Chúa chăn nuôi tôi

Quang X Nguyen

CHÚA CHĂN NUÔI TÔI


Cách đây ít năm tôi có về Kinh C, Cái Sắn, Giáo Xứ Hải Hưng dự đám tang bà chị họ. Trong lễ tang hôm đó, ca đoàn hát bài “Chúa Chăn Nuôi Tôi” và ngay trong phần điệp khúc mở đầu đã khiến tôi chăm chú lắng nghe “Chúa chăn nuôi tôi. Chúa chăn nuôi tôi. Chúa đưa tôi đi qua mọi nẻo đường. Người đưa tôi đi lên núi cao say sưa gió biển, vui uống suối miền Nam, vững tâm qua rừng mịt mù”.

Lời ca du dương tiếp tục với các phiên khúc chứa đựng những ca từ cùng với ý nghĩa của nó mà theo tôi, chỉ có một lời để khen tặng tác giả Phanxicô nào đó: Ôi! Quá là tuyệt vời.

Về sau, trong các lễ tang tôi vẫn thầm mong nghe lại bài hát đó và khi nghe được thì tâm hồn luôn bồi hồi thổn thức dường như cuộc đời mình đã được Thánh Vịnh ( Tv 22 ) diễn tả từ bao đời trước…

Sau Lễ mọi người lặng lẽ tiễn đưa người quá cố ra nghĩa trang ngay phía sau Nhà Thờ. Cái Sắn mùa này đang là mùa nước nổi, thế nên nhìn đâu cũng chỉ thấy mênh mông là nước. Khuôn viên Nhà Xứ cũng như nghĩa trang nghe nói đã được tôn tạo nhiều lần từ khi mới di cư nên mới được như ngày nay. Tuy vậy có nhiều phần mộ được chôn lâu từ trước gần mé nước vẫn chưa bốc đi được.

Trong số những mộ gần mé nước ấy có mộ ông anh tôi, anh Quy mà bà vợ vừa mới được dự Thánh Lễ lần cuối cùng và trong ít phút nữa đây cũng sẽ trở về nằm im trong lòng đất. Phần mộ của ông anh tôi cũng như một số mộ khác đã bị lún và có mộ đã nghiêng hẳn qua một bên. Hỏi sao những mộ trong tình trạng như vậy mà không dời đi, mấy người nói có lẽ không còn ai người nhà ở đây hoặc vượt biên chết cả rồi!

Mộ vẫn còn đó, tên Thánh là như vậy nhưng linh hồn thì… ở nơi đâu ? Cái nỗi băn khoăn thao thức ấy cứ ám ảnh tôi trong suốt cả cuộc đời. Con người ta chết rồi đi đâu? Có nơi nào để… về hay không?

Còn nhớ cách nay gần sáu mươi năm, chính xác là năm 1960 tôi đã về đây, nhà bác chánh Sinh nghỉ dưỡng bệnh một tháng. Năm đó đang học lớp đệ nhị ban C trường Nguyễn Bá Tòng. Khi đi học về gặp trận mưa lớn bị cảm sốt ho ra máu, được Tịnh, người bạn thân thiết nhất gọi Taxi đưa lên nhà thương Đô Thành.

Ở vào cái tuổi mười tám lại mang nơi mình bệnh lao ấy khiến tôi cứ nghĩ mình chẳng còn sống bao lâu nữa trên cõi đời này. Thế nhưng tôi thật sự không lo lắng chi về cái chết mà chỉ xao xuyến về ý nghĩa cuộc đời mình, sống để làm gì?

Có những buổi trưa nằm bên cửa sổ ngó mông về phía tít mù xa là dãy Thất Sơn mờ ảo. Tôi chạnh lòng thở dài không biết sau rặng núi đó là gì. Chắc hẳn cũng có đời sống nhưng đời sống ấy ra sao? Đối với người khác thì những câu hỏi ấy có thể là… lẩn thẩn, nhưng với tôi nó lại rất nghiêm trọng và tôi biết mình chỉ có thể an tâm khi có câu trả lời…

Thế rồi cũng khỏi bệnh và bị động viên khóa 10 Hạ Sĩ Quan Trừ Bị Quang Trung giữa năm 1963, đất nước đang có những biến động lớn. Tháng ngày qua đi trong đời quân ngũ. Thuyên chuyển hầu như khắp miền Cao Nguyên: Plei Ku, Buôn Ma Thuột, Quảng Đức và dù ở nơi nào tôi vẫn sống như một kẻ lãng du, không có bất cứ liên hệ gì với Nhà Thờ Nhà Thánh. Dẫu vậy trong tôi vẫn mang một cảm thức mơ hồ về tâm linh không sao diễn tả.

