Bài học Đức Tin nhân lễ kính Thánh Tôma Tông đồ - Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Lan Mary
Tôma là người Do thái, miền Galilê, sống nghề chài lưới, Chúa Giêsu đã chọn Ngài vào số mười hai tông đồ, và Ngài đã từ bỏ mọi sự để chỉ còn thuộc về thầy chí thánh mà thôi. Tôma tỏ ra đơn sơ, nhiệt thành và tận tụy. Khi Lazarô chết các tông đồ run sợ vì thấy Chúa Giêsu về Giêrusalem, nơi các tông đồ biết rõ là bọn biệt phái đang tìm cách giết Người. NGUỒN:

Phần I: Ý nghĩa


Tin là nghĩ về người hay sự kiện là có thật qua uy tín và tư cách đạo đức của họ mà ta tin tưởng và kỳ vọng.
Theo ngũ thường Đông Phương gồm: Nhân- Nghĩa- Lễ- Trí- Tín trong đó chữ TÍN đóng phần quan trọng vì ràng buộc với 4 chữ kia:

-Người có lòng nhân hậu dễ được người khác tin tưởng.

-Nghĩa là cách xử thế tốt đẹp người với người và được mọi người tin yêu.

-Lễ là cách hành xử lễ phép theo văn hóa và truyền thống đạo đức, được người khác kính trọng và tín nhiệm.

-Người có Trí mà không có Tín chưa phải là người hoàn hảo, chưa đủ để tin tưởng giao nhận trọng trách.

-Có tin tưởng người mới giao phó trách nhiệm, vì nghĩ rằng người đó sẽ giữ đúng lời hứa.

(Như thế giữa chữ TIN và TÍN mang ý nghĩa hòa hợp. Vì vậy cha ông chúng ta đã TIN vào Đấng Tạo Hóa- Thượng Đế-Thiên Chúa, sắp đặt và điều khiển vũ trụ cùng muôn loài nên gọi là Ông Trời và TÍN thác mọi sự cho Ngài).

-Trong Kitô giáo chữ TIN còn có ý nghĩa cao trọng hơn như: Đức Tin- Tin Mừng- Tín Hữu- Tín Điều.

Chữ Tin trong ca dao tục ngữ:
-Người sao một hẹn thì nên,
Người sao chín hẹn thì quên cả mười.

-Nói chín thì phải làm mười,
Nói mười làm chín kể cười người chê.

-Nói rồi phải giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

-Một lần bất tín, vạn lần bất tin.

-Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy,

-Quân tử nhất ngôn.

-Chữ tín quý hơn vàng.

-Người trung thực luôn lấy chữ tín làm đầu...


Danh ngôn về chữ Tin:



ừng bao giờ hứa nhiều hơn bạn có thể làm
(Publitius Syrus)

-Người không có chữ tín chẳng làm chi nên việc. (Khổng Tử)

-Trên đời có hai loại người thất tín: Một là kẻ có uy thế tuyệt đối - Hai là người cùng quẫn (Ngạn ngữ Phương Đông)

-Những người chậm chạp khi đưa ra lời hứa, lại là những người trung thành nhất với việc thực hiện lời hứa. (Jean Rousse)

-Tôi tin tưởng mọi người. Tôi chỉ không tin ác quỉ trong họ. (Troy Martin)

-Người can đảm cũng luôn đầy tin tưởng. (Marcus Cicero)

-Người không có niềm tin vào người khác, cũng coi như đã chết. (Jahann Goethe)

-Niềm tin cũng như tấm gương, khi đã vỡ không bao giờ gắn lại được như trước. (Vô danh)

-Người mất uy tín sẽ không làm được gì cả. (Ngạn ngữ Hàn quốc)

-Ai cũng biết người không tin tưởng chính bản thân mình, sẽ chẳng bao giờ tin người khác. (Alfred Adler)

-Người ảnh hưởng tới bạn là người tin vào bạn. (Henry Dummond)

-Chia sẻ với bạn đời là bảo đảm cho hạnh phúc. (Khuyết danh)

-Nếu người ta thích bạn, người ta sẽ lắng nghe bạn. Nhưng nếu người ta tin tưởng bạn sẽ cộng tác với bạn. (zig ziglar)

-Tin yêu với những ai hy vọng- Vẫn hy vọng dù đã bị phản bội- Vẫn yêu thương dù đã bị tổn thương. (Vô danh)


Phần II: Phúc thay những người không thấy mà tin


THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ
(Lễ kính 3/7/2022)

Tôma là người Do thái, miền Galilê, sống nghề chài lưới, Chúa Giêsu đã chọn Ngài vào số mười hai tông đồ, và Ngài đã từ bỏ mọi sự để chỉ còn thuộc về thầy chí thánh mà thôi. Tôma tỏ ra đơn sơ, nhiệt thành và tận tụy. Khi Lazarô chết các tông đồ run sợ vì thấy Chúa Giêsu về Giêrusalem, nơi các tông đồ biết rõ là bọn biệt phái đang tìm cách giết Người.

