Cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: diễn viên tài hoa trên bục giảng...

Quang X Nguyen
Cô Lucia Nguyễn Thị Oanh, cánh chim đầu đàn của ngành Công tác xã hội và phát triển cộng đồng tại VN

Chào các bạn,


Bài này do anh Trần Bá Thiện viết. Anh Thiện là một trong những người đã ủng hộ và quảng bá Đọt Chuối Non rất mạnh, ngay từ ngày đầu. Anh Thiện và mình biết nhau đã lâu qua diễn đàn VNBIZ. Báo Tuổi Trẻ nói về anh Thiện: “Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2004, một người khiếm thị có nhiều hoạt động trong phong trào khuyết tật 15 năm qua.” Anh Thiện là một trong những người chúng ta nên noi gương tích cực.

Bài này cũng có trên Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, bạn đọc Tuổi Trẻ không được đọc nguyên bài như chúng ta ở đây. Cám ơn anh Thiện rất nhiều nhé. (TDH)


Có lẽ đã đến lúc những người đồng sự, học trò và những người quen biết với cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh ngồi lại nhớ lại các hoạt động của bà để đúc kết và rút ra các bài học kinh nghiệm. Bà thực sự là một tấm gương sáng, một con chim đầu đàn cho ngành công tác xã hội và phát triển cộng đồng VN.

Chân tình

Bà lớn lên trong một đất nước chiến tranh, rồi đi qua thời chiến để vào giai đoạn đầy khó khăn của nền hòa bình mới, tiếp đến là một xã hội với nhiều biến động của thời công nghiệp hóa, đô thị hóa… Trong khoảng vài mươi năm hoạt động, các đề tài nghiên cứu của bà là những trở ngại trong các giai đoạn vừa nêu như vấn đề xây dựng nhân cách cho giới trẻ, ý thức gìn giữ vệ sinh công cộng, các ứng xử nơi công cộng, bạo hành trong gia đình, trong trường học, vấn đề bình đẵng phụ nữ, vấn đề hòa nhập người khuyết tật, vấn đề với người sau cai nghiện…
Trong khi nhiều bài viết về các mảng này bộc lộ thái độ lên án, chỉ trích đi đến thái độ giận dữ, kêu gọi trừng phạt… Bà dịu dàng hơn khi chỉ cho chúng ta thấy các trở ngại ấy xuất phát từ tư duy chưa tích cực của cộng đồng. Thay vì trừng phạt người vi phạm, bà nhắm vào việc xây dựng tư duy tích cực, trang bị thêm kỹ năng sống để mọi người tự đưa ra một khuôn mẫu kỹ luật cho chính mình và để chính mình noi theo. Có nhiều lần, tôi nghe bà đề nghị không phải sự trừng phạt kẻ có tội sẽ làm cho xã hội tốt hơn nhưng là sự thấu hiểu và khoan dung. Mỗi cá nhân tự ý thức chính mình và nhận thấy lỗi lầm đáng lên án kia xuất phát từ cách nghĩ hẹp hòi ở lòng mình. Quả chỉ có những trái tim chan chứa tình người như bà mới tìm được những giải pháp đầy tính nhân văn như thế.

Đọc giả và tham dự viên trong các buổi báo cáo của bà dễ nhận ra tấm chân tình của bà qua từng con chữ, từng lời nói. Điều đáng nói khác là trong các bài giảng của bà Oanh, mặc dù rất xúc tích, rất sinh động nhưng chúng ta không có cảm giác bị thôi miên, bị mê đắm bị khuất phục bởi trí tuệ của bà. Cảm giác mê mẩn chỉ xảy ra ở phần đầu của bài giảng, càng nghe đầu óc ta càng lóe lên các ý tưởng khác. Thoạt đầu là các ý tưởng đồng tình kế đến là các ý tưởng phản biện. Gần cuối bài giảng của bà, ta nghe những tiếng xì xào trao đổi nho nhỏ trong nhóm cử tọa. Thế nên khi cần nghe phản hồi, rất nhiều cánh tay dơ cao đăng ký phát biểu…

Vài lần tôi gặp bà để lễ phép xin đưa ra các ý phản biện về một bài giảng nào đó. Bà nhẫn nại chờ cho tôi nêu hết các phản biện bà chỉ trả lời hầu như bằng 1 ý: “em nói đúng rồi”, “đúng vậy đó em”… Thực ra bà không ba phải. Có vẻ như khi xây dựng bài giảng mục tiêu chính của bà tóm trong 7 chữ này của thầy Mạnh Tử đời xưa: “Tận tín thư bất như vô thư”- đọc sách mà tin vào sách thì đừng đọc sách. Bà không muốn chúng ta tin vào lời bà, tin vào các nghiên cứu khoa học của bà. Bà chỉ đưa ra các gợi ý và chúng ta phải kiểm tra nó. Bà không đưa hết các gốc đối lập của vấn đề mà chính chúng ta sẽ dựa vào các gợi ý đó rồi tìm ra các phản biện. Nhờ vậy chúng ta sẽ hiểu và nhớ kỹ hơn các ý trung tâm đã được bà khám phá bằng tư duy khoa học. Tôi xin đưa ra một minh họa

Đầu tháng 4, 2009 tức không đầy 1 tháng trước khi cô Oanh kính yêu chia tay cuộc đời, tôi tham dự một buổi sinh hoạt tại Hội quán Đến với nhau… Bà nói về xây dựng kỹ năng sống. Bà đưa ra các dẫn chứng về việc tước đoạt quyền khám phá cuộc sống của trẻ em qua cách cha mẹ suy nghĩ dùm, quyết định dùm… Sau đó, bà đưa ra các câu chuyện tại các nước phát triển để cho thấy người ta chấp nhận các hạn chế của trẻ con và luôn hướng dẫn trẻ làm chủ chính cuộc đời của nó (1)… Tôi ấm ức vì sao bà chỉ đưa ra các hạn chế trong lối giáo dục phổ biến hiện nay ở xã hội VN mà lại không đưa ra các hạn chế trong lối giáo dục Âu Mỹ. Mọi hoạt động chủ trương của con người đều có mặt trái cả. Nếu chỉ nói về một mặt có phải là thiếu sót lắm chăng? Thế nhưng rút kinh nghiệm bao nhiêu lần trước, tôi không nhấc điện thoại lên tìm cô Oanh. Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi cúi đầu xuống thầm cảm ơn bà.

