dêu.
Trong lòng ngoài miệng mọi điều
Việc làm lớn bé phải theo ý người. (câu 19-22)

Gia đình là nền tảng của xã hội, đối với người công giáo chính là một mô thức “giáo hội gia thất” (3), một cộng đồng cơ bản sống động với ba nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến. Bởi lẽ ấy, việc chọn vợ rất quan trọng. Sau khi nêu bảy điều kiện lý tưởng của người phối ngẫu, tác giả Nịch ái vong ân khuyên phải trình xin ý kiến cha mẹ, và nếu cần, phải trình với thầy cả, lẽ dĩ nhiên đương sự phải cầu nguyện, xin ơn sáng suốt để có sự lựa chọn tối ưu:

Làm trai lấy vợ thử coi
Xét xem ý tứ đứng ngồi ở ăn,
Trai mà muốn cho toàn thân,
Mắt trông tay nhắc mặt cân cho rành.
Một là tính nó hiền lành,
Hai là tính nó tính mình như in.
Ba là nó có đức tin,
Bốn là tính nó tự nhiên thương người.
Năm là tính nó tươi cười,
Hòa với mọi người, chúng bạn, chị em.
Sáu là có tính tự nhiên,
Khiêm cung thuần nhã dưới trên tôn nhường.
Bảy là tính nó sẵn sàng,
Nghe lời dạy dỗ về đàng nết na.
Khi mà ta thấy rành làm vậy,
Thì phải lấy Đức Mẹ làm đầu,
Phần riêng mình cũng phải cầu
Một vài ba tháng cho lâu trong mình.
Trong lòng thấy đã quyết tình
Không thay không đổi sẽ trình mẹ cha.
Hay là lòng thấy vẩn vơ
Thì khoan, đừng nói cho ai biết gì:
Mình phải đi trình với thầy cả
Hết mọi điều chung thuỷ trong lòng.
Để người xem xét bề trong
Nên thì nguời bảo rằng xong cho mình.
Về sẽ trình lại cùng cha mẹ
Để cho người tìm kẻ giạm lời.
Hay là người nói phân đôi
Thì hãy xin người bàn việc ấy cho.
Cứ bo bo giữ lời thầy cả
Ắt hẳn là Chúa sẽ trả công,
Miễn là mình không chút lòng
Tình ngang ý trái mà trông đời này.
Một lòng đưa tấm lòng ngay,
Mọi điều giao phó trong tay Chúa Trời. (câu 379-414)

Xét về nghệ thuật, tác giả lập luận chặt chẽ khéo léo, thường lặp lại ý chính theo lẽ nghệ thuật sư phạm là biết lặp lại. Chẳng hạn trong bài Hiếu tự ca, sau khi trình bày công ơn cha mẹ từ khi mang thai cho đến lúc con trưởng thành (câu 11-502), tác giả trình bày các phương cách báo hiếu (câu 503-1064) và đây là dịp thuận tiện để phát triển ý đã trình bày trong đoạn trước. Lời thơ vượt mức khô khan của lý luận mà thấm nhuần sức truyền cảm của tâm tình đến độ thể hiện chất thơ thuần tuý. Đoạn sau đây có thể có mặt trong một tuyển tập giai tác về tình thương yêu của cha mẹ:

Bây giờ nói đến hai tai,
Phải nghe chữ hiếu mà cài vào đây.
Lắng nhe kể lại từng ngày,
Ta còn bé nhỏ tai người đinh ninh.
Lắng nghe từ lúc sơ sinh,
Nghe lắng con mình cất khóc oa oa.
Ba năm nghe ngóng dần dà,
Hễ khi ta khóc mẹ cha giật mình.
Năm canh trông suốt chục rình,
Nghe con ọ oẹ thương tình dậy ngay.
Nghe đêm chưa chán lại ngày,
Mẹ cha săn sóc đổi thay từng hồi.
E con chẳng nói nên lời,
Bịnh thì chỉ khóc mà thôi, biết gì!
Nghe từng hơi thở mà đi,
Không nghe thì sợ nhiều khi lỡ làng.
Nghe con khi uống thuốc thang,
Cha mẹ lại càng lắng mãi không ngơi.
Khi nghe con ngủ con chơi,
Nghe đủ mọi lời con khóc con reo.
Nghe con bập bẹ nói theo,
Lắng nghe từng điều mọi lúc mọi nghe.
Nghe con bệnh nạn gian nguy,
Thôi thì cha mẹ kể chi đến mình.
Nghe con được sự yên lành,
Ruột gan cha mẹ như hình chùm hoa.
Nghe con đói rách xót xa,
Nghe con no ấm mẹ cha lòng mừng.
Nghe con u tối ngập ngừng,
Nghe con sáng dạ sáng lòng mới vui.
Nghe con lỡ bước xa khơi,
Hai mắt sụt sùi đứng cửa trông ra.
Nghe con huynh đệ bất hòa,
Nghe con không được thất gia yên lành,
Không nghe thì bụng không đành
Nghe ra trong bụng buồn tanh lại buồn.
Nghe con ít ỏi trí khôn,
Phần xác phần hồn không biết lo toan.
Tai nghe hai mắt ứa tràn
Ra như hai suối chứa chan mạch sầu.
Nghe con phải sự lo âu,
Tai bay vạ gió ở đâu tuôn vào.
Bụng như cào, tai nghe mắt khóc,
Đêm năm canh trằn trọc vì con.
Nghe mà lòng bụng héo hon
Là khi nghe biết lòng con bạc tình (câu 503-548)

Vì muốn giới thiệu trọn vẹn một đoạn thơ hay nên chúng tôi viện dẫn dài dòng. Sau đây là một số câu ngắn gọn, ý nghĩa thâm thuý hàm súc trong cấu trúc tục ngữ cách ngôn:

- Con chơi cha mẹ mới đành,
Con đau cha mẹ tan tành khúc nhôi. (Hiếu tự ca câu 57-58)
- Thương con từ cuối đến đầu,
Lại còn thương cháu lo âu bời bời.
Thương con thương một mà thôi,
Thương cháu gấp mười thương vẩn thương vơ. (Hiếu tự ca câu 265-268)
- Làm con chớ ở bạc tình,
Cướp công cha mẹ sinh thành sao nên! (Hiếu tự ca câu 1053-1054)
- Khoe khoang đừng nói bao giờ,
Lại cũng phải chừa giọng nói tới ta
Cũng đừng lời nói sai ngoa,
Nay đôi mai chối người ta khinh mình (Nữ tắc thường lễ câu 796-800)
- Có cha mẹ mới có mình,
Làm con ta ở vô tình sao nên. (Nịch ái vong ân câu 53-54)

Điều lý thú khi đọc thơ giáo huấn của Linh mục Trần Lục là khám phá một thi nhân trong một đạo nhân. Không dụng ý làm văn chương, Linh mục Trần Lục đạt tới chỗ cao quý của văn chương đạo lý, lưu danh văn nghiệp một con người ý thức sứ mệnh tuyên truyền Chúa giao phó.

Dư luận đối với các sáng tác của Linh mục Trần Lục như thế nào? Thiết tưởng nên trưng chứng từ của Linh mục Trần Công Hoán:“Người ta kể lại: lúc cha Sáu còn sống, vợ một ông quan lớn ra chơi Phát Diệm, nghe các phụ nữ đọc bản Hiếu Tự. Lúc đầu còn ngồi trên sập sau trụt dần xuống ngồi chung với chị em nhà quê. Nghe thích quá, bà xin các cô đọc mãi cho mình nghe; đọc xong, lại bảo đọc lại. bà trình cha: Hay quá! Cha cho chúng tôi mỗi người một bản đem về các ông nhà chúng tôi đọc.

