Những guồng xe nước vẫn quay lặng thầm

Quang X Nguyen

NHỮNG GUỒNG XE NƯỚC VẪN QUAY LẶNG THẦM

(Một chút cảm nhận về cộng đoàn Phước Thọ, một giáo họ thuộc giáo xứ Cù Và xưa)

Đại lễ Tạ ơn 400 năm Tin mừng đến với giáo phận Qui Nhơn (ngày 26/7/2018)


Từ đầu phía bắc của “chiếc cầu chìm” bắt ngang sông Trà Khúc, nếu men theo đôi bờ tả và hữu ngạn của con sông “huyền thoại” nầy xuôi về hướng đông, những người Công Giáo Quảng Ngãi không ai là không nhớ đến những danh xưng (mà một số trong đó đã trở thành một thời vang bóng) : Phước Thọ, Phước Lâm, Cù Và, Đồng Cọ, An Hội, Tân lộc, Bình Đông, Vạn Lộc, Thiên Lộc, Chợ Mới, Phú Hòa, Phú Long, Quảng Ngãi, Tịnh An, Thu Xà, Tịnh Ấn…

Thật vậy, trước giai đoạn chiến tranh khốc liệt diễn ra khoảng năm 1965, những địa danh trên chính là những cộng đoàn giáo xứ và giáo họ đông đúc trù phú của tỉnh Quảng Ngãi, nơi mà nếu đứng về độ lâu dài của hành trình truyền giáo tại Đàng Trong, có thể gọi là “Trưởng Nữ”.

Nhưng rồi chiến tranh đã “mang đi tất cả”, tàn phá tất cả; đây có lẽ là điều hiện thực hóa chân xác nhất lời của Martin Luther, khi ngài định nghĩa về chiến tranh :
“Chiến tranh là bệnh dịch kinh khủng nhất mà nhân loại có thể mắc phải, nó hủy diệt tôn giáo, nó hủy diệt quốc gia, nó hủy diệt gia đình. Tai họa nào cũng dễ chịu hơn nó.” (War is the greatest plague that can afflict humanity, it destroys religion, it destroys states, it destroys families. Any scourge is preferable to it.).


Thật vậy, vào khoảng cuối tháng 5/1965, trận chiến Ba Gia nổ ra khốc liệt, có lẽ đây là “trận địa chiến” đẩm máu và tàn khốc xét về qui mô tham dự của quân đội hai bên, về kết quả thương vong và địa bàn diễn ra trận chiến; đây cũng là “trận địa chiến” mở đầu cho nhiều “trận địa chiến” tiếp theo trên toàn Miền Nam cho đến ngày ngưng tiếng súng đúng 10 năm sau đó (5/1975).

Việc thắng thua trong cuộc chiến nầy hãy tạm “để đó” cho lịch sử xác nhận cách công minh; nhưng có một điều không cần lịch sử phán xử nhưng đã trở thành một “sự thật cay đắng” : Gần như toàn bộ vùng phía tây Sơn Tịnh bị tàn phá, bình địa; riêng ba giáo xứ trên địa bàn vùng nầy từ đó cũng bị xóa tên cùng với các giáo họ trực thuộc : Cù Và, Tân Lộc, Bình Đông.

Cùng với bao nhiêu nạn nhân chiến cuộc khác, anh chị em giáo dân của vùng “dầu sôi lửa bỏng” nầy kẻ chết người bị thương, gia đình đùm túm tản cư xuống Phú Hòa, vào Quảng Ngãi; rồi những năm sau đó, dắt díu nhau di tản vào Cam Ranh, Bình Tuy, Long Khánh, Võ Đắt…

Cái giá của chiến tranh tồi tệ như thế đó ! Mặc cho ai ca tụng cái vẽ đẹp hào hùng của chiến tranh, riêng tôi, vẫn ủng hộ cách nhận định của John Abbott :
“Nếu chiến tranh thượng võ và hào nhoáng, nó cũng có mặt xấu xí và thống khổ điên cuồng. Súng đạn không tôn trọng Cái đẹp. Chúng bắn tung mắt, và nghiến vỡ hàm và xé nát má.” (If war has its chivalry and its pageantry, it has also its hideousness and its demoniac woe. Bullets respect not Beauty. They tear out the eye, and shatter the jaw, and rend the cheek.)

Sau hơn nửa thế kỷ (kể từ 1965) và hơn 40 năm kể từ ngày hòa bình được tái lập (1975), vùng đất phía tây Sơn Tịnh đã bát ngát màu xanh của rừng, của núi, của đồng lúa, nương đồi…; đôi bờ Trà Khúc đã nhấp nhô những làng, những xóm mà trong số đó, những cộng đoàn tưởng đâu mất dấu bây giờ lại đã hồi sinh như Nghĩa Lâm (Phước Lâm), Phước Thọ,... mặc dầu trung tâm sinh hoạt đức tin của những nơi nầy đã hoàn toàn “bị xóa sổ”.

