Đức tin của mẹ - cánh cửa của con - Tác giả: Maria Thùy Dung

Lan Mary
Tiếng chuông nhà thờ vang xa khắp một vùng đô thị, Hiếu chạy chiếc xe hơi màu trắng có treo một tràng chuỗi màu xanh ngọc phía trên ra khỏi nhà. Trên xe là vợ và con anh, cô đã đi tìm anh sau khi đọc lá thư đầy những nét chữ nghệch ngoạc và yêu thương của mẹ anh gửi trước khi bà mất. Cô vẫn còn thương anh nhiều nên đã ròng rã tìm anh bao năm. Giờ thì như ý nguyện của bà, gia đình nhỏ của anh đón hạnh phúc trở về. Chiếc xe từ từ tiến đến nhà thờ nơi tiếng chuông vọng vang chưa dứt... NGUỒN:

Vẫn một hình ảnh quen thuộc, một bà mẹ già gầy guộc ngồi bên mâm cơm chờ đứa con trai duy nhất đi làm về giữa đêm đông lạnh giá. Tay bà mân mê tràng chuỗi màu xanh ngọc cũ kĩ, từng câu kinh được bà ngân lên một cách rõ ràng và chất chứa tâm tư. Hơn mười một giờ, tiếng xe máy nổ vang từ đầu ngõ mỗi lúc một gần, trong ánh sáng mập mờ bà thấy xe và người ngã nhào xuống đất. Anh say khướt chẳng còn nhận ra ai nữa, miệng thì vẫn lẩm bẩm cái tên quá đỗi gần gũi "Khánh An"-vợ anh. Người con gái ấy anh xem là nguồn sống và niềm hy vọng của mình nhưng cũng chính nàng ấy đã đem đi tất cả những gì anh có và để lại anh với tấm thân tàn ma dại cùng bà mẹ già gần đất xa trời chỉ vì lí do là anh nghèo. Anh tuyệt vọng, chán chường và đâm đầu vào ma men thứ mà anh chưa bao giờ đụng tới. Mẹ dìu anh vào, dáng bà nhỏ xíu gầy guộc còn anh thì to cao, nhưng bà vẫn cố dù bà trụ không nổi nên cả hai phải té lăn ra đất, té rồi thì bà lại đỡ anh lên, đỡ lên rồi lại té cứ như thế vất vả một lúc lâu bà mới đưa được anh lên giường. Nhìn đứa con trai ngoan ngoãn của mình trở nên như vậy nước mắt bà ứa ra, bất lực.

Trăng mờ đã qua đỉnh đầu, Hiếu uể oải lồm cồm ngồi dậy. Phải rồi cái thứ ma men ấy mà nhập vào người thì chỉ có đờ người ra vì mệt mỏi, nhưng đâu phải ai cũng muốn rước cái thứ đó vào người và anh cũng thế, giờ đây chỉ có mỗi cái thứ đắng chát ấy mới để cho anh không suy nghĩ và có thể ngủ vùi đến sáng. Chân vẫn còn lảo đảo Hiếu bước đến bên chiếc bàn tre rót ly nước uống ực, họng anh đã khát khô, mâm cơm cũng đã được dọn sẵn cạnh bên, Hiếu ngồi xuống ăn vội vàng rồi khoác chiếc áo bước ra khỏi nhà. Anh đi bỏ lại một khoảng không của căn nhà xập xệ hoang tàn phía sau, anh đi bỏ lại những yêu thương của bà mẹ già hằng ngày vẫn chờ anh về, hằng ngày nấu cho anh những món ăn anh thích và anh ra đi đem theo tất cả niềm hy vọng của mẹ già tội nghiệp như cái cách vợ anh đã bỏ đi. Anh đi để làm giàu, anh đi để thoát khỏi cảnh nghèo lầm than đeo bám anh suốt từ khi sinh ra, anh đi để cho vợ anh phải suy nghĩ lại và trở về với anh và khi đó gia đình hạnh phúc của anh lại trở về.

