Giới thiệu Văn học Công giáo đương đại: Văn học Công giáo- giáo phận Xuân Lộc- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary

 

Giới thiệu Văn học Công giáo đương đại
VĂN HỌC CÔNG GIÁO-GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Bùi Công Thuấn

***

Giáo phận Xuân Lộc được thành lập từ năm 1965, tách ra từ Tổng giáo phận Sàigòn. Giáo phận nằm trong địa bàn tỉnh Đồng Nai và thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Hiện nay, giáo phận Xuân Lộc có số giáo dân đông nhất trong các giáo phận ở Việt Nam, với khoảng 1.015.315 dân, trong tổng số dân trên địa bàn là 3.097.107 người.

Dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, giáo phận đã trùng tu xây dựng Trung tâm Đức Mẹ Bãi Dâu và Tượng đài Chúa Kitô Núi Tao Phùng (Vũng Tàu), sau giao lại cho giáo phận Bà Rịa. Dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, giáo phận xây dựng Trung tâm Đức mẹ Núi Cúi bên hồ Trị An (QL 20, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) với tượng đài Đức Mẹ cao 50m.

I. MỤC VỤ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CỦA GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Tông huấn Giáo Hội ở Châu Á dạy rằng: ”Trong tiến trình gặp gỡ các nền văn hóa khác nhau của thế giới, Giáo Hội không những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hóa ấy từ bên trong, mà còn thu dụng những yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hóa ấy. Đây là con đường buộc các nhà truyền giáo phải đi qua khi giới thiệu đức tin Kitô Giáo và biến nó thành một phần trong di sản văn hóa của một dân tộc” (21§2)

Giáo phận Xuân Lộc thực hiện lời dạy ấy trong tất cả hoạt động Mục vụ văn hóa của mình.

Trước hết là sự lan tỏa trong cộng đồng như “muối men” trong bột.

Nhiều văn nghệ sĩ người Công giáo hiện diện trong tất cả các Ban chuyên môn của Hội VHNT Đồng Nai. Họ cùng sinh hoạt, sáng tác như mọi hội viên và đóng góp xây dựng văn hóa nghệ thuật quê hương.

Ban Âm nhạc có các nhạc sĩ Công giáo Maria Nguyên Nhung, Bảy Thứ, Hồng Việt, Ngọc Tuyên, trong nhóm sáng tác Sao Mai do Lm Phạm Liên Hùng sáng lập. Ngoài ra còn có NS Lệ Hằng (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam);NS Đoàn Quang Trung (Trưởng Ban Âm Nhạc), người đoạt 18 giải thưởng âm nhạc từ Trung ương đến địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Kontum, Đà Lạt. Giáo phận Xuân Lộc còn có nhạc sĩ Công giáo nổi tiếng là NS Thế Thông, Ns Mai Nguyên Vũ…

Ban Mỹ thuật có nhiều nghệ sĩ Công giáo. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng là người đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp, Đỗ Văn Cư cũng là những nghệ sĩ tài hoa…

Nhà văn Công giáo trong Ban Văn học có: Bùi Công Thuấn, Nguyễn Thị Khánh, Hạnh Vân…

Về hoạt động văn hóa nghệ thuật:
Giáo Phận đã tổ chức những đại hội thánh ca toàn giáo phận tại Tòa Giám mục Xuân Lộc. Các đoàn hợp xướng khoảng 500 ca viên. Chẳng hạn Liên hoan “Ca mừng Emanuel” Gp Xuân Lộc năm 2013 [1]. Các liên hoan thánh ca đã tạo ra nét đẹp văn hóa nghệ thuật Công giáo đồng thời tạo ra bầu khí thánh thiêng trong cộng đồng.

Giáo phận Xuân Lộc đã xây dựng cơ sở Đại Chủng viện có chỗ tu học cho 500 Chủng sinh, xây dựng Tòa Giám mục, Nhà hưu dưỡng Linh mục, trạm xá, trường Cao đẳng Nghề Hòa Bình, cơ sở Caritas Việt Nam. Những cơ sở này vừa là cơ sở cho những sinh hoạt của giáo phận, vừa đóng góp rất hiệu quả vào các hoạt động văn hóa xã hội của cộng đồng. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhiều lần họp thường niên tại Tòa Giám mục Xuân Lộc. Nơi đây, năm 2012 cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần X (The Federation of Asian Bishop’Conferences/ FABC X). Nơi đây cũng nhiều lần tổ chức lễ tấn phong Giám mục, có hàng vạn giáo dân tham dự: Lễ tấn phong Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm (07/5/1992), ĐGM Đaminh Nguyễn Chu Trinh (11/11/2004), ĐGM Tôma Vũ Đình Hiệu (10/10/2009), ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo (05/4/2013), ĐGM Gioan Đỗ Văn Ngân (31/5/2017).

Giáo phận đã xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi. Nơi đây đã trở thành Trung tâm của lòng tin đối với người Công giáo và trở thành công trình văn hóa du lịch của tỉnh Đồng Nai. Trung tâm được xây dựng bên hồ Trị An. Khu vực được phép xây dựng tượng đài Đức Mẹ và các công trình rộng hơn 13 hecta trên tổng diện tích hơn 100 hecta. Kinh phí tương đương với công trình Trung tâm Đức Mẹ La Vang do sự đóng góp của giáo dân giáo phận cùng với hội đồng Linh mục và các ân nhân trong Gia đình Anrê và Gia đình Anrê Núi Cúi.

Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm ngày 18/9/2015 có 100 ngàn giáo dân tham dự cùng với Các Đức Hồng Y, các Đức Giám mục trong Hội đồng Giám mục và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Lm Đaminh Ngô Công Sứ-Trưởng Ban Truyền thông giáo phận nhận xét: Đó là một “cuộc biến hình vĩ đại”, “một phép màu” của Thiên Chúa; “là cuộc hành hương của cả dân Chúa, của 12 giáo hạt, như xưa kia 12 chi họ Israel hân hoan hướng về núi thánh”.

Đến nay (2021) Công trình đã hoàn thành tượng đài Đức Mẹ cao 50 mét (tượng trưng cho Kim khánh giáo phận). Thân tượng cao 33m tượng trưng cho 33 năm Chúa Giêsu xuống thế gian cứu độ nhân loại. 11 hạng mục công trình đang được xây dựng đều mang ý nghĩa Kinh thánh. Ngay cả hồ Trị An ở bên cạnh cũng được Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Toà thánh, so sánh với Biển hồ Galile thời Chúa Giêsu. Quảng trường của công trình có thể chứa hàng triệu người nếu Đức Giáo hoàng có dịp thăm Việt Nam trong tương lai.

Toàn bộ công trình do Tiến sĩ-Kiến Trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (con của KTS Ngô Viết Thụ, người xây dựng Dinh Độc Lập-Sài gòn) thiết kế và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp hiện đang là Giám đốc Học viện Kiến trúc Thành Phố, nguyên là Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố HCM xây dựng. Tượng Đức Mẹ do nhà điêu khắc Xuân Thu vẽ kiểu. Tượng có nét của tượng Đức Mẹ Lộ Đức nhưng cũng có nét riêng của Núi Cúi.[2]

Giáo phận cũng tổ chức giải Văn hóa nghệ thuật Đất Mới từ 2011 đến nay, quy tụ đông đảo các tác giả Công giáo và ngoài Công giáo trong 24 giáo phận: An Giang, Bà Rịa, Bắc Ninh, Ban Mê Thuột (Buôn Ma Thuột), Bùi Chu, Caàn Thô, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Hóa, Kontum, Lạng Sơn, Long Xuyeân, Nha Trang, Ninh Bình, Phát Diệm, Phú Cường, Quy Nhơn, Sàigòn, Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Vĩnh Long.

