Giới thiệu Văn học Công giáo đương đại-Thơ-Giáo phận Phát Diệm-Tác giả: Bùi Công Thuấn

VTCG

 Giới thiệu Văn học Công giáo đương đại

THƠ - GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM

Bùi Công Thuấn

***


            Văn học Công giáo là một bộ phận còn rất khiêm tốn bên cạnh nền văn học dân tộc. Hiện nay, do hạn chế về việc phổ biến tác phẩm in (khó nhất là phát hành) nên các sáng tác văn học Công giáo chủ yếu đăng trên các website của các giáo phận. Dù vậy, không phải giáo phận nào cũng có trang văn học Công giáo.

Để tìm hiểu văn học Công giáo Việt Nam đương đại, trước hết là lần theo các tác giả và tác phẩm xuất hiện trên các trang của các giáo phận. Từ đó tìm hiểu phong trào sáng tác văn học của Giáo hội, tìm những vùng miền văn học đặc biệt; tìm hiểu Mục vụ văn hóa được thực hiện thế nào trong đời sống cộng đồng. Một việc quan trọng khác là nhận diện và khẳng định các khuôn mặt văn chương Công giáo, những ngòi bút có cốt cách, tài năng của văn học Công giáo đương đại, mà tác phẩm của họ góp phần xây dựng văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc…

CÁC TÁC GIẢ PHÁT DIỆM

Trên trang của giáo phận Phát Diệm [1], Mục vụ văn hóa có các chuyên đề: Tác giả tác phẩm, Suy tư cảm nghiệm, Văn chương thơ ca, Câu chuyện cuối tuần.

Các Tác giả “Văn chương thơ ca” tiêu biểu:

1.Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc (11 bài thơ)

2.Lm PhaoLô Trần Lưu Huynh: (7 bài thơ)

3.Lm Đình Chẩn (Giuse Trần Văn Đỉnh): (30 bài).

4.Lm. Giuse Trần Việt Hùng-Bronx, New York: (12 bài về mẹ)

5.Đinh Văn Tiến Hùng (19 bài)

6.Nguyên Hương-Mai Đệ Liên (9 bài)

Và các tác giả khác: Joseph Trần Vũ: 01 bài; Phan Văn Phước: 02 bài; Charles Singer: 02 bài; M. Lưu Phương: 01 bài; Thiên Dưỡng: 01 bài; Kim Ân: 01 bài; Trần Hương: 01bài; Trăng quê: 01 bài.

Sau đây là những ghi nhận ban đầu.

THƠ CỦA LM PHÊRÔ NGUYỄN HỒNG PHÚC


Thơ của Lm Phê rô Nguyễn Hồng Phúc có các bài: Thánh Gioan tông đồ; Tiếng gọi Sài Gòn; Con thuyền với bão Covid; Trâu vàng thức giấc mộng vàng; Đêm ân phúc; Nét đẹp chân tu; Hành trình sa mạc xưa và nay; Ơi Huế thân thương; Mẹ Sầu Bi; Nhớ tiếng chuông chiều; Tưởng nhớ cha Gioan Trần Công Nghị.

Nhiều bài là thơ lục bát, song thất lục bát; Có thơ 8 chữ, thơ 5 chữ. Khuynh hướng chung là thơ bình dân. Thơ hướng về công chúng, nói tiếng nói thể hiện tâm tình của công chúng, vì thế nội dung thường quen thuộc, ngôn ngữ giản dị. Tác giả không chú ý nhiều về sáng tạo nghệ thuật. Thơ chỉ cốt tuân thủ vần luật tối thiểu.