Hồi còn nhỏ, soạn giả thường nghe các Bà, các Cô vừa xay lúa giã gạo, vừa đọc các ca vè đó. Có người thuộc lòng cả một cuốn sách nữa. Hồi đó, trong Địa phận (Phát Diệm) chưa có nhà in, phải viết mà học, thế mà cả vùng Kim Sơn, người ta đều thuộc và đọc đi đọc lại không biết chán.”(4)
Chúng tôi xin nêu thêm chứng từ cảu một thi nhân: Cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), người đề thơ cảm đề “Việt Nam phong sử” của cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, đề tựa Sảng Đình thi tập của linh mục Nguyễn Văn Thích và là tác giả Phước Môn thi tập (5). Ngày 25 tháng 11 năm 1928, cụ Phước Môn viếng mộ Linh mục Trần Lục tại Phát Diệm, có cảm đề một bài thất ngôn bát cú Đường luật kết thúc như sau:

Khoát sắt, thơ son truyền sự nghiệp.
Trung trinh hai chữ để gương đời.

Thiết tưởng đó là lời thanh nghị của hậu thế đối với một sự nghiệp văn chương lưu truyền thiên cổ.

Chú thích:
(1) Linh mục Trần Công Hoán, Tiểu sử cha Sáu, linh mục Nam tước Phát Diệm, Sài Gòn, nhà sách Thánh Gia 1963, tr.113-114
(2) Linh mục Trần Công Hoán sđd, tr.118. Ở Hồng Kông không có cơ sở in tiếng Việt Imprimerie de Nazareth, Imprimerie de la Mission của Hội truyền giáo Ngoại quốc, Paris.
(3) Catéchisme de l’Église Catholique 1993, Publié par le Service des Editions de la Conférence des Evêques Catholiques du Canada, tr.452, điều 2004.
(4) Linh mục Trần Công Hoán, sđd, tr.118-119.
(5) Nguyễn Hữu Bài, Thơ nôm Phước Môn. Nguyễn Thúc sao lục và giải thích. Tựa của Thái Văn Kiểm, Nguyễn Huyền Anh trình bày, Sài Gòn, Văn Khoa Ấn quán, 1958, 104 trang.
Từ tác phẩm TRẦN LỤC
Biên Tập: Nguyễn Gia Đệ, Lê Hữu Mục, Bằng Phong, Phạm Xuân Thu, Trần Trung Lương.

Võ Long Tê
http://hoaxuongrong.org/tai-lieu/linh-muc-tran-luc-nha-van-cong-giao_a780

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC (CỤ SÁU)



Hình ảnh buổi tọa đàm

Trong thời gian còn lưu học bên Hoa Kỳ, một lần tình cờ tôi gặp hai ông bà người Mỹ đã lớn tuổi, trong một buổi lễ tại nhà thờ Chính Tòa Oakland, miền Bắc tiểu bang California. Ông là nhà Văn người gốc Tây Ban Nha, bà là giáo viên đã nghỉ hưu. Trong câu chuyện xã giao, ông bà biết tôi là người Việt Nam, và nhất là đến từ Phát Diệm, nên rất vui mừng kể cho tôi nghe là hai ông bà đã đi du lịch hơn một tháng tại Việt Nam, thăm nhiều nơi, nhưng thích nhất vẫn là thăm nhà thờ đá Phát Diệm. Ông nói: “Tôi không thể ngờ được tại một miền quê xa xôi nghèo túng vào nửa cuối thế kỷ XIX, một linh mục người Việt chưa từng xuất ngoại, đã có thể xây dựng được một quần thể kiến trúc vĩ đại, mà các vua chúa Việt Nam thời đó cũng khó có thể làm nổi”. Tôi hỏi ông: “Điều gì ông tâm đắc nhất khi tham quan khu quần thể nhà thờ Phát Diệm?” Ông trả lời: “Điều tôi thích nhất đó là nét kiến trúc ở đây đã thể hiện rất hài hòa hai nền văn hóa Kitô giáo Âu Châu và nền văn hóa Viễn Đông cổ truyền.” Rồi ông đưa ra những bằng chứng chứng minh cho nhận định của ông. Ví dụ khi nói về nhà thờ Chính Tòa, ông nói: Ngôi nhà thờ này làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc theo phong cách văn hóa Việt Nam, nhưng cấu trúc cao to thể hiện phong cách Âu Châu…

Thú thực, lúc đó tôi chỉ muốn bay luôn về nhà để tỉ mỷ tìm hiểu và chiêm ngưỡng ngôi thánh đường mình đã gắn bó từ khi có trí khôn cho đến bây giờ, mà vẫn chưa có những cảm nhận sâu sắc như một vị khách tham quan du lịch ở tận phương xa nửa vòng trái đất đã có về ngôi thánh đường vĩ đại này của chúng ta.

Nhưng khi đã về nhà sống và làm việc ngay tại nơi Quần thể kiến trúc vĩ đại này, tôi lại vẫn chưa làm được cái điều nguyện ước trên. Mãi đến bây giờ, khi được yêu cầu trình bày đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Cha Trần Lục, người đã thiết kế và xây dựng khu quần thể kiến trúc này, tôi mới tất bật đi tìm lại các tài liệu lịch sử đạo đời, cũng như những truyền khẩu sống động còn lưu truyền trong lòng giáo dân Phát Diệm có liên hệ đến Cha, để hy vọng có thể trình bày cách chính xác khách quan bao nhiêu có thể về thân thế và sự nghiệp của Cha.

A – Thân Thế Cha Phêrô Trần Lục

Về thân thế của Cha Phêrô Trần Lục, dựa vào các tài liệu viết về tiểu sử ngài, chúng ta có thể tóm tắt như sau:

Cha Phêrô Trần Lục sinh năm 1825, tại làng Mỹ Quan, tổng Cao Vĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngài là con thứ hai trong gia đình gồm năm trai, hai gái. Cha ngài là Cụ Trần Văn Nhu quê gốc Nam Định, và mẹ ngài quê Thanh Hoa ngoại trấn (tỉnh Ninh Bình).[1]Khi còn nhỏ, tên ngài là Phêrô Trần Văn Hữu. Năm mười lăm tuổi, ngài đi theo giúp lễ Cha Tiếu ở xứ Bạch Bát (nay là xứ Bạch Liên, Giáo phận Phát Diệm). Năm 1845, ngài nhập chủng viện Vĩnh Trị (về sau chuyển về Hoàng Nguyên, Hà Nội) và đổi tên là Triêm. Năm 1855, ngài theo học triết lý và thần học ở Kẻ Non. Khi đã chịu chức Phó tế và đang đi theo giúp Đức Cha Liêu và mấy linh mục ngoại quốc ở La Mát (đối diện xứ Kẻ Sở, Giáo phận Hà Nội), ngày 13 tháng 7 năm 1858, các ngài bị quan quân bao vây. Lúc đó thầy Triêm đóng giả “đạo trưởng”, mặc áo dài đen, đeo ảnh thánh giá lớn trên ngực, tự ý ra nộp mình, để Đức Giám mục và các linh mục ngoại quốc có đủ thời gian trốn sang Đồng Bầu (thuộc xứ Khoan Dụ). Sau đó, thầy Triêm phải đi đầy ở Lạng Sơn (tại đây, một số giáo dân cũng bị đi đầy như ngài yêu mến gọi ngài là “Cụ Sáu”; và vì ngài đã quá nổi tiếng vào thời điểm này, nên sau này khi đã là linh mục, người ta vẫn gọi ngài là Cụ Sáu). Năm 1860, nhân chuyến được phép về thăm nhà, ngài lãnh tác vụ linh mục tại Kẻ Trừ, Hà nội. Năm 1862, với Sắc chỉ tha đạo, ngài được trả tự do, về coi ba xứ Mỹ Diệm, Kẻ Rừa, và Tam Tổng. Từ năm 1865 cho tới khi qua đời năm 1899, ngài là Cha chính xứ Phát Diệm.

