Đức tin là một hồng ân

Quang X Nguyen

ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN


Thông thường người Công giáo là người được sinh ra trong gia đình mà cha mẹ, ông bà là người có đạo nên được rửa tội từ thuở nhỏ và lớn lên mỗi Chúa nhật đều đi nhà thờ, tham dự thánh lễ là một chuyện tự nhiên, bình thường. Hoặc khi lấy vợ, lấy chồng là người Công giáo, rồi học đạo, làm lễ ở nhà thờ cũng trở thành người Công giáo. Còn số người lớn cảm nhận về đạo Công giáo thấy yêu mến đạo, yêu mến Chúa Kitiô và Đức Mẹ Maria, rồi theo đạo cũng không phải là ít. Thường những người lớn tuổi này đến với nhà thờ Công giáo, đến với Chúa Giê-su và Đức Mẹ thông qua nhiều nguyên nhân thường do ảnh hưởng từ bạn bè là những người Công giáo sống đức tin, đạo hạnh hay ảnh hưởng từ gương sống của các Thầy cô dạy ở trung học hay Đại học hay gương lành của các tu sĩ, Linh mục hay các Sơ đã hy sinh đời mình phục vụ cho tha nhân, nhất là phục vụ cho những người kém may mắn như những người bị bịnh phong cùi, người tàn tật đui mù, bịnh sida v.v…hoặc có được ơn riêng, Thiên Chúa đánh động họ để họ tìm về cội nguồn yêu thương là Thiên Chúa tình yêu.

Khoảng năm 1533, đạo Thiên Chúa truyền bá sang nước ta cho đến ngày hôm nay, đã trải qua nhiều sự thăng trầm. Những lúc đạo Chúa bị bách hại dữ dội nhất lại thường nuôi dưởng và phát triển tinh thần bác ái, yêu thương và sản sinh ra nhiều vị Thánh tử đạo…

Bài này chỉ nói đến một vài nhân vật đã đến với Đạo Chúa như sự kiện bình thường nhưng ẩn tàng bên trong là một sự chuyển biến lâu dài về tâm lý, tình cảm, lý trí rất phức tạp của con người để đến hay nói đúng hơn trở về nguồn tình yêu vô biên của Thiên Chúa toàn năng.


Minh Đức Vương Thái Phi: (1558-1649)

Bà là vợ thứ 10 của Chúa Nguyễn Hoàng. Lúc sinh Hoàng Khê bà mới 21 tuổi, chúa Nguyễn Hoàng 64 tuổi. Bà được lảnh bí tích Rửa tội vào năm 1625 (lúc ấy bà chừng 51, 52 tuổi) tên thánh là Maria Ma-da-Lê-Na, tại Phước Yên do Cha Francesco di Pina, Dòng Tên người Ý.

Theo cha Đắc Lộ, người có mặt Lễ Rửa tội của bà Minh Đức, thì trước kia bà là người rất sùng đạo Phật. Khi đã theo Công giáo bà lại đem hết mình phụng sự đức tin mà còn sốt sắng hơn trước nữa. Cha Đắc Lộ đã là nhân chứng về đời sống đạo của Bà:

“Trong Dinh của bà, bà lập ra một ngôi nhà nguyện rất đẹp, mà bà vẫn cố duy trì trong cơn cấm đạo ngặt nghèo. Bà mở rộng cửa cho các giáo hữu của tỉnh đến cầu nguyện…Bà đã dùng các lời lẽ khôn ngoan làm cho nhiều người rất sùng Phật trong nước trở lại với Đức tin Công giáo trong số đó có cả những người họ hàng với nhà chúa.

Trong thời gian này, ngày 26-7-1644 thầy giảng An rê chịu tử đạo làm bà Minh Đức rất là đau đớn. Nhưng nỗi đau đớn nhất là con bà, ông Hoàng Khê, để lấy lòng chúa Thượng, đã cho phá nhà nguyện của mẹ ngày 20-2-1645. Năm sau, ngày 22-8-1646 ông Hoàng Khê qua đời không được rửa tội. Cái chết chưa được rửa tội của con càng làm cho bà Minh Đức đau đớn vô cùng.

Theo các tài liệu bà Minh Đức chết vào khoảng cuối năm 1648 hay đầu năm 1649 như vậy bà thọ ngoài 80 tuổi.

nguồn: http://www.dongcong.net/DoiSongKH/GuongTruyenGiao/14.htm

Thi sĩ Nguyên Sa - Giuse Trần Bích Lan:(1932 - 1988)

Nguyên Sa là nhà thơ lớn, nhà giáo nổi tiếng dạy triết học tại trường trung học Chu văn An và mở những lớp Triết riêng để luyện thi Tú tài 2. Ông dạy rất nhiều trường tư thục lớn ở Sài gòn. Tôi đã say mê Nguyên Sa từ những bài thơ trong tạp chí Hiện Đại khoảng năm 1961, 1962. Những câu thơ như:

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà đông …



Hôm nay Nga buồn như con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chẳng là nước biển.



Hay:

Tôi đã gặp em từ bao giờ

Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya

Kể từ gió thổi trong vừng tóc

Hay lúc thu về cánh nhạn kia.

