Bốn mùa thơ xanh- Tác giả: Bình- Nhật- Nguyên

Văn thơ Công giáo

(Ảnh: Giáo lý Sketching)
Mỗi người trong chúng ta, khi đến với cuộc sống trần gian, ai ai cũng mang trong mình một trái tim. Trái tim có từ lúc ta mới thụ thai trong lòng mẹ, và đó cũng chính là lúc khởi nguồn của một sự sống mới. Trái tim còn đập đồng nghĩa với sự sống đang còn tiếp tục; trái tim ngừng đập nói lên sự ra đi vĩnh viễn, hay một sự kết thúc hành trình của một đời người. Nói cách khác, trái tim nói lên sự sống của một đời người.

Khi nói đến trái tim, là nói đến tình yêu, và chẳng biết tự khi nào trái tim trở thành biểu tượng của tình yêu. Vì thế mà người trẻ ngày nay thường sử dụng cụm từ “thả tim” để nói lên sự ủng hộ hay hưởng ứng cho một ai đó. Trái tim là nơi phát xuất nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn khác nhau, những rung động, xót xa, những cảm thông: cùng đau với những phận người, nhất là những người sống bên lề xã hội.[1]

Nghĩ tưởng, giữa một xã hội xô bồ, mọi người tập trung làm kinh tế, hầu như ai ai cũng chạy theo lợi nhuận và ít ai còn nghĩ đến sự bác ái giúp đỡ nhau. Và cứ ngỡ rằng, tình yêu và lòng vị tha nơi con người sẽ khép dần theo năm tháng.

Thế nhưng, giữa cơn bùng phát của đại dịch Covid-19, chúng ta mới thấy sự lây lan của Covid không làm suy giảm hay tiêu diệt lòng bác ái, nhưng con virus chết người này, lại làm bùng lên sự lan tỏa tình yêu vô vị lợi giữa người với người hơn. Không còn phân biệt tôn giáo, không còn phân biệt giữa tín đồ và người tu hành, không còn phân biệt học vị hay bằng cấp, không còn bất đồng chính kiến, không còn phân biệt địa vị hay giai cấp, không còn phân biệt nghề nghiệp, không còn phân biệt giàu sang hay nghèo hèn… và cũng chẳng còn khoảng cách giữa người bệnh và người không bệnh. Trong tình yêu, tất cả trái tim đã cùng một nhịp đập. Bởi lẽ, ‘một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ’.

Và với lời kêu gọi, “Thương quá Sài Gòn ơi!”, của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, đã khơi dậy tình người trong muôn vàn trái tim nhân ái:

Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng: lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai… Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa?


Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không”. (Mt 10,8b)[2]

Lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh không những đã khơi dậy mà còn làm dâng lên muôn triều sóng yêu thương, lan tỏa khắp đất nước và cả nơi hải ngoại.

Sự lan tỏa tình thương cách nhanh chóng trong mọi miền quê hương của những tấm lòng thiện nguyện, làm tôi liên tưởng đến những lời trong bài “Say thơ” của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Bài thơ nói đến một mầu nhiệm trong đạo Công giáo. Mầu nhiệm này là tuyệt đỉnh của một tình yêu nhưng không. Một tình yêu vui nhận hiến tế chính cuộc sống của mình, để đem lại sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Ngài. Đó là Bí tích Thánh Thể, là “Bánh Hằng Sống”, là Lương Thực Thần Linh để nuôi sống tất cả chúng ta.

Hôm nay đây, trong hoàn cảnh nước Việt Nam đang bị đại dịch Covid hoành hành. “Tấm Bánh” đã thực sự được bẻ ra cho tất cả chúng ta. Nó làm xanh lại tình người trong lúc khốn cùng, làm nở hoa những trái tim hy sinh vì sự sống của đồng loại, làm ngân lên tiếng hót líu lo của những con chim đang rũ cánh và chan hòa hương thơm của sự chia sẻ đỡ nâng.