Các tông đồ ngăn cản: - Thưa Thầy, vừa đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy mà Thầy lại qua đó nữa sao ?

Nhưng Tôma trung tín và có phần bi quan. Ông góp ý: - Cả chúng ta nữa, hãy đi qua để chết với Ngài (Ga 11, 8-16)

Trong cuộc đàm thoại trước khi Chúa chịu tử nạn, Chúa Giêsu tìm cách an ủi các tông đồ. Ngài nói: - Lòng các con xao xuyến... Ta đi dọn chỗ cho các con, và Ta đi đâu, các con biết đường rồi.

Tôma thưa lại với nhiệt tình muốn theo Chúa: - Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao mà biết đường ?

Và Chúa Giêsu đã trả lời ông: - Đường, sự thật và sự sống chính là Ta (Ga 14,1-6)

Rồi biến cố khổ nạn xảy ra. Đoàn ngũ tông đồ tan tác. Tội nghiệp Tôma: ông đã không cùng "chết với Ngài" (!). Trái lại, khi Chúa Giêsu sống lại và hiện ra với các bạn khác, có lẽ Tôma còn đang ôm đầu than khóc cho nỗi cay đắng.

Nghe các bạn nhiệt thành làm chứng rằng: Chúa đã sống lại, sự cứng tin được biểu lộ bằng sự bực bội: - Nếu nơi tay Người, tôi không thấy các dấu đinh, và tay tôi tra vào lỗ đinh, cùng tra bàn tay tôi vào cạnh sườn Người tôi không tin.

-Tiếp sau là một tuần buồn thảm. Đơn độc đối với Tôma trong khi các bạn ông hạnh phúc. Chỉ có một mình Chúa Giêsu có thể thuyết phục nổi Tôma thôi. Tám ngày sau lần hiện ra trước, Chúa Giêsu lại đến, lần này có Tôma. Chúa Giêsu thân ái nói với ông: - Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta, hãy đem tay ngươi tra vào cạnh sườn Ta và đừng ở như người cứng tin, mà là như người thành tín. Không còn nghi ngờ được, Tôma lớn tiếng tuyên xưng: - Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi.

Chúa Giêsu trả lời ông:
-Bởi thấy ta ngươi đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin!
(Ga 2,24-29).

-Đây là lời khích lệ dành cho những người biết đón nhận đức tin. Nhưng Chúa Giêsu đã không bao giờ bảo người ta phải nhắm mắt lại. Thánh Grêgôtiô ghi nhận rằng: sự nghi ngờ của Tôma và siêu nhiên giúp ích cho chúng ta hơn là đức tin của những người khác. Đức tin vượt trên lý trí, nhưng lý trí dẫn tới đức tin.

Sau ngày lễ hiện xuống, các tông đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Theo Eusêbiô, thánh Tôma đi giảng đạo ở Parthia. Theo một truyền thuyết khác, thánh nhân đã được gặp các đạo sĩ, đã kính viếng Chúa Hài Đồng thuở trước, và rửa tội cho họ. Một truyền thống sớm sủa và mạnh mẽ hơn cho rằng Ngài cũng là vị tông đồ dân ngoại như Thánh Phaolô.

-Đức tin là thuộc về chân lý và siêu nhiên, nhiệm mầu được Chúa mặc khải qua Thánh Kinh và Tông Truyền trong giáo Hội như Thiên Tính Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa toàn thắng sự chết, Phục Sinh khải hoàn, Ngày Phán xét Chung thẩm xác con người sẽ sống lại...

Những điều khó hiểu nhưng chúng ta vẫn tin (cũng như gió thổi ta không thấy nhưng tin là gió)

Tất cả niềm tin được trình thuật qua KINH TIN KÍNH.

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.


