"Lịch sử văn học Công Giáo" và những vấn đề- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary

 

“LỊCH SỬ VĂN HỌC CÔNG GIÁO” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ

Bùi Công Thuấn

Xin đặc biệt ghi nhận các công trình Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam của Võ Long Tê (Nxb Tư Duy-Sài gòn 1965), Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường của Lê Đình Bảng (Nxb Tự điển Bách Khoa-Hà Nội 2010), những nghiên cứu của GS-Lm Thanh Lãng, của GS Nguyễn Văn Trung ở Sài Gòn trước 1975; và gần đây, chuyên luận Văn học Công giáo từ 1620 đến nay của TS-Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, trình bày trong hội thảo: Bốn trăm năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam do Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam tổ chức ngày 25-26/10/2019, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Có thể nói việc nghiên cứu lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam đã đặt những nền móng vững chắc và khai mở nhiều con đường cho nhà nghiên cứu đi sau.

NHỮNG THÀNH TỰU

   
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu Công giáo đã thống nhất được những chặng đường của lịch sử văn học Công giáo Việt Nam với những tác giả, tác phẩm làm nên diện mạo của một thời.

Tôi chọn chuyên luận Văn học Công giáo từ 1620 đến nay của TS-Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông (2019) để khảo sát. Chuyên luận này kế thừa được những thành tựu nghiên cứu trước đó

Tác giả phân chia các thời kỳ của lịch sử Văn học Công giáo như sau: (tóm lược)

GIAI ĐOẠN CHỚM NỞ

Nền văn học có những đặc điểm: Về hình thức có chữ Hán, chữ Nôm và Quốc ngữ, về nội dung có kinh nguyện, giáo lý, truyện tích, giáo sử, quốc sử, ngữ pháp, từ điển, văn thư, tường trình và thi ca. Tác giả là các giáo sĩ, thầy giảng và giáo dân.

Các tác giả chữ Nôm:
1. Majorica (1591-1656): 48 tác phẩm văn xuôi chữ Nôm (ông viết nhiều tiểu sử các thánh như Thánh tổ Inhatiô, thánh Phanxicô Xaviê, Á Thánh Phanxicô Borgea, bà Thánh Engrace, Olaya, các bà thánh đồng trinh như Agnès, Cécile, Agathe …)

2.Thầy Gioan Thanh Minh (1588 – 1663): 15 tác phẩm hạnh các thánh

3.Thầy Phanchicô (?-1640) sáng tác kinh “Cảm tạ niệm từ” (“Phục dĩ chí tôn”)

4. Mẹ con bà Catarina: soạn nhiều Kinh nguyện

5. Lm.Lôren Huỳnh Lâu (1656 – 1712) Tác phẩm Inê tự đạo vãn (546 câu thơ lục bát & Song thất Lục bát) là trường ca đầu tiên được dịch sang các tiếng Anh, Pháp, Latinh

6.Lm. Lữ Y Doãn (1613 – 1678) Sấm Truyền Ca (1670) gồm 3596 câu thơ lục bát, ngang tầm Chinh Phụ Ngâm Khúc, Kim Vân Kiều.

Các tác giả viết bằng Chữ Quốc Ngữ

1. Lm. Alexandre de Rhodes, 1593-1660: Phép giảng tám ngày (1651)

2.Lm. Felippe Do Rosario Bỉnh (1759 – 1833) viết 27 quyển sách bằng văn xuôi Quốc ngữ bàn về những vấn đề thần học, triết học, lịch sử thế giới cách thấu tình đạt lý. Sách Sổ Sang chép các việc(1822) đã được Lm Thanh Lãng giới thiệu.

3.Lm. Đặng Đức Tuấn (1806 – 1874): Nổi bật nhất là Văn tế các đẳng.

4.Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 – 1853): Phi năng thi tập.1842

5.Phêrô Phạm Trạch Thiện (1818 – 1903) dịch Cảm tạ niệm từ sang chữ Quốc ngữ gọi là Kinh cao sang 90 câu lục bát…,

6.Lm. Phêrô Trần Lục (1825 – 1899): Hiếu tự ca (1088 câu thơ song thất lục bát) ; Nữ tắc thường lễ (1016 câu thơ lục b) ; Nịch ái vong ân (440 câu)

7. Paulus Huỳnh Tịnh Của (1834 – 1907): Tác phẩm của ông có thể chia thành ba loại: Phiên âm, dịch các truyện, thơ Nôm sang chữ quốc ngữ; sáng tác và Biên khảo. Đáng chú ý là Đại Nam quấc âm tự vị,

8.Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898): Ông là nhà văn hóa (viết117 tác phẩm).

9. J. B. Nguyễn Trọng Quản (1865 – 1911). Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) được coi là mở đầu cho tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ.

GIAI ĐOẠN TỪ 1919 – 1975

Văn học Công giáo ở giai đoạn này đã phát triển rất mạnh, rất rộng cả về phẩm lẫn lượng được thể hiện trong các hoạt động sau: Báo chí, hình thành các nhóm bút. Các linh mục, giáo sư, vừa giảng dạy vừa viết sách; nhiều nhà in Công giáo xuất hiện

Các tác phẩm:
Dịch Kinh Thánh: các bản dịch từng phần và trọn bộ Kinh thánh, các sách chú giải, diễn nghĩa, các từ điển Kinh thánh có khoảng 50 tác phẩm
Sách Phụng vụ, giáo lý, kinh nguyện, tu đức.
Sách Thần học, triết học
Thư chung của hàng giáo phẩm: Từ năm 1900 đến 1975 có khoảng hơn 50 văn kiện, thư chung, thư luân lưu và thông cáo.
Giáo sử, Niên giám, Kỷ yếu, Lịch Công giáo.
Tự điển, từ điển, ngôn ngữ, Biên khảo văn học nghệ thuật, báo chí.
Truyện, ca, vãn, thơ, tuồng, kịch.

TRUYỆN:

Trong giai đoạn từ 1919 đến 1975 có tác giả và tác phẩm sau:

Gilbert Trần Chánh Chiếu (1867-1919): Hương cảng nhân vật (1909); tiền căn hậu báo (1914).

Jacques Lê Văn Đức (1887 – 1974): Hai chị em (1915).

Phạm Tất Cung, dịch tác phẩm Quo vadis?

Phêrô Nghĩa, tức linh mục Philipphê Lê Thiện Bá (1891 – 1981), Đôi bước lưu ly (1928); Mưa nắng mai chiều (1928); Cha giết con (1932), Nhị độ mai (1933), Biết ai thượng lưu (1942) đăng trên Nam kỳ địa phận (1928 – 1942).