Bốn mùa thơ xanh, xanh như cẩm thạch,
Chim ngàn trăng đem tiếng lạ về ca
Ca, cầm ca, tơ đờn vọng dang ra
Cho thêm ý, nguồn thơm thêm đầy rẫy.[3]

Với tâm tình liên đới, cảm thông, cầu nguyện cho người dân Việt đang gặp biết bao nguy hiểm và khốn khó trong cơn đại dịch. Tôi xin chia sẻ những nhịp đập của trái tim mình, đến với tất cả những ai đang tin yêu và hy vọng.


                                                                      (Ảnh: 
Giáo lý Sketching)

1. Bốn mùa thơ xanh, xanh như cẩm thạch

Với sự đa nghĩa của ngôn ngữ thi ca, từ ‘thơ’ ở đây hàm nghĩa là tình yêu, sự nhân hậu, tình bác ái, lòng vị tha. Rõ ràng, việc bác ái là sự thể hiện một tình yêu không điều kiện, cho đi mà không mong nhận lại, hy sinh mà không đòi đền đáp, ơn nghĩa mà không mong chờ. Tình yêu là một loại hoa trái triển nở quanh năm, mùa xuân, nó làm cho người hòa thuận, tin tưởng nhau; mùa hè, nó giúp cho người sống hòa nhã, điềm đạm; mùa thu, nó giúp cho người sống bình yên, thanh thản; mùa đông, nó làm cho tình người thêm ấm áp. Bởi thế, tình yêu không bao giờ chết! Cho nên Hàn Mặc Tử mới viết, ‘Bốn mùa thơ xanh’.

Màu xanh là màu của sự sống, màu của sự phát triển, màu của niềm hy vọng. Tình yêu không có hy sinh thì tình yêu sẽ héo úa và chết dần. Tình yêu mà không phục vụ thì tình yêu sẽ tàn lụi không thể thăng hoa, tình yêu không có bác ái thì tình yêu sẽ không còn ước mơ và tin tưởng. Cho nên bác ái đòi hỏi phải hy sinh, phải phục vụ, đó là vẻ đẹp của tình yêu. Vẻ đẹp tình yêu phải tươi nở quanh năm, phải thực sự tỏa cái sắc óng biếc và bền vững như cẩm thạch, ‘xanh như cẩm thạch’. Vì thế, vẻ đẹp của lòng vị tha, của sự hy sinh phục vụ không phải là một sự hô hào, một sự bộc phát nông nổi hay một phong trào nhằm lấy công chấm điểm, nhưng phải phát xuất từ tình yêu tha nhân vô vị lợi.

Và theo quan niệm của người Hy lạp, màu xanh còn mang một sức mạnh tâm linh to lớn. Vì thế, nó được dùng để khống chế sự dữ và ác quỷ. Mà biểu hiện của ác quỷ hay sự dữ ở đây được hiểu là dịch bệnh. Như vậy, nếu mọi người đều mang trong mình một màu xanh nhân ái, một màu xanh vừa là vẻ đẹp, vừa là sức mạnh thì chúng ta sẽ khống chế được sự nguy hại của ác quỷ Covid. Đó là ước mơ của tất cả mọi người trong cơn đại dịch, ước mơ này được Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J chia sẻ:

Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.[4]
(Ảnh: Sưu tầm)

(Trích tập: Những tiếng chim trong mùa Covid)
-------------------------------------
[1] Hoa Đồng Nội, Những trái tim liên đới trong mùa đại dịch, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/nhung-trai-tim-lien-doi-trong-mua-dai-dich-64028

[2] Giuse NGUYỄN CHÍ LINH, Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI!, Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-qua-sai-gon-oi-thu-keu-goi-cua-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-gui-dong-bao-cong-giao-viet-nam-42234

[3] Hàn Mạc Tử, Say Thơ,

[4] Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn (25.7.2021 – Chúa nhật 17 Thường niên, Năm B), Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-ta-mua-dau-ra-banh-cho-ho-an-29-7-2018-chua-nhat-17-thuong-nien-nam-b--32985