Bà là một nhà khoa học chân chính, một nhà giáo dục thiên tài. Bà kêu gọi việc tôn trọng sự tự do trong tiếp thu ý kiến, kêu gọi độc lập tư duy… Nếu bà dùng đủ mọi lý lẽ để dồn ép những người yếu hơn bà về kiến thức về kinh nghiệm, hóa ra bà tự phản bội với chính mình. Nét nhân văn độc đáo khi xây dựng bài giảng của bà chính là điểm này.

Cô Oanh kính, con thực sự cảm ơn tấm chân tình của cô…

Quan sát tinh tế


Có người nói: sự học hỏi cho ta kiến thức. Nhưng chính quan sát mới giúp ta có được tri thức….
Xem lại các bài của bà viết, nhớ lại các bài giảng của bà, chúng ta dễ nhận ra sức thuyết phục của bài xuất phát từ việc liệt kê các hiện tượng mẫu. Nói theo ngôn ngữ văn học thì đó là các hình tượng văn học. Cả những hình tượng phản diện hay hình tượng chính diện của bà nêu ra đều rất đẹp, rất thực và chẳng ai mà không biết. Có ai lạ gì cảnh hút xong điếu thuốc người đàn ông thản nhiên búng phần thuốc còn cháy dỡ từ trong nhà ra hè phố. Có ai lạ gì cảnh trong con hẽm nhỏ, bà mẹ dạy em bé 2 tuổi cách tè bậy ngoài đường (2)… Nó lập đi lập lại trước mắt mọi người rồi nó biến đi trong trí nhớ của chúng ta.

Với bà, điều ấy được ghi nhận và được phân tích theo các nguồn gốc về nhận thức, về tâm lý xã hội… Để cuối cùng, bà tái hiện nó trong các bài viết giúp mọi người suy ngẫm. Kỹ năng quan sát xã hội của bà thật xuất sắc. Tôi tin rằng, kỹ năng ấy được hình thành từ cái tâm và từ cái tầm của bà. Sau đó kỹ năng quan sát quay lại giúp nâng cao tầm nhìn và mở rộng tâm hồn bà.

Bà quan sát các hiện tượng theo gốc nghiên cứu chuyên môn của mình. Sau đó, bà quan sát cử tọa và tìm ra các quy luật nội tại của cử tọa khi theo dõi bài giảng. Cuối cùng, bà đưa nó vào quá trình xây dựng bài giảng.

Có lần khi nói về vấn đề bạo hành với trẻ em, bà đứng lên thay vì nói điều gì với cử tọa, bà phát mạnh vào vai 1 cô gái trẻ ngồi gần rồi quát nạt: “đi chỗ khác đi, con nít sao lại ngồi chỗ này. Chỗ này để người lớn nói chuyện. Con nít ra đàng kia ngồi kìa…” Cử tọa sửng sốt. Cô bạn trẻ lúng túng đứng dậy dời đến nơi bà chỉ… Sau đó bà ôn tồn hỏi cô gái: “em có hoảng sợ khi cô la em không? Em có mắc cỡ không? Em có hài lòng không?” Qua ví dụ ấy, bà chứng minh với cử tọa một cách rất sinh động rằng nếu ta quát nạt, áp đặt lên giới trẻ, trẻ sẽ làm theo miễn cưỡng. Nhưng từ đó về sau, giữa ta và trẻ có một khoảng cách. Trẻ không tin cậy ta nữa và ngấm ngầm tìm cách chống đối…

Qua quan sát, bà hiểu cách tạo ra điểm kỳ thú trong bài giảng. Các tình huống bất ngờ thường xuyên xuất hiện trong các bài giảng. Ấy là những câu hỏi. Ấy là các đòi hỏi lạ tai. Ai đã từng tham dự các buổi giảng và sau đó, đọc lại bài viết cùng chủ đề, ta dễ nhận ra điều này. Được nghe bài giảng ta hiểu đến 100 phần. Đọc bài viết ta chỉ thấy được 1 phần trăm ấy mà thôi.

Diễn giả và diễn viên xuất sắc

Có bạn nói với tôi rằng: bài giảng của cô Oanh hay nhờ giọng nói của cô dịu dàng, chân tình nên thuyết phục người nghe… Nếu đưa bài giảng ấy cho người khác có lẽ sức thuyết phục sẽ không cao như thế…

Vì sao chúng ta có cảm giác bị thu hút bởi giọng nói của bà? May mắn là gần đây Hội quán Đến với Nhau có thu hình lại các buổi sinh hoạt nên có thể chúng ta còn các bằng chứng về năng lực diễn thuyết của bà. Tôi lại nhìn việc ấy theo một gốc nhìn khác. Tôi đoán dường như cô được huấn luyện khá tốt về kỹ thuật khẩu hình khi diễn thuyết. Hầu hết các khóa học về kỹ năng nói, kỹ năng trình bày ngày nay, chúng ta bỏ quên mất kỹ thuật khẩu hình này. Tôi có biết một chút về kỹ thuật khẩu hình khi học hát nên nhận ra cô Oanh có sử dụng kỹ thuật này khi diễn thuyết. Do vậy, bài giảng của cô sinh động và hấp dẫn lắm.

Trên bục giảng hay giữa đám đông, bà không diễn thuyết theo cách hao tốn quá nhiều năng lượng như khoa tay, múa chân, chồm về phía này, nhảy đến phía kia khiến người nghe tối tăm mặt mũi… Có lẽ bà cụ của tuổi thất thập cỗ lai hy này không đủ năng lượng để múa trên bục giảng. Bà nói thong thả, rõ ràng, đúng là tròn vành rõ chữ theo tiêu chuẩn các cô giáo lớp 1… Bà có di chuyển nhưng từ tốn, mềm mại hơn… Dù thế, nội công của bà khi diễn thuyết thật tuyệt vời. Hầu như chẳng ai nói rằng tôi chưa nghe kịp.. Cử tọa không bị thu hút bởi hình thể hay cách nói của bà. Nói theo ngôn ngữ diễn thuyết thì bà không hề nã đại liên vào đầu cử tọa. Bà dẫn họ đi vào thế giới ký ức của mỗi người, giúp mỗi người nhận ra câu chuyện của bà cũng chính là câu chuyện riêng của mỗi người. Từ đó, hãy suy nghĩ xem giải pháp bà đưa ra có áp dụng được cho trường hợp riêng của mỗi người hay không?