-Đức Tin là một nét đẹp cho đời sống (Ga.17: 9)

-Thánh Phaolô gọi Abraham là tổ phụ của những người có Đức Tin vì đã vâng lời Chúa bỏ quê hương thành Ur để sinh sống tại miền đất xa lạ Canaan.

-Kinh Thánh được gọi là Tin Mừng vi chứa đựng nhiều niềm vui và hy vọng
.
-Người Kitô giáo gọi là Tín Hữu.

- Trong Cựu Ước là Tin Mừng Cứu Độ
-Trong Tân Ước là Tin Mừng Hy vọng qua Thiên Thần loan báo trong đêm Chúa giáng trần.

-Tin Mừng ủy thác trọng trách cho các tông đò trước khi Chúa về trời.

-Tin Mừng tràn đầy Hồng ân Chúa Thánh Thần hiện xuống.

-Những điều được 4 Thánh sử ghi lại gọi là Tín Điều.

-Tha thứ cho một người thì quá đơn giản - nhưng được tin tưởng lại là điều không dễ dàng.

-Cầu xin cho mỗi Tín hữu luôn biết trung kiên và nhẫn nại để luôn sống theo 3 nhân đức Đối thần: TIN- CẬY- MẾN.

-Quyền năng và Lòng Tin: (Mc.4: 38-39)

...Có cơn bão nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi thuyền gần đầy nước, nhưng Ngài ở đàng sau lái dựa gối mà ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!". Ngài liền thức dậy quở gió và phán cùng biển rằng: "Hãy êm đi, lặng đi!" Gió liền dứt và biển lặng như tờ. Đoạn Ngài phán cùng các môn đệ rằng: "Sao các ngươi sợ? Chưa có Đức Tin sao? "- Các môn đệ kinh ngạc mà nói với nhau rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"

-Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi"... (Mt.9: 1-8)


Phần III: Tin Yêu & Hy Vọng


Kể từ lúc Chúa Giê-su sống lại,
Các môn đệ luôn thao thức chờ mong,
Gặp lại Thầy cho thỏa nguyện tấm lòng,
Tình Cha con không thể nào ly biệt.

Trong nguyện đường các môn đệ tha thiết,
Dâng lời nguyện lên Thiên Chúa Toàn Năng,
Đáp lời xin đoàn con yêu chờ trông,
Chúa xuất hiện giữa nguyện đường sáng chói.

Ngất ngây nhìn vòng hào quang rực sáng,
Các tông đồ bỡ ngỡ: phải Thầy không ?
Chúa mỉm cười để xoa dịu các ông:
'Bình an cho các con! Đừng sợ hãi!'

Nhưng lúc này Tô-ma không hiện diện,
Nghe các bạn tường thuật lại về Thầy,
Lòng xao động nhưng chưa thể tin ngay,
Chỉ tin khi chạm vào vết thương Chúa.

Tám ngày sau Chúa Giê-su trở lại,
Lúc này đây đang có mặt Tô-ma,
Chúa nhìn ông lòng trìu mến chan hòa,
'Hãy lại đây sờ vào những thương tích!'

'Phúc thay những kẻ không thấy mà tin!'
Con xin tuyên xưng lời Chúa dạy truyền,
Với tâm hồn và thân xác con đây,
Xin soi sáng để con biết đón nhận!

Ôi lạy Chúa! Mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi,
Con mù lòa bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để nhìn thấy Mặt Ngài!

Cúi lạy Ngài! Cho tai con nghe rõ,
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà,
Họ khổ đau, họ kêu gào than thở,
Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ!

Cúi lạy Ngài! Xin mở rộng tay con,
Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả,
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng!

Cúi lạy Ngài! Cho chân con vững chãi,
Để tiến lên dù đường xá hiểm nguy,
Nguyện theo Ngài, thập giá đâu quản ngại,
Chúa cầm tay mà dẫn bước con đi!

Cúi lạy Ngài giữ lòng con tin tưởng,
Mặc ai bảo: Chúa đã chết đâu còn,
Khi chiều về gánh thời gian trĩu nặng,
Xin dừng chân ở lại với con luôn! (*)

(*)Trích Thánh Thi

Phụ dẫn: Đức tin và Tình yêu thương trong thời COVID


Cha tôi đã chống chọi với các triệu chứng của COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong vòng hai tuần. Đã một tuần trôi qua kể từ khi ông bị nhiễm bệnh. Chúng tôi liên hệ với phòng y tá hằng ngày, thậm chí nhiều lần trong một ngày, để nhận được những tình hình cập nhật mới. Ngày 26/08/2021, chúng tôi đến bệnh viện để gặp các bác sĩ và y tá. Chúng tôi muốn biết khi nào chúng tôi có thể đưa ông về nhà, vì bệnh tình của ông đột nhiên trở nặng trong quá trình điều trị. Trên thực tế, ông đã bắt đầu buông xuôi.