Trong 10 năm đầu, mỗi năm trao giải một lần. Từ năm thứ 11 (2020-2022), hai năm trao giải một lần để các tác giả có thời gian đầu tư nâng chất lượng tác phẩm. Giải gồm các bộ môn: Thơ, Truyện ngắn, Truyện dài, Kịch bản văn học, Ảnh đẹp Công giáo và phim ngắn. Các Đức Giám mục giáo phận đã nhiều lần gặp gỡ văn nghệ sĩ tham dự giải, chia sẻ về Mục vụ văn hóa, khích lệ tinh thần sáng tạo và hướng dẫn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng bằng nghệ thuật.

Về mục đích tổ chức giải, thông báo của Ban tổ chức ghi rõ: “Các văn kiện của giáo hội về mục vụ văn hoá và các tác phẩm của Đức cha Đa Minh, nhất là bộ truyện dài“ĐẤT MỚI”, đã khơi gợi ước muốn xây dựng những giá trị văn hoá nghệ thuật Công Giáo nơi cộng đồng dân Chúa. Vì thế, Ban Văn Hoá Giáo phận Xuân Lộc tổ chức giải Văn Hoá Nghệ Thuật Đất Mới”

Thông báo này được bổ sung: “Văn học nghệ thuật là lãnh vực quan trọng của văn hoá góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị tinh thần của con người. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hoá, việc gìn giữ những giá trị văn hoá dân tộc, chống lại ảnh hưởng xấu cuả văn hoá thực dụng, ngoại lại, phi nhân, trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ, đặc biệt trong việc gìn giữ và giáo dục đức tin đối với người trẻ, trong gia đình, giáo xứ và các môi trường xã hội. Để góp phần vào công cuộc xây dựng văn hoá Công Giáo trong Giáo Phận, Ban Văn Hoá giáo phận Xuân Lộc tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật”

Ban Văn hóa giáo phận Xuân Lộc do Lm Phaolô Đoàn Thanh Phong (Trưởng ban), Lm GB Trần Ngọc Bảo (Phó ban), Lm Phêrô Nguyễn Quang Khương (Phó ban) kết hợp với Ban Truyền thông do Lm Đaminh Ngô Công Sứ (Trưởng ban) tổ chức các buổi lễ trao giải hàng năm.

Trong 10 năm của Giải Văn hóa Nghệ thuật Đất Mới, riêng Giáo phận Xuân Lộc đã có
115 nghệ sĩ tham gia và đoạt giải (trong tổng số 202 tác giả đoạt giải).
Riêng năm 2020, có 124 tác giả tham gia. Giáo tỉnh Hà Nội: 21, Giáo tỉnh Huế:15,
Giáo tỉnh Sàigòn: 88. Tác giả Công giáo 111, tác giả ngoài Công giáo: 13. Tác giả Đại Chủng viện: 4, các dòng tu: 18, Đan viện: 6, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội trung ương: 05.

Năm 2020 có 1149 tác phẩm tham gia: Ca khúc: 85; Thơ: 911 bài (25 tập thơ), Truyện ngắn 118; Truyện dài: 15; Kịch: 16; Phim ngắn: 4. (Chưa kể tác giả và tác phẩm “ảnh đẹp Công giáo”). Nếu tính cả 10 năm, số tác giả và tác phẩm tham gia là rất lớn. Đó là một tiềm năng.

Như vậy Giải VHNT Đất Mới đã có sức lan tỏa rộng khắp. Các bộ môn nghệ thuật đều có tác phẩm đoạt giải và thành phần tác giả tham dự khá đa dạng. Điều này phản ánh tiềm lực phong phú của văn học Công giáo hôm nay. Các tác phẩm văn học cũng phản ánh được nhiều mặt đời sống Công giáo, đặt ra nhiều vấn đề về lương tâm Công giáo trước thời đại.

Về nghệ thuật, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao. Đã xuất hiện các tác giả là hội viên các Hội trung ương (Hội Nhà văn, Hội sân khấu, Hội nhiếp ảnh…). Điều đáng kể là số tác giả, tác phẩm truyện dài ngày càng nhiều, Kịch bản phim truyện (phim nghệ thuật) đã bắt đầu có những tác giả chuyên nghiệp tham gia. Hai thể lọai truyện dài và kịch bản phim truyện nghệ thuật mở ra khả năng phản ánh rộng hiện thực đời sống Công giáo, đồng thời nâng chất lượng giải nên một tầm vóc mới so với những năm đầu. Đạo diễn Xuân Thành (Hà Nội) đã tham gia kịch bản phim Đi về hướng mặt trời và từ kịch bản này, anh đã thực hiện một phim Công giáo đương đại được công luận quan tâm[3]. Lm Ngọc Bảo (Phó Ban Văn hóa Gp Xuân Lộc) cùng với nghệ sĩ Hồ Vân đã bắt đẩu thực hiện những phim truyện Công giáo ngắn hứa hẹn nhiều triển vọng. Xin lưu ý rằng, trong quá khứ, văn học Công giáo Việt Nam có rất ít tác phẩm truyện dài và hầu như chưa có phim Công giáo. Ban tổ chức giải cũng khuyến khích thể loại phim tư liệu Công giáo, song đến nay chưa có tác phẩm đoạt giải.

Bạn có thể đọc 2 truyện dài tiêu biểu của VHNT Đất Mới: Ôi tôi hồng phúc của Têrêsa Nguyễn Phương Thảo (Canada) và Đóa hồng thứ 40 của Vinh Kiu (Hà Nội) và đọc Tuyển tập 10 năm Đất Mới theo link [4]
Nhìn chung những hoạt động Mục vụ văn hóa của giáo phận Xuân Lộc khá đa dạng, đem đến những kết quả tốt đẹp cho cộng đồng.

II. NHỮNG KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU

1.Song Nguyễn là tác giả văn học Công giáo tiêu biểu của giáo phận Xuân Lộc, cũng là khuôn mặt tiêu biểu của văn học Công giáo đương đại. (Mời đọc chuyên luận: “Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn”[5].)

Song Nguyễn là bút danh của Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc (2004-2016), người sáng lập Giải VHNT Đất Mới. Người cùng với giáo phận Xuân Lộc xây dựng Trung tâm Đức mẹ Bãi Dâu, tượng đài Chúa Kitô núi Tao Phùng (Vũng Tàu, thời chưa chia tách giáo phận Bà Rịa) và Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi. (Đức cha hiện là Giám đốc xây dựng Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi mặc dù ngài đã nghỉ hưu).

Song Nguyễn đã in 15 tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện dài, truyện dài tư liệu, hồi ký.

