Bài học về sự dậy men Tin Mừng tại Hàn Quốc

Quang X Nguyen

BÀI HỌC VỀ SỰ DẬY MEN TIN MỪNG TẠI HÀN QUỐC
CHIA SẺ NHÂN DỊP TỔNG HỘI LEGIO MARIAE
NGÀY 05-12-2017 TẠI QUI NHƠN



Những chia sẻ của các đơn vị đa số đều tập trung vào việc đem lại bình an và hy vọng cho những người và những gia đình đã có một đôi chút quá khứ Công giáo nào đó. Chưa có mấy đại biểu nêu sáng kiến về việc trực tiếp loan báo Tin mừng cho lương dân. Thường thì khi gặp gỡ anh chị em lương dân, chúng ta dừng lại quá lâu với những nhập đề loay hoay với các lập luận nhân loại. Thế nhưng kinh nghiệm dậy men Tin mừng tại Hàn Quốc dạy chúng ta hãy mạnh dạn bắt đầu bằng chính lời Chúa. Đúng như lời trong thư gửi tín hữu Hipri: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4,12).


TIN MỪNG VÀO HÀN QUỐC


Vào năm 1603, Yi Gwang-jeong, nhà ngoại giao Hàn Quốc, từ Bắc Kinh trở về mang theo Kinh thánh và nhiều sách thần học của giáo sĩ Matteo Ricci, một nhà truyền giáo dòng Tên đang giảng đạo tại Trung Quốc. Ông phổ biến các thông tin trong sách và gieo những hạt giống đầu tiên của Kitô giáo trên đất Hàn. Năm 1758, tức là sau một thế kỷ rưỡi, vua Yeongjo chính thức cấm đạo Công giáo. 25 năm sau đó, năm 1785, một nhà ngoại giao khác là ông Yi Seung-hun được ơn thánh tẩy và hô hào phát triển Đạo, nhưng rồi đàn áp và bách hại lại xảy ra vào những năm 1801 về sau, và nhiều người đã được phúc tử vì đạo.

Nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên vào Hàn Quốc là Horace Newton Allen, năm 1884, sau ông Yi Gwang-jeong 281 năm.

CUỘC CHẠY ĐUA


Vào năm 1945 cả hai hệ phái (Công giáo và Tin Lành) chiếm khoảng 2% dân số. Sau đó họ tăng trưởng rất nhanh: Năm 1991, có 18,4% dân số (8,0 triệu) là Tin Lành, và 6,7% (2,5 triệu) là Công giáo. Giáo Hội Công Giáo đã gia tăng thêm 70% trong vòng mười năm qua. Anh Giáo ở Hàn Quốc cũng đã tăng trưởng đáng kể trong những thập kỷ gần đây...

Các Kitô hữu đã có ảnh hưởng quyết định trên nền giáo dục với 293 trường học và 40 trường đại học do họ điều hành, kể cả 3 trong số 5 tổ chức học thuật thế giá nhất.

Trước chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), hai phần ba Tin Lành Hàn Quốc sống ở miền Bắc, nhưng sau đó hầu hết chạy trốn vào Nam. Vào cuối những năm 1960 đã có khoảng một triệu người Tin Lành ở Hàn Quốc, nhưng trong quá trình giai đoạn bùng nổ kết thúc vào năm 1980, số người Tin Lành tăng nhanh hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 2005 điều tra dân số của Hàn Quốc cho thấy 29,2 phần trăm dân số là Ki tô hữu, tăng từ 26,3 phần trăm của mười năm trước đó.

Hàn Quốc hiện đang cung cấp số lượng nhà truyền giáo Kitô lớn thứ hai trên thế giới, qua mặt cả Hoa Kỳ. Trong năm 2000, đã có 10.646 nhà truyền giáo Tin Lành Hàn Quốc ở 156 quốc gia, cùng với một số các nhà truyền giáo Công giáo tương ứng. Một bài báo năm 2004 cho biết "Theo các tổ chức truyền giáo ở Hàn Quốc và phương Tây, Hàn Quốc đã cử hơn 12.000 người truyền giáo đến hơn 160 quốc gia so với khoảng 46.000 nhà truyền giáo người Mỹ và 6.000 nhà truyền giáo người Anh". Theo một bài báo năm 2007 "Hàn Quốc có 16.000 nhà truyền giáo đang làm việc ở nước ngoài, chỉ đứng sau Mỹ". Năm 1980, Hàn Quốc gửi đi chỉ mới 93 nhà truyền giáo nhưng vào năm 2009 đã lên đến khoảng 20.000 người.