Nữ sĩ Thụy An tức Lưu Thị Yến: Tiểu thuyết Một linh hồn (1940).

Cung Giũ Nguyên (1909 – 2008, gốc Hoa). Các tiểu thuyết Một người vô dụng, Ngàn đời nhớ Anh, Nung lửa thử vàng, Nửa gánh tang bồng (1928 – 1945).

Linh mục Nguyễn Duy Tôn (1919 – 1976) có 4 tiểu thuyết: Phú ninh quằn quại (1952); Hai trái cam máu (1953); Hai tâm hồn (1959); Bông huệ tươi (1959);

Nguyễn Duy Diễn (1920 – 1965) đã viết Những ngày đẫm máu (1953), tiểu thuyết đầu tiên về các thánh tử đạo.

Lm.Vũ Đình Trác (1927 – 2003) có Đời anh (1959).

Hà Châu có quyển Xóm giáo.

Nhìn chung mảng truyện Công giáo không nhiều lắm so với các thể loại khác như ca vãn hoặc thơ.

CA VÃN, THƠ:

Nhiều tác giả tên tuổi như: nhà thơ Mai Lão Bạng (1870–1942); Nguyễn Hữu Bài (1863–1935); Hồ Ngọc Cẩn (1876–1948), Nguyễn Văn Thích (1891–1979); Mai Lâm (1915– 1992), Tống Viết Toại (1875 –1958), Phạm Đình Tân (1913 –1992), Long Giang Tử (1920 –1990), Lê Thiện Bá (1891 –1981), Trần Văn Trang (1882 –1945), Nguyễn Bá Tòng (1868–1944) Nguyễn Ngọc Quang (1090–1990), Nguyễn Duy Diễn (1920–1965), Đỗ Đình (1909 –1970), Bùi Tuân (1913 –1966), Vũ Đức Trinh (1918–1964), Vũ Đình Trác (1927–2003), Nguyễn Xuân Văn (1922–2002), Hoàng Kim (1930 –1985), Hồ Dzếnh (1916 –1991), Bàng Bá Lân (1912 –1988).

Ngoài ra còn có Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, An Sơn Vị, Cao Vĩnh Phan, Xuân Ly Băng, Hoàng Diệp, Trương Đình Hòe, Mai Thành, Trăng Thập Tự, Đơn Phương, Nguyễn Tầm Thường, Lê Đình Bảng… là những người đã dùng thi ca như một lời kinh nguyện, đem Chúa đến cho mọi người bằng ngòi bút thi nhân của mình. Nổi bật nhất trong số này là Hàn Mặc Tử (1912 – 1940).

Tuồng kịch Tuồng Thương khó do JB Nguyễn Bá Tòng biên soạn và dàn dựng năm 1912, dài 150 trang ba lần tái bản, được coi vở kịch nói sớm nhất tại Việt Nam, lại còn được chuyển sang thể Opéra.

III. GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1975 TỚI 2019

Khoảng từ năm 1975 đến hết thế kỷ XX, Giáo hội Công giáo miền Nam rơi vào tình trạng bi đát. Phải tới thế kỷ XXI mới có được sự chuyển mình lạc quan. Có nhiều thành tựu ở các thể loại (nêu tác giả, tác phẩm):

Kinh thánh – Phúc âm diễn ca

Thơ ca Kinh thánh. Các tác giả : Giuse Đinh Cao Thuấn 3 tác phẩm; An Sơn Vị 2 tác phẩm, Trăng Thập Tự và Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng là những người đã ghi tên mình vào trong văn học Công giáo

Phụng vụ, giáo lý, kinh nguyện, tu đức

Thần học, Triết học

Tự điển

Báo chí

Vãn, thơ

Thể loại Vãn hầu như đã chết, Từ năm 1976 đến nay vẫn chỉ có một bài duy nhất, Trường ca Anrê Phú Yên, Trăng Thập Tự, 1976. Đã xuất hiện rất nhiều nhà thơ mới như Vũ Hoàng Chương, Phạm Câu Diên, Bách Huyền, Nguyễn Tầm Thường, Nhất Tuấn, Từ Khang Yến, Thanh Huệ, Xuân Thu, Hoàng Khánh, Lý Thụy Ý, Diệp Đình, Đình Quang, Minh Quân, Mai Thành, Minh Quân, Phanxicô, Cao Huy Hoàng, Lê Minh Bình Dương….

Truyện

Nguyễn Tầm Thường với cả chục tác phẩm; Nguyễn Đức Thông với 6 tác phẩm cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết; đặc biệt Song Nguyễn với 14 tác phẩm (truyện dài và các tập truyện ngắn)

Kết luận: Suốt 400 năm qua, ở đâu có người Công giáo, ở đó có văn học Công giáo, sử dụng chữ quốc ngữ để loan báo tin mừng, đối thoại với các tôn giáo khác. Hiện nay điều quan trọng cần đặt ra là làm thế nào để các trang mạng Công giáo ngày càng có giá trị Công giáo và văn học hơn.

NHỮNG VẤN ĐỀ

Nhà nghiên cứu VHCG++

Từ chuyên luận của TS-Lm Nguyễn Đức Thông tôi có một số suy nghĩ.Cần khẳng định văn chương Công giáo trong lịch sử văn chương dân tộc.

Các nhà nghiên cứu như Võ Long Tê, GS-Lm Thanh Lãng, GS Nguyễn Văn Trung, nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng, TS-Lm Nguyễn Đức Thông… đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, khảo sát đánh giá để có thể làm hiện lên diện mạo văn học Công giáo trong tiến trình lịch sử từ khi đạo Công giáo truyền vào Việt Nam đến nay. Phần lịch sử văn học này, trước đây do nhiều nguyên nhân, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam đã chưa quan tâm đầy đủ.

Các công trình nghiên cứu này cũng đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu cho những ai yêu mến văn học Công giáo và văn học dân tộc. Vì rằng, mới chỉ một Hàn Mặc tử được nghiên cứu sâu sắc. Những trí thức Công giáo như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký được nói đến nhiều là ở phương diện văn hóa hơn là văn chương. Còn lại hầu hết các tác giả khác được chưa được nghiên cứu cặn kẽ.

Dù vậy, với những gì đã làm được, các nhà nghiên cứu đều đã khẳng định văn chương Công giáo đem đến cho văn chương dân tộc những điều mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật.

