Một tấm lòng với thi ca Công giáo – Trò chuyện với nhà thơ-nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng

Quang X Nguyen


NỘT TẤM LÒNG VỚI THI CA CÔNG GIÁO
(Trò chuyện với nhà thơ-nhà nghiên cứu văn học Lê Đình Bảng)







Nhà thơ Lê Đình Bảng Sinh ngày 17.9.1942 tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Quê: Thọ Cách, Thái Thụy, Thái Bình. Học Tiểu chủng viện Mỹ Đức (Thái Bình), Phan Rang và Phanxicô Savie (Bùi Chu) Sài Gòn, ĐCV Lê Bảo Tịnh – Gia Định (1958-1960). Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Việt Hán – ĐH Văn khoa Sài Gòn (1966), ĐH Sư Phạm Sài gòn -Việt Hán (1971). Từng dạy học ở Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Duy Khang (Sài Gòn)… Cộng tác với các báo: Trái tim Đức Mẹ, Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Hằng Cứu giúp, Thẳng Tiến, Sống Đạo, Hoà Bình, Dân Chủ, Công Giáo và Dân Tộc, Hiệp Thông, Đồng Hành, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ…..Văn Hoá Phật giáo (1960-1975). Ông cũng là thành viên, ủy viên các Ban thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam: Ủy Ban Thánh Nhạc, Ủy Ban Phụng Tự, Ủy Ban Giáo Dân, Ủy Ban Văn hóa, Ủy Ban loan báo Tin Mừng.

Lê Đình Bảng đã in các tập thơ: Bước chân giao chỉ (Sài gòn 1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014), và các tập thơ được phổ nhạc: Đội ơn lòng Chúa bao dung (2012), Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật (2012), Về cõi trời mênh mang (2012). Ngoài ra Lê Đình Bảng còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Ông đã in “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường” (2010), và bộ sách gồm 6 cuốn, 4.088 trang in: “Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam” (2009) do ông sưu tầm, nghiên cứu…

Tôi may mắn được trò chuyện với nhà thơ Lê Đình Bảng một vài lần, những lần dự hội thảo ở Huế, ở Đại chủng viện Xuân Lộc. Câu chuyện của chúng tôi rất thú vị và mở ra rất rộng về phía nghiên cứu, sáng tác văn học Công giáo. Tôi chỉ xin phép ghi lại đây những nghĩ suy và tấm lòng của một người yêu văn chương Công giáo.

***

BCT: Thưa anh, làm thơ, khó nhất, trước hết là vốn từ. Nghèo chữ nghĩa thì không thể làm thơ được. Thơ của anh có một vốn từ hết sức phong phú, ở đâu anh có được một kho từ vựng giàu có như vậy?

LĐB: Xin thưa Anh, cái gốc gác, ngọn nguồn trước đã, nhé. Thú thật, tôi vốn tham lam, ngay từ khi tấm bé. Đọc, đọc và đọc. Dĩ nhiên, lúc thơ dại ấy, đọc chỉ là đọc. Cái gì cũng vơ vào. Rồi lớn dần, khôn ra, có suy nghĩ. Đọc, đọc và tích luỹ cho mình. Để ngẫm ngợi. Để suy diễn. Để quy nạp. Để tiêu hoá. Tất cả như một quá trình của vạn vật tuần hoàn: sinh, hoá, trụ, diệt.

Tôi mê Cựu Ước (đặc biệt, Sáng Thế, Xuất Hành, Giảng Viên, Thi Phú, Tiên Tri, Huấn Ca, Thánh Vịnh, Diễm Tình Ca…) Trong ấy, toàn là thơ và thơ. Mình chết đuối trong dòng sông vỡ bờ ấy cả một đời. Lại đọc và ghiền Tân Ước, nhất là theo bước chân Chúa Giê su rảo khắp núi đồi, biển đảo, rừng sâu, làng chài, phố thị, làng quê. Hỏi, thế thì làm sao mà thiếu vắng Kinh Thánh được? Tôi đã nhiều phen trao đổi với anh chị em làm thơ Công giáo rằng, “ai không đọc và sống Kinh Thánh” thì đừng hòng bén mảng tới cõi thi ca Công giáo. Họ tin hay không, tự do và ân sủng Chúa ban, tuỳ lòng họ mở hay khép.