Tám năm trôi qua, anh quay trở về trên chiếc xe hơi sang trọng áo vest quần tây chỉnh tề. Chiếc xe chạy êm vào trước sân nhà chứ không kêu ầm ầm như chiếc xe máy cà tàng khi xưa của anh, bước xuống họ hàng nhìn anh với ánh mắt lạ lẫm đâu ai ngờ đây chính là thằng Hiếu lúc nào người cũng đầy men rượu. Anh gọi mẹ nhưng đáp lại lời anh là một sự im lặng đến đáng sợ, ngôi nhà đổ nát ngả nghiêng đã lâu. Anh tự trách mình sao bây giờ mới trở về? Sao lại bỏ lại mẹ anh trong cảnh ngặt nghèo như thế? Anh thầm nghĩ sau lần trở về này anh sẽ chăm sóc tốt cho mẹ hơn, sẽ rước bà về căn nhà anh vừa mới mua tháng trước để bà tận hưởng tuổi già. Chờ hoài không thấy ai ra nên anh cúi lưng đưa chân bước vào, vất vả lắm anh mới tới được chỗ đặt chiếc giường tre cũ của mẹ nhưng chẳng thấy mẹ đâu. Chiếc giường đầy bụi bặm thiếu bàn tay chăm sóc. Anh đưa xe vòng qua nhà cậu tư mong thay sẽ tìm thấy mẹ ở đó, bước vào trong nhà đập vào mắt anh lúc này là ảnh của một bà cụ đang nằm yên vị trên chiếc bàn nhỏ ở chính diện căn nhà. Bà cụ đó là mẹ anh, anh ngã khụy xuống đất. Lát sau, anh đưa tay ôm lấy ảnh mẹ vào lòng mà nức nở. Giờ anh mới nhận ra anh đã sai lầm khi cứ mãi chạy theo những ảo tưởng viển vông, những hạnh phúc mờ ảo mà quên hạnh phúc có mẹ hiền lo cho mình từng bữa ăn, giấc ngủ. Đã quá muộn màng, mẹ ơi! Anh gào thét trong vô vọng, tay anh càng ôm chặt hơn di ảnh, anh nhớ lại cả cuộc đời mình chỉ toàn được mẹ ôm lấy chứ chưa bao giờ anh ôm tấm thân gầy của mẹ hay trao cho mẹ một nụ hôn thảo hiếu. Anh thương mẹ lắm nhưng từ khi có vợ, anh lại dồn hết tình cảm của mình vào cô ấy, đặc biệt là khi vợ anh mang thai và dường như anh chẳng còn chút để tâm nào đến mẹ nữa. Khi vợ anh dứt áo ra đi trong lòng anh vỡ vụn và tràn ngập trong đau khổ, anh sống chìm trong nỗi căm hận và càng quên hơn nữa sự hiện diện của một người đáng lẽ ra anh cần phải nhớ đến. Anh bỏ nhà thờ, anh đắm chìm trong những thứ anh cho là giúp anh giải sầu và cuối cùng anh ra đi như vứt lại sự đau khổ của cuộc đời anh cho mẹ. Anh đâu biết rằng anh khổ một còn mẹ anh thì khổ đến mười và cũng có thể là gấp trăm lần, mỗi lần nhìn thấy anh càng lạnh nhạt với bà, lòng bà đau lắm nhưng bà không nói ra, rồi khi anh bước vào hố sâu của ma men bà là người ở bên cạnh chăm sóc, quan tâm, yêu thương và cầu nguyện cho anh hết mực. Bà chịu đựng tất cả chỉ vì thương anh. Lòng anh càng đau thắt hơn khi biết bà mất là do cố chạy đuổi theo một người được bà cho là giống anh sau bao ngày vất vả đi tìm kiếm, bà bị một chiếc xe tải đang chạy ở tốc độ cao tông trực diện. Toàn thân bà toàn là máu, biến dạng chẳng còn có thể nhìn ra nữa chỉ có cậu Tư-người đi cùng bà mới nhận ra. Cậu đưa anh chiếc hộp nhỏ mà bà để lại, anh vội vàng mở ra, bên trong chẳng có gì ngoài tràng chuỗi màu xanh ngọc đã nhuốm màu thời gian mà anh thường hay thấy bà cầm trên tay. Anh òa khóc lên như một đứa trẻ, anh khóc thương cho những lầm lỗi của mình. Anh bất hiếu, anh bội nghĩa nhưng đến cuối đời mẹ vẫn muốn dành cho anh những điều tốt nhất.

Tiếng chuông nhà thờ vang xa khắp một vùng đô thị, Hiếu chạy chiếc xe hơi màu trắng có treo một tràng chuỗi màu xanh ngọc phía trên ra khỏi nhà. Trên xe là vợ và con anh, cô đã đi tìm anh sau khi đọc lá thư đầy những nét chữ nghệch ngoạc và yêu thương của mẹ anh gửi trước khi bà mất. Cô vẫn còn thương anh nhiều nên đã ròng rã tìm anh bao năm. Giờ thì như ý nguyện của bà, gia đình nhỏ của anh đón hạnh phúc trở về. Chiếc xe từ từ tiến đến nhà thờ nơi tiếng chuông vọng vang chưa dứt...

Maria Thùy Dung