THÙ VẶT THÙ DAI-Vài suy nghĩ trong Mùa Chay- Tg Tín Thác

Dinh Chan


 

       Vài suy nghĩ trong Mùa Chay

THÙ VẶT THÙ DAI

Tôi có cái tật nhớ dai, cái này nó làm khổ tôi lắm. Tôi hơi nhỏ con, nhút nhát nên dễ bị người ta ăn hiếp. Khi bị như vậy, tôi chỉ biết lầm bầm bỏ đi, nhưng được cái tôi có ít kẻ thù, vì ai thù chi cái thằng nhóc như tôi. Tôi lại hay bị nhạy cảm và thương tổn, nên nhiều khi cũng dễ phát cáu. Ngày xưa Mạnh Tử nói rằng: “Nhân chi sơ bản thiện”- con người sinh ra vốn tính thiện; rồi Tuân Tử lại nói: “Nhân chi sơ bản ác”- con người sinh ra vốn tính ác, cái nào tôi cũng thấy phần đúng. Con người thì ai cũng thương yêu cha mẹ, anh em họ hàng mình, xóm làng mình, đồng lọai mình. Đồng thời, con người cũng lại phản kháng với các cá thể khác xung quanh, bất kể là ai, kể cả cha mẹ, anh em, v.v….Trong sự phản kháng đó, hình như có nhiều cấp độ: từ hờn, rồi giận, ghét, không ưa, thành kiến, hận, và căm thù. Cấp độ này thường hay diễn tiến theo tuổi tác.

Hồi còn tiểu học, tụi tôi chỉ biết HỜN thôi, mà hờn thì giỏi lắm chừng 5, 10 phút. Lũ trai thường chia phe chơi trò đánh giặc, bắn phằng; nhiều khi quá hăng máu cũng sức đầu mẻ trán. Còn chơi trò u mọi bị ôm kéo tuột cả cái quần đùi lò xo. Lại có đứa chơi ác, đè đầu tôi xuống, lột quần ra, và bắt đĩa bỏ vào mông làm tôi chết khiếp. Tôi hờn nhưng không thể thù được vì thiếu chúng thì tôi chơi với ai. Còn đám con gái, chuyên cặp đôi tôi với con M., lại còn hạch sách dò kinh từng chấm từng phẩy, không chịu được. Tôi hờn nhưng không thể thù được vì tụi nó hay cho tôi ăn me chấm mắm ruốc. Hờn chi hờn lâu kẻo không đứa nào chơi với mình.

Rồi lớn lên một tí, khi vào chủng viện. Tôi thấy lòng mình biết GIẬN. Nhưng giận thì cũng chỉ vài ngày. Tính tôi nhút nhát, lại cái mặt khờ khờ nên dễ bị ăn hiếp. Có một thằng nhỏ hơn tôi, mà nó lấm lắt lắm, cứ lấy tay chọt vào hông tôi, thấy tôi nhịn nó làm tới, ăn hiếp tôi ra mặt. Tôi giận nhưng không thể thù được vì nó là đứa ngồi chung bàn ăn với tôi. Nhưng tôi chơi chiêu, một hôm tôi thách đấu với một đứa to hơn tôi, bạn bè cổ vũ nhiệt tình trên sân cát; kể từ đó thằng nhóc cạch mặt tôi luôn. Rồi có thằng chơi banh rất giỏi, nhưng nó hay chơi xấu tôi. Tôi giận nhưng không thể thù được vì nó là đồng đội tôi, từng sát cánh chiến đấu cho màu cờ sắc áo. Rồi có một lần, một thằng bạn chơi quá xấu với tôi, tôi đánh nó một trận bất phân thắng bại. Tôi giận nhưng không thể thù được vì nó là đứa hay dấm dúi bánh kẹo cho tôi nhiều nhất. Ôi bạn bè thân thiết, giận dai làm gì cho mệt.