Các thánh anh hài là một trường ca 144 câu song thất lục bát diễn ca Kinh thánh từ lúc Chúa giáng sinh đến khi thánh Giuse đem Chúa lánh qua Ai Cập trở về. Bài trường ca trình thuật được những sự việc chính mà Kinh thánh miêu tả, có xen kẽ tâm tình với Chúa và bình luận về hành động của Hêrôđê. Mạch thơ sinh động. Tác giả có nguồn cảm xúc dồi dào, một nghệ thuật thơ biến hóa. Nếu được đầu tư, tác giả có thể làm những trường ca giá trị. (Xin trích:)



Khi Ba vua đã đi rồi
Sứ Thần Thiên Chúa tức thời báo tin.
Giuse kíp nửa đêm trỗi dậy
Đem Hài nhi trốn chạy kịp thời
Nhanh chân cùng với Mẹ Người
Tránh sang Ai-cập qua đời ác vương.
Vua Hê-rôt trăm phương nghìn kế
Giết Hài nhi cốt để hại Người,
Nhưng Vua giết hết trẻ rồi
Chỉ duy Con Đức Chúa Trời là không.
Lại chính Chúa Hài đồng hiển thắng.
Vua băng hà cay đắng thảm thê.
Bệnh tình dằn vặt gớm ghê,
Lương tâm cắn rứt trăm bề đớn đau.
Thiên Thần Chúa ngay sau lúc ấy
Truyền Giuse trỗi dậy trở về
Từ nay yên ổn mọi bề
Kẻ thù giết Chúa Hài nhi chẳng còn.

THƠ CỦA LM PHAO LÔ TRẦN LƯU HUYNH

            Tôi đã đọc các bài thơ với nhiều cảm xúc thú vị về tính hiện thực và sự tài hoa dân dã trong thơ của Lm Phaolô Trần Lưu Huynh. Mạch thơ trôi chảy tự nhiên như mạch cảm xúc của tác giả. Sự chân thành thánh thiện tạo nên vẻ đẹp thơ. Xin đọc: Thăm đền thánh nữ Annê Đê Lê Thị Thành; Mừng nhà thờ giáo xứ Yên Vân; Hướng về linh địa La Vang.

            Trích đoạn về những ngày phong tỏa Covid



Từ dạo ấy, mười năm rồi Mẹ nhỉ!
Cuộc hành hương hùng vĩ Bắc, Trung, Nam
Dịp khởi công xây đền thánh La Vang
Và cử hành đại hội lần hăm chín.
Tháng mười này lễ khánh thành lại đến,
Bắc, Trung, Nam đang tính chuyện [*]hành hương.
Nhưng Mẹ ạ, hoàn cảnh thật bi thương.
Corona chặn mọi đường mọi ngả.
Nó vô hình nhưng lại mang công phá,
Mạnh hơn nhiều những bom quả tối tân,
Gây đau thương chết chóc gấp nhiều lần,
Phủ thế giới bằng bức màn tang chế.
Từ sân trường không ồn ào tiếng trẻ,
Đến chợ phiên đâu mấy kẻ bán mua.
Lễ Vê-sắc cũng lạnh lẽo cảnh chùa.
Đường lớn nhỏ người lưa thưa qua lại.
Kitô hữu càng bâng khuâng khắc khoải,
Vì cách ly, thánh lễ phải tạm ngưng.
Sáng chiều im, chẳng nghe thấy tiếng chuông.
Tất tần tật [1] như đang trong thời chiến.
Thánh lễ được truyền hình trực tuyến [*].
Ngồi ở nhà để cầu nguyện hiệp thông.
Chúng con nay chung một ý một lòng,
Hướng tới La Vang cậy trông cầu khẩn…

(Hướng về linh điạ La Vang)

[*]: Đang tính chuyện, Tất tần tật , Thánh lễ được truyền hình trực tuyến… là từ ngữ của văn nói (khẩu ngữ hàng ngày)

THƠ ĐÌNH CHẨN (Lm Giuse Trần Văn Đỉnh)

Tác giả Đỉnh Chẩn từng đoạt giải nhì Giải VHNT Đất Mới (Gp Xuân Lộc) năm 2020 với tác phẩm: Hồn thơ Thiên linh- Tiên Sa Hài Đồng Giêsu (62 bài thơ).

            Lm Đình Chẩn đã dịch thơ của thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II; thơ của thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu (Hồn thơ Thiên linh-Tiên sa Hài đồng Giêsu), Thần khúc của Dante Alighieri, phóng tác trường ca Ave Maria (theo thánh thi Akathistos của truyền thống Phụng vụ Bizantin).