Bên cạnh Kinh Thánh, tôi có một ”nguồn vốn nhưng không, dân dã, ruột thịt”, đó là kho tàng kinh sách nhà đạo, mà ông bà, thầy mẹ, anh chị em, bà con tôi ”mớm nuôi” tôi.

Này, Anh có tin, tôi gấp quyển Toàn Niên Kinh Nguyện dày cộm mấy trăm trang, rồi khoanh tay, nhắm mắt đọc thuộc lòng như cháo chảy, từ trang đầu đến trang cuối không? Chuyện khảo kinh, thi kinh hồi bé ở xứ đạo làng quê nghèo khổ của tôi đấy.

Đấy là cái nguồn bên đạo, nhé. Còn nguồn ngoại lai, cứ tạm gọi là ”bên lương” đi. Là chút ít chữ Hán Nôm, là Sử ký Tư Mã Thiên, là Đường Thi, kể cả Sách vở La Quán Trung, Bồ Tùng Linh. Đọc, đọc cho kỳ hết. Nhà nghèo, coi cọp, đọc ké. Thế là nuốt. Vô được nhiêu, hay nhiêu. Chắc chắn, không dư, không rơi rụng, vương vãi bao nhiêu. Vẫn đủ vốn, dù 30, 50 hay 100. Còn lãi chán. Tôi đã nghiệm ra đáp số của mùa màng bát ngát này…

Tôi xin xưng tội công khai với Anh: Không thể đếm hết các điển ngữ Kinh Thánh và Kinh Nguyện đã ”hoá thân” đã ” nhập thể” vào thi ca của tôi. Y như cái ”bí tích ân sủng” Chúa đã “đóng đinh” vào cả linh hồn, thân xác tôi vậy. Không còn là ”ảnh hưởng, tác động, va chạm, lây nhiễm, ám ảnh” nữa. Đã ”nhập hồn vía, đã thành máu thịt tôi”. Tôi mặc kệ Thánh Thần, như gió muốn thổi đến đâu thì thổi. Sống mà không phải tôi sống, mà Chúa sống trong tôi. Anh đừng cười mà bảo tôi ngoa ngôn, nhé. Không. Tôi nhớ, Anh viết, trong Quỳ trước đền vàng, Hành Hương, còn nhiều thú vị cần được khai quật, nhưng vì khuôn khổ bài viết không cho phép đấy thôi. Vâng, đúng vậy. Ở mỗi tập thơ, mỗi quyển sách (trong bộ Ở Thượng Nguồn…) tôi còn gửi gắm, ký thác rất nhiều, biết ngỏ cùng ai? Tôi trộm nghĩ, Anh là người đầu tiên và duy nhất, như Columbus đặt chân lên miền đất hứa châu Mỹ. Rất hãnh diện, khi người khác ”nhìn và nhận ra” mình là người bên đạo, đi đạo, có đạo, không lẫn vào đâu được. Cái dấu sắt nung đỏ lửa là cây thánh giá đã ”đóng đinh” trên hình hài, điệu bộ, ngôn ngữ và linh hồn tôi rồi, không xoá mờ, phai nhạt được. Kinh Thánh, Kinh Nguyện đã là gia nghiệp đời tôi. Tạ ơn Chúa.

Song song với hai nguồn vốn thánh thiêng trên, tôi con có chút “của riêng” để “làm tin”. Đó là thứ ngôn ngữ cửa miệng rất dân gian, là lời hát ru, là những gì tôi nghe, tôi nhớ, tôi gom góp, như con chim tha hạt sớm chiều. Con đường ấy là điền dã, là cơm đường cháo chợ, hát xẩm xin ăn rách rưới bên đường. Tôi đi, tôi thấy, tôi lắng nghe, tôi chắt chịu, dành dụm, giữ ngọc gìn vàng. Tất cả quy hướng về Chúa, khi chúng “tự nhào nặn, tự cộng sinh và tiếp biến”. Khi bay bổng, thăng hoa nhất, đấy là đã ”tới cõi” đặt dưới chân Chúa vô lượng hải hà…Tôi vỡ đất, cày cuốc, gieo trồng. Chúa cho sương trời hơi đất và nắng gió, đơm hoa, kết trái.Cuốn sách Lời tự tình của Bến Trần Gian – Thơ Lê Đình Bảng

BCT: Quả là nguồn từ vựng của anh bát ngát và nhờ thế, thơ anh như cánh đồng, như trời bể bao la chữ. Thưa anh, anh làm thơ Công giáo với mục đích gì?