Có phải em mang trên áo bay

Hai phần gió thổi một phần mây

Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay…

đã như đi sâu vào tâm hồn của đa số người dân miền Nam yêu thơ thời đó nhất là người Sài gòn thích thơ trong đó có tôi.

Trong bài “Vài kỹ niệm với nhà thơ”, nhà văn Xuân Vũ Trần Đình Ngọc viết: “Câu chuyện lan man đi qua vấn đề tôn giáo. Nguyên Sa nói: “Nhân tiện có anh và anh Q.T. là người theo đạo Công giáo. Tôi hỏi các anh, nếu tôi muốn theo đạo thì phải làm sao?”

Tác giả viết: “Tôi nói: Dễ thôi. Anh Q.T. hoặc tôi sẽ giới thiệu anh đến một vị Linh Mục, vị này là linh hướng cho anh….Vị Linh Mục sẽ giải thích những lẽ chính trong Đạo và đưa anh một cuốn sách nhỏ dặn anh về đọc và ghi nhớ. Rồi vị Linh Mục hỏi xem anh có nhập tâm và tin - nhất là tin - những điều đó không? Sau khi đã qua những chặng chuẩn bị tâm hồn anh được chịu phép Rửa tội và được rước Chúa vào tâm hồn. Có 10 điều răn của Đức Chúa Trời và 6 điều răn của giáo hội, anh cứ theo như thế, tức là trở thành tín hữu tốt. Ngày thi sĩ Nguyên Sa chịu phép Rửa tội, anh có viết thiệp báo tin cho tôi. ..”

Tác giả viết tiếp: “Tôi biết anh đã ra đi yên ổn vì anh có tâm sự với tôi lúc còn sống anh chỉ ước ao được chết Lành như một tín hữu Công giáo. Năm đó là năm 1998, anh thọ được 66 tuổi”.

nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=294&ia=9417

Ca sĩ Duy Khánh: (1936- 2003) (Micae Nguyễn văn Diệp).

Trong báo: “Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” số 200, tháng 3 năm 2003, Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng có viết bài: “Ca Sĩ Duy Khánh & Cuộc trở lại Đạo cuối đời” cho biết Duy Khánh tên là Nguyễn văn Diệp, sinh năm 1936 tại làng An Cư, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân sinh của Duy Khánh là Cụ Nguyễn văn Triển, Dân Biểu Hạ Nghị Viện VNCH, pháp nhiệm 1 (1967-1971).

Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng viết: “Buổi tối ngày lễ Giáng sinh 25-12-2002 anh Văn Đức Thạnh đã gọi điện thoại cho tôi biết “Duy Khánh muốn gặp một Linh Mục”.Vì là ngày lễ lớn nên các nhà thờ đều bận rộn… mãi đến sáng hôm sau, ngày 26-12-2002 tôi mới liên lạc được với Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ, Quản nhiệm cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại nhà thờ Anaheim.

Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, anh Văn Đức Thạnh đã lái xe đưa Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ đến tại bịnh viện Fountain Valley, phòng số 110 để gặp Duy Khánh. Tôi cùng bà Thơm đi theo xe của anh Thạnh đến thăm Duy Khánh luôn. Bên cạnh Duy Khánh lúc đó chỉ có người con gái của anh (cô Tiên) và chúng tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp mặt và trực tiếp nói chuyện với Duy Khánh. Anh Thạnh giới thiệu Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ là người đồng hương đến thăm.

Linh Mục đã hỏi Duy Khánh:

-“Có phải anh muốn gặp Linh Mục người Việt nam hay không?”

Anh Duy Khánh trả lời:

-“Đúng như vậy, tôi muốn gặp một Linh Mục Việt Nam để xin theo đạo Công giáo”.

Linh Mục nói chuyện với anh khoảng 15 phút xác nhận lúc đó anh còn tỉnh táo và còn sáng suốt để trả lời những câu hỏi của Linh Mục. Sau đó Linh Mục cử hành nghi thức “Rửa tội” cho anh Nguyễn văn Diệp tức ca nhạc sĩ Duy Khánh. Người đỡ đầu là anh Văn Đức Thạnh.Tên Thánh được chọn cho Duy Khánh là Micae (Michael) cũng là tên Thánh của anh Thạnh…

Nghe tin anh đã theo đạo Công giáo, một người bạn đến thăm và hỏi anh:

-“Bây giờ anh có hối hận gì về quyết định xin theo đạo và chịu phép Rửa tội hay không?”

Anh đã trả lời:

-“Tôi không hối hận gì.”

Mấy ngày sau đó, sức khỏe của anh khả quan hơn trước nhiều.

Ngày mùng Một Tết Nguyên Đán (Quý Mùi), Linh Mục Nguyễn Đăng Đệ và một số bạn bè đến thăm, thấy sức khỏe của anh bình thường. Nhưng kể từ ngày mồng hai Tết trở đi, sức khỏe của anh ngày càng xấu đi.

Lúc 12 giờ 05 trưa thứ tư, 12 tháng 02 năm 2003, Anh Micae Nguyễn văn Diệp tức Ca Nhạc Sĩ Duy Khánh đã từ giả mọi người để vĩnh viễn ra đi qua bên kia thế giới.