Tới tuổi trưởng thành 20-30, tuổi biết thương biết GHÉT; nhưng mà gặp mặt mới ghét à nhen. Tôi thấy mấy thằng bạn, râu mới lún phún, tập tành uống rượu, bận quần ống loa, tóc chải óng mượt, cái mặt vênh vênh, tướng đi thì khệnh khạng, thấy mà phát ghét. Ghét nhưng không thể thù được vì nhiều lần đám này đèo tôi đi uống cà phê, xem xi nê. Còn mấy cô mới nhớn, bắt đầu tí son phấn, đi ỏng a ỏng ẹo, quần jean áo pull hở rốn, ăn nói chả chợt, làm giá làm cao, thấy mà ớn. Tôi ghét nhưng không thể thù được vì họ là cô gái láng giềng mà tôi hay len lén liếc nhìn và si mê. Lúc ấy, sự ghét sự thương nó lẫn lộn với nhau, sao thật đáng yêu.

Tuổi 30-40, chín chắn rồi đây. Cái ghét trong tôi biến hóa thành cái KHÔNG ƯA. Cái này hơi nặng hơn, không phải khi thấy mà cả khi nghe người ta cũng dị ứng. Có một thằng bạn chơi thân với nhau, nhưng hai tính cách hoàn toàn khác nhau. Tính nó quá thẳng, hay nói khía người khác, đôi khi chọt vào nổi đau của họ, ai không hiểu thì dễ mất lòng. Tôi không ưa nhưng không thể thù được vì tôi với nó nặng nợ với nhau, tâm sự hằng đêm bên nhau, nhiều lần bệnh hoạn vào sinh ra tử có nhau. Còn cô kia, có nhiều học thức, nhưng hay lí luận ngược đời, ăn nói cao ngạo, hành động lập dị. Tôi không ưa nhưng không thể thù được vì cô ta là người tôi ngưỡng mộ, và đeo đuổi bấy lâu nay. Cái không ưa này có thể lặp đi lặp lại, nhưng không làm khổ tôi là mấy, vì nó chỉ ám tôi có thì có lúc. Nó chỉ xợt xợt ngoài da thôi.

Rồi 40-50, người ta bắt đầu lí luận, cách điệu từ ngữ, từ không ưa biến thành THÀNH KIẾN. Tôi có một người đồng nghiệp, tính cũng tốt, nhưng phải cái tật đãi bôi, rồi cường điệu vấn đề. Tôi thành kiến nhưng không thể thù được vì anh ta là thầy dạy của mấy đứa con tôi. Lại nữa, có một vị chức trọng hay lớn giọng, hò hét trịch thượng. Tôi có thành kiến nhưng không thù được vì ông ta là phó chủ tịch hội đồng giáo xứ. Rồi có một linh mục kia rất khó khăn, không bao giờ nở một nụ cười. Tôi có thành kiến nhưng không thể thù được vì ngài là cha sở của mình. Thành kiến nó làm cho chúng ta mệt đầu mệt óc lắm, nó quấn quít ta lắm.

Tới 50-60, con người suy tư nhiều hơn, sâu lắng hơn, nhớ nhiều hơn, người ta lại HẬN. Hận là vì họ từng bị tước đoạt quyền lợi, bị xâm phạm thể xác, xúc phạm danh dự, làm mất tương lai hay hạnh phúc gia đình. Tôi có nhiều vố bị đau lắm. Có lần có người tranh giành một cây mít rõ ràng là của tôi, tôi phải thua nhịn. Tôi hận nhưng không thể thù được vì bà là mẹ của bồ cũ tôi. Rồi tôi cho đất một người khác, chỉ yêu cầu để lại cho tôi cây mít. Mít trái mít cây hắn xơi luôn. Tôi hận nhưng không thể thù được vì đó là ông anh họ tôi. Lại có một người hay ganh tị với chúng tôi, đặt điều nói xấu, bôi nhọ gia đình tôi. Tôi hận nhưng không thể thù được vì cô ấy là láng giềng tôi. Khi đến đất Mỹ, tôi đã xa họ rồi, tôi lại nhớ họ, tôi vui vẻ gởi cho họ ít quà trong dịp lễ tết. Rồi công sản vào, họ giết chết ba tôi, cướp nhà, xua đuổi chúng tôi lên nơi rừng sâu nước độc, chịu đói chịu khát. Tôi hận biết bao nhiêu, hận nhưng không thể thù được vì họ cũng là đồng bào của tôi. Cái hận này nó làm ta ray rứt lắm, dễ lên máu, ăn không ngon, ngủ không yên.