Chẳng hạn, văn chương dân tộc thời trung đại đặt trên nền tảng tư tưởng Phật, Nho, Lão, dựa vào nguồn chất liệu văn chương cổ điển Trung Quốc (quan điểm văn chương, kiểu tư duy nghệ thuật, thể loại, điển tích, ngôn ngữ…); Văn chương Công giáo đem vào Thần học Công giáo, chất liệu Kinh Thánh, kiểu tư duy nghệ thuật từ Kinh thánh, Thánh vịnh và kiểu ngôn ngữ “nhà đạo”…

Kết thúc truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Nguyễn Du cho rằng nỗi thống khổ của Kiều là do trời (Thiên mệnh của Nho giáo). Ông giải quyết tư tưởng “tài mệnh tương đố” bằng chữ Tâm của Phật giáo (“Tâm tức Phật/ Phật tức tâm”), bởi vì Phật giáo là đạo cứu khổ. Ngôn ngữ của Nguyễn Du là ngôn ngữ tư tưởng (Thân, mệnh, nghiệp) pha trộn với ngôn ngữ bình dân (tài liền với tai).

Lm Felippe Do Rosario Bỉnh “Tìm thấy Câu rút” là tìm thấy Thánh giá; tìm thấy Ơn Cứu độ từ Chúa Con. Nội dung bài thơ là những tín niệm Thần học Thiên Chúa giáo, với ngôn ngữ “nhà đạo”, hoàn toàn mới so với tư tưởng của Nguyễn Du.

Một so sánh khác: Hình ảnh người phụ nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu và trong Inê tử đạo vãn (562 câu lục bát-khuyết danh) -in trong Dictionarium Latino-Anamiticum của Jean Louis Taberd. 1838.

Cả Thúy Kiều và Kiều Nguyệt Nga đều là nhân vật Trung Quốc (Kiều Nguyệt Nga là nhân vật do Nguyễn Đình Chiểu sáng tạo). Kiều sống vào thời “Gia Tĩnh triều Minh”. Kiều Nguyệt Nga sống thời Sở Vương (?-489 TCN). Cả hai được miêu tả theo nghệ thuật ước lệ. Thúy Kiều là thân phận nô lệ cam chịu (“Thoắt buôn về, thoắt bán đi/ Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”). Nguyệt Nga là người phụ nữ tiết hạnh (“Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”). Cả hai sinh trưởng một gia đình trung lưu, thuần thục Tam tòng, tứ đức, và là những nhân vật lý tưởng của Nho gia. Trái lại, Inê tử đạo là một phụ nữ Việt Nam bình thường, được viết bằng bút pháp hiện thực. Thời cấm đạo, bà bị bắt vào tù, bị đánh đập tra tấn, chồng con vào thăm khuyên bỏ đạo nhưng vẫn kiên quyết theo Chúa tới cùng. Đó là người phụ nữ trung liệt với đức tin. Lý tưởng của bà là Nước Trời. Inê trả lời quan tra xét:

“… Chúng tôi giữ đạo Chúa Cha nhơn từ
Thật đàng công chính chẳng tư…
Tôi đâu dám bỏ công phu ngãi người.
Mặc ông tha, giết hai lời
Tôi thà chịu chết cõi trời nên công
Giết tha thì mặc lượng ông
Kim thạch là lòng chẳng chậy mỗ phân.”

Rõ ràng Inê là nhân vật người phụ nữ mới trong văn học đương thời so với Thúy Kiều và Kiều Nguyệt Nga cả về nội dung tư tưởng và bút pháp.

Gs Nguyễn Văn Trung (Lục Châu Học) ghi nhận: “Chúng tôi tìm thấy trong số 4400 trang chữ nôm cuả Maiorica (đầu thế kỷ XVII) có 1675 trang chép Truyện Các Thánh, bản chép hiện giữ tại Thư viện Quốc gia Paris, và Thanh Lãng có bản chụp, rất nhiều chuyện đáp ứng trong chừng mức nào đó những tiêu chuẩn viết truyện bằng văn xuôi theo lối tây phương. Chẳng hạn có một truyện dài gần 30 trang rất giống Quan Âm Thị Kính”. GS Nguyễn Văn Trung cũng đã phân tích Truyện Thầy Lazarô Phiền chỉ ra nhữ đặc sắc lối viết tiểu thuyết phương tây của Nguyễn Trọng Quản, làm thay đổi cách viết của Hồ Biểu Chánh (Lục Châu học-Chương 2: Diễn tiến truyện văn xuôi quốc ngữ).

Và có lẽ nên đọc thêm những bài viết về thơ Hàn Mặc Tử của Hoài Thanh- Hoài Chân, Võ Long Tê, Thụy Khuyê, Đặng Tiến, Nguyễn Hữu Sơn, Lương Tú Tuấn…để thấy thơ văn Công giáo đem đến cho văn học dân tộc nhiều điều mới mẻ.
Nhiều vấn đề cần được nhận thức chuyên sâu hơn.
Hầu hết các tác giả nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam chưa xác lập được thế nào là “Nhà văn Công giáo”, thế nào là “tác phẩm văn chương Công giáo”. Vì thế mới đưa tất cả những người Công giáo cầm bút và tác phẩm của họ vào “lịch sử văn học Công giáo”. Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký là nhà văn hóa. 14 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, sách của Trương Vĩnh Ký, các bản dịch Kinh Thánh, sách kinh nguyện, sách tự điển, kể cả kỷ yếu, sách lịch, báo chí vv… không phải là “tác phẩm văn chương”, mà chỉ là văn hóa phẩm.

Vì không xác lập những đối tựng nghiên cứu cơ bản nên mới có mâu thuẫn. Tác giả, tác phẩm được liệt kê ra khá nhiều, nhưng tìm những tác phẩm văn chương đích thực như Truyện Thầy Lazaro Phiền và những nhà thơ như Hàn Mặc Tử thì rất hiếm; gọi tác giả nào đó là nhà thơ, nhà văn Công giáo đích thực thì ít người dám khẳng định.

Võ Long Tê và Lm Nguyễn Đức Thông có đặt vấn đề văn chương Công giáo, nhà văn Công giáo, nhưng ý kiến của các vị, về lý thuyết, tiếp cận được với chân lý của vấn đề, song trong thực tiễn nghiên cứu, các vị lại không áp dụng những tiêu chí của mình để nghiên cứu văn chương Công giáo. Cho nên các vị đưa cả sách tự điển, kỷ yếu, thư chung… vào mục “tác phẩm” văn học Công giáo, đưa những nhà văn hóa như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của vào danh sách “nhà văn” Công giáo. (Mặc dù GS Nguyễn Văn Trung cho biết: Trương Vĩnh Vĩnh Ký viết nhiều tác phẩm, nhưng có rất ít bài viết về Công giáo).

