Hàn Mạc Tử trong mắt các nhà phê bình văn học

Quang X Nguyen





Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng

Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết: “Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để nối người ta với Thượng Đế, để ban ơn phước cho cả thiên hạ... Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo, không có gì giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa”.

Nhận định của Hoài Thanh ngắn gọn mà rất chính xác. Thơ đạo vừa là kết quả kinh nghiệm của nhà thơ vừa phô diễn cho người đọc điều nhà thơ đã chiêm niệm. Thơ không những nối kết tác giả mà còn nối kết cả người đọc với Thiên Chúa.
Tuy nhiên, không phải mọi độc giả và nhà phê bình đều có cùng một kinh nghiệm huyền học (cũng gọi là kinh nghiệm thần bí, hoặc giản dị hơn, kinh nghiệm gặp Chúa, kinh nghiệm được biến đổi nhờ ơn Chúa) như nhà thơ. Với những kinh nghiệm riêng, mỗi người có thể đọc và cảm nghiệm thơ đạo của Hàn Mạc Tử một cách khác. Mỗi góc nhìn đều đáng trân trọng và đều đóng góp một phần giúp người đọc tiếp cận được với toàn bộ kinh nghiệm tâm linh sâu thẳm và phong phú của nhà thơ.
Nhân đây tôi cũng xin được phép giúp Hàn Mạc Tử đính chính một ngộ nhận về câu thơ “Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế”.
Cả đến các độc giả Công giáo cũng khó biết được rằng trong cuộc tranh cãi về nghi thức thờ cúng tổ tiên, năm 1715 Tòa Thánh Rôma đã gởi cho các giáo đoàn Viễn Đông những chỉ dẫn cụ thể mang tên Huấn thị Ex illa die, trong đó có nói rõ: để chỉ danh thánh Đức Chúa Trời, có thể dùng chữ Thiên Chúa nhưng không được dùng Thiên, Hoàng Thiên hay Thượng Đế. Mãi cho đến nay chưa có văn kiện nào vô hiệu hóa lệnh cấm dùng các từ ấy. Vào những năm 1955-1980 (sau cái chết của Hàn Mạc Tử hơn 15 năm), một số tác giả Công giáo người Việt có vẻ muốn dùng từ Thượng Đế cho gần gũi với cách nói của các giới ngoài Kitô giáo. Cả nơi những bài viết trong tập này, một số tác giả cũng dùng thuật ngữ Thượng Đế theo nghĩa Thiên Chúa Tạo Hóa Tối Cao. Thế nhưng có lẽ giờ đây trào lưu đang lùi dần vào quá khứ. Kinh Te Deum năm 1971 được dịch thử là Tâu Thượng Đế nhưng rồi đã được sửa lại là Lạy Thiên Chúa. Lý do của sự đào thải là vì thuật ngữ ấy chịu ảnh hưởng đậm của Lão giáo dân gian, mô tả một Ngọc Hoàng Thượng Đế theo kiểu nhân hình, với đủ thứ thất tình lục dục như người phàm, cai trị thiên cung và trần thế với một đội ngũ thiên lôi, hà bá, thổ công, táo quân đủ loại, bị sân khấu hài diễu cợt... Như vậy, với tâm thức người Công giáo cả trước 1940 lẫn ngày nay, câu thơ trên có thể mang ý nghĩa là tác giả chạy đua với Ngọc Hoàng Thượng Đế của sân khấu cải lương chứ không đụng chạm gì tới Thiên Chúa của đức tin Kitô giáo.
Lm TRĂNG THẬP TỰ
Những bài trong phần này


Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 207-208.