Những hờn, giận, tới hận kia không chỉ đối với người ngoài đâu, mà ngay cả đối với những người ruột thịt. Nhiều khi tôi cũng hờn cha mẹ, giận vợ con, ghét anh em, không ưa họ hàng, thành kiến bạn bè, hận xóm hận làng. Bao nhiêu thứ ấy cũng không thể thù được, vì họ là máu thịt tôi, là thân cận tôi.

Tới 60, bắt đầu già nua, sức khỏe đi xuống, thất nghiệp, về hưu, bao nhiêu mộng ước không thành, thất vọng, cuộc sống không còn nhiều ý nghĩa. Người ta miên man nhớ lại những ai đã gây cho họ thân bại danh liệt, làm tan nát gia đình họ, tương lai họ; và họ bắt đầu CĂM THÙ. Tôi đang bắt đầu bước vào tuổi 60, và tôi đang sợ những điều này. Tôi có nghe những chuyện cha mẹ từ mặt con cái; vợ chồng mắng chửi nhau, không thèm nhìn mặt nhau, hết tình hết nghĩa, rồi lôi nhau ra tòa li dị. Rồi anh chị em ruột chém nhau sứt đầu mẻ trán, chỉ vì tranh nhau vài tấc đất. Bạn bè cạch mặt nhau, thề sống thề chết, có tao thì không có mày. Và chưa hả cơn căm thù, lại lôi vô cả dòng cả họ; xưa, đôi trẻ Rô-mê-ô và Ju-li-ét phải chết tức tưởi, vì mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ. Lại tôi nghe rằng, những vị ái quốc đáng kính như Trump và Mc Cain, có thể bắt tay với cộng sản, nhưng thề thốt tới chết cũng không thèm nhìn mặt nhau; ghê thật. Rồi vì một lí do cỏn con nào đó, mà dân tộc này căm thù dân tộc kia, nổ ra chiến tranh hằng chục năm trời, gây bao đau thương chết chóc. Cái căm thù này nó ghê gớm lắm, nó đi vào xương vào tủy, con người lúc nào cũng thấy lành lạnh. Cái căm thù này khó có thể dập tắt được, cũng vì cái tôi quá nặng, đó là cái tội vậy.

Vậy thì khi nào chúng ta có thể tha thứ. Chắc có chứ, vì như Mạnh Tử nói: “Nhân chi sơ bản thiện”; từ bé sơ sinh đẹp tựa thiên thần thì trở về cũng là thiện nhân. Tôi nghĩ khi chúng ta già rồi, khi 70, 80 hay 90, lúc lưng còng sức yếu, nhận thức được lẽ vô thường, hiểu được phần nào chân lý, muốn quay về cội nguồn, tâm ta lắng đọng, lòng ta bao dung thì ta sẽ dễ dàng tha thứ (Nhưng chưa chắc đâu). Thời gian khiến chúng ta thêm gian ác thì cũng chính thời gian làm cho chúng ta biết yêu thương hơn. Và ngay cả khi chúng ta không còn họ để yêu thương, để tha thứ vì họ đã ra đi; nghĩa tử là nghĩa tận. Xin bạn cùng tôi một lời nguyện cầu.

Chúa Giê su dạy chúng ta: “Hãy yêu thương kẻ thù ngươi” và “Hãy tha thứ cho anh em ngươi 70 lần 7”, khó quá phải không bạn, tôi cũng vậy. Chúa cũng đòi hỏi chúng ta không phải đến già mới tha thứ, mà phải biết yêu thương và tha thứ mọi lúc, mọi nơi, và mọi hoàn cảnh. Chúa đòi hỏi thì Ngài cũng bày cho chúng ta một cách thế: là cho chúng ta một chữ VÌ, đơn giản vậy đấy. Vì ai đó là cái gì của chúng ta mà ta không thể thù ghét được, mà ta phải yêu thương họ, tha thứ họ. Thiên Chúa không dạy chúng ta bằng lời mà thôi, Ngài còn nêu gương cho chúng ta bằng chính cái chết của Ngài trên Thập giá.

Thiên Chúa đã không thù ghét mà tha thứ cho chúng ta, vì chúng ta là con cái Ngài; cớ sao chúng ta lại thù ghét và không tha thứ cho anh em mình, vì họ là đồng loại của chúng ta, là chính hiện thân của Thiên Chúa.

                                                                                                    Tg. Tín Thác

                                                                                    Houston, ngày 26 tháng 2, năm 2021