ĐI TỪ CẢM NGHIỆM BẢN THÂN


... Kitô giáo tại Hàn Quốc đã bắt đầu như một phong trào giáo dân bản địa chứ không do một nhà truyền giáo nước ngoài đưa tới. Đây là một lợi thế bất ngờ. Đạo Chúa đã khởi đầu rộng khắp tại Hàn Quốc do nỗ lực của thường dân, cho nên nó lây lan trong dân chúng nhanh hơn hẳn việc rao giảng bắt đầu từ các giáo sĩ như các nơi khác.

Mọi việc xảy ra tương tự như khi người ta bất ngờ tìm ra một phương thuốc hữu hiệu vừa chữa lành vừa ngăn ngừa được một chứng bệnh đang hoành hành khắp trong dân gian. Chính những người được chữa lành đã loan truyền cho những người khác, hô hào những kẻ đang mắc bệnh nên mau đi tìm loại dược thảo ấy để chữa bệnh. Người ta còn vận động nhau gieo trồng thứ dược thảo ấy, nhân nó lên thật nhanh để đáp ứng kịp thời cho mọi người.

Như đã nói trên, trước sự kiện Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn 15 năm, một nhà ngoại giao Hàn Quốc là ông Yi Gwang-jeong, từ Bắc Kinh trở về quê nhà, đem theo Kinh thánh và nhiều sách vở Kitô giáo khác, phổ biến các thông tin trong sách và gieo những hạt giống đầu tiên của Kitô giáo trên đất Hàn. Người ta đọc sách, cảm nghiệm, nghiền ngẫm, đem áp dụng vào đời sống, thấy nó rất ích lợi cho bản thân và gia đình cho nên hết người này tới người kia mách bảo nhau tìm đọc và học hỏi… Không phải mãi đến cuối thế kỷ XX mới có chuyện tại Hàn Quốc mỗi gia đình Công giáo nỗ lực đem về cho Chúa một gia đình mới. Kinh nghiệm ấy đã bắt đầu ngay từ đầu, hơn 400 năm trước đây, bằng cách phổ biến sách vở. Thế rồi sau đó đang khi người Công giáo lơ là với việc ấy thì cuối thế kỷ XIX, năm 1884, anh em Tin Lành đã khởi sự công cuộc rao giảng tại Hàn Quốc và lặp lại cùng một kinh nghiệm ấy, cách có kế hoạch và hệ thống hơn cho nên đã đạt kết quả nhanh hơn. Chỉ 107 năm sau, vào năm 1991, đang khi số tín hữu Công giáo chỉ mới được 2,5 triệu, số tín hữu Tin Lành đã lên tới 8 triệu người, chiếm gần 1/5 dân số Hàn Quốc!

CÔNG CUỘC CỦA THIÊN CHÚA


57 năm trước, tôi vào chủng viện Làng Sông thì được biết số tín hữu Công giáo chiếm 10% dân số người Việt. Hiện nay, tỉ lệ ấy tuột xuống dưới 7%. Chúng ta tuột dốc đang khi cộng đồng Kitô giáo Hàn Quốc tiến lên. Tại đâu? Tại vì hai bên theo đuổi hai đường lối trái ngược.

Người Hàn bắt đầu từ Kinh thánh và các sách dẫn giải Kinh thánh, nhờ đó họ gặp được Chúa Kitô và sống hạnh phúc trong Ngài, sau đó họ chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người bên cạnh. Mãi lâu sau họ mới tìm cách bắt liên lạc với Hội Thánh Chúa, gửi thư sang Rôma xin Tòa Thánh sai linh mục đến giúp. Còn chúng ta thì ngược lại: Mời người ta vào Hội thánh nhưng không trao tặng kinh nghiệm gặp Chúa, chúng ta có nói về Chúa Kitô nhưng hình như chưa đặt nặng vấn đề giúp người ta thực sự gặp Chúa trong cầu nguyện, và họa hoằn mới nói về việc đọc và sống theo lời Kinh thánh.

