Truyện kể về một con chim Sẻ - Kính dâng Đức Viện phụ Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca trong những giờ phút cuối cùng của cuộc lữ hành

admin

 


Tôi ẩn mình bên CHÚA,

tại sao các người lại bảo tôi:

"Trốn về núi đi, này chim sẻ! (Tv 11,1)

 

Đó là câu thánh vịnh mà tôi muốn dựa vào đó để kể cho các bạn nghe về cuộc đời một con chim sẻ. Đó là chú Sẻ Trần Văn Bảo, sinh ngày 18/7/1944 trong một tổ ấm ở giáo họ Phát Ngoại, giáo xứ Phát Diệm, giáo phận Phát Diệm, thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình đạo hạnh.

Bước đầu chập chững

Thời thơ ấu, ngày ngày Sẻ hồn nhiên bay nhảy cùng chúng bạn nơi đồng ruộng xanh biếc. May mắn thay, chim Sẻ có một người mẹ tuy chữ nghĩa không nhiều, nhưng dạy dỗ con cái rất mực ngoan đạo. Vì thế, chim non đã được người mẹ tập yêu mến cả bầu trời bao la với muôn ngàn tinh tú, chứ không riêng những cánh đồng lúa mạ với những hạt thóc nhỏ nhoi. Vì thế, ngay từ tấm bé, Sẻ đã rất siêng năng tham dự  thánh lễ và kinh nguyện, thay vì chỉ biết nô đùa nghịch ngợm.

Tung tăng cùng chúng bạn được mươi năm nơi quê nhà. Tháng 7 năm 1954, chim Sẻ được ông ngoại tập bay xa hơn, vào tận đến miền Nam và trú lại ở Giáo xứ Bình Xuyên, thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Một hôm, sau thánh lễ, đang chơi đùa cùng chúng bạn, tình cờ cha Placide Phạm Lịnh Phán – linh mục đan sĩ dòng Xitô Mỹ Ca ở Cam Ranh, Khánh Hòa – đi ngang qua. Ngài để mắt đến chú Sẻ Trần Văn Bảo, rồi vỗ đầu và nói ‘Con đi tu với cha nhé’.

Không biết lúc ấy Sẻ non đã biết đi tu là gì hay chưa? Nhưng cũng vui vẻ thưa lại rằng, ‘xin cha cho con về xin phép thầy mẹ trước đã’.

Tối hôm đó, Sẻ non e dè thưa với cha mình câu chuyện lúc chiều. Người cha trầm ngâm nhìn đứa con thơ dại của mình rồi khẽ nói: ‘ Nếu sáng mai khi nhà thờ rung chuông, mà con đã thức dậy đi lễ, thì đó là dấu chỉ con có ơn gọi theo Chúa.

Người em gái của chim Sẻ (nay là Sơ Yên) theo dõi suốt câu chuyện đêm qua của anh mình với cha, nên để ý và theo dõi xem anh Bảo có thức dậy đi lễ sáng hay không?

Sơ Yên kể lại: Sáng hôm sau, khi chuông nhà thờ vừa đổ thì đã thấy anh Bảo thức dậy đi lễ.

Thế là người mẹ dẫn chim Sẻ đến nhà bà cố cha Phán để gửi anh theo cha đi tu. Và ngày 21/05/1956, khi chưa tròn 12 tuổi, Sẻ non khăn gói theo cha Phán bay ra miền thùy dương cát trắng để cùng sống trong một tổ ấm mới – Đan Viện Xitô Mỹ Ca ở Cam Ranh, để có thể mở mắt trước sự bao la của biển cả và chiêm ngưỡng sự mênh mông của bầu trời đầy sao.

Để giúp chim Sẻ cảm nhận được vẻ đẹp của biển cả và trời mây, từ năm 1957 đến 1960, nhà dòng gửi chim Sẻ vào tiểu chủng viện Phan Rang để học và tập cho mình có đôi mắt nhìn xa hơn và trông rộng hơn. Suốt ba năm biền biệt xa nhà, chim Sẻ mới được một lần bay về thăm lại thầy mẹ của mình, để rồi sau đó lại đăng trình vỗ cánh bay xa.