1. Một Đời Dâng Hiến, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2009.
2. Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018.
3. Đồng Hành, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010.
4. Định Hướng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
5. Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
6. Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn 2. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
7. Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011.
8. Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2012.
9. Những Người Mẹ, tập truyện ngắn 5. Nhà xuất bản Tôn Giá, 2012.
10. Chỉnh Hướng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2013.
11. Đồng Cỏ Xanh, truyện dài. Nhà xuất bản Phương Đông, 2013.
12. Vì sao sáng, truyện dài. Nhà xuất bản Tôn giáo, 2015.
13. Tiếng Kêu, truyện dài. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019.
14. Đường lên Núi Cúi. Truyện dài tư liệu. Nxb Hồng Đức, 2019.
15. Đường đến Núi Cúi-Hành trình của Đức tin, Hồi ký. Nxb Đồng Nai. 2021

(Bạn có thể đọc tác phẩm chính của Song Nguyễn theo link[6])

Song nguyễn viết văn là để chia sẻ những suy niệm sống qua trải nghiệm của bản thân, những suy nghiệm dưới ánh sáng Tin Mừng. Trong “Lời mở đầu” tác phẩm, Song Nguyễn cho biết: “Viết lại những mảnh đời, những số phận, những trải nghiệm, tác giả chỉ có ý rút ra cho đời mục vụ của mình những bài học từ cuộc sống. Hay nói khác đi, tác phẩm là những bài suy niệm sống qua các nhân vật. Và nếu có thể, chia sẻ với bạn bè tất cả những kinh nghiệm quý báu này. Mục đích chỉ đơn giản như vậy”.

Các tác phẩm của Song Nguyễn phản ánh một diện rất rộng đời sống người Công giáo Việt Nam suốt từ trước 1945 đến hôm nay (2021). Tất cả hợp thành một bộ sử thi, điều này chưa hề có trong lịch sử văn học Công giáo. Song Nguyễn cũng đối thoại với những vấn đề của thời đại mà văn chương thế tục đã phản ánh không trung thực về người Công giáo (Thí dụ tác phẩm Bão biển của Chu Văn).

Tác phẩm của Song Nguyễn cũng mở ra con đường sáng tạo của nhà văn Công giáo. Đó là sự chọn lựa đề tài, tìm kiếm nhân vật, ghi lại những cảnh đời, những số phận (nội dung phản ánh hiện thực), sử dụng bút pháp, thái độ diễn ngôn và mục đích sáng tác.

Hướng về công chúng để chia sẻ nên Song Nguyễn viết bằng lối văn gần gũi thân tình. Đặc biệt là, tác phẩm của Song Nguyễn được viết dưới ánh sáng Mỹ học Kitô giáo và chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng[7].

2. Bùi Công Thuấn-Nhà phê bình văn học (Hội viên Hội Nhà văn)-nhạc sĩ. Đã in các tác phẩm [8]:

1.Việt Nam mãi mãi yêu người. Tuyển tập ca khúc. 1988
2. Hạnh. Tập truyện ngắn. Nxb Hội Nhà văn. 2005
3. Chút tình tri âm. LLPB. Nxb Hội Nhà văn. 2009
4. Những tìm tòi nghệ thuật của Anh Đức. Chuyên luận. Nxb Đồng Nai. 2009
5. Những dòng sông vẫn chảy. LLPB. Nxb Hội Nhà văn. 2011
6. Hoa đỏ bên sông. LLPB. Nxb Hội Nhà văn. 2014.
7. Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Nxb Hội Nhà văn. 2014,
tái bản 2019.
8. Văn chương Việt Nam, Những gì còn với mai sau. Nxb Hội Nhà văn 2016.
9. Nhà văn Đồng Nai. LLPB. Nxb Đồng Nai. 2018
10. Những mùa vàng văn học Công giáo. Nxb Hội Nhà văn 2020.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết về văn học Công giáo như: thơ Xuân Ly Băng, thơ Trăng Thập Tự, Thơ Lê Đình Bảng, thơ Trần Mộng Tú, Thơ Trần Vạn Giã, Truyện ngắn Nguyễn Trung Tây, Tư tưởng mỹ học Kitô giáo. “Lịch sử văn học Công giáo” và những vấn đề; Văn học Công giáo-giáo phận Quy Nhơn, Văn học Công giáo-giáo phận Phát Diệm.[9]

CÁC TÁC GIẢ XUÂN LỘC ĐOẠT GIẢI VHNT ĐẤT MỚI

3. Cao Danh Viện đoạt giải nhất thơ 2015 với 3 tác phẩm: Trường ca Họ từ những đau khổ lớn lao mà đến, Mùa hoa mân côi, Đường thánh giá với tâm tình Ma đơ len; đoạt giải nhất thơ và truyện ngắn năm 2016 với tác phẩm: Kinh ngợi khen, suy niệm Kinh thánh và Cùng Mẹ chúng con đi (truyện ngắn). Xin đọc bài viết riêng về thơ Cao Danh Viện.[10]

4. Catarina Nguyễn Thị Lam (Song Lam) đọat giải thơ nhiều năm của Giải VHNT Đất Mới: Bên đời thinh lặng (Tập thơ. Hạng nhì. 2012); Đánh mất (truyện ngắn, KK. 2013), Thơ tình Mân Côi (Tập thơ. KK. 2015), Diễm ca lòng thương xót Chúa (Tập thơ. KK. 2016); Về đất Mẹ (thơ. KK 2017), Lắng trong sương (Tập thơ. KK 2018); Khúc Thần nhạc (Tập thơ. Hạng ba. 2019), Tấu lạy Bà (Tập thơ. KK. 2020).

Song Lam cũng xuất hiện trên nhiều diễn đàn khác như “Thi ca cầu nguyện” hoặc các trang văn chương Công giáo. Song Lam có sức sáng tạo dồi dào, tình cảm thơ mạnh mẽ, ngôn ngữ thơ trau chuốt, có ý thức tìm một lối đi riêng. Thơ Song Lam đa phần là các bài thơ 7, 8 chữ, kiểu Thơ lãng mạn (1930-1945) theo phong cách thơ Hàn Mạc Tử. Lối thơ này đã cũ. Khi Song Lam sử dụng lại nhưng thiếu sáng tạo cái mới, ngôn ngữ tượng trưng khiến cho thơ trở nên xa lạ với cuộc sống, thơ phiêu diêu ở cõi nào xa khuất hẳn đời thực. Cứ theo một lối đi như vậy, thơ Song Lam không vượt lên để trở thành một khuôn mặt thơ với những đường nét riêng. Song Lam cần tiếp cận các thể thơ hiện đại, hòa mình với đời sống thực để nghe nhịp đập trái tim mình với cuộc sống, nói bằng ngôn ngữ cuộc sống, có vậy thơ mới trở thành tiếng nói của ngày hôm nay, của cuộc sống này.

5. M.Vinc Nguyễn Thị Chung (Đan viện Xitô Thánh mẫu Vĩnh Phước), tác giả nhiều truyện dài đoạt giải Đất Mới: Đâu là hạnh phúc thật (Truyện dài. Hạng nhì. 2015), Thử chết một lần (truyện dài, KK 2016), Khi trái tim lên tiếng (truyện dài, KK. 2018), Chàng xe ôm (Truyện dài. Hạng nhì, 2019).

Nhận xét truyện dài Chàng xe ôm:

Từ Bắc vào Nam kiếm sống, Nhân chạy xe ôm. Gia đình Nhân có 3 người chết vì bom B52 Mỹ, mẹ bị tông xe chết, cha đi tù vì dính vào ma túy. Nhân trở thành đứa trẻ mồ côi vô gia cư.

Vào Sài Gòn, lúc đầu Nhân được ông bà Nghị cưu mang. Sau khi ông bà Nghị chết, Nhân theo Tường, một người bạn cũ chạy xe ôm. Tường là trẻ mồ côi cũng lưu lạc từ Bắc vào Nam. Nhờ Nam cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Tường được chữa khỏi ung thư, từ đó Nhân theo đạo.