Võ Long Tê nói về sứ mạng của nhà văn Công giáo như sau: “nhà văn có sứ mạng truyền bá đức tin”. Nguyễn Đức Thông cũng một ý ấy: “Sứ mạng của văn sĩ Kitô giáo là truyền bá đức tin, sử dụng văn học làm công cụ thể hiện và truyền giảng đức tin Công giáo, diễn tả đức tin qua ngòi bút và nghệ thuật của mình.”

Nhà văn là những Linh mục Công giáo viết để “truyền bá đức tin” là điều tự nhiên, vì sứ vụ của Linh mục là rao giảng Tin Mừng. Nhưng người giáo dân sống giữa đời, ơn gọi của họ là trở nên “muối – men” cho đời. Họ “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, họ Phúc Âm hóa môi trường bằng chính đời sống của họ, và nếu viết tác phẩm văn chương, thì họ viết về chính môi trường của họ với diễn ngôn của nhân chứng Tin Mừng.

Thiết nghĩ, khi trở thành một công cụ thì văn chương đã đánh mất bản chất của mình. Bởi văn chương là nghệ thuật. Tức là sự sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ. Nhà văn là người sáng tạo cái đẹp bằng chữ, bằng lời (khác với nhạc sĩ sáng tạo cái đẹp bằng âm thanh, họa sĩ sáng tạo cái đẹp bằng màu sắc, đường nét..). Nhà văn sáng tạo những hình tượng đẹp, thể hiện những tư tưởng đẹp, tìm tòi những tứ thơ mới lạ, khai mở những cách diễn đạt mới… Thí dụ hình tượng Inê trong Inê tử đạo là một hình tượng mới, với vẻ đẹp mới, đó là hình tượng văn học (đã so sánh ở trên).

Cốt lõi của tác phẩm văn chương là tư tưởng, là thái độ diễn ngôn của tác giả, là giọng điệu và cách thể hiện. Nhà văn Công giáo hay tác phẩm văn chương Công giáo phải thể hiện tư tưởng của Kinh Thánh (tư tưởng Thần học, tư tưởng Nhân văn Công giáo). Thiếu điều này không thể được coi là văn chương Công giáo.

Tư tưởng sâu sắc nhất trong Kinh Thánh là tư tưởng Nhân văn Công gíao. Kinh Thánh nhìn Con người trong bản thể Thiên Chúa, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa…Thiên Chúa ban phúc lành cho họ..”(St 1, 27-28). Lòng yêu thương Con người làm điều răn quan trọng. Con người ở đây trước nhất là những con người nghèo khổ. “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3). Và kết thúc trong ngày cánh chung, Chúa cũng hướng về người nghèo khổ (Mt.25.35-40). Vì thế yêu thương Con người với tư cách Con người mang bản thể của Thiên Chúa, đó là cốt lõi của tư tưởng Nhân văn Công giáo. Đức Giêsu dạy : …”ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt.22.37-39).

Như vậy để nhận ra một tác phẩm văn chương có mang “tính Công giáo” hay không, thì cốt lõi của tác phẩm phải là tư tưởng Nhân văn Công giáo, tất nhiên còn cần phải xét đến thái độ diễn ngôn của tác giả và cả nghệ thuật thể hiện nữa.

Trong thực tiễn đời sống văn chương, nhiều tác phẩm lấy đề tài Công giáo, miêu tả sinh hoạt của các tu sĩ, linh mục, giáo dân Công giáo, nhưng tư tưởng của tác phẩm chống lại Công giáo. Có những tác phẩm đã từng bị Giáo hội cấm. Chẳng hạn: Nhà thờ Đức Bà Paris của V. Hugo, Những con chim ẩn mình chờ chết của Colleen McCulough. Mật mã Davinci của Dan Brown; Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis, Bão biển của Chu Văn, Cha và Con và của Nguyễn Khải…

Vì thế các nhà nghiên cứu cần xác lập cho được nội hàm “Nhà văn Công giáo”, “Văn chương Công giáo” thì việc nghiên cứu mới có thể thấu đáo.

Hơn nữa cần có một “cơ chế” xác định tác giả nào là nhà văn Công giáo. Về âm nhạc có Ban Thánh nhạc, về Mỹ thuật có Ban Nghệ thuật thánh nhưng không có Ban Văn học Công giáo. Người viết văn làm thơ Công giáo hoàn toàn là tự phát, đơn độc.
Nội hàm của “Lịch sử văn học Công giáo” chưa chuẩn. Các công trình nghiên cứu mới chỉ đưa ra cái nhìn lịch sử về văn học Công giáo, chứ chưa khẳng định được “Lịch sử văn học Công giáo”.

Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Lịch sử văn học là dòng chảy của những trào lưu văn học, sự kế tiếp nhau của các kiểu tư duy nghệ thuật, sự xuất hiện những tác giả mới tác phẩm mới tạo nên một diện mạo mới, một thời kỳ mới khác hẳn với thời kỳ trước đó. Điều này chưa được làm rõ trong phân lỳ lịch sử văn học Công giáo. Nói cách khác, lịch sử văn học vận động bằng chính những yếu tố nội tại của nó, đặc biệt về tư tưởng và kiểu tư duy nghệ thuật.