LĐB: Khi tôi làm thơ, làm thơ đạo, làm thơ Công giáo, nói như thánh Phao lô, dù Hy Lạp hay Do Thái, miễn sao rao truyền được tin mừng của Đức Ky tô bị đóng đinh. Chuyện này, có vẻ giản đơn và nhẹ nhàng. Nhưng thưa Anh, đối với tôi lớn lắm, khó lắm. Phải ”đổ hết máu thịt mình ra”. Một cuộc ”khổ nạn” trên hành trình Núi Sọ. Đâu phải hễ mở miệng lạy Chúa tôi, Lạy Đức Mẹ, có ông cha, bà phước, có bóng tháp nhà thờ, có tiếng chuông, tiếng cầu kinh…amen là thơ đạo, thơ Công giáo đâu? Còn lâu! xin lỗi, không dám đâu! Gọi đó là ”thơ đạo” ư? Biết chết liền!Hihi!

BCT: Thưa anh, anh làm thơ như thế nào?

LĐB: khi cầm bút, tôi chỉ muốn để mình trôi đi như hơi thở. Nói thật, ít khi, tôi phải khổ công để khuôn ép, gò bó. Tôi rất sợ đánh mất ”cái thoáng qua, cái khoảnh khắc vụt đến,vụt đi” ấy. Sợ không gặp lại, sợ nó khác đi. Lúc này, đọc lại các tập thơ đã ra đời, thưa Anh, tôi không hề có ý gì khi chọn ”bao nhiêu bài, bao nhiêu câu ,bao nhiêu thể loại” cho mỗi tập. Phải chẵn hay lẻ? Phải thế nọ, thế kia. Không. Nó cứ diễn ra như nó muốn.

Rất tâm đắc với Anh về một người làm thơ, một nhà thơ Công giáo Việt Nam, là ” phải thực sự tài năng (kể cả ngón tài hoa nữa); một bản lĩnh trong sáng tạo; một cốt cách độc đáo và một vốn liếng rất giàu có về ngôn từ, hình tượng.”

BCT: Anh nghĩ gì về người sáng tác, người viết lý luận phê bình văn học Công Giáo Việt Nam đương đại?

LĐB: …trộm nghĩ, cứ 1000-5000 tín hữu thì có thể có được 1-2 người viết lách (dĩ nhiên chưa phải là nhà văn, nhà thơ). Mà giả như trong 500-1000 nhà văn nhà thơ thì cũng chưa chắc có được một ngòi bút lý luận – phê bình cho xứng tầm…Hãy cứ nhìn suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam (từ 1533 đến 2009) mà xem. Chỉ loé lên như một tia chớp ở Võ Long Tê (1965) và lác đác, bàng bạc với Thanh Lãng và Nguyễn Văn Trung. Rồi thôi, lịm tắt. Không còn động tĩnh, âm hao gì? Mà cũng chẳng hề nghe ngóng một thắc mắc, phản hồi? Hình như, tôi có dự cảm về một tình cảnh ”sống chết mặc bay”, từ cả mọi phía: Hội thánh tôi yêu và người tín hữu cầm bút?

Nói thật, trong cõi… nghiên cứu – lý luận – phê bình Văn học Công giáo Việt Nam, chúng ta là một…vùng trắng, một cánh đồng hoang. Gần 500 năm, đạo Chúa vào Việt Nam, chúng ta đã có một gia tài. Nhưng càng về sau này, càng nhạt, càng trống vắng. Bởi vậy, bản thân tầm thường của tôi – với ơn Chúa và nỗ lực vượt khó, cày ải, tuyệt vọng trong nhiều năm (1975-2009) – chỉ vỡ vạc được bấy nhiêu, đóng góp cho đạo, cho đời. Bây giờ đã gần đất và xa trời, chỉ biết cầu xin và hy vọng, Anh, người viết lý luận – phê bình Văn học Công giáo Việt Nam sẽ viết nên những dòng chữ làm sánh danh Chúa, giới thiệu cho xã hội thấy được những chân dung, những cống hiến có giá trị thật vào dòng chảy Văn học Việt Nam.6 cuốn sách Ở thượng nguồn thi ca Công Giáo Việt Nam

BCT: Cám ơn anh về một “niềm hy vọng”. Anh đã sưu tầm và viết bộ sách 6 cuốn Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam như thế nào?