Bước vào chiêm niệm

Đến tháng 7 năm 1964, Sẻ được mời gọi bước vào Thỉnh Viện để tìm hiểu rõ hơn con đường mà mình sẽ tung cánh bay cao. Ngày lễ Truyền Tin, 25/3/1965, Sẻ có một tên mới – Phaolô Lê Bảo Tịnh và chính thức bước vào Tập viện để rèn cho mình có một sức khỏe dẻo dai để có thể bay xa hơn và tập tính kiên định để không còn thay đổi hướng bay của mình.

Ngày lễ Thánh Giuse thợ, 01/05/1966, Sẻ được khấn lần đầu và sau đó được gửi đi tìm hiểu ý nghĩa và mục đích của cuộc sống (triết học) tại Học viện Đa Minh, Thủ Đức. Và sau đó, một lần nữa, Sẻ gắng sức mình để bay xa hơn, lần này Sẻ không còn quanh quẩn nơi những mảnh đất ở trời nam, nhưng bay vút đến những vùng đất rộng lớn bên trời Tây để học biết về Đấng Thượng Trí (thần học) đã sáng tạo nên muôn vàn vẻ đẹp trong vũ trụ mênh mông này.

Và sau 6 năm theo đuổi ước mơ, từ 25/03/1965 đến ngày 25/03/1971, Sẻ chính thức hòa nhập vào đàn chim Xitô với lời vĩnh khấn, chỉ chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp duy nhất của đời mình, trong niềm vui lao động và cầu nguyện tại Đan viện Hauterive, Thụy Sĩ.

Niềm vui Vĩnh khấn của chim Sẻ đã được nhà thơ Song Lam diễn tả qua thi khúc “Chớm xuân”, với hình ảnh ‘Nắng”, ‘Hoa’ và ‘Nụ’ thật sống động bằng ngôn ngữ thi ca đượm chất trữ tình.

 

Chớm Xuân[1]

“Em gái ta còn bé, ngực em chưa nở.

Ta sẽ làm gì cho em

ngày người ta nói đến chuyện duyên tình của em?”

(Dc 8, 8)

 

Hoa mong ước – duyên mãi luôn là nụ

Biết mong chờ biết nhung nhớ Nắng Mai

Biết nép mình đợi Nắng Xuân quyến rủ

Khiết một lòng, hương chẳng thể phôi phai.

 

Biết bao đêm nụ mềm trong khao khát

Nỗi khát khao gặp gỡ đến dại khờ

Nắng mau đến kẻo hương phai sắc nhạt

Nụ héo dần chẳng hé được cánh mơ.

 

Nắng rực lên cho nụ thêm hơi ấm

                Xua tan đi băng giá những ngày mưa

Trải năm tháng vắng Nắng Hồng – thiếu lửa

Duyên nhạt màu, nụ chẳng thể đong đưa.

 

Nắng rợp bóng cho nụ mau chín tới

Suốt đông dài lạnh lẽo giấc triền miên

Nụ mong hé đón duyên mùa xuân mới

Hỡi Nắng Hồng mau tỏa Ánh Vô Biên.

 

Nắng càng ấm nụ càng mau chín mọng

Hương thơm tho vị rất đẫm ngọt ngào

Nắng càng mơn duyên xuân tròn thêm óng

Ong bướm vờn, mặc mây gió xôn xao.

 

 

Nắng chớp ánh ươm nụ thơ sáng rực

Hồng cánh tình hoa hé nụ chớm xuân

Gió khẽ lay khơi duyên thêm náo nức

Biết thẹn thùng e ấp đón Tình Quân.

 

Sống khiêm nhường trong lao động và cầu nguyện, lần này không phải cha Phán gọi chim Sẻ đi tu, nhưng chính Trời Cao đã muốn Sẻ non lột xác để biến thành Phượng Hoàng, nên ngày 20/8/1973, Sẻ bắt đầu thay bộ lông vũ màu tro của loài sẻ bằng bộ lông ngũ sắc của Phượng Hoàng, khi được truyền chức Phó tế.