Chẳng hạn văn học Việt Nam giai đọan từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX (1740-1858) hoàn toàn khác với giai đọan trước đó và sau đó. Ở giai đọan này, về tư tưởng, chủ nghĩa nhân đạo là dòng văn học chính. Về nghệ thuật, nhiểu thể loại văn học mới xuất hiện: truyện thơ nôm và khúc ngâm (truyện Kiều, Chinh Phụ ngâm), Ký sự (Thượng Kinh ký sự), Tuỳ bút (Vũ trung tùy bút), Tiểu thuyết lịch sử (Hoàng Lê nhất thống chí). Nhân vật người phụ nữ được tập chú thể hiện. Giai đoạn sau (Từ 1858 đến đầu thế kỷ XX) văn học Việt Nam chuyển hẳn sang văn học yêu nước chống Pháp với quan niệm văn chương chiến đấu (Nguyễn Đình Chiểu)…

Các công trình “Lịch sử văn học Công giáo” chưa xác lập rõ các thời kỳ phát triển của văn học Công giáo. Thí dụ. TS-Lm. Nguyễn Đức Thông xác lập một thời kỳ dài từ 1919 đến 1975 không căn cứ trên một tiêu chí phân kỳ khoa học nào. Nếu lấy văn học Công giáo viết bằng chữ Quốc Ngữ thì phải tính từ Lm. Felippe Do Rosario Bỉnh (ít nhất là từ 1822). Nếu lấy theo nội dung văn học Công giáo, thí dụ về hạnh các thánh thì phải kể từ Majorica (năm 1634 ông soạn tiểu sử thánh Inhatiô, các bà thánh Đôrotê, Bacbara, Lutia, Agnès, Agata, Xébastianô, các thánh Faustin và Jovite Job, và nhiều vị thánh khác), hoặc Sấm Truyền Ca của Lữ Y Doãn (1613 – 1678), vì từ đó cho đến nay (2019) việc diễn ca Kinh Thánh vẫn là một dòng chảy của văn chương Công giáo, không có sự vận động nào khác về tư tưởng và kiểu tư duy nghệ thuật.

Trong khi đó, giai đoạn từ 1919 đến 1975 văn học dân tộc đã vận động qua nhiều kiểu tư duy nghệ thuật và tiếp cận được với văn học thế giới. Từ văn chương cổ điển (đầu thế kỷ XX) sang văn chương Lãng mạn, Tượng trưng, Siêu thực, văn chương Hiện thực phê phán (1930-1945), văn chương Hiện thực xã hội chủ nghĩa (1945-1975) với những kiểu sáng tác đặc trưng và nhiều thế hệ tác giả tiêu biểu.

Văn chương Công giáo không có sự vận động nghệ thuật này (ngoại trừ Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản và thơ Hàn Mặc Tử). Văn chương Công giáo Việt Nam chưa có một hệ thống mỹ học riêng, chưa có hệ thống lý thuyết văn học riêng, chưa hình thành các trường phái, trào lưu như văn học thế tục (thí dụ Mỹ học Thiền, Chủ nghĩa Lãng mạn, Chủ nghĩa Hiện thực phê phán, Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo…). Chính ở đặc điểm này, chúng ta chỉ có thể nói các công trình đã nghiên cứu về lịch sử văn học Công giáo là “cái nhìn lịch sử về văn chương Công giáo” mà chưa khẳng định được “Lịch sử văn chương Công giáo”.

Đây chính là trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu. Lm. Giuse Trương Đình Hiền trong “Tọa đàm-thơ-Nhạc phát huy văn học nghệ thuật Anrê Phú Yên” tại Trung tâm Mục vụ Tổng hợp Anrê Phú Yên, giáo xứ Tuy Hòa. Tác giả đã đặt vấn đề “Có hay không một truyền thống văn học Công giáo tại Việt Nam?”
Cần đối chiếu với lịch sử văn học dân tộc khi xem xét đánh giá văn học Công giáo. Văn chương nghệ thuật là một thành tố của văn hóa cộng đồng. Nó quan hệ trực tiếp với các thành tố khác như ngôn ngữ, tư tưởng, chính trị, lịch sử, phong tục, tập quán, lối sống vv…Vì thế không thể tách rời văn chương Công giáo với lịch sử dân tộc, văn học dân tộc. Chỉ khi định vị được văn chương Công giáo ở đâu trong lịch sử dân tộc, trong văn chương dân tộc, trong lúc ấy mới có thể xóa được định kiến văn chương Công giáo đứng ngoài văn chương dân tộc. Bằng chứng là việc nghiên cứu văn chương Công giáo đã không được các nhà nghiên cứu văn chương dân tộc quan tâm.

Xin thử đối chiếu văn chương Công giáo và văn chương dân tộc ở chặng đường thế kỷ XVI-XVII:



Nhìn vào bảng so sánh trên, ta nhận ra nhiều điều.

Văn chương Công giáo phát triển song song với văn chương dân tộc. Sấm Truyền Ca (3596 câu thơ lục bát) của Lữ Y Doan đồng thời với Thiên Nam Ngữ lục (8.136 câu thơ lục bát) và trước Đoạn trường tân thanh (3254 câu lục bát) của Nguyễn Du, Đại Nam quốc sử diễn ca (1887 câu lục bát).

Văn chương quốc ngữ Công giáo đi trước văn chương quốc ngữ dân tộc khá xa. Thí dụ, cuốn Sách sổ sang chép các việc của Lm Felippe Do Rosario Bỉnh được viết năm 1822, trong khi đó Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn sáng tác bằng chữ Nôm.

Văn học dân tộc phát triển đỉnh cao tư tưởng và nghệ thuật ở nhiều thể loại như: Diễn ca lịch sử (Thiên Nam ngữ lục), Truyện văn xuôi chữ Hán (Truyền kỳ mạn lục), Truyện thơ Nôm (Đoạn trường tân thanh), Tùy Bút (Vũ trung tùy bút), Ký sự (Thượng kinh ký sự), Hát nói (Nguyễn Công Trứ), trong khi văn chương Công giáo không có tác phẩm đỉnh cao nào cả về tư tưởng và nghệ thuật, ngoại trừ Sấm Truyền Ca (3596 câu thơ lục bát).

Văn chương dân tộc phản ánh khá rõ hiện thực lịch sử dân tộc (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyền kỳ mạn lục, Thượng Kinh Ký sự, Vũ trung tùy bút, Hoàng Lê Nhất thống chí…), còn văn chương Công giáo chỉ thấp thoáng phản ánh hiện thực của người Công giáo. Thí dụ các sáng tác của Lm Đặng Đức Tuấn: Việt Nam giáo sử diễn ca, Văn tế giáo dân tử nạn, Văn tế các Đẳng linh hồn, Giáo nạn trong quốc biến…