LĐB: Bộ sách 6 Tập này là tất cả mồ hôi, máu lệ của tôi, suốt dòng dài năm tháng khốn khổ, cô độc, cô đơn nhất trên chiếc xích lô già nua, còm cõi, vất vưởng đầu đường xó chợ. Thậm chí, cái ruột bút bi, mảnh giấy, chỗ ngồi yên ả cũng được xem là…xa xỉ, ước mơ. Tất tần tật viết tay, những bao thuốc lá, những mảnh giấy hoá đơn, lặt vặt, vương vãi, những căm xe xích lô xâu chuỗi giấy tờ, chữ nghĩa, hình ảnh….Computer, google, net…còn ở mãi…đẩu đâu…xa vời, không dám nghĩ tới…Nói thật, không ai có thể ngờ. Bản thân tôi, đến lúc này, cũng không ngờ! Hẳn là hồn thiêng của hơn 100 tác giả, ở cõi bên kia, đã nguyện cầu Chúa gia hộ, độ trì tôi chăng? Xin Anh hiểu cho tình cảnh…cưu mang, sinh thành và chào đời của chúng

Khi suy nghĩ và viết bộ sách 6 tập Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam, tôi chỉ nhắm 2 điều: đãi cát tìm vàng – thi ca, và tìm hiểu thi ca Công giáo Việt Nam xuyên suốt dòng lịch sử từ buổi hừng đông (tạm thời là từ nửa đầu thế kỷ XVI đến nay: đương đại, nhưng chỉ đề cập đến những tác giả và tác phẩm của những người đã mất. Thuật ngữ ”thượng nguồn” ở đây, không được, không bị hiểu là…tận cùng…tít tắp của thời gian. Nhưng đơn giản thôi, là các tác giả và tác phẩm của người và của thời đã qua. Trên dưới một trăm tác giả, vài trăm tác phẩm (vì cũng có tác giả có 2, 3, 4, 5 tác phẩm) và hàng nghìn hình ảnh minh hoạ trong bộ sách hơn 4000 trang ấy, thưa Anh, lại vẫn là ”thơ và thi ca Công giáo Việt Nam”. Chẳng dám nghĩ, đó là ”tiêu chí” nào. Chẳng muốn ”nhốt” họ vào một cái ”khuôn khổ” nào. Thậm chí, cũng không hề có ý tưởng ”sắp xếp” vào một khuynh hướng, một trường phái cụ thể nào, như thường tình của các nhà viết văn học sử: Dương Quảng Hàm,Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn, Phạm Thế Ngũ…

Bởi vậy, tôi không đánh số 1, 2, 3…5, 6. Cứ để mặc người đọc tự do, cầm tập nào và đọc tập nào, tuỳ ý. Kể cả việc họ có quyền thắc mắc, đặt xuống hoặc nâng lên tập này, tập kia, xếp đặt lại cho có bên có bề, theo ý họ. Đã có khá nhiều người đọc và góp ý với tôi rằng ”tại sao…và tại sao?”. Tôi chỉ dạ vâng, để đó

Còn về hình thức cũng thế. Kinh Thi, Sở Từ, Liêu Trai, Sử Thi, Thánh Vịnh, Tiên Tri, Diễm Tình Ca, Vè Vãn, Ca Ngâm, Hát Nói v.v. không nằm trong phạm trù của một ”tiêu chí” nào. Viết để mời gọi mọi người cùng bàn, cùng ăn, cùng uống. Khóc và cười với nhau, như thánh Phaolô và Đổ Phủ bảo. Thế thôi. Vì thế, tôi tạm chia cái ”thượng nguồn thi ca” ấy ra làm 6, 7, 8 nhánh, gọi là “miền thơ”.Tôi sống, tôi đọc và tôi đã ”nắm” được cái ”chất thi ca Công giáo Việt Nam” nhiều, ít trong từng tác giả, tác phẩm: thơ trong kinh nguyện; thơ để cầu nguyện; thơ trong những diễn ca Phúc Âm; thơ để huấn giáo; thơ để ghi nhận ký ức, hoài niệm và thơ trong ca từ của thánh nhạc thánh ca Việt Nam. Và sau nữa, thơ trong Vè Vãn, Ca Ngâm và cả trong Câu Đối, Sắc Phong, Hoành Phi, Liễn…

Trong lúc viết đề dẫn…, tôi đã chọn lựa: tự sự, tuỳ bút. Hẳn Anh đã nhận ra, ở mỗi Tập và mỗi tác giả, tác phẩm, tôi sắm vai ”người trong cuộc, người kể chuyện” với tác giả, hơn là nhà văn ”đứng nhìn, soi rọi và…phát hiện” ra những ẩn giấu, khuất chìm. Đa phần, bằng “điền dã, tiếp cận, gặp gỡ, trò chuyện, thư từ” (kể cả tranh luận, giữa những thập niên (1965-1975-2009) chưa hề có internet, computer, google…riêng đối với tôi.