GS Nguyễn Lý Tưởng viết: “Hơn hai mươi năm trước, khi nhạc sĩ Vũ Thành An trở lại Đạo Công giáo ở trong nhà tù Cộng sản tại Hà Tây (miền Bắc Việt nam), tôi có nói rằng người nghệ sỹ chân chính luôn khao khát Chân, Thiện, Mỹ và họ sẽ được gặp Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa hay Thượng Đế hay ông Trời là nguồn của Chân, Thiện, Mỹ. Tôi nghĩ rằng Duy Khánh cũng ở trong trường hợp đó.

Tang lễ của anh được cử hành tại cộng đoàn tam biên (nhà thờ Sait Callitus) lúc 9:30 sáng thứ bảy 22-2-2003.

Cựu hoàng Bảo Đại: (1913 - 1997).


Trong bài “Bất trắc và bất ngờ trong lịch sử ” đăng trên báo Dấn Thân, bộ 5 số 12 tác giả Linh Mục Nguyễn Thái Hợp có viết: “Sau khi bị truất phế qua cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm 1955 ông sống lưu vong tại Pháp.

Vào giai đoạn cuối đời ông sống đạm bạc ở Paris trong một căn hộ thuộc chung cư ở đường Fresnel, quận 16. Chung cư này nằm cạnh khu đồi của công viên Trocadero. Những ngày đẹp trời ông thường đi dạo chung quanh khu công viên Trocadero. Thỉnh thoảng cũng ghé vào nhà thờ Saint Pierre de Chaillot nằm gần đấy để thăm Linh Mục Argomathe, chánh xứ Chaillot, một chuyên gia về lịch sử, khởi đi từ những câu chuyện văn hóa và thời sự vô thưởng vô phạt. Cùng với thời gian, cuộc đàm đạo càng ngày càng đi sâu vào lảnh vực tư tưởng và tâm linh, đặc biệt về Kitô giáo. Cựu hoàng tìm gặp nơi niềm tin Kitô giáo ý nghĩa, niềm vui và lẽ sống ở đời. Chính vì vậy bất chấp ý kiến không đồng thuận của một số người, ông nhất quyết xin gia nhập Đạo Chúa. Ngày 17 tháng 4 năm 1988 ông chịu phép thanh tẩy tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot với tên Thánh là Jean Robert. Liền theo đó, ông chịu phép thêm sức và cử hành lễ hôn phối với bà Monique Baudot.

Năm 1995 chính cựu hoàng Bảo Đại với tư cách là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và đồng thời là người Công Giáo đã xin yết kiến Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II đã chính thức thay mặt nhà Nguyễn nói lên lời xin lỗi Chúa và Giáo hội.Trong lá thư đề ngày 31 tháng 03 năm 1995 gởi cho Giáo hoàng Gioan Phaolô II để xin yết kiến, cựu hoàng đã viết: “Đây là dịp hạnh phúc cho chúng tôi được quỳ bên cạnh Đấng kế vị thánh Phêrô để cầu nguyện cho Việt nam và Giáo hội đang chịu đau khổ ở đó. Và qua sự kiện chúng tôi đã chịu phép thanh tẩy đem lại cho đồng bào chúng tôi niềm xác tín vào tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Đức GiêSu Kitô, Đấng an ủi những người đau khổ. Ngày 24-6-1995 ông và phu nhân được Đức Gioan Phaolô II tiếp kiến riêng tại Vatican…

Linh mục chánh xứ Chaillot cho biết sau khi gia nhập đạo cựu hoàng Bảo Đại rất ngoan đạo. Ông thường đến nhà thờ cầu nguyện và đặc biệt sùng kính Đức Mẹ Maria.

Cuối tháng 6 năm 1997 cựu hoàng Bảo Đại được đưa vào Quân Y Viện Val De Grace ở Paris. Ông từ trần lúc 5 giờ sáng ngày 31- 7- 1997 hưởng thọ 84 tuổi.

Thánh lễ an táng được cử hành tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot ngày 5 -8-1997 với sự chủ sự của Linh Mục Guyard, đại diện Hồng Y Giám Mục Paris. Bài “Magnificat” mà ông thích nhất một lần nữa đã trang trọng ngân vang trong thánh đường theo đúng ý nguyện của người quá cố.

Chủ tịch nước Việt nam ông Hồ Chí Minh cũng đã có Rửa tội?


Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng viết trong bài “Đi gặp Mác – Ănghen hay lên Thiên đàng?” như sau:

“Có lời đồn Bác đã chịu phép rửa tội Công giáo khi bị bắt ở Hồng Kông, lời đồn đó có thể đúng, vì những người cộng sản họ có kiêng nể gì đâu. Họ khai thác triệt để câu châm ngôn “Mục đích biện minh cho phương tiện”. Có thể làm bất cứ cái gì, chịu phép rửa tội đôi ba lần cũng được, miễn là đạt mục đích mong muốn. Chịu phép rửa tội để ra khỏi tù chứ đâu là trở nên tín hữu công giáo.”…

“Vào năm 1986 có cuộc họp của Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Không hiểu sao cha Huấn cũng có mặt ở Hà nội. Cha già Huấn là người già lão, đã trăm tuổi, mặc dầu rất tinh khôn, nhưng người ta vẫn cho Ngài là lẩm cẩm, lẩn thẩn. Ngài lại hay đi sâu vào các vấn đề huyển bí. Những người đến hỏi số phận người nhà đã qua đời lên Thiên đàng hay ở luyện ngục thì Ngài trả lời ngay lập tức: thường là đang ở luyện ngục…. Hỏi về người đi vắng, như bộ đội còn sống hay chết: Ngài cũng chỉ cho họ biết người đó đang ở đâu, sắp về v.v. Rất nhiều người đến xin khấn để tìm thấy của đã mất. Ngài cho biết hiện của lạc mất đang ở đâu.