Trong chuyến xe vào nam, Nhân quen với Thảo, một cô bé 13 tuổi, con nhà giàu có. Sau này Thảo dành cho anh một tình yêu sâu nặng nhưng anh phải chia tay Thảo. Anh đã lấy Nga, một cô gái định tự tử vì bị phụ tình. Nhân chạy xe ôm nuôi vợ con. Không ngờ Nga bị Quân là người yêu cũ quyến rũ, cô bỏ Nhân và trở thành gái bao của hắn. Hắn bán Nga cho các đại gia. Nga phải trốn về Cà Mau với cái bụng bầu. Cô vô cùng hối hận vì đã phản bội Nhân.

Một người bạn đưa Nga về Vũng Tàu để chờ sinh. Nhân đưa con đi biển. Vô tình anh đã cứu được Nga lúc cô định tự tử lần 2. Đứa con trong bụng cô ngộp nước chết. Nhớ lời Chúa dạy trong đoạn Kinh thánh về người đàn bà ngoại tình, anh tha thứ cho Nga, và cho cô về sống chung với con.

Nhưng rồi Nhân lại bị tai nạn chấn thương sọ não và được Nga chăm sóc. Nhân hồi phục. Trên đường về, anh tự nhủ “giá như không có Niềm Tin vào Chúa, chắc chắn bây giờ gia đình anh cũng tan nát như bố mẹ anh ngày trước, và các con anh cũng phải chia cắt, rồi chúng lại trở thành những đứa trẻ mồ côi”. Gia đình đòan tụ trong tin yêu.

Chàng xe ôm được viết bằng lối văn mộc mạc, cấu trúc truyện mạch lạc, cốt truyện hấp dẫn, suy niệm lẽ đạo sâu sắc. Tuy nhiên vẫn có những hư cấu chưa thật thuyết phục, Nhân được xây dựng quá lý tưởng so với đời thực.

6. Petrus Dương Kim Quới. Tác giả đoạt nhiều giải thưởng Đất Mới cả ở thể loại thơ

và văn: Số phận người (Tập thơ, hạng nhất. 2011), Một Nhà- Tim đỏ trong khăn, Mùa xuân nảy lộc (Thơ. Hạng nhất. 2012), ba tập thơ: Người Mẹ Ấy, Ánh Sao Lasan, Quê Hương Dũng Lạc (Hạng I. 2013), Hát nói trên đỉnh núi (Thơ. Hạng nhì. 2015), Hai Cào (truyện ngắn. Hạng nhì. 2016). Bài văn tế dưới chân Núi Cúi (Thơ. KK. 2016), Những ngày Chúa nhật (Tập thơ. KK. 2018), Nữ tỳ Thánh Thể (Thơ song ngữ Pháp-Việt. KK 2019), "Kỷ nguyên Núi Cúi" (Tập thơ, hạng III. 2020). Tác giả Petrus Dương Kim Quới sử dụng điêu luyện các thể thơ truyền thống, giàu vốn sống, vốn tri thức, rất chú trọng nghệ thuật ngôn ngữ.

7. Maria Phạm Thị Lành: Tác giả nhiều truyện dài đoạt giải: Huỳnh đệ vàng (Truyện dài. Hạng ba. 2014), Lối về (Truyện dài. Giải nhất. 2016), Phía sau hố thẳm tội lỗi (truyện ngắn. KK. 2016), Hương Thạch thảo (Truyện dài, Hạng nhất. 2018).

Nhận xét về truyện dài Hương Thạch Thảo:
Hương Thạch Thảo là một tiểu thuyết hay về tình yêu của Tuấn Vỹ và Thạch Thảo.
Thảo là cô sinh viên đỗ thủ khoa ngành Sư phạm Âm nhạc, gia đình nghèo. Cha mẹ cô mất vì tai nạn xe ngay trong ngày cô tốt nghiệp. Tuấn Vỹ tốt nghiệp Quản trị Kinh doanh. Ba mất, anh phụ mẹ coi công ty. Họ tình cờ quen nhau trong ngày lễ bế mạc kết thúc khóa huấn luyện Giáo lý viên cấp Hai của Giáo hạt. Tình yêu của họ bị mẹ của Vỹ cản trở. Bà Vĩnh Phát không chấp nhận Thảo vì gia đình cô không môn đăng hộ đối. Khi Vỹ đã cưới Thảo, bà tìm mọi cách chia cắt đôi trẻ. Nhất là từ khi Thảo không còn hy vọng sinh con. Bà hành hạ Thảo và đối xử tàn nhẫn để cô bỏ đi. Yêu Vỹ, Thảo nhẫn nhục chịu đựng. Khi Vỹ đi Mỹ học, bà Vĩnh Phát còn đối xử tàn bạo với Thảo hơn nữa. Bà bắt cô làm việc nặng như người ở, liên tục ép cô ly hôn. Khi Thảo sinh bé Bình Yên, bà bắt đứa nhỏ và ép cô phải ra đi. Thảo đi trong một đêm mưa bão, và gia đình Vỹ tin là cô đã chết đối ở suối.

10 năm sau Thảo trở về ngôi nhà xưa. Bây giờ Thảo là cô giáo Bích dạy tiểu học. Bích dạy lớp bé Bình Yên con của Vỹ. Vỹ mời cô đến nhà dạy kèm cho con. Cô chứng kiến Kiều (vợ sau của Vỹ) hành hạ bé Bình Yên. Trong khi đó Vỹ vẫn tin là Thảo còn sống. Anh bị mù cả hai mắt nên không biết Bích là ai. Dũng là bạn thân làm việc với Vỹ. Dũng phát hiện ra Bích là Thảo. Không thể né tránh, Thảo kể lại việc mình bị xe tông, được đưa về Sài gòn chữa rồi được Lm dòng Chúa Cứu Thế đưa sang Mỹ học. Cô thành đạt và trở về mong tìm gặp bé Bình yên. Dũng kể lại việc tìm kiếm Thảo vô vọng. Vỹ kể lại sau khi trở về biết rõ sự việc anh đã khóc thương Thảo mù mắt. Anh phải lấy Kiều để chăm sóc bé Bình yên. Bây giờ bà Vĩnh Phát đã chết, Kiều cũng tự nguyện ra đi. Hiểu rõ sự tình, Thảo đồng ý nối lại tình xưa. Vỹ, Thảo và bé Bình Yên ôm nhau khóc trong hạnh phúc.

Truyện đề cao tình nghĩa thủy chung Công giáo, đề cao sự nhẫn nhục, đức hy sinh và sự tha thứ; đề cao sự tín thác vào Chúa. Mọi đau khổ của Thảo đều được quy chiếu về sự đau khổ của Chúa torng cuộc khổ nạn và cậy trông vào Lòng Thương xót Chúa. Truyện có cấu trúc truyền thống: gặp gỡ, ly tán và đoàn tụ. Truyện khởi đi ở hiện tại rồi tái hiện quá khứ và trở về hiện tại giải quyết vấn đề của quá khứ. Tác giả có kỹ thuật viết điêu luyện, sử dụng đối thoại để kể thay vì viết những đoạn tường thuật dài dòng. Màu sắc lãng mạn pha trộn với màu sắc trinh thám tạo nên sự hấp dẫn.