Khi mẹ tôi, anh trai và tôi ngồi đối diện với ba bác sĩ và hai y tá, chúng tôi được thông báo chi tiết rằng bệnh tình của cha tôi đã trở nên trầm trọng hơn những gì chúng tôi hiểu được. Khoảng bốn ngày trước khi chúng tôi đến, ông đang phải chịu đựng một căn bệnh nhiễm trùng thứ phát ảnh hưởng đến phổi, khiến quá trình điều trị buộc phải ngừng lại và [mọi thứ] đảo lộn. Họ không biết rõ điều gì đã gây ra nhiễm trùng.

Cách duy nhất để biết chắc chắn là đặt máy thở và lấy mẫu từ phổi. Nhưng không thể làm như vậy được vì hai lý do: một là, phổi của ông đã quá yếu nên ông sẽ không thể qua khỏi nếu lấy máy thở ra; hai là, chúng tôi từ chối cho phép việc sử dụng máy thở.

Ông không thể về nhà bởi vì phổi bị tắc nghẽn đến mức ông sẽ không thể sống được sau khi về nhà, vì xe cấp cứu sẽ không cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho phổi.

Chúng tôi ghi chú lại vô số câu hỏi, nhiều câu do một y tá (cũng là) một người bạn của gia đình [chúng tôi] tư vấn, nhưng giờ đây chúng dường như không còn cần thiết trong hoàn cảnh này. Chúng tôi yêu cầu được xem ảnh chụp X-quang ngực. Chúng tôi muốn biết những gì đang diễn ra để có thể định hướng đúng cho ông — thuốc men, phép trị liệu, thức ăn, truyền vitamin. Bất cứ điều gì có thể thử được, còn nước còn tát.

-Sự cô lập và vô vọng


'Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.'


Cha tôi đã bị cách ly trong một căn phòng không cho phép khách đến thăm, đồng thời cũng không được phép ra khỏi giường. Ông hoàn toàn bị cô lập. Chúng tôi cần gặp ông và ông [cũng] cần gặp chúng tôi. Cha mẹ tôi cần ở bên nhau dù chỉ một chút thời gian. Do cha tôi đang ở trong tình trạng nguy hiểm như vậy, nên các bác sĩ đồng ý cho chúng tôi vào gặp ông ấy, miễn là chúng tôi hiểu được những rủi ro, và mặc đồ bảo hộ thích hợp.

Những rủi ro thì không đáng kể. Anh trai và mẹ tôi bị nhiễm COVID cùng lúc với cha tôi. Họ đã khỏi. Các bác sĩ nói cha tôi cũng đã khỏi. Tôi hiểu rủi ro [đối với mình], nhưng tôi cũng hiểu rằng đây có thể là lần cuối cùng tôi gặp cha. Lượng lớn đồ bảo hộ — bao tóc, găng tay, tạp dề, khẩu trang, tấm che mặt — [cũng] không ngăn cản bất kỳ ai trong chúng tôi [vào thăm cha].

Trước khi bước ra khỏi phòng cùng các bác sĩ và y tá, mẹ tôi đã tuyên bố rõ về đức tin và tình yêu. Bà tin tưởng rằng dù có vấn đề gì đi nữa, Chúa định đoạt tất cả. Bà, cũng như các bác sĩ, đã xem rõ ràng những tấm ảnh chụp X-quang. [Hai lá] phổi có màu trắng trong khi (bình thường) chúng cần phải là màu đen. Bà nghe họ báo cáo về bệnh án của cha. Đó là một hoàn cảnh gần như vô vọng. Phản ứng của bà không phải là bác bỏ bản báo cáo y khoa này (bởi chúng tôi có biết gì về thế giới y khoa?), mà là một tuyên bố (nhưng chúng tôi biết nhiều về đức tin). Đó là một sự phản kháng, không phải chống lại đội ngũ y tế, mà là chống lại cái chết.

Khi chúng tôi đi dọc theo hành lang, mỗi căn phòng chúng tôi đi qua đều tạo cảm giác rằng nó giống như một nhà xác hơn là một bệnh viện. Nó dường như chỉ là một nơi giam giữ những người (chuẩn bị) đi sang thế giới bên kia. Mọi bệnh nhân đều được thở máy, mặt vô cảm.