Khi giảng bà tổng hợp nhuần nhuyễn các kỹ thuật của công tác xã hội như kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, các kỹ thuật của giáo dục như kỹ năng soạn bài giảng, các kỹ thuật của xã hội học như nghiên cứu tài liệu sẵn có, nghiên cứu tình huống v.v… Và mọi kỹ thuật tinh tế ấy được thể hiện thông qua xúc cảm của bà. Kết hợp hai yếu tố kỹ thuật và cảm xúc, tôi xin phép được gọi bà là một diễn viên, một nghệ sĩ xuất sắc trên bục giảng.

Cô Oanh kính, cộng đồng xin thắp nén hương lòng để cảm ơn cô vì cô đã trả các kiến thức xã hội về với mỗi con người trong xã hội ấy. Trả về sau khi trao cho chúng tôi bao tâm huyết của cô. Trả về sau khi trao cho chúng tôi sứ mạng của đời cô: sứ mạng làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn…

O0o

Trên đường đến viếng tang cô Oanh, tôi hỏi người bạn đồng hành rằng liệu sẽ có nhiều nước mắt lắm không, sẽ có những tiếng khóc đau đớn hay không? Chúng tôi cùng đoán vì cô không có chồng con nên chắc tang lễ chỉ có sự nghiêm trang, trầm lắng, u uẩn chứ không hẳn là thảm thiết.

Tại tư gia của cô, không khí tang lễ khác với điều chúng tôi dự đoán. Đúng là sự kỳ thú cuối cùng của một con người thường gây kỳ thú cho nhân loại. Mọi người đến chào nhau và cùng nói với nhau rằng ở đây chúng ta là tang chủ, không có khách. Ngay cả khi bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó chủ tịch nước và chị em của bà Mỹ Hoa đến viếng tang, các vị ấy cũng tự xem mình là chủ nhà. Mọi người khe khẽ trò chuyện với nhau như đang sinh hoạt tại hội quán Đến Với Nhau. Thương nhớ thì tràn đầy nhưng dường như không có chỗ cho u buồn. Cuộc đời cô Oanh trải ra cho nhân thế bằng những cung bậc dịu dàng, vui tươi. Giờ đây, niềm vui lại là món quà đáp lễ kính tặng cô. Không có nước mắt chỉ có những nụ cười nhẹ. Loại nụ cười mang ý nghĩa của những giọt nước mắt khô…

04-May-09 9:11:35 AM
Trần Bá Thiện


(1) Đừng tước mất cơ hội của trẻ
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=306972&ChannelID=194
(2) Nếp sống văn minh đô thị phải bắt đầu từ giáo dục nhân cách
http://www.tuoitre.com.vn:80/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=313869&ChannelID=3



Thạc sĩ phát triển cộng đồng


Đó là dòng chữ chị thường ghi dưới những bài viết của mình tuy nhiều người vẫn biết tới chị như một nhà công tác xã hội nổi tiếng của miền Nam từ những ngày đầu tiên của ngành học này. Chị cũng là người phụ nữ đầu tiên lấy bằng Thạc sĩ phát triển cộng đồng ở Philippines và đưa ngành học này về VN.

Chị đã bước vào tuổi 78, mái tóc trắng phau mà lòng “Vẫn đau đáu trước nền giáo dục của nước nhà, vẫn day dứt về nhân cách sống của giới trẻ, của những giá trị xã hội đương đại”. Chị là nhà xã hội học - thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh .

Nghề nghiệp là cả cuộc đời...

Sinh ra trên đất Sài Gòn trong một gia đình khá giả lại rất đông anh em, chị đứng thứ 14 trong 16 người nên trong nhà vẫn gọi chị Oanh là cô Bốn. Những năm học trung học, chị khá cả Anh, Pháp nên có ước mơ trở thành nhà ngoại giao, nói theo chị là để “suốt đời xách vali đi máy bay cho oách”. Do nhà có điều kiện, chị đã lên đường du học ở Mỹ từ 1950. Nhưng khi đến Mỹ, chị đã nghe lời anh Chủ tịch Hội Sinh viên Công giáo VN rằng “Đất nước còn nghèo đang cần trí thức ở sát với dân…” và khuyên chị nên chọn một trong hai ngành rất cần cho đất nước là xã hội học hay giáo dục học, nên chị đã từ bỏ sở thích của mình, theo ngành xã hội học.

Năm 1955, cô cử nhân xã hội học về nước tham gia nhiều công tác như chăm lo cho các bạn trẻ di cư từ miền Bắc bị thất lạc gia đình, rồi tham gia thành lập một trung tâm cộng đồng với vai trò một cộng tác viên cộng đồng. Cuối cùng khi được mời tham gia sáng lập trường công tác xã hội công lập đầu tiên ở Sài Gòn, chị phải lấy bằng thạc sĩ để đủ chuẩn làm giảng viên.

Chị kể: “Lần này không phải tìm tòi do dự nữa, tôi biết rõ rằng mình phải học môn phát triển cộng đồng, một ngành học mới toanh chỉ mới bắt đầu ở Ấn Độ và Philippines”. Thế là chị chọn đi học ở Philippines sau 15 năm làm công tác xã hội.

Sau này nói về định hướng nghề nghiệp của mình, Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh đã tâm sự: “Nghề nghiệp là cả cuộc đời của mình nên phải yêu nó, tìm niềm vui nơi nó. Do đó phải chọn nghề phù hợp với sở thích và năng khiếu. Nhờ đó mình mới hoàn thành tốt nhiệm vụ và hơn thế mỗi ngày mỗi phát huy tài năng… Chọn nghề không vì lợi ích cá nhân mà còn vì nhu cầu xã hội. Làm đúng việc mình thích, lại có ích cho xã hội cho ta một cuộc đời đầy ý nghĩa”.