Trong ngày lãnh nhận thánh chức Phó Tế, Sẻ rất hài hước khi gửi cho em gái mình (Sơ Yên) một câu rất dí dỏm ‘Kể từ ngày hôm nay, em sẽ không bao giờ có một người chị dâu tên Bảo’.

Và bộ lông ngũ sắc của Phượng Hoàng càng ánh lên vẻ sặc sỡ khi được Đức Cha Antoine Hangy truyền chức Linh mục vào ngày 05/10/1974 tại nhà thờ xứ Saint-Urban, Lucerne, Thụy Sĩ.

Vẫn với tính vui nhộn cố hữu, lần này Phượng Hoàng lại gửi cho em gái mình (Sơ Yên) cũng một bức thư, nhưng lại hí hước bằng một hình vẽ đầy ý nghĩa biểu tượng của một niềm vui thinh lắng và khiêm nhường. ‘Hôm nay trong ngày lễ truyền chức linh mục, anh thấy mọi người rất đông đủ và vui vẻ, nhưng về sự hiện diện của gia đình mình là 0’, chim Sẻ vẽ một con số không to tướng ở giữa trang giấy khiến cho cô em gái cười ngặt nghẽo, nhưng lại vô cùng cảm thông và càng thương người anh cô vắng nơi phương xa của mình.

Giữa những ngày tháng bay lượn nơi trời Tây, Sẻ vẫn mang trong tim mình một hoài bảo, ‘như cái tên – Trần Văn Bảo’ và ‘Phaolô Lê Bảo Tịnh’, là một ngày nào đó, chim Sẻ bay qua biển Đông để trở về tổ ấm trời nam. Nơi mà Sẻ đã tập sải những cánh thơ đầu đời.

Nhưng cánh Sẻ nhỏ nhoi đã không thể nào vượt nổi trận cuồng phong năm 1975, nên đành phải lưu lại bên trời Tây với nỗi khát mong đêm ngày thôi thúc mong ngày về lại quê hương Việt Nam. Kể từ đó chim Sẻ bắt đầu cuộc đời mục vụ đó đây.

Năm 1975 – 1976, Sẻ bay qua Pháp, sống tại Nhà Mẹ Lérins, Cannes. Năm 1976 – 1980, Sẻ bay trở lại Thụy sĩ sống với các anh em Mỹ Ca (Thầy Antoine Hiền, cha Émilien Mai và cha Robert Niêm tại Notre-Dame de Tours.

Ngày 01/10/1980, Sẻ được mời làm tuyên úy cho kiều bào Việt Nam tại Đan Mạch.

Tháng 02/1985, Sẻ rời Đan Mạch, trở về Thụy Sĩ sống với các anh em Mỹ Ca tại Notre-Dame de Tours.

Ngày 06/09/1987, Sẻ được cử làm cha phó tại giáo xứ Montreux, Canton de Vaux, Thụy Sĩ.

 

Niềm vui trở về

Đến ngày 06/09/1994, sau 25 năm xa quê hương, Ngọn Gió Thần Khí đã đưa chim Sẻ rời xứ Montreux, Canton de Vaux, Thụy Sĩ để bay về Đan Viện Xitô Mỹ Ca, Cam Ranh, Khánh Hòa, Việt Nam, nơi mà suốt bao năm Sẻ đã ao ước được trở về sống vĩnh cư nơi tổ ấm đầu tiên của đời đan sĩ.

Niềm vui trở về của chim Sẻ đã được nhà thơ Song Lam thi vị hóa qua bài “Ánh minh khai” như là bước khởi đầu đầy triển vọng và tươi sáng của chim Sẻ, khi luôn biết chọn Chúa làm núi đá cho Sẻ non trú ẩn.