B – Sự Nghiệp Cha Phêrô Trần Lục

Trong phạm vi của một bài nói chuyện, chúng tôi chỉ xin được trình bày rất tóm tắt về sự nghiệp của Cha, được thể hiện nơi những công trình Cha để lại (Quần thể kiến trúc Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, và các tác phẩm thơ ca như: Hiếu Tự Ca, Nữ Tắc Thường Lễ, Nịch Ái Vong Ân, bài Than Mồ Đứng Trước Hiếu Sơn, và các bài Vãn Dâng Hoa), và nơi một số tác phẩm của những người con Phát Diệm hậu duệ của ngài viết về ngài, qua ba nét chính sau:

Một Mục tử nhiệt thành.
Một Công dân gương mẫu.
Một nhà tri thức uyên thâm.
A - Cha Phêrô Trần Lục – Một Mục Tử Nhiệt Thành

Khi đọc qua tiểu sử Phêrô Cha Trần Lục, các tác phẩm thơ ca của ngài, đặc biệt khi chiêm ngưỡng công trình Nhà thờ Phát Diệm, chúng ta dễ dàng nhận ra điều này: Dù khi chưa chịu chức linh mục hay khi đang thi hành chức vụ linh mục, và cả khi vì đức vâng lời để tham gia một số công tác xã hội, cha Trần Lục đã luôn có một mối ưu tư lo lắng mục vụ rất sâu xa. Cha lo lắng làm sao để cho giáo dân hiểu biết giáo lý đầy đủ, hầu giúp họ sống đức tin và tăng trưởng đức tin đã nhận được.

1. Dạy giáo dân sống đạo qua công trình xây dựng Nhà thờ:

Chúng ta có thể tóm lược mối quan tâm lo lắng mục vụ của Cha Trần Lục được thể hiện qua công trình xây dựng Nhà thờ với những khía cạnh sau:

- Lo cho giáo dân có được của ăn Lời Chúa thật dồi dào. Chúng ta biết thời xưa giáo dân rất ít được tiếp xúc với Kinh Thánh, và hầu như không có cơ hội đọc Lời Chúa. Ý thức được tầm quan trọng của việc sống Lời Chúa, Cha đã chuẩn bị cho các tín hữu của ngài có của ăn bồi bổ linh hồn được rút ra từ Lời Chúa. Những của ăn này được ghi khắc khắp nơi qua các bia tích trên các nhà thờ, các hang đá và cách xây dựng nhà thờ. Ở đây chúng tôi chỉ xin trưng ra một số câu bia ghi tạc Lời Chúa (đã được diễn nghĩa) trên các phần nhà thờ để làm ví dụ: Tấm bia bằng tiếng Latinh ở phía cực Đông mặt tiền Nhà thờ Chính tòa: Kính chào Đức Maria, Con của Thiên Chúa Cha. Kính chào Mẹ của Thiên Chúa Con. Kính chào bạn trăm năm của Chúa Thánh Thần… (Bài khắc này được coi như lời kinh chúc tụng Mẹ Maria được gợi hứng sâu xa từ Kinh Thánh. X. Sph 3,1.14; Lc 1,2.3; Gl 4,4; Lc 1,35); mười lăm bức phù điêu, tạc mầu nhiệm Mân Côi nội dung được rút ra từ Lời Chúa trong Tin Mừng (biến cố Truyền Tin: Lc 1,26-38, thăm bà chị họ Elisabeth: Lc 1,39-54, …); mặt trước bàn thờ chính trong nhà thờ Trái Tim Chúa Giêsu có khắc những con vật tượng trưng Chúa Giêsu: Bên trái: Con Chiên (Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa – Ga 1,36; Kh 21,1), bên phải: Con Sư tử (Chúa Giêsu là sư tử chiến thắng – St 49,9; Ez 19,1-9; Kh 5,5); v.v…



- Lo cho họ thực hành đời sống Bí tích cách cụ thể. Ý thức rằng Thánh Thể là trung tâm của đời sống người tín hữu, cha Trần Lục đã muốn đưa các tín hữu của ngài vào mầu nhiệm và hy tế Thánh Thể. Ngay từ Phương Đình, là “Thánh Cung Bảo Tòa”, ngài đã đặt “Trạm tôn thờ Thánh Thể”, và từ đó, các tín hữu tiếp tục đi vào trong Nhà thờ Lớn, nơi cử hành Hy tế Thánh Thể, nơi nhận các Bí tích. Phía trên các bình nước thánh ở cửa ra vào Nhà thờ cũng có những lời nhắc nhở tới Bí tích Thanh Tẩy mà mỗi tín hữu đã lãnh nhận, cũng như thái độ phải có khi cầu nguyện. Ví dụ: phía trên các phù điêu tạc sáu thiên thần cầm bình nước phép ở trên tường của năm lối vào từ cuối nhà thờ, từ Phải sang Trái, chúng ta đọc được sáu câu latinh trích từ Kinh Thánh:

* Quoecumque orantes petitis, credite quia accipietis- Khi cầu nguyện, bất cứ anh em xin điều gì, hãy tin rằng sẽ được (x. Mt 7,7tt).

* Orate et petite ut publicanus et leprosus- Hãy cầu nguyện và xin như người thu thuế và người phong cùi (x. Lc 18,9-14; 5,12-14; 17,11-19).

* Proepara animam tuam, noli tentare Dominum tuum- Hãy chuẩn bị linh hồn bạn, đừng thử thách Chúa của bạn (x. Mt 4,7).

* Quam terribilis est iste locus: hic est domus Dei- Nơi đây đáng sợ chừng nào: đây là nhà Thiên Chúa (x. St 28,17).

*Petite ut aperiatur vobis, dimittite si quid habetis, adversus aliquem- Anh em hãy xin để cửa mở ra cho anh em, hãy tha thứ nếu anh em có hận gì với ai (x. Mt 7,7).