Hai dòng chảy chính của văn học dân tộc trong suốt lịch sử là Văn chương Nhân đạo chủ nghĩa và Văn chương yêu nước. Sẽ rất khó tìm được một nhà văn, nhà thơ Công giáo cùng với tác phẩm của họ trong hai dòng chảy này (ngoại trừ Hàn Mặc Tử. Người ta ca ngợi Hàn Mặc Tử vì thơ của ông đóng góp cho sự phát triển của thơ ca dân tộc, chứ không ca ngợi ông là nhà thơ Công giáo). Theo Gs Nguyễn Văn Trung (Lục Châu học), thơ của thánh Phan Văn Minh (Phi năng thi tập, Vịnh Evang), có 4 bài đặc biệt tố cáo Pháp lợi dụng đạo Thiên Chúa để xâm chiếm Việt Nam. Đó là một chi tiết hiếm hoi. Chúng ta có nhiều trí thức Công giáo có tinh thần dân tộc, song nhà văn nhà thơ Công giáo mà tác phẩm của họ chung giòng với văn học dân tộc thì còn hiếm. Chính điều này đã tạo ra định kiến rằng văn học Công giáo đứng bên lề văn học dân tộc, hoặc xa lạ với văn học dân tộc. Không biết đến bao giờ văn chương Công giáo mới hội nhập được với văn chương dân tộc?
Cần có cái nhìn lịch sử dựa trên lập trường của Giáo hội và tinh thần dân tộc khi đánh giá các tác giả văn học Công giáo. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Lữ-y Đoan chứng tỏ giới linh mục, tu sĩ thời đó có tinh thần độc lập, tự chủ, tự hào về văn hóa Việt Nam”. Ông kết luận “Tóm một chữ, người công giáo Việt-Nam, các giáo dân cũng như các văn-nghệ sĩ, đã và luôn sống đạo với tinh thần dân-tộc; riêng các vị sau đã sáng tác, làm văn-chương và đã thể hiện đức tin một cách chân thành và sâu sắc qua tác-phẩm”[1]. Vì thế, giới nghiên cứu chú ý đến trước tác của các tác giả yêu nước gắn bó với dân tộc như thánh Phan Văn Minh, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn. Lm Đặng Đức Tuấn được gọi là là “một trang quốc sĩ”; “Những di thảo của Linh mục Đặng Đức Tuấn để lại cho thấy tinh thần yêu nước của một người Công giáo Việt Nam, biết kết hợp hai lý tưởng Thiên Chúa và Tổ quốc”[2] ; và cũng dễ hiểu khi có những ý kiến phản đối A.Rhodes về những thành kiến của ông với Phật giáo, với việc thờ cúng tổ tiên của người Việt (Phép giảng tám ngày). Cũng vậy, có nhiều ý kiến trái ngược về hoạt động của Trương Vĩnh Ký[3], về Lm. Trần Lục [4]…
Hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện văn chương Công giáo đương đại. Lác đác có một vài bài giới thiệu riêng lẻ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh có giới thiệu được “Đôi nét về văn học Công giáo”[đd]. Ông nhắc đến các tác giả văn xuôi đương đại như: Thụy An Hoàng Dân, Nguyễn Thạch Kiên, Nguyễn Duy Diễn, Lm Petrus Vũ Đình Trác, Bùi Hoàng Thư, Hà Thúc Sinh, Quyên Di, Đường Phượng bay; các tác giả thơ: Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Lm Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, Hàn Mặc Tử, Quách Thoại, Phạm Đình Tân, Lm Vũ Đức Trinh, Đức ông Xuân Ly Băng, Lm. Trăng Thập Tự, Lm. Nguyễn Tầm Thường, Lệ Khánh, Trần Vạn Giã, Cao Huy Hoàng.

Do đâu có tình trạng này?

Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng cũng tự xác nhận: “Chúng tôi chỉ biết chắc họ là những ngưởi Công giáo Việt Nam cầm bút, viết truyện. Còn nội dung tác phẩm có tính Công giáo hay không, vì chưa đủ tư liệu chính xác, xin đón nhận ý kiến bổ sung” [5] Có lẽ phải chờ nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu kế tiếp.

Một phần vì chưa xác định được ai là nhà văn Công giáo đích thực, tức là người sáng tạo cái đẹp bằng ngôn ngữ, có tư tưởng thẩm mỹ riêng, có cốt cách văn chương riêng, và tác phẩm gây được ảnh hưởng với cộng đồng; một phần vì Giáo hội chưa đặt hoạt động văn học thành Mục vụ văn hóa và có những hoạt động hỗ trợ, nên các tác giả chỉ làm việc riêng lẻ, tự phát.

Văn chương Công giáo đương đại có những khuôn mặt rất đáng được nghiên cứu, bởi sáng tác của họ đã có những bước chuyển rất khác so với trước kia. Chẳng hạn, thơ của Xuân Ly Băng, thơ Lê Đình Bảng, thơ Trăng Thập Tự, truyện dài của Song Nguyễn… 14 tập truyện của Song Nguyễn (gồm truyện dài và tuyện ngắn)[6] phản ánh sử thi về cuộc sống người Công giáo Việt Nam suốt từ trước 1945 đến trước đổi mới (1986), xây dựng được hình tượng người Mục tử hết lòng vì đoàn chiên trong những biến động lớn lao của lịch sử. Có lẽ trước đây chưa tác giả Công giáo nào đạt được những chiều kích văn chương như thế.

Văn học Việt Nam đương đại cũng có một số tác phẩm sử dụng yếu tố tâm linh tôn giáo, trong đó có Thiên Chúa giáo như Cơ Hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, Đêm thánh vô cùng của Sương Nguyệt Minh, Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, Dưới cái cây ánh sáng của Nguyễn Quang Thiều (một bài ca tráng lệ về con người hiện sinh khi tác giả chiêm ngắm cây Thánh giá) … Tuy nhiên cũng chưa có nhà nghiên cứu Công giáo nào xem xét yếu tố tâm linh Thiên Chúa giáo được các tác giả khai thác như thế nào và hướng đến mục đích gì? Khác thế nào với Bão biển của Chu Văn, Cha và Con và của Nguyễn Khải trước kia?

Nhà văn Công giáo hôm nay viết gì?

Thử đọc Thuật tích việc nước Nam xem Lm. Đặng Đức Tuấn viết những gì?[7] Phần thứ nhất ngài kể lịch sử truyền đạo Công giáo ở Việt Nam từ khi người Bồ Đào Nha đến truyền giáo dưới triều Lê Vĩnh Tộ, đến khi người Pháp nhận việc truyền giáo ở Việt Nam vào thời Cảnh Hưng, kể việc giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh, kể các cuộc cấm đạo Minh Mệnh thứ 13 (1832), Thiệu Trị thứ 7 (1847), Tự Đức thứ 9 (1856), Tự Đức thứ 11 (1858). Những cuộc cấm đạo đó đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho giáo dân. Tác giả cũng kể lại tên các giáo sĩ, giáo dân đã tử vì đạo với những lời thương xót và ca ngợi. Phần thứ hai, Linh mục Đặng Đức Tuấn tự thuật về cuộc đời mình, từ khi ông bị bắt cho đến khi được thả. Năm 1862, ông bị bắt bị tra tấn đến nỗi không tự đi được nhưng vẫn không thay đổi lập trường. Rồi ông được mời vào Huế, ra mắt Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Vua ra lệnh xét hỏi ông về hai việc: Về văn nguyên đạo Gia Tô và về duyên cớ hành động của quân Pháp. Sau đó ông yêu cầu làm tờ trình lên vua, được cử làm phái viên phụ tá hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký Hiệp ước 1862. Phần cuối ông kể về cuộc thương lượng và ký kết. Xong việc ông trở về Huế. Các giáo dân bị bắt dần dần được tha và Linh mục trở về quê.