Cha Huấn kể việc Bác lên Thiên đàng: “Một hôm con làm lễ xong ra đến đầu nhà thờ Kẻ Non, (nơi ngài đang ở, vừa làm việc, vừa hưu) chợt thấy bác Hồ hiện ra nét mặt ủ rủ nói với con: Cụ quên tôi à? Tôi là Hồ Chí Minh, tôi đã được rửa tội. Cụ không cầu nguyện cho tôi à?. Sáng hôm sau, tôi làm lễ cho người. Lễ xong ra đến đầu nhà thờ Kẻ Non, lại thấy Bác Hồ hiện ra, mặt mày vui vẻ người sáng láng cám ơn con, rồi lên thiên đàng.”

Câu chuyện cha Huấn làm lễ cho Bác là vì Bác yêu cầu. Bây giờ Bác ở đâu? Bác ở lăng có thật không?. Còn linh hồn ở với Mác- Ănghen hay ở trên Thiên đàng? Chỉ có Chúa biết. Nếu ở trên Thiên đàng thì phục vụ cho dân tộc Việt nam nếu ở với Mác- Ănghen thì là tai họa cho dân tộc khổ sở này, đem những thái quá của Mác-Ănghen đến gây muôn vàn tai họa cho Việt nam.”

nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=73862

Linh Mục Sảng Đình Nguyễn văn Thích: (1891-1978).

Nữ tu Mai Thành viết: “Linh mục Nguyễn văn Thích là con thứ hai của cụ Lô Giang Tiểu Cao Nguyễn văn Mại. Cụ Mại đỗ thủ khoa thi Hương, rồi phó bảng khoa Kỷ Sửu (1889) Thừa Thiên, được bổ dụng Tri phủ An Nhơn, Bình Định, làm quan đến chức Thượng thư. Cụ bà là Thân thị Vỹ làng Nguyệt Biều, tỉnh Thừa Thiên một dòng họ danh tiếng với các bậc khoa bảng như cụ Thân Trọng Huề, Thượng Thư dưới triều Đồng Khánh, Khải Định.

Từ 4 tuổi cậu ấm Thích đã được thân phụ dạy chữ Hán, rồi lớn lên vác lều chổng đi thi Hương, cậu Thích cũng học chữ Pháp và chữ quốc ngữ rồi vào trường Pelerin gọi là trường dòng do các sư huynh Lasan điều khiển và giảng dạy. Trường này thành lập năm 1904 và học sinh Nguyễn văn Thích được học cả đạo lẫn đời. Nơi đây cậu ấm được học hỏi trau dồi tiếng Pháp và được khai tâm về giáo lý Kitô giáo.

Trong thời gian học tại Pelerin, học sinh Thích lại có những liên hệ ngày càng mật thiết với Linh Mục tuyên úy Léculier hay cố Lựu nên đức tin vào Đức Giê Su Kitô đấng Cứu thế con Thiên Chúa làm người được thấu hiểu ngày càng thấm đậm trong tâm thức và trí tuệ của chàng thư sinh khao khát Chân, Thiện, Mỹ.

Với bằng Cao Đẳng tiểu học và một năm sư phạm, thầy Thích được bổ làm trợ giáo tỉnh Khánh Hoà tháng 02 năm 1911. Bốn tháng sau ngày 29 tháng 6, thầy nhận bí tích rửa tội để trở nên con cái Chúa với tên thánh là Giuse Maria tại nhà thờ Bình Cang, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang do Linh mục Charles Eugène Saulcoy tên Việt là Cố Ngoan.

Được tin sét đánh này cụ Thượng cầm roi đánh nhừ tử “đứa con bất hiếu”. Sau đó cụ Thượng nghĩ đến việc lập gia đình cho con trai đã 26 tuổi. Cụ mời Đức Cha Lý (Cố Allys) đến nhà xin Đức Cha can thiệp làm mai mối với con gái cụ Thượng Công giáo Nguyễn Hữu Bài để con mình yên số phận. Nào ngờ đâu khi được “hung tin” này, môn đệ của Đức GiêSu lấy quyết định từ giả gia đình quí tộc. Một đêm thanh vắng thầy Giuse Maria hóa trang làm cô gái đội nón lá, mặc áo dài tha thướt ra đi sáng sớm tháng 9 năm 1917, trực chỉ đến tiểu chủng viện An Ninh tại cửa Tùng, tỉnh Quảng trị. Tiểu chủng viện chỉ nhận từ 12 đến 14 tuổi mà thầy Thích đã 26 tuổi thì phải làm sao đây? May mắn là Giám mục Lý (Allys) nắm rõ hoàn cảnh nên nhận ngay người chủng sinh rất độc đáo này, vừa học tiếng Latinh và chương trình đào tạo Linh mục, vừa được mời làm giáo sư Pháp văn, Hán văn, Quốc văn cho chủng sinh. Sau đó thầy được gởi vào Đại chủng viện Phú Xuân Huế, 6 năm sau được thụ phong Linh mục ngày 18 tháng 12 năm 1926.