Nhờ những ”chứng nhân sống” này, tôi đã “moi” được chút chút ”tăm cá, bóng chim”. Cũng là nhờ ơn Chúa thôi. Đến khi bộ sách này ra đời, tôi tạ ơn Chúa. Sau đó, tôi ”lập đàn” hương khói nguyện cầu các tác giả đã phù trì, che chở tôi vượt qua trăm nỗi đoạn trường, tưởng không thể nào…

Không chỉ khi viết về Lịch sử văn học Công giáo , mà thưa Anh, ở toàn bộ những sinh hoạt của tôi – từ suy nghĩ, nguyện cầu đến viết lách (viết văn, làm thơ), dạy học, mc…tôi vẫn một mực sắm vai” một người kể chuyện, ở ngôi thứ nhất “ tôi”. Tất tần tật không gian, thời gian, chủ thể, khách thể đều ở trạng thái ”hiện thực hoá”. Tôi nghĩ, sẽ sinh động, ngồn ngộn, tươi nguyên hơn là một quá khứ đã bị đóng băng, bị đổ xi măng cốt thép; hơn là những chói loà chỉ tổ làm mờ mắt, choáng ngợp, để mày mò bước theo những lối mòn nhạt nhẽo, cũ mèm.

Chúa, Phật, Tiên, Người, Đời, Tình Yêu, Nỗi đau, Nỗi Chết…đối với tôi đều mới tinh sương, như bình minh Sáng Thế, như một Lễ Hiện Xuống Mới. Đó là tổng hợp vào chính bản thân mình một giao thoa, một cộng sinh và tiếp biến. Đó là, xin lỗi Anh, tôi hơi…vô phép, một cuộc ”nhập thể/ đã hoá vào máu thịt” rất “vô thức”, có lẽ còn chờ được “mạc khải”. Tôi cứ để mặc lòng, trí và ngòi bút trôi đi. Đã có Thánh Thần sáng soi, dìu dẫn. Anh đọc và hẳn Anh đã nắm rõ. Cái tôi và Chúa và tất cả cứ bàng bạc, phủ sóng ở mỗi chữ, mỗi câu, mỗi tập. Không khiên cưỡng, gò ép phải thế này, thế kia được. Do đó, có lúc nó Cựu Ước, Thánh Vịnh, Ngôn Sứ, Diệu Ca. Đôi khi, nó Tân Ước dày đặc những dụ ngôn đã hoá sinh vào đồng đất quê nhà Việt Nam, vào đồng dao, vào ngôn ngữ cửa miệng dân gian. Lại có lúc, nó trôi nổi ra bát ngát tam quan, đình chùa, miếu mạo, hát xẩm, ca trù …

BCT: Anh đã sống qua những giai đọan biến động rất lớn của lịch sử Việt Nam, sao anh vẫn giữ được hồn thơ trong veo? Anh có chịu ảnh hưởng của tác giả, tác phẩm một nền văn học nghệ thuật nào không?

LĐB: Anh hỏi tôi, giữa…trùng điệp những ảnh hưởng du nhập, tác động, tiếp cận từ Kinh Thánh, Kinh Nguyện, Dân Gian đến Văn học cổ, Hán Nôm, Đường Thi, Thiền và va chạm nhiễu nhương của thời thế trước và sau 1975, tại sao thơ LĐB vẫn ”trong veo”?? Ồ, lạ nhỉ? Thưa Anh, tôi vẫn một lòng trân trọng – kể cả ngưỡng mộ và khâm phục – các bậc tài hoa tiền bối. Nhưng nhất định không ”bị choáng ngợp, bị mê hoặc” đến nỗi mờ mắt, hết thấy con đường phía trước. Chúa bảo tôi ”kho trời chung, mà vô tận của mình riêng”. Chả bao giờ vơi, chả bao giờ cạn.

