Phải chăng Chúa Giêsu ''coi thường'' Đức Mẹ? - Tác giả: M. Hạnh Tử

Lan Mary
Dựa vào những câu nói trên đây của Chúa Giêsu, một số người kết luận rằng Chúa Giêsu không đề cao Đức Maria, nếu không muốn nói là khinh thường và không cần Mẹ. Suy ra, người Công Giáo tôn kính Đức Mẹ là sai với tinh thần của Chúa Giêsu. NGUỒN:

Tin Mừng Matthêu (Mt 12,46-50) thuật lại rằng khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì Mẹ Maria đến tìm. Khi người ta báo cho Ngài biết điều đó thì Ngài trả lời: "Ai là mẹ Tôi?". Câu hỏi này nghe thật vô tâm lạnh nhạt.

Tương tự như thế tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12), khi Mẹ Maria lại gần và nói với Chúa Giêsu rằng: "Người ta hết rượu rồi", thì Ngài cũng đáp lại bằng một câu nói có vẻ cạn tình cạn nghĩa: "Này bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?"

Dựa vào những câu nói trên đây của Chúa Giêsu, một số người kết luận rằng Chúa Giêsu không đề cao Đức Maria, nếu không muốn nói là khinh thường và không cần Mẹ. Suy ra, người Công Giáo tôn kính Đức Mẹ là sai với tinh thần của Chúa Giêsu.

Trước tiên chúng ta hãy lưu ý giới răn thứ 4: "Ngươi phải thờ cha kính mẹ", điều luật mà Thiên Chúa đã ban qua ông Môsê. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Ngài hằng ở trong cung lòng Chúa Cha. Ngài biết rõ ý muốn của Chúa Cha, và Ngài làm những gì đẹp lòng Chúa Cha. Đồng thời khi đến trần gian, Ngài kiện toàn lề luật Môsê: "Đừng tưởng thầy đến để bãi bỏ luật Môsê và các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn" (Mt 5,17). Và sau đó Ngài tuyên bố: "Vậy 'ai bãi bỏ dù chỉ là một chấm một phẩy trong lề luật rồi dạy người khác làm như vậy sẽ bị xem là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời"(Mt 5,18).

Từ lý luận này, chúng ta sẽ thấy rằng, thật là phi lý nếu Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa – không tuân giữ điều răn tôn kính cha mẹ mà Chúa Cha đã qui định. Nếu như thế thì Ngài sẽ mâu thuẫn với ý muốn của Chúa Cha và điều này là không thể xảy ra.

Vậy thì phải hiểu thế nào về các câu nói lạnh nhạt của Chúa Giêsu với Mẹ Maria?

Câu nói: "Ai là mẹ tôi" được Chúa Giêsu nói khi đang rao giảng Lời Chúa cho dân chúng. Chúa Giêsu liên tục nhắc nhở dân rằng: "Không phải bất cứ ai thưa với tôi: Lạy Chúa, lạy Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi."(Mt 7,21) hay "Ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi"(Mt 12,50). Điều này có nghĩa rằng, Chúa Giêsu đang mượn hình ảnh cha mẹ trần gian để nhấn mạnh đến mối liên hệ thiêng liêng trong đức tin nhờ thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Và xa hơn nữa, không phải Ngài xem thường hay lạnh nhạt với Mẹ Maria mà trái lại, đang ca tụng Mẹ trước mặt đám đông. Vì sao có thể nói như thế? Thưa vì Đức Maria chính là người đã luôn ghi nhớ Lời Chúa và suy niệm trong lòng (Lc 2,19 & 52): Mẹ còn là người "đẹp lòng Thiên Chúa" (Lc 1,30).

Nếu Chúa Giêsu khen ngợi những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa, xem họ là mẹ và anh chị em của Ngài, thì có lý nào Ngài lại có thể xem thường Đức Maria, một người "đầy ân sủng và có Chúa ở cùng"(Lc 1,28)? Chắc chắn điều này là không thể. Đúng hơn, Ngài đang lấy Đức Mẹ làm mẫu gương cho dân chúng.

Còn câu nói trong tiệc cưới Cana: "Này bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?" thì phải hiểu thế nào đây? Hầu hết các nhà chú giải Kinh Thánh đều nhất trí rằng, câu nói đó trước hết có thẻ xem như một lời nhắc nhở Đức Mẹ đừng đừng can thiệp vào chương trình của Chúa, bởi vì 'giờ của Ngài chưa đến". Giờ của Chúa Giêsu chính là giờ Ngài được tôn vinh: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin tôn vinh Con Cha" (Ga 17,1). Có lẽ dự tính ban đầu của Chúa Giêsu là sẽ hoạt động âm thầm thêm một thời gian chứ chưa ra tay làm phép lạ. Do đó khi Đức Maria bảo Ngài ra tay, thì ban đầu Ngài từ chối. Nhưng điều chúng ta cần quan tâm là kết của của sự kiện ấy. Câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ như một lời cự tuyệt, nhưng sau đó Ngài đã ra tay thực hiện phép lạ theo lời cầu xin của Đức Maria. Điều này cho thấy Mẹ có ảnh hưởng thế nào, tới mức thay đổi được cả chương trình của Chúa. Hành động của Chúa Giêsu mâu thuẫn với lời của Ngài lúc đó và nó cho thấy Ngài không hề coi thường Đức Mẹ, trái lại rất kính yêu và vâng phục.

Một cách lý giải khác cũng cho rằng, những câu nói có vẻ thờ ơ lạnh nhạt của Chúa Giêsu với Đức Maria thực ra là để làm gương và dẫn chứng cho điều Ngài đòi hỏi nơi các môn đệ, những ai muốn theo Ngài. Họ phải "cha mẹ, vợ con, ruộng nương", và "ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với thầy". Sự từ bỏ mà Chúa Giêsu đòi hỏi này không có nghĩa là Ngài yêu cầu các môn đệ phải bất hiếu, xem thường cha mẹ; mà muốn nói đến vị thế tuyệt đối của Thiên Chúa. Cha mẹ trần gian tuy quan trọng và chúng ta có bổn phận tôn kính, nhưng Thiên Chúa mới là Đấng Cao Cả tuyệt đối duy nhất chúng ta phải tôn thờ và yêu mến hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực. Cha mẹ và các mối liên hệ trần gian không được trở thành cản trở cho đức tin của chúng ta. Và điều này thì không phải ai cũng hiểu được, do đó mà người hiểu được và tin theo Chúa thường ít hơn tổng dân số thế giới.

Tóm lại, chúng ta dám tự tin khẳng định rằng, Chúa Giêsu không hề coi thường Đức Maria, trái lại rất yêu mến và nể trọng, bởi Mẹ là người đã lắng nghe và chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hề vô tâm thờ ơ với Mẹ, trái lại luôn lo lắng cho Mẹ Ngài. Ví dụ rõ nét nhất là trước khi sinh thì trên thánh giá, Ngài đã trối Mẹ lại cho môn đệ để ông thay Ngài chăm sóc cho Mẹ.

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu sống gắn bó và yêu mến Mẹ Maria để cũng được Mẹ gần gũi và nâng đỡ trong hành trình đức tin hướng về quê trời.

M. Hạnh Tử