Lại đọc thơ Hàn Mặc Tử xem nhà thơ viết những gì? Hoài Thanh-Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam thuật lại [8]: Gái Quê tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Hương thơm: Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu. Mật đắng: Ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồng sáng lạ chói cả mắt. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Máu cuồng và Hồn điên: Ta thấy những gì chung quanh ta? Trăng, toàn trăng. Xuân như ý: mùa xuân Hàn Mạc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với chúa Jésus, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm… đầy dẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Thượng thanh khí ghi lại những cảnh đã thấy trong chiêm bao, ở đâu giữa khoảng các vì tinh tú trên kia …

Sau khi ghi lại nội dung các tập thơ của Hàn Mặc Tử, Hoài Thành-Hoài Chân cảm nhận: “Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ thời thượng cổ…thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ”.

Tôi vừa dẫn hai tác giả văn chương Công giáo để khảo sát xem nhà văn nhà thơ Công giáo viết những gì, viết như thế nào và viết để làm gì; đồng thời xem hiệu quả văn chương với đời sống.

Có thể nhận thấy ở 2 tác giả trên, phạm vi đề tài, nội dung rất rộng và rất phong phú. Từ những trải nghiệm cá nhân đến những sự kiện và sự vận động của thời đại và lịch sử lớn lao; từ hiện thực vươn lên thế giới siêu thực, từ những đau khổ hiện sinh đạt đến cõi tâm linh cao rộng. Những gì Lm Đặng Đức Tuấn miêu tả về lịch sử thời đại mình có cả những điều mà hôm nay gọi là những vấn đề “nhạy cảm”. Qua đó thể hiện một thái độ sống đạo hết sự trung thực và “dũng cảm”, một lòng tin kiên trung và trình độ nhận thức mang tầm vóc thời đại. Khi được xét hỏi về 2 việc: Về văn nguyên đạo Gia Tô và về duyên cớ hành động của quân Pháp, Lm Đặng Đức Tuấn nói về đạo:

“Đạo dạy thờ Chúa linh thiềng
Dựng nên trời đất cầm quyền tử sinh
Hễ người thời có tính linh
Giữ lối đạo chính trường sinh cõi trời
Đạo dạy thờ vua dưới trời
Vì vua thay mặt chúa trời trị dân
Đạo dạy thảo kính sinh thân
Cù lao báo nghĩa tư cần đền ơn
Đấy là ba đấng trọng hơn
Hội ra quân phụ có quyền khác nhau.
Nói vể giặc Pháp:
“Như giặc bởi nước Rô Ma
Thì tôi cam chịu đạo qua phá rầy
Vốn nay chẳng phải làm vây
Lãng Sa nước khác đến gây chiến trường
Giặc này tôi chẳng biết tường
Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh
Vậy nên gây cuộc chiến tranh
Nói đi giảng đạo hoành hành lao niên…”

Ta hiểu được tại sao Lm Đặng Đức Tuấn đang từ thân tù tội lại thuyết phục được vua quan nhà Nguyễn, và được mời tham gia phái đoàn thương thuyết của Phan Thanh Giản.

Còn đối với Hàn Mặc Tử, trải nghiệm đau thương giúp nhà thơ nhận ra điều kỳ diệu mà người đời thường không thể tiếp cận được. “Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để ban ơn phước cho cả thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng – sao lại há miệng? – cho thơ trào ra, làm chín từng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao…Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. “[Hoài Thanh-Hoài Chân-đd]

Nếu nhà thơ nhà văn Công giáo hôm nay chỉ quanh quẩn trong những tâm tình cá nhân thì không biết bao giờ mới theo được Lm Đặng Đức Tuấn và Hàn Mặc Tử!

Trong Kinh Thánh, Đức Giêsu kể rất nhiều dụ ngôn. Thực chất đó là những truyện ngắn giàu ý nghĩa tư tưởng, và nghệ thuật, có sức khai mở tâm linh. Xin đọc dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc.10.29-37), Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32), dụ ngôn về ông nhà giàu và ông Lazarô nghèo (Luc. 16, 19-31)…

Học tập Thầy Giêsu, học tập Kinh Thánh, nhà văn Công giáo có thể viết về mọi đề tài, mọi vấn đề, viết về mọi cảnh ngộ, về mọi kiếp người, chỉ với một điều kiện, ngòi bút phải được soi dẫn bằng ánh sáng Kinh Thánh (tư tưởng Thần học và tư tưởng Nhân văn Công giáo). Nhà văn lăn vào đời sống để sống và viết, như Đức Giêsu nhập thể làm người, ở giữa mọi người, lên tiếng về mọi vấn đề, sẻ chia mọi nỗi niềm, nhận lấy Thập giá gánh tội cho nhân loại.

Đã có những tiếng nói đầy nhiệt thành với hoạt động văn học Công giáo, song chưa có sự đồng vọng. Trong đêm thơ “Trăng Thập Tự – Thơ và Nguồn Đạo” được tổ chức tại Hoa Viên Hiệp Nhất, Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Q. 3, Sài Gòn, tối Thứ Ba, 16-5-2006, nhà thơ-Lm Trăng Thập Tự chia sẻ rằng có một “lỗ hổng về sáng tác văn học nghệ thuật trong lòng Giáo Hội Việt Nam”; rằng “Trên trang mạng Việt Nam Thư Quán, có khoảng 420 tác giả thơ, trong đó phía Công Giáo chỉ một người duy nhất có mặt là Hàn Mặc Tử.”; và bày tỏ sự lo lắng: “Chúng con mong tìm được nhiều khuôn mặt trẻ quan tâm tới văn học nghệ thuật Công Giáo, nhưng không biết hỏi ở đâu”.