Miệng của họ giữ cố định một khối nhựa dẻo cũ kĩ. Cơ thể họ hơi vặn vẹo để có thể nhường chỗ cho ống nhựa, hoặc có lẽ vì đó là vị trí cuối cùng mà cơ thể họ còn giữ được tỉnh táo. Sau đó, tôi đã nói với mẹ rằng lối vào tầng [này] nên mượn từ "Hỏa ngục" của Dante với một tấm biển có nội dung: "Hỡi những người vào đây, hãy từ bỏ tất cả hy vọng."

-Cầu nguyện và hy vọng


Khi chúng tôi đến phòng của cha, tôi là người đầu tiên nhìn thấy ông qua cửa kính. Trong ánh mắt cha có cái nhìn giống như của ông nội tôi khi ông đang hấp hối. [Đó là] một cái nhìn trống rỗng [và] xa xăm vào hư không. Sau đó ông và tôi đã giao tiếp bằng mắt và có điều gì đó bắt đầu thay đổi. Khi nhìn thấy cả ba chúng tôi, ông vẫy tay chào. Khi chúng tôi mặc đồ bảo hộ vào, tôi quay lại nhìn và ông đã (giơ hai ngón tay) ra dấu chữ V một cách hài hước và vẫy tay ra hiệu cho tôi vào. Khi mẹ tôi đi tới trước mặt chúng tôi, bàn tay ông gợn sóng lên xuống khẽ vẫy chào bà.

Chúng tôi bước đi mà lòng nặng trĩu với gánh nặng của những tin tức mới gần đây và nhìn thấy ông trong tình trạng như vậy. Chúng tôi chào ông, nói rằng chúng tôi yêu ông, và thật vui khi được gặp ông. Nhưng chúng tôi biết điều chúng tôi cần làm hơn bất cứ điều gì: chính là cầu nguyện.

Chúng tôi bắt đầu tập trung cầu nguyện mạnh mẽ, nói về việc chữa lành và sự sống, và yêu cầu cái chết rời khỏi căn phòng. Chúng tôi nhắn tin cho bạn bè và gia đình. Chúng tôi đã gọi cho các mục sư. Chúng tôi để lại lời nhắn trong các nhóm cầu nguyện trên Facebook. Thế giới — ít nhất là thế giới của chúng tôi — đã chạm đến thiên đường với hết lời thỉnh cầu này đến lời thỉnh cầu khác. Sau đó, anh trai tôi đã nhắn tin cho anh họ tôi và tôi, rằng nếu cha sắp qua đời, điều đó không phải là do thiếu đức tin và lời cầu nguyện.

Mấy ngày trước, tôi đã mua cho cha một tấm thiệp chúc sức khoẻ. Lúc tôi thả nó vào hòm thư, tôi nhận ra rằng mình chưa dán tem. Khi chúng tôi đứng quanh phòng bệnh, nói chuyện với cha và trả lời các cuộc gọi và tin nhắn, tôi nhận thấy có một xấp thiệp ở góc phòng.

Tôi xem qua các tấm thiệp, và may thay, tấm thiệp của tôi cũng đã được gửi tới cha. Tôi đọc những tấm thiệp từ bạn bè và gia đình, rồi đặt chúng dọc theo kệ trước giường của ông.

Chúng tôi ở lại [đó] trong nhiều giờ. Vào thời điểm chúng tôi rời đi, cử chỉ của ông đã thay đổi. Ánh mắt đờ đẫn của cha đã biến mất. Và cảm giác nặng nề về cái chết đã tan biến.

Một trong các bác sĩ nói với mẹ tôi rằng việc đến bệnh viện và giải toả những lo lắng của chúng tôi có ý nghĩa rất lớn. Nhất là khi chúng tôi đã thành tâm như thế nào với niềm tin rằng Chúa sẽ kéo ông vượt qua điều này, và nếu Chúa quyết định rằng cha phải về với Ngài, thì điều ước lớn lao của ông và chúng tôi là cha sẽ ra đi tại nhà với gia đình xung quanh, chứ không phải cô đơn trong một phòng bệnh nào đó, nơi mà cách duy nhất để biết ông đã rời khỏi thế giới này là nghe thấy tiếng bíp kéo dài từ một đường phẳng (của máy đo nhịp tim).
Vị bác sĩ nói rằng rất nhiều người trong tầng nơi bà làm việc đã ra đi mà không có ai đến thăm hỏi. Chúng tôi có lẽ không phải là [trường hợp] khác thường, nhưng cũng là hiếm gặp.