Bắt đầu bằng việc lắng nghe và sống theo Lời Chúa, người Kitô hữu Hàn Quốc hưởng ứng công cuộc của Thiên Chúa chứ không theo đuổi một kế hoạch nhân loại. Còn chúng ta, khi bắt đầu bằng việc thuyết phục người khác vào Đạo, chúng ta vô tình biến công cuộc của Thiên Chúa thành công cuộc nhân loại. Chúng ta loay hoay thả lưới cả đêm vất vả, không bắt được con cá nào. Còn người Hàn nhờ biết vâng theo lời Chúa dạy mà bắt được cá đầy ắp, thuyền nào thuyền nấy đều gần chìm.

Văn hóa đọc đang tuột dốc, hiện nay số người đọc sách tại Việt Nam chỉ còn 1/10 dân số, khiến ta nản lòng không còn nghĩ tới việc chia sẻ đức tin bằng sách vở. Dù vậy, muốn cho việc loan báo Tin mừng là một công cuộc của Thiên Chúa, dứt khoát ta vẫn phải bám vào việc cổ võ đọc sách, trước hết là Sách thánh, bởi vì giáo lý mạc khải được ghi trong Biblos/Bible/Quyển Sách. Kinh thánh có nghĩa là Quyển Sách.

Ta thường than phiền về tiến độ quá chậm của việc loan báo Tin mừng tại Việt Nam hiện nay. Thế nhưng có lẽ cần nhìn lại cách làm việc của chúng ta. Hãy thể nghiệm lại tiến trình dậy men Tin mừng của Hàn Quốc ngay tại Giáo phận chúng ta. Chúng ta đã dành rất nhiều tiền cho việc xây cất cơ sở, tượng đài, tường rào, cổng ngõ, cho lễ hội, rước xách, tiệc tùng, nhưng chưa quan tâm đầu tư đủ cho việc phổ biến Kinh thánh và các sách vở Công giáo? Anh chị em sẽ hỏi ngay: Có ai đọc đâu cha? Hỏi như thế hoặc chỉ là do suy bụng ta ra bụng người, hoặc chỉ vì chưa đủ tin vào ơn Chúa. Hãy chân thành hỏi bạn hữu và hàng xóm: “Ai trong các bạn muốn có một quyển Tân Ước, xin cho biết. Chúng tôi rất sung sướng được trao tặng mỗi người một quyển.”

Trao Kinh thánh và sách vở Công giáo vào tay anh chị em lương dân là trách nhiệm của chúng ta. Còn chuyện họ đọc thế nào và bao giờ họ đọc là việc của Chúa. Sẽ đến lúc Thiên Chúa nhắc họ đọc và giúp họ cảm nhận. Hiểu ra rồi, họ sẽ òa lên sung sướng, chạy nhốn nháo khắp nơi la lớn lên rằng chỉ có Thiên Chúa mới là nguồn hạnh phúc đích thật, chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng Cứu thế giải thoát mọi người.

Bất cứ ai đích thân cảm nghiệm được thông điệp của Chúa trong Kinh thánh cũng đều lập tức trở thành Tông đồ. Đây là điều chúng ta chưa để ý đủ.

Chúng ta hãy quảng đại tặng sách và hãy tha thiết cầu nguyện cho người nhận sách để họ đọc và cảm nghiệm. Quan trọng hơn, muốn cho lời nguyện ấy được Thiên Chúa nhậm lời, ngay từ hôm nay, chính chúng ta hãy bắt đầu lại một chương trình đọc Kinh thánh hằng ngày. Mấy ai trong chúng ta trong năm qua đã tự nguyện đọc và nghiền ngẫm Tân ước và các sách vở Công giáo khác? Hãy bắt đầu từ chính mình rồi cầu nguyện cho anh chị em lương dân, nhất định chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhậm lời.

Kinh nghiệm truyền giáo của Giáo hội Hàn Quốc, cả Công giáo lẫn Tin Lành, là kinh nghiệm bắt đầu từ chính mình. Chúng ta đã bắt đầu từ chính mình như thế nào? Thôi, đừng chần chừ nữa, hãy khởi sự lại ngay từ hôm nay.