Về những bản dịch này tôi sẽ đề cập trong một dịp khác. GS Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn mất hàng chục năm với rất nhiều công sức (kể cả sự đầu tư, trợ giúp của Nhà nước) để dịch và xuất bản Thần khúc của Dante Alighieri năm 2009. Ông căn cứ vào 27 bản chép tay, cô đọng lại thành một bản để nghiên cứu. GS Hoàn cho biết ông chủ yếu dịch nội dung, cốt truyện chính chứ còn thành một thể thơ 3 câu của Ý với những cung bậc khác nhau rất khó [2]. So sánh như thế để thấy điều này, khi dịch Thần khúc của Dante, Lm Đình Chẩn trở thành một dịch giả trẻ tài năng của văn học Công giáo đương đại.

Tôi đã đọc 30 bài thơ, 1 bài văn tế của Đình Chẩn. Đó là các bài: Theo Mẹ dâng mình; Vọng ngân mùa chuyển xứ; Chúa mới là tất cả; Ôi Maria vì sao con yêu Mẹ; Về bên Mẹ Bảo Nham; Mẹ thương chín bỏ làm mười; Châu ngọc dâng Mẹ; Tháng hoa Mẹ; Văn tế bà thánh Đê;  Sương tình Noel; Huệ bên nhan thánh; Nguyện xin thánh cả âm thầm; Hướng về đồng bào miền trung; Cám ơn nhé, Cô Vy; Vạn sự như ý Chúa. Được thanh tẩy, được sai đi; Chúc mừng Hòa Lạc cung hiến thánh đường; Vang bài ca mới; Món quà "Tháng 03 ngày 08; Thơ khai xuân; Thinh lặng là tiếng Chúa; Cây sáng thế; Khúc ai ca 02; Lời cầu xin của em bé mù; Em bé mù lên tiếng; Mừng vui lên ; Hàn ngọc linh thi 1& 2; Chìm lắng; Xin dẫn con về suối nguồn yêu thương; Emmanuel.

Thơ Đình Chẩn thuộc dòng “Thi ca cầu nguyện”.

Cho con biết noi gương vâng Ý Chúa
Đường lữ hành xưa Mẹ đã đi qua
Nay Ai-cập mai về Na-da-rét
Chúa ở cùng: quê hương thật chan hòa !

(Châu ngọc dâng Mẹ)
Xin tận hiến thành bài ca cảm tạ
Cung xác tín: ‘Ơn ta đủ cho con’ (2 Cr 12,9)
Nhịp thời gian dẫu thăng trầm mỏi mòn
‘Tình yêu Đức Kitô hằng thúc bách’ (2 Cr 5,14)
‘Ta ở với ngươi!’ Du dương mãnh liệt ! (St 28,15)
‘Ta sẽ ở với ngươi !’ Ôi tuyệt làm sao ! (Cv 18,10)
‘Chúa chính là nguồn sướng vui dạt dào’ (Tv 43,4)
Hòa đất trời hát vang bài ca mới !

(Vang bài ca mới)

  Ngòi bút Đình Chẩn điêu luyện về thi luật. Nhạc thơ giàu có, ngôn ngữ trau chuốt, nhiều câu thơ ánh lên chất tài hoa. Vẻ đẹp thơ Đình Chẩn là tình cảm chân thành sâu sắc, là tâm tình cầu nguyện thiết tha với một niềm tin yêu kiên vững noi theo gương sống đạo của Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh tử đạo Việt Nam. Sức mạnh thơ Đình Chẩn là hiện thực được thăng hoa trong đức tin và lòng mến tuyệt diệu khi tác giả hướng về Đức Mẹ, các thánh và đồng bào mình (Về bên Mẹ Bảo Nham; Văn tế bà thánh Đê; Hướng về đồng bào miền trung; Cám ơn nhé, Cô Vy). Đình Chẩn có khả năng khắc họa chân dung nhân vật, miêu tả sự kiện sắc nét với một cảm quan sâu rộng trong không gian, thời gian. Điều này bộc lộ sức sáng tạo của một ngòi bút thơ có nội lực đầy hứa hẹn. Thơ Đình Chẩn giàu màu sắc thẩm mỹ. Món quà "Tháng 03 ngày 08" là Thơ vui; Mẹ thương chín bỏ làm mười là Lục bát dễ thương; Chìm lắng đậm nét kiểu thơ lãng mạn; Tháng hoa Mẹ là tiếng nói con trẻ; Một vài bài mang dáng dấp ngôn ngữ thơ Hàn Mạc Tử, kiểu ngôn ngữ tượng trưng, rất dễ trở nên sáo ngữ (Cây sáng thế; Hàn ngọc linh thi; Cũng có những bài ý, tứ cũ nên không gây được chú ý với người đọc. Xin đọc:

Giêsu ơi,

Con đắc tội với Chúa!

Xin thứ tha…Tội con bày trước mặt

Đóng đinh Người khi kết án anh em…

Đóng đinh Người khi thờ ơ vô tâm

Khi bả phù hoa gót hài con du lãng…

Hỡi Đấng là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống

Xin giải thoát con khỏi quyền lực tối tăm

Dẫn con về Suối nguồn yêu thương

            (Xin dẫn con về suối nguồn yêu thương)

THƠ ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

Tôi đã đọc: Mùa Xuân Mới Giáo Hội; Vòng gai & Nụ hôn; Habemus Papam : Chúng ta đã có Giáo Hoàng; Thánh Gia mừng xuân; Muối Cho Đời; Hoa Lòng Dâng Mẹ; Trường ca Mẹ Hồn Xác Lên trời; Kinh Mân Côi; Thơ kinh nguyện cầu; Những Tháng Hoa Kỷ Niệm; Tặng các Đội Dâng Hoa; Lòng Chúa Thương Xót; Liên Khúc Giáng Sinh; Mầu Nhiệm Phục Sinh; Tiếng gọi Bê-Linh; Hùng Ca Tử Đạo; Giuse họ đạo quê xưa; Phát Diệm ơi! Yêu thương mấy cho vừa! Con chỉ có một ngày;

Đinh Văn Tiến Hùng có ý thức sáng tạo tiếp cận được Mỹ học Kitô giáo với những chiều kích mới lạ (Thơ kinh cầu nguyện). Nghệ thuật thơ điêu luyện, bài thơ nào cũng có đọan hay, tứ đẹp, lời trong sáng. Tuy viết về những đề tài quen thuộc, song thơ Đinh Văn Tiến Hùng lấp lánh tình ý mới (Hoa lòng dâng mẹ). Tình cảm thơ chân thành, lắng đọng (Giuse họ đạo quê xưa), giàu cảm xúc lãng mạng (Liên khúc Giáng Sinh). Hồn thơ cầu nguyện có cảm nghiệm sâu sắc (Muối cho đời), từ Kinh thánh nhận ra giá trị tuyệt vời của hiện sinh (Con chỉ có một ngày). Đinh Văn Tiến Hùng cũng ghi lại được những sinh hoạt tôn giáo đầy vẻ đẹp văn hóa (Những tháng hoa kỷ niệm), những bài diễn ca Kinh thánh đầy niềm vui (Mầu nhiệm Phục Sinh) và một tình yêu quê hương đằm thắm khôn nguôi (Phát Diệm ơi! Yêu thương mấy cho vừa).

Nhiều bài thơ mở đầu là 4 câu lục bát, sau đó là thơ 7 chữ và kết bằng 4 câu lục bát. Có bài dùng từ láy thật sinh động (Tặng các đội dâng hoa). Sức hấp dẫn của thơ là sự chân thành và sự kết hợp giữa hiện thực và cảm hứng lãng mạn, trên nền tảng của một niềm tin yêu giàu trải nghiệm. Tuy nằm trong dòng thơ bình dân song thơ Đinh Văn Tiến Hùng đã hiển hiện một cốt cách riêng. Nhiều bày thơ hay: Mùa xuân mới Giáo hội; Habemus Papam : Chúng ta đã có Giáo hoàng; Trường ca Mẹ Hồn Xác Lên trời; Thơ kinh nguyện cầu; Phát Diệm ơi! Yêu thương mấy cho vừa! Con chỉ có một ngày…

            Đây là quan niệm thi ca:

Tôi không phải là thi nhân Công giáo,
Mà chỉ là người Công giáo làm thơ,
Cả đời tôi không biết đến bao giờ,
Mới trở thành một nhà thơ tên tuổi?

