Hành hương- Tác giả: Hoàng Công Nga

Lan Mary

 

HÀNH HƯƠNG
Francis Assisi Lê Đình Bảng

1.Sao em chẳng cùng tôi lên rừng vắng
Mà chiêm bao muôn điềm lạ, ơn thiêng
Bốn mươi đêm ngày chay tịnh, hồn nhiên
Nghe suối hát mừng tự do phơi phới
Vừa nhan sắc, vừa nhung tơ, vời vợi
Vừa thơm tho, vừa kỳ diệu khôn lường
Bởi đất trời còn ướt đẫm mùi hương
Bởi lá thắm mở phơi lòng nhân đức
Sao em chẳng quỳ bên tôi, chầu chực
Hai đứa mình, hai ngọn nến song song
Mà trí khôn, cầm bằng sợi tơ không
Mà miệng lưỡi sượng sùng, chưa kịp nếm
Nguồn bí tích của Ba Ngôi mầu nhiệm
Thật trang nghiêm và thật rất phương phi
Có phải đây là lời của Tiên Tri
Trong sách Khải Huyền về giao ước mới?

2. Sao em chẳng cùng tôi vô tiệc cưới
Hai người khiêng trĩu nặng một chùm nho
Nơi đất đồng, mưa đổ hạt ban trưa
Thóc lúa mới chất đầy bồ, cơm bánh
Mai, em nhé, cùng tôi lên đền thánh
Mỗi ngón tay in dấu một điều răn
Này, lời vàng, em khẽ nói:” Xin Vâng!”
Dẫu trăm nhánh dòng khơi xa, biệt lệ
Về phương ấy, khấn xin đời dâu bể
Là Canaan? Hay cố quận Tầm Dương?
Mà đôi ta, như chim trích vô rừng
Sao tìm được dấu thơm xưa, chìm khuất?
Của biển hương dầu, bờ xôi, ruộng mật
Của Tháng Giêng ngon, như kẹo mạch nha
Tai trong ngần cùng nhạc suối reo ca
Mắt đã thấy cả mùa màng, chín tới…

3. Sao ta chẳng mừng nhau thêm một tuổi
Cưỡi ngựa tàu cau về lại sân nhà
Chàng ơi, chàng. Cơn mộng mị đêm qua …
Đôi nghê đá lạy thờ ngay trước cửa
Hôm nay, Biển Hồ quang mây, lặng gió
Và quanh đây, sao yên ả lạ thường?
Hình như…là choáng ngợp những hoa hương
Của ơn phước, của đào mai, hồng thắm
Của những mênh mang, vô cùng, vô tận
Những gương hồ lóng lánh vạt trăng khuya
Nơi bến bờ, chẳng ranh giới, phân chia
Của ngày đầu tiên, của thời đã mãn…
Của đất hứa thật gần, không rào cản
Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi
Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi
Chim ngói từng đôi bay về làm tổ…

Đọc bài thơ Hành Hương của Lê Đình Bảng ta có một cảm giác kỳ lạ. Tác giả mở đầu bằng một lời mời gọi. Lời mời này chắc hẳn không phải dành riêng cho một người xa lạ mà hẳn là nhắc tới một sự kiện cho những người đồng đạo. Đó là Mùa Chay! Mùa Chay trong hành trình của người Kytô hữu là một chặng đường chay tịnh, mặc áo nhặm, xức tro lên đầu, nhìn lại và tự vấn lòng mình. Những trăn trở, tự hối để dọn mình đón nhận một mầu nhiệm cao cả và trọng đại. Một màu tím tang thương phủ kín trong các nghi lễ phụng vụ. Mùa Chay được tiếp diễn sau những ngày vui Xuân mừng năm mới với những tiệc tùng, hưởng thụ, ăn ngon, mặc đẹp, mọi người từ giã những thú vui để bước vào mùa chay tịnh. Tác giả đã không khoác lên những vần thơ của mình những tình cảm u sầu mà thổi vào đó một tinh thần lạc quan, phơi phới:

Sao em chẳng cùng tôi lên rừng vắng
Mà chiêm bao muôn điềm lạ, ơn thiêng
Bốn mươi đêm ngày chay tịnh, hồn nhiên
Nghe suối hát mừng tự do phơi phới

Phải là một người có niềm tin mãnh liệt mới cảm nhận về Mùa Chay kỳ diệu đến thế: Nhan sắc, nhung tơ, vời vợi, thơm tho kỳ diệu khôn lường, ướt đẫm mùi hương, mở phơi lòng nhân đức… Người thơ đã trải qua muôn cảnh ngộ và đón nhận những ơn thiêng để bật lên những từ ngữ tuyệt vời.