Do có chủ đích tô đậm sự chịu đựng vị tha Công giáo, tác giả đẩy nhân vật vào những hoàn cảnh không thể có thật trong đời thật, vì thế truyện kém thuyết phục. Một cô gái trẻ, đỗ thủ khoa Đại học, ngành sư phạm âm nhạc, sống trong thời hiện đại lại cam chịu mọi sự hành hạ, sỉ nhục của mẹ chồng, giống như phụ nữ thời phong kiến. Không thể có một cô gái như thế trong thời đại toàn cầu hóa. Không thể có sự tình cờ kỳ diệu như trường hợp của Thảo. Cô bỏ đi, trong túi không có đồng nào, bị xe tông, được đưa về Sài gòn chữa bịnh, được giải phẫu thẩm mỹ và được một Linh mục dòng Chúa Cứu Thế đưa sang Mỹ học và làm việc. Cô thành đạt rồi trở về, với bằng thạc sĩ, Thảo chấp nhận dạy tiểu học chỉ để tìm con. Việc bác sĩ nói Thảo không thể có con vậy mà cô vẫn sinh bé Bình Yên dù thiếu tháng; việc Vỹ bị mù đã mười năm, vẫn có thể chữa khỏi là những việc chỉ có trong tiểu thuyết lãng mạn. Ngay cả việc Vỹ khóc thương Thảo đến bị mù cũng là điều không thế có trong thời đại hôm nay. Nếu được miêu tả hiện thực hơn (thay vì lãng mạn), Hương Thạch Thảo sẽ có sức thuyết phục hơn.

8. Phạm Vinh Sơn. Tác giả truyện dài có phong cách trẻ trung. Tác phẩm đoạt giải: Hồn Nhiên tuổi thơ (truyện dài. Hạng II. 2012), Lời thề trong nước mắt (truyện ngắn. Hạng I. 2013), Bé Hai (Truyện dài. Hạng II. 2014), Tiếng khóc chào đời (Truyện dài. KK. 2015)

Nhận xét về truyện dài Bé Hai:
Bé Hai thuật lại cuộc đời của Dì Bé, Sr.Marie Goretti,
Truyện khởi đi từ khi Bé Hai còn nhỏ đến cuối đời.

Bé Hai lúc nhỏ đi lạc, sống bụi, được Lượm, anh cả trong nhóm bụi đời cưu mang, rồi được chú Tư nuôi. Thời gian trôi đi, Bé Hai tìm được mẹ, trở lại đời sống bình thường. Bé Hai được dì Tiên dạy chữ, học kinh, sau chi tốt nghiệp THCS, Bé Hai đi tu dòng. Bề trên cho Bé Hai sang Pháp du học, tốt nghiệp Tiến sĩ xã hội học, trở về phục vụ nhà dòng. Dì Bé tổ chức Mái Ấm Hoa Hồng, cô nhi viện Thiên Phúc, nhà cơ nhỡ, nhà tu sinh…

Tập truyện có quy mô phản ánh khá rộng, một không gian rộng từ Kiên Lương-Rạch Giá miền Tây (Nam bộ) lên Sài Gòn, lên Căn cứ Rừng Lá, và mở rộng sang Provence nước Pháp. Một thời gian dài, truyện tái hiện hành trình của cả một đời người.

Giá trị của tác phẩm là ở lòng yêu thương, trân trọng đối với những thân phận “dưới đáy” xã hội, và miêu tả con đường thăng tiến của họ trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tiêu biểu là Dì Bé.

Tác giả Phạm Vinh Sơn có khả năng viết những cảnh đối thoại đời thường thật tự nhiên (ngôn ngữ kịch), rồi nhân đó đưa vào những thông tin mới đẩy câu chuyện phát triển về phía trước. Kiểu ngôn ngữ này cũng che lấp được sự non tay trong khả năng miêu tả bối cảnh, miêu tả sự vận động tâm lý, sự vận động thời gian của tác giả. Phạm Vinh Sơn sử dụng bút pháp lý tưởng hóa, gán cho nhân vật những phẩm chất phi thường, làm những việc phi thường không thể có trong đời thực.

Tất nhiên tác giả được quyền hư cấu để nhân vật thực hiện được chủ đề tư tưởng. Dù vậy, tác giả cần bảo đảm chân lý nghệ thuật. Kỹ thuật viết đối thoại đời thường đã kéo dài tác phẩm không cần thiết. Tác giả cần miêu tả sâu sắc bối cảnh xã hội, sự vận động bên trong của nhân vật và lý giải cho được (một cách khoa học) sự phát triển tất yếu của tính cách và số phận nhân vật, thay vì dùng các yếu tố ngẫu nhiên rồi suy diễn thành ý Chúa an bài…

Bé Hai là một bài ca về tình yêu Thiên Chúa.

9. Maria Hà Thị Thúy Diễm, tác giả nhiều truyện dài đoạt giải: Con hoang (Hạng II. 2011), Những nốt nhạc nên đời (Truyện dài. Hạng II. 2013), Xương bánh đúc (Truyện dài. Hạng III. 2015), Khóc muộn (Truyện ngắn. Hạng III. 2018). Hà Thúy Diễm có lối viết trẻ trung, ngôn ngữ dành cho tuồi teen.

Nhận xét về truyện dài Con Hoang
Con Hoang là câu chuyện của cô sinh viên tên Nga, bị bố bỏ rơi 12 năm trong mái ấm Hoa Hồng của các Sr.
Lòng hận thù đã làm cho Nga trở nên cực đoan, quyết liệt từ chối, khi người cha trở lại tìm con. Truyện kết thúc khi cha con đoàn tụ trong ánh sáng của tư tưởng nhân văn Công Giáo: ”Sự tha thứ quả là một phép màu. Nó không những làm cho con người được thanh thản mà đồng thời nó làm cho con người được lớn lên”. Nga đã tha thứ lầm lỗi của cha mẹ, của bà nội, là những người đã thiếu trách nhiệm Nga và tìm lại được tổ ấm yêu thương của mình,

Truyện có cấu trúc giản dị, mạch truyện phát triển theo tuyến tính thời gian. Các sự kiện đều tập trung vào nhân vật chính tên Nga, bắt đầu từ tai nạn bị xe tông đến khi đoàn tụ với gia đình.

Trong tác phẩm có nhiều bi kịch. Bi kịch thứ nhất là bi kịch con hoang. Nga phải sống trong mặc cảm tủi hận mình là con hoang bao nhiêu năm trời. Cha của Nga lấy mẹ Nga trong một tình thế đã rồi, khiến bà nội phải chấp nhận. Bà nội là người có quyền lực quý tộc đã bắt cha của Nga phải bỏ Nga vào nhà cô nhi, sau đó bắt ông phải lấy vợ khác để có con nối dõi tông đường. Cha của Nga rất thương mẹ con Nga, nhưng không thể cãi lời mẹ. Ông đã lén lút suốt 12 năm thăm Nga và mua quà sinh nhật cho con, với niềm hy vọng mỏi mòn sẽ đem con trở về gia đình.

Bên cạnh bi kịch gia đình Nga, một bi kịch gia đình khác cũng căng thẳng, quyết liệt không kém. Đó là tình cảnh gia đình Phong, bạn trai của Nga. Ba anh là người miền Nam, lính không quân. Trong một trận đánh, máy bay của ông bị bắn rớt. Ông bị thương rất nặng. và được ông bà ngoại và mẹ anh chăm sóc. Khi giải phóng, ba đang bị thương nên không trở về Nam được. Tình yêu phát sinh giữa hai người. Ông ngoại đuổi hai người ra khỏi nhà. Ba thú nhận với mẹ trong miền Nam ba đã có vợ và một người con trai. Mẹ bất chấp tất cả. Mẹ sinh hai chị và Phong. Rồi mọi việc phải đến đã đến. Người vợ miền Nam của ba tìm đến gặp mẹ Phong để nhận lại chồng, vì lo cho phần rỗi linh hồn của ông ấy. Sau cùng mẹ Phong trả ba Phong về cho mẹ lớn. Mẹ nói “Cái gì không phải là của mình thì mãi mãi không là của mình, và ngược lại”.