Cha là nhà giáo từ lúc 20 tuổi. Cha dạy các Thiếu nhi Tiểu học ở Khánh Hoà, dạy các tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế, tiểu chủng viện An ninh, Quảng trị, Trung học Khải Định.

Trong thời gian làm Cha xứ họ Đạo Kim Long Huế, Cha dạy trường Quốc học và các trường tư thục Công giáo Huế. Từ năm 1958 Cha dạy Hán văn các trường Đại học Đà lạt, Huế Sài gòn. Năm 1959 dạy Triết Đông tại viện Hán học. Cha có sáng tác nhiều bài thơ phổ biến trong “Sảng Đình thi tập”.

Nữ tu Mai Thành viết:“ Ngày 10 tháng 12 năm 1978 Linh mục Giuse Maria Nguyễn văn Thích với tuổi hạc 87, giã từ trần thế để về cõi trường sinh, hội ngộ cùng Đấng Chân- Thiện- Mỹ mà Linh mục đã hiến thân phục vụ đến trọn đời, trọn tình, trọn nghĩa. Phút lâm chung Ngài còn vui vẻ hát ca. Chắc hẳn là những ngày, những giây phút chuẩn bị cuộc ra đi, ngài đã ngắm nhìn bức tranh Đức Maria mà chính tay Ngài đã kính cẩn họa ra với lời ca Ngài đã sáng tác:


Bao giờ tôi được lên Trời,

Ở cùng Đức Mẹ thì tôi phỉ nguyền.

Nguon: http://www.chungnhanduckito.net/tacgia/Mai%20Thanh/lm.nguyenvanthich.htm

Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn.(1930- 2009)


Trong quyển “Đất nước tôi”, Hồi ký chính trị của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đuợc biết ông sinh tại Cần Thơ năm 1930, năm 1951 động viên khóa 1 sinh viên Sĩ Quan Trừ bị Thủ Đức.1953 trúng tuyển khóa 1 Học viện Quốc Gia Hành Chánh. 1957 tốt nghiệp Thủ khoa khóa 1 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

1958 Quận Trưởng Cái Bè, Định Tường.

1959 -1967 Phó Tỉnh Trưởng Định Tường, Phước Tuy và Long An.

1967-1971 Dân biểu Hạ Nghị Viện.

1971-1975 Chủ tịch Hạ Nghị Viên.

1975 Thủ tướng VNCH.

Ký giả Hạnh Dương viết: “Trong cuộc phỏng vấn cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đã cho hay rằng dưới chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lúc ông làm Quận trưởng Cái Bè, Phó Tỉnh Trưởng Định Tường và Phó Tỉnh trưởng Phước Tuy, ông đã nhiều lần được đảng Cần lao yêu cầu ông trở lại đạo Công giáo, ông đã quyết liệt từ chối. Nhưng khi đến định cư tại Hoa Kỳ, sau khi con gái của ông tử thương vì tai nạn, ông đã buồn, khóc rất nhiều và mắt của ông gần như bị mù. Nghe nói Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes) tại Pháp là nơi linh thiêng và nhiều người khấn xin, đuợc Đức Mẹ chửa lành, nên phu nhân của ông đã đưa ông qua Pháp để đến cầu nguyện tại nơi Đức Mẹ hiện ra với chị Bernadette từ ngày 11-2-1858 đến ngày 16-7-1858 trong 18 lần khác nhau. …

Cho đến nay sau ba lần khai mở hầm mộ của nữ tu này để khám nghiệm, làm thủ tục phong Thánh thì điều rất ngạc nhiên xác của nữ tu Marie Bernard này vẫn nguyên vẹn và mềm mại như người đang ngủ. Hiện nay thi thể của nữ tu được bỏ trong quan tài bằng kính trong suốt và để trong nhà nguyện cho mọi người đến kính viếng cầu nguyện.

Cựu Thủ Tướng nói rằng ông chỉ đi theo đề nghị của vợ ông mà thôi chứ chẳng có tin tưởng gì. Nhưng sau khi thấy những điều kỳ diệu như thế nên ông đã cầu nguyện và không ngờ là sáng hôm sau, sau khi thức dậy, hai mắt ông bừng sáng như chưa hề bịnh tật gì. Và từ đó ông đã xin theo đạo Công giáo và được thanh tẩy tại Lộ Đức ở Pháp và trở lại Hoa Kỳ đi nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật, rất sùng đạo, sống bình dị cho đến giờ phút ông vĩnh biệt gia đình và cộng đồng người Việt tự do tại Hoa Kỳ và Hải ngoại.

Ông mất ngày thứ tư 20-5-2009.

Thánh lễ cầu hồn cho linh hồn Phêrô tại nhà thờ Maria Goretti lúc 10 giờ ngày thứ tư 27 tháng 5 -2009, hạ huyệt tại nghĩa trang Oak Hill, San José.

nguồn: http://ngothelinh.tripod.com/Nguyen_Ba_Can.html


Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương.


Nguyên là Giáo sư viện Đại Học Đà Lạt năm 1965-1976. Sinh ngày 24-9-1925 tại Vinh, nguyên quán Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tỉnh.