Nhưng điều đó tôi nào đâu tiếc nuối,
Vì cuộc đời đã là một bài thơ.
Sống trọn vẹn với năm tháng ngày giờ,
Đó chính là bài thơ muôn vần điệu.

Thân thể tôi: một tác phẩm kỳ diệu,
Nhịp tim luôn cuộn dòng máu nhịp nhàng,
Dâng sức sống như biển cả mênh mang,
Đem Tình Yêu dệt bài thơ Hằng Sống.
            (Thơ kinh cầu nguyện)

THƠ NGUYÊN HƯƠNG-Mai Đệ Liên

            Tôi đã đọc các bài: Chờ người; Lên đền thánh; Mưa ngâu; Sớm mai; Tâm tình tháng 11; Tâm sự Giáng sinh; Tiếng tình; Tìm người; Tôi vẫn thấy;

            Thơ Nguyên Hương là thơ lãng mạn (thơ 1930-1945), là tiếng nói của “Cái Tôi”, là lời tự tình Tôi nói với Tôi (Tìm người). Người thơ soi vào hồn mình mà lắng nghe những vang dội của cuộc sống âm vang tâm linh, soi vào hồn mình để thấy một khoảng trống mênh mang khao khát tìm kiếm lấp đầy, vì thế thơ mang giọng buồn. Tác giả tự thổ lộ: “Bởi trót nặng tình với thơ ca/ Thiên duyên gắn bó quá mặn mà”(Tâm sự Giáng Sinh), đó là một cốt cách thi nhân có dáng nét tài hoa.

Lời thơ là ngôn ngữ tượng trưng rất ít bóng dáng hiện thực. Nhiều bài thấp thoáng những tứ thơ mới (Sớm mai; Tâm sự Giáng Sinh; Tôi vẫn thấy), vì thế, dù thơ Nguyên Hương là thơ Lãng mạn (1301945), song vẫn có sức hấp dẫn với người đọc hôm nay.

Nay gió mưa đông đổ ngang trời

Tôi chờ Người gõ cửa hồn tôi

Chắp tay thành kính xin Người đến

Tưới gội hồn tôi thắm tinh khôi

(Chờ người)


Cuộc đời con cũng mưa ngâu, lạy Chúa

Suốt bốn mùa duyên lỡ cung tơ

Hồn nặng vương tội lỗi phủ mờ

Lỗi ước hẹn, lãng quên bao lời hứa

 

Chúa có về cho mưa đừng rơi nữa

Ruộng con buồn ôm lại khoảng trời đông

Cho nắng lên xuân ấm  nở hoa hồng

Cho nối lại duyên lòng con với Chúa.

            (Mưa ngâu)

Con chẳng về thăm mộ mẹ cha,

Dịch bệnh tràn lan chốn xa nhà

Xin gửi lời kinh như hương khói

Dâng lời cầu Chúa tựa đóa hoa

            (Tâm tình tháng 11)

Tôi vẫn thấy biển trời kia xanh rộng

Cõi mênh mông những cửa động, rừng xanh

Mà sao tôi không cảm cái mong manh

Của hạt bụi sinh thành tôi bé nhỏ...

 

Tôi vẫn thấy... và tôi vẫn thấy...

            (Tôi vẫn thấy)

 


THƠ CỦA Lm. GIUSE TRẦN VIỆT HÙNG -Bronx, New York:


12 bài về mẹ của Lm Giuse Trần Việt Hùng là thơ 7 chữ nhưng không theo vần luật của một thể thơ nào. Thơ giàu ý tứ, tình cảm sâu lắng, khai thác phong phú đề tài về mẹ, đôi khi có những hình ảnh xúc động. Tuy vậy chất thơ còn hạn chế ở nhạc điệu, ngôn ngữ và sự sáng tạo những tứ thơ mới.