* Vigilate et orate, ut non intretis in tentationem- Anh em hãy tỉnh thức và cầunguyện để khỏi sa chước cám dỗ (x. Mt 26,41).[2]



Bức phù điêu Thiên thần cầm bình nước phép ở trên tường lối vào Nhà thờ


- Lo cho họ thực hành các việc đạo đức bình dân: Cũng qua các bia tích, chúng ta nhận ra lời dạy của Cha Trần Lục gửi tới các tín hữu của ngài: lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ (như đã nói trên); việc tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu (Nhà thờ Trái Tim); việc lần hạt Mân côi; việc suy ngắm các chặng đàng Thánh giá (hai bên gian cung thánh); việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria (tước hiệu Mân Côi nhà thờ Chính tòa, nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ), thánh cả Giuse (nhà nguyện thánh Giuse); các thiên thần (mười hai thiên thần chung quanh ảnh Đức Mẹ Mân Côi ở gian cung thánh, các thiên thần thổi loa trên nóc tháp nhà thờ); các thánh (cả Cựu Ước lẫn Tân Ước), nhất là các thánh tử đạo Việt Nam;[3]việc suy niệm về các thực tại sau cùng của đời sống con người (hai thiên thần cầm Thánh giá và hai thiên thần khác thổi loa ở trên đỉnh tháp Nhà thờ); việc dùng nước thánh khi vào nhà thờ; và việc kính viếng các núi tưởng niệm các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu (vườn Giêtsimani, hang sinh nhật, hang táng xác) …

2. Dạy giáo dân sống đạo qua các bài ca vè tôn giáo

Việc thực hành đạo đức bình dân này còn được thể hiện rõ qua các bài ca vè tôn giáo ngài đã viết ra.[4]Các bài ca vè này là những kinh nguyện, ca vè đọc trong nhà thờ, theo từng mùa Phụng vụ, cũng như các ca vè công giáo bình dân đọc tại nhà, nơi ruộng đồng... Các bài ca vè này mang đậm chất giáo lý và những suy tư rút từ Kinh Thánh. Ví dụ, khi viết bài Than Mồ dưới hình thức phúng điếu người quá cố, ngài trình bày cuộc đời Chúa Giêsu cách đơn sơ vắn gọn, dưới hình thức một lời tâm sự về một tình yêu thương được biểu lộ trong đau khổ và trong cái chết. Rồi khởi đi từ việc mô tả cuộc đời Chúa Giêsu, ngài đưa tín hữu vào sâu trong nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa, qua cái chết của Chúa Giêsu mà họ đang suy niệm, than khóc và nhớ thương.

Có thể nói, với bài ca vè Than Mồ này, Cha Trần Lục đã rất khéo léo vận dụng, trình bày chân lý Cứu Độ một cách cụ thể phù hợp với tâm thức con chiên Việt Nam của mình, để mỗi lần nhắc đến bài ca vè này, cả một lịch sử cứu độ của Thiên Chúa lại sống động lên trong tâm trí họ. Ngày nay, ai xưng mình là giáo dân Phát Diệm, thì không thể không biết đến bài ca vè Than Mồ này. Có những người không biết vì lý do nào đó mà mỗi năm chỉ đến nhà thờ được hai lần, thì một trong hai lần đó là họ đi tham dự Ngắm Đứng và nghe Than Mồ.

B- Cha Phêrô Trần Lục – Một Công Dân Gương Mẫu [5]

Chúng ta ai cũng biết, ngoài đời sống thiêng liêng kết hiệp với Chúa qua cầu nguyện chiêm niệm, công việc chính yếu của một linh mục là lo mục vụ cho giáo dân. Các công việc ngoài xã hội, tuy không phải là chính yếu đối với bổn phận linh mục, nhưng khi cần thiết, thì ngài cũng tham gia, và thậm chí phải vâng lời để tham gia. Cha Trần Lục là một linh mục đã sống tinh thần này. Không chỉ là một mục tử tốt lành hết lòng lo cho đời sống đạo của giáo dân, Cha Trần Lục còn lo phát triển kinh tế cho cả dân chúng trong vùng nữa. Linh mục Trần Công Hoán, một người sinh ra, lớn lên và đi tu tại Phát Diệm, hít thở trong truyền thống nối tiếp Cha Trần Lục, đã viết về công cuộc cứu dân giúp nước của Cha Trần Lục như sau:

“Khi về nhận xứ Phát Diệm, một nơi bùn lầy, nước mặn chua phèn, dân tình nghèo khổ. Việc khẩn cấp cha phải thi hành ngay là khôi phục sự an ninh. Hồi ấy cướp bóc lung tung, nhà nào hơi có máu mặt, rất có thể là mồi ngon cho bọn cướp. Bàn bạc với quan phủ huyện, ngài lập dân vệ ở mỗi làng, làm điếm canh, hễ nghe dân kêu làng, các làng chung quanh phải đến tiếp ứng, đôi khi chính cha đứng chỉ huy.

…Tiếp tục công trình khai hoang của Cụ Nguyễn Công Trứ, Cha Trần Lục đã huy động nhân dân đắp những con đê nhỏ, đắp thêm đê mới, đào ngòi, xây cống, dựng cầu… cho nên chẳng bao lâu Phát Diệm – Kim Sơn đã trở thành trù phú, đời sống người dân được nâng cao và sung túc”.[6]

Việc lo phát triển kinh tế cho dân luôn là mối bận tâm của Cha Trần Lục, nhưng việc lo cho họ được bình an sinh sống có lẽ còn là mối bận tâm hơn nữa đối với ngài. Chúng ta biết, dù Triều đình Huế đã có sắc chỉ cho giáo dân được tự do giữ đạo (1862), nhưng một số quan lại từ triều đình đến địa phương vẫn còn ghét đạo. Khi nhóm Văn Thân nổi lên làm loạn với chủ trương triệt hạ các làng công giáo, thì các quan quân này đã không dẹp, thậm chí còn dung túng.[7]Trước tình hình này, dù không muốn, Cha Trần Lục cũng vẫn phải ghé vai gánh vác trách nhiệm. Chúng ta hãy nghe Cha Trần Công Hoán kể tiếp:

“Khi thấy tình hình tang tóc và đẫm máu, nhất là trong ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, và không thể nào dẹp nổi, quan Kinh lược Nguyễn Hữu Độ đến Phát Diệm gặp cha Sáu kể tình hình, rồi yêu cầu cha nhận chức Tuyên phủ sứ, để cùng với các quan lập lại trật tự và an ninh nhưng cha nhất định không nghe. Thấy vậy, quan mật tâu vào Kinh, xin Vua lấy quyền ép cha phải nhận và phong cha làm Tham Tri, sung Lưỡng quốc khâm sai tuyên phủ sứ, giao hẳn cho ngài quyền trấn an trong ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh. Nhận được tờ mật sớ, Vua liền châu phê: ‘kẻ dùng người hiền thì đáng trọng thưởng, nhà ngươi liệu như vậy thì thậm phải lắm. Việc mà được trôi xuôi là do người hiền biết dụng người hiền. Trẫm đã xét, phải tuân như vậy’”.[8]

Sự việc này xảy ra vào năm 1885. Khi nhận được sắc chỉ của Vua, Cha Trần Lục rất lo lắng bối rối không biết sẽ phải xử trí thế nào, nên ngài đã trình bày sự tình với Đấng Bản quyền lúc bấy giờ là Đức cha Pugninier (Phước) đang ở Kẻ Sở. Và tại đây, chính Đức cha Pugninier cũng không thể đưa ra quyết định ngay được, nên đã xin để một đêm cầu nguyện và suy nghĩ. Sáng hôm sau, Đức cha đã truyền cho ngài đi thi hành nhiệm vụ với điều kiện là phải thực hiện trong thời gian càng ngắn càng tốt.