Là bào đệ của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện một đảng viên nồng cốt của đảng Cộng sản Việt nam, thân phụ là Nguyễn khắc Niêm, nguyên Án Sát tỉnh Nghệ an vào năm 1930, về hưu năm 1943 với phẩm hàm Hiệp Biện Thượng Thư.

Năm 1938 đậu tiểu học, theo học chương trình Pháp tại trường Thiên Hựu, trường tư thục có giá trị nhất thời đó. Tác giả viết: “Cái quyết định của mẹ tôi là do sự xếp đặt của Thiên Chúa, có vậy mới biết đến Chúa Giêsu, mới là tín hữu của Ngài”.

Sau tú tài II tác giả từ giả Huế về quê với tâm niệm mình là một Phật tử với ý nguyện sẽ xuất gia khi gặp dịp thuận tiện. Trên đuờng về quê tác giả ghé thăm anh Vương đình Lương, lúc ấy làm Hiệu trưởng trường tư thục Đậu Quang Lĩnh Anh Lương mời cộng tác. “Thế là tôi lại trở vế với môi trường tư thục Công giáo. Được trở về sống trong cái khí quyển mà tôi hấp thụ sáu năm tại trường Thiên Hựu Huế. Tôi như một cây héo rũ bỗng được hồi sinh. Ngoài các sinh hoạt chức nghiệp, tôi thường liên lạc với các linh mục, các đại chủng sinh giúp nhà xứ Nghĩa Yên. Dần dần tôi mới khám phá ra rằng chỉ có môi trường Công giáo mới hợp với con người tôi”.

Vào năm 1948 tác giả quyết định gia nhập đại gia đình Công giáo. Trong tâm tư thì vậy nhưng đi đến thực hiện quả là còn cách núi ngăn sông. Trước hết là những khó khăn trong tâm tư của chính mình nhất là cảm tưởng phải xa lìa tất cả, xa lìa gia đình, bạn bè, hàng xóm rồi cả mấy mươi năm truyền thống văn hóa.” Trở ngại khách quan khác lớn lao hơn nhiều: “Đối với nhà nho cỡ lớn ở đất Nghệ Tỉnh có đứa con theo đạo là sự sĩ nhục… thằng con trai đã bỏ truyền thống của cha ông để đi theo “Tây Dương Tả Đạo” nhất là tôi là con là cháu được khen là hiếu thuận.”

Vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1948, tôi đến Đức Thọ thăm gia đình anh Vương Đình Lương. Ngày hôm sau được Linh mục Vương Đình Ái mời dự bửa cơm mừng lễ với các giáo viên dạy trường Đậu Quang Lĩnh. Sau bữa cơm tôi thưa với Cha Ái về ý muốn lảnh nhận bí tích rửa tội.

Và ngày Rửa tội là ngày 9 tháng 1 năm 1949, Linh mục rửa tội là Linh mục Nguyễn ngọc Bang cha xứ Nghĩa Yên. Cha đỡ đầu là Linh Mục Vương đình Ái.

Nguyễn Khắc Dương vào dòng Phanxicô sống đời dự tu đầu tiên khóa 1949-1950. Tháng 04 năm 1954 rời khỏi nhà dòng vì bị động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Trong thời gian này thân phụ bị đấu tố, kết án 20 năm tù và đi cải tạo vài hôm thì từ trần.

Sau hơn hai năm quân vụ, tháng 10 năm 1956 được tu viện Phanxicô cho sang Pháp học thần học tại Paris (1956-1957). Ra khỏi dòng, học Sarbonne 1957-1960, tốt nghiệp Cử nhân Triết học. Thử tu tại dòng Biển Đức ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ (1961-1963) nhưng không thành vì lý do sức khỏe. Từ năm 1963 đến 1965 dạy học ở nhiều trường trung học Công giáo ở Paris.

Cuối năm 1965 Nguyễn Khắc Dương trở về Miền Nam Việt nam. Năm 1966 Linh Mục Nguyễn văn Lập Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt mời ông lên dạy triết tại đó.

Khi cộng sản tiếp thu Viện Đại học Đà lạt ông cũng bị đi học tập cải tạo 16 tháng.

Năm 1975 đến 1986 đổi cư trú trên 10 lần, không nhà, không cửa, không tài sản, không vị trí gì cả trong Giáo hội cũng như trong gia đình và ngoài xã hội.

http://www.conggiaovietnam.info/index.php?m=module3&v=chapter&ib=46&ict=578

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=197&ict=1409

Nhạc sĩ Vũ Thành An:


Theo ký giả Hạnh Dương cho biết Nhạc sĩ Vũ thành An kể rằng: “Từ khi có trí khôn tôi vẫn thao thức với câu hỏi: Mình ở cuộc đời này để làm gì?”

Vũ Thành An kể: “Tôi đã khốn đốn trong các trại giam tại Bắc Việt. Một trong những khốn khổ mà tôi phải chịu là chứng mất ngủ. Từng đêm dài tôi đã thức trắng, sức khỏe dần yếu đi, không có thuốc để chữa chạy. Tình trạng này kéo dài cả năm từ đầu năm 1980 đến 1981. Một tối kia đa số anh em trong phòng đã say ngủ tôi nghe hai anh nói chuyện với nhau chỉ cách chỗ tôi nằm chừng hai thước. Tôi nghe anh Nguyễn văn Lai nói: “Khi nào tôi khó ngủ tôi chỉ cầu nguyện bằng cách chỉ đọc vài Kinh Kính Mừng là ngủ được ngay.”