Thân cò lặn lội, trôi dòng suối,
Nắng mưa không quản, vạn dặm xa.
Gồng gánh nặng vai, hai chân bước,
Lê thê ngàn lối, mối thương trường.
Da nhăn tóc bạc, hạc xế bóng,
Lưng khom mắt mờ, bờ vai nặng.
Thân mòn sức yếu, yêu vô vàn,
Mòn mỏi đợi trông, công thành toại.

(Nghĩa mẹ)

Giọng mẹ dịu hiền, tiếng ân thiêng,
Nải chuối trái xoài, đời chua ngọt,
Bát canh cua đồng, trông mát dạ.
Bó rau cà muối, mối quê nhà,
Một cóng tôm kho, tình gói trọn.
Xa quê mẹ nhớ, mong ngày về,
Vài gói trà sâm, tâm thành kính.
Hộp sữa en-sure, mua gởi mẹ,
Lọ thuốc tiểu đường, thương nhớ mẹ.
Trái gió trở trời, huyết áp lên,
Máu mỡ tăng cao, bao lo lắng.
Lời cầu dâng Mẹ, ban bình an,

(Lễ mẹ)

THƠ CỦA CÁC TÁC GIẢ:


Joseph Trần Vũ, Phan Văn Phước, Charles Singer, M. Lưu Phương, Thiên Dưỡng, Kim Ân, Trần Hương, Trăng quê, mỗi người góp vào vườn thơ Phát Diệm một bông hoa với màu sắc và hương thơm riêng. Chẳng hạn, tác giả Thiên Dưỡng với bài Tượng Chúa bị cụt tay ở Thiện Dưỡng là một bài thơ có nét lạ. Tác giả Trăng quê với bài Tình xuân chân chất, thơ là tâm tình của người con đi tu.

Nhưng xuân nay không giống những xuân nọ
Con không về, Cha Mẹ vẫn ngóng trông
Đường tình yêu, con nhẹ bước mênh mông
Theo Chúa rồi, con lo tròn bổn phận.

Con không về, Mẹ Cha đừng vướng bận
Lời kinh cầu con gói chữ hiếu, trung
Tình Chúa thương trải rộng đến muôn trùng
Gìn giữ Mẹ, nâng đỡ Cha sớm tối.

***

 Văn học Công giáo Phát Diệm đương đại có một đội ngũ hùng hậu, nhiều tài năng. Nhiều tác giả là Linh mục, nên tư tưởng, nội dung và nghệ thuật thơ vượt trội. Mỗi người một cốt cách, một thế giới nghệ thuật riêng. Nội dung thơ khá phong phú, vừa tỏa sáng đức tin, lòng mến, vừa hướng về hiện thực và soi sáng hiện thực bằng ánh sáng Tin Mừng. Thơ đem đến niềm tin yêu và sự lạc quan trong mọi hoàn cảnh  (dù trong việc miêu tả các thánh tử đạo hay ghi lại cảnh ngộ khốn cùng của người dân trong cơn đại dịch…). Các tác giả Phát Diệm góp phần hiện đại hóa thơ ca Công giáo khi đi vào hiện thực và soi sáng hiện thực bằng niềm hoan ca của Đấng Phục Sinh. Thơ không chỉ là  Thi ca cầu nguyện, Huấn ca, Tụng ca  hay Diễn ca truyền thống, mà là tiếng nói của người Công giáo hôm nay trước những vấn đề lớn của thực tại (Thí dụ nạn dịch Covid). Nhà thơ gắn bó với quê hương và dân tộc mình bằng tình cảm thiết tha kết hợp với những suy tư sâu nặng trong niềm tin Cứu Độ.

Những tiếng thơ Phát Diệm nếu chú ý hơn đến sự sáng tạo nghệ thuật sẽ là những hoa trái đẹp trong vườn hoa văn học Công giáo đầy hương sắc.

Tháng 1/ 2022

_____________________________ 

[1] https://phatdiem.org/van-chuong-tho-ca.html

[2]https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/tu-truong-hop-ban-dich-than-khuc-dich-van-hoc-say-me-la-mot-le-862450.vov