Và người phụ nữ với cái tâm trong sáng, với những lời dạy bổ ích trên bục giảng, những bài viết bài nói giản dị, rõ ràng đã trở nên người cô, người bạn, người đồng hành với bao lứa tuổi hôm nay.
Suốt đời sống vì cộng đồng

Trong một buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sống vì cộng đồng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, chị Nguyễn Thị Oanh đã dí dỏm phát biểu: “Đến giờ tôi vẫn sống một mình mà có buồn đâu… Gần cả cuộc đời chọn mục đích Sống vì cộng đồng, phần thưởng với tôi là hạnh phúc từ niềm vui của những người được mình giúp đỡ”.

Đúng vậy, chị xem “được” giúp đỡ người khác là niềm vui, là hạnh phúc. Ngay từ những ngày đầu tiên vào ngành công tác xã hội học chị đã thể hiện điều đó. Từ việc mở trường dạy công tác xã hội trước 1975 để cho ra lò những thế hệ kế thừa như Trần Thị Nên, Đỗ Văn Bình, Huỳnh Ngọc Tuyết, Bùi Thị Xuyến, Nguyễn Thị Ngọc… Có người là thạc sĩ, có người là cử nhân, nhưng tất cả đều một lòng cùng “cô Oanh”, “má Oanh” làm công tác xã hội và phát triển cộng đồng.

Sau ngày giải phóng, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh công tác tại Viện KHXH miền Nam rồi ra dạy các trường đại học KHXHNV, Trường Đại học Mở bán công TPHCM. Day dứt về ngành xã hội học nước ta còn quá non trẻ, năm 1980 chị đã cố gắng đi tiên phong mở khoa “Phụ nữ học” cho trường đại học mở, tiền thân của khoa Xã hội học.

Còn nhớ, có lần ba chị nói khi biết con mình chọn ngành xã hội học: “Con chọn cái nghề từ thiện của ông cha bà phước sau này làm sao mà sống?”. Vậy mà sau gần 60 năm, người phụ nữ ấy vẫn rất bằng lòng ở sự lựa chọn của mình. Biết bao việc chị cùng các cộng sự của mình đã làm cho cộng đồng, biết bao bài nói chuyện trong các buổi họp mặt, giao lưu, biết bao trang viết để tư vấn về tâm sinh lý, về những thắc mắc, băn khoăn của lớp trẻ hôm nay.

Không thể kể xiết những việc làm của chị qua một vài trang báo bởi suốt đời, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh vẫn đau đáu nỗi lo trước nền giáo dục của nước nhà, vẫn day dứt về việc làm sao hình thành nhân cách sống cho giới trẻ trong một xã hội quay cuồng, nghiêng ngửa và càng ngày càng có nhiều trẻ “cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình”, bất mãn với mọi thứ chung quanh.

Chính vì vậy, chị đã nhiều lần phát biểu, không thể giáo dục đạo đức theo kiểu xưa bằng cách đưa ra những nguyên tắc chung để “tụng” cho trẻ nghe và bắt chúng “tụng” lại như cái máy. Và gắn với công tác xã hội, ở chị Oanh chính là gắn với việc giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho mọi người trong cộng đồng.

Bởi theo chị thì “Để hội nhập với thế giới không chỉ cần những mặt hàng tốt mà còn cần những người mới: trung thực, liêm chính…” và “Chất lượng giáo dục bắt đầu từ người thầy THẬT”.


Con đường đi của thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và các bạn đồng nghiệp thật nhiều gian khó, chông gai trong hiện trạng đất nước còn nhiều bất cập, nhưng quãng đường ấy đã kết hoa thơm trái ngọt. Những năm gần đây, khoa Xã hội học ở Đại học KHXHNV rất phát triển, và ngành Phát triển Cộng đồng trong 2 năm nay đã chính thức trở thành một khoa mới, tách khỏi khoa Xã hội học. Điều đó phải chăng có sự đóng góp rất lớn của thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh và những cộng tác viên quanh chị?

Thạc sĩ Trần Thị Nên, lứa học trò đầu tiên của chị Oanh hiện đang công tác ở phòng Phát triển xã hội nhà thờ Đức Bà từng nói: “Nếu không gặp cô Oanh thì có lẽ tôi vẫn buôn gánh bán mẹt như nhiều người cùng hoàn cảnh. Chính cô đã khiến tôi vươn lên như hiện nay và đến giờ tôi luôn hài lòng với cuộc đời mình…”.

Và... hội quán “đến với nhau”

Nằm lặng lẽ yên bình trong một hẻm nhỏ ở khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TPHCM, Hội quán Đến với nhau đã ra đời từ ý muốn và sự góp sức của những chuyên viên công tác xã hội mà đầu đàn là thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh.

Hội quán khai trương từ ngày 28-4-2007, mục đích là tạo sân chơi cho các nhân viên xã hội qua việc hình thành một quán “café xã hội” đồng thời cũng là nhịp cầu kết nối những người đang công tác xã hội ở các nơi trên mọi lĩnh vực.

Không chỉ có vậy, khu nhà có khoảng sân thoáng mát với mấy cây cau kiểng soi bóng xuống mặt hồ nhỏ còn là nơi hội thảo, họp bạn với các chuyên đề xã hội nóng bỏng như: phân tích giao tiếp và ứng dụng, kỹ năng làm cha mẹ, giáo dục chủ động và giáo dục kỹ năng sống, HIV/AIDS và bạn, khôn dại của bạn gái trong tình yêu…

Gần 2 năm, hơn 30 lần sinh hoạt chuyên đề Hội quán như “Một mô hình đáp ứng nhu cầu phát triển công tác xã hội tại TPHCM” và nâng cao chất lượng chuyên môn cho nhân viên xã hội và phát triển cộng đồng.

Ngồi trước mặt tôi bên ly cà phê đá một buổi sáng thứ bảy ở Hội quán Đến với nhau, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh vẫn cười tươi như mọi khi. Đứng sau lưng là chị Nguyễn Thị Ngọc, Chủ nhiệm hội quán, cũng là một học trò “cô Oanh”. Chị Oanh chậm rãi:

- Hội quán Đến với nhau dựa vào sự đóng góp tự nguyện của nhân văn xã hội (3.000.000 đồng/cổ phần) nên đây cũng là mái ấm nghề nghiệp thành phố của những người công tác xã hội. Vì vậy tinh thần đại gia đình là cốt lõi ở đây. Các anh chị em vừa được vui chơi giải trí, vừa có điều kiện nâng cao tay nghề để mở thêm lớp cho thành phố ở các địa điểm khác.