 

Ánh Minh Khai[2]

           “Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
            là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
            bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
            và bao tiếng lòng con thầm thĩ
            mong được thấu đến Ngài.”
(Tv 19, 15)

 

         

                           (Đan viện Xitô Mỹ Ca ở Cam Ranh)

                           Đã bao năm ẩn mình nơi đất khách

Hồn mơ về mảnh đất mẹ phương xa

Nắng sớm, Gió chiều, Mây rợp bóng Mỹ Ca

Nơi Sẻ đã một thời bay chập chững.

 

 (Đan viện Xitô Mỹ Ca ở Cam Ranh)

 

Sẻ nào quên chuỗi ngày thơ trong trứng

Bình minh lên tập tễnh giữa mênh mông

Sẻ vui hót bay lượn suốt cánh đồng

Tìm hạt thóc tạ ơn Trời thương cứu.

                    

                                  (Đan viện Xitô Mỹ Ca ở Cam Ranh)

 

Sẻ tung cánh bay lên cùng bằng hữu

Theo Gió Nguồn tắm Nắng Ấm trên cao

Hớp Ý Thơ thêm sức sống dồi dào

Đôi cánh mỏng nhẹ nâng hồn chiêm niệm.

(Đan viện Xitô Mỹ Ca ở Lập Định, Cam Hòa, Cam Lâm)

 

Sẻ bay về chốn hoang vu tìm kiếm

Vui hợp lòng xây lại tổ yêu thương

Chút lá khô tìm kiếm khắp nẽo đường

Cùng chung sức kết thân yêu còn lại.

Trời hôm nay nở hoa thiêng Đức Ái

Gắng vượt qua những gian khổ chông gai

Trên đất mẹ ngời ngợp Ánh Minh Khai

Hồn rộng mở đón hồng ân thánh hiến.


Năm mươi năm Tình Ngài luôn hiện diện

Nâng cánh mềm khỏi chao đảo bơ vơ

Lời tạ ơn, Sẻ hót những vần thơ

Hồn mong chờ ngày hiệp vui Vĩnh Cửu.

Tuy đã hóa thân thành Phượng Hoàng với nhiều năm sống theo phong cách Châu Âu, nhưng Sẻ vẫn giữ cái cốt cách khiêm nhường, giản dị và thanh bần như màu xám lông vũ của loài chim sẻ.

Sẻ cố gắng gầy dựng lại tổ ấm ít ỏi và nghèo nàn của mình ở Mỹ Ca đã bị tàn phá sau những tháng năm bị mưa sa bão táp, làm tản mác những cánh chim thơ và rơi dần những cánh non nhỏ dại. Đan viện Xitô Mỹ Ca ở bán đảo Cam Ranh, đã được dời về trú ẩn tại thôn Lập Định 2, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, thuộc Giáo phận Nha Trang. Và cũng chính từ đây, những điều học được nơi xứ người đã được Sẻ tinh lọc để huấn luyện những cánh chim non bay tiếp con đường chiêm niệm mà thánh Tổ phụ đã bay qua.

 

Ánh Huyền Thanh[3]

“Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau

và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa.” (Ep 2, 21)

 



Đấng Thánh Thiêng duyên thành nên Chiếc Nón

Trao yêu thương gọt giũa chuốt trau vành

Dáng cao cao thanh thanh vươn nét nhọn

Tỏa bình hài lấp lánh Ánh Trời xanh.

 


Ngắm Nón Thơ nhẹ nhàng buông khéo léo

Cánh đơn sơ uốn mềm mại cong tròn

Trải lá đều đan xen không chồng chéo

Ánh huyền thanh biêng biếc sắc liễu non.

 


 

Từng đường kim chằm thơ lên cánh lá

Cho Nón Yêu thêm xinh dáng đẹp màu

Ánh duyên trinh óng huyền linh thanh nhã

Rung cõi lòng nghe tình lắng khiết sâu.



(Hình bên trong chiếc nón của Đan Viện Xitô Mỹ Ca)

Nón kết quai xanh xanh mơn ánh lụa                                      

Thả dáng thơ thanh thoát nét diễm kiều

Buông dãi tình rải tơ gieo hương lúa

Thơm đất trời dào dạt cả mùa yêu.