Làm thơ hay hoặc dở, không phải những điều mình viết, mình nói ra. Nhưng quan trọng, là ”cách mình viết, mình nói ra thế nào”. Cũng như chỉ có đồ rê mi fa sol la si…ấy thế mà âm nhạc Đông Tây, cổ kim hoà điệu, Cò lả, Quan họ, Hát Xẩm, Đò đưa, ca khúc, hợp xướng…Chẳng hiểu, thưa Anh Thuấn, tôi nghĩ và tôi đã viết lách, đặc biệt tôi đã ”sống máu thịt với thơ Công giáo Việt Nam” như vậy có gì là…lập dị, sai trái không?…

Anh đã chỉ ra được cái ”lan man/ miên man” rất lăng ba vi bộ của tôi trong lối viết “tuỳ bút” trong nghiên cứu văn học. Một chuyện lạ đấy, như tôi hiểu. Anh đâu có trách tôi. Nhưng đã có không ít người – có máu nghiên cứu – không đồng tình. Họ bảo và khuyên tôi nên ”xoá đi/ làm lại”. Nghĩa là ” không thể chấp nhận vừa nghiên cứu, lại vừa tự sự, tuỳ bút.”. Làm như thế, theo họ, tác phẩm sẽ mất đi tính ”uyên bác, khoa học và khách quan”. Vâng, thưa Anh, tôi giữ nguyên si. Không chỉ khi làm thơ, mà cả trong mọi lĩnh vực đời sống của tôi. Điều này, đã hơn một lần, tôi khẳng định với Anh đó. Đấy là cái thế giới ”nguyên sinh, trữ tình” của tôi…

Vẫn tồn tại trong tôi một thắc mắc, từ lâu rồi, tại sao quá ít ”nghiên cứu sinh bậc Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Công giáo” làm luận văn, luận án chuyên đề về văn hoá, văn học Văn học Công giáo nhỉ? Chúa ôi, cả một kho tàng bát ngát, địa hải, thiên hà. Đây cũng là một “cánh đồng truyền giáo” chứ bộ ? Tôi vừa nghe cô học trò tôi báo tin, mời tôi về Hải Phòng dự buổi trình luận án Tiến sĩ ngôn ngữ học” về ngôn ngữ Công giáo trong sách Toàn Niên Kinh Nguyện của các giáo phận Dòng Đa Minh (Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn). Tuyệt vời! Là Hội đồng Giám mục Việt Nam, xin lỗi, lại là Uỷ Ban Văn Hoá, đích thân tôi sẽ ”trải chiếu hoa” mời vị Linh mục ứng sinh ấy và trao một Giải thưởng Văn hoá -Đức Tin xứng tầm ngay lập tức. Anh thử nghe ngóng xem nó ra sao, nhé.Cuốn sách Văn Học Công Giáo Việt Nam – tác giả Lê Đình Bảng




BCT: Anh đã viết “Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường”, xin anh cho biết những suy nghĩ của anh về lịch sử và tương lai của Văn học Công giáo Việt Nam?

LĐB: Mấy hôm nay, câu hỏi của Anh khiến tôi cứ phân vân, đến là khó đưa ra được một nhận định rốt ráo. Có chăng, một nền Văn học Công giáo ? Có chăng một nền Văn học Công giáo Việt Nam? Lịch sử nền văn học ấy như thế nào? Rộng lớn và bao quát quá.Trí khôn cùng vốn hiểu biết của tôi thì hạn hẹp, nông cạn, làm sao với tới? Ở đây, thưa Anh, chỉ đơn thuần là những tản mạn suy nghĩ và những đoạn rời cảm nhận về Văn học Công giáo Việt Nam thôi. Không dám mở rộng ra Văn học Công giáo của giáo hội.

Chưa lâu lắc gì lắm đâu. Chính xác là suy nghĩ ấy chỉ mới nhen nhúm trong đầu, từ khi có ý định ”làm công việc nghiên cứu lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam”. Đâu, khoảng những thập niên 1975-2009. Nhưng thật ra, đã khởi đi ngay từ những năm tháng đèn sách miệt mài ở nhà trường, với những khuôn phép, chuẩn mực rất giáo khoa thư, 1955-1965…

Vâng, từ cái chuỗi dòng dài thời gian xa lắc xa lơ mịt mù ấy, trong tâm tưởng rất vô thức và vụng dại, trăng mật của tôi, Văn học Công giáo Việt Nam không hơn ”một khái niệm” khá mơ hồ và trừu tượng. Nó hiện ra son nhạt trong tôi như một ”người tình nho nhỏ xinh xinh để chiêm bao mộng mị”. Thánh thiêng và tinh khiết lắm. Vô nhiễm như vỉa quặng còn ngủ quên dưới lòng đất, đừng ai chạm tới. Đơn giản, vì lúc ấy, ngay cả đến thầy dạy cùng sách vở, văn bài của mình toàn là kinh sách, lễ nhạc, giáo điều, phụng tự…Không hề thấy bóng dáng một tác giả, một tác phẩm nào mặc tấm áo ”văn học Công giáo”.