Chị chỉ cho tôi tủ sách kế bên để tôi lựa vài quyển và khoe cửa hàng giảm giá của hội quán nay đã khá nhiều mặt hàng. Đồ không dùng đóng góp cho người nghèo cũng có, đồ ký gửi cũng có. Chị cho biết:

- Mấy cô học sinh, sinh viên đến đây đều có món đem về. Giá phải chăng mà. Em vào lựa coi có gì vừa ý không. Nhớ đưa bạn bè tới nghe!

Nhìn gương mặt trắng mát đầy đặn, nụ cười hiền hậu và đôi mắt lấp lánh niềm vui của chị, người mới gặp chắc khó tin chị đã từng du học ở Mỹ, từng bảo vệ luận án thạc sĩ ở Philippines, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió và là tác giả của bao nhiêu bài viết, bài nói trên báo chí, trên các diễn đàn. Người phụ nữ làm công tác xã hội cả cuộc đời ấy trong mắt tôi giống một cô giáo Oanh, một “má Oanh” hơn.

Tôi nhìn quanh hội quán một lần nữa. Đây là chiếc bàn nhỏ của quán café Wifi, đây là những chiếc bàn, chiếc ghế xếp thành vòng tròn dành cho các buổi hội thảo, họp bạn, kế bên là tủ sách tâm lý xã hội với nhiều đầu sách về chuyên ngành xã hội học, là quầy thông tin cung cấp tư liệu miễn phí và giới thiệu các chương trình hoạt động của hội quán. Trong kia là cửa hàng giảm giá treo lủ khủ quần áo, túi xách, đồ nữ trang mỹ nghệ và mọi thứ ký gửi khác lúc nào cũng có vài ba khách ra vào, tham quan…

Nhìn lại mái tóc bạc phơ của chị Oanh, cánh chim đầu đàn của nơi này, tôi lại thấy ngưỡng mộ về sức làm việc vô cùng của chị, cũng như trước giờ tôi vẫn cảm động về sự quan tâm tha thiết của chị đến giáo dục với ước muốn đưa “giáo dục chủ động” vào nhà trường để thay đổi sự ù lì, thụ động của học sinh - sinh viên.

Và, nhớ đến sự biến động, xuống cấp của nền giáo dục tôi càng thấm thía sự sâu sắc của chị khi trích dẫn lời nhà giáo dục Pháp Jean Jaurens: “Người ta chỉ, và chỉ có thể dạy bằng chính con người (nhân cách) của mình”. Là một người đi từ công tác xã hội đến phát triển cộng đồng, chị luôn khẳng định quan điểm nhất quán của mình “Không thể giỏi cá nhân mà phải giỏi chung với mọi người”.

Rời khỏi Hội quán Đến với nhau khi nắng lên cao khỏi đỉnh đầu, tôi để lại thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh với một ngày thư giãn hiếm hoi của buổi cuối tuần không có sinh hoạt chuyên đề trong khu nhà dễ thương số 105/6 Bình Quới, quận Bình Thạnh. Cầm trên tay tập tư liệu được in từ bài tham luận đọc tại Nhà văn hóa Phụ nữ chị vừa tặng có tựa đề “Để có được một tuổi già minh mẫn”, tôi bỗng nhớ một tuyển tập rất hay vừa xuất bản của chị: “Hạnh phúc- phải lựa chọn”.

Đúng vậy, chị đã lựa chọn. Ngay từ tuổi thanh xuân, chị đã chọn con đường đến với cộng đồng, phục vụ không mệt mỏi, làm việc không nghỉ hưu cho hạnh phúc của cộng đồng. Và cuối cùng, chị đã tìm được hạnh phúc, xứng đáng được hạnh phúc!

CHI LAN




Một phụ nữ đẹp đã ra đi...


TTCT - Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, nhà xã hội học nổi tiếng, một cộng tác viên nhiều năm thân thiết với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, vừa mất ở tuổi 78. Trang báo này dành để tưởng niệm bà qua ký ức của những người có dịp gặp và làm việc cùng bà.

Hôm đến Bệnh viện Hoàn Mỹ, tôi không dám vào thăm cô. Tôi chỉ đứng bên ngoài, nhìn qua khe cửa thấy cô nằm bất động trên giường, tóc bạc sáng một góc phòng hồi sức!

Từ khi biết cô tóc cô đã bạc như thế. Mái tóc sáng trắng từng sợi, bất chấp thời gian. Mái tóc kiểu “bum bê”, vừa tươi vui vừa nghịch ngợm, chăng vướng bận chút bụi trần!

Mỗi khi ngắm nhìn mái tóc bạc ấy lại nghĩ đến kho sách mà cô đã viết. Có cuốn sách cô viết một mạch liên tục trong ba ngày đêm tại Bangkok để kịp làm giáo trình cho khoa phụ nữ học của Đại học Mở - bán công. Nhưng cũng có cuốn là cuộc trò chuyên dài lâu, gom góp từ nhiều ngày tháng làm nên, mà một bạn đọc khi mail về báo Tuổi Trẻ đã gọi là những lời “sâu sắc, lắng đọng và đầy tình yêu thương”. Có những cuốn sách là tập bài giảng về giáo dục chủ động, về tâm lý nhóm, về tâm lý học giao tiếp và truyền thông, về công tác xã hội đại cương... Cũng có cuốn là hồi ký, nhưng nhân vật chính không phải là cô mà là chính công việc cô theo đuổi suốt đời với bao nhiêu lo toan, không phải cho mình mà cho người khác, nhưng lúc nào cũng đầy ắp lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh tự hoàn thiện của mỗi con người.