 



Nón khiết thanh tựa mình trên Đá Tảng

Dáng vững vàng tồn tại mãi muôn năm

Dẫu đêm đen vẫn rạng ngời chiếu sáng

Ngày mỗi ngày Ánh Huyền vẫn ghé thăm.

Ơi Chiếc Nón khiêm trang duyên xinh xắn

Vươn giữa trời đón Suối Nắng Sương Thiêng

Che đàn chim vui ẩn trong thanh vắng

Ngày líu lo đêm ngân khúc vô biên.

 

Từ năm 1995-1997, Sẻ được đề cử làm Tập Sư. Rồi đến ngày 16/8/1997 được Viện Phụ Hội Trưởng Vladimir Gaudrat nhà mẹ Lerins đặt làm Bề trên Đan Viện Mỹ Ca thay cha Placide Phạm Lịnh Phán vì tuổi già sức yếu. Cuối cùng, ngày 14/07/2014, Sẻ được anh em đề cử làm Phượng Hoàng khi nhận lãnh trách nhiệm Viện Phụ tiên khởi của Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca. Thánh Lễ chúc phong Viện Phụ do Đức Cha Giuse Võ Đức Minh chủ sự ngày 01/11/2014.

           

Kể từ đây, cuộc đời của Sẻ ngày càng trở nên tất bật hơn với công việc tổ chức, đào tạo, dạy dỗ, từng bước xây dựng và mở rộng tổ ấm của mình ra khắp nơi.

           


Tại Đan viện, Sẻ thiết kế ‘Đường Thánh Giá’ với những chặng mang đầy ý nghĩa bao quanh Đan viện như nhắc nhớ mọi người ý thức rằng, đó là con đường mà người Đan sĩ sẽ cùng vượt qua với Thầy Chí Thánh – Chúa Giêsu Kitô.

  


‘Đường Thánh Giá’ được liên kết với ‘Đường Tử Đạo’ bao gồm nhóm tượng các Thánh Tử Đạo Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam dọc theo một vườn hoa có hình chữ S, tựa dáng đứng Việt Nam, mà trung tâm là tượng đài Nữ Vương các Thánh Tử Đạo.

           

Tất cả quần thể tượng đài đều quay hướng ra một hồ nước trong xanh, tượng trưng cho biển đông, mà đối diện là nguyện đường hình chiếc nón biểu trưng cho phong cách và văn hóa Việt Nam.

           

Cấu trúc tổng thể không chỉ là một kiến trúc mỹ thuật, nhưng nó còn là một nghệ thuật thánh, bởi vì người đan sĩ sống đời chiêm niệm không phải là ẩn cư để xa trần lánh tục, nhưng luôn cầu nguyện cho quê hương, tập sống chứng nhân đức tin như các thánh Tử Đạo, dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria, để luôn quy hướng mọi sự về Thiên Chúa.

Với tầm nhìn của Phượng Hoàng, tổ ấm nhỏ bé Mỹ Ca ở Cam Lâm, Khánh Hòa không còn đủ rộng để nuôi dưỡng và phát triển đàn con. Thế là Phượng Hoàng lại sải cánh bay tìm vùng đất mới cho đàn con được cất cánh bay xa.

Ngày lễ Truyền Tin, 25/03/2017, trong lần theo chân Sẻ già đến núi Động Trằm ở ấp Kim Sơn, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An để thăm Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Kim Sơn trong những ngày đầu khởi công xây dựng. Trước cảnh hoang sơ, thanh vắng và hũng vĩ của núi rừng, chúng tôi mới cảm thức được phần nào tâm hồn của những người đan sĩ sống cô tịch và chiêm niệm. Các Đan sĩ không đến nơi ồn ào nhưng tìm cảnh thanh vắng, không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thiên Chúa thể hiện qua các thụ tạo, mà còn để lắng nghe và gặp gỡ Ngài. Chính trong vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, trong một không gian thinh lắng, nhà thơ Song Lam đã cảm tác và chia sẻ với Sẻ già cảm xúc của mình qua bài “Theo vết chân đàn cừu”.