Vừa nhan sắc, vừa nhung tơ, vời vợi
Vừa thơm tho, vừa kỳ diệu khôn lường
Bởi đất trời còn ướt đẫm mùi hương
Bởi lá thắm mở phơi lòng nhân đức

Thơ Lê Đình Bảng đã quyến rũ tôi vào chiều sâu của ngôn từ văn học, những hình ảnh dung dị nhưng ẩn chứa cả một kho tàng mầu nhiệm, linh thiêng. Ngôi vị “em” mà tác giả diễn tả không hẳn là một người con gái nhưng là lời nhắn gửi tới mọi người, trong đó có cả tôi. Những vần thơ nói về mầu nhiệm, tác giả đã diễn tả bằng những ngôn từ giản dị, mỏng manh cầm bằng sợi tơ không, nói lên những điều mà trí óc không thể hiểu.

Sao em chẳng quỳ bên tôi, chầu chực
Hai đứa mình, hai ngọn nến song song
Mà trí khôn, cầm bằng sợi tơ không
Mà miệng lưỡi sượng sùng, chưa kịp nếm
Nguồn bí tích của Ba Ngôi mầu nhiệm
Thật trang nghiêm và thật rất phương phi
Có phải đây là lời của Tiên Tri
Trong sách Khải Huyền về giao ước mới?

Lời mời gọi của nhà thơ thật hấp dẫn. Những câu chuyện trong Tân Ước được nhắc tới. Người Công giáo đọc ắt hiểu và có sự liên tưởng, nhưng để diễn giải phải tốn rất nhiều giấy mực. Tôi còn nhớ thuở bé, bản thân mình cũng đã từng bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những câu chuyện “Sấm Truyền Cũ” và “Phúc Âm Diễn Giải”. Những điều đó đã đi vào tâm hồn bé thơ của tôi như những di sản lớn dần và tích lũy theo năm tháng… Cái hấp dẫn của thơ Lê Đình Bảng chính là nghệ thuật điêu luyện. Chỉ một khổ thơ thôi đã gói trọn hình ảnh của nhiều dụ ngôn, dẫn dắt người đọc trong những tứ thơ rất lạ và gần gũi. Hình ảnh của tiệc cưới Cana, của người thợ làm vườn nho…Lời thơ đã dẫn dắt chúng ta trở về đồng đất quê mình với vụ mùa về lúa thóc đầy bồ, cuộc sống ấm no cơm bánh. Một sự hòa quyện tuyệt vời giữa tâm tình tôn giáo và tình tự dân tộc. Những câu thơ giàu hình ảnh, ấn tượng nếu không am hiểu về Kinh Thánh chắc gì đã hiểu. Chính những điều đó thôi thúc sự tò mò nơi người đọc.

Sao em chẳng cùng tôi vô tiệc cưới
Hai người khiêng trĩu nặng một chùm nho
Nơi đất đồng, mưa đổ hạt ban trưa
Thóc lúa mới chất đầy bồ, cơm bánh

Hành hương mà tác giả muốn nói tới chính là hành trình tâm linh. Điều này đã trở thành một quy luật trong một năm phụng vụ, chẳng khác gì sự thay đổi bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông… Mùa Xuân muôn hoa đua nở, ánh nắng bừng lên đầy sức sống, thời khắc mà trời đất và vạn vật cùng giao hòa. Sau những ngày đoàn tụ, vui Xuân, lịch phụng vụ lại đưa chúng ta vào Mùa Chay. Đó chính là sự chuyển đổi trạng thái có tính tiết chế. Có thể là ngẫu nhiên nhưng vô hình trung lại được mặc định trong hành trình tâm linh của người Kyto hữu. Mùa Chay mang một giá trị tiết chế và tu thân thật ý nghĩa

Mai, em nhé, cùng tôi lên đền thánh
Mỗi ngón tay in dấu một điều răn
Này, lời vàng, em khẽ nói:” Xin Vâng!”
Dẫu trăm nhánh dòng khơi xa, biệt lệ

Dẫn dắt người đọc theo từng sự kiện trong Tân Ước bằng những vần thơ gợi hình quả là xuất sắc. Cái hay của Lê Đình Bảng là phép so sánh hòa trộn hình ảnh của hai phương trời khác biệt. Canaan, vùng đất hứa chảy sữa và mật ong trong Kinh Thánh. Tác giả đã không dừng lại ở điển tích Cựu Ước mà còn liên hệ tới dòng sông Tầm Dương trong Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dỵ:

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Dịch nghĩa
Ban đêm đưa tiễn khách ở đầu sông Tầm Dương
Gió thu thổi vào lá phong, hoa lau hiu hắt.