Theo tác giả Vũ Huy Bá, “Nhờ sự hỗ trợ thiêng liêng là cầu nguyện và với tài trí thiên phú, Cụ Sáu đã làm cho Lương – Giáo hiểu nhau, sống hòa hoãn trong an cư lạc nghiệp và phe đảng Văn thân phải sợ uy danh mà phần đông ra đầu thú, chỉ còn một ít lẩn lút vào rừng. Từ đó danh tiếng Cụ Sáu ngày một lên cao, nên đã nảy sinh ra sự đố kỵ, ghen tương nơi các quan cả Pháp lẫn Việt. Đức cha Pugninier theo dõi sát công việc của Cụ Sáu và thấy rõ tình thế đó, ngài liền khuyên Cụ Sáu từ nhiệm sau ba mươi lăm ngày hoạt động”.[9]

Sự kiện này cũng đã được chính Cha Trần Lục ghi lại trong Tự Tình của ngài như sau:

Tấm lòng vì nước vì dân.
Lo vui Lương-Giáo đồng nhân bao nài.
Ép mình vâng lệnh Khâm sai,
Song bề giảng giáo khôn nguôi lòng mình.[10]

C- Cha Phêrô Trần Lục – Một Nhà Tri Thức Uyên Thâm

Không chỉ là một mục tử nhiệt thành, một công dân gương mẫu, Cha Trần Lục còn là một nhà tri thức uyên thâm hiếm có. Dù sống trong một giai đoạn lịch sử mà vai trò của các linh mục công giáo “annamites” không được nhìn nhận đúng mức, thì Cha Trần Lục vẫn được báo chí và chính khách cùng thời nhận định đánh giá rất cao. Chúng tôi xin trưng dẫn một vài nhận định ở đây để làm ví dụ:

Thống chế Hàn lâm Viện sĩ Lyautey, trong Lettres du Tonkin et de Madagaskar, đã viết: “Ở Phát Diệm có Cụ Sáu, một linh mục quả cảm, gương mẫu và luôn khát vọng hoàn thành từ việc nhỏ đến việc lớn. Sinh ra, Cụ có thiên tài về kịch nghệ và văn thơ. Cuộc đời Cụ nổi tiếng từ khi là thày Sáu tại trại lao giáo Lạng Sơn. Từ khi làm chính xứ Phát Diệm chỉ biết phục vụ Giáo hội và dân nghèo”.[11]

Tác giả Thiện Đình, trong tác phẩm Nguyễn Tựu Tiên Sinh Truyện, khi đề cập đến nhân vật Cụ Sáu, cũng đã viết: “Ông Trần Lục sống cùng thời với ông Nguyễn Trường Tộ … Ông Trần Lục chuyên về học thuật và việc giảng đạo. Sau Triều đình có trao cho chức Nguyên phủ sứ và sắc cho lá cờ ‘tiền thanh tra hậu giảng đạo’… Ông Trần Lục là người có kiến thức”.[12]Chúng ta sẽ bàn đến lãnh vực tri thức của Cha Trần Lục theo hai khía cạnh sau:

Kiến Trúc Sư Tài Giỏi
Để nói về công trình kiến trúc tài khéo của Cha Trần Lục, không ai có thể diễn tả xuất sắc hơn Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), vị Giám mục Việt Nam tiên khởi và cũng là Giám mục Phát Diệm chỉ mấy chục năm sau khi Cha Trần Lục qua đời. Đức Cha đã mô tả công trình này trong bài Diễn Văn của ngài về Cha Trần Lục, được đăng trên báo L’Avenir du Tonkin, số ngày 29/9/1938, như sau:

“Nhà thờ Chính toà [Phát Diệm] có hình ảnh trong hàng trăm quyển tạp chí các nước, các nhà mỹ thuật trứ danh nhất các nước cũng đều công nhận, hoan nghênh và tán dương sự khéo léo, khiếu thẩm mỹ và cái tài tuyệt xảo trong nền mỹ thuật của nước ta, cùng khâm phục tính kiên nhẫn lạ lùng của chúng ta trong sự cố gắng làm cho thành những công việc khổng lồ, đang khi chỉ có những phương kế thô lậu đơn sơ.

Ta hãy tưởng tượng đến nguyên một cái công phu chở những khúc gỗ nặng tới 10 tấn, tức là một vạn cân một khúc, qua hơn 200 cây số; những tảng đá có nhiều tảng đến 7 thước khối, cạy ở trên núi đem về Phát Diệm trên con đường xa 30 cây số; những phiến đá hoa nặng 6, 7 tấn, không có máy trục mà cũng kích lên cao được tới 5, 10 và 12 thước.

Các ngài hãy đến ngắm nghía cái công trình của những người thợ kiên nhẫn ở khắp các nơi trong xứ Bắc kỳ, đã đến Phát Diệm mà đục chạm, đánh bóng, cùng tô điểm những cái cột khổng lồ kia, những tấm đá hoa đủ các màu kia. Các ngài hãy đến Phát Diệm mà xem người ta đã dùng cách gì mà làm được cho đất phù sa nên chắc nịch, nhờ đóng xuống đấy một rừng tre sâu tới 30 thước. Các ngài hãy vào trong nhà thờ chính toà Phát Diệm mà ngắm 52 cái cột bằng gỗ lim, chu vi mỗi cái 2 thước 4 tấc, thân cao 12 thước; các ngài hãy ngắm cả ‘cái bàn thờ chính đục nổi chạm bóng mà sơn son thếp vàng chói lọi có lẽ khắp hoàn cầu, không có những nhà thờ nào rực rỡ như những nhà thờ ở Phát Diệm, trùng trùng điệp điệp những bức cuốn, càng vào trong càng lộng lẫy’ (Yvonne Schultz, tạp chí Illustration ngày 9 Novembre 1929).

Không thể dùng lời nói mà diễn lại được hết cái công nghiệp của Cụ Sáu là một nhà kiến trúc, một nhà công tác, một nhà điêu khắc, một người huy động hàng trăm thợ thuyền làm việc dưới quyền mình. Những cảnh diễn lại sự tích trong Kinh Thánh, đều có bóng lá sen, cây cau, cây chuối che phủ, và ở trên lại có mấy pho tượng thiên thần, trông hình như nhà bày cảnh muốn đem cái tâm hồn nước Nam thu vào một cảnh con con tươi đẹp ấy để dâng lên đấng Chí Tôn ngự nơi cửu trùng vậy.

Danh tiếng Cụ Sáu một ngày một vang lừng đồn dậy vì những công trình vĩ đại như thế. Đến Hoàng đế Tự Đức bây giờ cũng tỏ lòng yêu mến Cụ. Trên những kim khánh của nhà vua gửi thưởng cho Cụ, có khắc những câu như sau này: ‘Lời nói của Cụ làm cho ai nấy tín nhiệm. Cụ làm cho khắp chốn được thái bình. Cụ là người tài giỏi biết giáo dục dân chúng và đem hạnh phúc cho họ. Cụ là người ngay thẳng có một’”.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây những dấu mốc lịch sử các công trình đồ sộ trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm mà Cha Trần Lục đã lần lượt xây cất:

Năm 1875: xây Núi Táng Xác vừa để tạo cảnh quan, nhưng quan trọng hơn là nhằm mục đích thử độ lún của đất bồi. Núi này từ năm 1954 được đổi tên thành Núi Sinh Nhật.

Năm 1883: xây nhà nguyện Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Nhà nguyện này hầu như hoàn toàn bằng đá và được coi là viên ngọc trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm.

Năm 1888: xây nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa.

Năm 1891: dựng Nhà thờ Lớn dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Đây là công trình quan trọng nhất, cũng là công trình đòi hỏi nhiều nhân tài vật lực nhất, khởi công từ năm 1875.

Năm 1895: xây nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô. Năm 1923, nhà nguyện này được đổi tên thành nhà nguyện kính thánh Rôcô.

Năm 1896: xây ba công trình: Vườn Giêtsimani, từ năm 1925 đổi thành núi Lộ Đức; nhà nguyện kính thánh Phêrô; và nhà nguyện kính thánh Giuse.

Năm 1898: xây Hang Bêlem, sau này đổi tên thành Núi Sọ.