Theo vết chân đàn cừu[4]

 

 “Này hỡi trang tuyệt thế giai nhân, nếu quả nàng không biết,

           thì hãy ra đi theo vết chân đàn cừu,

           mà dẫn dê con của nàng đi ăn quanh các lều mục tử.” (Dc 1, 8)

 

 

Mây lắng xuống phủ rừng xanh bát ngát

Thoảng đâu đây gió khẽ hát vi vu

Suối róc rách như tiếng nhạc chiều thu

Đêm lặng lẽ cuốn mình vào cô tịch.

 

 

 

Tiếng rừng đêm ngân lên trong tĩnh mịch

Ru hồn thơ lắng đọng những Lời Thiêng

Đêm dù buốt có sức ấm Uyên Nguyên

Thì giá lạnh càng sưởi thêm lòng mến.

 

 


 

Đây Động Trằm – núi thiêng – thơ tìm đến

Ngắm Mây trời lặng chiêm ngưỡng Sương thanh

Phủ đồi mơ tươi ánh Nắng long lanh

Lắng nghe Gió thì thầm câu tình tự.

 

 


Cát lóng lánh cảnh tha hương lữ thứ

Hòa kết nhau trong Suối ngát yêu thương

Chẳng bận tâm cuộc trần thế vô thường

Chung mỗi ngày xây lên Cung Điện Thánh.

 


Đời cát bụi có qua đi chóng vánh

Chẳng tiếc gì – mong tìm thấy Thánh Nhan

Cảm Sương thanh ngọt hương khiết nồng nàn

Cả trần gian có chi mà không đổi.

 

 

Đẹp xiết bao bước chân yêu lặn lội

Từng ngày đêm thao thức dệt ước mơ

Kết mỏng manh thành họa ảnh Đền Thờ

Khơi Động Trằm reo muôn cung thần nhạc.

 

 


Nơi Núi Thánh mãi ngân lên tiếng hát

Hòa vi vu với những ngọn gió chiều

Tiếng róc rách vang vọng Suối Lời Yêu

Cả rừng mơ ngợp muôn triều ân sủng.

Mặc dù có nhiều công sức đóng góp cho việc xây dựng các Đan viện ngày trở nên khang trang, xinh đẹp không khác gì danh lam thắng cảnh, nhưng Sẻ luôn sống tâm tình nghèo khó như một tôi tớ khiêm hạ của Lời.                              

 (1) Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Ðường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

(2) hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.

(3) Cậy vào CHÚA, Ítraen ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm. (Tv 131)



Đã đến ‘Giờ’ tung cánh

Và sau 5 năm trên cương vị của một Phượng Hoàng (14/7/2014 - 18/7/2019) với bao gánh nặng lo toan. Phượng Hoàng đã bắt đầu mỏi cánh và không thể bay xa được nữa, đành phải về nghỉ hữu và dưỡng bệnh tại Sài Gòn từ tháng 18/7/2019 - 20/3/2021.

Chắc hẳn trong những ngày tháng dưỡng bệnh tại Sài Gòn, Sẻ già đã cảm nhận được tâm tình của Thánh Ignatiô chia sẻ, “Nếu Thiên Chúa ban cho bạn một mùa bội thu từ những thử thách, thì đó là dấu hiệu của sự thánh khiết cao cả mà Ngài muốn bạn đạt được. Bạn có muốn trở thành một vị thánh vĩ đại không? Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn thật nhiều đau khổ! Mọi thú vui trần gian không làm sao so sánh được với vị ngọt trong mật và giấm đã được dâng cho Chúa Giêsu Kitô; đó là những khó khăn, đau khổ mà chúng ta phải trải qua ‘cho Ngài’, ‘với Ngài’ và ‘vì Ngài’. Sự đau khổ chúng ta nếm trải vì tình yêu của Ngài, phải được coi là lợi ích lớn nhất mà Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta”.[5]

Và ngày 27/03/2019, khi nghe tin Sẻ già được phẫu thuật cắt bỏ khối u đầu tụy. Nhà thơ Song Lam đã cảm tác viết tặng ngài bài “Đỉnh non cao” như một niềm vui được chia sẻ đau khổ cùng với Đức Kitô.