Nhạc sĩ Vũ Thành An kể tiếp mặc dầu anh chưa có đạo nhưng Kinh Kính Mừng thì tôi đã biết. Năm 17 tuổi tôi có người bạn gái, lúc đó sự liên lạc của chúng tôi là những trang thư và những buổi hẹn hò trong sân nhà thờ. Gặp chỉ để nói với nhau đôi câu. Một hôm đôi tay rất đẹp trinh trắng của Uyên đã trao tôi trang giấy có ghi bài Kinh Kính Mừng với nét chữ thật nắn nót. Uyên bảo tôi học thuộc đi và tôi đã thuộc. … Cho đến bây giờ tôi cũng không biết Uyên ở đâu, nhưng Kinh Kính Mừng thì ở lại.” và trong cơn tuyệt vọng ở trại tù Bắc việt, anh đã nhẩm đọc Kinh Kính Mừng và đêm đó anh đã ngủ ngon.giấc. Và sau đó tôi đã ngủ khoảng một tuần lễ liên tiếp. Một buổi sáng thức dậy nhìn qua cửa sổ phòng giam thấy nắng xuân vàng ấm chiếu trên luống rau cải xanh do các bạn tù trồng ngoài sân tự nhiên tôi nói với bố Vũ công Định nằm bên cạnh:” Bố Định ơi, chắc là con theo đạo Chúa quá. Bố Định là một tù nhân không có đạo, ít nói, nghe vậy bố chỉ cười. Bố Định bảo Vũ Thành An đến gặp Thượng Nghị Sĩ Nguyễn văn Mân cùng ở chung phòng 1 tại trại giam Hà Tây để hỏi vì cụ Mân là người Công giáo.

Vũ Thành An kể tiếp: “món quà đầu tiên sau khi tôi cầu cứu Đức Mẹ là bịnh mất ngủ đã không còn hành hạ tôi nữa.”

Sau đó anh em đạo Thiên Chúa đã cho tôi tình thân ái mà trước đó tôi không có.và đã hướng dẫn cho tôi chờ ngày Rửa tôi. Nhưng đến ngày ấn định tôi xin ngưng lại. Tôi chưa sẳn sàng về tâm lý và sợ... Nhưng bắt đầu sáng tác thánh ca như “Cha là Ngôi Trời có thật” “Mẹ ơi cứu con ra khỏi nơi này” “Hãy nhìn lên Trời cao”. Sau hơn một tháng suy nghĩ, tôi đã xin anh em trong tù định ngày rửa tội cho tôi là ngày 19-3-1981.

Buổi lễ diễn ra nghiêm trang dường như cả phòng đều biết nên đã giữ yên lặng khác thường. Khi bác Nguyễn thành Tiên vừa dội nước vừa đọc “Tôi rửa anh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì chừng một hai giây sau đèn điện chớp hai lần rồi bật sáng hẳn.

Sau buổi lễ rửa tội đó, cán bộ trại đã gọi anh lên thẩm vấn anh lý do anh “gia nhập “đạo Công giáo. Tìm xem Linh mục nào dám rửa tội trong trại vì nếu truyền giáo và hành đạo ở trong trại sẽ bị cùm giam vào sà lim.

Nhạc sĩ Vũ Thành An qua định cư tại Portland, Oregan theo diện HO. Anh đã xin đi tu và được tòa Giám Mục Portland cho theo khóa Đại học thần học và được Đức Tổng giám Mục John G. Vlazny chủ tế lễ truyền chức Thánh Phó tế vĩnh viễn ngày thứ bảy 23-11-2002.

Hiện nay Phó tế Vũ Thành An sáng lập và phụ trách Quỹ từ thiện Têrêsa đang trợ cấp cho trên 2000 cụ già ở Việt nam. Nếu tiếp tay cho Quỹ từ thiện xin gởi về: TÊRÊSA P.O.Box 13237 Portland, OR 97213

nguồn: www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=65627

Linh Mục Nguyễn Viết Chung:


Một ngày vào năm 1973 các tờ báo ở Sài gòn đồng loạt đưa tin vế cái chết của Jean Cassaigne một giám Mục Công giáo người Pháp, nguyên làm Giám Mục Sài gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống Ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh.

Năm 1974. Chung học Y Khoa Đại Học Đường Sài gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh là giáo sư bác sĩ Lichtenberger, người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưởng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng làm cho Chung mê mẫn. Chung kinh ngạc khám phá vị Giáo sư khả kính này là một Linh Mục dòng tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ….

Những năm học Y khoa không phải là dễ dàng đối với Nguyễn Viết Chung anh phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình.

Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng.

Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:

-“Anh có điên không hay là anh bị cùi?”.

-“Nếu tôi cùi thì bà đã thấỳ rồi.Còn có điên hay không thì tôi không biết nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi.”

Từ ngày 01-7-1986 anh về làm việc tại phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai cho tới năm 1989. Từ năm 1990-1992 đổi về làm tại phòng xét nghiệm của bịnh viện da liễu Sài gòn. Ở đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu vì anh không bao giờ anh quên mộng ước của mình.

Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các nữ tu nữ Tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các nữ tu luôn nhẫn nại lắng nghe phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Anh chưa phải là người công giáo nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.

Ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng văn Đoàn, dòng tên, tại Bình Dương xin học giáo lý tân tòng. Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung chưa hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Ở tuổi tứ tuần theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn.

Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn nam số 40 đườngTrần Phú, Đà Lạt. Ngày lễ truyền tin 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua lễ đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.

Ngày 3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Vẫn thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi.

Tháng 3 năm 2009 tôi có về Sài gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dõng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “ “con” cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”.

Nhà văn Hương Vĩnh có viết: “Ba vị đã tác động mạnh mẻ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lichetenberger và Dì hai Loan ( phục vụ trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bịnh ung thư ở tại trại này). Cả ba cùng có mẫu số chung - như lời cha Chung - đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói.

nguồn: http://www.chungnhanduckito.net/chungnhan/saubathapnien.htm

Trong bài “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ” cố Giáo sư Trần Duy Nhiên đã viết trong đoạn kết của bài này như sau:

“Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời Nguyễn Viết Chung bằng những bước đi nhè nhẹ. Nhưng mỗi lần Ngài đến là Ngài để lại dấu ấn sâu sắc trong một tâm hồn biết lắng nghe. Giữa bao nhiêu thần tượng trên thế gian. Nguyễn Viết Chung biết chắc lọc một vài khuôn mẫu định hướng cho cuộc đời mình: Đức Cha Cassaigne, Cha Lichtenberger, Dì Hai Loan.. đấy là chưa kể đến nhiều người khác trong đó có thân mẫu của mình một người mẹ đã suốt đời âm thầm chịu đựng cho đến khi mù lòa. Giữa các gương mặt ấy có một nhân vật gần giống như Nguyễn Viết Chung: Linh Mục Bác sĩ Marcel Lichtenberger. Thế nhưng con đường Chúa dẫn hai vị đi thì hoàn toàn trái ngược nhau. Năm 25 tuổi Cha Lichtenberger vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách phải đến với những con người bất hạnh tại Trung Hoa. Và trước những thương tích của Chúa Kitô thể hiện trên hình hài các bịnh nhân, cha đã trở về ngồi lại trên ghế nhà trường để rồi trở thành bác sĩ năm 48 tuổi. Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Viêt Chung tốt nghiệp bác sĩ năm 25 tuổi, thế rồi muốn chia sẻ trọn vẹn sự khốn cùng của bịnh nhân nên rốt cục đã gặp Chúa Kitô chiụ đóng đinh trong những con người bất hạnh. Và điều này khiến cho vị bác sĩ tận tâm kia từ bỏ mọi sự để trở thành Linh Mục của Chúa vào tuổi 48.”

http://www.tiengnoigiaodan.net/lcht/lcht_098.html

Linh mục Nguyễn Viết Chung

479/15 Nguyễn Kiệm

Phường 9, Quận Phú Nhuận (Sài Gòn)

Tạ Phong Tần:


Tạ Phong Tần là cựu Đại Úy? ngành Công an của nhà nước cộng sản Việt nam. Đã rời khỏi cơ quan nhà nước và làm việc văn phòng luật sư Lê Trần Luật. Bà đã được Rửa tội ngày 14 -6-2009 tại Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 38 đường Kỳ Đồng Quận 3, Sài gòn, lúc bà 41 tuổi. Bà đã viết nhiều bài báo về thực trạng xã hội Việt nam trong “ Blog Công lý và Sự Thật” mà bà đang chủ trương.

http://conglysuthat.blogspot.com/2009/07/thanh-le-rua-toi-cho-maria-ta-phong-tan.html

Nhiều trường hợp gia nhập đạo với nhiều lý do khác nhau như Bác sĩ, Nghị sĩ Đặng văn Sung, Chủ nhiệm báo Chính Luận trước năm 1975, ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh, ca sĩ Thanh Lan (chịu phép thánh tẩy tại Vatican vào năm 2003)… Ở trong nước còn nhiều người nữa như Học giả Cao Xuân Huy, Nhạc sĩ Văn Cao…

Theo Vietcatholic news (18 Oct 2009) Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1114 tân tòng và hơn 2000 người là thân nhân, họ hàng, bạn bè của các tân tòng. Chủ sự Thánh lễ, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh chủ chăn của giáo phận Xuân Lộc cùng đồng tế có Đức cha Micaen Hoàng Đức Oanh Giám mục giáo phận Kon tum v.v.… và hơn 50 cha trong giáo phận.


nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=72201

Ở mỗi giáo xứ hay mỗi nhà thờ hàng năm đều có làm lễ “Rửa tội” cho người lớn thông thường con số cũng vài chục người. Trong số những người nhận Bí tích thanh tẩy, con số không nhỏ là những người trí thức.

Con đường đến với Thiên Chúa tình yêu, đến với Hội Thánh Chúa bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương mời gọi tìm về suối nguồn tình yêu là Thiên Chúa toàn năng, để được an ủi, để được hạnh phúc đời này lẫn hạnh phúc vĩnh cữu đời sau, sau khi mất.


Phùng văn Phụng

mùa Giáng Sinh 2009

(27 tháng 12)