Cứ mỗi khi nhớ đến mái tóc bạc ấy lại hay nghĩ đến những bài báo mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi tên là “nảy lửa”. Cô viết rất nhanh, như thể lấy ra từ túi áo có sẵn, với tốc độ mà các nhà báo chuyên nghiệp có khi phải ghen tị. Có khi chỉ là một câu chuyện ngắn thấy được từ một chuyến xe buýt. Có khi là cả một chuyên đề nhiều kỳ về cách tạo dựng “ý thức giá trị bản thân” cho bạn trẻ. Cô góp mặt trên nhiều trang báo về thanh niên, văn hóa, giáo dục, kỹ năng, lối sống... của một số tờ báo. Cô múa bút với nhiều thể loại, từ “Thời sự và suy nghĩ” trên Tuổi Trẻ, chuyên đề cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần, đến “Tư vấn tâm lý học đường” của Phụ Nữ Chủ Nhật mà lượng thư gửi về chỉ đứng sau mục “Nhỏ to tâm sự” của chị Hạnh Dung. Cô là người bạn lớn của một số phóng viên, biên tập viên trong làng báo Sài Gòn.

Đó là một trong những phụ nữ đẹp nhất mà tôi đã gặp trên đời.

Cô rất đẹp vì... chăng cần trang điểm! Không một chút son phấn hào nhoáng của giàu sang, chức vị, danh hiệu, thành tích... Bà già U-80 vẫn đi lại thường ngày hội thảo, huấn luyện, nói chuyện, lãnh nhuận bút, đi khám bệnh... bằng leo xe buýt, lên xe ôm, thỉnh thoảng ngồi taxi, từ ngôi nhà ở Hóc Môn cách trung tâm thành phố trên dưới 20km. Cô luôn miệng nói “tôi sắp về hưu đây!” nhưng chưa bao giờ thôi làm việc.

Chân vẫn đi, tay vẫn viết, miệng vẫn dạy, không hề mệt mỏi. Cô cùng mọi người lập nên Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng từ tiền thân là phòng nghiên cứu công tác xã hội, có tuổi thọ đến nay đã 20 năm. Cô góp sức mười mấy năm hình thành ngành công tác xã hội với mã đào tạo bậc đại học. Mới đây, cô lại cùng mở ra hội quán Đến với nhau. Cô làm nhiều dự án vì cộng đồng, tìm nhiều học bổng cho người trẻ đi học nước ngoài... Tài sản cô để lại chắc gì đã đếm hết!

Cô rất đẹp vì có... nhiều người mê! Mà toàn là những fan mê thiệt bụng. Từ những tình nguyện viên tham gia các dự án phát triển cộng đồng, những sinh viên nhiều lứa tuổi từng được cô giảng dạy, đến những bạn trẻ, người lớn được cô tư vấn trên trang báo mà chưa hề gặp mặt. Chỉ nhận ra rằng ai đã đến với cô thì sẽ thấy mình lớn hơn, tự tin vào bản thân hơn và biết sống đẹp hơn vì người khác. Như chị Trinh, người phụ nữ học vấn chỉ lớp 5, nay đã về hưu. Hơn 40 năm trước là một thiếu nữ lao động, chỉ qua hai năm cùng cô làm việc đã thay đổi bản thân, tham gia hoạt động cộng đồng và ra cả nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm. Bằng nghề bảo mẫu, chị nuôi dạy bốn người con thành tài, hiện đều làm nghề dạy học.

Giờ đây, mọi người cùng ngồi lại bên nhau với những cuốn sách ký tên Nguyễn Thị Oanh, với nến, với lá và hoa và niềm cảm thương khôn cùng... Tất cả cùng hát những bài ca cộng đồng để tiễn biệt cô về cõi vĩnh hằng!

Vĩnh biệt, cô ơi!

______________

Có bạn nói với tôi rằng bài giảng của cô Oanh hay nhờ giọng nói của cô dịu dàng, chân tình nên thuyết phục người nghe. Nếu đưa bài giảng ấy cho người khác có lẽ sức thuyết phục sẽ không cao như thế... Vì sao chúng ta có cảm giác bị thu hút bởi giọng nói của cô? Tôi lại nhìn việc ấy theo một góc nhìn khác. Tôi đoán dường như cô được huấn luyện khá tốt về kỹ thuật khẩu hình khi diễn thuyết. Hầu hết các khóa học về kỹ năng nói, kỹ năng trình bày ngày nay chúng ta bỏ quên mất kỹ thuật khẩu hình này. Tôi có biết một chút về kỹ thuật khẩu hình khi học hát nên nhận ra cô Oanh có sử dụng kỹ thuật này khi diễn thuyết. Do vậy, bài giảng của cô sinh động và hấp dẫn lắm.

Trên bục giảng hay giữa đám đông, cô không diễn thuyết theo cách hao tốn quá nhiều năng lượng như khoa tay, múa chân, chồm về phía này, nhảy đến phía kia khiến người nghe tối tăm mặt mũi. Cô nói thong thả, rõ ràng, đúng là tròn vành rõ chữ theo tiêu chuẩn các cô giáo lớp 1. Cô có di chuyển nhưng từ tốn, mềm mại... Dù thế, nội công của cô khi diễn thuyết thật tuyệt vời. Hầu như chẳng ai nói rằng tôi chưa nghe kịp. Cử tọa không bị thu hút bởi hình thể hay cách nói của cô. Nói theo ngôn ngữ diễn thuyết thì cô không hề nã đại liên vào đầu cử tọa. Cô dẫn họ đi vào thế giới ký ức của mỗi người, giúp mỗi người nhận ra câu chuyện của cô cũng chính là câu chuyện riêng của mỗi người. Từ đó, hãy suy nghĩ xem giải pháp cô đưa ra có áp dụng được cho trường hợp riêng của mỗi người hay không?

Khi giảng cô tổng hợp nhuần nhuyễn các kỹ thuật của công tác xã hội như kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, các kỹ thuật của giáo dục như kỹ năng soạn bài giảng, các kỹ thuật của xã hội học như nghiên cứu tài liệu sẵn có, nghiên cứu tình huống... Và mọi kỹ thuật tinh tế ấy được thể hiện thông qua xúc cảm của cô. Kết hợp hai yếu tố kỹ thuật và cảm xúc, tôi xin phép được gọi cô là một diễn viên, một nghệ sĩ xuất sắc trên bục giảng. Tôi bỗng nhớ một câu hát của nhóm nhạc ABBA:

Thank you for the music for giving it to me...