 

Đỉnh Non Cao[6]

“Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu,

anh em hãy vui mừng bấy nhiêu,

để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.”

(1 Pr 4,13)

 

Thơ thanh thản thả hồn nghe Suối hát

Mơ ngày về hợp với Đỉnh Non Cao

Lắng trong Sương hớp dòng nước ngọt ngào

Lòng buông hết cát bụi đường lữ khách.

                                          

Thỏa khao khát tháng năm dài xa cách

Nơi cuộc trần giong ruổi bước lãng du

Nay đây mai đó, qua mấy mùa thu

Đêm đông buốt, ngày gắt gay nắng hạ.

 

Đỉnh Non Cao đầy hoa thơm cỏ lạ

Thơ gắng vươn cố chạm tới đỉnh đồi

Xin Suối Nguồn nâng lên chút nữa thôi

Nghe da diết rộn ràng trong tim lắng.

 

Vất vả, khổ đau, buồn phiền, cay đắng

Chuốt đời thơ thêm óng ánh mượt mà

Nên tình yêu hiệp nhất với Bao La

Gieo niềm vui sống vẹn toàn Thánh Ý.

 

Nay đến lúc Nguồn Thơm ban dấu chỉ

Đón nhận “Giờ” kết ước thuở xa khơi

Ngày hợp hoan, Lòng Thương Xót gọi mời

Xin hiến tế cả một đời vâng phục.

 

Vui tín thác mọi sự trong ân phúc

Thơ ngâm nga giai khúc thánh bình an

Nhẹ nhàng bơi trong Suối Ngát nồng nàn

Thơ hớp lấy từng giọt tình thanh khiết.

 

Rồi cuối cùng vết thương do những ngày vất vả bay xa để tìm phương cách nuôi dưỡng và phát triển đàn con. Sẻ già trở bệnh nặng. Sẻ biết mình đã đến giờ ra đi, phải buông bỏ bộ lông ngũ sắc trần đời, để khoác vào ánh tinh khiết của chiếc áo thiên thần. Sẻ già vui vẻ trở về Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca để sống với đàn con trong những ngày cuối đời đầy tín thác, bình an và thật tươi vui.

Và để có thể đem chút niềm vui cho Sẻ già trong những ngày đau yếu, nhà thơ Song Lam lại gửi tặng ngài bài “Tuyển phi” như là một lời khích lệ rằng, Sẻ đã được tuyển vào nội cung để phục vụ Đức Chúa. Sẻ hãy vui lên, hãy mừng lên vì giờ vào Thánh Điện đã gần đến.

 

Tuyển Phi[7]

“Lòng trào dâng những lời cẩm tú

Miệng ngâm thơ mừng chúc Thánh Quân

Lưỡi tôi ví tựa tay người phóng bút.” (Tv 44, 2)

 

Đã đến “Giờ”: tuyển phi vào Thánh Điện

Bụi là gì ? – được diện kiến Thiên Nhan

Hoa dung nguyệt mạo, nào đủ đoan trang

Đâu trong sáng, đâu long lanh như ngọc.

 

Đời sương gió kiếp bụi đường lăn lóc

Giữa gắt gay vẫn lam lũ trần mình

Chẳng nề hà những vất vả điêu linh

Luôn gắng giữ ánh pha lê thuần khiết.

 

Thân bèo bọt tạ Ơn Thiêng khôn xiết

Chút lững lơ bay lượn giữa bầu trời

Nhờ ân tình của Nắng Ấm, Gió Khơi

Tung hạt bụi lấm lem thành hạt nắng.

 

Xin ca tụng Lòng Thánh Quân uốn nắn

Cho bụi trần tỏa ánh sáng tinh khôi

Gắng bay lên theo Gió tới đỉnh đồi

Mong được ẩn vào Cung Lòng Dấu Ái.