Trộm nghĩ, hay một cách mặc nhiên, chúng đã là ”Văn học Công giáo Việt Nam“ rồi, mà bọn trẻ chúng tôi khờ khạo, không hay biết? Thú thật, có một thuở một thời, tôi mông muội đến…tội nghiệp như thế đấy. Chưa bao giờ và có ai dạy cho biết thế nào là Văn học Công giáo, Văn học Công giáo Việt Nam, thế nào là một tác giả, một tác phẩm Văn học Công giáo. Tội nghiệp chưa !

Đến lúc lớn khôn hơn, có tí chữ nghĩa, đọc và học môn Văn học sử Việt Nam, rồi từng bước, hiểu ra ”vẫn có đấy, một dòng chảy văn học Việt Nam song song với những kinh qua của lịch sử Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn v.v. Và văn học với thời thế, từ đấy, đã mang tính ”biện chứng và tất yếu”, không dễ gì biện bạch rạch ròi. Thời thế nào, văn học ấy.

Tôi miên man ngẫm ngợi mãi. Quay trở về Văn học Công giáo Việt Nam thì sao? Chỉ thấy lác đác, chỗ này, người kia viết hoặc nói chung chung về một vài nhân vật, sự kiện, truyện tích, câu thơ, bản nhạc, bức tranh, tuồng tích mang nội dung Công giáo. Cứ vô tư và tự nhiên như là chuyện kể dân gian. Thành thử, tôi vẫn nghĩ, Công giáo là Công giáo và văn học là văn học. Cả hai chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Chúng độc lập, tồn tại ở trong hai phạm trù riêng, Công giáo và văn học, đạo và đời. Những sách vở, tư liệu tôi đọc và học, không hề chỉ ra ”cái chất Văn học Công giáo ” của một tác giả hay một tác phẩm. Tất cả, như đã bị lớp sương mù của quan điểm, lập trường chính trị và mục vụ, truyền giáo che mờ, khoả lấp, hướng dẫn, khuôn ép. Một mặt, né tránh, e dè, phớt tỉnh hoặc không mấy mặn mòi bắt chuyện. Đó là trường hợp của đại đa số sách báo, giáo khoa. Từ Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Dương Quảng Hàm cho đến Thiếu Sơn, Nghiêm Toản, Võ Thu Tịnh…

Mặt khác, có nhắc đến, nhưng chỉ là ”chạy qua gánh hàng bồ có bán ảnh tượng và sách báo Công giáo” ở các phiên chầu lượt của xứ đạo làng quê ta. Nói cho có, viết qua loa. Đó là trường hợp của những ”đấng bậc” chuyên viết lịch sử truyền giáo (Sử Ký Hội thánh; Tường trình về truyền giáo; Hạnh Các thánh…). Đó là sách báo, tư liệu của Lê Thiện Bá, Phao lô Qui, Nguyễn Hồng, Phan Phát Huồn, Bùi Đức Sinh…

Mãi đến 1965, với Lịch Sử Văn Học Công giáo Việt Nam của nhà nghiên cứu Võ Long Tê, vấn đề mới dần rõ ra. Có một nền Văn học Công giáo Việt Nam. Và kết thúc tập sách này, tác giả chỉ mới làm công việc giới thiệu cho chúng ta buổi hừng đông thế kỷ 16-17, khi vóc dáng Văn học Công giáo Việt Nam còn ở dạng kinh nguyện và ca vãn truyền khẩu.

Từ đó, đứt đoạn, không có ai tiếp nối, kế thừa. Từ đó, Văn học Công giáo Việt Nam và việc đi tìm Văn học Công giáo Việt Nam lại rơi vào lãng quên, tối om như vào chốn lâm bô. Khoảng giữa những thập niên 1958-1970, ở Đại học Văn Khoa Sài gòn và Huế, Đà Lạt, chúng tôi may mắn được tiếp cận với một số công trình nghiên cứu chuyên ngành văn chương của các giáo sư Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung. Cũng có đấy ít nhiều chất “Công giáo Việt Nam ”. Nhưng rõ ràng là…có vậy.