Trong thời gian khá dài ở nơi cái thị trấn heo hút ấy, tôi cộng tác với bán nguyệt san Tinh Thần của Nha Tuyên Úy Công Giáo, viết khá nhiều tùy bút nhưng tuyệt nhiên không mang hơi hướng gì về đạo giáo.

Giải ngũ rồi tái ngũ sau Tết Mậu Thân 68, thi đậu vào lớp Hạ Sĩ Quan Tùy Viên sang làm việc tại Tòa Đại Sứ Nam Vang. Trong khoảng thời gian ấy tôi thường một mình đi vãn cảnh chùa và rất thích cái không khí tĩnh lặng ở những nơi ấy.

Lonnol và rồi VNCH sụp đổ, tan rã. Tôi đưa vợ con về Hố Nai sinh sống, trong tay vỏn vẹn có mấy chục ngàn tiền cũ của bà vợ dành dụm được khi buôn bán lặt vặt ở Khu Gia Binh Bộ Tổng Tham Mưu. Mua được mảnh đất ở Dốc Suối Đỉa của bà chị gái bán rẻ cho. Làm được ngôi nhà nhỏ để có chỗ chui ra chui vào thì… hết sạch tiền!

Trong cơn túng bấn chợt nghĩ tới anh chị Tân, người anh kết nghĩa hiện ở dưới Long Xuyên. Được anh cho bốn trăm ngàn về mua năm sào rẫy trồng mì và từ đấy trở thành một anh nông dân bất đắc dĩ. Sáng vác cuốc ra rẫy, chiều tối mịt mới về. Tắm rửa cho ba đứa con nhỏ, còn bà vợ thì lo làm hàng để sáng hôm sau quảy gánh ra chợ Trà Cổ cách nhà mấy trăm mét, bán bánh mì thịt, tạm sống qua ngày.

Mãi về sau khi đã được ơn Chúa cho trở lại, ngẫm nghĩ cuộc đời mới thấy mình quả đã được Chúa tận tình chăm sóc: “Đời tôi trăm năm trong cuộc sống biết bao thăng trầm. Nghìn cõi xa gần, vòng thời gian đưa mãi nhịp xoay vần. Này áo với cơm, đây bài thơ ươm mơ. Này xác với thân mang nặng tấm linh hồn. Đời tôi, ôi Chúa hiểu sâu ngọn nguồn”.

Đúng là Chúa hiểu sâu tận ngọn nguồn. Hẳn nhiên Người biết tôi cần gì. Thế nhưng dường như Chúa vẫn lặng thinh như Người vốn là vậy. Trong khoảng gần một năm sống một mình nơi mảnh vườn ở Dốc Suối Đỉa ngày thì trồng hoa, bán cá giống. Đêm thì ngồi Thiền lần chuỗi Mai Khôi hoặc đi đọc Kinh Xóm với ông trùm Nam, bạn già.

Ngày đó tôi vừa làm thư ký HĐ Curia Phú Thịnh vừa tổ chức được hai đội Junior, một nam một nữ. Presidium nữ do chị Quyền làm trưởng. Cả hai đội đều sinh hoạt tại căn lán nơi Dốc Suối Đỉa, vui ơi là vui…

Tiền bán cá giống cũng chẳng được bao nhiêu, tôi đạp xe gần sáu mươi cây số về Sàigòn mua sách, hầu hết là sách Phật. Có lần ham quá nhưng hết tiền phải mua thiếu ở quầy sách chùa Vĩnh Nghiêm. Cô bán sách nở nụ cười thật tươi thông cảm nói: Không sao mà…

Tôi có diễm phúc lớn lao là trong bước đầu đến với Phật Pháp thì gặp ngay được pháp Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản do ngài Pháp Nhiên thượng nhân khởi xướng. Pháp môn này lấy Trì Danh Niệm Phật làm tông yếu và từ yếu nghĩa ấy tôi đã áp dụng cho việc thực hành Kinh Mai Khôi và thấy nó hoàn toàn tương thích.

Kể từ đấy nguồn sống của tôi chỉ là Thánh Lễ Misa hàng ngày và tràng chuỗi Mai Khôi vào lúc nửa đêm thanh vắng. Từ suốt ba mươi năm nay hầu như tôi không khi nào rời xa hai nguồn Ơn Sủng ấy và đời tôi như thế có thể nói đã được an bài trong tay Chúa và Mẹ Maria.

“Dù bao chông gai, tin rằng Chúa vẫn luôn an bài. Lòng chẳng u hoài chờ bình minh lên giã từ đêm dài. Hạnh phúc cho tôi giữa đời không đơn côi. Vạn lý xa xôi có Người dẫn đưa về. Đời tôi mây trắng nhẹ trôi về trời”.

PHÙNG VĂN HÓA, Giáng Sinh 2018