Giải quyết được bi kịch của Phong, Hà Thị Thúy Diễm giúp hé mở con đường giải quyết bi kịch của Nga. Đấy là triết lý thương người như thể thương thân. Từ bi kịch của mình, Phong đã chia sẻ bi kịch của Nga, nhờ đó đỡ nâng cho những khốn khó, hóa giải những cực đoan của Nga, đưa Nga trở về với gia đình đoàn tụ trong hạnh phúc yêu thương. Đoạn miêu tả sự đối mặt với bi kịch giữa bà nội, cha của Nga và dì Trâm là một đoạn viết rất hay.

Ngòi bút Hà Thị Thúy Diễm tỏ ra chắc tay khi xây dựng nhân vật bà Phú Thịnh quyền uy, cực đoan và sự khó khăn của cha Nga khi họ bàn tính để đón Nga về (chương tám). Đặc sắc ngòi bút của Hà Thị Thúy Diễm là viết những đoạn đối thoại tuổi teen sinh động. Truyện phát triển tự nhiên, nhưng thường có những đột biến kịch tính xuất hiện tạo độ căng cho mạch truyện. Nhiều chi tiết thú vị làm cho câu truyện trở nên hấp dẫn.

Tuy vậy, Hà Thị Thúy Diễm chưa thật sâu sắc trong miêu tả tâm lý nhiều nhân vật, chưa thấu đáo những sâu kín trong tâm lý lứa đôi và chưa sử dụng nhiều kiểu bút pháp hiện đại trong dựng truyện. Nói cách khác, về bút pháp, Con Hoang vẫn thuộc về bút pháp “truyền thống”. Giá trị của Con hoang là ở tư tưởng Nhân Văn Công Giáo khi miêu tả, phân tích, lý giải những vấn đề gai góc của gia đình Việt Nam đương đại. Từ đây hé mở cho người đọc thấy nhiều vấn đề xã hội rộng lớn hơn, đặc biệt là những vấn đề của giới trẻ Công Giáo.

***

Xuân Lộc còn những khuôn mặt triển vọng khác như: Maria Hồ Thị Phương Anh (truyện dài Đóa Quỳnh bất tử. 2017), Têrêsa Nguyễn Như Hà (hai tập thơ Haiku. 2017), Trần Thế Huy (Truyện dài Người hành khất trước cổng tu viện. 2016). Nguyễn Thị Thanh Hương (Hương Sion- Thơ), Nguyễn Thị Khánh (Thơ), Hoàng Trọng Sĩ (Thơ), M. Innocentio Nguyễn Thị Duyên, O.Cist. (Truyện dài Di trú tới Thiên Chúa), Maria Goretti Ng Thị Tú Xuân (với các truyện dài Ngựa chứng trong tu viện. 2015; Vòng xoáy yêu thương. 2018; và Ngã tư thập tự. 2019),… Bạn có thể đọc tác phẩm của các tác giả trên trong các tuyển tập tác phẩm đoạt giải VHNT Đất Mới hàng năm [11].

IV. NHỮNG TÁC GIẢ TIÊU BIỂU THUỘC GIÁO PHẬN KHÁC

ĐOẠT GIẢI VHNT ĐẤT MỚI

1. Tác phẩm thơ

Đề tài, thể loại thơ rất phong phú. Bên cạnh thơ trữ tình, thi ca cầu nguyện còn có thơ diễn ca sách Cựu Ước. Đã xuất hiện thơ dành cho thiếu nhi và thơ dịch. Các tác giả tham gia bằng các tập thơ có chất lượng nghệ thuật tốt.

Phaolô Trần Trung Hậu. TGp Sài gòn (Kể chuyện Tin Mừng. KK. 2017; Tập thơ: Châm ngôn Kinh Thánh diễn thơ. Hạng I. 2019; Tập thơ Xuất Hành. Lục bát diễn thơ. KK. 2020)

Phêrô Bùi Văn Nghiệp. TGp Sàigòn (diễn thơ Sách Tôbia. Hạng II. 2017; Sách Giu-đi-tha. Hạng I. 2018; ba trường ca: Sách Sáng Thế, Sách Étte, Sách Tông Đồ Công Vụ. Hạng I. 2020)

Phêrô Lê Thanh Xuân. TGp Sài gòn (Trường ca Gieo hạt tin yêu. Hạng I. 2017)

Anna Nguyễn Đỗ Thái An. Gp Đà Nẵng (Hai tập: Nguyện tâm thơ và Suy niệm 14 chặng đường thánh giá Chúa Giêsu. KK. 2016; Tập thơ Theo chân người Mục tử. KK. 2017; hai tập: Chuyện kể nơi mồ hoang & Bảo vệ sự sống. KK. 2020)

Lm Giuse Trần Văn Đỉnh (Đình Chẩn). Gp Phát Diệm (Hồn thơ Thiên linh- Tiên Sa Hài Đồng Giêsu. Dịch và tổng hợp thơ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Hạng II. 2020)

Mạc Tường. Gp Quy Nhơn (Thơ Mạc Tường. Hạng III. 2015)

Nguyễn Vũ Hồng Kha. Gp Quy Nhơn (Thơ Dâng. Hạng II. 2018)

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn. Ninh Bình (Tập thơ Sống đạo. KK.2018; Tập thơ thiếu nhi Bông hồng nhỏ. Hạng III. 2020)

2.Truyện ngắn hay

a. Những tác giả hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là những nhà văn đã thành danh đã góp cho Giải VHNT Đất mới những truyện ngắn hay với những phong cách riêng:

Nhà văn Lê Quang Trạng, An Giang, có những truyện ngắn đầy sáng tạo mang tính tư tưởng: Tình yêu của Chúa (hạng I. 2015), Những tiếng chuông trầm (Hạng I. 2017), Chúa luôn bên mọi người (KK. 2016), Thư gửi người họa sĩ tương lai (KK. 2018)

Nhà văn Phêrô Nguyễn Văn Học, Hà Nội, đặt ra nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng, truyện giàu vốn sống và giàu chất thẩm mỹ: Tình người (Hạng I. 2018), Ngã lên cỏ thơm (Truyện dài. KK. 2016).

Nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên, Nha Trang, viết truyện nhẹ nhàng, có duyên. Truyện của Khánh Liên giàu tình người: Người yêu dấu ơi (Hạng III. 2020), Lời nguyện cầu cho biển (KK. 2016)

Nhà văn Võ Diệu Thanh, An Giang viết truyện giàu ý nghĩa tư tưởng: Người đàn bà đẹp (Hạng II. 2016)

b. Những khuôn mặt truyện ngắn đầy triển vọng đã gây ấn tượng trong giải VHNT Đất Mới bằng những truyện ngắn đặc sắc:

Đinh Thành Trung, Hà Nội, có cách viết rất lạ trong truyện ngắn Marina (Hạng III. 2020)

Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Hưng Hóa, viết truyện đậm chất dân tộc thiểu số: Những bắp ngô của thằng Tráng (Hạng III.2019)

Giuse Phạm Đình Duy, Nha Trang, có nhiều truyện gây ấn tượng ngay lần đầu tiếp xúc (Tập truyện ngắn gồm 10 truyện. Hạng I. 2020)

Phê rô Phạm Minh Châu, Nha Trang, có lối viết gọn ấn tượng (Một lần vấp ngã. KK. 2019; Đong tấm lòng. KK. 2020).