(tạm dịch: Cảm ơn bạn với bài nhạc ấy đã trả nó về với tôi...).

Cô Oanh kính, cộng đồng xã hội học xin thắp nén hương lòng để cảm ơn cô vì cô đã trả các kiến thức xã hội về với mỗi con người trong xã hội ấy. Trả về sau khi trao cho chúng tôi bao tâm huyết của cô. Trả về sau khi trao cho chúng tôi sứ mạng của đời cô: làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn...

______________

Hai năm qua cô dốc toàn bộ tâm huyết của mình vào hội quán Đến với nhau (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - nơi cô mong để các nhân viên xã hội đến với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hay giúp nhau vượt qua những giây phút khó khăn. Tôi xót xa thấy cô đang gom hết lửa trái tim mình ra để đốt. Cô hay càm ràm nửa đùa nửa thật: “Mấy người phải giỏi lên để làm thay đi chứ già này hết sức rồi!”.

Và cô hết sức thật, mặc dù trông cô lúc nào cũng tươi tỉnh, nhanh nhẹn và dí dỏm. Chúng tôi thường thấy cô mệt lả sau những buổi giảng hay nói chuyện và vội vàng đi đến nơi trị liệu, nhưng không thích ai hỏi han đến sức khỏe của mình.

Hội quán ban đầu rất khó khăn nên cô và chị N. rất cực. Cô gần như túc trực nơi hội quán để tiếp khách hay trực tiếp giảng hoặc điều khiển hội thảo. Buổi trưa nhìn cô nằm nghỉ dưới nền nhà mà thương. Tôi hỏi cô sao không viết dự án để có tiền thực hiện các hoạt động mà không phải lo lắng chuyện doanh thu. Cô bảo: “Cô chán dự án lắm rồi. Dự án chỉ làm hư các nhân viên xã hội thôi!”. Nhìn cô tôi không dám nói gì, nhưng tôi thầm nhủ: “Cô ơi, cô cũng từng thực hiện các dự án đó thôi mà chúng có làm hư cô được đâu. Hư hay không là do bản chất của con người thôi cô ạ!”. Nhưng tôi hiểu được nỗi đau của cô...

Càng về sau cô càng nóng tính. Ai cũng thấy những cơn giận bùng lên của cô. Có người bực mình khó chịu. Có người thấy tổn thương. Nhưng tôi lại thắt lòng vì thấy cô đang rất vội. Cô đang lo không còn đủ thời gian để làm hết những điều mình muốn làm, và cũng vì thế mà cô dễ nổ bùng với những tiến bộ chậm chạp. Nhiều người tìm đến cô vì yêu quý và cần nương dựa vào cô, nhưng sự tự đổi thay chậm chạp của họ lại làm phiền và quấy nhiễu cô mà không biết, vì họ đâu hiểu rằng cô đang cần được nghỉ ngơi!


Thạc sỹ Công tác Xã hội nổi tiếng


Ấp Bắc - Nói đến nghề Công tác xã hội ở Việt Nam, chúng ta tưởng nhớ đến Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh. Bà là nhà công tác xã hội nổi tiếng của Việt Nam, là người phụ nữ đầu tiên lấy bằng Thạc sĩ ngành Phát triển cộng đồng tại Philippines và đưa ngành học này về Việt Nam. Bà là người tích cực hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo.

Bà Nguyễn Thị Oanh sinh ngày 25-12-1931, là người con của quê hương Gò Công. Bà theo đạo Công giáo và có tên Thánh là Lucia Nguyễn Thị Oanh. Bà tốt nghiệp cử nhân Xã hội học năm 1955 tại Hoa Kỳ, sau đó học thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Philippines. Về lại Sài Gòn vào thập niên 60, bà hoạt động trước tiên trong các hội đoàn Công giáo tại Việt Nam và là Trưởng phòng Học vụ của Trường Quốc gia Công tác xã hội Sài Gòn (1971 - 1973).



Sau năm 1975, bà tham gia Hội Trí thức yêu nước, Hội Tâm lý, có vai trò quan trọng trong việc thành lập Nhóm Nghiên cứu công tác xã hội, tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng hiện nay. Trong những năm 1989 - 1990, bà thành lập Nhóm Công tác xã hội tại TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1992, bà đã tiên phong thành lập Khoa Phụ nữ học (tiền thân của Khoa Xã hội học) tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, từ đó hình thành nên những thế hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Xã hội học mới và đã xây dựng được thế hệ kế thừa đầy tâm huyết như: Trần Thị Nên, Đỗ Văn Bình, Huỳnh Ngọc Tuyết, Bùi Thị Xuyến, Nguyễn Thị Ngọc...

Bà không có gia đình riêng, tích cực hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, tập trung đông đảo trẻ em, phụ nữ nghèo lại để dạy họ làm nghề thủ công và nhận những sản phẩm ấy bán ra thị trường. Bà thành lập Trung tâm Tư vấn nghiên cứu Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (năm 1989) tại TP. Hồ Chí Minh trong hơn 20 năm qua. Những năm gần đây, bà còn thành lập thêm Hội quán Đến Với Nhau để những người làm công tác xã hội vì cộng đồng có nơi chốn để trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ công việc của nhau.

Bà còn là nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, đã góp công đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nhân viên Công tác xã hội, Phát triển cộng đồng cho các trường đại học. Nhiều học trò của bà đã trở thành những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực công tác xã hội, tâm lý, giáo dục hiện nay. Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về kỹ năng sống như: Bộ sách Tư vấn tâm lý học đường, Làm việc theo nhóm, Hạnh phúc - phải lựa chọn, Công tác xã hội đại cương... Với vai trò là một nhà tư vấn tâm lý, bà thường làm cố vấn cho nhiều chương trình, dự án và trong các buổi tọa đàm, thảo luận về kỹ năng sống, về hành vi xã hội.

Bà là 1 trong 50 người trên thế giới được Tổ chức Bánh Mì Thế Giới trao tặng danh hiệu Anh hùng đời thường năm 2008. Bà mất ngày 1-5-2009 tại tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh.