-Đức tin và tình yêu thương


Anh trai và tôi yêu cha nhiều hơn những gì chúng tôi có thể thể hiện. Cha mẹ tôi đã kết hôn được 45 năm vào ngày 17/09. Họ đã cùng nhau nếm trải và vượt qua những khoảng thời gian khó khăn nhất. Cha tôi có rất nhiều bạn bè và một gia đình có bảy anh chị em, cùng với các cháu gái, cháu trai, anh em họ, gia đình nội ngoại và hai đứa cháu rất yêu quý ông. Cha là một người đàn ông rất vui tính với thái độ kiên nhẫn và tốt bụng nhất. Đó là món quà Thượng đế ban cho ông, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của mình, như những tuần vừa qua, ông vẫn chưa bao giờ mất đi khiếu hài hước hay sự lịch thiệp của mình.

Sự kết hợp giữa đức tin và tình yêu thương trong suốt thời gian COVID này đã giúp gia đình tôi mạnh mẽ [về tinh thần]. Tình yêu là điều đã đưa chúng tôi đến bệnh viện đó để giải đáp những băn khoăn của mình, và là điều dẫn chúng tôi đi dọc hành lang bệnh viện để vào phòng của ông. Đức tin là điều đã khiến chúng tôi và rất nhiều người khác quỳ gối cầu nguyện.

Khi tôi viết điều này, cha tôi đang được chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) sang một phòng bình thường. Giờ ông đã ở trong bệnh viện được ba tuần. Một luật mới của Texas hiện nay cho phép bệnh nhân có ít nhất một người đến thăm, vì vậy mẹ tôi có thể ở bên ông mỗi ngày. Tôi không biết kết quả sẽ ra sao. Tôi không biết liệu Chúa có gọi ông về bên Ngài hay không. Tôi cầu nguyện và tin rằng ông sẽ ở lại đây trên trái đất này. Nhưng tôi không thể biết được. Ai biết được đường đời của người ta là bao lâu?

Vào đêm hôm đó, ngày 26/08, mẹ tôi đã dẫn Kinh Thánh Job 14:5: "Nếu ngày của loài người đã định rồi, Nếu số tháng người ở nơi Chúa, Và Chúa đã định giới hạn cho người, mà không qua khỏi được."

Kết quả (của lời cầu nguyện) không phải là đức tin. Sự kiên định vào đức tin là chúng ta biết rằng Chúa lắng nghe những lời cầu nguyện của mình, chứ không phải là Ngài đáp lại từng lời cầu nguyện đó. [Chúng ta] cảm thấy mãn nguyện khi biết rằng Ngài luôn lắng nghe và quan tâm.

Đại dịch này đã huỷ diệt hàng triệu, có lẽ hàng tỷ người. Nhiều người đã phải chịu đựng [trong khổ đau] mà không có hai điểm tựa tinh thần này: đức tin và tình yêu thương. Nếu có lúc nào đó bạn ngẫm nghĩ về cuộc sống và tự hỏi xem đức tin của mình nằm ở đâu và có ai thương yêu mình, thì bây giờ là chính là lúc. Nếu bạn có thời gian để xây dựng hoặc tái lập mối quan hệ của mình với Chúa, thì hãy làm chính lúc này đây. Nếu có lúc nào đó bạn hàn gắn những nhịp cầu [quan hệ] với bạn bè và gia đình, thì hiện tại là thời điểm [thích hợp].

Cuộc sống thật trống rỗng nếu không có đức tin, và cũng vô cùng cô đơn nếu không có tình yêu thương. Giống như không thể đoán trước được tương lai của cha mình, tôi cũng không thể đoán trước được kết quả của đại dịch này. [Tuy nhiên,] điều tôi có thể dự đoán được một cách chắc chắn là sự sống, và thậm chí cả cái chết, đều [có thể] được kiểm soát, và thậm chí [với một tâm trạng] vui vẻ [hạnh phúc], khi có đức tin vào Chúa và tình yêu thương của bạn bè và gia đình.

Dustin Bass là người đồng tổ chức podcast The Sons of History và là người sáng lập của kênh YouTube Thinking It Through. Anh ấy cũng là một nhà văn.

Dustin Bass - Hân Hữu

Đinh Văn Tiến Hùng