Vinc Chung Thanh Huy, Sài gòn, truyện có phong cách ngôn ngữ Nam bộ (Ở phải. Hạng II. 2020; Những ánh sao đêm. KK. 2017; Câu chuyện chiều mưa. KK. 2016)

Phạm Thị Yến, Thanh Hóa, truyện giàu chất hiện thực kết hợp một cách sáng tạo với nhiều kiểu bút pháp, đề cập đến những vấn đề nóng của thời đại (Người gác đền. Hạng I. 2019).

Maria Nguyễn Thị Hồng Lài, Sài gòn, có nhiều truyện cảm động: Hương hoa hồi (KK. 2020); Một đời hiến thân (KK. 2019); Món quà vô giá (Hạng III. 2015)

Những cây bút sau đây để lại được ấn tượng cho người đọc ngay lần đầu tiếp xúc với tác phẩm:

Phê rô Nguyễn Bá Định (Trái tim làng cùi. KK. 2018); Giuse Nguyễn Minh Trí, Ban mê thuột (Lật đá cửa mồ. KK. 2020); Tô Phục Hưng, Cần Thơ (Vị Linh mục trên địa ngục trần gian. KK. 2016); Dương Cao Cảnh, Cần Thơ (Trái cấm tân thời. KK. 2019; Mái trường chủng viện. KK. 2017); Giuse Nguyễn Văn Vậng, Cần Thơ (Chiếc áo vá. KK. 2020); Maria Madalenna Đặng Hoàng Hương Giang, Kontum (Yêu thương quay về. KK. 2015); Nguyễn Đức Quang, Nha Trang (Tiếng chuông. Hạng nhì. 2017); Maria Thân Thị Hồng Kiều, Quy Nhơn (Chính Người đã chọn. Hạng II. 2015); Pet Ngô Gia Hy, Quy Nhơn (Câu chuyện của Chúa. KK. 2015); Nguyễn Đức Tín, Vinh (Tình đời. KK. 2016); Trần Thị Hằng Nga, Vinh (Một khoảng trời chung. KK. 2016)

3. Truyện dài.

Có 38 tác phẩm truyện dài đoạt giải VHNT Đất Mới trong 10 năm (riêng Gp Xuân Lộc có 25 tác giả). Đây là vốn quý của văn học Công giáo. Truyện dài là thể loại chủ lực của văn học. Văn học Công giáo trong quá khứ có rất ít truyện dài. Văn học sử ghi nhận Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887) là truyện viết bằng Quốc ngữ đầu tiên (với kỹ thuật phương Tây). Vũ Ngọc Phan ca ngợi tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An (1941). Điều này làm cho nhiều nhà nghiên cứu văn học Công giáo ngộ nhận. Một linh hồn không phải tác phẩm văn học Công giáo. Thụy An chỉ lấy bối cảnh Công giáo làm nền cho nhân vật. Trong truyện có rất nhiều điều sai lạc về tín lý Công giáo.

Vì thế 38 truyện dài đoạt giải là phần đóng góp có giá trị cho vốn văn học Công giáo đương đại. 38 truyện được viết ở nhiều kiểu bút pháp và phong các nghệ thuật. Nội dung đề cập đến nhiều vấn đề xã hội, vấn đề tư tưởng và đời sống Công giáo hôm nay. Nghệ thuật thể hiện nhiều truyện dài đạt đến nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Tuy vậy cũng cần thấy rõ hạn chế về kiến tạo tác phẩm của những cây bút phong trào.

Phần nhận xét chung đã tin trong tuyển tập 10 năm tác phẩm đoạt giải Đất Mới[12] (xin đọc theo link). Ở đây, chúng tôi chỉ ghi nhận tên tác giả tác phẩm (theo giáo phận):

Bà Rịa. Giuse Ngô Quốc Việt. Về gieo hạt giống yêu thương. KK

Bùi Chu. Giuse Nguyễn Xuân Bảo. Trở về. KK

Cần Thơ. Fx. Dương Cao Cảnh. Gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa. III. 2018

Canada. Teâreâsa Nguyeãn Phöông Thaûo. Ôi tội hồng phúc. I. 2017

Hà Nội. Giuse Lê Ngọc Thành Vinh. Maria ngoại truyện. KK. 2019;

Đóa hồng thứ 40. I. 2020.

Haø Noäi. Nguyeãn Vaên Hoïc. Ngaõ leân coû thôm. KK. 2016

Hải Phòng. Maria Đặng Kim Thoa. Sứ mạng. III; Thieân Chuùa Cha cuûa Toâi. II. 2016

Hưng Hóa. Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh. Đời làm hạt. KK. 2019

Phú Cường. Maria Hà Thị Thúy Diễm. Nt. Con hoang. II. 2011; Những Nốt Nhạc Nên Đời.

II. 2013; Xương bánh đúc. III. 2015

Thanh Hoùa. Maria Phaïm Thò Yeán. Hai đứa trẻ . KK. 2017

Vónh Long. Traàm Thò Söông. Những ngày còn lại. II. 2017

Xuaân Loäc.

Maria Hoà Thò Phöông Anh. Đóa Quỳnh bất tử. KK. 2017

Phaïm Thò Khieát Taâm. Người tù số 8. KK. 2015; Ngöôøi Meï moät Chaân. KK. 2016

Phaïm Thò Laønh. Huỳnh đệ vàng III.2014; Lối về. I. 2016. Hương thạch thảo. I. 2018

Teâreâsa Buøi Thò Hoàng Aân – Maria Buøi Thò Hoaøi Aân. Ngọn đèn dầu nhỏ. III. 2017

Teâreâsa Phaïm Thò Khieát Taâm. Mưa rừng. KK. 2017

Traàn Theá Huy. Ngöôøi Haønh Khaát tröôùc coång tu vieän. III. 2016

P. Vinh Sơn. Bé Hai. II. 2014; Tiếng khóc chào đời. KK. 2015

Trần Tiến Cảnh. Hồn Nhiên tuổi thơ ; Ước mơ của ba cây táo. II. 2012

Giuse Phạm Hồng Đức. Xa xứ. KK. 2019

M. Innocentio Nguyễn Thị Duyên, O.Cist. Di trú tới Thiên Chúa. II

M. Vinc Nguyễn Thị Chung. Đâu là hạnh phúc thật. II. 2015. Thöû Cheát Moät laàn. KK.

2016; Khi trái tim lên tiếng. KK. 2018; Chàng xe ôm. II. 2019.

Maria Goretti Ng Thị Xuân. Vòng xoáy yêu thương. II. 2018; Ngã tư thập tự. III. 2019;

Ngựa chứng trong tu viện.KK

Maria Pacome Hồ Thị Phượng, O.Cist. Ba ơi! Khi nào mẹ về?KK

Phêrô Trần Thế Huy. Đôi bờ xa cách. KK. 2018

(Bạn có thể đọc các tác phẩm trên theo link:[13])

4.Về kịch bản văn học.

Kịch bản của các tác giả đoạt giải Kịch VHNT Đất Mới dưới đây đã đạt được những phẩm chất nghệ thuật nhất định. Một vài kịch bản đã có những màu sắc nghệ thuật riêng.

Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành. TGp Hà Nội có kịch bản Đi về hướng mặt trời (Kịch bản phim. Hạng III. 2020). Tác giả đã dựng thành phim Công giáo và được các Đấng bản quyền khích lệ.

Nghệ sĩ Sân khấu Ngô Lương Thu, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Ninh Bình (Đức tin. Khuyến khích. 2020),

Lê Quang Trạng. Gp Long Xuyên (Bài thuốc thần kỳ. Hạng I. 2017).

Phêrô Bùi Văn Nghiệp, TGp Sài gòn (Hành quyết song hùng. Hạng I. 2018).

Maria Đỗ Thị Hồng Nhanh, Nt TGp Sài gòn (Món quà kỳ diệu - Kịch thơ. Hạng I. 2020).

Hồ Phương Anh. Xuân Lộc (Hành trình tử đạo của thánh Anê Lê Thị Thành. Khuyến khích 2018).

Maria Nguyễn Thị Hồng Lài. Gp Lạng Sơn (Lời hứa với Chúa Giêsu . Hạng II. 2020)

Têrêsa Phạm Thị Thanh Lan. Gp Đà Lạt. (Cha như là một vì sao-Kịch thơ về Cha Trương Bửu Diệp tử đạo.Hạng III. 2018.

5. Ca khúc và Ảnh đẹp Công giáo (Không ghi nhận trong bài viết này)

THAY LỜI KẾT

Các hoạt động Mục vụ văn hóa của giáo phận Xuân Lộc còn đang diễn ra và hướng về phía trước nên những ghi nhận ở đây mới chỉ định hướng một góc nhìn và mở ra những triển vọng, bởi tiềm năng văn hóa, văn nghệ của giáo phận rất phong phú nhưng chưa được phát huy như kỳ vọng của các Đấng bản quyền.

Các Đức Giám mục chủ chăn của Gp Xuân Lộc rất quan tâm đến mục vụ văn hóa nghệ thuật trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Việc xây dựng những công trình văn hóa xã hội (Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi); tổ chức giải VHNT Đất Mới, và các hoạt động bác ái xã hội bên cạnh các sinh hoạt tôn giáo (Cổ vũ Lòng Thương Xót Chúa)…đã tạo nên một đời sống tâm linh sốt sắng trong giáo phận, một bộ mặt xã hội đẹp (Tốt đạo đẹp đời) ở Đồng Nai, và một sự kết nối trong Chúa Thánh Thần trong cộng đồng giáo dân trong và ngoài nước.

Các văn nghệ sĩ Công giáo thấm nhuần lời nhắc nhở này của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II trong thư gửi các nghệ sĩ năm 1999:

“Trong toàn cảnh văn hóa rộng lớn của mỗi dân tộc, các nghệ sĩ có một chỗ đứng đặc biệt. Khi nghe theo cảm hứng để sáng tạo ra các tác phẩm vừa đáng giá vừa đẹp đẽ, các nghệ sĩ chẳng những đã làm giàu cho di sản văn hóa của quốc gia và nhân loại, mà còn phục vụ công ích qua sự phục vụ xã hội hết sức đặc biệt của mình.”[14]

Có thể ghi nhận một điều, Văn học Công giáo của giáo phận Xuân Lộc đã có những đóng góp nhất định làm giàu thêm kho tàng văn học Công giáo đương đại và lời mời gọi của giáo hội vẫn đang thúc giục ở phía trước.

Tháng 2/2022

***

[1] https://www.youtube.com/watch?v=r7i2GGPbx4M

[2] Về công trình Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi xin đọc hai tác phẩm của Song Nguyễn: Đường lên Núi Cúi và Đường đến Núi Cúi-Hành trình của Đức tin. Bạn có thể download theo link:

https://www.mediafire.com/file/vtdl2qbvh8903p4/ĐƯỜNG+LÊN+NÚI+CÚI-BCT-+tp+Full.rar/file
https://www.mediafire.com/file/cg4bbvm4jbvj3x8/00+ĐƯỜNG+ĐẾN+NÚI+CÚI+-official.rar/file

[3] https://www.youtube.com/watch?v=UZ-3E-vf6Po

[4] Ôi tội hồng phúc:

https://www.mediafire.com/file/t5znls8o8f3i436/Ôi+Tội+Hồng+Phúc-Teresa+Nguyễn+Phương+Thảo.pdf/file

Đóa hồng thứ 40:
https://www.mediafire.com/file/xt5qo27mnnvl7es/08.+ĐÓA+HỒNG+THỨ+40-+211+tr.rar/file

Tuyển tập 10 năm Giải VHNT Đất Mới:
https://www.mediafire.com/file/q2erhsvadk7ggng/TUYỂN+TẬP+10+NĂM+ĐẤT+MỚI+2020.rar/file

[5] Bùi Công Thuấn-Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn. Nxb HNV 2014, tái bản 2019

[6] https://www.mediafire.com/file/5lf0gykmzclhyz4/Tác+phẩm+của+Song+Nguyễn.rar/file

[7] Xin đọc bài Tư tưởng nhân văn Công giáo trong tác phẩm của Song Nguyễn trong Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn (Sđd ghi chú 4)

[8] Bạn có thể đọc hai cuốn sách: Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song Nguyễn và cuốn Những mùa vàng văn học Công giáo theo link:
https://www.mediafire.com/file/qwcautth2cghlqs/NHỮNG+MÙA+VÀNG+-+official.rar/file

[9] Bạn có thể đọc những bài viết chính của Bùi Công Thuấn trong Những mùa vàng văn học Công giáo và theo link:

[10] Thơ Cao Danh Viện: https://buicongthuan.wordpress.com/2020/12/07/tho-mic-cao-danh-vien/

[11] 1.Tuyển tập 2014
https://www.mediafire.com/file/20j5l3e61r6xxla/TUYỂN+TẬP++2014.rar/file

2.Tuyển tập 2015
https://www.mediafire.com/file/xg9y9oaepclbg9z/TUYỂN+TẬP+2015.doc/file

3.Tuyển tập 2016
https://www.mediafire.com/file/jd0z8x8tnlwnrqo/TUYỂN+TẬP+2016-.rar/file

4.Tuyển tập 2017
https://www.mediafire.com/file/atwddvnd33kua1u/TUYỂN+TẬP+2017.doc/file

5.Tuyển tập 2018
https://www.mediafire.com/file/a9pp3zcno3rkv7s/TUYỂN+TẬP+2018.rar/file

6.Tuyển tập 2019
https://www.mediafire.com/file/7qvdliwylisy756/TUYỂN+TẬP+ĐẤT+MỚI+2019-dàn+trang.rar/file

7.Tuyển tập 2020
https://www.mediafire.com/file/uc81a0uoklatzx8/TUYỂN+TẬP+2020.rar/file

[12] Tuyển tập 10 năm tác phẩm đoạt giải VHNT Đất Mới:
https://www.mediafire.com/file/q2erhsvadk7ggng/TUYỂN+TẬP+10+NĂM+ĐẤT+MỚI+2020.rar/file

[13] Truyện dài Đất Mới
https://www.mediafire.com/file/59nifksxbv24u4v/TRUYỆN+DÀI+ĐẤT+MỚI.rar/file

[14] http://huangiao.com/index.php/van-kien/duc-giao-hoang/thu-luan-luu/item/1529-thu-duc-thanh-cha-gioan-phaolo-ii-gui-cac-nghe-si-1999