SƠN HỒ


Một đời vì cộng đồng

Chúng tôi không quá bất ngờ khi nhận được thông tin thạc sĩ cộng đồng Nguyễn Thị Oanh đã đi vào giấc ngủ ngàn thu vì căn bệnh mạn tính, nhưng thông tin đó thực sự đến quá sớm. Tôi đến nhà bà. Căn nhà mà trước đây vì công việc chúng tôi đã từng lui tới. Nhìn bạn bè, đồng nghiệp và học trò nườm nượp đến đưa viếng, tôi chợt nhớ bà từng nói trong một buổi giao lưu rằng: “Đến giờ, tôi sống có một mình mà có buồn đâu...”. Bà sống một mình, không lập gia đình nhưng thực sự đã có một đại gia đình.


Đưa ngành xã hội học về VN

Các bạn ở “Hội quán đến với nhau” ngậm ngùi đưa cho chúng tôi xem những câu trả lời thắc mắc của các bạn trẻ mà Th.S Oanh viết tay khi nằm trên giường bệnh. Nét chữ có phần yếu đi nhưng tâm huyết và tấm lòng của bà dành cho thế hệ trẻ vẫn vẹn nguyên đến phút cuối cùng.

Bảy mươi chín mùa xuân, đời người như chớp mắt. Nơi căn nhà nhỏ yên bình này, Th.S Nguyễn Thị Oanh “vẫn đau đáu trước nền giáo dục của nước nhà, vẫn day dứt về nhân cách sống của giới trẻ, của những giá trị xã hội đương đại” bằng các bài viết sắc sảo. Lặng lẽ như con tằm rút ruột nhả tơ, đều đặn hằng ngày trên chuyến xe buýt, Th.S Nguyễn Thị Oanh đến với những nơi mà các bạn trẻ với những vấn đề rối rắm đang cần tháo gỡ... Người phụ nữ với tâm trong sáng, nụ cười đôn hậu làm việc không ngơi nghỉ ấy đã trở thành người cô, người bạn, người đồng hành thân thuộc không chỉ với các bạn trẻ mà còn với bao phụ huynh.


Th.S Nguyễn Thị Oanh sinh ra ở Gò Công, Tiền Giang, lớn lên ở Sài Gòn, là người đầu tiên tiếp cận và đưa ngành xã hội học về VN. Bà sang Mỹ du học năm 1950 với ngành xã hội học. Về nước, bà tham gia nhiều công tác chăm lo cho các bạn trẻ. Sau 15 năm làm công tác xã hội, bà sang Philippines học thạc sĩ.

Nặng nợ với cộng đồng


“Gần cả cuộc đời chọn mục đích sống vì cộng đồng, phần thưởng với tôi là hạnh phúc từ niềm vui của những người được mình giúp đỡ”- Th.S Nguyễn Thị Oanh từng bộc bạch như vậy. Cái hạnh phúc từ công việc của người đặt viên gạch đầu tiên cho một ngành mới mẻ ấy quả lắm bộn bề. Không thể kể hết những khó khăn của người đi tiên phong mở đường.

Phải thừa nhận rằng Th.S Nguyễn Thị Oanh đã xây dựng được một thế hệ kế thừa đầy tâm huyết như: Trần Thị Nên, Đỗ Văn Bình, Huỳnh Ngọc Tuyết, Bùi Thị Xuyến, Nguyễn Thị Ngọc... Và cũng từ đội ngũ kế thừa này, nhiều khoa, nhiều ngành học xã hội ở các trường đại học đã được mở ra...Th.S Trần Thị Nên nằm trong lứa học trò đầu tiên của bà hiện đang công tác ở Phòng Phát triển xã hội nhà thờ Đức Bà nói: “Nếu không gặp cô Oanh, có lẽ tôi vẫn buôn gánh bán mẹt như nhiều người cùng hoàn cảnh. Chính bà đã khiến tôi vươn lên như hiện nay và đến giờ tôi luôn hài lòng với cuộc đời mình...”.


Nhưng có lẽ đến tận những ngày cuối đời, điều quan tâm lớn nhất của Th.s Nguyễn Thị Oanh là nền giáo dục của nước nhà, là sự day dứt về việc làm sao hình thành nhân cách sống cho giới trẻ trong một xã hội mà ngày càng có nhiều trẻ “cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình”, trong khi tệ nạn và cạm bẫy đang giăng đầy bên ngoài.


Và điều quan tâm ấy đã khiến Th.S Nguyễn Thị Oanh như chạy đua với thời gian và bệnh tật. Không chỉ thỉnh giảng, trò chuyện với giới trẻ ở khắp mọi nơi, bà cùng đồng nghiệp đã lập nên “Hội quán đến với nhau” cách đây 2 năm với hơn 30 lần sinh hoạt chuyên đề về các đề tài nóng như HIV, kỹ năng làm cha, làm mẹ, khôn dại của bạn gái khi yêu... Và đều đặn mỗi cuối tuần, bà đều vượt mấy chục km về đây chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mà mình có được.


Có lần cuối tuần, chúng tôi đến “Hội quán đến với nhau” sớm hơn giờ hẹn, bắt gặp bà với mái đầu bạc trắng, ngả lưng nghỉ trưa trên chiếc bàn kê tạm. Bà bảo với tôi rằng: “Tôi đến đây vì các em cần, vì tìm thấy niềm vui trong công việc...”. Sức làm việc dẻo dai, sự cống hiến vì cộng đồng không ngơi nghỉ ấy thật đáng khâm phục.

Bà Nguyễn Thị Oanh, sinh ngày 25-12-1931, tại Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Tốt nghiệp cử nhân xã hội học năm 1955 tại Mỹ.

Học thạc sĩ về phát triển cộng đồng tại Philippines.

Trưởng Phòng Học vụ của Trường Quốc gia Công tác xã hội Sài Gòn: 1971-1973.

Sau 1975: Tham gia Hội Trí thức yêu nước, Hội Tâm lý, có vai trò quan trọng trong việc thành lập nhóm nghiên cứu công tác xã hội, tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng hiện nay.

Ngoài việc giảng dạy tại các trường đại học, bà làm cố vấn cho nhiều chương trình, dự án, nghiên cứu, viết sách, viết báo.

Bài và ảnh: Bích Hà