Năm 1899: xây Phương Đình. Đây là công trình sau cùng, và theo ý kiến của nhiều người, là công trình tinh tế nhất và đẹp nhất trong quần thể nhà thờ Phát Diệm.

Trong những thập niên gần đây, người Công giáo chúng ta nói nhiều về Hội nhập văn hóa trong Truyền giáo. Đây là kết quả của tiến trình đổi mới suy tư thần học trong Công đồng Vatican II (1962-1965). Đối với nhiều người công giáo Việt Nam hiện tại, việc hội nhập văn hóa trong công tác truyền giáo xem ra vẫn còn mới mẻ lạ lẫm, thì cách đây hơn một trăm năm, Cha Trần Lục đã đi tiên phong và đã thành công trong việc hội nhập này. Ngày nay, không một người công giáo nào khi chiêm ngắm quần thể nhà thờ Phát Diệm, lại không công nhận đây là một công trình hội nhập văn hóa vào Tin Mừng. Nói cách khác: qua công trình kiến trúc nhà thờ Phát Diệm này, Cha Trần Lục đã đưa Tin Mừng vào văn hóa Việt Nam.

Tác giả Kim Ân (cha Trần Minh Thực), khi giới thiệu quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm cho khách thập phương, đã khẳng định “Cả quần thể [Phát Diệm] này như một tiếng nói sống động phản ánh tâm thức người Việt Nam”.[13]

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, trong bài viết “Trần Lục: Hai Sứ Điệp Trên Đá”, đã đưa ra những lời nhận xét thật chí lý về Cha Trần Lục: “Cụ giữ vững tinh thần dân tộc và tìm được ở đó những hướng dẫn công trình xây dựng của Cụ”; và về quần thể kiến trúc: “Du khách đến Phát Diệm, chiêm ngưỡng kỳ công kiến trúc của Cụ Sáu, nếu lòng biết hỏi lòng, tất sẽ rạo rực lên trước cái tinh tuý hiển hiện của tinh thần Việt Nam, cái hào khí của dân tộc Việt Nam như quyện lấy cái linh thiêng của tôn giáo nơi đây”.[14]

Nhưng tâm đắc nhất vẫn là lời nhận xét của tác giả Trần Cao Tường về công trình hội nhập văn hóa của Cha Trần Lục: “Công trình Việt hóa Đạo Chúa của Cụ Sáu Trần Lục quả là tài tình và sâu sắc. Không như một hoa hòe hoa sói hay do tự ái dân tộc, mà phát xuất từ một bắt buộc, vì muốn đạo Chúa thấm vào trong mạch máu và rung được trong tế bào người Việt… Cũng chỉ có một con đường thôi. Đó là khi đạo thể hiện mang thịt mang xương. Ngôi Lời đã mang thịt xương làm người. Đạo đã mang thịt xương Do thái. Đạo đã mang thịt xương Hy lạp. Đạo đã mang thịt xương Rô ma. Đạo đã mang thịt xương văn hóa Âu Mỹ. Thì nay, với công trình Cụ Sáu Trần Lục, đạo đang mang thịt xương Việt để cắm lều giữa lòng văn hóa dân Việt mà mang đến Tin Mừng cứu độ”.[15]

2. Nhà Văn, Nhà Thơ Công Giáo Được Ưa Chuộng

Ngoài biệt tài kiến thiết quần thể Nhà thờ Phát Diệm, Cha Trần Lục còn là một nhà văn, nhà thơ Công giáo rất được mến mộ. Như đã đề cập ở trên, Cha đã sáng tác rất nhiều kinh nguyện, ca vè đọc trong nhà thờ, theo từng mùa Phụng vụ, cũng như các ca vè công giáo bình dân đọc tại nhà, nơi ruộng đồng... Các bài ca vè này mang đậm chất giáo lý, nhưng cũng đầy hồn thơ, tính triết lý và những hình ảnh gần gũi thân thương phản ánh văn hóa lối sống của người dân Việt bình dân.

Trong số các tác phẩm Cha Trần Lục còn để lại cho hậu thế, chúng ta phải kể đến khoảng sáu nghìn câu thơ vừa lục bát, vừa song thất lục bát, và thơ bốn chữ. Tất cả được gộp lại trong Sách Thuật Lại Ít Nhiều Ca Vè Cụ Sáu[16]do nhà Thiện Bản Ninh Bình ấn hành năm 1911, tái bản năm 1914 và 1920, gồm bốn cuốn:

Cuốn I viết về thánh Gioakim, thánh nữ Anna và Đức Mẹ Maria.

Cuốn II viết về Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần.

Cuốn III viết về sự tích nhà thờ Trái Tim ở Phát Diệm và hạnh tích một số vị hiển thánh.

Cuốn IV chuyên chú về giáo dục, gồm ba tác phẩm:

Hiếu Tự Ca (1088 câu): nói về chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ tổ tiên.
Nữ Tắc Thường Lễ (1016 câu): Dựa theo đạo tam tòng (phụ, phu, tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), để đưa ra những nguyên tắc ứng xử thông thường cho các thanh thiếu nữ để trở thành người đạo hạnh (thảo kính cha mẹ, lo liệu công việc nhà, giao tiếp ngoài xã hội, dáng điệu đi đứng, cử chỉ khi ngồi, lời ăn tiếng nói, cách thức trang phục và trau dồi nghề nghiệp).
Nịch Ái Vong Ân (440 câu): Đây là những chỉ dẫn dành cho thanh niên (cách đối xử với vợ, với cha mẹ hai bên: chớ chìm đắm trong tình ái mà quên ơn nghĩa sinh thành).
Phải nói cách công tâm rằng: Các bài ca vè của Cha Trần Lục đúng thật là “ca vè”, chứ chưa thể gọi là những áng thơ chuyên nghiệp được, vì lời văn của các bài vè này còn rất thô sơ mộc mạc đúng chất ca vè. Nhưng chính cái đơn sơ mộc mạc này lại làm thành cái rất đặc biệt, rất riêng của Cha, trong vai trò một mục tử nhân lành luôn quan tâm chăm sóc từng li từng tí cho con chiên, không chỉ về đời sống đạo, nhưng cả về đời sống nhân bản nữa. Ví dụ: Trong tác phẩm Nữ Tắc Thường Lễ, Cha đưa ra tám điều dạy nhân bản cho các thanh thiếu nữ, giúp họ biết cách ứng xử sao cho phải đạo đối với cha mẹ, hay biết làm những việc “nữ công gia chánh”. Có một điều thú vị là, khi ngài đã dạy điều gì, thì ngài dạy một cách rất chi tiết từng li từng tí. Có lẽ trong văn học dân gian Việt Nam, chưa có tác phẩm gia huấn ca nào khi bàn đến “cách ngồi” của nữ nhi, lại bàn chi tiết như chúng ta thấy trong Nữ Tắc Thường Lễ:

Thứ năm ta nói đến điều:

Nữ nhi thật nhiều đứa ngồi dở dang

Ngồi đừng ngồi như chão chàng

Cũng đừng ngồi xổm mà càng khó coi.

Ngồi cho đĩnh đạc hẳn hoi

Chớ đừng ngồi xổm kéo người nhỡ ra.

Ngồi đừng chân duỗi chân co.

Ngồi đừng lâng láo như trò trẻ con.

Ngồi đừng hai gối bó tròn.

Ngồi đừng xoay xở trông nom người ngoài.

Ngồi đừng chân duỗi cả hai

Cũng có người ngồi chân bỏ đưa đu.

Đừng ngồi chồm chỗm bao giờ.