Cái hay của câu thơ này làm ta liên tưởng tới nhiều hình ảnh. Cái hồn của quê xưa vẫn bàng bạc và hiện hữu qua từ “cố quận”. Một số nhà thơ đã cố gắng sử dụng từ ngữ này trong thơ của mình như để làm sống lại một vốn cổ chất chứa những tình cảm thâm thúy. Điển hình trong thơ Bùi Giáng luôn diễn tả về hình ảnh cố quận với nhiều day dứt. Ông là người lữ hành rong chơi bất tận. Khi tưởng nhớ ông có lẽ không có câu thơ nào đúc kết hay hơn:

Đất hoa khóc vĩnh biệt người
Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu"
(Người rong chơi bất tận- VĐSB)

Ta hãy nghe Lê Đình Bảng diễn tả về cái hồn của cố quận, với hình ảnh của tháng Giêng, của những món ăn dân dã bên cạnh những xóm làng, đồng đất quê xưa.

Về phương ấy, khấn xin đời dâu bể
Là Canaan? Hay cố quận Tầm Dương?
Mà đôi ta, như chim trích vô rừng
Sao tìm được dấu thơm xưa, chìm khuất?
Của biển hương dầu, bờ xôi, ruộng mật
Của Tháng Giêng ngon, như kẹo mạch nha
Tai trong ngần cùng nhạc suối reo ca
Mắt đã thấy cả mùa màng, chín tới…

Mùa Xuân đến, một năm cũ lại qua đi, người thêm tuổi mới. Người xa xứ bồn chồn, lòng hướng về quê cũ, người lữ hành đón nhận những ơn sâu trong mùa chay tịnh Những hình ảnh của ấu thơ dùng tàu cau làm ngựa cưỡi để quay về quá khứ. Những hình ảnh trong dĩ vãng như chợt về nhảy múa, lòng hối nhân như cảm nhận được ơn thiêng vĩnh cửu. Những cảm xúc lạ thường của một người sống đời chiêm niệm… Những hình ảnh chợt hiện về như một cuốn phim quay ngược. Ồ Biển Hồ quang mây, lặng gió, không gian yên ả lạ thường. Sự trầm mặc của ơn thiêng làm hương hoa choáng ngợp, những nụ hoa tươi thắm như khoe màu rực rỡ của nguồn ơn phước cả… Tất cả như quyện lẫn giữa cũ và mới, giữa hư và thực đưa thi nhân trở về với hình ảnh của Tháng Giêng nơi quê nhà. Hồn cố quận được trộn lẫn trong không gian Thánh thiêng Mùa Chay, với những làn điệu thương khó riêng biệt mà chỉ ở nơi quê nhà mới có được.

Sao ta chẳng mừng nhau thêm một tuổi
Cưỡi ngựa tàu cau về lại sân nhà
Chàng ơi, chàng. Cơn mộng mị đêm qua …
Đôi nghê đá lạy thờ ngay trước cửa
Hôm nay, Biển Hồ quang mây, lặng gió
Và quanh đây, sao yên ả lạ thường?
Hình như…là choáng ngợp những hoa hương
Của ơn phước, của đào mai, hồng thắm
Của những mênh mang, vô cùng, vô tận
Những gương hồ lóng lánh vạt trăng khuya
Nơi bến bờ, chẳng ranh giới, phân chia
Của ngày đầu tiên, của thời đã mãn…
Của đất hứa thật gần, không rào cản
Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi
Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi
Chim ngói từng đôi bay về làm tổ…

Cuộc hành trình tâm linh của người Kytô hữu sẽ không dừng lại ở bất kỳ thời khắc nào, cuộc hành hương này sẽ diễn ra trong suốt một đời người bằng cách chiêm ngắm những sự Thương Khó trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Những điều này đã trở thành một tập quán đạo đức và được các xứ đạo diễn đạt theo truyền thống của từng vùng miền. Đọc hết bài thơ ta mới có thể nhận ra được cái thần của tác giả muốn gửi gắm vào thi ca nhà đạo, đó chính là sự hòa quyện của tinh thần tâm linh và tình tự dân tộc.
Hoàng Công Nga