Đồng tiền bạc mệnh- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo
(Ảnh: Sưu tầm)

Gió Bấc hun hút thổi, mưa rả rích rơi. Nó nằm ở đây, bên vệ đường đã hơn 2 ngày mà chẳng ai nhìn thấy. Buồn, lạnh lẽo và cô đơn, cảm giác là kẻ vô dụng khiến nó đau đớn, buốt giá hơn. Chặng đường mà nó trải qua là một cuộc du hành đầy nỗi buồn và thất vọng…

Cũng như bao anh em…đồng xu khác, nó được sinh ra với thiết kế thật công phu, chi phí sản xuất còn lớn hơn cả mệnh giá của nó, mang theo niềm hy vọng sẽ mang lại hạnh phúc cho cuộc sống: rồi đây bốt điện thoại, máy bán hàng tự động,…sẽ xuất hiện khắp nơi, nó sẽ góp phần mang lại sự tiện lợi cho con người. Nó đã rất tự hào vì mệnh giá 2000đ của mình, chỉ kém hơn 5000đ nhưng vượt xa đồng xu 200đ nhãi nhép, lúc mới ra lò nó có thể mua được 1 gói bột canh, 1 chai nước ngọt hay 2 gói bimbim cơ mà…

Nhưng không, niềm vui nho nhỏ được làm quà lì xì cho một cậu bé sớm tan thành mây khói khi em trai cậu bé đùa nghịch rồi…cho vào miệng. Nó đã cố kêu lên: “không, không” nhưng chẳng kịp, rồi nó lại cố lách để em bé không bị nghẹn nhưng cũng không làm được, chỉ thấy cả nhà la toáng lên rồi đưa em bé vào bệnh viện, cũng may ca mổ thành công nếu không nó đã thành “tội nhân thiên cổ”.

Sau khi được đưa ra khỏi cổ họng em bé, nó trở nên “nổi tiếng” bởi bao nhà báo đến chụp ảnh đưa bài về dị vật suýt gây chết người! Nhưng rồi “ánh hào quang” sớm vụt tắt, chả còn ai quan tâm tới nó nữa, chặng đường tới thùng rác của nó chẳng còn xa.

May thay một cô y tá thực tập đã nhận ra nó trong đống rác y tế, hy vọng được cống hiến cho cuộc sống của nó lại được nhem nhóm, nhưng hy vọng đó lại sớm vụt tắt. Khi cô trả tiền rau, người bán đã từ chối khéo: “Thôi, bớt lại một ít hành cũng được”.

Nó đâu biết sau những ngày nó “nằm viện”, thiên hạ đã “tẩy chay” tiền xu!

Kết quả cũng không khá hơn khi vào siêu thị, nhân viên bán hàng cũng từ chối nhận tiền xu và dùng phương án: dùng kẹo cao su để đổi lấy tiền lẻ.

Cô gái thất vọng, nhưng nhìn nó vẻ tiếc nuối: “Thôi đưa về cho em Bi nó bỏ lợn”…

Những ngày trong bụng lợn đất của cu Bi có lẽ là những ngày vui vẻ nhất của cuộc đời nó, được gặp bao bạn bè, kể bao nhiêu chuyện, mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng rồi mọi con đường cũng đều dẫn đến đây, trong bụng con lợn đất của cu Bi. Nhưng lâu lâu rồi cũng hết chuyện, cả bọn chỉ còn buồn chán vì suốt ngày nghe ông bà chủ cãi nhau.

Một ngày nọ, ông chủ nhà đùng đùng nổi giận cầm con lợn đất ném bà chủ. Trượt! Con lợn đất xấu số văng trúng cửa sổ vỡ tan, nó văng ra đường đau điếng.

“A ha, đồng xu”! Một chàng sinh viên kêu lên sung sướng, nó cũng mỉm cười đáp lại, biết đâu nó được một lần hữu dụng. Nó theo chàng sinh viên về phòng trọ với hy vọng mới. Ối chà, nó nhìn quanh phòng trọ, quả nhiên “Sinh viên thì tiền đồ thật là vô cùng to lớn, nhưng tiền và đồ thì gần như không có gì!”

“Mày điên à?” tiếng người phụ xe buýt gầm lên khi cậu sinh viên mang nó ra trả tiền xe, cậu đành cất vào túi, rút ra 10 ngàn rồi nhận lại một mớ tiền giấy lẻ, lẩm bẩm: “Thôi để cho ăn mày vậy”.

Khi đi ngang qua một nhà thờ, cậu sinh viên bỏ nó vào chiếc nón của một cụ già, chưa kịp quay đi đã thấy cụ già cầm lấy nó và vứt ra ngoài, cậu giật mình vội hỏi lại: “Ông làm cái gì thế?”, cụ già hành khất thản nhiên: “nặng túi mà không tiêu được”…

Đau xót quá, liệu nó có đáng được gọi là “đồng tiền” khi mà sinh viên không thèm nhặt, hành khất cũng vứt đi…

Một năm, hai năm trôi qua, nó vẫn nằm đây, bên vệ đường gần nhà thờ, gió Bấc vẫn hun hút thổi, mưa vẫn rả rích rơi. Giá cả leo thang, mệnh giá của nó đã gần như chẳng mua được cái gì nữa, bốt điện thoại, máy bán hàng tự động vẫn chưa thấy đâu, bọn trẻ con giờ cũng chỉ mê game điện tử, không còn chơi trò đánh đáo nữa, ai sẽ nhặt nó? Nhưng thật may mắn, những ngày ở gần nhà thờ, được nghe giảng về hạnh phúc đời sau, nó lại âm thầm nảy nở hy vọng. Như những người giáo dân kia đang tất bật cho Mùa Vọng với mong muốn được gặp Chúa của họ, nó cũng mong sớm được gặp người nhặt phế liệu, nó sẽ được nung chảy và trở thành một vật khác hữu ích hơn, một cuộc sống mới đầy niềm vui…