Đừng ngồi chống nạnh thế mà không xong.

Đừng ngồi bậc cửa mà trông.

Đừng ngồi mà lấy tay nâng đỡ cằm.

Đừng ngồi mặt mũi sa sầm

Như buồn như giận mà căm chuyện gì.

Ngồi đừng có ngảnh mặt đi

Ra như kiêu hãnh vậy thì khó coi.

Ngồi đừng vác mặt trông giời

Vác mặt như thế là người kiêu căng.

Ngồi đừng trông vách như rằng

Không thèm nói chuyện lằng xằng dơ tai.

Ngồi đừng ngáp ợ vươn vai

Vặn mình bẻ đốt ngón tay làm gì.

Ngồi đừng vo tay làm chi

Cũng có khi thì vạch đất mà chơi.

Khi ngồi quần áo hẳn hoi

Ở cho nhiệm nhặt, lôi thôi thì đừng.

Khi ngồi đừng có quay lưng

Những điều thể ấy thì đừng, chừa đi.

Nghe rằng cũng có nữ nhi

Vắt chân chữ ngũ phỏng thì không không.

Ngồi đừng ngồi vuối đàn ông

Phải giữ cho lắm ra công mới hòng.

Điều này nhi nữ làm lòng

Đừng ngồi kề gác không xong đâu mà.

Vách cột cũng phải tránh ra

Ngồi nấp vách cột ấy là người ngu.

Ngồi đừng dựa dẫm người ta.

Ngồi đừng trò chuyện đàn bà đàn ông.

Ngồi đừng ngồi ngã vào lòng,

Hay ngồi gục xuống bên hông người nào…



Có lẽ cũng chính vì cái chất đơn sơ mộc mạc và rất chi tiết cụ thể trong các bài ca vè của Cha, mà nó đã đi sâu được vào lòng những người thôn quê bình dân hầu như không được học hành. Và vì nó đi vào lòng người, nên nó trở thành có giá trị và được mến chuộng. Thực ra, những tác phẩm này của Cha Phêrô Trần Lục không chỉ được mến chuộng nơi những người nhà quê, nhưng nó còn được mến chuộc không kém nơi nhiều nhà tri thức nho giáo, và các quan lại triều đình đương thời.[17]

Kết Luận:

Chỉ vài nét phác họa rất nhanh về cuộc đời và sự nghiệp của Cha Phêrô Trần Lục cũng đủ để chúng ta nhận ra nơi ngài mẫu gương tuyệt vời của một mục tử nhiệt thành, một công dân gương mẫu, và một tri thức lỗi lạc. Ngày nay cha Phêrô Trần Lục đã trở thành người thiên cổ, nhưng di hài của Cha vẫn còn đây giữa khuôn viên quần thể kiến trúc lịch sử của Cha; tinh thần của Cha vẫn còn sống động nơi trăm ngàn con tim của giáo dân Phát Diệm xa gần.

Giờ đây chúng ta có thể nói được điều gì về Cha? Nếu còn ngại ngùng, thì chúng ta hãy để Vua Đồng Khánh nói thay cho chúng ta. Trong sắc phong cho Cha Trần Lục chức Nam Tước phẩm Thượng Thư vào năm 1925, Đức Vua đã viết: “Trẫm nhớ Ông Trần Lục, một linh mục hưu, đã mất: vị anh tài của nước, cựu thần của tiền triều, bậc cứu thế độ dân, theo đạo mầu La mã. Lòng trong sạch, học lực cao sâu, ví được như Nguyên Long, biết cơ sáng tối, biết lẽ cương mềm, lừng tiếng hơn người trong và ngoài nước. Nên ra nên ẩn, nên nói nên không, đạo biến ông thảy đều xuôi xắn. Tuần duyên đâu, dân thảy đều được an lạc, như Phục Hâm xưa giữ cõi Bình Nguyên, trấn thủ đâu, hạng lang yêu phải tuyệt hết, cũng như thể Thể Thích vững được Trấn Áp nhờ bức thành dài. Muốn được thịnh dân giầu, ông chú vào những kế sâu xa: khẩn điền lập ấp, lại biệt tài về cách kinh doanh, bể một góc mà ông mưu thành nên nơi dân đông đúc, nửa Ninh Bình…”[18]

Để kết luận, chúng tôi xin mượn lời thơ của Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài,[19]đã ngẫu hứng viết ra trong một lần về thăm Phát Diệm (năm 1928). Những vần thơ này đã được khắc bên nấm mộ của Cha Trần Lục, để nó sẽ được theo Cha sống mãi trong cõi đời đời:

Trước mồ, đứng sững, lụy châu rơi;

Phảng phất thần tình, thấy rạng Người.

Đạo đức thơm lừng, năm cõi đất;

Công danh sáng dậy, một phương trời.

Thánh đường, rường cột, cây không hủ;

Cửu tháp tầng thành đá chẳng rời.

Khoát sắt, thơ son, truyền sự nghiệp.

Trung trinh hai chữ để gương đời.

Phát Diệm, 22.06.2013



[1]Từ đời Hồng Đức (1470-1498), Ninh Bình vẫn còn thuộc Thanh Hoa ngoại trấn. Năm 1806, vua Gia Long đổi Thanh Hoa ngoại trấn thành đạo Thanh Bình. Năm 1822, vua Minh Mệnh đổi tên đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình, và đến năm 1829 mới chính thứ đổi thành trấn Ninh Bình. Năm 1831, vua Minh Mệnh đổi tên trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình (x. Lịch Sử Tỉnh Ninh Bình, trên trang mạng http://www.ninhbinh.gov.vn/web/guest/lich-su-ninh-binh, truy cập ngày 19/06/2013).



[2]Như vậy, hai Bí tích quan trọng nhất là Thanh Tẩy và Thánh Thể đã được Cha Trần Lục dùng các hình ảnh, bia tạc rất cụ thể sờ sờ trước mắt và đụng chạm hằng ngày để giáo huấn các tín hữu. Từ đó, họ càng ngày càng đi sâu vào nền tảng căn bản của đời sống đức tin của mình.

[3]Các thánh tử đạo Việt Nam đã được Cha Trần Lục đặt ngay trong gian cung thánh của nhà thờ Chính Tòa, để nhắc nhở cho con cháu biết noi gương tiền nhân trong đời sống đức tin. Làm điều này phải chăng là ngài muốn đem đạo vào giữa dân tộc, khi ngài muốn cho các tín hữu theo gương của chính tổ tiên đồng bào mình trong việc mến Chúa yêu người?

[4]Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về các bài ca vè này ở phần sau.

[5]Khi đề cập đến khía cạnh công dân của Cha Trần Lục, chúng ta không tránh khỏi những lời khen tiếng chê về ngài. Trong số các tác phẩm được gọi là “lịch sử” cả đạo lẫn đời đề cập đến cha Phêrô Trần Lục mà chúng tôi đã cố gắng tìm đọc, chúng tôi nhận thấy các nhà sử học vẫn chưa có tiếng nói chung, nếu không muốn nói là có sự mâu thuẫn lớn, vì mỗi người đứng trên mỗi góc cạnh, quan điểm khác nhau khi trình bày vấn đề. Vì thế, chúng tôi cũng sẽ không đánh giá vấn đề công tội, đúng sai về phương diện chính trị nơi Cha Trần Lục ở đây, mà chỉ nêu ra những gì ngài đã làm được cho dân cho nước, dựa theo những tài liệu được coi là sát thực với ngài hơn cả. (Sở dĩ chúng tôi để chữ “lịch sử” trong ngoặc kép là vì, như chúng ta đều biết, chúng ta không thể biết một sự kiện lịch sử được coi là sự kiện “lịch sử tự thân”, vì những người viết lại sự kiện lịch sử đó đều viết theo phạm vi nhận thức và quan điểm riêng của mình, nên chúng ta có thể coi những gì họ viết ra là những “phản tỉnh lịch sử” mà thôi. Và như vậy, một “phản tỉnh lịch sử” nào đó có sức thuyết phục độc giả nhiều hay ít là tùy thuộc vào mức độ khách quan nhiều hay ít của phản tỉnh đó).