Cho nên, trong điều kiện thiếu thốn và hoàn cảnh tự thân của mình nỗ lực học tập tấm gương người đi trước đã mở đường và do một lực đẩy từ bên trong nội tâm, tôi liều mạng viết ”Văn học Công giáo Việt Nam – Những chặng đường”. Như một bước khởi động với nhiều…suy nghĩ trong vòng…thử nghiệm, thăm dò đầy rủi ro. Những chặng đường Văn học Công giáo Việt Nam được phân định như sau:

– Chặng đường vỡ đất – gieo trồng (thế kỷ 16-17).

– Chặng đường đâm chồi – nảy lộc (thế kỷ 18-19).

– Chặng đường đơm hoa – kết trái (thế kỷ 20).

Công giáo Việt Nam đã có một nền văn học trong dòng sinh mệnh của dân tộc.

Chuyện ”Văn học Công giáo Việt Nam phát triển thế nào?”

Là một chuyện dài, của nhiều thời, nhiều người. Hôm qua, hôm nay và ngày mai. Hôm qua đã có, đã gầy dựng, đã làm nên một nền Văn học Công giáo Việt Nam, với những tác giả, tác phẩm. Họ đã đóng trọn vai trò và chức năng trong dòng lịch sử mấy trăm năm, từ 1533 đến nay. Hôm nay và ngày mai nghĩ gì, làm gì? Câu hỏi và trả lời được đặt ra về phía Hội thánh và về phía người tín hữu cầm bút. Cần phải có một gặp gỡ, một hội luận, một trao đổi, một bàn bạc, một lắng nghe, một tiếp thu và cùng nhau bắt tay thực hiện? Câu hỏi còn treo lơ lửng đấy.

BCT: Xin hỏi anh một chút riêng tư. Đọc thơ anh, BCT thấy man mác một nỗi buồn, mênh mông là buồn, nó chi phối giọng thơ và tạo nên chất trữ tình của thơ anh. Anh có thể “mở lòng” với bạn đọc được xíu nào không?

LĐB: Thưa anh, quên đi thì thôi. Chứ hễ nhắc nhớ tới, là lại buồn. Anh hỏi tôi, cái buồn gì? Nói ra có vẻ… không đâu. Mà là cái buồn… thiên cổ, không thể gọi tên. Tôi không oán trách, vì chính mình làm khổ mình thôi. Biết mà không sao dứt đường…tơ được. Đúng là nhiều khi, đọc Kinh Thánh, rồi đọc thơ, thấy mình tìm được ủi an. Y như ông Phùng Quán bảo ”vịn câu thơ mà đứng dậy.”

Cũng may, thưa Anh, chúng ta còn một trạm dừng, một bến đỗ, là văn chương. Trong tôi, mặc dù già yếu và sống xa quê, nhưng lúc nào cũng tươi nguyên một cuộc sinh sôi, đi tìm cái mới, cái hay, cái đẹp cho ngôi đền thi ca Công giáo. Cho mình và biết đâu, nhờ ơn Chúa, truyền cảm hứng, mở đường cho người đi sau. Sự thật là đã gần hết cuộc đời rồi, chính tôi không hiểu nổi ”cuộc hoá sinh và nhập thể” giữa mặt đất với bầu trời, giữa thánh thiêng và dung tục, giữa đạo với đời ra sao trong thơ tôi. Nhưng chắc chắn là có, không thể phân tích hoặc lý giải được.

BCT: Cám ơn anh nhiều. Kính chúc anh sức khỏe, niềm vui và dồi dào Ơn Chúa để anh tiếp tục “Hành Hương” đến những miền bờ xôi ruộng mật của tư tưởng và nghệ thuật, “đi tìm cái mới, cái hay, cái đẹp cho ngôi đền thi ca Công giáo”…góp phần làm giàu cho thi ca Công giáo đương đại.

Tháng 7/2020

Bùi Công Thuấn

https://vanhoadatmoi.net/dat-moi/tac-gia-dat-moi/not-tam-long-voi-thi-ca-cong-giao-tro-chuyen-voi-nha-tho-nha-nghien-cuu-van-hoc-le-dinh-bang.html