 

Đắng chút nữa, thêm chút cay, chẳng ngại

Nỗi đớn đau nơi thân xác mọn hèn

Như cung đàn hòa muôn tiếng ca khen

Tựa nốt luyến theo nhịp yêu dìu dặt.

 

 

Hồn bình an đón nhận từng thời khắc

Cùng Nắng Yêu hoan hỉ chuyến viễn du

Theo Gió Nguồn bay lên chốn thiên thu

Vào Thánh Điện ngời ngợp trong Ánh Sáng.

 

Trong niềm cảm xúc dâng trào, tôi lắng nghe giọng ngâm ngọt ngào của nữ sĩ Song Lam, mong xoa dịu phần nào sự đau đớn đã khiến cho đôi mắt tinh anh của Phượng Hoàng nay trở nên mơ màng về một chân trời xa xăm, siêu thoát. Đôi mắt của Sẻ già tựa như ánh thu nhạt nhòa của vầng trăng đang muốn vượt ra khỏi sự vây bủa bởi những áng mây xám ngắt.

Và trong đêm mưa lất phất ấy, lúc 22g47 phút ngày 24/05/2021, lần cuối cùng, Ngọn Gió Thần Khí nâng đôi cánh mỏi mệt của Sẻ già bay xa hơn, cao hơn cho đến nơi mà Sẻ từng khao khát được nên một trong tình yêu với người Tình duy nhất.

Phượng hoàng tung cánh[8]

          “Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng mau bước!

           Quân vương đã vời thiếp vào cung nội” (Dc 1, 4a)


 Giờ phượng hoàng thỏa tình tung cánh lượn

Đón Nắng Nguồn hòa quyện với Trời Mây

Hết lắng lo cõi trần thế vương đầy

Lấm bụi đường trĩu cánh thơ mệt mỏi.

 

Suốt bao năm lướt khắp cùng bờ cõi

Tìm đất lành – chăm, sinh, dưỡng đàn con

Mướt cánh xinh uốn duyên thắm thêm tròn

Đẹp thanh khiết dâng lên Nguồn Tuyệt Mỹ.

 


         Đã đến giờ Tình Yêu gọi tri kỷ

Hãy trở về với tổ ấm khởi nguyên

Sau bao năm tim khắn khít tinh tuyền

Cùng duyên thánh từ khi còn chập chững.


Mẹ Trời Cao rộng tay yêu đón hứng

Cánh chim thơ bay về Thánh Mẫu Tâm

Ngài đương chờ dẫn người bạn trăm năm

Vào cung nội hợp duyên cùng Thánh Tử.

 


 

Giờ đã hết con đường trần lữ thứ

Giờ đã thôi những khổ nhọc gian nan

Giờ gặp gỡ Đấng Sự Sống vinh quang

Cùng Thần Khí bình an trong Tuyệt Đối.

 

Kính dâng Đức Viện Phụ Bảo Tịnh Trần Văn Bảo

Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc lữ hành

Tại Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca

Bình Nhật Nguyên

(Tác giả gửi VTCG)



[1] Song Lam, Chớm xuân, 25/10/2017

[2] Song Lam, Ánh Minh Khai, Mừng Hồng ân 50 năm khấn dòng của Viện Phụ Bảo Tịnh Trần Văn Bảo

[3] Song Lam, Ánh huyền thanh, Đan Viện Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, thôn Lập Định 2, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. 20/10/2015

[4] Song Lam, Theo vết chân đàn cừu, 25/03/2017

[5] Lm Minh Anh, Dâng một, nhận mười, Nguồn: https://tonggiaophanhue.org/loi-chua/suy-niem-moi-ngay/dang-mot-nhan-muoi/

[6] Song Lam, Đỉnh non cao, 27/03/2019

[7] Song Lam, Tuyển Phi, 07/04/2019

[8] Song Lam, Phượng Hoàng tung cánh, 23/05/2021