[6]Trần Công Hoán, Tiểu Sử Cụ Sáu, Sài Gòn, 1963, tr. 59.

[7]Khi viết về Văn thân, Lệ Thần Trần Trọng Kim viết: “Tháng giêng năm Giáp Tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27, đất Nghệ An có hai người tú tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội tập cả các văn thân trong hạt Nghệ An, rồi làm một bài hịch gọi là Bình tây sát tả, đại lược nói rằng: Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi người Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hóa của ta đã hơn 1000 năm nay… Bọn văn thân cả thảy độ non 3000 người, kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo. Nước ta mà không chịu khai hóa ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà việc nông nổi càn rỡ, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ru!” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Sống Mới, 1978, tr 290).

[8]Trần Công Hoán, Tiểu Sử Cụ Sáu, tr. 74.

[9]Vũ Huy Bá, “Cụ Sáu Trần Lục, Một Vĩ Nhân Của Lịch Sử Hiện Đại”, trong Trần Lục, Montréal, 1996, tr. 131.

[10]Trần Lục, Sách Thuật Lại Ít Nhiều Ca Vè, Ninh Bình, 1920, tr. 5. Trích lại tác giả Vũ Huy Bá, trong Trần Lục, tr. 131. Riêng về vụ Ba Đìnhnăm 1886 (một phong trào Cần vương do đốc học Phạm Bành và Đinh Công Tráng chỉ huy), vẫn còn có những lời nhận xét thiếu chính xác cho rằng Cha Trần Lục đã giúp quân đội Pháp để tiêu diệt nghĩa quân, và coi Cha như một tên phản quốc. Dựa vào những tài liệu lịch sử được coi là chính thống hơn ngoài xã hội, chúng ta khẳng định Cha Trần Lục đã không hợp tác với quân đội viễn chinh Pháp để dẹp vụ Ba Đình. Cuốn Lịch Sử Việt Nam, tập II, in năm 1985, do UBKHXH Việt Nam xuất bản, khi đề cập đến vụ Ba Đình, không hề nhắc đến nhân vật Cụ Sáu. Theo tác giả Lê Hữu Mục, trong “Cụ Sáu Đối Diện Với Phong Trào Văn Thân” được in trong Trần Lục, tr. 337-395, thì: “Toàn quyền Pháp ở Hà Nội nhờ Cụ Sáu dẹp hộ song ngài chối hẳn” (Sđd, 83). Học giả Nguyễn Đức Chiểu, trong cuốn Việt Nam Mất, Lỗi Tại Ai, do Quế Phương xuất bản năm 1993, viết: “Ngày 15.10.1886, thống lãnh Trần Xuân Soạn hạ văn thư, phái người đến Phát Diệm trao tay ông Phó Bá, thơ ký văn phòng Cụ Sáu. Thơ rằng: ‘Nhân danh Tả quân đô thống, thống lãnh phong trào cần vương, đại diện Điện tiền Thượng tướng quân, bản chức tin cho sĩ phu biết: Sau ba tháng điều tra cẩn mật, bản chức biết ông là giáo dân kết án thực dân và không hợp tác với quân đội viễn chinh Pháp. Lại biết thêm ông và Cụ Sáu là hai đồng nghĩa, cùng một ý chí phò vua cứu nước. Nay tôi phong ông làm Tả quân phó thống, cùng tôi điều khiển phong trào đặc trách việc mộ quân, quyên tiền, vay thóc, bảo vệ thành Ba Đình. Lúc này, các đồn bót của giặc Pháp hằng ngày bị quân ta đốt phá và nhiều quan quân Pháp chết vì kiết lỵ. Nay thơ’. Ông Phó Bá đáp lễ: ‘Phàm là sĩ phu, không thể nào cộng tác với quân viễn chinh. Cũng không thể nào cộng tác với các phần tử của Văn thân, hằng ngày tiêu diệt các linh mục thừa sai và các tín hữu Công giáo. Họ tuyên bố bình Tây sát Tả, nhưng họ không bình Tây, chỉ sát Tả gây thêm khốn khổ cho dân lành. Mong rằng Thượng tướng hạ lệnh cho Văn thân ngưng sát hại các vị thừa sai và các tín hữu Công giáo. Được như vậy, tiểu đệ tâm thành hợp tác với Đô thống. Thơ này, tiểu đệ đã trình Cụ Sáu. Đọc xong, ngài đã cho phép gửi đến Đô thống. Kính bái. Nguyễn Bách, hiệu Phó Bá’” (Trích trong “Cụ Sáu Đối Diện Với Phong Trào Văn Thân”, trong Trần Lục, tr. 388-9).

[11]Thống chế HL. Lyautey, trong Lettres du Tonkin et de Madagaskar, 1894-1899, Paris, 1921.

[12]Thiện Đình, Nguyễn Tựu Tiên Sinh Truyện, Nam Phong, Hà nội, số 152, 7.1930

[13]Kim Ân, “Nhà thờ Phát Diệm: Nơi Niềm Tin Kitô Giáo Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam”, Phát Diệm, 2002.

[14]Phạm Đình Khiêm, “Trần Lục: Hai Sứ Điệp Trên Đá”, trong Trần Lục, Montréal,1996, tr. 117-126.

[15]Dũng Lạc Trần Cao Tường, “Khi Đạo Mang Thịt Xương Việt: Một Công Trình Việt Hóa Đạo Chúa Của Cụ Sáu Trần Lục”, trong Trần Lục, Montréal,1996, tr. 96.

[16]Xem thêm: Vũ Huy Bá, trong Trần Lục, tr. 138. Rất tiếc là hiện tại ở Tòa Giám Mục Phát Diệm, chúng tôi chỉ còn giữ được tập IV của tác phẩm này. Chúng tôi mời gọi quý vị độc giả bốn phương nếu ai còn may mắn lưu giữ được tác phẩm này thì xin cho chúng tôi một bản copy. Xin chân thành đa tạ.

[17]Trong Tiểu Sử Cụ Sáu Trần Lục, linh mục Trần Công Hoán đã đưa ra một chứng từ như sau: “Người ta kể lại: Lúc Cha Sáu còn sống, vợ một ông quan lớn ra chơi Phát Diệm, nghe các phụ nữ đọc bản Hiếu tự, lúc đầu còn ngồi trên sập, sau trụt xuống ngồi chung với chị em nhà quê. Nghe thích quá, bà xin các cô đọc mãi cho mình nghe; đọc xong lại bảo đọc lại. Bà trình Cha: Hay quá! Cha cho chúng tôi mỗi người một bản đem về các ông nhà chúng tôi đọc” (tr. 118-9).

[18]Trần Công Hoán, Tiểu Sử Cụ Sáu Trần Lục, tr. 134.

[19]Phước Môn Bá Quận Công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) thuộc dòng dõi Nguyễn Trãi, sinh tại Quảng Trị và là một trong tứ trụ Triều đình Huế.

Lm. Phêrô Mai Văn Vọng