Nhà thơ-Lm Trăng Thập Tự có những đề xuất hết sức tâm huyết. Chẳng hạn: “Đã có Năm Truyền Giáo, Năm Thánh Thể, Năm Lời Chúa, có lẽ rồi chúng ta phải thỉnh cầu HĐGMVN phát động một số năm mục vụ liên quan đến văn hoá, chẳng hạn về Văn Học Nghệ Thuật;… vận động HĐGMVN thực hiện một Giải Văn Học Nghệ Thuật… Tuy nhiên, chẳng hy vọng gì sáng kiến được quan tâm”.

Quả thật, từ 2006 đến nay tình hình hoạt động văn học nghệ thuật Công giáo chưa có gì khởi sắc ngoài những nỗ lực riêng của một vài giáo phận. Đó là các giải thưởng văn học của Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn (Giải Viết văn đường trường…), Giải Văn hóa Nghệ thuật Đất Mới của Ban Văn hóa giáo phận Xuân Lộc,… bước đầu tạo sự gặp gỡ, chia sẻ, tạo môi trường sáng tác cho người cầm bút Công giáo hiện nay.

MỘT HƯỚNG NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Muốn có một nền văn học, nhất thiết phải có tác giả, tác phẩm. Khát vọng và hoạt động văn học nghệ thuật của nhà thơ-Lm Trăng Thập Tự cần được phát huy. Tức là cần tổ chức các giải thưởng văn học để phát hiện các tài năng và bồi dưỡng các tài năng trẻ làm vốn cho tương lai. Các giải thưởng của Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn và Ban Văn hóa giáo phận Xuân Lộc đã phát hiện được nhiều cây bút có tiềm năng, và những tác phẩm có giá trị (thí dụ tiểu thuyết Ôi tội hồng phúc của Têrêxa Nguyễn Phương Thảo-Canada) nhưng làm thế nào để những cây bút này trở thành nhà thơ, nhà văn Công giáo như, Nguyễn Trọng Quản, Hàn Mặc Tử, viết được những tác phẩm “giải độc” được Mật mã Davinci (Dan Brown), Những con chim ẩn mình chờ chết (Colleen McCulough)…; làm thế nào để có được một nền văn học Công giáo góp phần làm phát triển văn học dân tộc (như thơ Thiền Lý-Trần), và làm thế nào để có nhiều trí thức Công giáo có những công trình nghiên cứu giá tri như của Gs Thanh Lãng, Gs Nguyễn Văn Trung, nhà nghiên cứu Võ Long Tê Lê Đình Bảng, Lm Nguyễn Đức Thông…

Còn cần rất nhiều sự hỗ trợ của Giáo hội.

Trong việc nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo còn cần rất nhiều nỗ lực về sưu tầm, dịch thuật in ấn tài liệu cả trong nước và ở ngoài nước. Người đọc Công giáo hôm nay chưa tiếp cận được với các tác phẩm của Majoria, của Lm. Felippe Do Rosario Bỉnh.. ngay cả đến nhưng tác phẩm đương đại (thơ Xuân Ly Băng, thơ Lê Đình Bảng, thơ Trăng Thập tự..) cũng không dễ tìm. Thư viện Công giáo cần có đủ các tác phẩm của các tác giả Công giáo. Hiện thư viên Mân Côi Bùi Chu (thuvienmcbc.org), Thư viện Công giáo Việt Nam (thuvienconggiaovietnam.net) …chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu. Làm thế nào để chuyển được kho tư liệu văn học Công giáo ở các thư viện Roma, Paris… thành thư viện điện tử để tất cả những ai yêu mến nghiên cứu văn học Công giáo có thể tiếp cận được…

Dù vậy, chân trời nghiên cứu văn học Công giáo đã mở ra, và chúng ta hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều thế hệ tiếp bước các nhà nghiên cứu đi trước.

Tháng 01/ 5/ 2020

_______________

[1] Nguyễn Vy Khanh-Đôi nét về văn học Công giáo


[2] Linh mục Đặng Đức Tuấn và cuốn sách Thuật tích việc nước Nam-Vũ Thu Hà & Nguyễn Ngọc Quỳnh-Viện nghiên cứu tôn giáo–http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=496&Catid=225

[3]Vũ Ngự Chiêu-Vài tư liệu mới về petrus Key (Trương Vĩnh Ký): Thư ra mắt Ðại Nguyên Soái (Grand Chef) Pháp: “Tháng 3/1859, Petrus Key viết thư ra mắt Ðại Nguyên Soái (Grand Chef) Pháp, van nài hạm đội Pháp hãy tấn công ngay các thành trì miền Nam để giải phóng giáo dân Ki-tô và dân tộc Việt dưới ách cai trị chuyên chế, bạc đãi giáo dân của nhà Nguyễn”

[4] Lm Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm. Mục 8: Giám mục Puy-gi-niê. Nxb Trẻ 1978

[5] Lê Đình Bảng-Văn học Công giáo Việt Nam-Những ch8a5ng đường. Nxb Tự điển Bách Khoa 2010. Tr.317

[6] Những tác phẩm đã in của Song Nguyễn:
Một Đời Dâng Hiến, truyện dài,Nxb Tôn Giáo. 2009
Đất Mới, truyện dài 3 tập. Nxb Tôn Giáo. 2009
Đồng Hành, truyện dài, Nxb Tôn Giáo. 2010
Định Hướng, truyện dài. Nxb Tôn Giáo. 2011
Chuyến Xe Về Trời, tập truyện ngắn 1 Nxb Tôn Giáo. 2011
Còn Một Niềm Tin, tập truyện ngắn2. Nxb Tôn Giáo. 2011
Suối Nguồn, tập truyện ngắn 3. Nxb Tôn Giáo. 2011
Người Cha Hiền, tập truyện ngắn 4. Nxb Tôn Giáo. 2012
Những Người Mẹ, tập truyện ngắn 5. Nxb Tôn Giáo. 2012
Chỉnh Hướng, truyện dài, Nxb Tôn Giáo, 2013
Đồng Cỏ Xanh (truyện dài, Nxb Tôn Giáo, 2013)
Tiếng Kêu, truyện dài. Nxb Phương Đông 2014
Vì sao sáng, truyện dài. Nxb Tôn giáo 2015
Đường lên Núi Cúi. Nxb Tôn giáo. 2019

[7] dẫn theo Vũ Thu Hà & Nguyễn Ngọc Quỳnh-Viện nghiên cứu tôn giáo–


[8] Hoài Thanh Hoài Chân viết về Hàn Mặc Tử