Sở dĩ nhắc đến hai cộng đoàn nầy vì cả hai ngày xưa đều thuộc giáo xứ Cù Và và đối diện nhau giữa đôi bờ Trà Khúc : Nghĩa Lâm (Phước Lâm) một giáo họ bờ nam Trà Khúc nay thuộc giáo xứ Quảng Ngãi và Phước Thọ bờ bắc Trà Khúc thuộc giáo xứ Phú Hòa. Hiện nay, nhờ chiếc “cầu chìm”, một hạng mục hạ lưu thuộc công trình thủy lợi đập Thạch Nham, cả hai đã trở thành “hàng xóm” liên lạc gần gũi thân tình, mối thân tình mà tự ngàn xưa, cho dù “ngăn song cách núi”, một linh mục (cha Tôma Luận) thuộc bờ bắc Cù Và, Phước Thọ lại thích qua thường trú tại Nghĩa Lâm (Phước Lâm) đến đổi đã chọn nơi đây làm nơi an nghỉ cuối cùng!

Nhưng câu chuyện muốn sẻ chia ở đây lại không dừng lại “ở đó”, mà ở chính một địa điểm vừa diễn ra một sự kiện mục vụ quan trọng của giáo phận Qui Nhơn, giáo hạt Quảng Ngãi và giáo xứ Phú Hòa: lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ Cù Và ngày 9.8.2018 vừa qua do Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục giáo phận Qui Nhơn chủ lễ.

Địa điểm được chọn lựa để xây dựng nhà thờ Cù Và “mới” nằm trong địa bàn của cộng đoàn giáo họ Phước Thọ, một cộng đoàn nói được là “có công đầu” để hình thành nên “câu chuyện xây nhà thờ mới Cù Và” hôm nay.

“Có công đầu” được nhắc đến ở đây hoàn toàn không nhắm tới khía cạnh tài chánh đóng góp, thiết kế công trình, quy mô đất đai hay độ hoành tráng của phương diện “tổ chức sự kiện”; mà muốn nhắm tới những thao thức sống và giữ vững đức tin của những người cha người mẹ đạo đức, những bước chân trung thành không mệt mỏi giữ ngày Chúa Nhật, những đêm hội họp đọc kinh gia đình, những ngày gió mưa đi công tác của hội viên Legio Mariae, những đắng cay dãi dầu và cả chịu đựng nhục nhã của những lần “ăn xin” nới xứ lạ quê người để có chút đỉnh về xây dựng giáo họ…

Vâng, để có “lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ Cù Và” hôm nay, phải ghi công đầu cho bà con giáo dân Phước Thọ cùng với bao nhiêu những hy sinh thầm lặng, những “đồng xu của những bà góa nghèo” mà đôi khi những “vầng hào quang lấp lánh của tính thế tục” đã che khuất mất; sự che khuất không đáng để trả giá cho một nỗi xót xa như tâm sự của một giáo dân Phước Thọ trong ngày đại lễ : “Phước Thọ chúng con e rằng bị xóa tên mất !”

Nhìn về ngày lễ “đặt viên đá xây dựng nhà thờ mới Cù Và”, một công trình vươn lên bên bờ tả ngạn sông Trà Khúc ở đoạn hạ lưu đập Thạch Nham (1985-1997), tự nhiên nhớ lại tình cảm của người dân Quảng Ngãi của những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đập nước Thạch Nham đi vào hoạt động và khi những “bờ xe nước” bị cất bỏ.

Dĩ nhiên “bánh xe lịch sử” thì không thể “quay ngược”, và những tiến bộ của hôm nay không thể “đắp chiếu nằm chờ”. Tuy nhiên, trong lãnh vực tình cảm, hoài niệm, truyền thống… thì những con kênh nước cuồn cuộn sức sống của thủy lợi Thạch Nham cho dù có hiệu quả, hữu dụng, thiết thực đến đâu cũng không thể bỗng dưng xóa nhòa mọi ký ức, lưu luyến cái chân quê mộc mạc, nhẹ nhàng của những guồng xe nước từng ngự trị bên bờ sông Trà, Sông Vệ đã mấy trăm năm !

Về mặt xã hội, kinh tế, chính trị…có thể việc vắng bóng những guồng xe nước bên bờ tả ngạn sông Trà rồi một sớm một chiều mọi sự sẽ nguôi ngoay cho đến khi “mất dấu” hẳn với bước chạy của thời gian.

Tuy nhiên, trong nhịp sống đức tin thì không hẳn thế. “Guồng xe nước đức tin” luôn tồn tại mãi với thời gian mà ngôn ngữ chuyên biệt của Công Giáo gọi là “dòng chảy truyền thống”. Những “đồng xu nhỏ của bà góa”, “bình dầu cam tùng của cô Maria Bêtania”, “5 chiếc bánh và 2 con cá của em bé…” nào chẳng phải là những “guồng xe nước” quay mãi với thời gian để đem “dòng suối mát tinh tuyền cho dân Chúa muôn nơi và muôn thuở”.

Vì thế, anh chị em Phước Thọ ơi ! Yên tâm đi ! Anh chị em không bị lãng quên, vứt bỏ đâu. Hãy luôn là những “guồng xe nước quay đều, quay đều” cho sức sống của giáo xứ Cù Và lại được hồi sinh xanh tươi mạnh mẽ !

11/8/2018